Phát biểu của Tổng thống trước toàn quốc về Syria

Phát biểu của Tổng thống trước toàn quốc về Syria  (2013) 
của Barack Obama, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Tuyên bố ngày 10 tháng 9 năm 2013.

NHÀ TRẮNG

Văn phòng Thư ký Báo chí

Dành cho đăng tải ngay

Ngày 10/9/2013

Phòng phía Đông

9:01 tối giờ miền Đông Hoa Kỳ

TỔNG THỐNG:

Thưa toàn thể nhân dân Hoa Kỳ, tối nay tôi muốn nói với các bạn về Syria – tại sao điều này quan trọng và chúng ta sẽ đi những bước tiếp theo như thế nào.

Trong vòng hai năm qua, những gì bắt đầu từ hàng loạt các cuộc phản đối hòa bình chống lại chế độ đàn áp của Bashar al-Assad đã biến thành một cuộc nội chiến đẫm máu. Hơn 100.000 người đã bị giết. Hàng triệu người đã chạy trốn khỏi đất nước. Trong thời gian đó, Hoa Kỳ đã làm việc cùng các đồng minh để hỗ trợ nhân đạo, giúp lực lượng đối lập ôn hòa, và tìm giải pháp chính trị. Tuy nhiên, tôi luôn phản đối hành động quân sự bởi vì chúng ta không thể giải quyết cuộc nội chiến của ai đó bằng vũ lực, nhất là sau một thập kỷ chiến tranh tại Irắc và Afghanistan.

Mặc dù vậy, tình huống đã thay đổi một cách sâu sắc vào ngày 21/8 khi chính phủ Assad sử dụng khí độc giết hại hơn 1 ngàn người, kể cả trẻ em. Hình ảnh cuộc thảm sát này khiến mọi người kinh tởm: Đàn ông, phụ nữ, trẻ em nằm thành hàng bị giết bởi khí độc. Những người khác thì sùi bọt mép, thở hổn hển. Một người cha ôm chặt xác những đứa con, cầu khẩn cho con tỉnh dậy và bước đi. Vào đêm kinh hoàng đó, thế giới chứng kiến những chi tiết ghê rợn về bản chất kinh hoàng của vũ khí hóa học, và tại sao đại đa số nhân loại đã tuyên bố là tội ác chống lại nhân loại, và vi phạm luật lệ về chiến tranh.

Việc thảm sát như vậy không phải lúc nào cũng xảy ra. Trong Chiến tranh Thế giới I, binh lính Mỹ nằm trong số nhiều ngàn người bị giết bởi khí độc chết người trong các chiến hào ở châu Âu. Trong Chiến tranh Thế giới II, Phát xít Đức đã sử dụng khí ga tàn sát người Do Thái. Do các loại vũ khí này có thể tàn sát trên quy mô lớn, không phân biệt binh lính hay trẻ em, nên thế giới văn minh đã mất cả thế kỷ để tìm cách cấm các loại vũ khí này. Và năm 1997, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu áp đảo thông qua một hiệp định quốc tế cấm sử dụng các loại vũ khí hóa học, đến nay đã có 189 chính phủ tham gia đại diện cho 98% nhân loại.

Ngày 21/8, các quy định cơ bản đã bị vi phạm cùng với ý thức chung của nhân loại. Không ai còn nghi ngờ việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Thế giới đã thấy hàng ngàn video, hình ảnh chụp bằng điện thoại di động và các trang mạng xã hội về cuộc tấn công, và các tổ chức nhân đạo đã kể rất nhiều câu chuyện về các bệnh viên chặt ních người bị các triệu chứng của khí ga.

