Vương Thủ-nhân, — Vương Thủ-nhân 王 守 仁, tự là Bá-an 伯 安 (1472-1528), người đất Dư-diêu, tỉnh Chiết-giang. Sau ông đánh giặc có công được phong là Tân-kiến-bá 新 建 伯. Vì ông làm nhà ở Dương-minh-động, cách thành Hàng-châu 20 dặm, cho nên các học-giả gọi ông là Dương-minh tiên-sinh 陽 明 先 生.

Dương-minh là dòng dõi nhà nho-học có tiếng trong đời nhà Minh, ông tổ-phụ là Vương Luân 王 倫, tự là Thiên-tự 天 叙, hiệu là Trúc-hiên 竹 軒, thân phụ là Vương Hoa 王 華, tự là Đức-huy 德 輝, hiệu là Long-sơn 龍 山.

Dương-minh thuở nhỏ thông minh lạ thường, ở nhà nghe tổ-phụ là Trúc-hiên-công đọc sách đến đâu nhớ đấy. Năm ông lên 10 tuổi, thân-phụ là Long-sơn-công đỗ trạng-nguyên, bổ làm quan trong triều. Năm sau Long-sơn-công đón Trúc-hiên-công lên Bắc-kinh, ông đi theo qua Trấn-giang vào chơi chùa Kim-sơn. Trúc-hiên-công ngồi uống rượu với một người khách, người ấy muốn làm bài thơ, nghĩ mãi không xong. Ông đứng bên cạnh làm ngay một bài đọc lên, ai cũng lấy làm kinh dị.

Lúc còn trẻ tuổi, tính ông hào mại không chịu cái gì cả. Long-sơn-công thường lấy làm lo, duy có Trúc-hiên-công biết ông mà thôi. Năm 11 tuổi ông đi học: một hôm hỏi thầy rằng: « Ở đời việc gì là hơn cả. » — Thầy nói rằng: « Chỉ có học rồi thi đỗ là hơn cả. » Ông ngờ là không phải và nói rằng: « Học để làm thánh hiền là hơn. » Long-sơn-công nghe nói, cười rằng: « Mày muốn làm thánh hiền à? » Xem những chuyện ấy, thì biết rằng từ thuở nhỏ ông đã có chí lớn, khác hẳn người thường. Tuy thế, lúc mới lớn lên. tính ông rất hăng hái, thấy cái gì quan-hệ đến việc học hay là việc tu luyện, thì ham mê đến nỗi quên cả mọi việc. Thuở ông 15 luổi, một hôm đi chơi ở cửa Cư-dung ngoài Vạn-lý-trường-thành, thấy người ở ngoài cửa ải cưỡi ngựa dong-duổi, ông liền khái-nhiên có cái chí muốn đi đánh dẹp bốn phương. Ông bèn lưu lại ở đó ngày ngày tập ngựa tập bắn, đến hơn một tháng mới về. Thuở ấy ông thấy trong nước có nhiều giặc nổi lên, ông làm cái thư định dâng lên triều-đình nói việc chính-trị. Long-sơn-công cho là ngông. ngăn lại mới thôi. Năm 17 tuổi, ông đến Giang-tây cưới vợ, là con gái Chư Dưỡng-hòa, làm quan tham nghị ở Bố-chính-tư, Ngay hôm sắp làm lễ hợp cẩn. ông đi chơi đến Thiết-trụ-cung, thấy người đạo-sĩ đang ngồi tu-luyện, ông vào nghe nói cái thuyết trường sinh, rồi tương đối ngồi với người đạo-sĩ suốt đêm. quên cả việc cưới vợ. Sáng hôm sau nhà họ Chư cho người đi tìm mới về. Ông ở nhà họ Chư, có mấy tráp giấy, ông lấy ra tập viết hết cả. Ông thường nói rằng: « Ta khi mới học viết, cứ theo chữ thiếp mà tập, thì chỉ tập được cái hình chữ mà thôi. Sau ta cầm bút lên không dám khinh dị viết ngay, phải lặng yên nghĩ cái hình chữ ra ở trong tâm rồi mới viết, lâu mới hiểu được thư pháp. »

Năm 21 tuổi ông đỗ hương thí, đến năm 28 tuổi là năm Hoằng-trị, thứ 12 (1499) ông đỗ đệ-nhị giáp tiến-sĩ, rồi vào tập sự ở bộ Công. Năm sau bổ làm chủ-sự ở bộ Hình. Từ đó ông bước vào hoạn trường, phải chịu đủ mọi điều cay đắng. Nhưng ông là người có thiên-tài, lấy cái sức của một nhà văn-học mà đi đánh dẹp lập công, chẳng những là ông tỏ ra người có tài làm đại-tướng mà lại là một nhà chính-trị và nhà kinh-tế vô song, gây thành cái công-nghiệp rất lớn. Ngoài những công-nghiệp ấy, ông lại phát-huy ra cái tâm-học, có nhiều tư-tưởng đặc-biệt. Vậy nay ta hãy xét cái công-nghiệp rồi sau sẽ xét cái học-thuyết của ông.

Công-nghiệp của Dương-minh.— Trước khi đỗ tiến-sĩ, vào khoảng năm 26 tuổi, Dương-minh ở Kinh, thấy tin báo giặc cướp đánh phá ngoài biên thùy, và thấy triều-đình suy cử những người có tài làm tướng, ông nghĩ việc võ cử chỉ được người cưỡi ngựa và bắn cung giỏi mà thôi, chứ không chọn được người có tài thao-lược và thống ngự. Ông bèn lưu ý về sự học việc võ. Phàm những sách bí-thư của các nhà binh-gia. không sách gì ông không nghiên-cứu tường tận. Thường mỗi khi có khách đến yến hội, ông đùa-bỡn lấy hạt-dưa bày ra thành trận thế, Sau khi ông đỗ tiến-sĩ rồi, nhân khi triều-đình hạ chiếu cầu ngôn và lại nghe quân giặc quấy nhiễu các nơi, ông bèn dâng sớ nói tám điều về biên sự, rất là khảng-khái thiết tha.

Dương-minh làm quan ở triều được non 7 năm, đến khi vua Võ-tôn nhà Minh tin dùng một tên yêm-hoạn là Lưu Cẩn, bỏ việc triều chính. Bọn gián-quan là Đái Tiển 戴 銑, Bạc Ngạn-huy 薄 彥 徽 dâng sớ lên can ngăn. Lưu Cẩn bắt bỏ ngục. Ông liền dâng sớ lên xin tha cho những người ấy, đại ý nói rằng: « Đấng quân thượng mà nhân, thì kẻ thần hạ phải trực. Bọn Đái Tiển lấy việc phải nói làm trách-nhiệm của mình; lời can mà phải thì nhà vua nên vui lòng nghe theo mà thi-hành, nếu lời can mà chưa phải, thì cũng nên bao dung, để mở đường can ngăn. Nay nhà vua bắt tội bọn gián-quan ngay thẳng. thì sau tôn-xã có điều gì nguy cấp, còn ai dám nói cho mà biết nữa. » Tờ sớ ấy dâng lên, vua sai đánh 40 trượng, rồi đày ra làm dịch-thừa coi trạm Long-trường ở đất Quí-châu. Trạm Long-trường là nơi rừng rú lam chướng rất độc, dân cư rặt những mường mán không biết tiếng Tàu.

Ông vâng mạnh chịu đi đày, nhưng Lưu Cẩn còn tức giận chưa thôi, sai người đi đón đường để giết. Ông biết ý, khi đi đến sông Tiền-đường bảo người nhà nói phao lên rằng ông đã nhảy xuống sông chết rồi. Đoạn ông đáp thuyền buôn đi ra đảo Chu-Sơn, thuộc tỉnh Chiết-giang. gặp phải cơn bão, thuyền bạt đến đất Mân (Phúc-kiến). Ông lên bờ đi bộ qua các đường tắt trong rừng rậm hơn 10 dặm. Đến đêm gặp một cái chùa. ông gõ cửa xin vào ngủ nhờ, nhà sư không cho vào, ông phải đi đến cái miếu gần đó tựa bên hương-án mà ngủ. Cái miếu ấy là chỗ hổ hay đến, và đêm ấy lại nghe tiếng hổ kêu, nhà sư tưởng rằng người hôm qua đến gọi cửa đã bị hổ ăn. Sáng dậy sư ra xem thì thấy ông đang ngủ say, lấy làm lạ, mời về chùa. Ông vào chùa gặp người đạo-sĩ đã quen 20 năm trước ở cung Thiết-trụ, ngồi nói chuyện, ông muốn bỏ trốn đi xa. Người đạo-sĩ nói rằng: « Anh còn có cha đang ở trong triều, vạn nhất Lưu Cẩn giận, kiếm cách làm hại, vu cho anh đi theo giặc ở phía bắc hay ở phía nam, để làm tội cha, thì anh làm thế nào? » Ông nghe lời ấy, quyết ý đi đến Long-trường.

Lúc ấy ông thân-phụ là Long-sơn đang làm Lại-bộ thượng-thư ở Nam-kinh, ông quanh đường về thăm cha rồi đi đến trạm Long-trường. Đến đó nhà không có mà ở, phải chặt gỗ làm nhà, nhưng vì khí hậu rất độc, những người tôi tớ đều bị bệnh cả. Ông phải thân đi kiếm củi gánh nước, nấu cháo để nuôi đầy-tớ, và lại làm ra bài ca bài thơ, vịnh hát vui cười để chúng nó quên sự đau yếu

Ông ở Long-trường hơn hai năm. Lúc đầu không quen thói rợ mọi, rồi sau lấy thân mình làm phép cho dân, dẫn dụ người man di, ai nấy cảm hóa, bảo nhau đi lấy gỗ làm nhà cho ông ở. Ở vùng ấy có người tù-trưởng họ An nghe tiếng ông, sai người đưa biếu ông gạo rượu vàng lụa và yên ngựa. Ông từ chối không nhận. Sau họ An nhân có việc bất-bình với triều-đình, toan muốn làm sự trái phép, ông liền đưa thư khuyên bảo, họ An không dám vọng động. Lúc ấy trong bọn mán mọi có người làm loạn, ông lại đưa thư khuyên họ An đem quân đi đánh dẹp. bởi vậy dân ở vùng ấy được yên.

Năm Chính-đức thứ năm (1510) đời vua Võ-tôn, ông được thăng làm chức tri-huyện ở Lư-lăng, thuộc Giang-tây. Cách mấy tháng được triệu về Kinh, thăng làm chức chủ-sự ở bộ Lại, rồi trải qua chức viên-ngoại lang, chức lang-trung. Năm Chính-đức thứ 7 (1512) thăng làm chức thái-bộc-tự thiếu-khanh ở Nam-kinh. Năm thứ 9 (1514) thăng chức Hồng-lô-tự-khanh ở Nam-kinh

Trong những năm Chính-đức đời vua Võ-tôn, ở vùng Giang-tây có nhiều giặc cướp, quan quân đi đánh mãi không được. Năm thứ 11 (1516) quan thượng-thư bộ Binh là Vương Quỳnh tiến cử Dương-minh, vua bèn sai làm chức đô-sát-viện tả-đô-ngự-sử, tuần-phủ Nam-Hán và Đinh Chương để coi việc đánh dẹp. Ông được mệnh liền sắm sửa đi ngay. Lúc ấy có Vương Tư-dư nói chuyện với người ta rằng: « Dương-minh đi phen này tất lập được công. » — « Sao lại biết trước được? » — « Ta nói đến việc ấy mà thấy trấn tĩnh không động vậy. »

Tháng diêng năm Chính-đức thứ 12 (1517) Dương-minh đến Hám-châu. triệu tập quân các tỉnh Phúc-kiến và Quảng-đông, đến tháng hai bình xong giặc ở Chương-châu, tháng tư rút quân về.

Ông cho rằng phép tập chiến không gì cần bằng hành ngũ, và phép trị chúng không gì bằng phân số, ông bèn chỉnh-đốn quân ngũ, chia ra làm ngũ, đội, tiếu, doanh, trận, quân. Cứ 25 người làm một ngũ, có chức tiểu-giáp coi; 50 người làm một đội, có chức tổng-giáp coi; 200 người làm một tiếu, có chức trưởng và hai chữc hiệp-trưởng coi; 400 người làm một doanh, có một chức quan và hai chức tham-mưu coi; 1200 người làm một trận, có chức thiên-tướng coi; 2400 người làm một quân, có phó-tướng coi. Chọn người tài giỏi và có sức mạnh cho sung các chức ấy. Phó-tướng được phạt thiên-tướng, thiên-tướng được phạt doanh-quan, doanh-quan được phạt tiếu-trưởng, tiếu trưởng được phạt tổng-giáp, tổng-giáp được phạt tiểu-giáp, tiểu-giáp được phạt ngũ chúng.

Lúc biên tuyển đã xong rồi, phát ra các thứ binh-phù. Cứ năm người thì cho một cái bài biên rõ tên họ cả 25 người trong ngũ, gọi là ngũ-phù 伍 符. Mỗi đội có hai bài, gọi là đội-phù 隊 符, biên rõ tự hiệu, một bài giao cho tổng-giáp, một bài cất ở bản viện. Mỗi tiếu có hai bài, gọi là tiếu-phù 哨 符, biên rõ tự hiệu, một bài giao cho tiếu-trưởng, một bài cất ở bản viện. Mỗi doanh có hai bài, gọi là doanh-phù 營 符, biên rõ tự hiệu, một bài giao cho doanh-quan, một bài cất ở bản viên. Hễ khi có việc đi đánh dẹp cứ phát binh-phù ra thì theo lần lượt mà đi để khỏi lầm lẫn. Tự đó sự luyện tập rất chăm và kỷ-luật rất nghiêm.

Tháng chín năm ấy, ông được cải thụ làm đề-đốc Nam-Hán Đinh Chương đẳng-xứ quân-vụ và cấp cho cờ và bài được tiện nghi hành sự. Tháng 10 dẹp yên các bọn giặc ở Hoành-thủy và Dũng-cương. tên cừ-khôi giặc là Tạ Chí-san bị bắt. Dương-minh hỏi tên giặc ấy rằng: «Mày làm thế nào mà họp được đồ đảng nhiều như thế?» — Tạ Chí-san thưa rằng: «Việc ấy không phải là dễ. Lúc bình sinh thấy ai là người giỏi, thì quyết không bỏ quá, phải lập nhiều mưu mẹo để dụ đến, hoặc chu cấp cho, để người ta hàm ơn mà qui phục, rồi cùng nhau mưu việc, như thế thì ai là chẳng theo.» Dương-minh lui vào bảo học-trò rằng: «Nhà nho nhất sinh tìm bầu bạn thì cũng không khác gì thế.»

Năm Chính-đức thứ 13 (1518) Dương-minh lại đem quân đi đánh giặc Tam-lợi. Tháng diêng phát quân đi đánh, tháng tư dẹp xong cả giặc ở Đại-mạo Lợi-đầu. Tháng sáu triều-đình cho ông thăng chức đô-sát-viện hữu-phó-đô-ngự-sử.

Từ khi ông chịu mệnh đi tuần-phủ, chỉ trong khoảng hơn một năm rưỡi, mà các đám giặc ở vùng Giang-tây, Phúc-kiến. Quảng-đông, Hồ-nam, đều thứ đệ dẹp yên cả. Mỗi khi dẹp xong giặc nào, thì ông tìm chỗ hiểm-yếu hoặc đặt huyện để cai trị, hoặc đặt tuần-kiểm-tư để phòng giữ, rồi xây đắp thành trì, sửa lại phép đánh thuế muối, lập ra thư-viện, thi-hành hương-ước. Những khi rảnh việc, ông vẫn không bỏ sự đọc sách và sự giảng học.

Những giặc ở vùng Giang-tây vừa yên. thì lại có Thần Hào làm phản. Thần Hào là dòng dõi vua Thái tổ nhà Minh, được tập tước là Ninh-vương ở đất Nam-xương. Thuở ấy Võ-tôn không có con, lại hay chơi bời, Thần Hào bèn mưu sự làm phản để cướp ngôi thiên-tử.

Tháng sáu năm Chính-đức thứ 14 (1519) nhân khi quân tỉnh Phúc-kiến làm loạn, Dương-minh được mạnh đi khám xét. Ông mới đi đến huyện Phong-thành, cách Nam-xương chỉ độ vài mươi dặm quan tuần-phủ Giang-tây là Tôn Toại và quan án-sát-tư phó-sứ là Hứa Quì đều bị giết, còn các người khác đều theo về đảng nghịch. Dương-minh biết sự nguy cấp liền trở về Cát-an, Thần Hào cho người đuổi theo không kịp.

Ông về đến Cát-an làm sớ tâu lên cáo việc biến. rồi cùng với quan tri-phủ là Ngũ Văn-Định 伍 文 定, điều-bát binh mã lương thực, sửa sang khí giới thuyền bè, lại truyền hịch đi bốn phương. kể rõ tội Thần Hào, để khiến các quan đều đem quân đến giúp việc cần-vương.

Thần Hào mưu sự đã lâu, ở trong triều thì đút lót những kẻ hạnh thần, ở ngoài thì chiêu mộ đồ-đảng. Đến khi khởi sự, liền sai tướng đi đánh lấy thành Nam-khang và thành Cửu-giang. Thần Hào lại sắp đem quân đi lấy Nam-kinh để lên ngôi Hoàng-đế. Tiền quân của nghịch đã đến vây đánh thành Yên-khánh rất là nguy cấp. Dương-minh ở Cát-an dùng kế làm cho Thần Hào hoài nghi, không dám cất quân đi vội. Trong lúc ấy, một mặt, ông sai người đi yết tờ cáo-thị ra các nơi và dùng hiệu cờ chiêu hàng, hiểu dụ lấy lẽ thuận nghịch họa phúc; một mặt đợi quân các nơi đến, rồi chờ Thần Hào cất quân đi, thì đến đánh Nam-xương. Quả nhiên Thần Hào chùng-chình mãi không dám đi, sau cho người đi do-thám biết là quan quân chưa đến, bèn đem quân theo Trường-giang đi về phía đông, định đánh lấy thành Yên-khánh rồi xuống lấy Nam-kinh.

Dương-minh nghe tin Thần Hào đã dời khỏi Nam-xương rồi, bèn họp các quan bàn việc tiến binh. Mọi người đều bảo nên đi cứu thành Yên-khánh, ông không nghe, định đánh lấy thành Nam-xương là chỗ căn bản của nghịch, thì tự khắc thành Yên-khánh sẽ được giải vây. Ông liền xuống lịnh đem quân đi đánh, lấy được thành Nam-xương rồi chia quân đi đón đánh quân nghịch. Thần Hào được tin Nam-xương thất thủ, liền quay trở về, gặp quân của Dương-minh đánh mấy trận vỡ tan, Thần Hào và bọn nghịch-đảng đều bị bắt cả.

Việc khởi nghịch của Thần Hào trước sau chỉ có 42 ngày là dẹp yên. Đó là nhờ cái tài của Dương-minh khéo trù liệu mọi việc, cho nên mới thành công chóng như vậy. Xưa nay những nho-tướng ra dùng binh cũng đã từng có, nhưng ai cũng có nhiều chiến tướng giúp đỡ, đường này những người tham dự mưu cơ trong tướng mạc đều là những kẻ nho-học và những người ra chỉ-huy trận tiền đều là kẻ tá-nhị ở bản tỉnh và phủ huyện, thế mà Dương-minh lấy nhất tâm vận dụng được cả, khiến những kẻ thư-sinh thành kẻ danh sĩ. những kẻ ti thuộc thành bậc lương tướng. Ông có cái thủ-đoạn hóa những kẻ tầm thường ra làm bậc thần kỳ. Ông thật là bậc thiên tài vậy.

