Phát biểu của Ngoại trưởng Michael R. Pompeo về vai trò của Hoa Kỳ tại Châu Á: Hợp tác kinh tế lâu dài

Phát biểu của Ngoại trưởng Michael R. Pompeo về vai trò của Hoa Kỳ tại Châu Á: Hợp tác kinh tế lâu dài  (2019) 
của Michael Richard Pompeo, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Bài phát biểu ngày 2 tháng 8 năm 2019.


BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ
Văn phòng Phát ngôn viên
Thông cáo trực tiếp


PHÁT BIỂU
Ngày 02 tháng 8 năm 2019
Siam Society
Bangkok, Thái Lan

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Xin chào mọi người. Peter, cảm ơn anh vì những lời giới thiệu rất hay vừa rồi. Tôi cũng muốn cảm ơn Siam Society và Chủ tịch Hội đã mời tôi đến đây. Tôi cũng biết là ngày hôm nay ở đây, trong phòng này, chúng ta có rất nhiều doanh nhân xuất sắc.

Tôi cũng muốn cảm ơn Greg Bastion, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Thái Lan. Ông ấy là một cựu học viên tốt nghiệp West Point, và điều này lại càng tuyệt vời hơn.

Tôi cũng đặc biệt muốn cảm ơn ngài Đại sứ Thái Lan sắp sang đảm nhiệm tại Hoa Kỳ vì đã cùng tham gia với chúng ta ở đây hôm nay. Xin cảm ơn ngài đã có mặt ở đây.

Và không có vị khách VIP nào lớn hơn so với vợ tôi, Susan, người cũng đang ngồi ngay hàng ghế đầu tiên. (Tiếng cười.) Được rồi, tôi đã ghi điểm khi đưa ra nhận xét đó, và điều đó thật tuyệt. (Tiếng cười.)

Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Bangkok trên cương vị Ngoại trưởng. Tôi đã từng đến đây. Tôi đã đến khu vực này rất, rất nhiều lần. Nhưng lần này có mặt ở đây là một điều đặc biệt. Như đã đề cập, Hoa Kỳ đã có mối quan hệ lâu dài, tốt đẹp với Thái Lan trong 200 năm. Và tôi biết chúng ta sẽ vẫn là những người bạn tốt và tuyệt vời trong vòng 200 năm tới.

Nơi mà chúng ta đang đứng ở đây có một khẩu hiệu. Khẩu hiệu của Siam Society là, xin được trích dẫn “Tri thức mang tới tình bạn.” Trên tinh thần đó, tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây về quan điểm của tôi đối với hoạt động hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ trong khu vực. Tôi không biết có yếu tố nào trong mối quan hệ của chúng ta lại có thể quan trọng hơn điều này. Đây là lịch sử mà đôi khi đã bị lãng quên, và còn tệ hơn, bị bóp méo bởi những người không đặt lợi ích cao nhất chung của chúng ta lên hàng đầu.

Đây là câu chuyện về các mối quan hệ đã từng khó thể hình dung, nhưng giờ lại không thể thay thế đối với tất cả chúng ta.

Đây là câu chuyện về một đất nước thực sự mong muốn tìm kiếm những đề xuất hai bên cùng có lợi.

Đây là câu chuyện về những nguyên tắc của Mỹ và sự thịnh vượng của Châu Á.

Cho phép tôi kể cho các bạn về gia đình Anurak sống ngay chính tại Thái Lan này. Cách đây không lâu, ông Anurak là một giám sát viên tại một công ty xây dựng, và vợ ông làm y tá. Một cuộc sống trung lưu bình thường, đúng vậy. Nhưng họ mong muốn có được nhiều hơn. Họ mong muốn có được nhiều thứ hơn cho con cái họ, giống như mọi gia đình đều mong muốn. Họ mở một trại nuôi gà nhỏ.

Năm 2006, công ty Cargill của Mỹ, là công ty đã đầu tư tại Thái Lan từ năm 1968, phát hiện ra họ.

Công ty này hợp tác với gia đình họ nhằm nâng cao hiệu quả, giúp họ có được các kỹ năng quản lý.

Quan hệ đối tác này với phía Mỹ mang lại kết quả cực tốt. Ngày nay, một trang trại từ lúc ban đầu đó đã trở thành 5 trang trại, và họ có thu nhập trung bình là 78.000 đô la mỗi tháng, liên tục.

Và khi họ sẵn sàng mở rộng hơn nữa, họ biết rằng mình có một đối tác chắc chắn tại doanh nghiệp tuyệt vời kia của Mỹ.

Sự thịnh vượng đáng kinh ngạc này khác xa rất nhiều so với sự tàn phá và tính bất định bao trùm Châu Á sau Thế chiến II, cách đây cũng chưa phải là lâu lắm.

Thời đó, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là một khu vực thịnh vượng – không hề là một khu vực thịnh vượng như chúng ta biết đến ngày nay. Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia trong khu vực này đã phải tranh đấu để tìm ra con đường của mình.

