THIÊN IV

NHO-GIÁO ĐỜI TÙY VÀ ĐỜI ĐƯỜNG
(581-619) — (620-906)

I — TÌNH-TRẠNG NHO-GIÁO
ĐỜI TÙY VÀ ĐỜI ĐƯỜNG

Cuối đời Nam-Bắc-triều có Dương Kiên nối nhà Bắc-Chu lên làm vua lập ra nhà Tùy, rồi cách tám năm sau, đánh lấy nhà Trần, nhất thống cả nước Tàu. Nhà Tùy làm vua được có hai đời, độ non ba mươi năm thì mất. Vì vua thứ hai nhà Tùy là Đạng-đế tàn-bạo quá độ, cho nên thiên-hạ lại loạn. Nhà Đường nhân cơ-hội ấy mà nổi lên dẹp loạn, lập ra một nhà rất cường-thịnh trong lịch-sử nước Tàu.

Nhà Tùy và nhà Đường khởi lên ở phương bắc. Tính người phương ấy trầm-trọng, ưa sự thiết-thực, không chuộng những điều phù-đản, cho nên khi trong nước đã yên-trị, sự học sửa đổi lại, chủ lấy kinh sử làm cốt, mà bỏ cái học thanh-đàm đời Tam-Quốc, Lục-Triều.

Đời nhà Đường sự học rất thịnh. Trong nước có Nho-học, Phật-học, Lão-học, và các tôn-giáo ở phương tây truyền sang. Nho-học rất thịnh về mặt văn-chương và khoa-cử, mà Phật-học thì rất thịnh về mặt tư-tưởng. Còn Lão-học thì chỉ thịnh về mặt đan-đỉnh và phù-lục, tức là về mặt tu-luyện và phù-phép, chứ cái học huyền-lý thì rất kém. Các tôn-giáo ở phương tây như Yêu-giáo (Maz-déisme)[1] ở Ba-tư (Perse), Cảnh-giáo (Nes-torianisme) là một phái của Cơ-đốc-giáo ở Tiểu-Á-tế-á, và Thiên-vương-giáo (Mahomé-tisme) ở A-lạp-bá (Arabie), lúc ấy đều truyền sang nước Tàu.

Song cái học quan-hệ đến quốc-gia và xã-hội mật-thiết hơn cả là Nho-giáo, cho nên nhà vua phải hết sức tưởng-lệ để cầu lấy nhân-tài ra dùng ở đời. Chỉ hiềm cái học-trong đời nhà Đường quá thiên về mặt khoa-cử, chỉ trọng ở lối chú-sớ 註 疏, nghĩa là theo những lời giải-thích của các nho-giả đời Hán và đời Tam-Quốc, Lục-Triều, thành ra các học-giả vụ lấy ký tụng được nhiều, chứ không cần lấy suy-xét nghĩa-lý cho lắm. Vậy nên về đường nghĩa-lý, Nho-giáo thủa ấy không những đối với cái học cao như Phật-học, thì đã là kém xa, mà so với Nho-học đời Hán cũng có phần thua kém.

Cái học chú-sớ đời Đường là cốt theo cái học huấn-hỗ đời Hán, cho nên vua nhà Đường rất chú-ý về kinh-học. Nhà Đường chia các kinh ra làm ba hạng. Đại kinh là: Lễ-ký, Xuân-thu Tả-truyện; trung kinh là: Thi, Chu-lễ, Nghi-lễ; tiểu kinh là: Thư, Dịch, Công-Dương-truyện và Cốc-Lương-truyện.

Trước kia đất Giang-nam học các kinh theo cái thuyết của Vương Túc đời Tào-Ngụy, và Đỗ Dự đời Tấn; đất Giang-bắc học theo cái thuyết của Trịnh Huyền đời Đông-Hán. Đến đời nhà Đường vua Thái-tôn muốn hỗn-hợp cái học của Nam Bắc mà định ra cái chính nghĩa, để làm tiêu-chuẩn cho học-giả, bèn sai Khổng Dĩnh-Dạt 孔 穎 達 cùng với chư nho chiết-trung cả hai cái thuyết của nam-phái và bắc-phái mà làm Ngũ-kinh chính nghĩa.

