Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-10

CÁC CHI-PHÁI CỦA DIÊU-GIANG PHÁI

Sau khi Dương-minh mất rồi, môn-đệ của ông tụ-họp nhau lại, mở nhà thư-viện ở các nơi, đem cái học trí-lương-tri mà giảng dạy, lập ra nhiều môn-phái. Trong những môn-phái ấy có Vương Kỳ, Vương Cấn và La Hồng-tiên là người trác-lạc, hiểu tới chỗ uyên-thâm của cái học trí-lương-tri, nhưng vì đem cái học ấy lên cao quá, thành ra dần dần về sau các học-giả thiên về đường Thiền-học; có Tiền Đức-hồng và Châu Thủ-ích là người trì-thủ, giữ được cái học thiết-thực, làm cho không mất cái chân-tướng của cái học Dương-minh.

1• Chiết-trung Vương-môn 浙 中 王 門. — Môn-phái này ở đất Việt, tức là ở tỉnh Chiết-giang, là nơi Dương-minh giảng học lúc sinh thì. Về sau các môn-nhân tụ họp ở đó mà truyền cái học của ông. Trong môn-phái này có mấy người trứ danh là: Từ Ái, Tiền Đức-hồng, Vương Kỳ, Trương Nguyên-xung v. v. Nhưng lỗi-lạc thì không ai bằng Vương Kỳ, mà thao-thủ thì không ai bằng Tiền Đức-hồng.

Từ Ái.— Từ Ái 徐 愛, tự là Viết-nhân 曰 仁, hiệu là Hoành-sơn 橫 山, người đất Dư-diêu. Ông là em rể Dương-minh, đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức lang-trung bộ Công. Khi Dương-minh ở Long-trường về, giảng cái thuyết tri-hành hợp-nhất, ông là người hiểu trước cả mọi người và xin làm đệ-tử. Song ông chỉ hưởng thọ được có 31 tuổi, cho nên sách của ông chỉ nói cái thuyết tri-hành hợp-nhất và cái thuyết mặc-tọa trừng-tâm chứ không nói đến cái thuyết trí-lương-tri là cái thuyết của Dương-minh dạy lúc ông đã mất rồi. Ông đối với Dương-minh cũng giống như Nhan-tử đối với Khổng-tử vậy.

Tiền Đức Hồng.— Tiền Đức-hồng 錢 德 洪. tự là Hồng-phủ 洪 甫, hiệu là Tự-sơn 緒 山, người đất Dư-diêu, tỉnh Chiết-giang, làm quan đến chức viên-ngoại-lang bộ Hình, rồi về trí-sĩ. Ông với Long-khê theo học Dương-minh, nhưng rồi sau mỗi người hiểu cái học trí-lương-tri ra một cách. Long-khê bảo cái bản-thể của tâm là cái tịch 寂; tịch lấy chiếu 照 làm dụng 用, giữ cái không tri 空 知 mà bỏ mất cái chiếu, ấy là hỏng mất cái dụng. Ông bảo cái vị-phát thì tìm ở đâu? nếu bỏ cái dĩ-phát mà tìm cái vị-phát, là không thế nào được. Bởi vậy Long-khê theo cái hiện-tại mà giải-ngộ cái thể biến động bất cư của cái hiện-tại ấy; ông chỉ lấy thực tâm mà ma-luyện ở chỗ sự vật, cho nên sự triệt-ngộ của ông không bằng của Long-khê, mà sự tu-trì của Long-khê không bằng của ông. Cái học của ông tuy không có cái sở-đắc lớn, nhưng không có cái sở-thất lớn vậy.

Vương Kỳ. — Vương Kỳ 王 畿, tự là Nhữ-trung 汝 中, hiệu là Long-khê 龍 溪, người đất Sơn-âm, tỉnh Chiết-giang, đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức lang-trung, rồi thôi quan về dạy học. Ông là người trác-lạc hơn cả mọi người trong môn-nhân của Dương-minh, và lại có cái tư-tưởng rất siêu việt, cho nên cái học của ông chủ ở « tứ vô 四 無 », lấy chính-tâm làm cái học tiên-thiên, thành-ý làm cái học hậu-thiên. Theo ở cái tâm mà lập căn, thì cái tâm vô thiện vô ác, tức là cái ý vô thiện vô ác, ấy là tiên-thiên thống hậu-thiên; theo ở cái ý mà lập căn, thì không khỏi có hai mối thiện và ác, mà cái tâm không thể không có điều hỗn-tạp, ấy là hậu-thiên phục lại tiên-thiên.

Luận-giả có người nói rằng: « Cái học của ông truyền ra thiên-hạ không thể không có điều ngờ. Lấy cái thuyết « tứ hữu 四 有 » mà bàn, thì thiện là cái cố-hữu của tâm, cho nên cái thiện của ý, tri, vật, theo ở trong tâm mà phát ra, cái ác theo ở ngoài tâm mà đến. Nay nếu nói tâm-thể đã không có thiện ác, thì cái ác của ý, tri, vật, là lầm mà cái thiện cũng là lầm. Cái công-phu đã lầm, thì sao lại nói là phục về cái bản-thể được? » Nghĩ cho kỹ ra, thì lời bẻ ấy vẫn là non, mà cái tư-tưởng của Long-khê rất nên chú ý lắm, là vì theo cái tâm, là cái bản-nhiên của trời đất, tất tự nó không có thiện ác. Thiện và ác khởi đầu có từ lúc có cái ý, là cái riêng của người ta. Vậy hữu thiện hữu ác thuộc về phần hậu-thiên, tức là phần người; vô thiện vô ác thuộc về phần tiên-thiên, tức là phần trời. Hữu thiện hữu ác là phần tỉ-hiệu, do sự so-sánh của người ta mà ra; vô thiện vô ác là phần tuyệt-đối, tự-nhiên, tự-tại, cho nên phải là chí-thiện. Cũng vì thế mà có chỗ ông lại nói: « Chí-thiện vô ác là cái bản-thể của tâm », ấy chính là ông đã hiểu đến chỗ cực cao cực xa trong cái học của Dương-minh, chứ không phải là ông nói mỗi lúc một khác. Vì học-giả không đạt tới chỗ ấy, cho nên mới thành ra có nghị-luận.