Khi Thần Hào làm phản, vua Võ-tôn được sớ của Dương-minh tâu về, họp quần thần hội nghị. Quan Binh-bộ thượng-thư là Vương Quỳnh nói rằng: « Kẻ thụ-tử kia vốn làm điều bất nghĩa, nay thoảng thốt dấy-loạn, cũng chẳng sợ gì, đã có Vương Thủ-nhân giữ ở thượng-du, đuổi theo là tất bắt được. » Vương Quỳnh trước đã dâng Dương-minh cho đi tiễu trừ quân giặc ở Giang-tây, nay thấy có việc loạn, quyết chắc là thế nào Dương-minh cũng dẹp yên, thật Vương Quỳnh là người biết Dương-minh vậy.

Dương-minh xuớng việc nghĩa dẹp yên kẻ phản nghịch, không khó bằng khi công việc đã xong rồi, những gian thần ghen công chực tìm đủ cách dèm pha để làm hại mình. Ông phải cay đắng trăm đường, đã nhiều lúc dâng sớ xin về không được. Số là khi vua Võ-tôn nghe tin Thần Hào sinh biến, thì liền hạ chiếu thân chinh. Xa-giá mới đến thành Bảo-định thì đã có sớ dâng về báo tiệp. Nhưng Võ-tôn ý muốn nhân dịp đi nam du, cho nên không chịu tuyên bố tiệp âm ra cho thiên-hạ biết, lại nói rằng: « Đứa nguyên ác tuy đã phải bắt, nhưng nghịch đảng hãy còn, nếu không đi bắt cho hết, tất là để cái lo về sau.» Dương-minh dâng sớ lên bày tỏ điều lợi hại để can vua đừng đi thân chinh nữa, vua cũng không nghe.

Khi Dương-minh dâng sớ cáo Thần Hào làm phản, ý muốn nhân việc ấy để răn vua, đừng yêu dùng kẻ hoạn-quan. Trong sớ có câu: « Xin bài xuất những kẻ gian-siểm để hồi cái lòng kẻ hào-kiệt trong thiên-hạ. » Bọn bế-hạnh cùng những hoạn-quan nghe tiếng, đều lấy làm căm tức. Sau lại biết Dương-minh đã dẹp yên được Thần Hào rồi, chúng lại đem lòng ghen công và lại sợ phát lộ chuyện kín của chúng ra, cho nên chúng thường ở trước mặt vua, nói dèm pha đủ điều.

Võ-tôn ngự giá thân chinh thì có bọn gian thần là Thái-giám Trương Trung, An-biên-bá Hứa Thái và Giang Bân đi theo. Vua cho Trương Trung và Hứa Thái đem cấm quân đến Giang-tây. Bọn Trung và Thái muốn thả Thần Hào ra ở hồ Phiên-dương, để vua đến bắt lấy cho thỏa ý. Nhân khi bọn Trung và Thái chưa đến nơi, Dương-minh đem Thần Hào đi dâng cho vua. Trung và Thái cho người đuổi đến huyện Quảng-tín để đòi lại, nhưng ông nhất-định không nghe. Trong bọn thái-giám có Trương Vĩnh là người khá hơn cả, lúc ấy Vĩnh đóng ở Hàng-châu, ông bèn đến bảo rằng: « Dân tỉnh Giang-tây phải chịu cái độc của Thần Hào đã lâu, nay trải qua đại loạn, lại bị tai hạn hán và phải trốn tránh vào trong hang núi để làm loạn. Như thế thiên-hạ sắp thành ra cái thế như đất vỡ lở. Bây giờ lại dấy binh định loạn, chẳng hóa ra khó lắm sao? » — Trương Vĩnh nói rằng: «Phải, tôi ra chuyến này là vì bọn tiểu-nhân ở bên cạnh vua, cốt để điều hộ bên tả bên hữu mà giúp thánh cung, chứ không phải vì tranh công mà lại đây.» Dương-minh tin là người trung trực, bèn đem Thần Hào giao cho Trương Vĩnh, rồi xưng bệnh ra ở chùa Tĩnh-từ bên Tây-hồ. Cách ít lâu, ông được bổ làm tuần-phủ tỉnh Giang-tây, ông lại trở về Nam-xương,

Lúc ấy Trương Trung và Hứa Thái còn ở Giang-tây, dòm-dỏ xét-nét trăm đường. Lại có quan cấp-sự là Lục Tục và quan ngự-sử là Trương Luân theo gió phụ hội, bịa đặt ra lời dèm pha. Đến khi Dương-minh về tới Nam-xương, bọn Trung và Thái cho quân chửi mắng, ông cứ điềm-nhiên không động. tìm cách ủy lạo hậu đãi, và sai quan đi phủ dụ dân rằng: « Quân phía bắc đến đây xa nhà khổ sở, dân nên lấy lễ chủ và khách mà đãi cho hậu. Mỗi khi gặp đám tang quân bắc, thì phải dừng xe lại, thăm hỏi ân cần. Quân bắc thấy thế đều cảm phục. Sau bọn Trung và Thái cùng với Dương-minh thi bắn, ý muốn lấy cái sở trường của mình để bắt ông phải khuất phục, không ngờ ông bắn ba phát đều trúng cả. Quân bắc đứng chung-quanh đều vỗ tay khen mừng. Trung và Thái thấy thế lấy làm sợ, bảo nhau rằng: «Quân ta theo cả Vương Thủ-nhân rồi chăng! » bèn rút quân về.

Bọn Trung và Thái về đến Nam-kinh căm giận chưa thôi. nói dèm trước mặt vua rằng Dương-minh muốn làm phản. Vua hỏi: «Lấy gì làm chứng?» Trung và Thái trước mấy lần mạo mạnh vua vời ông, ông không đến, chắc là lần này có chiếu vời, tất ông cũng không đến, bèn tâu rằng: «Thử vời mà không đến là biết.» Vua bèn hạ chiếu triệu Dương-minh vào diện kiến. Lúc ấy Trương Vĩnh vẫn có ý che chở cho Dương-minh, sai ngầm người đi bảo rằng hễ có mạnh triệu, thì phải đến. Khi ông thấy có mạnh triệu, thì ông đi ngay. Bọn Trung và Thái sợ nói không đúng, sai người ngăn lại ở Vu-hồ đến nửa tháng. Ông bất-đắc-dĩ vào ở núi Cửu-hoa, mỗi ngày ngồi yên ở trong am cỏ. Vua cho người đến dò xem, về nói rằng: « Vương Thủ-nhân là người đạo học, có mạnh triệu là đến ngay, có lẽ nào lại làm phản.» Vua lại cho về Nam-xương.

Dương-minh lập được nhiều công lớn, mà lại gặp phải Võ-tôn là ông vua bất minh, để kẻ gian thần dèm pha, chực làm hại, cho nên ông lấy làm buồn bực. Một đêm ngồi nghe tiếng sóng vỗ vào bờ, nghĩ bụng rằng: «Một mình bị dèm, chết thì cũng đành, nhưng còn có cha già thì sao. » Ông lại nói với học trò rằng: « Lúc này giá có cái lỗ nào có thể trộm đến đem cha đi trốn, thì ta cũng đem đi cho xong, không tiếc gì nữa! » Khi ông trở về Nam-xương được mấy tháng dâng sớ lên xin về thăm bà tổ-mẫu. Vua không cho,

Lúc ấy vua Võ-tôn ở Nam-kinh đã lâu, bọn quần đảng đều có ý tranh công. sai người bảo ông phải dâng sớ báo tiệp lần nữa. Ông bèn lược qua những tờ sớ trước mà qui công cho vua và những người tả hữu hầu vua. Vua lấy làm đẹp lòng, mà thu quân về.

Năm Chính-đức thứ 16 (1521) vua Võ-tôn mất, vua Thế-tôn lên ngôi, luận công bình Giang-tây, ông được thăng làm Nam-kinh Binh-bộ thượng-thư, và được phong làm Tân-kiến-bá 新 建 伯. Năm ấy ông lại dâng sớ xin về nghỉ thăm nhà. Năm sau thân-phụ là Long-sơn-công mất, ông ở nhà đinh gian.

Lúc ấy ông đã 51 tuổi, định xin thôi quan ở nhà dạy học. Vả, bấy giờ ở trong triều các quan đại-thần như bọn Dương nhất-thanh thấy ông tài cao vọng trọng, có ý ghen ghét, không ai đề cử cho ông khái phục. Bởi thế ông được ở nhà gần sáu năm. Sau vì ở đất Điền-châu thuộc tỉnh Quảng-tây có giặc, cho nên triều-đình lại cử ông làm Lưỡng-Quảng Giang-tây Hồ-quảng tổng-đốc quân-vụ để lo việc đánh dẹp.

Điền-châu trước là đất thuộc về các thổ-ti, sau đặt quan cai trị, người bản xứ không phục, các đầu-mục là Lư Tô và Vương Thụ họp dân chúng lại làm loạn, vây hãm châu thành. Quan đề-đốc là Diêu Mô không dẹp yên được. Cuối năm Gia-tĩnh thứ 6 (1527) Dương-minh đến Nam-ninh, các rợ nghe tiếng đã tâm khiếp. Ông thấy binh thế của giặc rất thịnh, nghĩ rằng dùng binh thì không lợi, bèn dâng sớ lên nói rằng: « Điền-châu giáp giới với đất Giao-chỉ là nơi quân rợ mọi ra vào. nên cứ đặt chức thổ quan như cũ, để làm phên rào.» Đoạn rồi ông cùng với quan tuần-án ngự-sử là Thạch Kim định kế chiêu phủ. Lư Tô và Vương Thụ đều đến quân môn xin hàng Từ đó đất Điền-châu không đánh mà yên.

Lúc ấy ở đất Tư-ân. tỉnh Quảng-tây có giặc mọi là Đoán-đằng-giáp, chia làm tám trại, phía nam giáp Giao-chỉ, phía tây giáp Vân-nam và Quí-châu. Giặc ấy xưa nay đánh mãi không được. Năm ấy nhân khi dẹp xong giặc Điền-châu tiện đường rút quân về, ông lừa khi quân giặc không ngờ, sai quan đến đánh úp, phá được cả tám trại. Một đám giặc trước kia quan quân đi đánh có khi dùng đến 20 vạn người mà không dẹp được, nay chỉ có mấy vạn người đánh trong vài tháng mà thành công.

Sự đi đánh dẹp có công lớn như thế mà ở triều-đình lại có người ghen ghét, kiếm chuyện bẻ bắt, không kể công. Nguyên có Trương Thông và Quế Ngạc đã dâng Dương-minh đi dẹp giặc ở Lưỡng Quảng. Sau Quế Ngạc được vào làm Lại-bộ thượng-thư, Trương Thông làm Nội-các, Quế Ngạc là người thích lập công danh, có xui Dương-minh sang đánh An-nam. Nhưng Dương-minh biết cái thế đánh không được từ chối không đi. Vì thế mà Quế Ngạc ghét, tìm chuyện, cho là việc chinh phủ không hợp nghi, thành ra không được ban thưởng.

Đánh xong giặc Đoán-đằng-giáp, thì Dương-minh phải bệnh nặng, bèn dâng sớ xin về, rồi không đợi mạnh, bỏ về đến Nam-an, bệnh rất trầm trọng. Môn-nhân là Chu Tích vào yết kiến, ông ngồi dậy hỏi cận lai sự học tiến tới thế nào. Chu Tích hỏi thăm bệnh, thì ông nói rằng: «Bệnh thế nguy cấp, chỉ còn cái nguyên khí chưa chết mà thôi.» Cách ba hôm sau là ngày 28 tháng mười một, năm Gia-tĩnh thứ 7 (1528) thì ông mất, thọ được 57 tuổi. Môn-nhân đem về táng ở Hồng-khê, cách thành Hàng-châu 30 dặm.

Vì ở trong Triều có bọn Quế Ngạc ghét Dương-minh, bác cái học của ông, bảo là không chính, và lấy cớ chưa có chỉ cho về, đã tự tiện bỏ chức-vụ mà về, bèn tâu xin không ban tên thụy, và không cho con được tập tước bá. Đến năm Long-khánh nguyên-niên (1567) đời vua Mục-tôn mới tặng phong là Tân-kiến-hầu 新 建 侯, cho tên thụy là Văn-thành 文 成 và cho con là Thủ Ức được tập bá tước. Năm Vạn-lịch thứ 12 (1584) đời vua Thần-tôn, đem ông vào tòng tự ở miếu thờ Khổng-tử, xưng là tiên-nho Vương-tử.

Các môn-đệ đem những công nghiệp ngôn hạnh và học-thuyết của ông chép ra thành sách, có Ngữ-lục 語 錄 ba quyển; — Văn-lục 文 錄 năm quyển; — Biệt-lục 别 錄 mười quyển; — Ngoại-tập 外 集 bảy quyển; — Tục-biên 續 編 sáu quyển; — Phụ-lục 附 錄 bảy quyển. Tất cả là 38 quyển, gọi là Vương Văn-thành-công toàn-thư 王 文 成 公 全 書.

Sự học-tập của Dương-minh. — Khi Dương-minh mới 17 tuổi, đến Giang-tây cưới vợ rồi lúc trở về đi thuyền qua huyện Quảng-tín có lên bái yết Lâu Nhất-trai, nghe cái học cách-vật của Tống-nho. Nhất-trai nói rằng: Người ta có thể học đến làm thánh-nhân được. Ông rất lấy làm khế-hợp. Từ đó ông về lấy sách của Chu Hối-am ra học. Một hôm ông nghĩ rằng: tiên-nho bảo mọi vật có trong ngoài và tinh thô, một cỏ một cây đều có đủ cái lý. Ông lấy cây trúc chẻ ra xem, nghĩ mãi không thấy cái lý, lấy làm buồn bực, đến nỗi thành bệnh. Ông tự an-ủy rằng làm bậc thánh hiền là phải có phận, bèn theo đời mà học từ-chương.

Sau khi ông đỗ hương-thí, ông vào thi hội không đỗ, về nghĩ-ngợi, cho sự học từ-chương không đủ làm cho mình suốt đến đạo được. Năm 27 tuổi, một hôm ông đọc bài sớ của Chu Hối-am dâng cho vua Quang-tôn nhà Tống có nói rằng: «Phải lấy sự cư-kính và trì-chí làm cái gốc của sự đọc sách, phải lấy sự theo tuần-tự cho đến chỗ tinh-vi làm cái phép của sự đọc sách.» Ông mới hối rằng: khi trước ta dùng sức tuy cần mà chưa tầng theo tuần-tự để đến chỗ tinh-vi, cho nên không có cái sở đắc. Từ đó ông cứ tuần-tự mà nghĩ-ngợi, song càng nghĩ càng thấy vật lý và tâm của mình như là chia ra làm hai vậy, trong bụng vẫn bàng-hoàng không biết tự xử ra làm sao, rồi trầm uất và bệnh cũ lại phát ra. Thấy thế, ông lại càng tin là làm thánh hiền phải có phận. Chợt nghe có kẻ đạo-sĩ bàn cái thuật dưỡng-sinh, ông bèn nghĩ bỏ đời vào núi ở.

Năm 28 tuổi, ông thi đỗ đệ-nhị giáp tiến-sĩ, rồi ra làm quan, mà vẫn vơ-vẩn nghĩ đến sự xuất gia. Một hôm rảnh việc quan, đi đến chơi ở núi Cửu-hoa. ở đó có người đạo-sĩ tên là Sài-bồng-đầu hay bàn việc tu tiên. Ông đến yết-kiến mà bàn đạo. Sau lại nghe ở động Địa-tạng có một dị-nhân thường ngồi nằm ở dưới gốc cây thông, không dùng hỏa-thực, ông không ngại đường hiểm trở, đi tìm đến nơi để bàn đạo. Sau ông trở về Kinh gặp những bạn cũ, ai nấy đều lấy tài danh trì sính ở chỗ cổ học văn thi. Ông than rằng: « Ta sao nỡ đem cái tinh-thần có hạn làm cái hư-văn vô dụng.» Ông bèn cáo bệnh xin về đất Việt, làm nhà ở trong động Dương-minh, học cái thuật đạo-dẫn của Đạo-gia. Ông học cái thuật ấy đã giỏi. Một hôm có mấy người bạn đến chơi, ông biết trước, cho người đi đón, nói rõ lai lịch. Ai nấy đều kinh dị, tưởng là ông đã đắc đạo. Được ít lâu ông nghĩ lại mà hối rằng: « Cái thuật ấy không phải là chính đạo, không đủ học ». Rồi ông bỏ thuật ấy và muốn lìa nhà trốn đi nơi xa, nhưng lại nghĩ nhà còn bà tổ-mẫu và còn cha, thành ra lần lựa chưa qnyết định. Sau ông hối ngộ rằng: « Cái bụng yêu đấng thân; sinh ra từ lúc còn thơ bé, cái bụng ấy mà bỏ đi, thì không khác gì đoạn tuyệt cái chủng tính của mình. » Ông lại có ý ra ứng dụng ở đời. Năm sau ông đi chơi ở vùng sông Tiền-đường và Tây-hồ xem các chùa-chiền. Ở đó có một vị hòa-thượng ngồi tọa-thiền ba năm không nói, không trông. Ông đến chơi và nói rằng: « Vị hòa-thượng kia cả ngày miệng nói cái gì, mắt trông cái gì? » Vị hòa-thượng mở mắt ra ngồi nói chuyện. Ông hỏi: Ở nhà còn có ai nữa không? — Hòa-thượng thưa rằng: Còn có mẹ. — Ông hỏi: Thế có nghĩ đến không? — Thưa rằng: Không thể không nghĩ đến được. — Ông bèn cùng ngồi giảng cái đạo yêu kẻ thân, hòa-thượng phải dỏ nước mắt ra. Hôm sau. ông đến hỏi, thì người hòa-thượng ấy đã trở về nhà rồi.

Năm 34 tuổi ông lại vào kinh làm quan, có nhiều người đến xin học. Ông thấy ai cũng đắm đuối ở chỗ từ-chương ký-tụng, mà không biết đến cái học quan-hệ về tâm thân. Ông bèn bảo cho môn-nhân biết cái chí học để làm thánh-nhân. Song lúc ấy cái đạo sư hữu đã bỏ mất lâu ngày, ai cũng cho cái học ấy là cái học lập-dị hiếu danh. Duy có Trạm Nhược-thủy là cùng đồng ý với ông. Cho nên hai người đều cùng lấy việc phát-minh thánh học làm việc của mình.