Đại khái kinh Dịch thì theo lời chú-thích của Vương Bật, kinh Thư thì theo lời chú-thích của Khổng An-Quốc, kinh Thi thì theo Mao Trành truyện, kinh Lễ thì theo lời chú-thích của Trịnh Huyền, kinh Xuân-thu thì theo lời chú-thích của Đỗ Dự, sách Luận-ngữ thì theo lời chú-thích của Hà Yến v. v. Các kẻ sĩ đều phải học theo cái nghĩa đã định ở trong những sách ấy, chứ không được học theo lời chú-thích của người khác. Sự học bó-buộc như thế, cho nên thành ra không tiến-hóa được. Đời bấy giờ tuy cũng có một vài người không theo cái học ấy, như Lý Đỉnh-Tộ 李 鼎 祚 làm sách Chu-Dịch tập-giải 周 易 集 解, Lục Thuần 陸 淳 làm sách Xuân-thu tập-truyện 春 秋 集 傳, song người đời không ai theo. Bởi vậy Nho-giáo đời nhà Đường thì thật thịnh mà cái tinh-thần của Nho-học thì rất suy.

Sự mở-mang Nho-học.— Nhà Tùy lúc đầu mới định xong thiên-hạ, liền mở nhà Thái-học, Quốc-tử-học, Tứ-môn-học ở kinh-sư, và mở nhà học nhà hiệu ở các châu-quận. Sau thấy học-sinh rất nhiều, mà sự học không tinh, bèn bỏ hết các nhà học, chỉ đặt chức Thái-học bác-sĩ hai người và đệ-tử 72 người mà thôi. Đến khi vua Đạng-đế lên ngôi, lại mở ra các nhà học như trước. Được mấy năm nước Tàu loạn, việc học lại bỏ cả.

Nhà Đường theo lối nhà Tùy đặt ra Quốc-tử-giám để coi việc học-chính, có quan Quốc-tử tế-tửu làm đầu và quan tư-nghiệp làm phó, quản-lĩnh tất cả sáu học-quán.

Sáu học-quán là: Quốc-tử học-quán có 300 học-sinh là con các quan văn võ từ tam phẩm trở lên. Thái-học-quán có 500 học-sinh là con các quan tứ ngũ phẩm. Tứ-môn học-quán, 1300 học sinh là con các quan lục thất phẩm và những người tuấn-tú trong thường-dân. Luật-học-quán có học-sinh 50 người, Thư-học-quán có học-sinh 30 người, Toán-học-quán có học-sinh 30 người, là con các quan từ bát phẩm trở xuống và những người thường dân. Mỗi học-quán có quan bác-sĩ và trợ-giáo để coi việc dạy học.

Ngoài những học quán ấy, lại có Hoằng-văn-quán và Sùng-văn-quán để con những hoàng-thân ngoại-thích và con những người quí cận đến học.

Vua Thái-tôn nhà Đường lại mở Hoằng-văn-điện chứa hơn 20.000 quyển sách chia làm bốn bộ: kinh, sử, tử, tập. Chọn những kẻ sĩ văn-học vào làm học-sĩ để bàn luận những việc học. Thái-tôn lại mở thêm học xá đến 1200 gian, học-sinh ở kinh-đô có đến 3.200 người. Thủa ấy những nước ở lân-cận như Cao-ly, Thổ-phồn (Tây-Tạng) v. v. cho người đến học rất đông.