Ấn Độ đã dành được độc lập từ Đế chế Anh, và sau đó đến Pakistan và Bangladesh cũng đi theo những con đường riêng của mình. Singapore và Malaysia chia tách. Đài Loan và Trung Quốc lục địa đi theo những hướng khác nhau. Tư tưởng cộng sản trỗi dậy tại Bán đảo Triều Tiên, và tại Việt Nam, cũng như Indonesia.

Nhưng hãy nhìn xem thời gian đã thay đổi như thế nào:

Seoul (Xê-un) hiện là quê hương của những công ty tầm cỡ thế giới như Samsung và LG.

Singapore là nơi đặt trụ sở chính trong khu vực của Facebook, Microsoft, Pfizer, và rất nhiều văn phòng luật sư.

Hà Nội luôn tràn ngập xe máy và ô tô lướt nhanh trên phố.

Bangalore là nơi cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin cho toàn thế giới.

Đường chân trời tại Đài Bắc – đường chân trời tại đây có biểu tượng là tòa cao ốc Đài Bắc 101, một trong những tòa nhà cao nhất thế giới.

Và thậm chí cả Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đã trở thành những cỗ máy kinh tế.

Và tất nhiên, câu hỏi cần đặt ra cho tương lai là: Tất cả những điều này đã diễn ra như thế nào?

Đó không phải là một phép lạ về kinh tế, và trên thực tế, điều đó cũng không hề được định trước.

Sự thịnh vượng này có được bởi hai yếu tố hết sức giản đơn: thương mại và tự do.

Vâng, tôi là một quân nhân trong Lục quân, và tôi không muốn ca ngợi cánh Hải quân vì bất kỳ điều gì, nhưng sự thật là – sự thật chính là các tuyến đường hàng hải chính của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã và hiện vẫn đang được bảo vệ bởi các thủy thủ Mỹ. Tại khu vực này, nếu như các cường quốc thực dân trước đây đòi hỏi sự khuất phục, nước Mỹ lại mang đến an ninh.

Về kinh tế, điều này là đúng. Đúng là các chính phủ đã tạo dựng nên các công ty hàng đầu của quốc gia, nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Tăng trưởng do nhà nước làm chủ đạo không thể đưa bạn đi được xa.

Bởi đến cuối cùng, sự thăng hoa của con người chỉ có thể thực sự bùng nổ khi các chính phủ lùi lại nhường chỗ. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chỉ thực sự khởi sắc khi các quốc gia áp dụng theo công thức mà tôi đã nói đến tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân Toàn cầu tại Amsterdam mùa hè vừa rồi. Điều này hết sức đơn giản: quyền sở hữu tài sản, pháp quyền, giảm thuế, và trên hết là sự can thiệp hạn chế về quản lý từ phía chính phủ.

Đó là khi những con hổ Châu Á thực sự cất tiếng gầm, và những chú hổ con bắt đầu tự đứng lên.

Điều này đúng ngay cả tại Trung Quốc lục địa, cũng như tại Singapore, cũng như tại Đài Loan, và đúng ngay tại Thái Lan này.

Những công ty khổng lồ trong nước giống như Samsung, Honda, Taiwan Semiconductor, Mahindra & Mahindra, và nhiều nhiều nữa đã nổi lên như vậy.

Và Hoa Kỳ luôn có mặt. Chúng tôi luôn có mặt bên các bạn trên chặng đường này, và sẽ luôn như vậy, giúp các bạn phát triển và xây dựng các mối quan hệ ngày càng gắn chặt hơn. Chúng ta đã xây dựng nên APEC, chúng ta đã xây dựng nên ASEAN, và cả Sáng kiến Hạ nguồn Mekong, và chúng tôi cùng làm những điều đó với các bạn, bên cạnh các bạn.

Một điều cũng rất quan trọng là chúng tôi đầu tư cho nguồn nhân lực của các bạn. Các chương trình giáo dục và các trường đại học của chúng tôi đã nuôi dưỡng hàng ngàn nhà lãnh đạo Châu Á trong nhiều thập kỷ, từ các nhà lãnh đạo địa phương tới những người đứng đầu nhà nước.

Và một số nhà đại sứ quan trọng nhất của chúng tôi – chính là những doanh nghiệp tư nhân – đã cùng phát triển bên cạnh các bạn vì lợi ích chung. Tôi đã kể cho các bạn câu chuyện về Cargill. Hãy nhìn cách công ty Chevron đang gây dựng sự thịnh vượng tại đây, hay Texas Instruments đang làm tại Philippines.

Ngày nay, có hơn 4.200 công ty của Mỹ đang hoạt động tại ASEAN, tuyển dụng, đào tạo, đầu tư cho hàng triệu người trên toàn bộ khu vực. Các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hơn một nghìn tỷ đô la trong khu vực này. Không có quốc gia nào khác ở bất kỳ đâu có thể đem ra so sánh được.

Người ta thường nói, ít nhất là ở Mỹ, là tiền không tự mọc trên cây. Có lẽ ở nơi nào đó điều này có thể xảy ra. Nhưng để tôi nói với các bạn điều này: Tiền thực có thể bén rễ trong khu vực này, khi mà các chính phủ nỗ lực tạo dựng những điều kiện để điều đó xảy ra. Và ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo từ phía chính phủ và các doanh nghiệp cũng sẽ nói về cách làm thế nào để tăng cường hơn nữa sự thịnh vượng trong các cuộc họp chúng tôi sẽ tham dự, và sau đó là tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 11 tới, được tổ chức chính tại Bangkok này.