Hơn nữa, chúng ta biết chế độ Assad phải chịu trách nhiệm. Trong những ngày trước 21/8, chúng ta biết rằng các nhân viên phụ trách vũ khí hóa học của Assad đã chuẩn bị cho cuộc tấn công gần khu vực trộn khí ga sarin. Họ đã phân phát mặt nạ phòng khí độc cho binh sĩ của mình. Sau đó, họ bắn tên lửa từ một khu vực do chính phủ kiểm soát vào 11 vùng lân cận mà chính quyền đang cố gắng đẩy lùi lực lượng đối lập. Không lâu sau khi các tên lửa này chạm đất, khí ga bắt đầu tỏa ra, và các bệnh viện chất đầy những người đang hấp hổi và bị thương. Chúng ta biết rằng các nhân vật chủ chốt trong bộ máy quân sự của Assad đã đánh giá kết quả cuộc tấn công và chính quyền đã tăng cường nã pháo vào các vùng lân cận này trong những ngày tiếp theo. Chúng ta cũng đã tìm hiểu các mẫu máu và tóc của những người có mặt ở khu vực đã được kiểm tra dương tính với khí sarin.

Khi những kẻ độc tài phạm tội ác, chúng chỉ mong thế giới nhìn nhận theo một hướng khác cho đến khi những hình ảnh kinh hoàng phai mờ trong ký ức. Nhưng những điều này đã xảy ra. Sự thật không thể bị phủ nhận. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Hoa Kỳ và cộng động quốc tế đã chuẩn bị gì để đối phó với điều này. Bởi vì những gì xảy ra với những người này – với những trẻ em này - không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn nguy hiểm đến an ninh của chúng ta.

Tôi xin giải thích tại sao. Nếu chúng ta không hành động, chế độ Assad sẽ thấy chẳng có lý do gì phải dừng sử dụng vũ khí hóa học. Khi lệnh cấm sử dụng các loại vũ khí này bị xói mòn thì những kẻ bạo ngược khác cũng sẽ chẳng có lý do gì phải suy nghĩ chín chắn về việc tìm kiếm khí độc và sử dụng chúng. Theo thời gian, binh lính của chúng ta sẽ lại phải đối mặt với viễn cảnh cuộc chiến vũ khí hóa học trên chiến trường. Và các tổ chức khủng bố sẽ dễ dàng hơn trong việc đạt được các loại vũ khí này và sử dụng chúng để tấn công dân thường.

Nếu cuộc chiến này vượt ra ngoài biên giới Syria, các loại vũ khí này có thể đe dọa các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, và Israel. Và thất bại trong việc chống sử dụng vũ khí hóa học có thể làm suy yếu các luật cấm sử dụng các loại vũ khí hủy diệt khác và khuyến khích đồng minh của Assad là Iran, nước phải quyết định có nên lờ đi luật pháp quốc tế để xây dựng vũ khí hạt nhân hoặc tìm kiếm một con đường hòa bình hơn.

Đây không phải là thế giới mà chúng có thể chấp nhận. Đây là những gì đang bị đe dọa. Và đó là lý do tại sao, sau khi cân nhắc kỹ, tôi quyết định rằng vì lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ cần phải đáp lại việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Assad bằng một cuộc tấn công quân sự có chủ đích. Mục đích của cuộc tấn công này là để ngăn chặn Assad sử dụng vũ khí hóa học, làm giảm khả năng của chế độ Assad trong việc sử dụng chúng và cho thế giới biết rằng chúng ta sẽ không tha thứ việc sử dụng vũ khí hóa học.

Đó là đánh giá của tôi với tư cách là Tổng Tư lệnh. Nhưng tôi cũng là Tổng thống của một nền dân chủ lập hiến lâu đời nhất trên thế giới. Vì vậy mặc dù tôi có quyền phát động các cuộc tấn công quân sự, nhưng tôi tin rằng vì không có một mối đe dọa trực tiếp hoặc sắp xảy ra đối với an ninh của chúng ta, nên đưa cuộc tranh luận này ra Quốc hội. Tôi tin nền dân chủ của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi Tổng thống hành động có sự hỗ trợ của Quốc hội. Và tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ hành động hiệu quả hơn ở nước ngoài khi chúng ta cùng đứng bên nhau.

