III — VƯƠNG SUNG

Vương Sung, 王 充, tự là Trọng-nhâm 仲 任, người đất Thượng-ngu, ở quận Cối-kê, sinh vào năm Kiến-võ thứ ba (27 sau Tây-lịch) đời vua Quang-vũ, mất vào quãng năm Vĩnh-nguyên thứ chín (97) đời vua Hòa-đế nhà Đông-Hán, thọ được 70 tuổi. Ông thủa nhỏ học rất thông-minh, sau lớn lên theo học Ban Bưu. Ông nhà nghèo thường đi đến hàng bán sách ở đất kinh-đô Lạc-dương xem hết các sách vở, hiểu rõ các học thuyết.

Tính ông điềm-đạm không tham phú-quí, làm chức duyện-công-tào, tức là làm lại, không gặp người cất nhắc cho, cứ giữ chức ti-hạ đến lúc già, mà không hề có xu-nịnh ai để cầu lợi lộc. Ông thường ngồi chỗ vắng-vẻ, khảo-luận sự thực hư rồi làm ra sách Luận-hành 論 衡 tất cả là 30 quyển, chia ra làm 85 thiên, và sách Luận-tính 論 性 có 16 thiên. Hiện nay chỉ còn có sách Luận-hành truyền ở đời.

Trước khi bàn đến cái học của Vương Sung, ta nên nhắc lại rằng cái học đời Hán rất chú-trọng về những điều tai-dị và sấm-vĩ. Nhất là từ đời Đông-Hán trở đi, tự vua quan cho chí người thường dân, hễ ai có điều gì là cũng lấy sấm-vĩ mà quyết đoán. Trong bọn học-giả tuy có những người như Hoàn Đàm 桓 譚 thường lấy những điều ấy mà can vua Quang-vũ, cho là không phải cái học của thánh-hiền, nhưng nhà vua lại cho là phỉ-báng thánh hiền, không những là không nghe lời can của Hoàn Đàm, mà lại còn bắt tội. Thế tục mê-tín như vậy, cho nên học-thuật hay có nhiều sự sai lầm.

Lối học thời bấy giờ lại chủ ở lối huấn-hỗ hay sùng cổ, việc gì mà thánh hiền đã nói là không ai dám bài-bác nữa. Vương Sung không học theo lối ấy, cứ tự mình lấy nghĩa lý mà suy nghĩ ra, rồi hết sức công-kích những sự mê-hoặc của người đời. Theo như trong sách Luận-hành thì đại khái cái học của ông tuy kém phần uyên-thâm và sự tư-tưởng lại không được đúng cái tôn-chỉ của Nho-giáo cho lắm, song cách nghị-luận có phần sáng rõ, có thể ví như những nhà duy-vật-học ngày nay vậy.

Trời đất. — Vương Sung cho trời đất là vô vi, cứ tự-nhiên sinh hóa ở trong vũ-trụ, chứ không có ý-chí gì cả. Ông nói rằng: « Trời động-hành là thi cái khí ra. Cái thể động thì cái khí ra và các vật sinh. Như người động cái khí[1] vậy: thể động thì khí ra, và con sinh. Lúc người thi cái khí ra, là không phải để sinh con, nhưng khí đã thi ra thì con tự sinh vậy. Trời động không muốn để sinh vật, mà vật tự sinh, ấy là tự-nhiên. Thi cái khí ra, không muốn làm các vật, mà các vật tự làm, ấy là vô-vi. Bảo trời tự-nhiên và vô-vi là sao? Là khí vậy. Khí là điềm-đạm, vô-dục, vô-vi, vô-sự vậy » (Tự-nhiên, XVIII).

Trời đã vô-sự, vô-vi, thì tất là không có ý-chí. Tại sao mà biết? Vương Sung lấy người làm tỉ-lệ: « Người ta có ý-chí là vì có miệng có mắt. Miệng muốn ăn, mắt muốn trông. Có cái thị-dục ở trong, phát ra ở ngoài, lấy miệng mắt mà cầu những điều mình muốn, và làm những việc làm thuộc về lợi-dục. Trời không có miệng có mắt, đối với các vật không có mong muốn, thì còn làm làm gì? Tại sao biết Trời không có miệng có mắt? Lấy đất mà xem thì biết. Cái hình-thể của đất vốn không có miệng có mắt, thì biết Trời không có miệng có mắt. Nếu nói Trời có hình-thể, thì chắc cũng giống như hình-thể của đất; nếu nói Trời là khí, thì khí cũng như mây như khói, sao lại có miệng có mắt được. Không có miệng có mắt là không có ý-chí ». Đó là cái đại ý của Vương Sung nói ở đầu thiên Tự-nhiên.