Xem như thế, thì từ thuở Dương-minh mới đi học cho đến thuở gần 35 tuổi, vẫn có cái chí học để làm bậc thánh-nhân, nhưng vẫn vơ-vẩn, cứ xuất nhập ở Nho, Lão và Thích, mà ý-chí cứ mang-nhiên, không có định-kiến gì cả. Kế đến khi ông phải đày ra ở trạm Long-trường, đêm ngày ông nghĩ rằng: «Ví phỏng thánh-nhân gặp phải cảnh-ngộ ấy thì tất có cái đạo để tự khiển. Một hôm, nửa đêm ông chợt tỉnh ngộ ra cái nghĩa cách-vật trí-tri. Trong lúc mơ-màng như là có người nói rõ cái nghĩa ấy ra, bất giác ông kêu to lên và múa nhảy như người cuồng vậy. Từ đó ông thấy rõ cái đạo của thánh-nhân đủ cả ở trong tính người ta và cho là nếu ai tìm cái lý ở sự vật là lầm. Ông bèn nhớ lại những lời nói ở trong năm Kinh và đem ra chứng nghiệm, thì không có chỗ nào là không đúng. Ông đã thấy rõ đạo rồi, chuyên tâm trí ý làm cho đạo ấy sáng rõ ra, và dạy người ta tìm chỗ nhập đạo, Đó là việc của ông đảm nhận trong khoảng hơn 20 năm về sau, dù trong khi phải lo việc đánh dẹp, hoặc phải chống giữ với những kẻ gian nịnh dèm pha, lắm lúc rất là nguy hiểm, mà không lúc nào ông thôi việc giảng dạy.

Trước khi bàn đến cái học-thuyết và sự giảng dạy của Dương-minh, ta nên biết rằng cái học của ông tuy có nhiều cái đặc-kiến về đường tâm-học, nhưng vẫn là ở trong cái phạm-vi lý-học của Tống-nho. Ông nhân lý-học mà suy nghĩ đến chỗ uyên-áo của đạo thánh hiền. Ông vẫn phục Trình Y-xuyên và Chu Hối-am là người rất có công với đạo học, song ông rất tôn sùng Chu Liêm-khê, Trình Minh-đạo và Lục Tượng-sơn. Ông cho cái học của Chu Hối-am tuy có phần tinh-vi nhưng vì cái học ấy cốt tìm lý ở ngoài tâm, cho nên thành ra chi-ly, không bằng cái học của Lục Tượng-sơn chủ ở cái lý nhất quán trong tâm người ta. Bởi vậy các học-giả cho cái học của ông cùng với cái học của Lục Tượng-sơn là một mối. Cái phần đặc-biệt của ông là cái thuyết tri hành hợp-nhất và cái thuyết trí lương-tri. Hai cái thuyết ấy đều căn-bản ở sự tâm-học. Ông cho sự học cần phải có sự thực-hành. Biết ở trong ý và làm ra ở việc vẫn là một. Song sự biết và sự làm vẫn chú trọng ở cái tâm; ngoài cái tâm ra là không có sự vật gì khác nữa. Tâm là phần thiêng-liêng sáng-suốt của người ta. Phần thiêng-liêng ấy là thiên-lý, là lương-tâm. Đó là cái căn-bản sự học của ông.

Nay ta muốn biết cho rõ cái tâm-học của Dương-minh, trước hết ta phải hiểu cái học-thuyết của ông là thế nào.

Học-thuyết của Dương-minh.— Cái học của Dương-minh đạt tới cái lý độc-nhất ở trong vũ trụ, cho nên nói rằng: « Cái khí cơ của trời đất lưu-hành luôn luôn không lúc nào nghỉ, nhưng trong sự lưu-hành ấy có cái chủ-tể, cho nên không trước không sau, không nhanh không chậm, tuy thiên biến vạn hóa mà cái chủ tể vẫn thường định. Người ta được cái ấy mà sinh, vạn vật có cái ấy mà còn. Nếu khi cái chủ-tể đã định, thì giống như trời xoay vần không nghỉ, tuy thù tạc vạn biến, mà thường vẫn thung-dung tự-tại, bởi thế gọi là thiên quân thái-nhiên, bách thể tòng lịnh; nếu không có chủ-tể thì chỉ là cái khí chạy rong, thành ra rối loạn. » (Ngữ-lục, I). Nhờ cái chủ-tể ấy, cho nên vạn vật sinh hóa vô cùng mà không lúc nào là không có điều-hòa và trật-tự.

Ông cho là vạn vật biến-hóa ở trong vũ-trụ mà dường mối là nhờ có cái tinh và cái nhất, «Vạn tượng sâm nhiên, thời diệc xang mịch vô trẫm. Xung mịch vô trẫm, tức vạn tượng sâm-nhiên. Xung mịch vô trẫm giả, nhất chi phụ; vạn tượng sâm-nhiên giả, tinh chi mẫu. Nhất trung hữu tinh, tinh trung hữu nhất 萬 象 森 然,時 亦 冲 漠 無 朕.冲 漠 無 朕,卽 萬 象 森 然.冲 漠 無 朕 者,一 之 父;萬 象 森 然 者 精 之 母.一 中 有 精,精 中 有 一: Muôn tượng man-mát rõ-rệt, mà trong lúc ấy vẫn im-lặng mờ mịt, không có triệu trẫm. Im-lặng mờ-mịt, không có triệu trẫm là muôn tượng man-mát rõ-rệt. Im-lặng mờ-mịt không có triệu trẫm ấy, là cha cái một; muôn tượng man-mát rõ-rệt ấy, là mẹ cái tinh. Trong cái một có cái tinh, trong cái tinh có cái một. » (Ngữ-lục, I). Cái một là lý, cái tinh là khí; lý với khí là cái phát-lực của Thái-cực, nhưng lý là nói về phần chủ-tể, mà khí là nói về phần sinh hóa, Bởi vậy nói rằng: « Nhất, thiên-hạ chi đại bản giã; tinh, thiên-hạ chi đại dụng giã 一,天 下 之 大 本 也;精,天 下 之 大 用 也: Một, là cái gốc lớn của thiên-hạ; tinh, là cái dụng lớn của thiên-hạ. » (Văn-lục, IV). Có cái một và cái tinh cho nên mới có đạo.

Đạo thuộc về phần hình-nhi-thượng, ta có thể lấy cái chiêu-minh linh-giác của ta mà biết, chứ mắt không thể trông thấy, tai không thể nghe thấy được. Dương-minh nói rõ rằng: « Đạo không thể nói được, cưỡng mà nói ra thì càng tối; đạo không thể trông thấy được, không biết mà cho là thấy thì càng xa. Bởi chưng có mà chưa tầng có, ấy là thật có: không mà chưa tầng không, ấy là thật không; thấy mà chưa tầng thấy, ấy là thật thấy. (道 不 可 言 也,強 爲 之 言 而 益 晦;道 不 可 見 也,妄 爲 之 見 而 益 遠.夫 有 而 未 嘗 有,是 真 有 也;無 而 未 嘗 無,是 真 無 也;見 而 未 嘗 見,是 真 見 也). Thí-dụ như trời, mà bảo rằng trời không thể trông thấy được, vậy thì cái xanh xanh kia, cái sáng chói-lọi kia, mặt-trời mặt-trăng thay đổi nhau, bốn mùa chuyển vần nối nhau, ấy chưa tầng không có vậy; bảo trời có thể trông thấy được, vậy thì đi tới không biết ở chỗ nào. trỏ vào không biết đâu là nhất định, giữ lấy không được, ấy chưa tầng có vậy. Bởi vì trời là đạo, đạo là trời vậy. Gió có thể tróc lại được, cái bóng có thể thu lấy được, thì đạo có thể thấy được vậy,... Thần không có phương, đạo không có thể, kẻ nhân-giả thấy đó gọi là nhân, kẻ trí-giả thấy đó gọi là trí, ấy thế là có phương có thể vậy.... Ai chìm đắm ở chỗ vô, thì không có chỗ dùng cái tâm, lưu-đãng mà không có chỗ về; ai ứ-trệ ở chỗ hữu, thì dùng cái tâm ở chỗ vô dụng, thành ra nhọc mà không có công. Bởi vì cái khoảng có và không có, cái huyền-diệu sự thấy và sự không thấy, không phải là có thể lấy lời nói mà tìm được....» (Văn-lục, IV).

Đạo của Dương-minh nói ở đây, chính là cái đạo của Khổng-tử và Mạnh-tử đã nói về đường hình-nhi-thượng, và cùng cái đạo của Lão-học là một, bởi vì Nho với Lão đều theo một lý Thái-cực làm gốc của vũ-trụ. Song cách hành đạo của Nho với Lão mỗi bên một khác, cho nên mới thành ra có điều tương đồng tương dị. Học-giả rất nên cẩn-thận ở chỗ này, đừng để sai lầm như lối tục học.

Cái đạo đã huyền-bí khó hiểu như thế, học-giả cần phải lý-hội lấy, rồi tự mình phải mất công-phu mà luyện tập và suy nghĩ, thì mới có chỗ sở đắc, Dương-minh thấy rõ chỗ khó ấy, cho nên ông nói rằng: «Đạo chi toàn thể, thánh-nhân diệc nan dĩ ngữ nhân, tu thị học-giả tự tu tự ngộ 道 之 全 體,聖 人 亦 難 以 語 人,須 是 學 者 自 修 自 悟: Cái toàn-thể của đạo, đến thánh-nhân cũng khó nói cho người ta hiểu được, học-giả nên tự tu tự ngộ lấy.» (Ngữ-lục. I).

Đạo thì có một mà thôi, nhưng xưa nay những người luận đạo thường không tương đồng với nhau là tại sao? Dương-minh nói rằng: «Đạo không có phương thể, không thể cố chấp được, nếu cứ câu nệ ở văn nghĩa mà tìm đạo. thì xa đạo vậy. Như nay người ta nói trời, kỳ thực biết trời ra thế nào? Bảo rằng mặt-trời mặt-trăng, gió mưa sấm sét là trời, không phải; bảo rằng nhân vật, thảo mộc, không phải là trời, cũng không phải. Đạo tức là trời. Biết được như thế, thì lúc nào mà chẳng phải là đạo. Chỉ vì người ta cứ nhận định cái sở kiến một góc, rồi cho cái đạo đến góc ấy là hết, bởi thế cho nên mới có chỗ không tương đồng. Bằng nay ta bỏ cái lối ấy đi, rồi quay về tìm lấy ở trong tâm, thì thấy rõ đạo ở trong tâm của ta, không lúc nào, không chỗ nào, là không phải đạo ấy. Suốt từ xưa nay, vô thủy vô chung, chẳng có cái gì là đồng với dị cả. Tâm tức là đạo, đạo tức là Trời, biết tâm thì biết đạo và biết Trời (心 卽 道,道 卽 天,知 心 則 知 道 知 天). Học-giả cần biết thực rõ đạo ấy, rồi cứ theo cái tâm của mình mà thể-nhận lấy, không phải mượn sự tìm ở ngoài mới được.» (Ngữ-lục, I).

Ông cho cái đạo ở tâm người ta rất sáng rõ, dẫu có che lấp thế nào cũng không mờ tối đi được. «Thử đạo chi tại nhân tâm, hiệu như bạch nhật, tuy âm tình hối minh. thiên thái vạn trạng, nhi bạch nhật chi qnang vị thường tăng giảm biến động 此 道 之 在 人 心,皎 如 白 日,雖 陰 晴 晦 明,千 態 萬 狀,而 白 日 之 光 未 嘗 增 減 變 動: Cái đạo ấy ở trong tâm người ta, sáng như ban ngày, tuy lúc dâm, lúc nắng, lúc tối, lúc sáng, nghìn thái muôn trạng, nhưng cái sáng của ban ngày chưa tầng thêm bớt biến đổi.» (Văn-lục, III).

Dương-minh thủy chung theo cái thuyết «thiên địa vạn vật nhất thể» và lấy cái nghĩa «nhất dĩ quán chi» của Khổng-tử làm căn-bản cho sự học của mình. Ông cho là trong vũ-trụ có đầy những sự vật, nếu theo từng vật mà tìm kiếm, thì thành ra trục vật, nghĩa là đuổi theo từng vật, không phải là cái nghĩa chủ nhất nữa. Chủ nhất là chỉ chuyên chủ ở cái thiên lý mà thôi. Vạn sự vạn vật đều ở trong cái lý ấy, nó quán thông hết cả, chứ không trong ngoài khác nhau. Cái lý ấy gọi là đạo, là trời, là tính, là tâm, cái danh tuy khác, nhưng cái thực là một. Bởi vậy ông đem tất cả cái học-thuật vào cái tâm.

Tâm.— Dương-minh định rõ nghĩa chữ tâm: « Tâm không phải là một khối huyết nhục. Phàm chỗ tri-giác là tâm. Như tai mắt biết trông biết nghe, tay chân biết đau biết mỏi, cái tri-giác ấy là tâm vậy.» (Ngữ-lục III). Cái tâm của người ta thiêng-liêng sáng-suốt, vạn lý vạn sự đều căn-bản ở đó cả. Vậy nên nói rằng: «Hư linh bất muội, chúng lý cụ nhi vạn vật xuất. Tâm ngoại vô lý, tâm ngoại vô sự 虚 靈 不 昧 衆 理 具 而 萬 事 出,心 外 無 理,心 外 無 事: Hư linh không tối, các lý có đủ mà vạn sự đều bởi đó mà ra. Ngoài cái tâm không có lý, ngoài cái tâm không có sự.» (Ngữ lục, I). Muốn biết rõ cái tâm thì phải dụng công để hiểu rõ cái tính. Tính là nói cái bản-nhiên chi tính, như nói: thiên mạnh chi vị tính. Có nhiều người bàn về tính lầm ở chỗ ấy, cho nên mới có thuyết nọ thuyết kia không giống nhau. Dương-minh nói tại làm sao mà các luận-giả hay sai lầm: «Những kẻ luận tính phân đồng dị, là bởi đều nói cái tính, chứ không phải thấy rõ cái tính. Người đã thấy rõ cái tính, thì không thể nói có đồng dị.» (Ngữ-lục, III). Người thấy rõ cái tính bản-nhiên thì hiểu tính với tâm là một.

Tính với tâm là một, nhưng vì cái địa-vị khác, cho nên cái danh mới khác. «Tự kỳ hình-thể giã vị chi thiên, chủ-tể giã vị chi đế, lưu-hành giã vị chi mạnh, phú ư nhân giã vị chi tính. chủ ư thân giã vị chi tâm 自 其 形 體 也 謂 之 天,主 宰 也 謂 之 帝,流 行 也 謂 之 命,賦 於 人 也 謂 之 性,主 於 身 也 謂 之 心: Tự cái hình-thể thì gọi là trời, làm chủ-tể thì gọi là đế, lưu-hành thì gọi là mạnh, phú cho người thì gọi là tính, làm chủ ở trong tâm thì gọi là tâm.» (Ngữ-lục, I). Cái tâm phát ra mỗi việc một khác, việc nào có tên việc ấy, vô cùng vô tận, nhưng chung qui chỉ có một cái tính mà thôi. Thí-dụ như cái tâm phát ra đối với cha thì gọi là hiếu, đối với vua thì gọi là trung v. v. Vậy hiểu rõ nghĩa chữ tính, thì vạn lý đều sáng rõ vậy.

Tính là bản-thể của tâm; người ta đã biết rõ cái tâm, thì ngoài cái tâm ra, không còn có gì nữa « Thân chi chủ-tể tiện thị tâm, tâm chi sở phát tiện thị ý, ý chi bản-thể tiện thị tri, ý chi sở tại tiện thị vật 身 之 主 宰 便 是 心,心 之 所 發 便 是 意,意 之 本 體 便 是 知,意 之 所 在 便 是 物: Cái chủ-tể của thân là tâm, cái sở phát của tâm là ý, cái bản-thể của ý là tri, cái ý để vào đâu là vật.» (Ngữ-lục. I) Thí-dụ như ý để vào chỗ thờ cha mẹ, thì thờ cha mẹ tức là một việc; ý để vào chỗ thờ vua, thì thờ vua là một việc; ý để vào chỗ nhân dân ái vật, thì nhân dân ái vật là một việc; bởi thế cho nên nói rằng: Không có cái lý ở ngoài cái tâm, không có cái việc ở ngoài cái tâm. Những điều gọi là lý, là nghĩa, là thiện, đều ở tâm cả. « Ở vật là lý, xử với vật là nghĩa, ở tính là thiện, rồi nhân khi trở về cái gì thì đặt ra tên khác, kỳ thực là ở tâm của ta hết cả.» — Có người hỏi rằng: « Người ta ai cũng có tâm ấy, tâm tức là lý, thì sao lại có người làm điều thiện, có người làm điều bất thiện? » — Ông nói rằng: « Cái tâm của người ác bỏ mất cái bản-thể.» (Ngữ-lục, I). Vậy người ta ai giữ được cái tâm thuần-hồ thiên-lý là thiện, ai đem cái tư-dục vào làm mất thiên-lý là ác. Bởi vì thiện ác thường là bởi sự hiếu ố của tâm mà sinh ra. « Cái sinh ý của trời đất đối với cái hoa cái cỏ cũng như nhau cả, không có phân ra thiện ác. Nhưng mình thích xem hoa, thì cho hoa là thiện, cho cỏ là ác; đến như muốn dùng cỏ, thì lại cho cỏ là thiện. Cái thiện ác ấy đều bởi lòng hiếu ố của mình mà sinh ra. » — « Thế thì không có thiện, không có ác, hay sao? » — Rằng: « Không có thiện, không có ác, là cái thể tĩnh của lý; có thiện, có ác là cái thể động của khí. Không động ở cái khí, tức là không có thiện, không có ác, ấy thế gọi là chí-thiện. » (Ngữ-lục, I).

Thiện với ác vốn không phải là hai vật có sẵn. Nguyên chỉ có một cái tâm mà thôi, cái tâm thuần-hồ thiên-lý là thiện, nếu có cái tư-dục che lấp đi, thì thành ra ác. Thiên-lý là bản-thể của tâm, tức là cái của Trời phú cho, như là nói: thiên mạnh chi vị tính. Nhân dục là cái lòng hiếu tài, hiếu sắc, hiếu lợi, hiếu danh, v. v. Bởi những lòng ấy cho nên cái tâm của ta mất cái chính mà thành ra thiên lệch.

Tâm đã thuần-nhiên là thiên-lý, không có nhân-dục lẫn vào, thì biết rõ thế nào là nhân, là nghĩa, là lễ. Nhân: « Nhân thị tạo hóa sinh sinh bất tức chi lý 仁 是 造 化 生 生 不 息 之 理: Nhân là cái lý của tạo-hóa sinh sinh không thôi.» (Ngữ-lục I). Bởi cái lẽ theo lý mà sinh sinh ra mãi, cho nên kẻ nhân-giả lấy thiên địa vạn vật làm nhất thể. Nghĩa: «Tâm đắc kỳ nghi vi nghĩa 心 得 其 宜 爲 義: Tâm được cái phải là nghĩa.» (Văn-lục, II). Lễ: «Lễ tự tức thị lý tự 禮 字 卽 是 理 字: Chữ lễ tức là chữ lý.» (Ngữ-lục, I). Lễ là lý, thì điều gì hợp với tâm là lễ. Hễ trái với tâm, mà lại cứ nhắm mắt câu-nệ theo cổ, đó là phi lễ chi lễ.