Chúng ta nên cảm thấy tự hào vì điều này. Đây là một câu chuyện tuyệt vời, và đó là câu chuyện mà người dân Thái Lan đã trải nghiệm trên thực tế.

Tỷ lệ nghèo tại Thái Lan đã giảm từ 67% năm 1986 xuống còn 7,8% năm 2017. Đó là kết quả đạt được rất lớn. Thái Lan hiện là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới. Hãy thử suy nghĩ về điều đó.

Chúng tôi mong muốn thấy sự tăng trưởng như vậy trên toàn khu vực Đông Nam Á, tại mọi quốc gia cả lớn và nhỏ. Và chúng ta biết – chúng ta biết điều đó bởi chúng ta đã thấy rằng sự thịnh vượng của khu vực luôn đi kèm với đổi mới sáng tạo, quản trị tốt và pháp quyền.

Và chính vì vậy mà chính quyền Trump đã đầu tư và quan tâm lớn đến chủ quyền, tăng cường khả năng chống chịu, và sự thịnh vượng của mọi quốc gia Đông Nam Á. Và không chỉ vậy – không chỉ có vậy – chúng tôi còn mong muốn tăng cường và mở rộng quan hệ của mình tại khu vực này.

Và các bạn đừng tin bất kỳ ai tìm cách nói với các bạn một ý kiến khác. Cách đây gần hai năm, Tổng thống Trump đã tái cam kết về mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với các mối quan hệ về kinh tế, và công thức dẫn tới thành công đã được lịch sử chứng minh. Đó là công thức mà tôi đã mô tả ở trên. Cuối cùng, chúng ta đều biết rằng tự do là ngọn nguồn thực sự của sự thăng hoa. Chúng tôi mong muốn có một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thể hiện thông qua những giá trị cốt lõi là pháp quyền, sự cởi mở, minh bạch, quản trị tốt, tôn trọng chủ quyền của mỗi một và tất cả các quốc gia, quan hệ đối tác thực sự.

Đó là lý do tại sao chúng tôi đã ủng hộ Đạo luật BUILD tại Nghị viện Hoa Kỳ, theo đó đã tăng gấp đôi nguồn tài chính của Mỹ dành cho phát triển lên mức 60 tỷ đô la.

Cuối cùng, chúng tôi tin vào dân chủ, và chúng tôi hoan nghênh việc các bạn Thái Lan đã quay lại với quỹ đạo dân chủ.

Chúng tôi cũng tin vào quyền con người và tự do. Những bất ổn hiện nay tại Hồng Kông rõ ràng cho thấy là ý chí và tiếng nói của những người bị cai trị vẫn sẽ luôn được lắng nghe.

Và chúng tôi muốn có thương mại tự do và công bằng, không phải thương mại làm suy giảm tính cạnh tranh.

Chúng tôi muốn hàng nghìn tỷ đô la vốn tư nhân chưa được đầu tư trên toàn thế giới sẽ được dùng vào mục đích có lợi trong khu vực này. Chúng ta cũng đã thấy điều đó. Số tiền của các nhà đầu tư tư nhân còn lớn hơn gấp rất nhiều lần so với số tiền bất kỳ một chính phủ nào có thể hỗ trợ cho một quốc gia khác để xây cầu, cảng, hay mạng lưới điện.

Các khoản đầu tư của chúng tôi không phục vụ cho một chính phủ nào, và các khoản đầu tư của chúng tôi tại đây cũng không phục vụ cho một đảng phái chính trị cụ thể nào, cũng như, nói thực, không phục vụ cho những tham vọng bá quyền của một quốc gia nào.

Không. Chúng tôi xây dựng những con đường để tạo thuận lợi cho chủ quyền quốc gia. Chúng tôi không tài trợ cho những cây cầu để thu hẹp khoảng cách về lòng trung thành.

Các công ty của chúng tôi nhận được ưu đãi để thực hiện công việc có chất lượng cao, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và người dân.

Hãy tự hỏi bản thân điều này, hãy tự hỏi mình: Ai là người thực sự đặt lợi ích của người dân lên trên hết, một cường quốc thương mại tôn trọng chủ quyền của các bạn, hay là một nước khác luôn coi thường điều đó?

Hãy tự hỏi bản thân điều này: Ai thực sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải cách, là các công ty tư nhân hay là các doanh nghiệp nhà nước?

Hãy tự hỏi bản thân điều này: Ai thực sự khuyến khích tính tự chủ chứ không phải sự lệ thuộc, là các nhà đầu tư đang nỗ lực để đáp ứng những nhu cầu từ khách hàng của các bạn, hay là những người lừa các bạn vào bẫy nợ nần?

Hoa Kỳ hiện nay có nền kinh tế mạnh nhất thế giới, và người tiêu dùng Mỹ đang quyết định nhu cầu đối với các sản phẩm của các bạn. Ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc đang tiến vào một giai đoạn bình thường mới – một giai đoạn bình thường mới với tốc độ tăng trưởng chậm dần.

