THIÊN I

NGUYÊN MINH THANH THỜI-ĐẠI

NHO-GIÁO ĐỜI NGUYÊN
(1280 — 1360)

Trình-trạng Nho-giáo đời Nguyên. — Từ đầu thế-kỷ thứ XII, vào quãng năm 1127 trở đi, nhà Tống phải dời đô về phía nam, nước Tàu ở phía bắc sông Dương-tử, trước thuộc về nước Kim, sau thuộc về Mông-cổ. Nước Kim và nước Mông-cổ là những nước của các rợ ở phía bắc lập ra, uy-võ thì có thừa, mà văn-học thì không đủ, cho nên đến khi người những nước ấy vào cai-trị nước Tàu đều bị cảm-hóa theo văn-minh của Tàu. Bởi vậy người Tàu thuộc về những nước ấy vẫn theo Nho-giáo, song vì người phía nam và phía bắc không được giao-thông với nhau, cho nên sự học ở đất bắc không được thịnh như bên Nam-Tống.

Đến quãng thế-kỷ thứ XIII, năm 1234, Mông-cổ lấy được nước Kim, vua Mông-cổ là Ogodaï (1229 — 1241), tức là vua Thái-tôn nhà Nguyên, mới dùng những người Nho-học như bọn Diêu Khu 姚 樞, Dương Duy-trung 楊 惟 中 để mở-mang việc học. Từ đó cái luồng sóng Nho-học bên Nam-Tống mới dần dần tràn lên phía bắc.

Việc vua Mông-cổ mà sùng-thượng Nho-học là bởi ở ba cái nguyên-nhân. Một là vì cái văn-học của người Tàu đã cao lắm và lại rất thuận-tiện cho sự cai-trị. Hai là vua Mông-cổ vốn có ý kiêm-tính cả nước Tàu, cho nên khi lấy được nước Kim rồi, rất chú-ý đến sự mở-mang việc học để thu phục người Tàu. Ba là lúc Mông-cổ mới mở nước có Gia-luật Sở-tài (Yélou Tchou-tsaï) làm tể-tướng, rất sùng Nho-hoc. Gia-luật Sở-tài là dòng dõi vua nước Khiết-đan ngày trước, theo giúp vua Thái-tổ và vua Thái-tôn nhà Nguyên, xếp đặt mọi việc trong nước và định ra chế-độ làm cho nước Mông-cổ thành ra có kỷ-cương. Ông thường khuyên vua Mông-cổ nên dùng những người Nho-học để làm quan giúp nước.

Bởi có những nguyên-nhân ấy cho nên ngay từ lúc đầu vua Thái-tôn nhà Nguyên sai mở khoa thi ở các quận để lấy nho-sĩ, đặt chức quốc-tử-học tổng-giáo và chức đề-học, bắt những con các quan đi học.

Đến đời vua Hiến-tôn nhà Nguyên (Mong-kha) cho em là Hốt-tất-liệt (Koubilaï) sang kinh-lý việc bên Tàu. Hốt-tất-liệt ưa dùng những người Nho-học như Diêu Khu 姚 樞, Liêm Hi-hiến 廉 希 憲, Lưu Bỉnh-trung 劉 秉 忠 và Hứa Hàn 許 衡 để chỉnh đốn lại việc học. Năm 1260, Hốt-tất-liệt lên làm vua, tức là vua Thế-tổ nhà Nguyên (1260-1294), sai người sửa miếu thờ Khổng-tử, mở nhà học Quốc-tử-giám và đặt Nho-học-đề-cử ti ở các lộ.

Vua Nhân-tôn nhà Nguyên (1312-1320) lại rất tôn-sùng Nho-giáo. Năm Hoàng-khánh thứ hai (1313) đem bọn Tống-nho là Chu Đôn-di, Trình Hạo, Trình Di, Trương Tái, Thiệu Ung, Tư-mã Quang. Chu Hi, Trương Thức, Lữ Tổ-khiêm và Hứa Hành vào tòng tự ở trong miếu Khổng-tử, và định khoa-cử, đại khái cũng theo như lối nhà Tống. có hương-thí, hội-thí và đình-thí, cho người Tàu và người Mông-cổ đều phải thi cả. Những bài thi lấy trong sách Đại-học, Luận-ngữ, Mạnh-tửTrung-dung, thì phải dùng chương cú tập-chú của Chu-tử. Lúc ấy cái học của Chu Hối-am lan khắp cả nước Tàu.

Nhà Nguyên truyền đến hết đời vua Nhân-tôn, thì trong nước có nhiều sự loạn lạc, giặc cướp nổi lên đánh phá mọi nơi, sự học cũng vì thế mà suy dần.

Danh-nho đời Nguyên. — Nho-học trong đời nhà Nguyên tuy không được thịnh như nhà Đường, nhà Tống, song những nhà văn-học cũng khá nhiều. Những học-giả có tiếng thì trước có Triệu Phục 趙 復, Diêu Khu 姚 樞 và Hứa Hành 許 衡, sau có Lưu Nhân 劉 因 Ngô Trừng 吳 澄, Kim Lý-tường 金 履 祥 và Hứa Khiêm 許 謙, nối được cái học-thống của phái lý-học. Còn những người văn-học trứ danh thời bấy giờ thì có Nguyên Hiếu-vấn 元 好 問, Ngu Tập 虞 集, Dương Tái 楊 載, Hoàng Tiềm 黃 潛 v. v.

Trong những người ấy chỉ có Triệu Phục, Hứa Hành và Hứa Khiêm là tinh thâm hơn cả.