Luận-giả lại hỏi rằng: « Lấy cái thuyết « tứ vô 四 無 » mà bàn, thì cái công-phu chính-tâm trong Đại-học, phải theo thành-ý mà vào, nay nói rằng: theo cái tâm mà lập căn, ấy là không cần đến ý nữa. Nếu bảo rằng theo ở cái ý mà lập căn, ấy là cái thuyết lập ra cho hạng trung-nhân và hạ-nhân; thế thì cho Đại-học có hai cái công-phu khác nhau hay sao? hay là chỉ vì hạng trung-nhân và hạ-nhân mà lập giáo hay sao? » Thiết tưởng sách Đại-học là nói chung sự học của người; đã là người thì tất phải có cái ý, cho nên phải nói thành-ý rồi mới chính-tâm được. Long-khê theo cái phần cao của Dương-minh nói cái bản-thể của tâm, tất là không thể không nói vô thiện vô ác. Vô thiện vô ác là chí-thiện, tức là cái cực-điểm của sự học trong Đại-học. Học-giả phải tùy cái thiên-tư của mình mà thể-nhận: ai có thiên-tư tốt, tức là có cái lợi-căn, thì hiểu thẳng ngay đến cái bản-thể; nếu không, thì phải theo thành-ý mà vào chính-tâm. Hai đường đều đi đến một chỗ cùng-cực, thì vẫn không có hại gì. Vả chăng Long-khê hình như đã đón trước điều đó, cho nên nói rằng: « Thánh-học từ nghìn xưa, chỉ cốt ở một niệm linh minh. Giữ được một niệm, ấy là học; lấy niệm ấy mà xúc phát cảm thông, ấy là giáo; tùy sự mà không làm tối mất cái niệm ấy, gọi là cách-vật; không dối cái niệm ấy, gọi là thành-ý; một niệm khuếch-nhiên, không có một cái mảy tư nào cố-tất, gọi là chính-tâm. Ấy là cái căn-nguyên dị giản trực tiệt. »

Long-khê cho cái lương-tri là ở trong « vô » mà sinh ra « hữu », tức là cái trung vị-phát, ấy là trước cái tri, chứ không có cái v-phát; cũng như cái hòa trúng-tiết, ấy là sau cái tri, chứ không có cái dĩ-phát. Lương-tri tự nó thu-liệm lấy được, không cần phải chủ ở sự thu-liệm; tự nó phát-tán ra được, không cần phải cầu ở sự phát-tán, dáng hiện ra là hiện-thành, không cần phải mượn cái công-phu tu chỉnh mà sau mới được. Cái thuyết trí-lương-tri vốn là đặt ra để cho người chưa ngộ, hễ khi nào đã tin hẳn được cái lương-tri rồi, thì độc vãng độc lai, như ngọc châu chạy ở trong cái mâm, không đợi có cai-quản câu-thúc, mà tự nó không qua được cái qui-tắc. Còn như hết thảy sự đốc-tín cẩn-thủ là việc căng danh sức hạnh 矜 名 飾 行, điều là việc bày đặt ra cả.

Cái học trí-lương-tri là học cho tới đến lương-tri. Khi đã tới đến lương-tri rồi, thì không cần có công-phu gì nữa. Cho nên ông nói rằng: « Lương-tri không học, không lo nghĩ; cả ngày học là chỉ để phục lại cái thể không học của lương-tri, cả ngày lo nghĩ là chỉ để phục lại cái thể không lo-nghĩ của lương-tri. Trong cái vô-công-phu là có cái chân-công-phu, chứ không phải có thêm vào được chút gì vậy. Cái công-phu chỉ cầu lấy càng ngày càng bớt đi, chứ không cầu cho càng ngày càng thêm ra. Bớt được đến hết, ấy là thánh-nhân. Cái học-thuật của hậu thế chính là trái lại, cứ càng ngày càng thêm công-phu, cho nên cả ngày cần lao, mà cái bệnh lại càng thêm lên. Nếu quả hay một niệm tinh-tinh sáng suốt, lãnh-nhiên tự hội, tới đến chỗ cùng cực cái dụng, mà vẫn không thể hiểu được, ấy là lời cứu-cánh vậy. » (Ngữ-lục).