Các vấn đề của Trung Quốc đều xuất phát từ trong nước, song việc Tổng thống Trump đương đầu với những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc đã góp phần làm hiện rõ những vấn đề này. Chúng tôi muốn các vấn đề thương mại giữa hai bên được giải quyết càng nhanh càng tốt. Tất cả những gì chúng tôi muốn, tất cả những gì Tổng thống Trump yêu cầu, là việc Trung Quốc phải cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với tất cả mọi người, không chỉ đối với Hoa Kỳ. Điều này sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho chúng tôi, mà còn cho các bạn, cũng như toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu.

Đã đến lúc phải làm nhiều việc hơn cùng nhau, sử dụng mô hình đã đứng vững qua phép thử của thời gian, sử dụng công thức đã khiến nước Mỹ trở thành một lực lượng vững chắc trong khu vực này – một cách lâu dài.

Một phân tích số liệu ước tính của Liên hợp quốc đã dự báo rằng đến năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ sau thế kỷ 19, các nền kinh tế Châu Á sẽ có quy mô lớn hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại. Trên thực tế, tầng lớp trung lưu ở Châu Á đã bùng nổ mạnh. Châu Á đã thực sự bước vào kỷ nguyên của mình. Giờ chúng ta phải bảo vệ được những thành quả đó.

Chúng ta hãy giữ cho thương mại tự do và bình đẳng.

Chúng ta hãy đòi hỏi đầu tư minh bạch, chuẩn mực cao, và tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Chúng ta hãy cùng đứng lên bảo vệ các quyền chủ quyền của mọi quốc gia và dân tộc.

Sau khi tôi kết thúc phát biểu, tôi rất mong nhận được các câu hỏi và chia sẻ thêm với các bạn về các vấn đề mà các bạn quan tâm. Sau khi tôi kết thúc phát biểu, tôi không thể không nghĩ tới mức độ phù hợp rất cao khi nêu ra những ý tưởng này tại chính nơi này ở Bangkok, Thái Lan. Thái Lan là đối tác hiệp ước lâu đời nhất của chúng tôi tại Châu Á. Các bạn xứng đáng tự hào vì vẫn luôn duy trì sự độc lập của mình.

Các bạn vẫn luôn đi theo con đường chủ quyền và độc lập dân tộc.

Và nước Mỹ cũng như người dân Mỹ vẫn luôn tự hào vì đã ủng hộ sự đi lên của các bạn trong hơn 2 thế kỷ qua.

Năm 1835, một người đàn ông tên là Dan Beach Bradley đã lần đầu tiên tới Vương quốc Xiêm La với tư cách là một bác sĩ truyền giáo.

Bác sĩ Bradley đã mang theo mình các phương pháp y học của phương Tây, và đã phục vụ trong triều đình. Ông đã dành được sự tin tưởng và tình bạn từ vị vua tương lai của Xiêm La, sau khi điều trị khỏi căn bệnh nặng cho hoàng tử.

Ông cũng đã mang đến cho Xiêm La nhà in bằng tiếng Thái đầu tiên, và sáng lập nên tờ báo đầu tiên, tờ Bangkok Recorder.

Nhưng quan trọng nhất, ông đã mang đến tri thức, là nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị này.

Di sản của Dan còn lớn hơn thế, bởi nó không chỉ dừng ở đó.

Con gái của ông, Sophia, đã mở một trường học nhỏ tại nhà của mình để cung cấp cơ hội giáo dục bình đẳng cho trẻ em gái. Ngôi trường này đã lớn dần, và đến ngày nay Học viện Dara là một trường tư thục rất có uy tín ngay tại Thái Lan này.

Những điểm chính trong câu chuyện này là: Trong nhiều thế kỷ, di sản của nước Mỹ vẫn luôn là quan hệ đối tác của chúng tôi – và không chỉ thông qua chính phủ của chúng tôi.

Hoa Kỳ xây dựng mọi điều vì lợi ích chung.

Và chúng tôi xây dựng để chúng có thể tồn tại lâu dài.

Tổng thống Trump và chính quyền hiện nay sẽ tiếp tục cam kết đó.

Chúa phù hộ các bạn, và tôi sẵn sàng trả lời một số câu hỏi.

Xin cảm ơn mọi người đã ở đây cùng tôi buổi sáng nay. (Vỗ tay.)

BÀ AMIN: Xin chào, Ngoại trưởng Pompeo. Chào mừng ngài quay trở lại. Đây là chuyến đi thứ ba của ngài tới Châu Á. Điều này cho thấy một cam kết đối với khu vực sau những gì đã được phát biểu.

Ngài có nói đến việc tăng cường quan hệ với Đông Nam Á, với Châu Á, thắt chặt quan hệ và đẩy mạnh thương mại. Tuy nhiên, sáng nay chúng tôi vừa nghe tin Tổng thống Trump dự định áp đặt mức thuế 10% đối với 300 tỷ đô la giá trị hàng hóa từ Trung Quốc. Điều này không báo trước được điều gì tốt đẹp đối với thế giới, cũng không tốt đối với Châu Á hay Đông Nam Á.

