THIÊN V

LƯỠNG-TỐNH THỜI-ĐẠI

NHO-GIÁO ĐỜI TỐNG
(960 — 1280)

TÌNH TRẠNG NH0-GIÁO ĐỜI NHÀ TỐNG

Từ Đường mạt-diệp trở đi, nước Tàu bị giặc cướp đánh phá, rồi qua sang đời Ngũ-Quí sự chiến-tranh không lúc nào nghỉ, thiên-hạ loạn-lạc, việc Nho-học bỏ nát. Đến khi nhà Tống dấy lên, vua Thái-tổ thấy cái mối loạn thủa ấy thường do bọn võ tướng, không có học, mà lại có nhiều quyền-thế, mới tìm cách dùng văn thần để thay võ tướng. Đó là cái nguyên-nhân làm cho văn-học hưng thịnh lên vậy.

Vua Thái-tổ nhà Tống vừa lên làm vua, thì bắt sửa thêm những học-xá ở Quốc-tử-giám, tô lại những tượng của Tiên-thánh và thập triết, cùng vẽ những hình của thất-thập-nhị hiền và nhị-thập-nhất tiên nho ở hai bên vách. Thái-tổ tự làm bài tán Tiên-thánh và Á-thánh, và sai các văn thần chia nhau làm bài tán chư hiền. Thái-tổ thường bảo các thị thần rằng: « Trẫm muốn các võ thần đều đọc sách để biết cái đạo làm việc trị ». Bởi vậy người trong nước từ quan tư cho chí thường dân, ai cũng quí văn-học.

Vua Thái-tổ lại thấy cái học trọng khí-tiết mất hết, đức giáo thật là suy đồi, cho nên rất chú ý về sự tưởng-lệ việc trung tiết, để gây thành cái sĩ phong trong học giới.

Đời nhà Tống các vua sùng-bái Khổng-tử và Mạnh-tử rất tôn-trọng. Vua Chân-tôn (998 — 1022) đến yết miếu Khổng-tử ở Khúc-phụ và truy thụy là Chí-thánh Văn-tuyên-vương 至 聖 文 宣 王 và phong thất-thập-nhị-đệ-tử cùng nhị-thập-thất tiên-nho làm công, hầu, bá. Vua Thần-tôn (106 — 1085) phong Mạnh-tử làm Châu-quốc-vương, được cùng Nhan-tử phối tự với Khổng-tử, và lại phong Dương Hùng làm Thành-đô bá, Hàn Dụ làm Xương-lê-bá, cùng thờ ở trong miếu. Đời bấy giờ lại có người xin tôn Khổng-tử làm đế, nhưng vì có nhiều người bàn là không nên, mới thôi. Đến đời Nam-Tống, vua Độ-tôn (1265 - 1275) lại đem Tăng-tử và Tử-Tư cùng với Nhan-tử và Mạnh-tử thờ làm tứ phối.

Nho-giáo truyền đến thế-kỷ thứ 11, vào quãng đời vua Nhân-tôn (1023-1064) thì thật là thịnh. Thủa ấy có những danh nho như: Âu-dương Tu 歐 陽 修 làm bộ sử đời Ngũ-Quí phân biệt rõ kẻ gian người ngay, đem hai chữ liêm-sỉ đề xướng lên, dựng lại cái nền nho-hạnh của sĩ-phu; Hồ Viên 胡 瑗 làm chức Quốc-tử-giám trực-giảng, lấy nghĩa lý trong các Kinh mà dạy học-trò, đào tạo ra nhiều nhân tài.

Về đường học-vấn thì lúc ấy có những đại-nho như Triệu Ung, Chu Đôn-Di, Trương Tái, xướng lên cái thuyết lý học, rồi hai anh em họ Trình là Trình Hạo và Trình Di nối cái học ấy mà xác lập thành học phái. Đến đời Nam-Tống lại có Chu Hi, Lục Cửu-Uyên chia phái lý-học ra làm cái học đạo-vấn-họctôn-đức-tính. Từ đó cái tinh-thần Nho-giáo về đường hình-nhi-thượng lại phát hiện ra, làm cho Nho-học khác với đời Hán và đời Đường, và cái trình-độ triết-học của Nho-giáo cao lên, ngang với Lão học và Phật-học.

Trong khi về đường học-vấn có phái lý-học phát triển ra, thì về đường chính-trị cũng chia ra làm hai đảng: Tân-đảng và cựu-đảng. Tân-đảng có Vương An-Trạch 王 安 石 đứng đầu, cựu-đảng có Tư-mã Quang 司 馬 光 đứng đầu. Hai bên đều lấy cái chủ-nghĩa Nho-giáo mà công-kích nhau rất kịch-liệt. Tân-đảng thì muốn theo thời mà sửa đổi, vụ lấy sự phú quốc cường binh. Cựu-đảng thì nói việc trị cần phải theo chế-độ đời trước, cốt làm cho dân được an cư lạc nghiệp. Thường những danh-nho thời bấy giờ đều theo về cựu-đảng. Tân-đảng và cựu-đảng tranh nhau, lúc tiến lúc thoái, mãi đến cuối đời Nam-Tống mới thôi.

