Phát biểu của Phó Tổng thống Harris tại cuộc họp báo
Dùng để đăng ngay
26/08/2021
Khách sạn JW Marriott Hà Nội
Hà Nội, Việt Nam
3:00 chiều (múi giờ Đông Dương)
PHÓ TỔNG THỐNG: Xin chào. Tôi sẽ phát biểu đôi điều và sau đó sẽ trả lời các câu hỏi.
Trước tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn chủ nhà Việt Nam đã chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Như các vị đã biết, tôi là Phó Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1995. Tôi tin rằng chuyến đi này báo hiệu sự khởi đầu của chương tiếp theo trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Chúng tôi có cam kết lâu dài cho mối quan hệ này vì nó quan trọng đối với người dân, an ninh và thịnh vượng của nhân dân Hoa Kỳ và, chúng tôi tin tưởng rằng, đối với cả nhân dân Việt Nam.
Trên thực tế, sự hợp tác của chúng ta trên hàng loạt các lĩnh vực hiện nay cho thấy quỹ đạo của mối quan hệ kể từ khi bình thường hóa quả thực phi thường khi chúng ta nghĩ về quan hệ hai nước trong quá khứ, tại thời điểm hiện tại và hướng đi trong tương lai.
Hiện nay, chúng ta đang tăng cường quan hệ đối tác. Cùng nhau, chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề và thách thức truyền thống cũng như những vấn đề và thách thức trong tương lai, nhìn nhận những cơ hội trong những thách thức đó, để mở ra những khía cạnh mới trong mối quan hệ của hai nước .
Đầu tiên, tôi biết rằng COVID-19 bùng phát là vấn đề được ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với người dân Việt Nam. Do đó, trong chiều nay, chúng tôi vừa đến thăm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để chuyển thêm 1 triệu liều vắc-xin từ Hoa Kỳ cho người dân Việt Nam, bổ sung vào 5 triệu liều mà chúng tôi đã chia sẻ với Việt Nam.
Và tôi muốn nói điều này với người dân Việt Nam, giống như khi các bạn đã sát cánh cùng chúng tôi trong những ngày đầu bùng phát đại dịch hồi mùa xuân năm 2020, bây giờ chúng tôi có mặt tại đây khi các bạn cần giúp đỡ. Trong sáng nay, thêm nhiều vắc-xin do Hoa Kỳ sản xuất đã đến Hà Nội thông qua cơ chế COVAX.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ cung cấp cả tủ đông để phân phối vắc-xin và hỗ trợ y tế công cộng trị giá hàng triệu đô la Mỹ.
Chúng tôi đã khai trương một Văn phòng CDC mới của khu vực Đông Nam Á.
Chúng tôi dự định và hy vọng người dân Việt Nam biết rằng chúng tôi sẽ ở bên các bạn trong cuộc chiến chống lại đợt bùng phát này.
Kể cả giữa đại dịch, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục hợp tác để củng cố mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ví dụ, trong các cuộc gặp của chúng tôi với các quan chức và lãnh đạo Việt Nam, tôi đã vận động giảm thuế đối với hàng hóa nông nghiệp của Hoa Kỳ và nhận lại phản hồi tích cực. Chúng tôi rất mong được cập nhật thêm thông tin sau cuộc trao đổi đó.
Chúng tôi cũng đã đưa ra các sáng kiến giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số, qua đó tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp do phụ nữ và người dân tộc thiểu số làm chủ.
Trong quá trình hợp tác kinh tế, chúng ta cũng đã đạt được các thỏa thuận về tầm quan trọng của việc giải quyết khủng hoảng khí hậu và cộng tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch. Bên cạnh các cuộc trao đổi mở rộng với các lãnh đạo của chính phủ Việt Nam, tôi còn trò chuyện với các nhà lãnh đạo trẻ đang làm việc trong cộng đồng về chính vấn đề này.
Trong sáng kiến hợp tác về vấn đề khủng hoảng khí hậu, chúng tôi đã phát động dự án Bảo tồn Sinh cảnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm giúp giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tôi hoan nghênh Việt Nam tham gia Sứ mệnh Đổi mới Nông nghiệp vì Khí hậu vì chúng tôi biểt chúng ta cần đẩy nhanh việc áp dụng nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu.
Trên thực tế, hôm qua tôi cũng đã có cuộc trao đổi sâu rộng với ngài Thủ tướng về mối liên hệ giữa công nghệ đó với những việc chúng tôi đang thực hiện trong chương trình không gian vũ trụ ở Hoa Kỳ. Thủ tướng đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn hợp tác với chúng tôi vì hiểu rằng một phần của chương trình này sẽ bao gồm công nghệ vệ tinh, giúp nông dân dự đoán chu kỳ thời tiết.