Điều này đặc biệt đúng sau một thập kỷ đặt ngày càng nhiều quyền quyết định chiến tranh vào tay Tổng thống và ngày càng nhiều gánh nặng lên vai binh sĩ của chúng ta trong khi lại loại bỏ những quyết định quan trọng của những người đại diện cho nhân dân về việc khi nào chúng ta sử dụng vũ lực.

Giờ đây, tôi biết sau mất mát khủng khiếp của Irắc và Ápganixtan, ý tưởng sử dụng bất kỳ hành động quân sự nào, dù có giới hạn thế nào đi nữa, cũng không được nhiều người ưa chuộng. Sau cùng, tôi đã dành bốn năm rưỡi để kết thúc các cuộc chiến tranh, chứ không phải bắt đầu chúng. Binh sĩ của chúng ta đã ra khỏi Irắc. Binh sĩ của chúng ta đang trở về nhà từ Ápganixtan. Và tôi biết người Mỹ muốn tất cả chúng ta ở Washington – đặc biệt là tôi – để tập trung vào nhiệm vụ xây dựng đất nước chúng ta tại quê nhà: đưa mọi người trở lại làm việc, giáo dục con cái chúng ta, phát triển tầng lớp trung lưu.

Vậy thì không có gì lạ là quý vị đang đặt những câu hỏi khó. Vì vậy, hãy để tôi trả lời một số câu hỏi quan trọng nhất mà tôi đã nghe từ các nghị sỹ, cũng như đã đọc trong thư mà quý vị gửi đến cho tôi.

Trước hết, nhiều người đã hỏi liệu việc này sẽ đẩy chúng ta vào một con dốc trơn tuột lao vào một cuộc chiến khác không? Một người đàn ông đã viết cho tôi rằng chúng ta "vẫn đang phục hồi từ sự dính líu của chúng ta vào Irắc". Một cựu chiến binh nói một cách thẳng thắn hơn: "Quốc gia này chán ngán chiến tranh lắm rồi".

Câu trả lời của tôi rất đơn giản: tôi sẽ không đưa binh lính Hoa Kỳ vào đất của Syria. Tôi sẽ không theo đuổi một hành động vô tiền khoáng hậu như Irắc hay Ápganixtan. Tôi sẽ không theo đuổi một chiến dịch không kích kéo dài như Libi hay Kosovo. Đây sẽ là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm đạt được một mục tiêu rõ ràng: ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học, và làm giảm năng lực của ông Assad.

Những người khác hỏi liệu có đáng hành động nếu chúng ta không loại bỏ ông Assad. Như một số nghị sỹ đã nói, sẽ thật vô nghĩa nếu chỉ đơn giản tiến hành tấn công “gãi ngứa” ở Syria.

Tôi xin nói rõ: quân đội Hoa Kỳ không làm việc vụn vặt. Dù chỉ là một cuộc tấn công giới hạn cũng sẽ gửi một thông điệp đến ông Assad mà không có quốc gia nào khác có thể làm tương tự. Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên loại bỏ một nhà độc tài nữa bằng vũ lực - chúng tôi học được từ Irắc rằng làm như vậy làm cho chúng ta chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra tiếp theo. Nhưng một cuộc tấn công có chủ đích có thể buộc ông Assad, hoặc bất kỳ nhà độc tài nào khác, phải suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng vũ khí hóa học.

Các câu hỏi khác liên quan đến các mối nguy bị trả đũa. Chúng tôi không bỏ qua bất kỳ mối đe dọa nào, nhưng chế độ Assad không có khả năng gây đe dọa nghiêm trọng đối với quân đội chúng ta. Bất kỳ sự trả đũa nào khác mà họ có thể tìm cách thực hiện đều nằm trong các mối đe dọa mà chúng ta đối mặt hàng ngày. Cả ông Assad cũng như các đồng minh của ông ta đều không có lợi gì trong việc leo thang, mà nó sẽ dẫn đến sự suy vong của ông ta. Còn đồng minh của chúng ta, Israel, có thể tự bảo vệ mình với lực lượng áp đảo, cũng như với sự hỗ trợ bền vững của Hoa Kỳ.