Dương-minh cho là nhân, nghĩa, lễ, trí, đều ở tính mà ra cả, cho nên nói rằng: «Lễ là lý vậy, lý là tính vậy, tính là mạnh vậy. Duy cái mạnh của Trời sâu xa không cùng: ở người ta thì gọi là tính, sán-nhiên mà có điều-lý gọi là lễ, thuần nhiên thật là thiện gọi là nhân, tiệt-nhiên mà tài-chế gọi là nghĩa, chiêu-nhiên mà minh-giác gọi là trí. Cái mạnh ấy hồn-nhiên ở cái tính, thì cái lý có một mà thôi. Cho nên nhân là cái thể của lễ, nghĩa là cái phải của lễ, trí là sự thông suốt của lễ.» (Văn-lục, IV).

Lý ấy, mạnh ấy, tính ấy, đều ở cả cái tâm, học-giả chỉ nên tìm ở tâm, thì hiểu rõ các vật lý. Vật lý không ngoài được cái tâm của ta, ngoài cái tâm của ta là không có vật lý gì cả. Thánh-nhân sở dĩ hơn người là vì có cái tâm thuần-nhiên là thiên-lý, lúc nào cũng như cái gương soi vào đâu cũng rõ. Cho nên nói rằng: Thánh-nhân chi tâm như minh kính. Chỉ thị nhất cá minh, tắc tùy cảm nhi ứng, vô vật bất chiếu 聖 人 之 心 如 明 鏡.只 是 一 箇 明,則 隨 感 而 應,無 物 不 照: Cái tâm của thánh-nhân như cái gương sáng. Chỉ là một cái sáng, thì cứ tùy cảm mà ứng, không có vật gì là không chiếu rõ.» (Ngữ-lục, I). Cái tâm của thánh-nhân và cái tâm của người thường cũng một cái tâm, nhưng tâm của thánh-nhân như cái gương sáng, mà tâm của người thường thì như cái gương để bụi che mờ, chiếu không rõ nữa. Vậy nên sự học của người ta là phải giữ cái tâm, như phải lau cái gương luôn cho sáng, để có vật gì qua cũng thấy rõ. Đó là phần rất trọng yếu trong cái học của thánh-nhân, cho nên nói rằng: «Thánh-nhân chi học, tâm học giã 聖 人 之 學,心 學 也: Cái học của thánh-nhân là tâm-học vậy.» (Văn-lục, IV).

Tâm học. — Do cái lý-thuyết đã nói ở trên, mà Dương-minh lập thành cái tâm-học. Học là để biết rõ các sự vật, mà thù ứng cho hợp thiên-lý, tức là hợp với chân-lý. Sự biết ấy do ở cái tâm của người ta, hễ cái tâm đã sáng thì lo gì vật đến mà không soi rõ được. Vậy nên cái công-phu của sự học cốt ở sự làm cho sáng cái tâm. Kẻ học-giả chỉ lo cái tâm chưa sáng. chứ không lo không biết hết những sự biến đổi của vật. Người ta lập chí dụng công ở sự học cũng như sự trồng cây vậy. Cây lúc đầu chỉ có mầm chưa có thân, hoặc có thân chưa có cành. Khi có cành rồi mới có lá, có lá rồi mới có hoa, có quả. Lúc đầu mới trồng cây, ta chỉ chăm lo sự tài-bồi bón tưới, đừng tưởng đến cành lá hoa quả vội. Hễ cây tốt thì tự khắc có cành lá hoa quả, chỉ lo bỏ quên mất cái công tài-bồi mà thôi. Sự tài-bồi việc học là sự làm cho sáng cái tâm. Tâm như nước, có dơ bẩn lẫn vào, thì nước đục; hoặc như cái gương, có bụi bám vào thì gương mờ. Cái bẩn cái bụi ấy, là cái tư-dục của người ta. «Sự học của người quân-tử là làm cho sáng cái tâm. Cái tâm vốn không tối, chỉ vì cái tư-dục che đi, cái tập-tục làm hại, cho nên hễ bỏ được cái che và cái hại, thì tâm lại sáng, chứ không phải là được ở ngoài cái tâm vậy.» (Văn-lục, IV). Sự học như người tập bắn. Bắn thì phải có cái đích. Cái đích của sự học là cái tâm. Vậy nên sự học của người ta là chỉ cầu ở cái tâm mà thôi. «Quân-tử chi học, cầu dĩ đắc chi ư kỳ tâm 君 子 之 學 求 以 得 之 於 其 心: Cái học của quân-tử là cầu lấy được ở cái tâm.» (Văn-lục, IV).

Có cái tâm để làm cốt, thì học bao nhiêu cũng không rối, mà bao giờ cũng hợp cái lý nhất-quán. Bởi vậy mới nói rằng: «Đức có cái gốc, mà học có cái cốt-yếu. Không do ở cái gốc mà phiếm-nhiên tòng sự, thì cao lên là hư-vô, thấp xuống là chi-ly, chung qui thành ra lưu-đãng. mất mất cái tôn-chỉ, nhọc mà không có cái sở đắc vậy,» (Văn-lục, IV).

Có cái tâm-học, thì cứ theo cái chiêu minh linh giác 昭 明 靈 覺 của tâm mà hành động, chứ không câu-nệ gì cả. Dương-minh thường nói rằng: «Học là quí cái được ở tâm; tìm ở tâm mà không phải, thì dẫu lời của Khổng-tử nói ra, không dám lấy làm phải: tìm ở tâm mà phải, thì dẫu lời của kẻ tầm thường nói ra, không dám lấy làm trái.» (Ngữ-lục, II). Sự học đã chủ ở tâm như thế, thì rất là ung-dung hoằng-đại, không câu-nệ điều gì, và không cố-chấp học-thuyết nào, hễ có điều phải là theo. Có người hỏi rằng: «Đạo Nho và đạo Phật khác nhau thế nào?» — Dương-minh nói rằng: «Không nên tìm cái đồng cái dị của đạo Nho đạo Phật, tìm cái phải mà học là được vậy,» — «Thế thì phải với trái biện biệt ra làm sao?» — «Tìm ở cái tâm mà yên là phải.» (Văn-lục. IV).

Thuở ấy có người cho cái tâm-học của Dương-minh giống như Thiền-học bên Phật. Ông sợ người ta hiểu lầm ở chỗ ấy, cho nên ông nói rằng: «Cái học của thánh-nhân không có người, không có ta, không có trong, không có ngoài, cho trời đất vạn vật làm một, để làm tâm; cái học của Thiền-tôn thì khởi ở sự tự-tư tự-lợi, mà chưa khỏi phân ra trong ngoài; đó là chỗ khác nhau vậy. Nay những người học về tâm tính mà ra ngoài cái nhân-luân và bỏ các sự vật, thì thật là Thiền-học; nếu chưa ra ngoài nhân-luân, không bỏ các sự vật, mà chuyên lấy tồn tâm dưỡng tính làm cốt, thì chính là cái học tinh nhất của thánh môn.» (Văn-lục, IV). Học-giả nên tế nhận chỗ ấy mà phân biệt cho rõ tâm-học của Nho-giáo và Thiền-học của Phật-giáo.

Sự giảng dạy của Dương-minh. — Thời bấy giờ Nho-học rất thịnh, nhưng chỉ thịnh về đường từ-chương, học giả đều đua nhau dong ruổi ở chỗ hư-văn, chải chuốt lời nói cho đẹp-đẽ để cầu lấy danh lợi, chứ không có mấy người thực-tiễn những việc đạo-đức, cho nên mới thành ra văn thịnh thực suy. Người nào có chí ở việc học, thì lại câu-nệ ở cái nghĩa chữ tuần tự tiệm tiến 循 序 漸 進 của Chu-tử, nên chi trì nghi không dám dũng mãnh về đường tiến-thủ, thành ra nhu nhược ti thiển. Dương-minh từ khi ở Long-trường đã ngộ được cái đạo của thánh hiền, muốn đem đạo ấy dạy người để chữa cái thời tệ. Ông bèn xướng lên cái thuyết tri hành hợp nhất. Sau ông thấy các học-giả vẫn theo lối thấp hèn của tục học, không hiểu rõ chỗ thiết-thực của đạo thánh hiền, ông định tìm con đường cao minh hơn để tiếp dẫn những người có chí về việc học, và bảo các học-giả tĩnh tọa để tìm cái tâm. Sau ông thấy bọn học-giả dần dần đi vào con đường hư không trái với cái tôn-chỉ của thánh-học, ông lại lấy sự tỉnh sát khắc trị 省 察 克 治 làm cái thực công mà dạy người ta giữ thiên-lý bỏ nhân-dục. Một hôm ông ngồi bàn với môn-nhân về cái công-phu của sự học, ông nói rằng: «Dạy người ta học, không nên cố-chấp về một điều thiên lệch. Người ta lúc đầu, cái tâm cái ý không nhất-định, và cái tư-lự thường hay theo về một bên tư-dục, cho nên mới dạy cho phải ngồi im-lặng, và nghỉ hẳn cái tư-lự. Học như thế ít lâu, thì cái tâm cái ý tuy định, nhưng lại chỉ huyền không tĩnh thủ giống như cành cây khô, như đống tro nguội, lại là vô dụng. Bấy giờ nên dạy người ta tỉnh sát khắc trị. Cái công-phu tỉnh sát khắc trị thì không có lúc nào rỗi. Lúc vô sự thì đem những lòng hiếu sắc, hiếu tài, hiếu danh v. v. mà xét cho kỹ, cốt để trừ bỏ cho hết bệnh căn, khiến nó không phát ra nữa. Học-giả lúc ấy phải như con mèo rình chuột, mắt nhìn tai nghe, hễ thấy cái lòng tư mọc ra thì trị ngay đi, mãi cho đến khi không có chút lòng tư nào nữa, bấy giờ sẽ được ngay chính. Tuy nói rằng: «hà tư, hà lự» nhưng không phải là việc lúc mới học. Lúc mới học phải lo tỉnh sát khắc trị thì cái tư-lự mới thành thực. Chỉ nghĩ có một cái thiên-lý, mà hễ đến được chỗ thiên-lý toàn thống hết cả, ấy thế là «hà tư, hà lự». (Ngữ-lục, I).

Dương-minh lấy sự tồn thiên-lý, khử nhân-dục mà dạy người ta, nhưng vẫn chưa nói rõ ra được thiên-lý sở cứ ở đâu mà thể-nhận. Có ai hỏi đến điều ấy, thì ông bảo tìm lấy. Ông thường nói chuyện với người ta rằng: «Ta muốn phát-huy điều ấy ra, biết nó chỉ có một lời, nhưng không phát ra được, lời ấy sẵn ở trong miệng mà không nói ra thế nào được.» Sau ông lại nói: «Ta biết cái học ấy không có cái gì khác, chỉ có cái ấy thôi, hiểu được cái ấy là không có gì nữa.» Ông cứ lúng-túng mãi, không thể nói rõ thiên-lý ở trong người ta là cái gì. Đến khi ông bình xong giặc Thần Hào, lại bị bọn gian-thần chực làm hại. tính-mạnh nguy như trứng để đầu đẳng. Đoạn rồi, ông mới nhận biết thiên-lý là lương-tri. Từ đó về sau ông chỉ lấy hai chữ « lương-tri » mà dạy người ta, và lập ra cái thuyết trí-lương-tri

Cái học của Dương-minh tuy cực tinh-vi cực cao-minh. và vẫn chủ lấy sự thực-tiễn. Ông thấy người đời sùng-thượng hư văn, ngôn hạnh bất tương cố, cho nên trước ông xướng lên cái thuyết tri hành hợp nhất để chữa cái tệ-tập của mạt học, sau ông phát-huy ra cái thuyết trí-lương-tri để người ta thể-nhận được thiên-lý ở trong tâm. Đó là cách của ông thiết-giáo để tiếp dẫn người ta vào đạo vậy.

Tri-hành hợp-nhất.— Dương-minh xướng lên cái thuyết tri-hành hợp-nhất 知 行 合 一 từ khi còn ở Long-trường. Chỗ ấy là đất mọi rợ, ngôn ngữ không thông, chỉ một ít người Tàu đến đó kiếm ăn, ông đem cái thuyết ấy nói với họ, thì ai cũng nghe ra mà lấy làm thích. Lâu rồi đến những người rợ cũng vui theo. Năm sau ông về Quí-châu giảng cái thuyết ấy với bọn sĩ-phu, thì có nhiều người không hiểu được. Ông cho đó là vì bọn sĩ-phu đã có cái ý-kiến sẵn rồi, cho nên mới ngang ra như vậy.

Cái thuyết tri-hành hợp-nhất là căn-bản ở câu «tri chí, chí chi; tri chung, chung chi » ở thiên Văn-ngôn trong kinh Dịch. Tri chí là tri, chí chi là trí, tri tức là hành. Vậy tri với hành là một. Ông theo cái tôn-chỉ duy-tâm nhất trí mà lập ra thuyết này để đem học-giả vào con đường thực-tiễn của đạo-đức. Ông nói rằng: « Muốn hiểu cái thuyết tri-hành hợp-nhất, trước hết phải biết cái tôn chỉ sự lập ngôn của ta. Người đời nay học-vấn, nhân vì đã phân tri hành ra làm hai việc, cho nên khi có một cái niệm phát động, tuy là bất thiện, những bởi chưa thi-hành, thì không tìm cách ngăn cấm. Ta nói cái thuyết tri-hành hợp-nhất, chính là để người ta hiểu được chỗ nhất niệm phát-động, tức là hành rồi. Hễ chỗ phát-động có điều bất thiện, thì đem điều bất thiện ấy trừ bỏ ngay đi, cốt bỏ đến chỗ căn-để, khiến cái niệm bất thiện không tiềm phục ở trong bụng. Ấy đó là cái tôn-chỉ sự lập ngôn của ta. » (Ngữ-lục, III).

Ta nên biết rằng hai chữ trihành của Dương-minh nói ở đây có cái nghĩa khác cái nghĩa ta thường dùng. Tri là chuyên nói cái minh-giác của tâm, hành là nói sự phát-động của tâm, như trong sách Đại-học gọi là ý vậy. Tri là bản-thể của tâm, ý là sự phát động của tâm. Tâm với ý là một, thì tri với hành cũng là một, « Người ta trước hết phải có cái tâm muốn ăn, muốn mặc, muốn đi v. v., nhiên hậu biết ăn, biết mặc, biết đi. Cái tâm muốn ăn, muốn mặc, muốn đi, ấy là lý, tức là cái khởi thủy của sự hành... Lấy cái toàn-thể trắc-đản mà nói, gọi là nhân; lấy sự được cái phải mà nói, gọi là nghĩa; lấy việc điều-lý mà nói, gọi là lý. Không nên tìm cái nhân ở ngoài cái tâm, không nên tìm cái nghĩa ở ngoài cái tâm, thì lẽ nào lại tìm cái lý ở ngoài cái tâm được. Tìm cái lý ở ngoài cái tâm, ấy là tri với hành thành ra hai; tìm cái lý ở trong tâm của ta, ấy là phép dạy tri-hành hợp-nhất của thánh hiền vậy.» (Ngữ-lục, II). Xem như vậy, thì cái nghĩa chữ hành bao hàm cả sự tư-tưởng và sự động-tác. Học, vấn, tư, biện, đều là hành cả. « Lấy sự tìm mà làm cho giỏi các việc mà nói, gọi là học; lấy sự tìm mà giải cho ra điều ngờ mà nói, gọi là vấn; lấy sự tìm mà làm cho thông cái thuyết mà nói, gọi là tư; lấy sự tìm mà làm cho tinh tường việc xét mà nói, gọi là biện; lấy sự tìm mà dày xéo lên sự thực mà nói, gọi là hành. Hễ phân-tích cái công ra mà nói, thì thành năm việc, hợp các việc lại mà nói, thì chỉ có một mà thôi. Ấy là cái thể hợp-nhất của tâm lý, và cái công tịnh tiến của tri hành. » (Ngữ-lục, II).

Tri với hành là một bản-thể. « Cái chỗ chân-thiết đốc-thực của tri, là hành; cái chỗ minh-giác tinh-sát của hành, là tri. Nếu hành mà không tinh-sát minh-giác, ấy là minh hành, tức là « học nhi bất tư tắc võng »; nếu tri mà không chân-thiết đốc-thực, ấy là vọng tưởng, tức là « tư nhi bất học tắc đãi ». Nguyên lai chỉ có một cái công-phu.» (Văn-lục, III). Bởi vì học-giả chia cái công-phu ấy ra làm hai đoạn, làm mất mất cái bản thể của tri hành, chứ không biết cái chân tri tức là hành, không hành không đủ gọi là tri,

Theo cái nghĩa ấy, thì cái thuyết tri-hành hợp-nhất rất sáng rõ. Song khi Dương-minh xướng lên cái thuyết ấy, có nhiều người không hiểu rõ, cứ biện luận mãi. Một người cao-đệ của ông là Từ Ái đến hỏi ông. Ông bảo thử nói tại làm sao mà không hiểu. Từ Ái nói rằng: « Người ta ai cũng biết đối với cha thì phải hiếu, đối với anh thì phải đễ, nhưng không hiếu được và không đễ được, thế là đủ rõ tri và hành là hai việc. » — Ông nói rằng; « Đó là bị cái tư-dục làm gián-đoạn, chứ không phải là cái bản-thể của tri hành. Chưa có cái gì là cái tri mà không hành. Tri mà không hành, chỉ là chưa tri. Thánh hiền dạy người ta về tri hành, là muốn phục lại cái bản-thể. Sách Đại-học chỉ rõ cái chân-thực tri hành cho người ta xem, như nói: thích cái sắc đẹp, ghét cái hơi thối. Thấy cái sắc đẹp là thuộc về tri, muốn cái sắc đẹp là thuộc về hành. Khi thấy cái sắc đẹp thì đã thích rồi, chứ không phải là thấy rồi sau mới lập tâm để thích; khi ngửi thấy hơi thối thì đã ghét rồi, chứ không phải là ngửi thấy rồi sau mới lập tâm để ghét. Lại như nói: Người kia biết hiếu, người kia biết đễ, tất là người ấy đã làm việc hiếu việc đễ rồi, thì mới bảo là biết hiếu, biết đễ. Lại như biết đau. tất là mình đã thấy đau rồi mới biết đau: biết rét, tất là mình đã thấy rét rồi mới biết rét; biết đói, tất là mình đã thấy đói rồi mới biết đói. Như thế thì tri với hành phân ra làm hai thế nào được? Đó là cái bản-thể của sự tri hành, không có cái tư-dục cách đoạn ra vậy. Thánh-nhân dạy người tất phải như thế mới gọi là tri. không thì là bất tri.» — Từ Ái nói: «Cổ nhân chia tri hành ra làm hai, là cốt để người ta thấy rõ riêng từng cái: một cái hành để làm công-phu của cái tri, một cái hành để làm công-phu của cái hành, như thế thì cái công-phu mới có chỗ hạ lạc.» — Dương-minh nói: «Như thế là làm mất cái tôn-chỉ của cổ nhân rồi. Ta thường nói rằng: trí là cái chủ-ý của hành, hành là cái công-phu của tri. Tri là cái khởi đầu của hành, hành là cái thành-tựu của tri. Nếu khi đã hiểu được như thế, thì chỉ nói một cái tri là đã có cái hành ở trong đó rồi; nói một cái hành là đã có cái tri ở trong đó rồi. Cổ nhân sở dĩ đã nói cái tri, lại nói cái hành, là chỉ vì thế-gian có thứ người mờ-mờ mịt-mịt theo ý của mình, không biết rõ sự tư duy tỉnh sát 思 惟 省 察, ấy là minh hành vọng tác 冥 行 妄 作, bởi thế cho nên nói tri rồi, sau mới hành, thì hành mới phải. Lại có thứ người mơ-mơ màng-màng những điều viển-vông vơ-vẩn, không chịu đem mình làm việc thiết-thực, ấy là chủy mô ảnh hưởng 揣 摸 影 響, bởi thế cho nên nói hành rồi sau mới tri, thì tri mới thực. Đó là cổ nhân bất-đắc-dĩ nói ra như thế để bổ cái lệch, chữa cái tệ. Nếu khi đã hiểu rõ cái ý ấy, thì chỉ một lời nói là đủ vậy. Nay người ta lại muốn chia tri và hành ra làm hai, tất phải tri rồi sau mới hành, như là phải giảng tập thảo luận để cầu lấy cái tri, chờ cho đến khi thật tri rồi mới hành, cho nên chung thân không hành, mà cũng không tri. Đó là cái bệnh lớn, mà lai lịch không phải mới một ngày thành ra vậy. Ta nay nói tri-hành hợp-nhất, chính là đối bệnh bốc thuốc, và lại không phải là xuyên-tạc bịa-đặt ra đâu. Cái bản-thể của tri hành nguyên nó như thế, nếu khi đã biết rõ cái bản-thể rồi, thì nói ra làm hai cũng không sao, nó vốn là một; nếu không hiểu cái tôn-chỉ, thì nói là một cũng không giúp được việc gì.» (Ngữ-lục, I).