Vương Sung theo cái tư-tưởng duy-vật, cho nên không nhận có sự thiên nhân tương dữ. Ông nói rằng: « Trời cao đến mấy vạn dặm, giả sử người vểnh tai lên trời, nghe tiếng nói cách hàng mấy vạn dặm, thì nghe sao được. Một người ngồi trên lầu cao, trông đàn kiến ở dưới đất không thấy, còn nghe thế nào được tiếng đàn kiến. Tại sao? Tại cái hình thể con kiến nhỏ, mà hình-thể người ta lớn, cho nên không đạt được thanh âm khổng khí vậy. Nay Trời cao không thể lấy lâu đài so-sánh được. Cái hình-thể người ta ví với Trời cũng không phải như con kiến ví với người. Nói rằng Trời nghe người nói, rồi tùy điều thiện điều ác mà làm việc cát hay việc hung là lầm vậy... Huống chi Trời và người khác thể nhau, tiếng nói cũng khác nhau. Người không hiểu được việc Trời làm, Trời cũng không biết được việc người làm. Phỏng sử Trời là thể, tai cao không nghe được lời nói của người; phỏng sử Trời là khí, thì khí như mây như khói, nghe thế nào được lời nói của người? Những nhà nói tai-dị nói rằng: Người ta ở trong khoảng trời đất, như cá ở trong nước; người có thể làm động được trời đất, như cá vùng-vẫy có thể rung động được nước vậy. Cá vùng-vẫy mà nước động và khí biến, ấy là không phải sự thực. Giả sử có thật nữa, sự động ấy cũng không thể đến Trời được. Con cá dài độ một thước, vùng-vẫy trong nước chỉ làm rung động được vài thước ở chung quanh mà thôi, còn độ ngoài một dặm thì vẫn im lặng như không. Người ta hành-động cũng như con cá vùng-vẫy dưới nước, chứ không khác, tức là không cảm-động đến Trời được » (Biến-hư, IV). Vậy những nhà nói tai-dị, cho là khi nhân-quân thất chính, thì Trời giáng tai-dị để khiển-cáo cho biết, là nói càn. « Phù thiên đạo tự-nhiên giã, vô vi. Như khiển-cáo nhân, thị hữu vi, phi tự-nhiên giã 夫 天 道 自 然 也,無 爲.如 譴 告 人,是 有 爲,非 自 然 也: Đạo Trời tự-nhiên vô vi. Nếu lại khiển-cáo người ta, ấy là hữu vi, không phải tự-nhiên vậy » (Khiển-cáo, XIV). Vương Sung cho những nhà học Lão-giáo, bàn thiên đạo nói Trời cứ tự-nhiên, không can-thiệp đến việc người, là đúng sự thực hơn.

Quỉ thần. — Đối với cái quan-niệm quỉ thần, Vương Sung cũng lấy cái lý duy-vật mà bàn. Ông nói rằng: Người đời bảo người chết làm quỉ, có ý-thức và có thể hại được người. Lấy vật loại mà thí-nghiệm, thì người chết không làm quỉ, không có ý-thức và không hại được người. Vì người là vật, mà vật là vật. Vật chết không làm quỉ, sao chỉ có người chết lại làm quỉ?... Người ta sở dĩ sinh ra là ở cái tinh khí, chết thì cái tinh khí mất. Cái tinh khí có là ở huyết mạch. Người chết thì huyết mạch hết, hết thì tinh khí mất, mất thì hình thể hẩm nát, hẩm nát thì thành tro, thành đất, sao còn làm quỉ được. Người không có tai mắt, thì không biết, cho nên người mù người điếc, ví như thảo mộc vậy. Khi cái tinh khí đã xa cách người đi rồi, thì há lại chỉ giống hạng người không có tai có mắt mà thôi hay sao? » (Luận-tử, XX).