Nhiều người bạn đặt ra câu hỏi lớn hơn: Tại sao chúng ta lại nên dính líu đến một nơi quá là phức tạp, là nơi mà - như một người viết cho tôi - "những người cầm quyền sau ông Assad có thể là kẻ thù của nhân quyền?"

Quả thật một số đối thủ của ông Assad là những người cực đoan. Nhưng al Qaeda sẽ chỉ có được sức mạnh trong một nước Syria hỗn loạn hơn nếu mọi người ở đó thấy thế giới không làm gì để ngăn chặn thường dân vô tội khỏi bị giết chết bằng khí độc. Phần lớn người dân Syria - và phe đối lập Syria mà chúng tôi làm việc cùng - chỉ muốn sống trong hòa bình, với phẩm giá và tự do. Và ngay sau bất kỳ hành động quân sự nào, chúng tôi sẽ nỗ lực gấp đôi để đạt được một giải pháp chính trị giúp củng cố những người bài trừ các thế lực của chế độ độc tài và chủ nghĩa cực đoan.

Cuối cùng, nhiều người đã hỏi: Tại sao không để việc này cho các nước khác, hoặc tìm kiếm giải pháp không dùng vũ lực? Như một số người đã viết thư cho tôi, "Chúng ta không nên làm cảnh sát của thế giới".

Tôi đồng ý, và tôi luôn ưu tiên giải pháp hòa bình. Trong hai năm qua, chính quyền của tôi đã cố gắng với các biện pháp ngoại giao và trừng phạt, cảnh báo và các cuộc đàm phán - nhưng vũ khí hóa học vẫn được chế độ Assad sử dụng.

Tuy nhiên, trong vài ngày qua, chúng tôi đã nhìn thấy một số dấu hiệu đáng khích lệ. Một phần vì mối đe dọa hiện hữu về hành động quân sự của Hoa Kỳ, cũng như nhờ các cuộc đàm phán có tính xây dựng mà tôi đã có với Tổng thống Putin, chính phủ Nga đã cho thấy sự sẵn sàng tham gia với cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy ông Assad từ bỏ vũ khí hóa học của mình. Chế độ Assad đã thừa nhận rằng họ có những vũ khí này, và thậm chí còn nói rằng họ sẽ tham gia Công ước về Vũ khí Hóa học vốn nghiêm cấm việc sử dụng chúng.

Vẫn còn quá sớm để nói liệu đề xuất này sẽ thành công hay không, và bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải xác minh được rằng chế độ Assad giữ cam kết của mình. Nhưng sáng kiến ​​này có tiềm năng loại bỏ các mối đe dọa về vũ khí hóa học mà không cần sử dụng vũ lực, nhất là vì Nga là một trong những đồng minh mạnh nhất của ông Assad.

Do đó tôi đã đề nghị các lãnh đạo Quốc hội hoãn cuộc bỏ phiếu về việc cho phép sử dụng vũ lực trong khi chúng ta theo đuổi con đường ngoại giao này. Tôi mới cử Ngoại trưởng John Kerry tới gặp người đồng cấp Nga hôm Thứ Năm, và tôi sẽ tiếp tục thảo luận riêng với Tổng thống Putin. Tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của hai đồng minh thân cận nhất của chúng ta, Pháp và Vương quốc Anh, và chúng tôi sẽ phối hợp với trong việc tham vấn với Nga và Trung Quốc để đưa ra một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu ông Assad từ bỏ vũ khí hóa học của mình, và cuối cùng là tiêu huỷ chúng dưới sự kiểm soát quốc tế. Chúng tôi cũng sẽ tạo cơ hội để các thanh sát viên LHQ báo cáo kết quả tìm kiếm của họ về những gì đã xảy ra ngày 21 tháng 8. Và chúng tôi sẽ tiếp tục vận động sự ủng hộ của các đồng minh từ châu Âu đến châu Mỹ - từ châu Á đến Trung Đông - những người đồng ý về sự cần thiết phải hành động.