Thuở ấy ông thấy bọn đồng-môn với ông có nhiều người hiểu cái thuyết lương-tri khác nhau, ông cố phân biện cho rõ những chỗ lầm ấy và nói rằng: Cái tôn-thuyết bàn lương-tri, tuy bọn đồng-môn không ai dám cải trái lại, nhưng chưa khỏi mỗi người theo cái tính sở cận của mình, mà nghĩ-nghị khác nhau. Có người bảo lương-tri không phải là giác-chiếu, phải gốc ở sự qui-tịch 歸 寂 mới được; như cái gương soi vật, cái thể sáng tịch-nhiên mà đẹp xấu tự-nhiên phân biện, nếu ngưng trệ ở sự soi, thì cái sáng lại mờ đi vây. Có người bảo lương-tri không có hiện-thành, có tu-chứng rồi mới được hoàn toàn; như loài kim khoáng, nếu không có lửa nung nấu, thì không thành loài kim vậy. Có người bảo lương-tri là kể từ lúc dĩ phát mà lập giáo, chứ không phải là cái bản-chỉ vị-phát vô-tri. Có người bảo lương-tri vốn không có lòng dục, theo lòng thẳng mà động, thì không có cái gì là không phải đạo, không đợi phải thêm cái công tiêu-dục. Có người bảo có chủ-tể, có lưu-hành: chủ-tể để lập tính, lưu-hành để lập mạnh, rồi lấy lương-tri chia ra thể và dụng. Có người bảo sự học cốt ở tuần-tự, lúc cầu có gốc ngọn, lúc được không có trong ngoài, rồi lấy trí-tri phân biệt ra thủy chung. Đó đều là những chỗ các nhà bàn về sự học khác nhau, không thể không phân-biện được vậy.

« Tịch là cái bản-thể của tâm; tịch lấy chiếu làm dụng, giữ cái không-tri mà bỏ sót cái chiếu, thế là trái với cái dụng vậy. Thấy đứa trẻ sa xuống giếng mà thương sót, thấy cách đi xin ăn dơ nhuốc mà xấu-hổ, lòng nhân nghĩa vốn là hoàn-cụ, cảm xúc thần ứng, không học cũng hay vậy. Nếu bảo lương-tri phải bởi sự tu 修 rồi mới toàn 全, thế là trái với cái thể vậy.

« Lương-tri là cái trung chưa phát, không biết mà cũng không cái gì là không biết. Nếu trước cái lương-tri, mà lại tìm cái vị-phát, thế là chìm đắm vào chỗ không vậy. Cổ-nhân lập giáo nguyên vì có lòng dục mà đặt ra, tiêu dục là để trở lại cái thể vô-dục, không phải có thêm ra cái gì. Chủ-tể là cái thể của sự lưu-hành, lưu-hành là cái dụng của chủ-tể; thể với dụng là một gốc, không thể chia ra được. Cái sở cầu là cái nhân 因 của cái đắc; cái sở đắc là cái chứng của cái sở cầu, thủy chung là nhất-quán, không thể chia ra được.» (Ngữ-lục).

Có người muốn biết cái học của Dương-minh với cái học của Bạch-sa khác nhau thế nào. Ông nói rằng: « Bách-sa thuộc về cái truyền-lưu của phái Bách-nguyên-sơn 百 源 山, là học-phái của Thiệu Khang-tiết đời Tống, cũng là biệt-phái của Khổng-môn. Cái học của Bách-sa được cái chỗ giữa cái vòng để ứng-phó vô-cùng, đó là cái cảnh-tượng vậy. Vì người đời tinh-thần nở-nang vung rộng, chạy dong-ruổi ra bên ngoài, muốn trở lại chỗ tính tình của mình mà không có lối vào, thế phải mượn cách hành-trì ở chỗ tĩnh mà tìm lấy cái diện-mục bản-lai, để làm cái căn-cơ an thân lập mạnh, đó là cái phép quyền tạm vậy. Đến như cái tôn-chỉ trí-tri thì không kể ngữ, mặc, động, tĩnh, cứ theo nhân tình sự biến, luyện-tập cho thấu đến cùng, để quay về đến cái gốc, ví như loài chân-kim vì đồng, chì, lẫn lộn, không có lửa nóng nấu đúc, thì không thành ra tinh-thuần được. Cái học của Dương-minh tiên-sinh có ba phép dạy về nhập ngộ: Bởi tri-giác mà được, gọi là giải-ngộ 解 悟, song chưa ly thoát ra ngoài ngôn thuyên; bởi tĩnh mà được, gọi là chứng ngộ 證 悟, song còn phải đợi ở cảnh-giới; bởi nhân-sự luyện-tập mà được, quên cả ngôn-ngữ, quên cả cảnh-giới, gặp chỗ nào cũng phùng nguyên, càng lay-động lại càng im-lặng, thế mới là triệt-ngộ 徹 悟. » (Ngữ-lục).

Cái học của Long-khê lên đến chỗ cùng-cực, tất là phải phảng-phất giống Lão-học và Phật-học. Các nho-giả khác thường bó buộc ở chỗ thấp, cho nên mới có nhiều điều nghị-luận. Bạn ông là Đường Kinh-xuyên, thuộc chi-phái Nam-trung nói rằng: « Ông tự tín hậu quá, không phòng đến cái hình tích, bao bọc rộng-rãi, không chọn cái sạch bẩn, cho nên lời nghị-luận của đời không hẳn mặt nào. » Hoàng Lê-châu nói rằng: « Lương-tri đã là sự lưu-hành của tri-giác, thì nó không nhất-định ở chỗ nào, không cần có khuôn-phép; hễ đã dùng đến công-phu, thì làm trở ngại cái thể hư-vô, thế là phải gần với Thiền-học, Sự lưu hành tức là cái chủ-tể, nhưng với tay lên núi cao, không bấu víu vào đâu được, phải lấy tâm tức 心 息 nương nhau làm phép quyền tạm, thế là gần Lão-học. Tuy nói là chân-tính lưu-hành thì tự-nhiên thấy rõ cái thiên-tắc, nhưng đối với cái khuôn-phép của Nho-học cũng hơi khác vậy. Song ông thân thừa cái mạt mạnh của Dương-minh, những lời vi-ngôn của Dương-minh thường thường còn truyền lại. Sau Tượng-sơn không thể không có Từ-hồ; sau Dương-minh không thể không có Long-khê. Lấy sự thịnh suy của học-thuật mà suy rộng ra, thì Từ-hồ làm cho cái luồng sóng của Tượng-sơn lưu thông, mà Long-khê thì khoi sông tìm nguồn, đối với cái học của Dương-minh vốn có phát-huy ra được nhiều vậy.»

Trương Nguyên-xung. — Trương Nguyên-xung 張 元 冲, tự là Thúc-khiêm 叔 謙, hiệu là Phù-phong 浮 峯, người đất Âm-sơn, tỉnh Chiết-giang, đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức phó-đô-ngự-sử, tuần-phủ tỉnh Giang-tây. Ông thường nói rằng: Cái đạo của Khổng-tử là nhất dĩ quán chi; cái đạo của Mạnh-tử là vạn vật đều đủ ở ta. Cái thuyết lương-tri chỉ thế mà thôi. » Ông lại nói: « Học thì trước phải lập chí. Không học làm thánh-nhân không phải là chí vậy. Cái học của thánh-nhân ở sự giới-cụ cẩn-độc, không như thế không phải là học. »

2• Giang-hữu Vương-môn 江右王門.— Môn-phái này ở đất Giang-tây, có những danh-nho như Châu Thủ-Ích, Âu-dương-Đức, Nhiếp Báo, La Hồng-tiên, Trần Cửu-Xuyên v. v., cố sức giảng tập cái học của Dương-minh, cho nên hậu-nho thường cho là nhờ có phái này mà cái học của Dương-minh giữ được cái chính-truyền.

Châu Thủ-Ích. — Châu Thủ-Ích 鄒守益, tự là Khiêm-chi 謙 之, hiệu là Đông-quách 東 廓, người đất An-phúc, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ cập-đệ, làm quan đến chức Nam-kinh Quốc-tử tế-tửu. Cái học của ông đắc lực ở sự kính. Kính là tinh-minh của lương-tri mà không lẫn với trần tục vậy. Ông cho là cái tính-thể của ta là ở trong sự nhật dụng luân vật không phân động tĩnh, không kể ngày đêm, không có lúc nào đứng dừng lại, chỗ lưu-hành mà hợp nghi là thiện, chỗ có chướng-tế ủng-tắc là bất thiện. Hễ quên sự giới-cụ thì có chướng-tế mà ủng-tắc. Khiến cho không có chỗ nào là không có sự lưu-hành của giới-cụ, ấy là sự lưu-hành của tính-thể vậy. Xa lìa sự giới-thận khủng-cụ thì không biết tìm tính ở đâu; xa lìa cái tính thì không biết tìm sự nhật dụng luân vật ở đâu. Cái học của ông thì thận trọng mà không cao xa, song nhờ có cái học ấy mới giữ được cái phần thiết-thực trong cái học của Dương-minh.

Âu dương-Đức. — Âu dương-Đức 歐 陽 德, tự là Sùng-nhất 崇 一, hiệu là Nam-dã 南 野, người đất Thái-hòa, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ cập-đệ, làm quan đến chức Lễ-bộ thượng-thư. Ông nói rằng: «Cái minh-giác thật của thiên tính, tự-nhiên tùy cảm mà thông, tự nó có điều-lý, ấy thế gọi là lương-tri, mà cũng gọi là thiên-lý. Thiên-lý là sự điều-lý của lương-tri, lương-tri là cái linh-minh của thiên-lý. »

Nhiếp-Báo.— Nhiêp-Báo 聶 豹, tự là Văn-ủy 文 蔚, hiệu là Song-giang 雙 江, người đất Vĩnh-phong, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức thượng-thư. Lúc ông đang làm quan, có việc bị giam trong ngục, ngồi tĩnh tọa lâu ngày, hốt-nhiên thấy rõ cái chân-thể của tâm, quang minh oanh triệt, vạn vật đều đủ, bèn mừng mà nói rằng: «Ấy là cái trung chưa phát, giữ cái ấy không mất, thì cái lý của thiên-hạ đều bởi đó mà ra vậy.» Đến lúc ở ngục ra, cùng với học-giả lập phép tĩnh tọa, khiến qui về cái tịch để lấy thông cảm, giữ lấy cái thể để ứng dụng. Đại để cái học của ông là chủ ở sự qui tịch để thông sự cảm của thiên-hạ.

La Hồng-tiên. — La Hồng-tiên 羅 洪 先, tự là Đạt-phu 達 夫, hiệu là Niệm-am 念 菴, người đất Cát-thủy, tỉnh Giang-tây, đỗ trạng-nguyên, làm quan được ít lâu rồi về nhà lo việc học, lấy sự nghèo làm thích, không thiết đến của cải.

Cái học của ông lúc đầu dụng lực ở chỗ thực-tiễn, sau theo về tịch tĩnh, đến vãn-niên mới triệt ngộ cái thể của nhân 仁. Thuở ấy những môn-đệ của Dương-minh bàn việc học, đều nói rằng: « Tri thiện tri ác tức thị lương-tri, theo đó mà làm, tức là trí-tri.» Ông bảo rằng: «Lương-tri là nói chí-thiện vậy. Cái thiện của tâm ta, ta biết; cái ác của tâm ta, ta biết; không thể nói là không phải cái tri được. Trong chỗ thiện ác giao tạp, há lại không có cái gì làm chủ hay sao? Không có cái gì làm chủ ở trong, mà bảo cái tri vốn thường sáng là không phải. Cái tri có lúc chưa sáng, nếu theo đó mà làm, mà bảo không có sai lầm ở lúc sau đã phát ra, và có thể thuận ứng các sự vật, là không phải. Cho nên không trải qua sự khô-kháo tịch-mịch, hết thảy phải lắng nghe cái thiên-lý sáng rõ, thì không dễ mà tới được. » Ông cho cái lương-tri không có cái hiện-thành, phải có tu-chứng rồi mới hoàn-toàn.

Trong những người xưng là môn-nhân của Dương-minh, ông là người tư-thục, nhưng ông hiểu được cái học của Dương-minh có phần hơn nhiều người khác.

Trần Cửu-Xuyên.— Trần Cửu-Xuyên 陳 九 川, tự là Duy-tuấn 惟 濬, hiệu là Minh-thủy   水 người đất Lâm-xuyên, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ. Cái học của ông hợp cái tịch và cái cảm làm một. Tịch ở trong cảm, là cái bản-thể của cảm; cảm ở trong tịch, là cái diệu dụng của tịch.

3.Nam-trung Vuơng-môn 南中王門.— Môn-phái này ở đất Giang-tô, vùng Nam-kinh. Những học-giả trong môn-phái này là: Hoàng Tỉnh-tăng 黃 省 , tự là Miễn-chi 勉 之, hiệu là Ngũ-nhạc 五 岳, người huyện Tô-châu; — Chu Đắc-chi 朱 得 之, tự là Bản-tư 本 思, hiệu là Cận-trai 近 齋, người huyện Tĩnh-giang, tỉnh Giang-tô; — Đường Thuận-chi 唐 順 之, tự là Ứng-đức 應 德, hiệu là Kinh-xuyên 荆 川, người huyện Võ-tiến, tỉnh Giang-tô v. v..

4• Sở-trung Vương-môn 楚 中 王 門. — Môn-phái này ở vùng Hồ-nam và Hồ-bắc. Những học-giả trong môn-phái này là: Tưởng Tín 蔣 信, tự là Khanh-thực 卿 實, hiệu là Đạo-lâm 道 林, người đất Thường-đức; — Ký Nguyên-Hanh 冀 元 亨, tự là Duy-kiền 惟 乾, hiệu là Ám-trai 闇 齋, người đất Võ-lăng, v. v.

5• Bắc-phương Vương-môn 北 方 王 門. — Người phương bắc theo cái học của Dương-minh ít hơn cả. Những học-giả trong môn-phái này là: Mục Khổng Huy 穆 孔 暉, tự là Bá-tiềm 伯 潛, hiệu là Huyền-am 玄 菴, người tỉnh Sơn-đông: — Mạnh Thu 孟 秋, tự là Tử-thành 子 成, hiệu là Ngã-cương 我 疆, người tỉnh Sơn-đông; — Nam Đại-Cát 南 大 吉, tự là Nguyên-thiện 元 善, hiệu là Thụy tuyền 瑞 泉, người tỉnh Thiểm-tây, v. v.

6• Việt-Mân Vương-môn 粵 閩 王 門.— Người đất Phúc-kiến và Quảng-đông theo học Dương-minh cũng nhiều, song chỉ có Tiết Khản 薛 侃, tự là Thượng-khiêm 尚 謙, hiệu là Trung-ly 中 離, người đất Quảng-đông là hơn cả.

7• Chỉ-tu 止 修. — Môn-phái này do Lý Tài lập ra. Lý Tài 李 材, tự là Mạnh-thành 孟 誠, hiệu là Kiến-la 見 羅, người huyện Phong-thành, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ cập-đệ. Ông trước theo Châu Đông-quách học cái thuyết trí-lương-tri, sau phát ra cái tôn-chỉ « chỉ-tu », cho là cái chân-truyền của Khổng-tử và Tăng-tử « chỉ » để làm cách tồn-dưỡng, « tu » là để làm cách tỉnh-sát. Ông cho lương-tri là theo cái dĩ-phát mà lập giáo, chứ không phải là cái bản-chỉ vị-phát vô-tri.

8. Thái-châu 泰 州. — Môn-phái này do Vương Cấn lập ra, Vương Cấn 王 艮 tự là Nhữ-chỉ 汝 止, hiệu là Tâm-trai 心 齋, người đất An-phong, thuộc Thái-châu, tỉnh Giang-tô. Ông bình sinh ý khí thái-cao, hành sự thái kỳ. Dương-minh thường phải tìm cách tài-ức cho bớt đi. Ông không ra ứng cử, không làm quan.

Trong những môn-nhân của Dương-minh có Long-khê và ông là hơn cả. Long-khê tuy giỏi hơn ông, song có người tin và có người không tin. Ông thì có khi ở trong khoảng chớp mắt, tỉnh-giác được nhiều người. Ông thường bảo rằng: sự nhật dụng của trăm họ tức là đạo, và ông lấy ở chỗ vãng lai động tác của bọn đồng bộc, cái gì là không mượn sự an-bài, thì chỉ ra cho người ta biết, cho nên ai trông thấy cũng hiểu ngay.