Có người nói trông thấy quỉ. Vương-Sung lấy cái nghĩa khoa-học mà đáp lại rằng: «Quỉ không phải là cái tinh-thần của người chết, đó là bởi sự nghĩ tưởng mà thành ra. tại. sao? Tại có tật bệnh. Người có bệnh thì lo sợ, lo sợ thì thấy quỉ, vì lo sợ thì tưởng đến, tưởng đến thì không có mà mắt trông thấy. Thí-dụ Bá-Nhạc học xem tướng ngựa, trông cái gì cũng là ngựa cả; Bào-Đinh nước Tống học mổ trâu, ba năm không trông thấy con trâu sống, trông con trâu nào cũng là con trâu chết. Đó là bởi dùng cái tinh-thần đến rất mực vậy. Hễ tưởng nghĩ đến là tự trông thấy vật lạ vậy ». Ông nói câu này thì thật đúng: « Phù tư niệm tồn tưởng, hoặc tiết ư mục, hoặc tiết ư khẩu. hoặc tiết ư nhĩ. Tiết ư mục, mục kiến kỳ hình; tiết ư nhĩ, nhĩ văn kỳ thanh; tiết ư khẩu, khẩu ngôn kỳ sự 夫 思 念 存 想,或 泄 於 目,或 泄 於 口,或 泄 於 耳.泄 於 目,目 見 其 形;泄 於 耳,耳 聞 其 聲,泄 於 口,口 言 其 事: Hễ nghĩ tưởng đến thì hoặc bày ra ở mắt, hoặc bày ra ở miệng, hoặc bày ra ở tai. Bày ra ở mắt, thì mắt trông thấy hình; bày ra ở tai, thì tai nghe thấy tiếng; bày ra ở miệng, thì miệng nói ra việc » (Đính-quỉ, XXII).

Đó là Vương Sung chỉ bác cái thuyết nói quỉ là người chết hóa ra, chứ ông vẫn nhận là có quỉ thần và yêu quái. Ông cho quỉ thần và yêu quái là bởi cái khí thái-dương mà ra. « Thế-gian bảo có yêu quái và quỉ thần, là đều bởi cái khí thái-dương làm ra vậy. Trời có thể sinh được cái thể của người, cho nên có thể tượng được cái hình của người. Người ta sở dĩ sống là có cái khí âm khí dương. Khí âm sinh ra làm cốt nhục, khí dương sinh ra làm tinh-thần. Người ta sống là có đủ khí âm khí dương, cho nên cốt nhục bền, tinh khí thịnh. Tinh khí là cái khôn biết, cốt nhục là sức khỏe, cho nên tinh-thần thì ngôn đàm, cốt nhục thì cố thủ. Cốt nhục tinh-thần hợp lại giữ lẫn nhau, cho nên có thể trông thấy rõ mà không mất. Cái khí thái-dương thịnh, mà không có khí âm, cho nên chỉ có thể làm ra thành tượng mà không có thể làm ra thành hình. Không có cốt nhục mà có tinh khí, cho nên trông thấy thoáng một lúc rồi lại biến mất đi » (Đính-quỉ, XXII). Đại để là ông cho quỉ thần là tên gọi âm dương mà thôi, chứ không có thể cảm ứng với người và không có thể làm điều phúc hay điều họa cho người được.

Sự sinh-hóa và vận-mệnh.— Đối với sự sinh-hóa trong vũ-trụ, thì Vương Sung cho là: « Thiên-địa hợp khí, vạn vật tự sinh, do phu phụ hợp khí, tử tự sinh hỹ 天 地 合 氣 萬 物 自 生,猶 夫 婦 合 氣,子 自 生 矣: Trời đất hợp khí, vạn vật tự sinh ra, như vợ chồng hợp khí, con tự sinh ra vậy » (Tự-nhiên, XVIII). Vạn vật bẩm-thụ cái nguyên-khí của trời đất mà sinh ra, cũng như con cá ở dưới nước, con côn-trùng ở trên mặt đất, đều tự-nhiên cả, chứ không phải tại có ý-chí của trời đất định sinh người hay sinh vạn vật.