Trong khi đó, tôi đã ra lệnh cho quân đội chúng ta duy trì thế quân hiện tại để gây áp lực lên ông Assad, và ở vào vị trí sẵn sàng hành động nếu ngoại giao thất bại. Và đêm nay, tôi một lần nữa xin cảm ơn quân đội chúng ta và gia đình họ về sức mạnh và sự hy sinh to lớn của họ.

Thưa đồng bào Mỹ của tôi, trong gần bảy thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã là mỏ neo của an ninh toàn cầu. Điều này không chỉ có nghĩa là xây dựng nên những hiệp định quốc tế - nó còn có nghĩa là bảm đảm việc thực thi chúng. Những trọng trách của vai trò lãnh đạo thường rất to lớn, nhưng thế giới trở nên tốt đẹp hơn vì chúng ta gánh vác các trọng trách đó.

Và như vậy, thưa những người bạn bên hữu, tôi đề nghị các bạn thử hoà trộn cam kết của các bạn về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ với việc không hành động khi có một nguyên do chính đáng rất rõ ràng. Thưa những người bạn bên tả, tôi đề nghị các bạn thử hoà trộn niềm tin của các bạn về tự do và phẩm giá dành cho tất cả mọi người với những hình ảnh trẻ em quằn quại trong cơn đau, hoặc nằm cứng đờ trên sàn bệnh viện lạnh lẽo. Đơn giản là vì đôi khi chỉ có các nghị quyết và những tuyên bố lên án thì không đủ.

Thật vậy, tôi muốn đề nghị tất cả các nghị sỹ, và quý vị đang ở nhà xem TV đêm nay, hãy xem những đoạn video về cuộc tấn công, và sau đó đặt câu hỏi: Chúng ta sẽ sống trong một thế giới thế nào nếu Hoa Kỳ nhìn thấy một nhà độc tài vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế bằng khí độc, song chúng ta lại ngoảnh đầu nhìn về chỗ khác?

Franklin Roosevelt đã từng nói, "quyết tâm quốc gia của chúng ta nhằm tránh dính dáng vào các cuộc chiến tranh nước ngoài và những mớ bòng bong nước ngoài không thể ngăn cản chúng ta cảm thấy lo ngại sâu sắc khi những lý tưởng và nguyên tắc mà chúng ta đã ấp ủ bị thách thức". Lý tưởng và các nguyên tắc của chúng ta, cũng như an ninh quốc gia của chúng ta, đang bị đe dọa ở Syria, cùng với đó là vai trò lãnh đạo của chúng ta đối với một thế giới mà chúng ta tìm cách đảm bảo rằng các loại vũ khí tồi tệ nhất sẽ không bao giờ được sử dụng.

Hoa Kỳ không phải là cảnh sát của thế giới. Những điều khủng khiếp xảy ra trên toàn cầu, và chúng ta không có đủ năng lực để chấn chỉnh tất cả những gì sai trái. Nhưng khi mà, với nỗ lực và rủi ro vừa phải, chúng ta có thể ngăn chặn trẻ em khỏi bị giết chết bằng khí độc, và nhờ đó làm cho trẻ em của chúng ta an toàn hơn về lâu dài, thì tôi tin rằng chúng ta nên hành động. Đó là điều làm cho Hoa Kỳ trở nên khác biệt. Đó là điều làm cho chúng ta trở nên đặc biệt. Với sự khiêm tốn, nhưng với quyết tâm, chúng ta đừng bao giờ quên điều thiết yếu đó.

Xin cảm ơn. Chúa ban phước lành cho quý vị. Và Chúa ban phước lành cho Hoa Kỳ.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: