CÁI VẠ ĐẢNG-PHÁI
Phái Đông-lâm sở dĩ nổi tiếng là vì quan-hệ đến việc chính-trị. Những học-giả trong phái này thường hay tự phụ khí tiết, chống lại với chính-phủ. Bọn tiểu-nhân mới nhân đó mà phụ họa vào, hoặc kết bè-đảng để làm hại những người quân-tử, bởi thế cho nên mới thành ra cái nghị-luận về Đông-lâm-đảng 東 林 黨.
Vào khoảng năm Vạn-lịch thứ 39 (1611) việc lập thái-tử đã xong, người đồng chí với phái Đông-lâm là Diệp Hướng-Cao 葉 向 高, vào coi việc nội-các. Khi ấy trong triều khuyết quan, đình nghị nên tham dụng quan ngoài, ý muốn đem quan tuần-phủ đất Hoài là Lý Tam-Tài 李 三 才 vào triều. Lý Tam-Tài là người hào-phóng. khéo lung-lạc bọn triều sĩ và lại là bạn thân với Cố Hiến-Thành, cho nên Cố Hiến-Thành viết thư cho Diệp Hướng-Cao khen Lý Tam-Tài là người liêm trực. Các quan trong triều có người không chịu, bèn rủ nhau lập ra đảng khác để chống với đảng Đông-lâm. Bấy giờ có quan tế-tửu là Thang Tân-Doãn 湯 賓 尹, người huyện Tuyên-thành, tỉnh An-huy, quan du-đức là Cố Thiên-Thoan 顧 天 埈, người huyện Côn-sơn, tỉnh Giang-tô, đứng đầu lập ra đảng mới, gọi là Tuyên-Côn-đảng 宣 崑 黨. Sau lại có đảng Tề 齊, đảng Sở 楚 và đảng Chiết 浙 phụ thuộc vào đảng Tuyên-Côn để công-kích đảng Đông-Lâm,
Thuở ấy vua Thần-tôn lười biếng, bỏ việc triều-chính trong hơn 20 năm không nhìn đến, cho nên những sớ tấu dâng lên đều bỏ cả. Các quan ở trong triều cứ đảng nọ công-kích đảng kia. Ai bị công-kích lắm, thì tự mình phải thôi quan mà về. Đến quan đại-thần mà không có đảng cũng không được yên chỗ. Trong mấy năm Diệp Hướng-Cao coi việc nội-các, thì phái Đông-lâm có thế-lực mạnh hơn. Song từ năm Vạn-lịch thứ 42 (1614) Diệp Hướng-Cao xin thôi, thì đảng Tuyên-Côn thắng lợi. Đoạn, ở trong cung lại phát ra ba cái án: Một cái án can đến việc hoàng-thái-tử bị người muốn làm hại; một cái án can đến việc vua Quang-tôn phải bệnh, vì uống thuốc mà chết; một cái án can đến việc người sủng-phi của Quang-tôn mưu sự hiệp thái-tử mà thính chính. Bởi ba cái án ấy mà các đảng-phái công-kích nhau rất kịch-liệt. Phái Đông-lâm thì chủ ở việc phải trái, muốn nghiêm trị những kẻ có tội, đảng phản-đối thì chủ ở việc lợi hại, muốn cho êm chuyện thì thôi.
Đến khi vua Hi-tôn (1621-1627) mới lên ngôi, Diệp Hướng-Cao lại vào coi việc nội-các, bọn Triệu Nam-Tinh, Cao Phan-Long đều được khởi dụng, thanh-thế phái Đông-lâm lại mạnh. Đảng phản-đối là bọn tiểu-nhân, thấy thế mình kém, bèn giao-kết với Ngụy Trung-Hiền 魏 忠 賢 để ngầm ngấm làm hại bọn chính-nhân quân-tử. Ngụy Trung-Hiền là một đứa hoạn-quan được vua Hi-tôn tin dùng, làm lắm điều rất tàn ngược. Quan tả-phó-đô-ngự-sử là Dương Liên 楊 漣 dâng sớ hặc Trung-Hiền 24 tội. Vua không nghe. Lúc ấy có đến hơn một trăm đình-thần lần lượt dâng sớ nói Trung-Hiền làm hại nước. Vua cũng không nghe. Trung-Hiền bèn mưu với đảng phản-đối tìm cách làm hại những người trong phái Đông-lâm.
Năm Thiên-khải thứ tư (1624) đời vua Hi-tôn, Trung-Hiền xui đảng phản-đối lấy việc ba cái án cũ mà buộc tội cho những người trong phái Đông-lâm. Trước bắt bọn Dương Liên, Tả Quang-Đẩu, 6 người; sau bắt bọn Cao Phan-Long, Chu Khởi-Nguyên, 7 người, bỏ ngục và sai người đánh chết, Thiên-hạ gọi là Trung-Hiền hại mười ba người quân-tử. Bấy giờ những người trong phái Đông-lâm bị giết hại đến ba bốn trăm người, và những thư-viện của phái ấy ở các nơi đều bị hủy hoại hết sạch. Từ đó quyền bính trong nước về cả tay Ngụy Trung-Hiền, và bọn tiểu-nhân đầy triều, ngang tàng làm bậy.
Năm Thiên-khải thứ 7 (1627) vua Trang-liệt lên ngôi, đem giết Ngụy Trung-Hiền và bọn đồng đảng. Song lúc ấy trong triều hết cả người trung-lương, ngoài cõi thì quân giặc nổi lên khắp cả mọi nơi. Đến khi giặc đến đánh phá kinh-thành, vua Trang-liệt phải thắt cổ mà chết. Nhà Thanh ở Mãn-châu nhân cơ-hội ấy vào lấy nước Tàu.