Tất cả chúng ta đều đồng ý – và như bản báo cáo Liên hợp quốc đã công bố trong vòng vài tuần qua – rằng vấn đề khí hậu đã đạt đến tỷ lệ khủng hoảng. Như tất cả chúng ta đều biết, Liên hợp quốc công bố một bản báo cáo với sự đồng thuận rộng rãi trên toàn cầu rằng đến năm 2030, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng thêm 2,7 độ F. Khi đó, cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên vô cùng cấp bách, và chúng tôi rất tự hào được sát cánh cùng Việt Nam, và các đối tác, đồng minh khác trên toàn cầu để đối mặt với thời khắc đó.
Trong suốt chuyến thăm, tôi cũng đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với tầm nhìn chung của chúng ta về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao nhằm ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam để đẩy lùi các mối đe dọa đối với tự do hàng hải và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Bên cạnh đó, tôi đã nêu lên vấn đề nhân quyền. Trong các buổi họp, tôi đã nêu rõ tầm quan trọng của nhân quyền đối với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ luôn hành động theo đúng hệ giá trị của mình và không ngần ngại nói lên quan điểm, ngay cả khi các cuộc đối thoại có thể trở nên khó thực hiện và khó nghe.
Khi đề cập đến việc mở ra chương tiếp theo, chúng tôi cũng rất tự hào rằng trong chuyến thăm này, chúng tôi đã có thể ký kết hợp đồng thuê đất 99 năm để xây dựng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Và chúng tôi tự hào nhìn nhận rằng hợp đồng thuê đất có thời hạn 99 năm là minh chứng cho cam kết lâu dài của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác với Việt Nam.
Tương tự như vậy, như tôi đã trình bày khi bắt đầu chuyến thăm, cam kết này thể hiện sự trân trọng và tự hào toàn diện về vai trò của Hoa Kỳ với tư cách là một thành viên của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với sự hiểu biết rằng Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm của khu vực này, đồng thời đất nước Việt Nam có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt đối với Hoa Kỳ ngang với Singapore – điểm dừng chân đầu tiên của đoàn Hoa Kỳ trong chuyến công du.
Dù ở Singapore hay Việt Nam, Đông Nam Á hay Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ dự định sẽ tăng cường tham gia và hợp tác với các đối tác và đồng minh, đồng thời thúc đẩy và củng cố lợi ích theo hướng hợp tác, cùng nhau giải quyết những thách thức của hôm nay và mai sau.
Trong suốt chuyến thăm và các cuộc gặp mặt với nhiều quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc tổ chức xã hội dân sự, tôi đã được gợi nhắc về tiềm năng của khu vực và dám khẳng định là cả tiềm năng của tất cả chúng ta khi ta thấy được những khả năng và có tham vọng đạt được những gì có thể liên quan đến lợi ích và mục tiêu chung.
Chúng tôi biết rằng việc duy trì và củng cố các mối quan hệ đối tác này có ý nghĩa sâu sắc đối với phúc lợi của người dân Hoa Kỳ. Do vậy, trong những năm tới đây, chúng tôi sẽ còn nhiều dịp quay trở lại Việt Nam để hiện thực hóa và tạo lập chương tiếp theo trong mối quan hệ đối tác và mối quan hệ của chúng ta trên tinh thần thấu hiểu rằng mối quan hệ này có lợi cho cả hai bên và có rất nhiều điều chúng ta có thể làm cùng nhau.
Và bây giờ, tôi sẽ trả lời các câu hỏi.
BÀ SANDERS: Câu hỏi đầu tiên đến từ Nguyễn Khánh của báo Tuổi Trẻ.
Câu hỏi: (Phiên dịch.) Bà đã nêu vấn đề nâng cấp quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên tầm chiến lược. Bà có thể vui lòng nói rõ hơn về điều đó không?
PHÓ TỔNG THỐNG: Chắc chắn rồi. Mối quan hệ mà chúng tôi thiết lập với Việt Nam được xây dựng dựa trên nền tảng thấu hiểu mong muốn chung là củng cố an ninh và vị thế kinh tế của hai quốc gia cũng như khả năng đáp ứng những thách thức trong tương lai.