Xưa kia các nhà làm vua vẫn sùng-bái Khổng-tử, nhưng không tôn-danh hiệu gì cả. Đến năm Trinh-quán thứ 11 (637), vua Thái-tôn mới tôn Khổng-tử làm Tiên-thánh và Nhan Hồi làm Tiên-sư cùng thờ với Chu-công ở nhà Thái-học. Năm Khai-nguyên thứ 27 (739), vua Huyền-tôn có chiếu truy thụy Khổng-tử là Văn-tuyên-vương 文 宣 王 để theo vương lễ mà thờ.

Trong tờ chiếu ấy nói rằng: « Mở rộng vương-hóa cốt ở Nho-thuật, phát minh đạo ấy để lưu-truyền về sau và có vẻ thiêng-liêng rực-rỡ, từ lúc có Phu-tử đến nay chưa ai bằng vậy. Thế mới thực là tự trời sinh ra Ngài là thánh, mà chỉ có thánh mới biết nhiều, đức sánh trời đất, mình mở mặt-trời mặt-trăng, cho nên dựng gốc lớn của thiên-hạ, nên kinh lớn của thiên-hạ, làm cho đẹp việc chính việc giáo, sửa đổi phong-tục, vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, đến đời nay còn nhớ Ngài, há chẳng tốt lắm ru! Than ôi! Sở-vương không phong, Lỗ-công không dùng, để bậc đại-thánh như Ngài ngang hàng với bọn bồi-thần, làm người lữ-khách đi chu-du liệt-quốc, vốn đã đành vậy. Song niên tự càng xa, quang linh càng rõ, dầu các đời có khen-ngợi, nhưng chưa được tôn-sùng, danh không phó mới thực, sao nên! Phu-tử đã xưng là Tiên-thánh, nay khả truy-tặng là Văn-tuyên-vương ».

Nhân lúc ấy lại phong cả cho thập triết là môn-đệ Ngài.

Nho-học trong đời nhà Đường rất thịnh, nhưng quá thiên về đường khoa-cử, cho nên chỉ có cái học văn-từ, mà không có cái học nghĩa-lý vậy.

Cách tuyển-cử. — Về đường tuyển-cử, thì nhà Tùy thấy cái lối dùng chức trung-chính và lấy người chia ra làm chín phẩm có nhiều điều tệ, bèn bỏ cách tuyển-cử ấy, mà đặt ra khoa-cử lấy thi phú mà chọn người.

Nhà Đường theo lối nhà Tùy mà định lại phép khoa-cử, đại lược như sau này:

Những người do các học quán ở kinh-sư và do nhà học, nhà hiệu, ở châu huyện cử ra, gọi là sinh-đồ 生 徒; những người không học ở nhà học nhà hiệu mà do thi ở châu huyện cử ra gọi là cống-cử 貢 舉. Những sinh-đồ và cống-cử đều phải vào kinh-đô thì ở Thượng-thư tỉnh.

Những khoa thi ở Thượng-thư tỉnh thì có: khoa tú-tài, phải thi 5 đạo văn-sách, nói về các phương-lược; khoa minh-kinh phải thi 10 đạo kinh thiếp (lấy một đoạn sách, viết đoạn đầu và đoạn cuối, bỏ đoạn giữa để thí-sinh viết vào) và 10 đạo kinh sách; khoa tiến-sĩ, phải thi 5 đạo văn-sách nói về thời-vụ, như những việc hóa tục giáo dân v. v., và hai thiên tạp văn. Những khoa ấy chia ra thượng thượng, thượng trung, thượng hạ, trung thượng. Từ hạng thượng trung trở lên cho là cập-đệ. Lại có khoa minh-pháp (thi luật pháp), khoa minh-tự (thi chữ viết), khoa minh-toán (thi toán số) thì thi vấn đáp trước rồi mới thi viết.

Ngoài những khoa ấy là thường khoa, lại có bất thường khoa, là khoa chế-cử của vua định để chọn lấy những người có tài đặc-biệt. Khi có khoa chế-cử thì vua ra đầu bài. Thi xong đệ bài ra cho các quan chấm. Ai đỗ cao thì được bổ ngay làm quan to.