Vương An-Thạch 王 安 石 tự là Giới-phủ 介 甫, là một nhà danh-nho đời Tống, học rộng tài cao, thường có chí muốn bắt-chước cái phép của tiên-vương mà làm cho nước cường thịnh và sửa đổi phong-tục. Nhưng ông cho rằng bắt-chước phép của tiên-vương là bắt-chước cái tinh-thần mà thôi, chứ không cần phải bắt-chước cái chế-độ của tiên-vương. Vậy nên ông muốn cải-cách mọi điều, lấy sức của thiên-hạ để sinh ra của của thiên-hạ, lấy của của thiên-hạ để dùng về việc thiên-hạ. Tự xưa phép trị thiên-hạ chưa từng lấy của không đủ làm lo, chỉ lo không có cái đạo trị của mà thôi. Đó thật là cái tư-tưởng rất mới thủa ấy.

Đến khi vua Thần-tôn lên làm vua, dùng ông làm tể-tướng, ông ra sức thi-hành những tân-pháp và cải-cách sự giáo-dục, bỏ lối học huấn-hỗ và chú-sớ của Hán nho và Đường nho, cầu lấy tinh thông nghĩa-lý của thánh hiền chứ không cầu nhớ sách cho nhiều. Những tân-pháp phát hành ra, bọn Tư-mã Quang, Trình Di, Tô Thức v. v. hết sức phản-đối, cho làm như thế là trái đạo thánh hiền lưu truyền xưa nay. Bởi có sự phản-đối ấy cho nên tân-pháp không thành-hiệu. Đến khi Vương An-Thạch đổ, vua Thần-tôn mất rồi, cựu-đảng lên cầm quyền bèn phá-hoại hết cả.

Cựu-đảng lại chia ra làm ba bọn, gọi là Lạc-đảng, Thục-đảng và Sóc-đảng. Lạc-đảng thì có Trình Di đứng đầu, Thục-đảng thì có Tô Thức đứng đầu, Sóc-đảng thì có bọn Lưu An-Thế đứng đầu. Những đảng ấy công-kích nhau, đảng này thắng lợi thì cấm sự hành-động của đảng kia, thành ra việc chính-trị cứ thay đổi luôn, không có hiệu-quả gì cả.

Về đường học-thuật, thì thành ra hai phái: Vương-phái là phái theo cái học của Vương An-Thạch và Trình-phái là phái theo cái học của Trình Di. Vương-phái thì bỏ thi phú và lối học hư-văn của đời trước, nhưng lại quá thiên về đường thực dụng, mà xa mất cái đại-chỉ của Nho-giáo. Trình-phái thì nghiên-cứu cái đại-nguyên của trời đất và cái bản-thể của nhân-tính, làm sáng rõ cái di ý của thánh hiền, nhưng lại bỏ mất phần thiết-thực của Khổng-học. Hai phái ấy lúc lên lúc xuống: Vương-phái thì mạnh ở bọn học quan; Trình-phái thì mạnh ở chỗ trường-môn, thầy trò thụ thụ cho nhau và lan ra chỗ dân gian. Đến đời Nam-Tống có Chu Hi nối cái học của họ Trình mà làm cho có thế-lực rất mạnh.

Sự mở-mang và sửa đổi việc học. — Đời vua Thái-tổ nhà Tống, năm Khai-bảo thứ sáu (973) có kỳ thi tiến-sĩ, quan coi việc thi, thiên tư, lấy người không công, thành ra có nhiều người kêu. Vua Thái-tổ bèn ra ngự ở Giảng-võ-điện, cho cả những người đã trúng cử và không trúng cử vào thi lại. Lần ấy lấy tiến-sĩ và các khoa được 127 người cập-đệ. Thi xong vua ban yến và ban cho tiền 20.000. Lệ điện-thí khởi đầu từ đó.

Đến đời vua Thái-tôn (976-997) lập Sùng-văn-viện, chứa hơn 80.000 quyển sách và lại sai quan in sách Sử-ký và các sách đời Hán. Những sách vở từ đó in ra rất nhiều.

Đời vua Nhân-tôn, năm Khánh-lịch thứ ba (1043) lập nhà Tứ-môn-học cho con kẻ sĩ và con người thường dân vào học, và lại mở rộng nhà Thái-học, nnôi sinh-viên đến 200 người. Vua Nhân-tôn lại xuống chiếu đặt nhà học nhà hiệu ở các châu huyện. Lúc ấy sự văn-giáo rất thịnh, không kém gì đời nhà Đường. Song sự học vẫn theo lối khoa cử như những đời trước. Bấy giờ quan Tể-tướng là Phạm Trọng-Yêm 范 仲 淹 thấy lối học ấy có nhiều điều tệ, bèn đổi lại cách thi cử, bắt phải trước thi luận sách, rồi sau thi thi phú, để khiến kẻ sĩ lưu tâm ở sự trị loạn, và bỏ lối thiếp mặc mà hỏi đại nghĩa các Kinh, để những kẻ học Kinh không chuyên ở sự ký tụng. Song nhân tình không ưa sự cải-cách, việc ấy đến khi Pham Trọng-Yêm thôi làm Tể-tướng, lại trở lại như cũ.