Dương-minh dạy cái thuyết tri-hành hợp-nhất là cốt khiến học-giả tự mình tìm lấy cái bản-thể, để chữa cái bệnh chi-ly quyết-liệt của sự học, cho nên ông nói rằng: « Tri giả hành chi thủy, hành giả tri chi thành. Thánh học chỉ nhất cá công-phu, tri hành bất khả phân tác lưỡng sự 知 者 行 之 始,行 者 知 之 成.聖 學 只 一 箇 功 夫,知 行 不 可 分 作 兩 事: Tri là cái khởi-thủy của hành, hành là sự thành-tựu của tri. Cái học của thánh-nhân chỉ có một cái công-phu, tri hành không thể chia ra làm hai việc được.» (Ngữ-lục, I)

Vương Long-khê là cao-đệ của Dương-minh nói rằng: « Trong thiên-hạ, chỉ có cái tri mà thôi, không hành không đủ gọi là tri. Tri và hành có bản-thể, có công-phu như mắt trông thấy là tri, nhưng đã trông thấy rồi tức là hành; tai nghe thấy là tri, nhưng đã nghe thấy rồi tức là hành, tóm lại chỉ một cái tri là đủ rồi. Mạnh-tử nói: « Đứa trẻ con không đứa nào là không biết yêu cha mẹ, kịp lúc lớn lên không đứa nào là không biết kính anh chị.» Chỉ nói tri mà thôi, tri là làm được rồi; năng ái năng kính, cái bản-thể vốn là hợp nhất. Dương-minh tiên-sinh vì hậu nho chia ra làm hai việc, bất-đắc-dĩ phải bàn đến cái thuyết hợp-nhất. Cái tri không phải là nói kiến giải 見 解, cái hành không phải là nói lý đạo 履 𨂻; chỉ theo một cái niệm mà lấy chứng: tri mà chân thiết đốc thực 真 切 篤 實 tức là hành, hành mà minh giác tinh sát 明 覺 精 察 tức là tri. Tri hành hai chữ đều trở cái công-phu mà nói, nhưng vẫn là hợp-nhất, chứ không phải là cố lập thuyết để cưỡng sự tin của người ta,»

Muốn hiểu rõ nghĩa mấy chữ «tri hành hợp nhất» thì phải tìm cái mối đầu của nó ở câu «bách lự nhi nhất trí» của Khổng-tử đã nói ở thiên Hệ-từ trong kinh Dịch. Cái mối nhất trí ấy là cái chiêu-minh linh-giác có sẵn trong tâm người ta, Dương-minh nhân đó mà phát-minh ra cái thuyết trí-lương-tri, khiến học-giả tự tìm lấy ở trong tâm mình mà hiểu cái lý duy-tinh duy-nhất trong sự học của thánh hiền. Ai hiểu được rõ cái thuyết trí-lương-tri, thì cái thuyết tri-hành hợp-nhất tự nó sáng rõ ra vậy.

Trí-lương-tri.— Dương-minh dẹp xong cái loạn Thần Hào rồi, lại bị những kẻ gian-thần tìm đủ cách để làm hại, thế mà ông cứ điềm-nhiên tin ở cái lương-tri, không hề lo sợ chút gì cả. Sau khi việc ấy yên rồi, ông viết thư cho người ta, nói rằng: «Cận lai tìm được ba chữ «trí-lương-tri». thật là cái chính pháp nhỡn tàng 正 法 眼 藏 của thánh môn. Mấy năm trước còn cái ngờ chưa hết, nay nhân có nhiều việc, chỉ có cái lương-tri ấy mà không có cái gì là không đủ, ví như đi thuyền nắm được cái tay lái, đi qua chỗ phẳng, chỗ sóng, chỗ nông. chỗ sâu, không đâu là không vừa ý, tuy gặp sóng gió, nhưng đã nắm được tay lái, thì khỏi được cái lo phải chìm đắm vậy.» Ông thường thở than. Môn-nhân là Trần Cửu-xuyên hỏi rằng: « Tiên-sinh thở than về việc gì?» — Ông nói rằng: « Cái lý ấy giản dị minh bạch như thế, mà chìm lấp hằng mấy trăm năm!» — Trần Cửu-xuyên nói: «Cũng vì Tống-nho theo cái giải nghĩa của chữ tri, nhận thức thần 識 神 làm tính thể 性 體, cho nên sự văn-kiến càng ngày thêm nhiều, mà sự làm ngăn lấp cái đạo càng ngày thêm sâu vậy. Nay tiên-sinh phát-minh ra hai chữ lương-tri, ấy là cái diện-mục thật của loài người xưa nay, còn có điều gì mà nghi ngờ nữa?» — Ông nói: «Phải. Ví như người nhận lầm mộ của người khác họ làm mộ tổ mình, làm thế nào mà phân-biệt được? Chỉ có cách mở ra, rồi lấy máu con cháu mà thử, thì phải hay không, rõ ra đó. Hai chữ lương-tri của ta thật là một giọt cốt huyết của các bậc thánh tương truyền từ nghìn xưa vậy.» Ông lại nói: «Ta đối với cái thuyết lương-tri là bởi ở chỗ bách tử thiên nạn mà tìm thấy được, bất-đắc-dĩ đem nói rõ ra, chỉ sợ học-giả cho là dễ, để ngắm chơi, chứ không chịu dùng công-phu mà thực-hành, thật là phụ mất cái biết ấy vậy.» (Phục-lục, II).

Hai chữ «lương-tri» nói ra thì dễ lắm, nhưng kỳ thực biết cho rõ rất là khó. Ta chớ nên khinh thường mà không xét cho thật tường tận. Cái thuyết trí-lương-tri 致 良 知 căn-bản ở chữ trí tri 致 知 của Khổng-tử và chữ lương-tri lương-năng 良 知 良 能 của Mạnh-tử. Tri là cái minh-giác của tâm, mà lương-tri lương-năng là cái bản thể của tri hành. Vậy chữ lương-tri của Dương-minh hàm cả cái nghĩa tri-hành hợp-nhất.

« Tâm chi bản-thể tức thiên-lý giã; thiên-lý chi chiêu minh linh giác sở vị lương-tri giã 心 之 本 體 卽 天 理 也;天 理 之 昭 明 靈 覺 所 謂 良 知 也: Cái bản-thể của tâm là thiên-lý; cái chiêu-minh linh-giác của thiên-lý gọi là lương-tri. » (Phụ-lục III). Chữ lương-tri định nghĩa như thế, tức là lý, là đạo, tự nó rất sáng suốt, rất linh diệu, lưu-hành khắp vũ-trụ mà không bao giờ biến đổi. Cho nên nói rằng: « Lương-tri ở tâm người ta suốt muôn đời, lấp vũ-trụ, mà bao giờ cũng thế: không nghĩ mà biết, không học mà hay, trước Trời mà Trời không trái được.» (Ngữ-lục, II). Trời đất quỉ thần và vạn vật sở dĩ có, là nhờ có cái lương-tri ấy. Vậy nên lại nói: « Lương-tri là cái tinh-linh của tạo-hóa. Cái tinh-linh ấy sinh trời sinh đất, thành quỉ thành thần, cái gì cũng bởi đó mà ra, thật là cùng với vật mà không có vật nào sánh ngang với nó được. » (Ngữ-lục III). Không có cái biết bản-nhiên là lương-tri, thì trời đất và vạn vật dẫu có, cũng như không mà thôi. Lương-tri bao giờ cũng tự-nhiên tự-tại, linh-diệu vô cùng, mà vẫn khuếch-nhiên thái-công: « Vô tri vô bất tri, cái bản-thể nguyên như thế. Ví như mặt-trời chưa tầng có bụng soi sáng cho các vật, thế mà không có vật nào là không được soi sáng. Vô chiếu vô bất chiếu, nguyên là cái bản-thể của mặt trời như vậy. Lương-tri vốn là vô tri, nay lại muốn cho là hữu-tri; vốn là vô bất tri, nay lại ngờ là có cái bất tri; là bởi sự tin lương-tri chưa tới vậy.» (Ngữ-lục, III). Muốn biết lương-tri là có, thì trước hết ta phải tin nó có, và chớ nên tự khi nó: « Hễ không tự khi, thì lương-tri không có cái gì lừa dối được, thế là thành 誠 vậy, thành thì minh 明 vậy; tự tín thì lương-tri không có cái gì cảm-dỗ được, thế là minh vậy, minh thì thành vậy. Minh thành tương sinh, cho nên lương-tri thường chiếu, thường giác, như cái gương sáng treo lên, vật gì đến cũng không dấu được cái đẹp cái xấu.» (Ngữ-lục, II) Lương-tri chỉ là một, tuy nó phát-hiện lưu-hành, tự nó nặng nhẹ, dày mỏng, không ai thêm bớt được, cho nên mới gọi là cái trung 中 thiên-nhiên. Cái tri, cái giác, của lương-tri vốn là tự-tại, mà không sao trắc lượng được. Biết là có, mà đến khi biết thật rõ ra, lại không biết cái biết ấy ở đâu, thế mà phải biết mới được. Bởi vậy nói rằng: « Tri lai bản vô tri, giác lai bản vô giác, nhiên bất tri tắc toại luân mai 知 來 本 無 知,覺 來 本 無 覺,然 不 知 則 遂 淪 埋; Tri ra vốn là vô tri, giác ra vốn là vô giác. nhưng không biết thì là chìm lấp mất.» (Ngữ-lục, III).

Cái tri ấy vô hình, vô ảnh, vô phương sở, nhưng không đâu là không có. Nó cứ tự-nhiên nhi nhiên mà chiếu ra. Dẫu che lấp thế nào cũng không làm mất đi được. Lương-tri ở trong tâm người ta, ví như cái ánh-sáng của mặt-trời ở trong không gian. Khi ta ngồi vào chỗ tối, ta tưởng là không có ánh-sáng nữa, nhưng kỳ thực nó vẫn vằng-vặc trong khoảng trời đất. Chỗ tối ấy là vọng-niệm, là tư-dục, nó chỉ che được cái sáng, chứ không làm mất được cái sáng. Vậy nên nói rằng: «Tuy vọng niệm chi phát, nhi lương-tri vị thường bất tại, đãn nhân bất tri tồn, tắc hữu thời nhi hoặc phóng nhĩ. Tuy hôn tắc chi cực, nhi lương-tri vị thường bất minh, đãn nhân bất tri sát, tắc hữu thời nhi hoặc tế nhĩ 雖 妄 念 之 發,而 良 知 未 嘗 不 在,但 人 不 知 存,則 有 時 而 或 放 耳.雖 昏 塞 之 極,而 良 知 未 嘗 不 明.但 人 不 知 察,則 有 時 而 或 蔽 耳: Tuy cái vọng-niệm phát ra. mà cái lương-tri chưa tầng không có, chỉ vì người ta không biết giữ cho còn, mới có lúc để buông sổng ra. Tuy cái mờ tối che lấp đến cực, mà cái lương-tri chưa tầng không sáng, chỉ vì người ta không biết xét, mới có lúc để che mất.» (Ngữ-lục, II). Sự học là cốt bỏ cái tối cái che đi, để thấy rõ cái sáng của lương-tri vậy.

« Tâm của người ta kỳ thủy không khác gì tâm của thánh-nhân, chỉ vì cái lòng tư hữu-ngã nó ngăn ra, cái che lấp của vật dục nó cách ra, làm lớn hóa nhỏ, thông hóa tắc, mỗi người có một cái tâm riêng, đến nỗi có người xem cha con anh em như kẻ cừu địch. Thánh-nhân lấy làm lo, mới suy ở cái nhân của thiên địa vạn vật nhất thể ra mà dạy thiên-hạ, khiến ai nấy đều nén cái tư, bỏ cái tế-tắc, để phục lại cái đồng-nhiên của tâm thể. Đó là cái nghĩa: đạo tâm duy vi, duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết trung vậy.»

Thánh-nhân sở dĩ hơn người là giữ được hoàn-toàn cái lương-tri mà hành-động, chứ không trầm không thủ tịch 沉 空 守 寂 như lối Thiền-học của Phật-giáo, mà cũng không an-bài tư-sách 安 排 思 索 như lối học của phần nhiều những học-giả đời sau. Những lối ấy chính là lối tự-tư dụng-trí, làm mất mất cái lương-tri. Thánh-nhân cũng tư-lự, nhưng sự tư-lự của thánh-nhân là do sự phát dụng của lương-tri, chứ không theo sự an-bài của tư-ý. Cái học mà chủ ở lương-tri thì chỉ dụng công ở chỗ phác-thực rồi tự hiểu được hết cả mọi sự. Hiểu được như thế thì quên cả trong ngoài, mà tâm với sự hợp làm một vậy.

Lương-tri là cái linh-căn của trời phú cho tự nó sinh sinh bất-tức, chỉ vì người ta gây thành cái tư lụy, đem cái gốc thiêng-liêng ấy phá hại và che lấp đi, cho nên nó mới không phát sinh ra được. Không biết rằng một điểm lương-tri ấy là cái chuẩn-tắc có sẵn ở ta, cái ý niệm của ta ở chỗ nào mà phải thì nó biết là phải, trái thì nó biết là trái, dẫu muốn lừa dối nó chút nào cũng không được. Ta đừng lừa dối nó, cứ thực-thà theo nó, thì cái thiện còn lại, cái ác phải mất đi. Như thế thì ổn-thỏa và vui sướng là đường nào! Đó là cái bí-quyết của sự cách-vật, cái thực-công của sự trí-tri vậy.

Lương-tri huyền-bí linh-diệu như thế. cho nên Dương-minh lấy ba chữ trí lương-tri mà dạy người ta, nghĩa là dạy người ta phải học cho đến cái lương-tri. Học-giả có người cho là cái tâm-thể của người ta tuy là sáng suốt, nhưng còn có cái khí nó câu thúc, cái vật nó tế tắc, thành ra thường hay bị mờ tối. Giả sử không có học, vấn, tư, biện, cho cùng cái lý của thiên-hạ, thì sao biết rõ thiện ác và thực dả. Nếu cứ nhiệm-tình tứ-ý thì há chẳng hại lắm hay sao? — Ông nói rằng: « Cái lý của vạn sự vạn vật không ngoài được cái tâm của ta. Thế mà nói rằng phải cùng cái lý của thiên-hạ, ấy là ngờ cái lương-tri của ta chưa đủ, cho nên phải ra ngoài tìm ở chỗ rộng của thiên-hạ để bổ ích thêm vào. Như thế là tách cái tâm và cái lý ra làm hai vậy. Cái công học, vấn, tư, biện, đốc hành, tuy có sự cố gắng đến người ta một phần thì mình phải trăm phần, nhưng cái cùng cực của sự khoáng sung đến chỗ « tận tính tri thiên » cũng chẳng qua là trí cái lương-tri của tâm ta mà thôi. Ngoài cái lương-tri há lại có thêm được chút gì nữa không? Nay nói cùng lý của thiên-hạ mà không biết quay trở-lại cầu lấy ở tâm, thì phàm cái mà gọi là cái cơ của thiện ác và sự biện-biệt của việc thực dả, nếu bỏ cái lương-tri của tâm đi, thì toan lấy gì mà đến chỗ xét cho rõ được? Người ta sở dĩ nói khí câu, vật tế, là nói câu cái đó, tế cái đó mà thôi. Nay muốn bỏ cái che lấp của cái ấy mà không dụng lực ở cái ấy, lại muốn đi tìm ở ngoài, thì có khác gì con mắt không sáng, mà không vụ lấy sự phục thuốc để điều trị con mắt, lại cứ đi tìm cái sáng ở ngoài, cái sáng há có thể lấy ở ngoài được hay sao? Cái hại nhiệm-tình tứ-ý cũng là bởi không xét được kỹ cái thiên-lý ở lương-tri của tâm vậy. Ấy thật là sai một hào ly mà lầm đến nghìn dặm vậy. » (Ngữ-lục II).

Bởi lẽ ấy, cho nên cái học của Dương-minh không nói cùng lý, mà chỉ nói trí-lương-tri: ông lại lấy chữ trí-tri cách-vật trong sách Đại học làm cơ-sở cho cái thuyết trí-lương-tri của ông, vậy nên nói rằng: « Ta nói trí-tri cách-vật, là trí cái lương-tri của tâm ta ở sự sự vật vật. Lương-tri của tâm ta tức là cái gọi thiên-lý vậy. Trí cái thiên-lý trong lương-tri của tâm ta ở sự sự vật vật, thì sự sự vật vật đều được cái lý. Trí cái lưong-tri của tâm ta là trí-tri vậy; sự sự vật vật đều được cái lý, là cách vật vậy.» (Ngữ-lục, II). Cái công-phu của sự trí lương-tri ở sự cách-vật. Cách-vật là khiến cho các sự vật được đúng thiên-lý. Ông nói rằng: « Ta dạy trí lương-tri là phải dụng công ở cách-vật, ấy là sự học-vấn có căn-bản, càng ngày càng tiến thêm, càng ngày cáng biết rõ-ràng. Thế nho thì dạy tìm kiếm ở các sự vật, ấy là sự học-vấn không có căn-bản, giống như cây không có gốc, lâu thành ra tiều tụy.» (Ngữ-lục III).