Như tôi đã nói, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi mở rộng và kết nối quan điểm trong các cuộc họp ở đây. Cụ thể, hôm qua, trong cuộc họp với các quan chức Việt Nam, chúng tôi đã trao đổi về vấn đề COVID như một ví dụ về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng toàn cầu và những gì chúng ta có thể làm cùng nhau để hợp lực không chỉ giải quyết tình hình hiện tại về vắc xin, như tôi đã đề cập trước đây, Việt Nam đã hỗ trợ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho Hoa Kỳ và hiện tại chúng tôi đang hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam; mà còn trao đổi về những gì chúng ta có thể làm để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch không thể tránh khỏi trong tương lai.
Điều đó phần nào lý giải cho việc củng cố mối quan hệ này một cách chiến lược. “Một cách chiến lược” nghĩa là suy nghĩ xem những thách thức và cơ hội của chúng ta có thể là gì.
Chẳng hạn như chúng tôi cũng đã dành nhiều thời gian để nói về cách thức hợp tác liên quan đến chuỗi cung ứng và cách chúng tôi hiểu và biết rằng có một mối liên hệ giữa một cuộc khủng hoảng y tế công cộng toàn cầu như COVID và việc sản xuất hàng hóa thiết yếu, cũng như tác động của mối liên hệ đó đối với các nền kinh tế và lực lượng lao động trên toàn cầu.
Chúng tôi đã thảo luận sâu về ý nghĩa của việc tăng cường sức mạnh lực lượng lao động và tăng cường sức mạnh của chuỗi cung ứng.
Đó là một trong số rất nhiều ví dụ. Tuy nhiên, một lần nữa, khi nhìn lại danh sách các ví dụ, chúng đều liên quan đến việc hợp tác để ứng phó với vấn đề khí hậu.
Tôi xin được chưa chia sẻ với các bạn rằng cuộc trao đổi đã diễn ra rất hiệu quả và có chiều sâu về những mối quan tâm chung của hai nước. Hãy nhìn sông Cửu Long tình trạng xói mòn đang xảy ra ở sông Cửu Long, chúng ta sẽ nhận thấy rằng Hoa Kỳ cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự. Điều chúng ta có thể làm cùng nhau là đầu tư vào đổi mới và công nghệ, cũng như suy nghĩ về cách thức phát triển nền kinh tế thông quan việc xem xét các vấn đề như năng lượng tái tạo.
Đó là nội dung chính của cuộc đối thoại cùng với ví dụ về ý nghĩa của việc củng cố mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.
BÀ SANDERS: Câu hỏi tiếp theo đến từ Alex Jaffe của Associated Press.
Câu hỏi: Xin chào. Xin cảm ơn, bà Phó Tổng thống. Trước khi đưa ra câu hỏi, tôi cho rằng cần phải cập nhật thông tin về vụ Hội chứng Havana đã làm trì hoãn chuyến bay của bà đến Việt Nam. Bà có biết ai đứng sau vụ việc không?
Khi xem xét những sự cố đã xảy ra trên khắp thế giới trong 5 năm qua, bà muốn nói điều gì với các nhà ngoại giao đang lo ngại cho sự an toàn của họ? Hoa Kỳ có động thái nào để giải quyết tình trạng đó không?
Sau đó, tôi sẽ có hỏi tiếp về Afghanistan.
PHÓ TỔNG THỐNG: Vâng. Về các sự cố y tế mà chúng tôi gọi là bất thường như chị đã đề cập, chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra nên chưa thể chia sẻ thêm vào lúc này.
Còn đối với các nhân viên đại sứ quán, tôi đã gặp họ hôm nay và hôm qua tại buổi lễ ký kết hợp đồng thuê đất. Tôi muốn nói rằng những người đang công tác tại các đại sứ quán của Hoa Kỳ, dù ở Việt Nam hay trên toàn, nằm trong số những công chức dũng cảm và vị tha nhất mà bạn có thể gặp.
Tôi đã chia sẻ rất nhiều với họ về tầm quan trọng của công việc mà họ đang làm và ghi nhận những hy sinh của họ. Chẳng hạn như trong một năm rưỡi vừa qua khi cuộc khủng hoảng COVID hoành hành, thật đáng buồn là rất nhiều người trong số họ đã không thể về nhà ngay cả khi họ mất đi người thân trong gia đình vì COVID.