Cái học của ông chủ ở sự cách-vật. Ông cho sự cách-vật là nói vật có bản mạt; thân mình với thiên-hạ quốc-gia là một vật; cách-vật, trí-tri, tu-thân là gốc; tề-gia, trị-quốc, bình thiên-hạ là ngọn. Làm việc gì mà không được, thì phải quay trở lại tìm ở mình. Quay trở lại mình, ấy là cái công-phu cách-vật, cho nên muốn tề-gia, trị-quốc, bình thiên-hạ, phải cốt ở sự yên thân. Cái thân chưa yên, thì cái bản không lập. Người biết cái thân đã yên, thì biết yêu thân và kính thân; người yêu thân và kính thân, thì không dám không yêu người, không kính người. Đã yêu người và kính người, thì người yêu ta kính ta, mà thân ta yên vậy. Một nhà yêu ta kính ta, thì nhà tề; một nước yêu ta kính ta, thì nước trị; thiên-hạ yêu ta kính ta, thì thiên-hạ bình. Cho nên người không yêu ta, không phải chỉ có người là bất-nhân, mà cái bất-nhân của ta cũng biết được vậy; người không kính ta, không phải chỉ có người là bất-kính, mà cái bất-kính của ta cũng biết được vậy. Cái thuyết cách vật ấy về sau gọi là cái thuyết cách-vật ở đất Hoài-nam.

Lưu Trấp-sơn bàn chỗ này, nói rằng: « Chữ yên thân ở đây là nói yên cái tâm của mình, chứ không phải là bo-bo giữ cái hình-hài làm gốc.» Tâm-trai cũng thường nói rằng: « Yên cái thân và yên cả cái tâm là bậc thượng, không yên cái thân mà yên cái tâm là bậc thứ, không yên cái thân mà cũng không yên cái tâm là bậc hạ.» Xem vậy thì hai chữ « yên thân » của Tâm-trai là chủ lấy sự yên tâm làm gốc.

Tâm-trai nói rằng: « Thánh-nhân lấy đạo giúp thiên-hạ, ấy cái chí-trọng là đạo vậy; người có thể mở rộng đạo, ấy cái chí-trọng là thân vậy. Đạo trọng thì thân trọng, thân trọng thì đạo trọng, cho nên học là học làm thầy, học làm bậc trưởng, học làm vua vậy. Lấy thiên địa vạn vật nương ở thân, không lấy thân nương ở thiên địa vạn vật.» Đạo là để giúp thiên-hạ, thân là để hành đạo, vậy nên ta phải trọng cái thân. Trong cái thân có cái tâm làm chủ, mà cái tâm thì vẫn có cái vui, tìm cái vui đó tức là học. Cho nên nói rằng: « Cái tâm của người ta vốn tự vui, rồi tự nó đem cái tư-dục mà trói buộc mình lại, nhưng khi cái tư-dục mọc ra, thì cái lương-tri tự biết; đã biết, thì cái tư-dục lại tiêu-trừ đi, và cái tâm của người ta lại y như cũ mà vui. Vui là vui cái học ấy, học là học cái vui ấy; không vui không phải là học, không học không phải là vui; vui rồi mới là học, học rồi mới là vui: vui là học, học là vui. Than ôi! cái vui của thiên-hạ có gì bằng cái học như thế, cái học của thiên-hạ có gì bằng cái vui như thế!» Đại để, cái học của Tâm-trai có cái chủ-nghĩa lạc quan rất lớn, cho nên về sau những người theo môn-phái này hay thiên về đường du-hiệp.

Hoàng Lê-châu nói rằng: « Cái học của Dương-minh nhờ có Long-khê và Tâm-trai mà truyền rộng ra ở thiên-hạ, nhưng cũng vì Long-khê và Tâm-trai mà dần dần làm mất cái chính-truyền. Song, sau Long-khê không có ai bằng Long-khê nữa, và lại nhờ có chi phái Giang-hữu chữa lại, thành ra không đến nỗi hư-hỏng hẳn; đàng này sau Tâm-trai thì có nhiều người đảm-đang, làm những việc khác thường, rồi truyền đến bọn Nhan Sơn-nông, Hà Tâm-Ẩn thì không phải là cái danh-giáo có thể ràng buộc được nữa.»

Những người có tiếng trong môn-phái này là: Từ Việt 徐 樾, tự là Tử-trực 直, hiệu là Ba-thạch 波 石, người đất Quí-khê, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ; — Vương Đống, 王 棟, tự là Long-cát 隆 吉, hiệu là Nhất-am 一 菴, người đất Thái-châu; Lâm Xuân 林 春, tự là Tử-nhân 子 仁, hiệu là Đông-thành 東 城, người đất Thái-châu;— Triệu Trinh-Cát 趙 貞 吉, tự là Mạnh-tĩnh 孟 靜, hiệu là Đại-châu 大 洲, người đất Nội-giang, tỉnh Tứ-xuyên; — La Nhữ-Phương 羅 汝 芳, tự là Duy-đức 惟 德, hiệu là Cận-khê 近 溪, người đất Nam-thành, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ; — Chu Nhữ-Đăng 周 汝 登, tự là Kế-nguyên 繼 元, hiệu là Hải-môn 海 門, người đất Thặng-huyện, tỉnh Chiết-giang. Những người này thường hay thiên về Thiền-học bên Phật-giáo.