Cái gốc của vạn vật là thiên-lý. Người ta sinh ra, ai cũng có một phần thiên-lý, là phần thiêng-liêng sáng-suốt của ta, tức là lương-tri vậy. Lương-tri thì người hiền kẻ ngu ai cũng có như nhau cả, chỉ khác là người hiền thì giữ được cái lương-tri sáng suốt, mà kẻ ngu thì để nó mờ tối đi mà thôi. Bởi vậy nói rằng: « Phàm cái lương-tri, lương-năng thì đứa ngu phu ngu phụ cũng giống như thánh-nhân, nhưng thánh-nhân trí được cái lương-tri, mà ngu phu ngu phụ thì không trí được, ấy là thánh với ngu phân-biệt ra bởi ở đó vậy.» (Ngữ-lục, II)

Theo cái thuyết ấy, thì người ta ai cũng có thể làm thánh làm hiền được, miễn là biết trí cái lương-tri, thì các cái đức tự sáng ra vậy. « Kẻ sĩ hôn ám mà quả hay tùy sự tùy vật xét kỹ cái thiên-lý của tâm, để trí được cái lương-tri bản-nhiên, thì tuy ngu rồi hóa sáng, tuy mềm rồi hóa cứng, Cái gốc lớn đã dựng, cái đạt-đạo đã hành, thì bao nhiêu những điều dạy ở trong các Kinh Truyện có thể lấy cái một mà suốt hết cả, không sót gì vậy.» (Ngữ-lục, II). Đó là cái đạo nhất quán của Khổng-tử đã dạy từ xưa. Ngài bảo thầy Tử-Cống rằng: «Ngươi cho ta là học nhiều mà biết, có phải không? Không phải. Ta chỉ lấy cái một mà suốt hết cả đó.» Lấy cái một mà suốt hết cả, chẳng phải trí cái lương-tri là gì?

Học theo cái thuyết trí-lương-tri thì không cần phải biết nhiều nhớ nhiều, thế mà không có việc gì là không biết. «Lương-tri không bởi kiến văn mà có, mà kiến văn nào cũng là cái dụng của lương-tri. Cho nên lương-tri không ứ trệ ở kiến văn mà cũng không xa lìa kiến văn. Khổng tử nói rằng: «Ta có biết gì không? Không biết vậy,» Ngoài cái lương-tri ra không có cái biết gì nữa. Cho nên lương-tri là cái mối đầu rất lớn của sự học-vấn. Ấy là cái nghĩa thứ nhất của thánh-nhân dạy người. Nay nói: chuyên cần ở cái cuối của kiến văn, thì bỏ mất cái mối đầu, ấy là trụt xuống cái nghĩa thứ hai vậy.... Đại để, cái công-phu của sự học-vấn là chỉ chú ý ở cái mối đầu. Nếu chú ý ở cái mối đầu, chuyên lấy trí-lương-tri là việc cốt-yếu, thì phàm đa văn đa kiến, không cái gì là không phải cái công của sự trí-lương-tri.» (Ngữ-lục, II). Sự học của thánh-nhân chỉ chủ ở sự tìm cho thấy rõ cái bản sắc của lương-tri, chứ không có ý gì khác nữa. Cái hư-vô của lương-tri cũng như cái hư-vô của Thái-hư. Mặt-trời, mặt-trăng, gió mưa, sấm sét, núi sông, dân vật, phàm vạn hữu đều ở cả trong Thái-hư vô hình mà phát-dụng lưu-hành, mà chưa tầng có vật nào làm ngại trở cho Thái-hư. Thánh-nhân thuận cái phát-dụng của lương-tri, thì trời đất vạn vật đều ở trong sự phát-dụng lưu-hành của lương-tri, mà chưa tầng có một vật nào ra ngoài lương-tri mà làm ngại trở được. Song cái học quang minh chính đại ấy, không phải là ai cũng hiểu rõ ngay được: người nào có chí ở đạo, rồi hết sức cố gắng tìm cho thấy đạo, thì mới biết được cái chân-tướng của lương-tri. Bởi vậy Dương-minh nói rằng: « Duy những kẻ sĩ có đạo, thì mới thật thấy rõ cái chiêu-minh linh-giác của lương-tri, khuếch-nhiên thái-công cùng với Thái-hư đồng một thể. Trong Thái-hư thì vật gì cũng có, mà không có vật nào che lấp được Thái-hư vậy.» (Phụ-lục, III).

La Niệm-am là một người cao-đệ của Dương-minh nói rằng: «Dương-minh tiên-sinh dạy cái lương-tri là gốc ở ba điều của Mạnh-tử: chợt thấy người sa xuống giếng.— đứa trẻ biết yêu biết kính, — sự hiếu ố bình nhật của người ta. Ba điều ấy đều có sẵn trước lúc chưa phát ra, cho nên gọi là lương, cũng như Chu Hối-am gọi lương là cái tự-nhiên vậy. Khi có một điều gì phát-hiện ra mà chưa có thể làm được, thì phải phục ngay lại cái bản-thể, cho nên nói là «truật-dịch 怵 惕», tất là để lấy sự khoáng-sung mà nối theo; nói hiếu ố, tất là để lấy sự trưởng-dưỡng mà nối theo; nói sự ái kính, tất là để lấy sự đạt ra thiên-hạ mà nối theo. Cái ý của Mạnh-tử thấy rõ lắm, mà Dương-minh tiên-sinh hiểu được cái ý ấy, cho nên không lấy cái lương-tri làm đủ, mà lại lấy trí-tri làm công-phu.» La Niệm-am giải rõ cái nghĩa chữ lương-tri, là cái thể tự-tại, cái trung chưa phát ra vậy. Cái thể ấy, cái trung ấy, vẫn có sẵn, nhưng cái công-phu của học-giả là cốt ở chữ trí 致; có trí tới cái lương-tri để nối theo mà sung 充, mà dưởng 養, mà đạt 達, thì mới có cái hòa. Đó là điều cốt yếu trong cái thuyết trí-lương-tri.

Đại để cái thuyết trí-lương-tri là tóm cả cái nghĩa cách-vật, thành-ý vào chữ trí-tri mà vẫn không ra ngoài cái tôn-chỉ tri-hành-hợp-nhất và theo được đúng cái lý nhất dĩ quán chi của Khổng-học vậy.

Cái tôn-chỉ trí-lương-tri.— Dương-minh về đinh gian, nghỉ ở nhà dạy học non sáu năm, phát huy ra cái thuyết trí-lương-tri. Sau triều-đình lại cử ông đi làm tổng-đốc Lưỡng-Quảng để dẹp giặc ở châu Tư-điền. Khi ông sắp đi, hai người cao-đệ của ông là Tiền Đức-hồng và Vương Kỳ bàn cái tôn-chỉ về cái học trí-lương-tri. Tiền Đức-hồng nhắc lại lời dạy của Dương-minh rằng: « Vô thiện vô ác là cái thể của tâm, có thiện có ác là sự động của ý, biết thiện biết ác là lương-tri, làm thiện bỏ ác là cách-vật.» — Vương Kỳ nói rằng: « Lời ấy sợ chưa phải là lời cứu-cánh.» — Đức-hồng hỏi rằng: « Tại sao?» — Vương Kỳ nói: « Nếu nói tâm-thể là vô thiện vô ác, thì ý cũng vô thiện vô ác, tri cũng vô thiện vô ác, vật cũng vô thiện vô ác; nếu ý nói có thiện có ác, thì rút lại là tâm-thể vẫn có thiện có ác.» — Đức-hồng nói: « Tâm-thể là thiên-mạnh chi tính, nguyên là vô thiện vô ác, nhưng người ta tập nhiễm đã lâu, trong ý niệm thấy có thiện có ác. Cách-vật, trí-tri, thành-ý, chính-tâm, tu-thân ấy là cái công-phu để phục lại cái tính-thể. Nếu bằng nói; nguyên là vô thiện ác, thì cái công-phu ấy nói không xuôi vậy.» Đoạn, đến đêm vào ngồi hầu Dương-minh ở trên cầu Thiên-tuyền, hai người đem việc ấy ra hỏi. Dương-minh nói rằng: « Ta nay sắp đi, chính muốn các người đến giảng cho vỡ cái ý ấy. Ý-kiến của hai người nên để giúp nhau mà dùng, không nên mỗi người có chấp một bên. Nhữ-trung nên dùng cái công-phu của Hồng-phủ, Hồng-phủ nên hiểu cái bản-thể của Nhữ-trung. Ấy là chỗ ta tiếp dẫn hai hạng người. Người có lợi-căn[1], thì theo thẳng cái bản-nguyên mà thể ngộ: Cái bản-thể của tâm người ta nguyên là sáng-sủa không có ngưng trệ, tức là cái trung lúc chưa phát ra. Người có lợi-căn thể ngộ ngay được, thì bản-thể là công-phu: người với ta, trong với ngoài đều nhất tề hiểu thấu cả. Người không có lợi-căn là bậc thứ, thì không khỏi có sẵn cái tập tâm, che lấp mất cái bản-thể, cho nên mới dạy sự thực hành ở ý-niệm, làm thiện bỏ ác. Sau khi cái công-phu đã thuần thục rồi, những cái cặn bã bỏ hết sạch, thì cái bản-thể cũng sáng rõ ra. Cái ý-kiến của Nhữ-trung là cái ta tiếp dẫn người có lợi-căn; cái ý-kiến của Hồng-phủ là cái lập pháp của ta để tiếp dẫn người bậc thứ. Hai người nên lấy lẫn của nhau mà dùng, thì bậc trung nhân và trung nhân dĩ thượng, trung nhân dĩ hạ đều đem được vào đạo. Nếu mỗi người cố-chấp một bên, thì ngay nhỡn tiền đã không tiếp dẫn được ai, mà đến đạo thể cũng mỗi bên có điều chưa đủ.» Đoạn, ông lại nói rằng: «Từ nay về sau cùng với bằng hữu giảng học, đừng có làm mất cái tôn-chỉ của ta. Cái tôn chỉ ấy là: « Vô thiện vô ác thị tâm chi thể, hữu thiện hữu ác thị ý chi động, tri thiện tri ác thị lương-tri, vi thiện khử ác thị cách-vật 無 善 無 惡 是 心 之 體,有 善 有 惡 是 意 之 動,知 善 知 惡 是 良 知,爲 善 去 惡 是 格 物: Vô thiện vô ác là cái thể của tâm, có thiện có ác là sự động của ý, biết thiện biết ác là lương-tri, làm thiện bỏ ác là cách-vật. » Các người phải y theo bốn câu ấy, rồi tùy người chỉ điểm, thì tự nó không có bệnh-thống. Ấy là cái công-phu suốt trên suốt dưới. Người có lợi-căn ở đời cũng ít khi gặp, hạng người ấy hiểu một lần thì suốt hết cả. Ấy Nhan-tử và Trình Minh-đạo còn không dám đương, há lại khinh dị mà trông ở người khác được hay sao. Người thường thì ai cũng có tập tâm, vì cái tập sở nhiễm, nếu không dạy người ta thực dụng cái công-phu ở lương-tri, làm thiện bỏ ác, thì chỉ là treo cái không tưởng của bản-thể, nhất thiết sự vật đều không thực-tiễn, chẳng qua là nuôi thành một cái hư tịch 虛 寂, ấy là cái bệnh-thống không phải là nhỏ, không nên không sớm chữa vậy. » (Ngữ-lục, III).

Cái học của Dương-minh rất cao-minh mà vẫn thiết-thực, cho nên trong cái tôn-chỉ ấy ông nói rõ cái thể bản-nhiên của tâm và cái căn-nguyên của thiện ác, rồi bảo người ta lấy sự trí-tri và sự cách-vật mà phục lại cái bản-thể ấy. Song ông còn sợ học-giả hiểu không rõ, cho nên ông ân-cần dặn kỹ đừng thiên trọng quá về cái bản-thể của lương-tri, mà bỏ mất cái công-phu thực-dụng; và cũng đừng thiên trọng quá về cái công-phu thực-dụng mà bỏ mất cái bản-thể của lương-tri. Cốt nhất là phải lựa từng hạng người mà tiếp dẫn, chứ không nên cố-chấp một mặt nào. Dù thế mặc lòng về sau vì bốn câu nói tóm cái tôn-chỉ ấy, mà bọn môn nhân mỗi người đi ra một đường. Vương-Long-khê thì lấy cái bản-thể «vô thiện vô ác» mà lập giáo, thành ra một cái học chỉ vụ lấy sự « ngộ 悟 », và phát-minh ra được nhiều điều rất cao, nhưng dần dần lại biến ra Thiền-học. Bọn Tiền Tự-sơn và Châu Đông-quách thì lấy «tri thiện tri ác, vi thiện khử ác» làm cái học tu-trì, tuy có giữ được cái phần thiết-thực, nhưng lại kém phần cao-minh.

Cái học trí-lương-tri là cốt phải dụng công ở chữ trí 致. Trí là tới cái bản-thể tự-tại, tức là tới cái nguồn gốc của sự tri-giác và sự hành-động. Tới được cái bản-thể ấy thì gồm được cả động tĩnh: tĩnh thì thiêng-liêng sáng suốt, động thì lúc nào cũng có cái hòa trúng-tiết. Đó là cái chủ ý của Dương-minh, cho nên ông thường nói rằng: « Xưa ta ở đất Trừ, thấy môn-sinh hay vụ lấy sự tri-giác, không có ích cho sự sở đắc, ta mới dạy cho hãy tĩnh tọa; được một độ thấy cái quang-cảnh cũng có cận hiệu, nhưng lâu dần thấy có cái bệnh thích tĩnh chán động, đi vào cái khô-kháo cho nên gần đây ta chỉ nói trí-lương-tri. Lương-tri minh bạch, thì tha-hồ ở chỗ tĩnh mà thể-ngộ cũng được, ở chỗ việc làm mà ma-luyện cũng được. Cái bản-thể của lương-tri nguyên không có động, không có tĩnh, ấy là cái cốt-tử của sự học-vấn.» Cái ý của ông rõ như thế, mà về sau các học-giả chỉ biết ma-luyện ở chỗ việc làm, thế tất phải nhận tri-thức làm lương-tri, rồi ngầm-ngấm hãm vào cái bệnh nghĩa tập trợ trưởng 義 襲[2] 助 長, cái hại lại quá sự thích tĩnh chán động. Bởi không theo cái lương-tri mà dụng công, lại dụng công ở chỗ động tĩnh, và nhất là lại chỉ dụng công ở chỗ động mà thôi, cho nên đối với cái học của Dương-minh thành ra lệch về một bên vậy.

Giáo-điển của Dương-minh.— Dương-minh dạy các môn-đệ thường lấy chương đầu sách Đại-học và sách Trung-dung mà chỉ rõ cái toàn công của thánh-học, khiến học-giả biết đường lối mà vào. Ông cho là sự biết của tâm không ngoài được cái trung của « dân di vật tắc 民 彞 物 則 », mà cái công của sự trí-tri không ngoài được việc tu, tề, trị, bình, nên chi ông lấy những điều ấy làm chỗ thực-địa dụng công. Sau môn-nhân chép những lời ông dạy làm thành một thiên gọi là Đại học-vấn 大 學 問, nghĩa là câu hỏi về sách Đại-học. Thiên ấy nói rút cái đại-ý của Nho-học, cho nên ta phiên dịch ra sau này:

— « Các tiên-nho cắt nghĩa Đại-học là cái học của bậc đại-nhân, dám hỏi cái học của bậc đại-nhân sao lại cốt ở minh minh đức? »

— « Dương-minh-tử nói rằng: « Bậc đại-nhân là bậc người lấy trời đất muôn vật làm nhất-thể, coi thiên-hạ như một nhà, coi cả nước như một người vậy. Nếu cho hình-hài là gián cách mà chia ra nhĩ ngã, thế là tiểu-nhân vậy. Bậc đại-nhân có thể cho trời đất muôn vật làm nhất-thể, không phải là tự ý riêng mình, mà chính là cái nhân ở trong tâm người ta vốn như thế. Cái tâm cùng với trời đất muôn vật làm một, không phải chỉ là cái tâm của bậc đại-nhân, tâm của kẻ tiểu-nhân cũng đều như thế cả. Chỉ tại kẻ tiểu-nhân tự cho cái tâm ấy nhỏ đi mà thôi. Bởi thế cho nên thấy đứa trẻ con ngã xuống giếng, ắt có lòng băn-khoăn thương xót, thế là lòng nhân cùng với đứa trẻ con làm một thể vậy. Đứa trẻ con còn là đồng loại với mình, chứ ngay thấy chim muông kêu thương đau đớn, ắt có lòng bất nhẫn, thế là lòng nhân cùng với chim muông làm một thể vậy. Chim muông còn là loài có tri-giác, chứ ngay thấy cỏ cây đổ gẫy, ắt có lòng mẫn tuất, thế là lòng nhân cùng với cỏ cây làm một thể vậy. Cỏ cây còn là loài có sinh ý, chứ ngay thấy ngói đá vỡ nát, cũng có lòng đoái tiếc, thế là lòng nhân cùng với ngói đá làm một thể vậy. Như thế thì cái lòng nhân coi trời đất muôn vật làm nhất thể, dẫu kẻ tiểu-nhân cũng phải có. Lòng ấy gốc ở cái mạnh của trời, mà tự-nhiên thiêng-liêng sáng suốt, cho nên gọi là minh-đức. Lòng kẻ tiểu-nhân dầu chia cách, hẹp-hòi, song cái lòng nhân « nhất thể » vẫn không mờ tối. Đó là kể những lúc chưa bị lòng dục làm lay động, lòng tư làm che lấp vậy. Đến khi lòng dục làm lay động, lòng tư làm che lấp, mà sự lợi hại đánh lẫn nhau, sự tức giận khích lẫn nhau, thì hại vật nát loài, không cái gì là không làm, rồi đến cả cốt nhục tương tàn, mà cái nhân « nhất-thể » mất vậy. Thế cho nên nếu không bị tư-dục che lấp, thì tuy là cái tâm của kẻ tiểu-nhân, nhưng cái nhân « nhất-thể » cũng như bậc đại-nhân vậy; nếu đã có tư-dục che lấp, thì tuy là cái tâm của bậc đại-nhân, nhưng sự chia cách hẹp-hòi cũng kẻ tiểu-nhân vậy. Bởi thế cái học của bậc đại-nhân cốt bỏ cái che lấp của tư-dục, để tự sáng lấy cái đức sáng, phục lại cái « gốc thiên địa vạn vật nhất thể », mà không phải là ở ngoài cái bản thể ấy có thể bù thêm được cái gì khác vậy. »

— « Sao lại cốt ở thân-dân? »

— « Minh minh-đức là để lập cái thể « thiên địa vạn vật nhất thể »; thân-dân là để đạt cái dụng « thiên địa vạn vật nhất thể ». Cho nên sáng cái đức sáng cốt ở thân-dân, mà thân-dân là để sáng cái đức sáng vậy. Thân cha ta đến cha người, đến cha người thiên-hạ; thân anh ta đến anh người, đến anh người thiên-hạ; cái lòng của ta có nhân cùng phụ huynh làm nhất-thể như thế, thì rồi cái đức hiếu đễ mới sáng vậy. Vua tôi, vợ chồng, bạn hữu cho đến núi sông, quỉ thần, chim muông, cỏ cây, không đâu là không có một cách thân, để đạt cái nhân nhất-thể của ta. Nhiên hậu cái minh-đức của ta mới không có chỗ nào là không sáng, mà mới thật là lấy được trời đất muôn vật làm nhất-thể vậy. Bởi thế gọi là sáng cái đức sáng ở thiên-hạ, thế gọi là nhà tề, nước trị mà thiên-hạ bình, thế gọi là tận tính. »

— « Sao lại cốt ở chỉ ư chí-thiện? »