Vậy điều gì đã xảy ra trong những phát biểu đó? Người ta đã nói có thể đạt được điều gì đó, bởi đã có kế hoạch đàm phán vào tháng 9. Nhưng giờ kết quả tệ đến mức nào?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Vâng, sẽ có các cuộc đàm phán diễn ra tại Washington vào tháng 9 tới. Nhưng cần quay lại những nguyên tắc đầu tiên. Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã lợi dụng thương mại, lợi dụng thương mại gây thiệt hại cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, và lợi dụng thương mại gây thiệt hại cho các quốc gia ở Châu Á và Đông Nam Á, và đã đến lúc điều đó phải dừng lại. Và Tổng thống Trump đã nói chúng tôi sẽ phải sửa chữa điều đó, và để sửa chữa điều đó đòi hỏi phải có quyết tâm, và đó, theo tôi, chính là những gì các bạn đã thấy trong sáng nay. Tổng thống rất quyết tâm đạt được kết quả này.

Và những gì chúng tôi yêu cầu thực sự rất dễ. Trên thực tế, phía Trung Quốc cũng đã có lúc đồng ý với những điều này, nhưng rồi họ lại quay ngoắt lại với thỏa thuận.

BÀ AMIN: Vậy đó là gì? Có phải trọng tâm là Huawei hay không? Liệu có thể có một thỏa hiệp?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Không, không. Không phải vậy – chuyện này còn lớn hơn thế rất nhiều. Nguyên nhân trọng tâm của chuyện này là cách thức tiến hành thương mại trên toàn cầu. Liệu có chấp nhận được khi một quốc gia trước đây từng thuộc nhóm nước đang phát triển tiếp tục lợi dụng điều này khi mà họ đã không còn thuộc nhóm này. Liệu có chấp nhận được khi một quốc gia áp đặt các mức thuế quan rất cao trong khi các bên tham gia khác trong thỏa thuận thương mại không làm như vậy? Liệu có thể chấp nhận được khi các công ty của Mỹ đầu tư ở Trung Quốc bị áp đặt rất nhiều thuế quan và rào cản, trong khi Hoa Kỳ mở rộng cửa cho các hoạt động đầu tư của Trung Quốc?

Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu – và thực sự rất đơn giản. Đó là việc bạn – và đó là quy tắc vàng. Đó là điều bạn dạy con cái mình, đúng không? Đối xử với người khác như cách bạn muốn mình được đối xử. Chúng ta đều muốn sự công bằng, bình đẳng, có qua có lại. Đây là những khái niệm cốt lõi. Đó cũng là những gì mà tôi đã nói. Và khi điều đó xảy ra, Châu Á sẽ thực sự phát triển, Đông Nam Á sẽ phát triển, hệ thống thương mại toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ phát triển. Nhưng nó sẽ không thể xảy ra khi một quốc gia sử dụng chủ nghĩa bảo hộ để bảo vệ cho hàng hóa của mình, và sử dụng các chiến thuật kiểu côn đồ nhằm từ chối cơ hội phát triển kinh tế của các quốc gia khác.

BÀ AMIN: Còn cái giá phải trả? Chúng ta đang thấy chỉ số PMI trên toàn thế giới đang suy giảm. Chúng ta đang thấy nhiều quốc gia trên toàn thế giới – vâng, phải điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng. Tôi muốn nói là, đúng, Hoa Kỳ có vị trí quan trọng, dẫn dắt đà tăng trưởng toàn cầu, nhưng với Trump, Tổng thống Trump có nói là ông ta sẽ đánh thuế toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Điều đó có những tác động tiêu cực.

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Đã có những tác động tiêu cực trong suốt nhiều thập kỷ phía Trung Quốc có hành vi xấu.

BÀ AMIN: Khi ngài nhìn một chút cách mà Hoa Kỳ —

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Những tác động tiêu cực đối với mọi doanh nghiệp có mặt trong phòng này, và chúng tôi sẽ sửa chữa điều đó.

BÀ AMIN: Hiện có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là thông qua Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ, trong đó ngài đóng một vai trò rất lớn. Khi nhìn một chút vào số liệu của Bloomberg, chúng ta thấy có khoảng 173 công ty Trung Quốc với giá trị khoảng 750 tỷ đô la đang hoạt động và được niêm yết tại Hoa Kỳ, 750 tỷ – chỉ tính riêng các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Liệu có phải ngài đang chuyển một thông điệp tiêu cực cho các công ty này, những người quan tâm và đang đầu tư tiền tại đất nước của ngài hay không?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Không. Chúng tôi hoan nghênh các dòng vốn đưa vào Mỹ mỗi ngày, tất cả các ngày. Điều chúng tôi muốn đảm bảo là cơ sở mà dựa vào đó các dòng vốn chảy vào Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các dòng vốn của Hoa Kỳ muốn tới khu vực này, tới Trung Quốc, có thể làm như vậy trên cơ sở bình đẳng và ngang bằng, và chúng tôi muốn đảm bảo rằng các dòng vốn này không dẫn tới mối đe dọa nào về an ninh quốc gia cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Những điều đó – đó là yêu cầu tối thiểu. Đó đều là những tiêu chuẩn đơn giản. Đó đều là những gì mọi quốc gia phải làm để bảo vệ chủ quyền của chính mình.