Các vật sinh ra đều có cái hình tương đương để duy-trì cái khí của mình đã chịu. Cái hình lúc mới thành, đã định trước có cái vận-mệnh và cái tính-chất đặc-biệt. Cái khí, cái thể, cùng với cái hình-hài bao-bọc lẫn nhau, cho nên sự sống chết, thọ yểu, đều có kỳ tiết cả. Vương Sung nói rằng: « Cùng chịu cái nguyên-khí, thế mà hoặc làm người, hoặc làm cầm thú. Cùng làm người mà có người sang, người hèn; có người giàu, người nghèo. Giàu đến vạn ức, nghèo đến không có mà ăn; sang được phong hầu, hèn phải làm nô-bộc. Đó không phải là Trời có riêng tây gì, chỉ vì người ta chịu cái tính của Trời hậu hay bạc. Vậy nên cùng làm điều đạo-đức mà việc họa phúc không đều, cùng làm điều nhân nghĩa mà sự lợi hại không đồng » (Hạnh-ngẫu, II). Sự không đều và không đồng ấy do ở cái mệnh đã định, người có mệnh tốt, thì đi gặp bước tốt; người có mệnh xấu, thì đi gặp bước xấu. Cho nên ông nói ở thiên Mệnh-lộc, I, rằng: « Mệnh quí tòng tiện địa, tự đạt; mệnh tiện tòng phú vị, tự nguy 命 貴 從 賤 地,自 達;命 賤 從 富 位,自 危: Cái mệnh quí thì ở cho hèn rồi tự đạt; mệnh hèn thì ở ngôi giàu rồi tự nguy. » Ông lại nói: « Người có mệnh quí, thì cùng học với người ta, mà chỉ một mình mình đạt; cùng làm quan với người ta, mà chỉ một mình mình được thăng. Người có mệnh giàu, thì cùng tìm mà chỉ có một mình mình được; cùng làm mà chỉ có một mình mình nên. Mệnh nghèo khó thì trái thế; khó đạt, khó thăng, khó nên... Cho nên tài cao hạnh hậu vị tất đã giữ được phú quý; trí quả đức bạc vị tất đã phải bần tiện... Mệnh nghèo mà có dùng sức làm nên giàu, đến khi giàu là chết; mệnh hèn mà có lấy tài năng làm nên sang, đến khi sang là phải thôi.

Vương Sung cho sự họa phúc và quí tiện của người ta là bởi cái mệnh nó khiến ra, cho nên mới có sự tao-phùng hội-ngộ. Ông nói rằng: Phàm nhân ngộ ngẫu cập tao lụy hại, giai do mệnh giã. Hữu tử sinh thọ yểu chi mệnh, diệc hữu quí tiện bần phú chi mệnh 凡 人 遇 偶 及 遭 累 害,皆 由 命 也.有 死 生 壽 夭 之 命,亦 有 貴 賤 貧 富 之 命: Phàm người ta gặp gỡ và bị những điều lụy hại đều do mệnh vậy. Có cái mệnh sống chết thọ yểu, cũng có cái mệnh sang hèn nghèo giàu » (Mạnh-lộc, I). Vậy không nên lấy sự hiển đạt mà cho là tài giỏi và lấy sự bần cùng mà cho là ngu dại. « Tiến tại ngộ, thoái tại bất ngộ. Xử tôn cư hiển, vị tất hiền, ngộ giã; vị ti tại hạ, vị tất ngu, bất ngộ giã 進 在 遇,退 在 不 遇.處 尊 居 顯,未 必 賢,遇 也;位 卑 在 下,未 必 愚.不 遇 也: Tiến lên là ở sự gặp, lui xuống là ở sự không gặp. Ngồi chỗ tôn, ở chỗ hiển, vị tất là hiền, bởi sự gặp vậy; ngôi thấp chức nhỏ, vị tất là ngu, bởi sự không gặp vậy » (Phùng-ngộ, I).

Những điều ấy, các nho-giả vẫn tin như thế cả, nhưng không ai nói ra một cách rõ-ràng như Vương Sung. Có lẽ là vì ông đã lịch-duyệt lắm, cho nên lời ông nói về những điều ấy rất thiết-tha và rất tường-tận vậy.

Cốt-tướng. — Vương Sung cho là cái mệnh của người ta bẩm ở trời đất là hiển-hiện ra thân-thể, vậy xem cốt-tướng thì biết được cái mệnh, như là xét cái đấu, cái hộc thì biết được cái dung-lượng. Ông lấy tướng các đế vương và những người danh-nhân đời trước làm hiệu-nghiệm. Đại để như Phạm Lãi xem tướng Câu Tiễn nước Việt: cổ dài, mồm quạ, biết rằng người ấy khả cùng hoạn-nạn, không khả cùng vinh-lạc; Uất Liêu xem tướng Tần Thủy-hoàng, sống mũi to, mắt dài, vai chim ưng, tiếng con sài-cẩu, biết là tính người tàn-ác, ít ân nghĩa v. v... Những điều ấy ông nói rất rõ ở thiên Cốt-tướng, III.

