Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-13

THỦ-THIỆN-PHÁI

Sau khi phái Đông-lâm đã thành lập ở huyện Vô-tích được độ hơn 20 năm, thì ở Bắc-kinh có phái Thủ-thiện đem giảng cái tâm-học của phái Diêu-giang. Người đứng đầu lập ra phái này là Châu Nguyên-Tiêu, thuộc về chi-phái Giang-hữu của phái Diêu-giang.

Châu Nguyên-Tiêu. — Châu Nguyên-Tiêu 鄒 元 標, tự là Nhĩ-chiêm 爾 瞻, hiệu là Nam-cao 南 皋, người huyện Cát-thủy, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ. Đời vua Hi-tôn nhà Minh ông làm chức tả-đô-ngự-sử, lập ra Thủ-thiện thư-viện 首 善 書 院 rồi cùng với quan phó đô-ngự-sử là Phùng Tòng-Ngô giảng học. Bọn tiểu-nhân vốn sợ ông là người nghiêm-nghị. thấy vậy, bèn dâng sớ xin vua không cho giảng-học. Sau ông thôi quan về, được ít lâu thì mất.

Cái học của ông lấy sự biết tâm-thể làm chỗ nhập thủ, lấy sự thi-hành cái lòng thứ ra trong khoảng nhân luân sự vật, cùng với ngu-phu ngu-phụ đồng một thể, làm công-phu; lấy sự không khởi cái ý không-không làm đến chỗ cực. Ông cho là xa-lìa cái đạt-đạo thì không có cái gọi là đại-bản, xa lìa cái hòa thì không có cái gọi là trung. Vì cái học ấy chủ lấy sự tìm thấy cái bản-thể, cho nên gần như Phật-học, song có cái khí tượng nghiêm-nghị phương-chính, cho nên vẫn giữ được cái bản-sắc của Nho-giáo,

Phùng Tòng-Ngô. — Phùng Tòng-Ngô 馮 從 吾, tự là Trọng-hiếu 仲 好, hiệu là Thiếu-khư 少 墟, người đất Trường-an, tỉnh Thiểm-tây, đỗ tiến-sĩ. làm quan đến chức ngự-sử, phải cách, về dạy học. Đến đời vua Hi-tôn lại ra làm quan đến chức phó-đô-ngự-sử, cùng với Châu Nguyên-Tiêu giảng học ở Thủ-thiện thư-viện, nhưng chẳng bao lâu lại bị cách chức, rồi bị bọn gian thần làm hại.

Ông thuộc về phái Cam-tuyền, cho nên cái học của ông có chỗ hơi khác cái học của Châu Nguyên-Tiêu. Châu Nguyên-Tiêu thì chủ ở sự giác-ngộ, mà ông thi trọng cái công-phu. Ông bảo học-giả phải hiểu thấu đến chỗ bản-nguyên, tìm đến chỗ chưa phát, mà nhật dụng thường hành thì phải điểm-kiểm để cho hợp với bản-thể. Ông cho bên Phật nói cái tính thấy ở chỗ linh-minh của sự tri-giác vận-động, là cái tính khí-chất, mà bên Nho gọi tính là cái thấy ở chỗ tốt trong cái tri-giác linh-minh, cái ấy mới là cái tính nghĩa lý. Hoàng Lê-châu nói rằng: « Phàm cái thể của tai, mắt, miệng, là cái chất; sự trông, nghe, nói, động, là cái khí. Sự trông, nghe, nói, động, lưu-hành mà không mất cái phép, ấy mà tính; lưu-hành mà có quá và bất cập là cái thiên-lệch của khí-chất. Như thế thì không những là không thể nói được là tính, mà đến cả khí-chất cũng không thể nói được. »

Cái học của phái Thủ-thiện và phái Đông-lâm không giống nhau, nhưng vì hai bên cùng theo một cái chủ-đích cốt để cứu-bổ sự học đương thời, và cùng quan-hệ đến việc chính-trị, cho nên những đảng-phái khác đều cho làm một với Đông-lâm và lấy tên Đông-lâm mà gọi chung cả.