Trong phái Thái-châu có những người du-hiệp có tiếng là: Nhan Quân 顏 鈞, tự là Sơn-nông 山 農, người đất Cát-an, tỉnh Giang-tây. Sơn-nông theo học Từ Ba-thạch, được cái truyền của phái Thái-châu, lấy cái tâm của người ta thần-diệu được cả vạn-vật mà không trắc đạc được, cho tính như viên ngọc châu sáng, nguyên không có bụi bặm gì cả, không cần phải trông nghe, không cần phải giới-cụ, bình thời chỉ suốt cái tính, việc làm cứ theo tự-nhiên, thế gọi là đạo. Đến khi có điều phóng-dật, nhiên hậu mới lấy giới-thận khủng-cụ để sửa lại. Phàm nho-giả bảo trước phải có kiến-văn, đạo-lý, cách-thức, đều là làm chướng-ngại cái đạo. — Học-trò Nhan Sơn-nông là Lương Nhữ-Nguyên 梁 汝 元, tự là Phu-sơn 夫 山, người đất Vĩnh-phong, tỉnh Giang-tây, sau đổi tên họ là Hà Tâm-Ẩn 何 心 隱. Tâm-Ẩn theo cái tôn-chỉ gần như Thiền-học, rồi sau biến ra như cái học tung-hoành của Tô Tân, Trương Nghi. — Học trò của Tâm-Ẩn là Lý Trác-Ngô 李 卓 吾 theo hẳn Thiền-học mà phỉ-báng Nho-giáo.

Cái học của môn-phái Thái-châu về sau làm biến mất cái chân-tướng của cái học Dương-minh.

9• Trấp sơn 蕺 山. — Cái học của phái Diêu-giang truyền đến cuối đời nhà Minh, càng ngày càng thiên-lệch đi, không ai biết rõ cái tôn-chỉ chân-chính lúc đầu nữa. Lúc ấy nhờ có Lưu Trấp-sơn lại phát-minh ra được cái chính-truyền.

Lưu Tôn-Chu 劉 宗 周, tự là Khởi-đông 起 東, hiệu là Niệm-đài 念 臺, biệt hiệu là Trấp-sơn 蕺 山, người đất Âm-sơn, tỉnh Chiết-giang, đỗ tiến-sĩ đời Vạn-lịch, làm quan đến chức tả-đô-ngự-sử, vì lấy lời thẳng can vua mà phải bãi về. Sau khi nhà Minh mất rồi, tỉnh Chiết-giang đã ra hàng nhà Thanh ông bèn nhịn ăn 20 ngày mà chết.

Lưu Trấp-sơn là một nhà danh-nho cuối đời nhà Minh, thuộc về phái tâm-học. Ông thấy những học-giả thuở ấy ngộ giải cái học trí-lương-tri của Vương Dương-minh mà thiên về Thiền-học, làm sai mất cái ý của thánh-học, cho nên ông mới tìm cách mà bổ cứu sự sai lầm ấy. Ông nhân cái nghĩa câu: « Thận độc tức thị trí-lương-tri 慎 獨 卽 是 致 良 知 » của Dương-minh mà lấy hai chữ « thận-độc » làm tôn-chỉ.

Cái nghĩa câu ấy của Dương-minh so với cái nghĩa ở trong sách Đại-học Trung-dung, thì thận-độc tức là thành-ý, nhưng ông không theo tiên nho nói rằng: « Ý giả tâm chi sở phát 意 者 心 之 所 發 », mà lại nói là: « Ý giả tâm chi sở tồn 意 者 心 之 所 存 ». Theo cái tư-tưởng của ông, thì tâm người ta ở trong khoảng gang tấc, mà đạt ra khắp hết cả, có cái tượng như Thái-hư. Hư 虛 sinh ra linh, linh 靈 sinh ra giác, giác 覺 có cái chủ, ấy là ý 意. Tâm thì hư-linh mà hay biến, ý thì có định-hướng mà chứa được nhiều, cho nên ý là chủ-tể của tâm. Lấy chỗ « tịch-nhiên bất động » của tâm mà xét, thì chỉ có trơ trọi một cái linh-thể « bất lự nhi tri », tự làm chủ-trương, tự khiến sự sinh hóa, cho nên mới lấy đó mà gọi là « độc ». Cái « độc » ấy là ý, là chủ-tể của tâm, thì sự học là phải « thận » ở chỗ ấy, ắt thấy rõ cái tâm vậy.

Ông theo cái tôn-chỉ ấy mà nói rằng: « Tri vô bất lương, chỉ thị độc tri nhất điểm 知 無 不 良,只 是 獨 知 一 㸃: Cái tri thì không có gì là bất lương, chỉ cốt có một điểm độc tri. » Độc tri là biết cái độc-thể làm chủ-tể trong tâm. Biết được rõ cái độc-thể ấy, tức là giữ còn cái tâm vậy. Cho nên ông lại nói rằng: « Tâm vô tồn vong, đãn li độc vị tiện thị vong 心 無 存 亡,但 離 獨 位 便 是 亡: Tâm không có tồn vong. chỉ có lìa bỏ cái ngôi « độc » ấy là vong.»

Cái học thận-độc giải nghĩa như thế, thì chính hợp với cái học trí-lương-tri của Vương Dương-minh và có thể khiến học-giả không khuynh-hướng về đường hư-vô. Đó thật là ông đã đạt tới cái chủ-đích muốn cứu bổ cái thời tệ vậy. Song, xét cho hết lý, thì cái học thận-độc tuy giữ được phần thiết-thực chắc-chắn hơn, nhưng về phần cao siêu hoằng đại thì lại không bằng cái học trí-lương-tri có thể bao-quát được cả vũ-trụ.