— « Chí-thiện là cái cực-tắc của minh-đức và thân-dân. Cái tính của mạnh trời tuy-nhiên chí-thiện, cái phần thiêng liêng sáng suốt không mờ tối là cái phần phát-hiện của chí-thiện, thế là cái bản-thể của minh-đức mà tức là cái gọi là lương tri vậy. Cái phần phát-hiện của chí-thiện, phải thì là phải, trái thì là trái, nhẹ nặng, giầy mỏng, hễ cảm là ứng ngay, biến động không ở một chỗ, thế mà vẫn có cái trung thiên-nhiên, đó là cái mực cùng tột của dân di vật tắc, mà không có thể nghĩ nghị thêm bớt được chút nào vậy. Đã hơi có nghĩ nghị thêm bớt một chút, đều là cái ý riêng, cái trí nhỏ, mà không phải là chí-thiện vậy. Nếu không phải là bậc rất thận-độc, một mực duy tinh duy nhất, thì làm thế nào mà tới được. Người sau chỉ vì không biết chí-thiện vốn ở tâm ta, mà dùng tư-trí để lần mò đo lường ở ngoài, cho là sự sự vật vật đều có định lý, cho nên sai lầm cái mực phải trái, chi-ly quyết-liệt, cái nhân-dục phóng tứ mà thiên-lý mất, cái học minh-đức, thân-dân bèn đại loạn ở trong thiên-hạ. Vốn đời xưa cũng có người muốn sáng cái đức sáng, nhưng không biết chỉ ư chí-thiện mà đem lòng tư dong-ruổi ở chỗ quá cao, đến nỗi sai lầm về sự hư-võng không-tịch, mà không ích lợi gì cho nhà, nước, thiên-hạ, thế là cái lưu phái của Phật và Lão vậy. Cũng có người muốn thân-dân, nhưng không biết chỉ ư chí-thiện, mà đem cái tư-tâm đắm đuối chỗ hèn thấp nhỏ mọn, đến nỗi sai lầm về sự quyền mưu, trí thuật, mà mất cả cái lòng thành-thực nhân yêu thương xót, thế là cái tụi công-lợi của Ngũ-Bá vậy. Chỉ ư chí-thiện đối với minh-đức thân-dân cũng như qui củ đối với vuông tròn, xích đạc đối với dài ngắn, quyền hành đối với nặng nhẹ. Vuông tròn mà không có qui củ thì không có khuôn; dài ngắn mà không có xích đạc, thì không có ngữ; nặng nhẹ mà không có quyền hành, thì không có mực; minh-đức thân-dân mà không chỉ ư chí-thiện, thì không có gốc »

— « Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc » là nghĩa thế nào? »

— « Chỉ vì người ta không biết chí-thiện vốn ở tâm ta, mà lại cầu ở ngoài, cho là sự vật vật đều có định lý, rồi tìm cái chí-thiện ở trong sự sự vật vật, đến nỗi chi-ly quyết-liệt, thác-tạp phân-vân, không biết cái phương hướng nhất định. Nay nếu đã biết chí-thiện ở trong tâm ta, không phải tìm ở ngoài, thì cái chí có định hướng mà không có cái lo về sự chi-ly quyết-liệt. thác-tạp phân-vân. Không có cái lo về sự chi-ly quyết-liệt, thác-tạp phân-vân, thì cái tâm không vọng động mà có thể tĩnh được. Cái tâm không vọng động mà có thể tĩnh được, thì trong khoảng nhật-dụng thung-dung nhàn-hạ mà có thể yên được. Đã yên, thì hễ khi nào một niệm phát ra, một việc cảm đến, là chí-thiện hoặc không phải là chí-thiện, cái lương-tri ở tâm ta tự biết xem xét kỹ-càng mà có thể nghĩ được; đã nghĩ được thì chọn cái gì cũng tinh, xử cái gì cũng đáng, mà có thể tới được chí-thiện vậy. »

— « Vật hữu bản mạt » tiên-nho cho minh-đức là bản, tân-dân là mạt, hai vật mà trong ngoài cùng đối nhau vậy. « Sự hữu chung thủy », tiên-nho cho tri chỉ là thủy, năng đắc là chung, một việc mà đầu đuôi cùng theo nhau vậy. Như lời thầy nói, cho tân-dân là thân-dân, so với cái thuyết bản mạt của tiên-nho có đúng không? »

— « Cái thuyết thủy chung, đại lược như thế rồi, đến như cho tân-dân là thân-dân, mà nói rằng minh-đức là bản, thân-dân là mạt, cái thuyết ấy cũng chưa phải là không phải; chỉ không nên chia bản mạt ra làm hai vật vậy. Gốc cây gọi là bản, ngọn cây gọi là mạt, vốn là một vật cho nên gọi là bản mạt; nếu cho là hai vật thì gọi thế nào là bản mạt được. Cái ý tân-dân đã cùng với thân-dân không giống nhau, thì cái công ninh-đức lại cùng với tân-dân làm hai, chứ không phải làm một nữa; nếu đã biết sáng cái minh-đức là để thân-dân, mà thân-dân là để sáng cái minh-đức, thì minh-đức và thân-dân sao lại chia làm hai? Cái thuyết của tiên-nho, vì không biết minh-đức, thân-dân, vốn làm một việc, cho nên dầu biết bản mạt vốn là một vật mà vẫn phải chia làm hai vật. »

— « Từ câu « cổ chi dục minh minh-đức ư thiên-hạ giả » cho đến câu « tiên tu kỳ thân », lấy cái thuyết minh-đức, thân-dân của thầy mà cắt, có thể hiểu được. Còn từ câu « dục tu kỳ thân » cho đến câu « trí-tri tại cách vật », thì cái công-phu thứ đệ nên học thế nào? »

— « Đó chính là nói rõ cái công minh-đức, thân-dân, chỉ ư chí-thiện vậy. Thân, tâm, ý, tri, vật, đó là cái điều lý để dùng công-phu, tuy mỗi cái có một chỗ riêng, nhưng kỳ thực chỉ là một vật. Cách, trí, thành, chính, tu, đó là cái công-phu để dùng điều-lý, tuy mỗi cái có một tên riêng, nhưng kỳ thực vẫn là một sự. Cái gọi là thân? Thân là hình-thể của tâm, để vận-dụng cho tâm vậy. Cái gì gọi là tâm? Tâm là minh-linh của thân, để chủ-tể cho thân vậy. Cái gì gọi là tu-thân? Tu-thân là làm điều thiện mà bỏ điều ác vậy. Nhưng tự mình ta có thể làm điều thiện bỏ điều ác được không? Tất phải bởi cái tâm là linh-minh chủ-tể, có muốn làm điều thiện bỏ điều ác, thì rồi cái thân là hình-thể vận-dụng, mới có thể làm điều thiện mà bỏ điều ác vậy. Cho nên muốn sửa mình trước hết phải chính tâm vậy. Song cái bản-thể của tâm là tính; tính không có điều gì là không thiện, thì cái bản-thể của tâm không có điều gì là không chính, thế thì cái công chính-tâm dùng vào chỗ nào? Cái bản-thể của tâm vốn là chính, vì ý niệm phát động mà sau có điều không chính, cho nên muốn chính tâm, phải nhằm ngay vào cái chỗ ý niệm phát động mà chính. Hễ một niệm phát ra mà thiện, thì yêu thật là yêu, như yêu sắc đẹp; một niệm phát ra mà ác, thì ghét thật là ghét, như ghét mùi hôi. Như thế thì có thể thành được ý mà chính được tâm vậy, Song ý phát ra có thiện, có ác, nếu không chia rõ được thiện ác, thì hay dở sẽ lẫn lộn, dù muốn thành-ý cũng không sao được, cho nên muốn thành-ý, tất phải ở trí-tri. Chữ « trí » nghĩa là đến vậy, như chữ « trí » ở trong câu « tang trí hồ ai 喪 致 乎 哀: Sự tang đến sự thương xót là hết »; kinh Dịch nói: « tri chí, chí chi 知 至,至 之», chữ « tri chí » ấy là nghĩa chữ « tri » ở đây vậy; chữ « chí chi » ấy là nghĩa chữ « trí » ở đây vậy. Nghĩa chữ « trí-tri » không phải như hậu-nho cho là mở rộng cái tri thức ra đâu, mà chính là trí cái lương-tri của tâm ta vậy. Cái lương-tri ấy, Mạnh-tử gọi là cái lòng phải trái, ai cũng có vậy; cái lòng phải trái không đợi nghĩ mà biết, không đợi học mà hay, thế gọi là lương-tri, ấy là cái tính của thiên-mạnh, cái bản-thể của tâm ta, tự-nhiên linh-chiêu minh-giác vậy. Phàm ý niệm phát ra cái gì thì lương-tri tự biết hết cả. Thiện chăng? lương-tri tự biết; không thiện chăng? lương tri cũng tự biết; cho đến như kẻ tiểu-nhân làm điều bất thiện, dở đến đâu cũng làm, thế mà khi thấy người quân-tử, vẫn che đậy những điều dở, mà phô bày những điều hay ra, thế đủ rõ rằng cái lương-tri nó vẫn không chịu tự nó làm mờ tối đi vậy. Nay muốn phân biệt thiện ác để thành-ý, chỉ cốt ở sự noi đến cái chỗ biết của lương-tri vậy. Tại sao? Vì rằng: ý niệm phát ra cái gì mà lương-tri của tâm ta đã biết là thiện rồi, nếu không có cái thành để yêu điều thiện ấy, mà lại trái bỏ đi, thế là lấy điều thiện làm điều ác, mà tự làm tối cái lương-tri biết điều thiện vậy. Ý niệm phát ra cái gì mà lương-tri của ta đã biết là ác rồi, nếu không có cái thành để ghét điều ác ấy, mà lại noi theo mà làm, thế là cho điều ác làm điều thiện, mà tự làm tối cái lương-tri biết điều ác vậy. Như thế, thì dẫu nói rằng biết, cũng như là không biết, thành thế nào được ý nữa. Nay đối với những điều thiện ác, mà lương-tri đã biết rồi, mà yêu ghét rất thành thực, thế là không tự dối với lương-tri, mà có thể thành được ý vậy. Song muốn trí cái lương-tri của mình, há phải là hoảng-hốt như cái bóng, như tiếng vang, bâng-quơ không bấu víu vào đâu hay sao? phải là có việc thực mới được, cho nên trí-tri cốt ở cách-vật. Vật là việc vậy, hễ ý phát ra tất có việc, việc mà ý ở đó gọi là vật, cách là chính vậy. Chính những cái không chính để đem nó về chỗ chính; chính những cái không chính là bỏ điều ác vậy, đem về chỗ chính là làm điều thiện vậy; như thế gọi là « cách ». Kinh Thư nói: « cách ư thượng hạ, cách ư Văn-tổ; cách kỳ phi tâm 格 於 上 下,格 於 文 祖,格 其 非 心 », chữ « cách » trong chữ « cách-vật » gồm cả những nghĩa ấy nữa. Cái thiện mà lương tri đã biết rồi, dù muốn rất thành, nhưng nếu không theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để làm thực ngay, thì vật ấy vẫn chưa cách, mà cái ý hiếu thiện vẫn chưa thành vậy; cái ác mà lương-tri đã biết rồi, dù ghét rất thành, nhưng nếu không theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để bỏ thực ngay, thì vật ấy vẫn chưa cách, mà cái ý ố ác vẫn chưa thành vậy. Nay hết thảy cái gì là thiện, là ác, mà lương-tri đã biết rồi, theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để cái gì thiện thì làm cho hết, cái gì ác thì bỏ cho hết, thế thì không có vật nào là không cách, mà cái biết của lương-tri không còn thiếu-thốn gì, cũng không bị cái gì che lấp, và có thể đến được chỗ cùng tột vậy. Như thế, thì tâm ta vui sướng, không còn phàn-nàn cái gì nữa, mà tự khoan-khoái lắm vậy; ý phát ra cái gì không bao giờ mình lại dối mình, mà có thể gọi là thành vậy. Cho nên nói rằng: « Vật cách nhi hậu tri chí, tri chí nhi hậu ý thành, ý thành nhi hậu tâm chính, tâm chính nhi hậu thân tu. » Những điều ấy, về phần công-phu của điều-lý, tuy nói ra có trước sau thứ tự, song cái duy nhất của cái thể không có thể chia ra trước sau thứ tự được; về phần điều-lý của công phu, tuy không chia ra trước sau thứ tự, song cái duy tinh của cái dụng, không có thể thiếu thốn được mảy may chút nào. Ấy là cái thuyết cách, trí, thành, chính, cốt để mở cái chính truyền của vua Nghiêu, vua Thuấn, mà làm cái học tâm-ấn của họ Khổng vậy. » (Tục-biên, I).

Thiết tưởng học-giả nên xem kỹ thiên Đại học vấn này, thì biết được đến phần uyên-thâm trong cái học của thánh hiền và lại hiểu được rõ cái tôn-chỉ của Dương-minh, chủ lấy lương-tri làm cái mối đầu sự học duy-tinh duy-nhất vậy.

Huấn mông đại ý. — Sự học của Dương-minh là chủ lấy sự không làm tổn mất cái bản-thể của tâm, cho nên về đường giáo-dục, ông chuyên trọng ở sự không làm tổn mất cái thiên-tính của nhi-đồng. Ông nói rằng: « Sự dạy của đời xưa là lấy nhân luân mà dạy người. Đời sau vì cái tập tục học ký tụng từ-chương khởi lên, cho nên phép dạy của tiên-vương mất đi. Nay dạy trẻ-con nên lấy hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm-sỉ, làm chuyên vụ; cái phương-pháp tài-bồi hàm-dưỡng, thì nên dạy ca thi để phát cái ý-chí, khiến tập lễ để làm cho nghiêm cái uy nghi, cho đọc sách để mở cái tri-giác. Người đời nay thường cho sự học ca thi và tập lễ là không thiết thời vụ, ấy là cái ý-kiến của bọn mạt tục dung bỉ, sao đủ biết được cái ý lập-giáo của cổ-nhân. Đại để cái tình của trẻ-con là thích chơi đùa mà sợ câu kiểm, như giống cây giống cỏ mới mọc lên, hễ được thư sướng thì lên tốt, phải ràng buộc thì cời đi. Nay dạy trẻ-con phải khiến nó đi lại nhảy múa trong lòng vui sướng hớn hở, thì sự tiến của nó không thôi được. Ví như mùa xuân có mưa móc tưới cho cỏ cây, thì đều ra cành ra lá, tự-nhiên một ngày một lớn, và một khác đi. Nếu phải tuyết sương rét lạnh, thì cái sinh lý kém mòn, rồi càng ngày càng cằn cọc lại. Dạy ca thi, tập lễ, đọc sách, đều là đề thuận-đạo cái ý-chí, điều-lý cái tính-tình, làm mất dần cái bỉ-lận, hóa ngầm cái thô ngoan, khiến cho càng ngày càng quen lễ nghĩa mà không khổ ở cái khó, vào trung hòa mà không biết tại đâu. Đó là cái vi-ý của tiên-vương lập giáo vậy. Cách dạy trẻ của cận thế, thì chỉ cần ở cú đậu, khoa phỏng, bắt phải kiểm thúc mà không biết dạy dỗ bằng điều lễ, cầu lấy thông minh mà không biết nuôi-nấng bằng điều thiện, roi vọt đánh đập như người tù tội, làm cho trẻ xem nhà học như nhà ngục không muốn vào, trông thầy như khấu thù không muốn thấy. Trộm lén che đậy cho thỏa chơi đùa, đặt ra dối-giá, bày ra quỉ-quyệt để rông-rỡ cái ngoan-nghịch, cứ ngày ngày theo cái thói hạ-lưu, thế là xua trẻ làm điều bậy mà lại muốn nó làm điều thiện, thì sao được! » (Ngữ-lục, II).

Xem mấy lời ấy thì biết là Dương-minh không những là một nhà đại tư-tưởng trong Nho-giáo mà lại là một nhà đại giáo-dục vậy.

Vương Dương-minh đem cái thiên-tài chí mẫn, sự lịch duyệt rất giàu, sự nghiên cứu rất sâu, tìm thấy chỗ uyên-nguyên của đạo thánh hiền mà phát huy ra cái tâm-học tinh-vi hơn cái học của Lục Tượng-sơn. Ông bài-xích cái học tầm chương trích cú, phá cái tệ tập của mạt học, xướng lên cái tư-tưởng tự-do theo cái bản-thể thiên-nhiên của lương-tri, và khuyến miễm cái dũng lực ở sự thực-tiễn. Thiết tưởng từ đời nhà Tống về sau trong Nho-giáo chỉ có ông là người đã tìm thấy mối đạo ở chỗ căn-để và lập ra cái học-thuyết rất thiết-thực, khiến sự tư-tưởng và sự hành-vi hợp làm một, đúng với cái lý nhất-quán của Khổng-học.

Tuy thế, nhưng bọn tục học vẫn không chịu, có nhiều người công kích, cho là không phải chính học. Dương-minh cũng không vì thế mà nản chí, và ông đem tâm sự nói rõ ra một cách rất thiết-tha ở cái thư ông viết cho Nhiếp Song-giang rằng:

« Trong tờ ông nói: « Thành tín với thiên-hạ, không bằng chân tín với một người; đạo vốn tự tại, học cũng tự tại, cả thiên-hạ tin không là nhiều, một người tin không là ít. » Ấy vốn là cái tâm thấy điều phải mà không buồn của người quân-tử, há phải là những người bộp chộp và tỉ-mỉ đủ biết kịp sao? Nhưng cái tình thực của tôi có nỗi đại bất-đắc-dĩ ở về quãng ấy, mà người ta tin hay không tin cũng chẳng quản vậy.

« Ôi! người ta là tâm của trời đất. Trời đất muôn vật vốn là nhất thể với ta vậy. Sự khổ sở của sinh dân há không phải là sự đau đớn thiết đến mình ta hay sao? Ai mà không biết sự đau đớn của mình ta, tức là không có tâm thị phi vậy. Cái tâm thị phi không đợi phải nghĩ mà biết, không đợi phải học mà hay, tức là lương-tri vậy. Lương-tri ở tâm người ta, dầu bậc thánh kẻ ngu không gián cách nhau, cả trong thiên-hạ và tự xưa đến nay cùng giống nhau vậy. Người quân-tử ở đời chỉ cầu noi đến cái lương-tri của mình, thì tự khắc phải trái công-nhiên và cùng chung yêu ghét với người, coi người cũng như mình, coi nước cũng như nhà, cho trời đất muôn vật là một thể, muốn cho thiên-hạ không trị cũng không được. Người đời xưa thấy điều thiện coi như tự mình làm ra, thấy điều ác coi như tự mình mắc vào, coi dân đói hay là chết đuối như là tự mình đói hay là chết đuối, có một người không được yên chỗ, coi như mình đẩy nó vào trong rãnh, không phải là cố ý làm thế để cầu cho thiên-hạ tin mình, cốt là noi đến cái lương-tri của mình, để tìm lấy sự vui hả của mình mà thôi vậy.

« Các bậc thánh như Nghiêu, Thuấn, Tam Vương, nói điều gì dân tin, là vì noi đến cái lương-tri mà nói vậy; làm điều gì dân cũng bằng lòng, là noi đến cái lương-tri mà làm vậy. Cho nên dân được vui-vẻ sung-sướng, giá có giết cũng không oán, giá có cho lấy lợi cũng không tham, ơn đức khắp đến rợ mọi, hết thảy những loài có huyết khí đều tôn, quí và thân yêu mình cả, vì là cùng một lương-tri vậy. Than ôi, thánh-nhân trị thiên-hạ sao mà giản dị như thế!