Chúng tôi đã nói về tầm quan trọng của công việc họ đang làm trong việc tạo dựng nền tảng mà chúng tôi cần thực hiện trên toàn cầu với các đối tác và đồng minh nhằm tăng cường quan hệ xung quanh quan hệ ngoại giao nhân dân và các mối quan hệ. Đó chính là công việc mà họ đang làm, và an toàn và an ninh của họ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Câu hỏi: Về vấn đề Afghanistan, trong suốt chuyến thăm, bà đã nói rằng sơ tán là mối quan tâm hàng đầu đối với hầu hết người Mỹ. Vậy khi nói đến sơ tán, Hoa Kỳ dựa vào đâu để đánh giá mức độ thành công của nhiệm vụ này? Ý tôi là như thế nào thì được coi là hoàn thành nhiệm vụ? Có phải chỉ đơn giản là sơ tán tất cả người Mỹ không? Chúng ta có một số lượng người Afghanistan cụ thể muốn sơ tán hay không?
Trên cơ sở đó, khi mà chúng ta đang nhận thấy những mối đe dọa khủng bố nhằm vào sân bay Kabul, nơi mà tình hình an ninh đang trở nên ngày càng khó khăn, bà có thể khẳng định rằng người Mỹ giờ đây được an toàn hơn thời điểm trước khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan không?
PHÓ TỔNG THỐNG: Như tôi đã nói trước đây và như bạn đã biết, ưu tiên cao nhất của chúng tôi lúc này là sơ tán công dân Mỹ, sơ tán những người Afghanistan đã từng làm việc với chúng tôi và những người Afghanistan đang gặp nguy hiểm, trong đó ưu tiên phụ nữ và trẻ em. Về việc này, chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Theo tôi biết, kể từ ngày 14 tháng 8, chúng tôi đã sơ tán hơn 80.000 người.
Và như bạn biết, ngày cũng như đêm, chúng tôi tiếp tục sơ tán hàng nghìn người vì hiểu rằng ở đó họ không được an toàn. Đó là một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm và khó khăn, nhưng nó phải được hoàn thành, và chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ này tốt nhất có thể.
BÀ SANDERS: Xin cảm ơn. Câu hỏi tiếp theo đến từ Jenny Leonard của Bloomberg.
Câu hỏi: Xin cảm ơn, bà Phó Tổng thống. Hôm nay bà đã dành thời gian – Tôi ở bên này.
PHÓ TỔNG THỐNG: Xin chào. (Cười.) Cảm ơn. Xin lỗi.
Câu hỏi: Hôm nay, bà đã dành thời gian thảo luận với các nhà lãnh đạo xã hội dân sự về nỗ lực của họ nhằm tăng cường nhân quyền và quyền lợi chính trị ở đất nước này. Trong chuyến thăm, bà cũng đã nói về việc Việt Nam là một đối tác quan trọng như thế nào khi Hoa Kỳ theo đuổi tầm nhìn về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, như bà vừa mới nhắc lại.
Tuy nhiên, tổ chức Freedom House đánh giá Việt Nam không có tự do và dẫn chứng ngày càng nhiều nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ, hạn chế hoạt động chính trị và thiếu tính dân chủ. Vì vậy, câu hỏi của tôi dành cho bà là: Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc có hệ thống chính trị tương tự nhau, điều gì khiến Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của Hoa Kỳ còn Trung Quốc trở thành mối đe dọa đối với khu vực?
Và tiếp theo, bà có nhận được bất kỳ cam kết nào khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ đối với việc đảm bảo trả tự do cho những người bất đồng chính kiến gốc Việt hay bất kỳ kết quả rõ ràng nào khác không?
PHÓ TỔNG THỐNG: Về luận điểm sau cùng của bạn, những vấn đề này đã được đưa ra và thảo luận, cùng với vấn đề nhân quyền trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo của chính phủ Việt Nam và nhà lãnh đạo xã hội dân sự bởi vì đó là mối quan ngại thực sự của Hoa Kỳ.
Như tôi đã nói trong phần mở đầu, chúng tôi sẽ không né tránh những cuộc thảo luận khó khăn. Chúng ta thường có những cuộc thảo luận khó khăn với những người mà ta có quan hệ đối tác. Và chúng ta đúng là có quan hệ đối tác với Việt Nam.
Ngoài những quan ngại về vấn đề nhân quyền, chúng tôi có quan hệ đối tác liên quan tới, ví dụ, như tôi đã nói, mối quan hệ có đi có lại xung quanh việc hỗ trợ công dân hai nước vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu mang tên COVID-19.
Chúng tôi có một mối quan hệ với Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến sức mạnh kinh tế, chẳng hạn như sự quan ngại của nông dân Hoa Kỳ đối với thuế quan. Đó là lý do tại sao tôi đặt vấn đề về khả năng giảm thuế đối với hàng hóa nông nghiệp của Hoa Kỳ.