Từ năm Khai-nguyên (713-741) đời vua Huyền-tôn về sau, văn-nghệ rất thịnh. Mỗi khoa thi có đến hai ba nghìn người, mà số trúng cử thì 20 người được một người. Khoa chế-cử thì 100 người được một người. Thủa ấy chỉ có khoa tiến-sĩ, và khoa minh-kinh là thịnh hơn cả. Song khoa tiến-sĩ, thì thí-sinh chỉ học thanh vận, và bỏ kinh sử, khoa minh-kinh thì chỉ vụ làm thiếp-tụng, chứ không cần nghĩa lý. Bởi vậy vua Huyền-tôn bắt những người thi tiến-sĩ, ngoài những bài văn sách, phải làm 10 bài kinh-thiếp; những người thi minh-kinh, ngoài những bài kinh-thiếp, phải làm mỗi kinh là 10 bài đại-nghĩa.

Phép khoa-cử truyền về đời sau là gốc tự nhà Đường Học-thuật đời nhà Đường lấy khoa-cử làm đại-biểu, mà khoa-cử thì chỉ lấy văn-từ làm đại-biểu, chứ không có gì là thực-học. Bởi khoa-cử và văn-từ mà thành ra cái tục trọng khí-tiết đời Hán mất hết cả, mà hai chữ liêm sỉ lúc ấy cũng không có nữa.

Xem cái học nghĩa-lý đời nhà Hán đã là kém, nhưng còn có cái học trọng khí-tiết gây thành cái phong-tục rất tốt. Đến đời nhà Đường thì cái học nghĩa lý lại kém hơn nữa, mà cái học trọng khí-tiết cũng không có. Kết-quả đến đó, thật là cái phần cao-siêu của Nho-giáo ngõ hầu gần hết vậy.

II. — DANH-NHO ĐỜI TÙY VÀ ĐỜI ĐƯỜNG

Nhà Tùy nối nghiệp Nam-Bắc-triều, thống-nhất thiên-hạ, làm vua được hơn vài mươi năm, cho nên việc văn-học không mở-mang được mấy, và những danh-nho cũng không có mấy người. Xem như khi vua Đạng-đế nhà Tùy mới lên ngôi, trưng-triệu những người nho-học đến Đông-đô (Lạc-dương) để giảng-luận việc học, thì chỉ có Lưu Xước 劉 焯 và Lưu Huyền 劉 炫 là hơn cả. Tuy nhiên thủa ấy có Vương Thông 王 通 là kẻ ẩn-nho, ở nhà dạy học, đem cái tư-tưởng Bắc-phương, lấy nghĩa lý trong các Kinh Truyện, mà vãn hồi cái thực-học của Nho-giáo lại được ít nhiều.

Đến đời nhà Đường thì ngay lúc đầu, vua Thái-tôn chăm lo chấn-hưng việc học, nhưng vì nhà Đường lại thiên trọng về khoa-cử, thành thử cái học từ-hoa thì rất thịnh, mà cái học đạo lý thì vẫn suy. Bởi cái học từ-hoa ấy, cho nên vào khoảng trung-diệp nhà Đường, về đời vua Huyền-tôn, những văn-sĩ như Lý Bạch 李 白, Đỗ Phủ 杜 甫, Vương Duy 王 維 v. v. đều là người có tài quán-thế về đường thi văn. Đến sau lại có Hàn Dũ 韓 愈 và Liễu Tôn-Nguyên 柳 宗 元 đều muốn phát minh cái học của Khổng Mạnh, nhưng vẫn không thoát khỏi lối học từ-chương.

Nói rút lại, trong đời nhà Tùy và nhà Đường, chỉ có Vương Thông va Hàn Dũ là người chân-chính nho-học mà thôi.

  1. Người Tàu dịch chữ Ormazd là Yêu-nhĩ-ma, tên một vị dương-thần đứng đầu trong đạo ấy, cho nên gọi tắt là Yêu-giáo.