« Đời sau cái học lương-tri không rõ, người thiên-hạ dùng tư trí để ganh tị nhau và đè nén nhau, cho nên mỗi một người có một bụng, mà những cái biết chếch-lệch hẹp-hòi, những cái thuật gian dối, thầm dấu đến nỗi không nói xiết được. Ngoài mượn cái danh là nhân nghĩa, mà trong làm cái thực tự tư, tự lợi; quỉ từ để a-dua thói tục; kiểu hạnh để cầu tiếng khen; che cái điều hay của người mà nhận làm cái giỏi của mình; bới sự riêng của người để trộml ấy cái thẳng của mình; ganh được thua nhau bằng sự phẫn nộ, mà còn bảo rằng tuẫn nghĩa; đánh đổ nhau bằng sự hiểm độc, mà còn bảo rằng tật ác; ghen người hiền, ghét kẻ tài, mà còn tự cho là công thị công phi; rông-rỡ về tình-dục mà còn tự cho là đồng hiếu ố; lấn nhau, hại nhau, thân ngay như cốt nhục một nhà, đã có cái ý nhĩ ngã thắng phụ, cái hình bỉ thử phiên li, phương chi thiên-hạ lớn, dân vật nhiều, coi là nhất thể làm sao được! Bề bộn, rối rít, họa loạn, không bao giờ hết, lại còn lạ gì!

« Tôi thực nhờ cái thiêng-liêng của Trời, ngẫu-nhiên biết được cái học lương-tri, cho là phải theo đó mới có thể trị được thiên-hạ, cho nên hễ nghĩ đến sự đắm đuối của dân, thì buồn bã đau lòng, nghĩ cách để cứu vớt, quên cả cái sức hèn mọn của mình, thế cũng là bất tự lượng vậy. Người thiên-hạ thấy thế bèn chê cười và chế bác, cho tôi như thể là người cuồng bệnh táng tâm. Than ôi! dầu thế nào cũng chẳng quản, ta đang đau đớn thiết đến thân, vội kể gì đến lời khen chê của người. Thường thấy có người, cha hay là con, anh hay là em, ngã xuống vực sâu, thì kêu gào cuồng cuống, trần truồng lăn lóc, dòng dây từ chỗ cao thẳm để xuống cứu vớt lên. Người đứng bên cạnh, đang cùng nhau vái nhường, nói cười, mà cho những người kêu gào lăn-lóc như thế là cuồng bệnh táng tâm cả. Ôi! vái nhường cười nói ở bên cạnh người chết đuối mà không biết cứu, trừ chỉ có người dưng nước lã, không có tình thân thiết cốt nhục, thì mới thế được. Song như thế đã là không có lòng trắc ẩn, không phải là người rồi. Còn như đến những người có lòng yêu thương đối với cha con, anh em, thì chưa hề có người nào là không đau xót, chạy cuống cuồng hết hơi sức để cứu vớt lên. Những người ấy dù có ngay cái tai vạ đắm đuối đến thân cũng còn chẳng tiếc, còn quản gì đến những lời chê là cuồng bệnh táng tâm, còn cầu gì đến người tin hay là không tin nữa. Than ôi! người đời nay dầu cho tôi là người cuồng bệnh táng tâm, cũng là đáng lắm vậy. Cái tâm của người trong thiên-hạ đều là cái tâm của ta, thiên-hạ còn có người cuồng bệnh, còn có người táng tâm, ta làm thế nào mà không phải cuồng bệnh táng tâm ru?

« Xưa ở đời Khổng-tử, có người chê ngài là siểm, có người cười ngài là nịnh, có người cho là không hiền, có người bẻ là không biết lễ, mà gọi là đông-gia Khâu[3], có người ghen mà ngăn cản ngài, có người ghét mà muốn giết ngài. Bọn Thần Môn, Hạ Quĩ, đều là hiền sĩ lúc bấy giờ, mà còn nói rằng: « Thế có phải là những hạng người biết là không làm được mà cứ làm không? Quê kệch thay! sao mà gàn gàn như thế! Đã không ai biết mình, thôi thì thôi đi. » Đến Tử--Lộ đã ở vào hàng thăng-đường, còn không khỏi không lấy làm ngờ, mà những chỗ ngài muốn tới, còn không bằng lòng, và lại cho là vu khoát, thế thì đời bấy giờ những người không tin Khổng-tử có phải chỉ hai ba trong phần mười mà thôi đâu. Thế mà ngài cứ vội-vội vàng-vàng như tìm đứa con lạc, không ngồi nóng chiếu bao giờ, há là để mong người tin, người biết đâu. Chỉ vì cái lòng nhân coi trời đất muôn vật làm nhất-thể, đau xót thiết-tha, dầu muốn thôi cũng không tài nào mà thôi được, cho nên ngài nói rằng: « Ta không phải là bọn của những hạng người ấy thì ta cùng với ai? » Muốn sạch lấy một mình, để đại-luân rối loạn, thế thì quả quyết thật, song cũng không khó gì! Than ôi! Nếu không phải là người coi trời đất muôn vật làm nhất-thể, thì sao biết được tâm ngài? Còn đến như người độn thế vô muộn, lạc thiên tri mạnh, thì vốn là vô nhập nhi bất tự đắc; đạo tịnh hành nhi bất tương bội.

Hèn mọn như tôi dám đâu nhận lấy đạo Phu-tử làm kỷ-nhiệm, nhưng tâm tôi cũng hơi biết tật thống quan-thiết đến thân, vậy mới vội-vã ngoảnh nhìn bốn mặt, muốn tìm có ai cùng giúp tôi để bàn cách chữa bệnh vậy. Nay nếu được những bậc hào kiệt đồng chí với tôi, nâng đỡ giúp rập cùng mở sáng cái học lương-tri ở trong thiên-hạ, để người ta ai cũng tự biết noi đến cái lương-tri của mình, để cùng nhau yên lành, cùng nhau nuôi-nấng, bỏ hết cái tế tắc của sự tự tư, tự lợi. rửa sạch cái tập tục dèm ghen, ganh tức, cùng trọn cái cuộc đại-đồng, thế thì cái cuồng bệnh của tôi sẽ khỏi hẳn mà không có cái lo táng tâm vậy, há chẳng sướng vậy thay!... » (Ngữ-lục, II).

Xem cái thư ấy, thì hiểu rõ cái lòng nhân-ái của Dương-minh đối với nhân loại bao la khắp cả mọi người, thật là sau họ Khổng họ Mạnh chỉ có một người ấy vậy.

Cái học của ông còn có điều gì rất hay nữa, cho nên khi ông đau nặng sắp mất, có nói rằng: « Cái học-vấn bình sinh của ta hãy còn mấy phân, tiếc không được cùng với các bạn mà cộng thành điều đó. » Mấy phân ấy là gì? ta lấy làm tiếc không được biết!

Sau này thiết tưởng nên trích ra mấy lời phê-bình của tiên-nho, để học-giả biết rộng thêm những ý-kiến về cái học của Dương-minh.

Lưu Trấp-sơn đời Minh-mạt nói rằng: « Tiên-sinh thừa cái học đã mất về từ-chương huấn-hỗ, quay trở lại cầu ở cái tâm, mà được cái « giác » của tính, gọi là lương-tri, rồi nhân đó đem dạy người ta cái cốt-yếu về sự cầu-đoan và dụng-lực, goi là trí-lương-trí. Lương-tri là tri, thì cái tri không bó buộc ở trong sự kiến-văn; trí-lương-tri là hành, thì cái hành không ngưng trệ ở một chỗ, một góc. Gọi là tri, là hành, là tâm, là vật, là động, là tĩnh, là thể, là dụng, là công-phu, là bản-thể, là thượng, là hạ, không có cái gì là không ở cái một, để chữa cái bệnh chi-li huyễn-vụ, chuộng văn-hoa mà tuyệt căn-bản của học-giả. Có thể gọi là cái sét đánh làm tỉnh giấc mê, ngôi sao sáng làm tan bóng tối. Từ họ Khổng họ Mạnh đến giờ chưa tầng có cái học thâm-thiết và sáng-sủa như thế. Chỉ có đối với cái thuyết của Chu-tử thì có điều không hợp, mà lại cực lực biểu-chương Lục Tượng-sơn. Có người nghi rằng cái học của tiên-sinh do Thiền-học mà ra. Thiền-học thì tiên-sinh vốn trước có học, nhưng sau biết cái học ấy không phải, thì đã bỏ đi rồi. Cái một là thành vậy, là đạo trời vậy; thành được cái đạo ấy là minh vậy, là đạo người vậy, là trí-lương-tri vậy. Nhân cái minh đến cái thành để người hợp với trời, gọi là thánh, Thiền-học có thế không? Có người nghi là hai chữ lương-tri bởi cái thuyết bản-tâm của Tượng-sơn mà ra. Về việc cầu bản-tâm ở lương-tri, thì cái cách chỉ-điểm thânt-hiết hơn, hợp trí-tri với cách-vật, thì cái công-phu thực có tuần-tự và trì-thủ, so với cách Tượng-sơn cho nhân đạo nhất-tâm tức là bản-thể để cầu cái « ngộ », thì lại không khác một hào ly hay sao? Tiên-sinh nói rằng: « lương-tri tức thị độc tri thời 良 知 卽 是 獨 知 時: lương-tri tức là lúc độc tri, » Như thế vốn không phải là huyền-diệu. Người đời sau cưỡng cho là cái quan-niệm huyền-diệu, cho nên mới gần Thiền-học, chứ thực ra không phải là cái bản ý của tiên-sinh. Còn như chỗ không hợp với Chu-tử là ở cả sách Đại-học. Chu-tử giải nghĩa sách Đại-học cho là trước phải cách trí rồi sau mới dạy cho lấy thành-ý; tiên-sinh giải nghĩa sách Đại-học thì cho cách trí là thành-ý. Cái công-phu hình như phân hợp không đồng, song xét rõ chỗ khẩn-yếu của hai tiên-sinh, đều không qua cái cửa « thận độc 慎 獨 », như thế thì nhân cái minh đến cái thành để tiến vào đạo của thánh-nhân, là như nhau vậy. Cho nên tiên-sinh lại có cái thuyết về vãn-niên định luận của Chu-tử. Sự dạy của sách Đại-học, một trước một sau, giai cấp rõ-ràng, mà thực thì không thể nói có trước sau. Cho nên tóm cả tám điều mục lại thì là một việc.

« Tiên-sinh là bậc mạnh thế nhân hào, cái giác-ngộ ở Long-trường là thuộc về phần Trời mở cho, nhưng tiên-sinh lại cho cái giác-ngộ ấy là ở sự ấn-chứng trong ngũ Kinh mà đến, thì thật là khuếch-nhiên con đường thánh không có ngờ gì nữa. Song vì tiên-sinh kíp về việc làm cho sáng đạo, thường thường cứ noi cao lên một chút, mà khinh thường cái cách chỉ-điểm, thành ra mở lối cho cái tệ của bọn hậu-học liệp-đẳng. Giả sử Trời cho thêm tuổi, để rèn đúc hết những cái ý-kiến cao-minh trác-tuyệt mà làm cho tới chỗ thực-địa, an tri lại không có cái vãn-niên dịch-luận hay sao? »

Hoàng Lê-châu là di-nho nhà Minh, bàn đến cái học của Dương-minh nói rằng: « Kỳ thủy cái học của tiên-sinh có phiếm lạm về từ-chương, rồi sau đọc hết sách của Chu-tử, tuần-tự mà cách-vật, nhưng vật lý và ngô tâm vẫn chia ra làm hai, không có lối vào đạo. Tiên-sinh bèn xuất nhập ở Phật Lão khá lâu. Kịp đến khi bị đày ra ở chỗ mường mọi, tiên-sinh động tâm nhận tính, nghĩ rằng thánh-nhân ở vào địa-vị ấy, thì có cái đạo gì, hốt-nhiên ngộ được cái ý-chỉ cách-vật trí-tri. Đạo của thánh-nhân có đủ trong tính ta, không phải tìm ở ngoài.

« Cái học của tiên-sinh có ba lần biến, mới thấy được cửa đạo. Từ đó về sau, bỏ hết cành lá, chuyên ý ở cái gốc, lấy mặc-tọa trừng-tâm làm cái học-đích. Phải có cái trung chưa phát, thì mới có cái hòa của sự đã phát mà trúng tiết. Thị, thính, ngôn, động, đều lấy sự thu-liệm làm chủ; sự phát-tán là bất-đắc-dĩ vậy. Sau khi tiên-sinh ở Giang-hữu về, chỉ chuyên đề-xướng ba chữ trí-lương-tri. Im mà không cần phải ngồi, tâm không cần phải trừng, không tập, không nghĩ, cứ tự-nhiên theo thiên-tắc mà ra. Vì lương-tri là cái trung chưa phát, ấy là trước cái tri, chứ không phải là cái tri chưa phát; lương-tri là cái hòa trúng-tiết, ấy là sau cái tri, chứ không phải là cái tri đã phát. Cái tri ấy tự nó có thể thu liệm, không cần phải chủ ở sự thu-liệm; cái tri ấy tự nó có thể phát-tán, không cần phải định ở chỗ phát-tán. Thu-liệm là cái thể của sự cảm: tĩnh mà động vậy; phát-tán là cái dụng của sự tịch: động mà tĩnh vậy. Chỗ chân-thiết đốc-thực của cái tri là hành, cho minh-giác tinh-sát của cái hành là tri, tri với hành chỉ có một không có hai vậy. Sau khi tiên-sinh về ở Việt, cái thao-thủ của tiên-sinh lại càng tinh-thục hơn, cái sở đắc lại càng tiến-hóa thêm, lúc nào cũng biết phải, biết trái, mở miệng ra là được cái bản-tâm, không cần phải gá mượn góp nhặt, tựa như mặt-trời ở trong không-gian, mà vạn tượng được soi sáng hết cả. Ấy là sau khi cái học đã thành rồi mà lại có ba lần biến ấy vậy.

« Tiên sinh lo rằng: sau Tống-nho, các học-giả lấy sự tri-thức làm cái tri, cho cái sở hữu của nhân-tâm là cái minh-giác, mà cái lý là cái công cộng của thiên địa vạn vật, cho nên tất phải cùng cái lý của thiên địa vạn vật, nhiên hậu cái minh-giác của ngô tâm cùng với cái lý ấy hỗn hợp làm một, mà không gián đoạn, ấy là không có nội ngoại, kỳ thực là toàn nhờ cái kiến-văn ở ngoài, để cứu bổ cái minh-linh vậy. Tiên-sinh bèn cho cái học của thánh-nhân là tâm-học, tâm là lý, cho nên dạy về trí-tri cách-vật, không thể không nói: đem hết cái thiên-lý của lương-tri vào sự sự vật vật, thì sự sự vật vật đều được cái lý. Nếu lấy tri-thức làm tri, thì thành ra khinh-phù mà không thực, cho nên tất phải lấy lực-hành làm công-phu. Lương-tri cảm ứng thần tốc, không có đợi chờ. Cái sáng của bản-tâm là tri, không dối cái sáng của bản-tâm là hành, không thể không nói tri hành hợp-nhất được. Đó là cái đại-chỉ của sự lập ngôn không ra ngoài điều ấy được.

« Hoặc có kẻ không biết cái giới-hạn của đạo Phật và đạo Nho, cho cái thuyết bản-tâm của Phật-giáo cũng giống như cái thuyết tâm-học. Chỉ có một chữ « lý » mà Phật thì đem cái lý của thiên địa vạn vật để ra ngoài bụng không giảng đến, chỉ giữ cái minh-giác thôi. Nho thì không cậy ở cái minh-giác, mà cầu ở cái lý trong khoảng thiên địa vạn vật, cho nên hai bên khác hẳn. Song, qui cái lý về thiên địa vạn vật, với qui cái minh-giác về ngô tâm, thì vẫn là một vậy. Quay ra ngoài mà tìm cái lý, thì thành ra nước không có nguồn, cây không có gốc. Giả sử có tổng hợp lại được, thì ở trên cái bản-thể đã phí mất bao nhiêu công-phu, cho nên lần từng nhà mà xin lửa và nhắm mắt thấy tối, thì cách nhau chẳng xa.

« Tiên-sinh điểm khởi cái tâm sở dĩ là tâm, là không ở minh-giác mà ở thiên-lý. Như thế là cái gương đã rơi xuống lại nhặt lên, bèn khiến Nho với Phật phân-biệt ra, cách nhau xa như núi sông, ấy là ai có mắt cũng thấy rõ vậy. Thử lấy những lời của Khổng Mạnh mà chứng xem: Trí cái lương-tri của ta đến các sự vật, thì các sự vật đều được cái lý, thế không phải là « nhân năng hoằng đạo » hay sao? Nếu cho cái lý ở sự vật, thì hóa ra « đạo năng hoằng nhân » vậy. Cáo-tử cho cái nghĩa ở ngoài, há là bỏ hẳn cái nghĩa mà không đoái tưởng đến hay sao? Chẳng qua là cầu cái nghĩa ở trong khoảng sự vật mà hợp lại. Như thế, chính là thế-nho gọi là cùng-lý vậy. Mạnh-tử không cho là phải, mà đem bốn mối qui cả về ở tâm. Than ôi! cám bã dậm mắt, bốn phương đổi ngôi, thì mới có thể ngờ cái học-thuyết của tiên sinh vậy. »

Học-giả đã xem rõ cái học của Dương-minh, lại đọc những lời bàn của hai bậc danh-nho trên kia, chắc là hiểu được những điều cốt-yếu về tâm-học. Ai muốn biết thêm nữa, thì nên xem sách Vương Văn-thành-công toàn-thư 王 文 成 公 全 書 và sách Minh-nho học-án 明 儒 學 案 của Hoàng Lê-châu. Thiết-tưởng những nhà hiếu-học không nên bỏ qua cái học có nghĩa lý sâu xa ấy mà không xem vậy.

  1. Lợi-căn 利 根 là cái gốc tốt, tức là nói cái thiên-tư minh mẫn.
  2. Nghĩa tập 義 襲 là bởi cho vạn vật ở trong trời đất mỗi vật có một nghĩa khác nhau, ta phải rình-mò tìm-tòi từng nghĩa một, để ghép vào với nhau, chính như Chu-tử muốn bảo mọi sự đều hợp với cái nghĩa của nó, tức là cho cái nghĩa ở ngoài cái tâm.

    Theo như Mạnh-tử thì hai chữ ấy trái với hai chữ tập nghĩa 集 義. Tập nghĩa là nói ứng sự tiếp vật không có việc gì là không phải sự lưu-hành của tâm thể. Cái tâm không ai thay được, chỉ thay ở việc. Tâm họp ở việc, cho nên nói họp ở nghĩa, như nước có nguồn, cây có gốc, cái khí sinh sinh vô cùng, tức là cho cái nghĩa ở cái tâm của mình

  3. Gia-ngữ: « Tây gia hữu ngu-phu bất tri Khổng-tử vi thánh-nhân, nãi viết: bỉ đông-gia Khâu 西 家 有 愚 夫,不 知 孔 子爲 聖 人,乃 曰:彼 東 家 丘.