Tính. — Vương Sung xét những thuyết bàn về tính của các tiên nho, từ Mạnh-tử, Tuân-tử cho đến các nho-giả đời Hán, và ông cho là chưa ai bàn hết cái lý của tính. Ông nói rằng: « Mạnh-tử bảo tính thiện là nói tính của hạng trung nhân dĩ thượng; Tuân-tử bảo tính ác, là nói tính của hạng trung-nhân dĩ hạ; Dương Hùng bảo tính hỗn-hợp cả thiện và ác, là nói tính của hạng trung-nhân » (Bản-tính, III). Đó là mỗi người bàn về một phương-diện, nhưng không phải là bàn cái tính chung cả mọi người.

Cứ như ý ông, thì « Tính người ta có thiện có ác, cũng như tài người ta có cao có thấp. Đã cao thì không thấp, đã thấp thì không cao. Nếu nói tính không thiện, không ác, là nói tài người ta không cao, không thấp. Bẩm tính thụ mệnh cùng đồng một sự thực cả, nhưng mệnh có quí tiện, tính có thiện ác. Nếu nói tính không thiện ác là nói mệnh không quí tiện vậy » (Bản-tính, III). Xem lời Vương Sung nói như thế, thì ông cho là có tính thiện, có tính ác. Thiện hay ác là bởi cái chất, chứ không phải bởi cái tính. « Tính bản tự-nhiên, thiện ác hữu chất 性 本 自 然,善 惡 有 質: Tính gốc tự-nhiên, thiện ác có chất » (Bản-tính, III). Nghĩa là tự-nhiên sinh ra là tính mà thiện ác là do ở cái chất của mình đã bẩm-thụ tốt hay xấu. « Bẩm khí hữu hậu bạc, cố tính hữu thiện ác giã 禀 氣 有 厚 泊,故 性 有 善 惡 也: Bẩm tính có hậu hay bạc, cho nên tính mới có thiện hay ác » (Suất-tính, II). Tính là phần người ta tự-nhiên sinh ra mà có, tuy cùng chịu một nguyên-khí của trời đất, nhưng nhiều ít khác nhau, thành ra cái chất cũng khác nhau, cho nên mới có cái tính thiện và tính ác.

Tính thiện tính ác không phải là không thể biến đổi đi được, nhưng khi đã biến đổi đi rồi, thì không trở lại nguyên-chất được nữa. Ví như tơ lụa có thể nhuộm xanh thì hóa ra xanh, nhuộm đỏ thì hóa ra đỏ, mà đã nhuộm rồi thì không trở lại được như cũ. Cái tính cũng thế, thiện biến ra ác, ác biến ra thiện được, tùy sự giáo-hóa và sự tập-nhiễm của người ta. Cho nên thánh hiền rất lấy làm lo về việc ấy. Vương Sung lấy cây cỏ bồng và tơ lụa làm thí-dụ. Ông nói rằng: Cái tính của cây cỏ bồng thì không thẳng, cái tính của tơ lụa thì không đen, thế mà cỏ bồng mọc ở giữa đám cây đay, không có gì chống đỡ mà cũng thẳng; lụa trắng ngâm vào thuốc đen, không nhuộm kỹ mà cũng đen, là bởi theo cây đay thẳng và nhiễm màu đen vậy. « Phù nhân chi tính do bồng sa giã, tại sở tiêm nhiễm nhi thiện ác biến hỹ 夫 人 之 性 猶 蓬 紗 也,在 所 漸 染 而 善 惡 變 矣: Cái tính của người ta cũng như cây cỏ bồng và tơ lụa vậy, ở sự tiêm-nhiễm mà thiện ác biến đổi đi vậy » (Suất-tính, II).

Cái tính người ta tuy thiện ác khác nhau, nhưng có thể lấy sự giáo-hóa mà làm cho đã thiện lại thiện thêm, hoặc làm cho ác lại hóa ra thiện được. Ví như đất tốt thì làm cho tốt thêm, hoặc đất xấu làm cho thành tốt được. Vậy nên mới cần có sự giáo-hóa của thánh hiền để nuôi cái tính thiện và sửa cái tính ác.