Hoàng Lê-châu là cao-đệ của ông, nói rằng: « Xưa nay nho-giả nhiều người nói thận-độc, song người thì nhận biết cái bản-thể mà sa vào chỗ hoảng-hốt, người thì nương tựa vào cái độc-tri mà cố sức ở cái động niệm, duy có Trấp-sơn thấy được cái chân thực, và nhận biết trong sự hỉ nộ ai lạc chỉ có một khí quán thông hết cả, không phải mượn phẩm tiết hạn chế, mà cái đức trung-hòa tự-nhiên lưu-hành ở khoảng nhật dụng động tĩnh. Cái độc-thể như thế, tựa như trời lấy một khí mà tiến thoái, chia đều bốn mùa, ấm lạnh rét nóng không sai phép thường; một năm như thế, muôn đời cũng như thế, dầu có khi sai lỗi âm dương, thành ra điềm tốt điềm xấu, song vẫn không đổi được cái đại thường của tạo-hóa. Thận là thận cái đó mà thôi. Cái thuyết ấy không giống cái thuyết của tiên nho. Tiên nho nói: « Vị phát vi tính, dĩ phát vi tình 未 發 爲 性,已 發 爲 情 »; Mạnh-tử nói: Trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi, là nhân cái tính sở phát mà thấy cái tính sở tồn, nhân cái thiện của tình mà thấy cái thiện của tính. Trấp-sơn thì trỏ cái tình mà nói cái tính, chứ không nhân cái tình mà thấy cái tính vậy. Ấy là lấy tâm mà nói tính, chứ không lìa bỏ tâm mà nói thiện. Cái hình-nhi-thượng gọi là đạo, cái hình-nhi-hạ gọi là khí-cụ. Khí-cụ có, thì đạo ấy có; rời cái khí-cụ ra, mà đạo không thể thấy được, ắt là phải tìm đạo ở trước lúc trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi, như thế thì chẳng bao nhiêu mà tâm hạnh dứt lối, ngôn ngữ hết đường. Bảo rằng trước trời đất đã có vật, thì làm gì mà chẳng thuộc về cái học của Lão và Phật. » Lê-châu lại nói tóm cái học của Trấp-sơn rằng: « Trong trời đất đều là khí cả, ở tâm người ta chỉ có một cái khí lưu-hành, thành thông thành phục 誠 通 誠 復, tự-nhiên phân ra làm hỉ, nộ, ai, lạc. Cái danh: nhân, nghĩa, lễ, trí, bởi đó mà khởi ra, không đợi an-bài phẩm-tiết, tự nó có thể không quá được cái qui-tắc, tức là trung-hòa vậy. Ấy là sinh ra mà có cái đó, người nào cũng thế cả, cho nên gọi là tính thiện, không sai lầm về quá và bất cập. Cái tính-thể nguyên nó tự chu-lưu, không hại được cái đức trung-hòa của nó. Kẻ học-giả chỉ chứng nhận được cái tính-thể phân-minh mà cứ lúc nào cũng bảo thủ lấy, ấy là « thận » vậy. Cái công-phu sự « thận » là chỉ biết ở chỗ chủ-tể có cái làm chủ, ấy gọi là ý. Xa lìa cái ý-căn một bước, ấy là vọng 妄, không phải là độc 獨. Cho nên càng thu-liệm càng tới nơi, song cái chủ-tể cũng không đứng lại ở một chỗ nào, chỉ ở trong sự lưu-hành đó thôi, bởi thế mới nói rằng: « Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ. »

Đại để, cái học của Vương Dương-minh có Lưu Trấp-sơn lại sáng rõ ra. Nhưng qua sang đời nhà Thanh chỉ có Hoàng Lê-châu tiếp tục được cái học ấy, rồi sau lại suy dần đi vậy.

10• Dương-minh-học ở Nhật-bản. — Nguyên từ cuối thế-kỷ thứ XII đã có người Nhật-bản như Huyền Huệ 玄 惠 (Gen-e) và Viên Nguyệt 圓 月 (Engetsu) rất thâm lý-học của Tống-nho. Đến thế-kỷ thứ XVI và XVII, vào quãng năm Vạn-lịch đời vua Thần-tôn nhà Minh, có Lâm La-sơn 林 羅 山 (Haysha Rozan) chủ-trương việc công nhận cái học Trình Chu làm chính học.

Vão quãng đầu đời nhà Thanh, lại có Trung-giang Đằng-thụ 中 江 藤 樹 (Nakae Tôju) giảng cái học của Vương Dương-inh, người Nhật-bản gọi là « Oyomei ». Môn-đệ của Trung-giang Đằng-thụ là Hùng-trạch Phiên-sơn 熊 澤 蕃 山 (Kumazawa Banzan) mở rộng cái học ấy ra ở Nhật-bản. Về sau cái học của Dương-minh càng ngày càng mạnh lên, át được cái học của Trình Chu, và có cái hiệu-quả rất hay trong thời-kỳ duy-tân trước đời Minh-trị. Người Nhật-bản sở dĩ chuộng cái học của Dương-minh là vì cái học ấy rất thiết-thực và rất có nghị-lực. Nhất là theo cái học của môn-phái Thái-châu đã nói cái đại-lược ở trên, thì lại thích-hợp với tính tình của người Nhật-bản lắm, cho nên mới chóng thịnh hành vậy. Hiện nay không có người Nhật-bản nào có học-thức mà không đọc sách của Dương-minh,

Ít lâu nay những học-giả bên Tàu cũng đã có nhiều người tôn-sùng cái học của phái Diêu-giang. Những người như Lương-Khải-Siêu hết sức biểu-chương Vương Dương-minh, Có lẽ sau này Nho-giáo mà thịnh lên, chắc là sẽ bởi cái học ấy vậy,