Và vì thế, câu trả lời của tôi là không. Thông điệp mà chúng tôi đang truyền đi tới họ là “Hãy tới đây. Hãy tới với nước Mỹ. Hãy cùng tham gia. Hãy làm điều đó theo pháp quyền. Hãy làm điều đó thông qua sự minh bạch. Đừng trợ cấp cho những nước đó. Đừng tạo ra những nhà vô địch thông qua – theo các mục đích chính trị. Hãy biến chúng thành các mục đích kinh tế. Và khi bạn làm điều đó, rất nhiều công ty Trung Quốc sẽ tới nước Mỹ, chấp nhận cạnh tranh, và trở nên rất, rất thành công. Và chúng tôi hoan nghênh điều đó.

BÀ AMIN: Tuy nhiên, có một số (không nghe rõ) nói rằng cốt lõi của những căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay thực tế là một sự hiểu lầm căn bản trong quan điểm của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, rằng Trung Quốc hiện nay rất khác so với Trung Quốc cách đây 20 năm, rằng Trung Quốc hiện nay cần thời gian để cải cách và cải cách theo cách riêng của mình. Liệu có hiểu lầm nào trong các quan điểm của Hoa Kỳ hay không?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: À, tôi không chắc trả lời cho câu hỏi này như thế nào – có một tối, một hôm tôi có cơ hội nói chuyện với Tiến sĩ Kissinger. Ông ấy tới Bộ Ngoại giao để kỷ niệm 230 năm thành lập Bộ, và chúng tôi đã nói chuyện về chính vấn đề này, về ý tưởng là Trung Quốc sẽ, nếu nền kinh tế của họ được mở cửa, rằng họ sẽ bắt đầu cạnh tranh một cách bình đẳng, minh bạch. Vâng, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra, và đó là những gì mà chúng tôi đang nỗ lực hướng tới. Đây thực sự là điều căn bản.

BÀ AMIN: Trong các cuộc nói chuyện của ngài, nếu như có một điều Trung Quốc cần phải làm ngay bây giờ để tránh tiếp tục bị đánh thuế, vậy điều đó là gì?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Vâng —

BÀ AMIN: Nếu chỉ cần bước ra bước đầu tiên.

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Thực tế, tôi không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán thương mại, nhưng đã có một thỏa thuận được đặt trên bàn mà sẽ giúp chúng ta thực sự, thực sự đạt được những gì mình muốn. Vì thế, điều đầu tiên là họ có thể quay trở lại ít nhất là những gì chúng tôi đã đạt được ngày hôm đó.

BÀ AMIN: Lúc trước ngài có đề cập đến Hồng Kông, và ngài có nói về việc chính phủ cần phải lắng nghe. Ngoài kia đang có những lời rỉ tai nói rằng có lẽ quân đội đang được tập hợp ngay tại biên giới, chờ đợi để can thiệp nếu như mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Ngài có dự kiến điều này xảy ra hay không?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Tôi nghĩ Tổng thống Trump đã nói khá rõ. Chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc đơn giản là làm điều đúng đắn. Nước Mỹ có truyền thống lâu đời là đảm bảo rằng mọi công dân đều có quyền biểu đạt lương tri của mình, quan điểm của mình. Chúng tôi hy vọng điều đó cũng được thực hiện trên toàn thế giới, và cũng được thực hiện ở Trung Quốc.

Và vì thế tôi hy vọng rằng cách mọi chuyện tiến triển ở Hồng Kông sẽ diễn ra theo hướng không bạo lực. Bạo lực không phải là cách giải quyết mang tính xây dựng đối với bất kỳ bên nào trong khu vực. Và chúng tôi hy vọng rằng ở mọi nơi, các công dân mong muốn được lên tiếng về quan điểm của mình – cho dù là quan điểm ủng hộ một chính phủ nào đó hay phản đối một chính phủ nào đó – họ đều sẽ được phép làm vậy.

BÀ AMIN: Nhưng Tổng thống Trump cũng nói rõ rằng đây là vấn đề của Trung Quốc, vấn đề của Hồng Kông. Trường hợp Giải phóng quân Nhân dân (PLA) vượt biên giới tiến vào Hồng Kông, xuất hiện trên đường phố Hồng Kông, liệu Hoa Kỳ có tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào hay không? Liệu Hoa Kỳ có đưa ra những phán xét của riêng mình nhằm mở đường và bảo vệ Hồng Kông hay không?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Một điều chính quyền Mỹ hiện nay rất giỏi làm là không chỉ tay về hướng nào chúng tôi sẽ hoặc sẽ không làm, và tôi cũng sẽ làm điều đó tại đây trong sáng nay.

BÀ AMIN: (Cười.) Được rồi, tôi chấp nhận điều đó. (Cười.)