Đời vua Thần-tôn, Vương An-Thạch làm Tể-tướng, thi hành tân-pháp, đổi lại việc giáo-dục và cách tuyển-cử. Ông thường nói rằng: « Kẻ sĩ đương lúc trẻ mạnh nên giảng cái chính lý của thiên-hạ. Nay đóng cửa, học làm thi phú, kịp đến khi ra làm quan, việc đời không quen gì cả. Ấy là khoa pháp làm bại-hoại nhân tài vậy ». Ông bèn bỏ lối thi phú và lối thiếp mặc, chuyên lấy kinh nghĩa và văn sách để thi kẻ sĩ.

Vương An-Thạch lại muốn bỏ hẳn lối khoa cử mà lấy những kẻ sĩ ở nhà học ra làm quan, bèn mở rộng nhà Thái-học lập ra tam xá pháp 三 舍 法, nghĩa là chia học-xá ra làm ba hạng, gọi là ngoại xá, nội xá và thượng xá. Học-trò mới vào học thì ở ngoại-xá. Học một năm rồi, ai đỗ thì vào học ở nội-xá. Học ở nội xá một năm rồi thì lên thượng-xá. Sau lại đặt ra học lịnh, định những học-sinh ở thượng xá chia ra làm ba bậc. Ai thi đỗ bậc thượng đẳng, thì được miễn điện-thí, ai thi đỗ bậc trung đẳng thì được miễn Lễ-bộ thí, ai thi đỗ bậc hạ đẳng thì được miễn giải thí.

Vương An-Thạch lại cùng với con là Vương Tử-Phương và Lữ Huệ Khanh thích nghĩa kinh Thi, kinh Thư và kinh Chu-Lễ, gọi là Tam kinh tân nghĩa 三 經 新 義, bắt các quan coi việc thi cứ phải theo mà hỏi học-trò. Còn những lối huấn-hỗ, chú-sớ, của tiên nho thì bỏ hết. Sau Vương An-Thạch làm bộ Tự thuyết 字 說, nói cả Phật-học và Lão-học, để lấy mà dạy học-trò. Đến khi Vương An-Thạch bãi chức, cựu-đảng lên lại bỏ cả. Lối khoa-cử tuy về sau có châm-chước cả tân và cựu, chia thi phú và kinh nghĩa ra làm hai khoa, nhưng rút cục lại vẫn không bỏ được, và nho-học vẫn không ra được cái vòng từ phú.

Song đó là chỉ nói cái thể-lệ và cách tổ-chức về việc học, chứ về đường học-vấn, thì từ đời vua Nhân-tôn trở đi, phái lý-học rất thịnh ở chỗ thôn-dã, rồi đến cuối nhà Nam-tống, vua Lý-tôn (1225 - 1266) rất tôn sùng cái học của phái ấy mới biểu-chương họ Trình và họ Chu, đem Chu Liêm-khê, Trương Hoành-cừ, Trình Minh-đạo, Trình Y-xuyên và Chu Hối-am vào tòng tự ở Khổng-miếu, lấy những sách của Chu Hối-am liệt ra ở học-quán. Từ đó phái lý-học mới thành thế-lực, trong triều ngoài dã đâu đâu cũng tôn sùng. Lúc ấy nhà Tống đã sắp mất, nhưng nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh đều theo nhà Nam-Tống lấy phái lý-học làm chính tông của Nho-giáo vậy.

Danh nho đời Tống. — So với các đời, thì danh nho đời Tống nhiều hơn cả. Về đường chính-trị thì có Phạm Trọng-Yêm 范 仲 淹 và Vương An-Thạch 王 安 石, về đường học-vấn thì có Hồ Viên 胡 瑗, Thiệu Ung 邵 雍, Chu Đôn-Di 周 敦 頤, Trương Tái 張 載, Trình Hạo 程 顥, Trình Di 程 頤, Chu Hi 朱 熹, Lục Cửu-Uyên 陸 九 淵, Trương Thức 張 拭, Lữ Tổ-Khiêm 呂 祖 謙. Về đường văn-chương, thì có Âu-dương Tu 歐 陽 修, Tư-mã Quang 司 馬 光, Tăng Củng 曾 鞏, Tô Tuân 蘇 洵, Tô Thức 蘇 軾, Tô Triệt 蘇 轍. Đó là kể những người có danh lớn đời bấy giờ. Còn những người như Mai Nghiêu-Thần 梅 堯 臣, Hoàng Đình-Kiên 黃 庭 堅, Trần Đạo-Sư 陳 道 師 v. v. cũng khá nhiều vậy.