Đối với sự bàn về tính của người ta, có lẽ Vương Sung nói phải hơn và đúng với nghĩa câu Khổng-tử đã nói; « Tính tương cận giã, tập tương viễn giã ».

Công-kích sự sai lầm của thế-tục.— Vương Sung thấy bọn nho học đời Hán có nhiều người mê-tín và hay tôn cổ, làm ngại-trở cho sự tiến-bộ về học-thuật, cho nên ông công-kích những điều ấy rất kịch-liệt. Bao nhiêu những sự mê-hoặc mà người đời thường tin, là ông đem biện-luận một cách rất rõ-ràng ở những thiên Biến-hư, quyển IV; Dị-hư, Cảm hư, Phúc-hư, Họa-hư, Long-hư, Lôi-hư, quyển V; và Đạo-hư, quyển VI v. v. Ông nói rằng: « Sự mạc minh ư hữu hiệu, luận mạc định ư hữu chứng. Không ngôn hư ngữ, tuy đắc đạo tâm, nhân do bất tín 事 莫 明 於 有 效,論 莫 定 於 有 證.空 言 虛 語,雖 得 道 心,人 猶 不 信: Việc không gì rõ bằng có hiệu-nghiệm, luận không gì quyết-định bằng có chứng-cớ. Không ngôn hư ngữ tuy hợp với đạo tâm, nhưng người ta vẫn không tin » (Bạc-táng, XXIII). Có hiệu-chứng thì dễ khiến người ta tin, cho nên những kẻ biện-sĩ văn-nhân, khéo dùng hiệu-chứng làm cho người ta « kiệt tài dĩ sự thần, không gia dĩ tống chung 竭 財 以 事 神,空 家 以 送 終: hết của để thờ thần, sạch không nhà để đưa ma ». Sự học cần phải có hiệu-chứng, song nếu không cẩn-thận, mà dùng cái hiệu-chứng không chính-đáng, thì lại thành ra cái hại lớn vậy.

Vương Sung học theo lối pháp-hậu-vương của Tuân-tử, cho người đời nay hơn người đời xưa. Ông nói rằng: « Kim thế chi sĩ giả, tôn cổ ti kim giã 今 世 之 士 者,尊 古 卑 今 也: Kẻ sĩ đời nay tôn đời xưa khinh đời nay... Giá đời nay có người giảng đạo thâm hơn họ Khổng, họ Mặc, cái danh cũng không được ngang với họ Khổng, ho Mặc; làm việc giỏi hơn họ Tăng, họ Nhan, cái tiếng cũng không bằng họ Tăng, họ Nhan. Tại sao? Tại cái tính của thế-tục, rẻ cái mình trông thấy, quí cái mình nghe thấy... Cứ sự thực thì người đời xưa và người đời nay cũng thế, bao giờ cũng có người hay người dở. Nhưng vì người làm sách chép truyện thường hay làm cho cao đời xưa và thấp đời nay vậy. Xem như Dương Hùng làm sách Thái-huyền và sách Pháp-ngôn, Trương Bá-Tùng không thèm để mắt trông đến. Giá Dương Hùng sinh ra trước Trương Bá-Tùng thì có lẽ Trương Bá-Tùng đã cho sách của Dương Hùng là cái hòm chứa vàng vậy » (Tề-thế, XVIII).

Cái tính tôn cổ ti kim ấy làm cho người đọc sách chỉ nhắm mắt tin sách, chứ không biết « Kinh hữu bao tăng chi văn, thế hữu không gia chi ngôn 經 有 褒 增 之 文,世 有 空 加 之 言: Kinh có cái văn khen tăng lên, đời có những lời nói bày đặt thêm ra » (Tề-thế, XVIII). Thành thử không chịu xét cho rõ sự thực hư, việc phải trái, rồi cứ thấy thánh hiền đời xưa đã nói thế nào là tin như thế. Vương Sung cho cái học ấy rất dở, nên chi ông làm những thiên Vấn-Khổng, Phi-Hàn, Thích-Mạnh để tỏ ra thánh hiền đời trước cũng có điều sai lầm. Ông muốn rằng người quân-tử không a-dua theo thói đời. Hễ việc gì mà không hợp nghĩa-lý, thì dẫu là lời thánh hiền nói, ta cũng không theo.