Vì vậy, có rất nhiều việc phải làm liên quan đến việc tăng cường sức mạnh của hai quốc gia, và, cụ thể là các mối quan ngại an ninh. Không có gì phải bàn cãi về điều đó. Như bạn đã nói, tự do hàng hải là ưu tiên quan trọng của chúng tôi; nó không chỉ liên quan đến an ninh mà còn liên quan đến thương. Và việc chúng ta phải làm để tiếp tục lên tiếng khi cần thiết về vấn đề nhân quyền. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó.
BÀ SANDERS: Câu hỏi tiếp theo đến từ Tarini Parti của Wall Street Journal. Tarini ở ngay đằng kia.
Câu hỏi: Thưa bà Phó Tổng thống, tuần này bà đã lên tiếng về các hành động bắt nạt và gây hấn trên biển của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trong khu vực, đặc biệt là ở Đài Loan thì chính quyền Biden dự tính có hành động nào khác để ngăn chặn điều này không, trong bối cảnh dường như chưa có giải pháp nào hiệu quả cho đến nay? Liệu chính quyền Biden có xem xét tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông hay áp dụng các biện pháp trừng phạt không?
PHÓ TỔNG THỐNG: Vâng, vấn đề này đã được đề cập ở câu hỏi trước. Khi nói đến Bắc Kinh, tôi xin làm rõ, đồng thời Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Song, đối với những vấn đề như bạn đã nêu – vấn đề Biển Đông, chúng tôi sẽ lên tiếng. Chúng tôi sẽ lên tiếng khi Bắc Kinh có hành động đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ – chẳng hạn như hoạt động ở Biển Đông.
Đặc biệt, vấn đề tự do hàng hải này là vấn đề sống còn của khu vực. Tôi đã phát biểu về vấn đề này ở cả Singapore lẫn Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng chúng tôi giữ vững cam kết với các đối tác và đồng minh của mình về những vấn đề quan trọng như thế này.
Tuy nhiên, chính sách của chúng tôi rộng lớn hơn nhiều so với phạm vi vấn điều Biển Đông. Quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á – một lần nữa tôi xin nhắc lại – liên quan đến một số vấn đề về hiệu quả và tăng cường vị thế của mỗi quốc gia chúng ta.
BÀ SANDERS: Câu hỏi cuối cùng đến từ Sally Bronston của NBC. Sally ở ngay đằng kia.
Câu hỏi: Thưa bà Phó Tổng thống, bà là người vận động mạnh mẽ cho phụ nữ và trẻ em trong suốt sự nghiệp của mình. Hoa Kỳ có những phương án cụ thể nào để tiếp tục giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ, không thuộc các chương trình chính thức của Hoa, rời Afghanistan sau thời hạn 31 tháng 8 nếu họ mong muốn rời khỏi đó? Chính quyền sẽ làm gì để hỗ trợ những người phụ nữ không được phép rời khỏi Afghanistan? Taliban tuyên bố họ sẽ tôn trọng quyền phụ nữ trong phạm vi luật Hồi giáo. Hoa Kỳ sẽ buộc Taliban chịu trách nhiệm về tuyên bố này như thế nào?
PHÓ TỔNG THỐNG: Vâng, bạn nói đúng – tôi đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình để theo đuổi một số vấn đề nhưng đặc biệt chú trọng đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Chắc chắn bất kỳ ai trong chúng ta đang quan tâm theo dõi đều lo ngại về vấn đề đó ở Afghanistan.
Trước đây, chúng tôi đã từng nói và bây giờ tôi sẽ nhắc lại rằng chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể liên quan đến quá trình sơ tán, đồng thời làm tất cả những gì chúng tôi có thể trên phương diện chính trị và ngoại giao để đảm bảo và tiếp tục nỗ lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong khu vực đó, bao gồm cả việc hợp tác với đồng minh.
Không ai không biết rằng nhiều đồng minh của chúng tôi sẵn sàng hợp sức với chúng tôi để đảm bảo rằng chúng tôi luôn tập trung vào vấn đề đó, tại khu vực đó và làm mọi điều có thể cùng nhau với tư cách là một cộng đồng toàn cầu.
BÀ SANDERS: Xin cảm ơn tất cả mọi người. Buổi họp báo đến đây là kết thúc.
HẾT 3:22 chiều (múi giờ Đông Dương)
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).