Phật giáo triết học của Phan Văn Hùm
Nguồn tư tưởng ở xứ Ấn-Độ trước thời Phật giáo ra đời

PHẦN THỨ NHẤT

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
CỦA PHẬT GIÁO

Nguồn tư tuởng ở xứ Ấn-Độ trước thời Phật giáo ra đời.

Thời đại thái cổ, bất luận ở xứ nào, xã hội loài người cũng sùng bái Thiên nhiên. Ngoài cái tư triều tôn giáo ra, chưa từng có ý thức gì về triết học, hoặc về luân lý.

Còn ngu muội, không cắt nghĩa được những hiện tượng quanh mình. Còn hèn yếu, mà không chước gì chống lại được sức Thiên nhiên lăm le hại mình. Như thế, đối với bầu trời man mác, hãi hùng lo sợ, người ta chỉ biết có một điều; là kiền thành kỉnh lễ, sùng bái nhứt thiết những lực gì có thể hại mình, hoặc có thể giúp mình. Hại mà sợ, giúp mà ơn. Đều là được phụng thờ.

Điều ghê sợ nhứt của người thời thái cổ là những đêm tối-tăm. Bởi phần thì lạnh lùng, phần thì không thấy đường để tránh ác thú. Cho nên được có ánh sáng, là lấy làm hạnh phúc. Nhựt, nguyệt, tinh; thần, chiếu diệu ở không trung, bởi đó mà được thờ, được coi là Thần linh.

Thờ như thế, rõ ràng là bởi cái lòng muốn trừ tai, cầu phúc, để giữ gìn lấy sự sống còn.

Lòng muốn ấy lần lần hiện ra bề ngoài bằng những nghi thức cúng tế, van vái, ca tụng.

Nghi thức đã sanh, thời lại sanh có những hạng người chăm nom, gìn giữ nó. Hạng người ấy bao giờ cũng được dân gian kính trọng. Ấy là hạng tăng lữ.

Ở xứ Ấn-độ, thời thái cổ, hạng tăng lữ nầy gọi là phái brahman.

Trước còn sùng bái ánh sáng thiên nhiên, lần lần về sau, gió, mưa, nước, lửa, đều cũng được coi là thần linh. Đó là từ độc-thần giáo (monothéisme) đã bước qua thời kỳ đa-thần giáo (polythéisme).

Bước một bước nữa, thì nhứt thiết vật gì cũng được coi là có thần cách. Ấy là thời kỳ phiếm thần giáo (panthéisme).

Về sau, tư tưởng phát đạt, mới nảy ra một cái nghi vấn. Người ta tự hỏi: căn bổn của vũ trụ là đâu?

Trả lời câu hỏi nầy, ở xứ Ấn độ thời thái cổ, có phái veda bảo rằng: Brahma (phạn thiên) là căn bổn của vũ trụ. Nhứt thiết sự vật đều là hình thái của brahma.

Vạn hữu đều ở brahma mà sanh ra. Lúc trụ thì ở tại brahma. Lúc diệt trở về brahma. Brahma như thế. Nó vô thỉ vô chung.

Con người cũng là một hình thái của brahma. Sống đây là sống gởi. Chết sẽ trở về brahma đời đời khoái lạc.

Chật vật với sự sống khổ, người ta đều hy vọng cái khoái lạc đời đời ấy. Mầm yếm thế ở đó. Kiếp sống nầy không ra gì Thôi thì mong để một khi chết yên vui ở kiếp sau. Mới sanh ra tư tưởng luân lý, khắc kỷ, cấm dục, để tự giải thoát.

Tóm lại mà xem: đầu tiên, người ta lấy khách quan nhận có thần cách, sau rồi, kết cuộc, người ta cũng tự cho mình là một hình thái của brahma, tức là cũng tự cho mình có thần cách. Bởi tự cho mình có thần cách cho nên mong được trong sạch để trở về brahma, mà ra có tư tưởng khắc kỷ, cấm dục, để cầu giải thoát.

Từ đây, mới từ thần giáo, bước sang luân lý, triết học.