Vương Sung rất ghét hạng người hương-nguyện, mị thế cầu danh. Ông nói rằng: « Quân-tử tại thế, thanh tiết tự thủ, bất quảng kết tòng, xuất nhập động tác, nhân bất phụ tòng. Hào hoạt chi nhân, nhiệm sử dụng khí, vãng lai tiến thoái, sĩ chúng vân hợp 君 子 在 世,清 節 自 守,不 廣 結 從,出 入 動 作,人 不 附 從.豪 猾 之 人,任 使 用 氣,往 來 進 退,士 眾 雲 合: Người quân-tử ở đời, tự giữ lấy cái tiết-tháo trong sạch, không rộng sự giao-kết, ra vào động tác, người ta không phụ-tòng. Kẻ hào-hoạt thì dùng khí mà sai khiến, qua lại tới lui, nhân chúng theo như mây hợp » (Giảng-thụy, XVI). Những kẻ mà nhiều người a-tòng vị tất đã là người ngay chính, mà người độc-lập một mình vị tất đã là người dở. Nên chi xét người hay là xét việc, ta phải xem có hợp đạo-lý hay không. Hợp đạo-lý là phải, không hợp đạo-lý là trái, chứ đừng lấy số nhiều người ít người mà làm chuẩn-đích. Đó là cái công-lệ trong sự suy-xét và sự phán-đoán vậy.

Đại để Vương Sung là người có tư-tưởng độc-lập, không câu-nệ như những học-giả khác, bất kỳ học-thuyết nào hễ có điều hay là ông lấy, có điều dở là ông chê. Ông là người vốn theo Nho-giáo, mà có chỗ nào ông tưởng là Khổng Mạnh sai lầm thì ông cũng không kiêng nể, cứ sự thực mà nói thẳng. Vậy nên hậu-nho cho ông là một nhà tạp-gia, chứ không phải là một nhà thuần-chính nho-học.

Xét ra thì cái học của Vương Sung cũng có phần nông-nổi và hẹp-hòi thật, là vì ông chỉ chuyên dùng cái lý thiển-cận mà biện-luận, cho nên thường không đạt tới cái ý nghĩa thâm viễn hoằng đại của thánh hiền. Bởi thế cái học của ông thiên về mặt duy-vật.

Nho-giáo từ đời Xuân-thu cho đến đời nhà Tần chỉ là một học-phái trong các học-phái khác, tuy có cái tôn-chỉ quang-minh chính-đại, nhưng vẫn không có cái địa-vị nhất-tôn như từ đời nhà Hán trở đi. Vì chưng có quân-chủ bảo-hộ, cho nên Nho-giáo mới có cái thế-lực rất mạnh ở đời nhà Hán và mới lan ra khắp trong xã-hội Tàu.

Hán nho lại có công sưu-tầm những sách cũ, giải-thích các ý-nghĩa và xếp đặt ra các Kinh Truyện, lưu-truyền ở đời. Hậu-thế nhờ đó mà biết được đạo của thánh hiền. Song vì Hán nho thiên về cái học chương-cú huấn-hỗ, bỏ mất cái nghĩa-lý sâu-xa, thành thử cái tinh-thần của Nho-giáo lại sai lầm đi mất nhiều. Những sự sai lầm ấy gây thành cái lưu-tệ rất lớn về sau.

Hán nho tuy có những người như Dương Hùng và Vương Sung đã trông thấy cái tệ ấy, cũng có ý muốn sửa đổi, nhưng phần thì vì thế-lực không đủ làm cho thiên-hạ theo mình, phần thì người đời say đắm về đường lợi-lộc, không sao vãn-hồi lại được. Bởi thế cho nên cái trình-độ của nho-học cứ thấp dần xuống, và cái tinh-thần cũng hao mòn mất nhiều. Về sau vào khoảng Lục-Triều và Tùy, Đường, những người khao-khát cái lý-tưởng siêu-việt đều khuynh-hướng về Lão-học và Phật-học.

Tuy nhiên ta cũng nên biết rằng Hán nho đối với xã-hội Tàu có cái công rất lớn là lấy cái học minh-kinh mà xây đắp thành cái nền văn-hóa rất vững-vàng lâu-bền xưa nay chưa từng có vậy.

  1. Chữ khí ở đây phải hiểu như cái khí của trời đất vậy.