Giờ chúng ta hãy nói đến Bắc Triều Tiên. Có vẻ như là Tổng thống Trump đã trao rất nhiều thể diện, và cũng mất rất nhiều thời gian, cho Bắc Triều Tiên. Đã có hai cuộc họp thượng đỉnh. Ông ấy cũng đã sang đất Bắc Triều Tiên. Tổng thống đầu tiên – Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ làm điều đó. Ông ấy cũng đã gợi ý mời Kim (Jong Un) tới Washington D.C. Đó dường như là đang cho rất nhiều để đổi lại rất ít, bởi chúng ta đang quay trở lại ô xuất phát ban đầu khi mà Bắc Triều Tiên chào mừng sự hiện diện của ngài ở Châu Á bằng một loạt các vụ phóng tên lửa. Quan điểm của ngài về điều này là gì?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Vâng, tôi nghĩ bạn đã phân tích sai về căn bản tính cách (của Tổng thống). Gặp Chủ tịch Kim không hề mang lại cho Tổng thống bất kỳ một điều gì. Đó chỉ là một nỗ lực được thực hiện nhằm đưa họ quay trở lại con đường ngoại giao, nhằm đạt được một kết quả mà suốt nhiều thập kỷ vẫn chưa thể đạt được. Chúng ta đã thử rất nhiều cách, nhưng đều không thành công. Và tôi chính là người đầu tiên – khi tôi còn là Giám đốc Cục Tình báo Trung ương, người đầu tiên đi gặp Chủ tịch Kim để mở ra cơ hội này. Chúng tôi vẫn đang triển khai việc này. Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ sớm tập hợp một nhóm công tác và quay trở lại gặp chúng tôi.

Nhưng cũng cần nhớ là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện vẫn đang áp đặt những lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Bắc Triều Tiên, và chúng tôi đang hợp tác với các nước trên toàn thế giới, rất nhiều nước thuộc khu vực này cũng đang rất nỗ lực thực thi những lệnh trừng phạt đó, nhằm đảm bảo rằng chúng ta cuối cùng sẽ có khả năng buộc Chủ tịch Kim phải thực hiện những gì mà ông ấy đã cam kết hồi tháng 6 tại Singapore, tháng 6 cách đây một năm tại Singapore, đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên để đổi lấy – như Tổng thống Trump mô tả – một tương lai sáng lạn hơn cho người dân Bắc Triều Tiên.

BÀ AMIN: Các vụ phóng tên lửa mới đây đi ngược lại những nghị quyết của Liên hợp quốc. Tôi muốn nói, liệu Hoa Kỳ còn kiên nhẫn đến mức nào? Lúc nào thì các ngài mới quyết định phải thắt chặt các lệnh trừng phạt đó, và làm một điều gì đó để chuyển một thông điệp cho Bắc Triều Tiên là điều họ làm là không thể chấp nhận được?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Không bao giờ bạn nên nghi ngờ những gì chúng tôi có thể thông tin cho phía Bắc Triều Tiên. Đã có những cuộc đối thoại đang diễn ra, đúng vậy, thậm chí ngay thời điểm chúng ta đang nói chuyện ở đây. Nhưng con đường ngoại giao thường đầy những gập ghềnh, khúc khuỷu, lúc tiến lúc lùi. Chúng tôi vẫn cam kết đầy đủ với việc đạt được kết quả đã được xác định – đó là việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng đối với Bắc Triều Tiên – và làm điều đó thông qua con đường ngoại giao.

BÀ AMIN: Nhưng ngài có tin tưởng là sẽ đạt được kết quả đó hay không?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Chúng tôi vẫn đang nỗ lực hướng tới nó.

BÀ AMIN: (Cười.) Liệu có mốc thời gian nào mà các ngài đặt ra hay không? Tôi muốn nói, các cuộc đối thoại không thể kéo dài mãi mãi. Đến lúc nào đó, liệu các ngài có hành động không, đưa ra một động thái cứng rắn hơn đối với Bắc Triều Tiên?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Tôi nghĩ chúng tôi đã đưa ra động thái cứng rắn nhất trong toàn bộ lịch sử được ghi nhận rồi.

BÀ AMIN: Ngài đã —

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Khi bạn nói đến một động thái cứng rắn hơn, nếu bạn nhìn vào danh sách các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, và không chỉ nhìn vào nội dung các nghị quyết mà còn hiệu quả của thế giới khi thực thi những nghị quyết đó, tôi nghĩ sẽ rất khó tưởng tượng là sẽ có thể áp đặt những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nữa.

Mọi thứ đều nhằm để chúng ta có cơ hội này. Đây là điều đúng đắn đối với thế giới. Tiếp tục những nỗ lực ngoại giao hiện nay là cách tiếp cận đúng đắn. Đó là cách tiếp cận đúng đắn hiện nay, và Tổng thống Trump cũng như tôi và nhóm an ninh quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá tình hình cùng với các đối tác của chúng tôi tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như phía Trung Quốc và phía Nga. Tất cả các bên có lợi ích riêng trong việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên đều sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề này.

BÀ AMIN: Liệu chúng ta sẽ sớm có một cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 3 hay không?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Cứ chờ xem.

BÀ AMIN: (Cười.) Liệu ngài có cảm thấy thất vọng khi người đồng cấp Bắc Triều Tiên của ngài không sang đây, bỏ lỡ mất cơ hội đàm phán hay không?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Tôi luôn mong muốn có cơ hội nói chuyện với ông ấy. Tôi ước gì họ có thể tới được đây. Tôi nghĩ điều đó sẽ cho chúng tôi một cơ hội có một cuộc nói chuyện khác, và tôi hy vọng rằng sẽ không mất nhiều thời gian trước khi tôi có cơ hội làm điều đó.

BÀ AMIN: Nhưng làm thế nào ngài có thể mong đợi, đây là tôi đoán, tiếp tục các cuộc đàm phán khi mà người đồng cấp của ngài không sẵn sàng sắp xếp gặp mặt để nói chuyện?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Có rất nhiều các cuộc nói chuyện đang diễn ra.

BÀ AMIN: Ngài quan ngại thế nào đối với việc Kim Jong Un đang tiến hành, như tôi đoán, chương trình tên lửa của ông ấy?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Vâng, chúng tôi luôn luôn – chúng tôi vẫn luôn luôn quan ngại, đúng vậy. Tổng thống Trump đã coi việc không phổ biến hạt nhân là một trọng tâm trong công việc của chúng tôi, cho dù là những việc chúng tôi đang làm với Iran hay những việc chúng tôi đang làm với Bắc Triều Tiên. Tổng thống Trump hiểu điều đó – và chúng tôi đang nỗ lực tiến hành đối thoại về an ninh chiến lược với phía Nga.

Mọi chuyện đều có trọng tâm của nó, và trọng tâm của vấn đề này là mối nguy cơ từ vũ khí hạt nhân và sự phổ biến những vũ khí này là có thực và nghiêm trọng. Và vì thế, đúng, tôi rất muốn những thảo luận này được xúc tiến với phía Bắc Triều Tiên. Chúng tôi thực sự muốn đi qua giai đoạn thảo luận này và chuyển sang thực hiện tại hiện trường. Đó là thách thức đối với chúng tôi. Đó cũng là nhiệm vụ mà Tổng thống đã đề ra cho tôi, và chúng tôi đang nỗ lực theo đúng chức trách của mình để đạt được mục tiêu này nhanh nhất có thể.

BÀ AMIN: Theo ngài thì Trung Quốc đóng vai trò gì trong chuyện này?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Một vai trò lớn. Và họ cũng đã đảm nhiệm vai trò này của mình. Tôi thực sự hoan nghênh những nỗ lực thực thi đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà phía Trung Quốc đã thực hiện. Họ thực sự là một bức tường bảo vệ. Họ hỗ trợ được rất nhiều. Ngày hôm qua, tôi đã gặp người đồng cấp, Ngoại trưởng Trung Quốc. Chúng tôi đã nói chuyện lại về vấn đề này. Họ cũng nhắc lại mục đích của mình là đạt được một giải pháp ngoại giao đối với vấn đề này, cũng như cam kết tiếp tục của phía Trung Quốc trong việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

BÀ AMIN: Ngoại trưởng Pompeo, tôi được yêu cầu kết thúc, nhưng xin ngài một câu hỏi cuối. Bởi ngài có nhắc đến Iran, tôi muốn hỏi, Hoa Kỳ đã cố gắng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu đối với Iran, tuy nhiên có những quan ngại rằng có lẽ các đồng minh tại Châu Á của chúng ta vẫn đang nhập khẩu dầu từ Iran. Quan điểm của ngài về chuyện này là gì, và các ngài có dự định hành động gì hay không?

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Phép tính đơn giản. Trước khi áp đặt các lệnh trừng phạt, có khoảng 2,7 triệu thùng dầu mỗi ngày được Iran xuất ra toàn thế giới. Con số trong tháng 6 và tháng 7 vừa rồi, trong mỗi tháng, là chưa đầu nửa triệu thùng, và rất có thể còn chưa đầy 1/4 triệu thùng. Những lệnh trừng phạt đó đã rất có hiệu quả, và chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi các lệnh này ở mọi nơi. Chúng tôi sẽ trừng phạt bất kỳ công ty nào, bất kỳ quốc gia nào tiếp tục vi phạm các lệnh trừng phạt này. Chúng tôi hiện đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với một công ty tại Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy. Điều bắt buộc là chúng ta phải không được để cho cái vị lãnh tụ hồi giáo và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có được tài sản hay nguồn lực để có thể xây dựng một chương trình hạt nhân có thể đe dọa bất kỳ ai trên thế giới.

BÀ AMIN: Vâng, thưa Ngoại trưởng Pompeo, rất cảm ơn ngài hôm nay đã dành thời gian.

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Rất cảm ơn bạn.

BÀ AMIN: Xin cảm ơn những đánh giá của ngài.

NGOẠI TRƯỞNG POMPEO: Cảm ơn.

BÀ AMIN: Và thưa quý vị, xin cảm ơn đã tham gia cùng chúng tôi. (Vỗ tay.)

# # #

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: