THIÊN VI
MÔN-ĐỆ KHỔNG-TỬ
Khổng-tử lấy những lời huấn cáo, những tư-tưởng và các chế-độ, của thánh hiền đời trước làm tôn-chỉ, rồi đem những ý-kiến và những điều sở đắc của Ngài mà dạy bảo các môn-đệ. Lối Ngài dạy học là lối truyền miệng. Hễ ai học điều gì không hiểu hay là nghĩ việc gì không ra, thì đem hỏi Ngài, Ngài sẽ tùy tư-chất từng người mà lựa lời ôn-hòa chỉ-bảo cho. Ai nghe Ngài giảng-dụ điều gì, thì ghi nhớ lấy để ngẫm-nghĩ mà sửa mình, hoặc để ứng-dụng ở đời. Lối Ngài dạy như thế cho nên có lắm điều như nhân, hiếu, chính v. v..., Ngài nói với mỗi người một khác. Tuy vậy, cái chủ-đích sự dạy-dỗ của Ngài bao giờ cũng lấy đạo nhân mà khiến người ta sửa đổi tâm tính cho thành người quân-tử hoàn-toàn.
Môn-đệ Ngài thì nhiều, song thường nhật thì có độ năm bảy người hoặc vài ba mươi người theo Ngài học Thi, học Lễ, học Nhạc, hay là học những nghĩa-lý trong sự sinh-hoạt ở đời. Số học-trò kể tất cả trước sau được hơn ba nghìn người, nhưng mà những người có tiếng đạo-đức và tài-giỏi, tinh thông lục nghệ, thì chỉ có bảy-mươi-hai người, hậu-thế gọi là « thất thập nhị hiền ». Trong 72 người ấy có người nổi tiếng về đường đức-hạnh, như thầy Nhan Uyên thầy Mẫn-tử Khiên, thầy Nhiễm Bá-ngưu, thầy Trọng-cung; có người nổi tiếng về đường ngôn-ngữ, như thầy Tể-Ngã, thầy Tử-Cống; có người nổi tiếng về đường chính sự, như thầy Nhiễm Hữu, thầy Quí-lộ; có người nổi tiếng về đường văn-học, như thầy Tử-Du, thầy Tử-Hạ. (Luận-ngữ: Tiên-tiến, XI).
Đại khái, những người có đạo-đức và có tài-năng mà các sách thường nói đến là những người này:
Nhan-Hồi 顏 囘, tên tự là Uyên 淵, cần-mẫn, thức khuya dậy sớm, học Thi, chuộng Lễ, làm việc gì không lầm lỗi hai lần, nói điều gì không cẩu-thả. Khổng-tử khen là người có nhân. Nhưng ông chỉ sống được có 31 tuổi thì mất. Khổng-tử lấy làm thương tiếc lắm.
Mẫn-Tổn 閔 損, tên tự là Khiên 騫. Khổng-tử khen là người có hiếu.
Nhiễn-Canh 冉 耕, tên tự là Bá-ngưu 伯 牛.
Nhiễm-Ung 冉 雍, tên tự là Trọng-cung 仲 弓, nhà nghèo mà vẫn ung-dung, không hệ-lụy điều gì, sai khiến người ở không như nô-lệ, không giận lây ai, không oán sâu điều gì. Không nhắc lại cái lỗi cũ của người ta. Khổng-tử khen là người có khí-tượng ông vua.
Tăng-Sâm 曾 參, tên tự là Dư 輿, học-thức thì đầy mà không tràn, chắc-chắn mà không rỗng, biết quá rồi mà vẫn cho như là chưa kịp, làm được những điều thánh hiền cho là khó. Dáng mặt bao giờ cũng cung-kính, đức bao giờ cũng đôn-hậu, nói với ai điều gì cũng tin, tính người rất thật-thà.
Hữu Nhược 有 若, tên tự là Hữu 有, nhớ nhiều và thích đạo cổ.
Tể-Dư 宰 予, tên tự là Ngã 我, có khẩu tài, làm quan đại-phu nước Tề, phải tội bị giết cả ba họ. Khổng-tử lấy làm thẹn vì là học-trò Ngài.
Đoan-mộc Tứ 端 木 賜, tên tự là Cống 貢, có tài biện thuyết, nhà giàu, thích sự buôn bán, làm quan ở nước Lỗ, nước Vệ, sau mất ở nước Tề.
Nhiễm Cầu 冉 求, tên tự là Hữu 有, cùng họ với Trọng-cung, tính hay khiêm-tốn, hiếu-học và biết rộng, làm việc giản-dị mà siêng-năng.
Trọng Do 仲 由, tên tự là Lộ 路, lại có tên là Quí-lộ 季 路, có dũng-lực tài-nghệ, giỏi việc trị binh, tính quả-cảm và cương-trực, nhưng không đạt sự biến thông. Làm quan đại-phu nước Vệ, bị tội phải giết.
Ngôn Yển 言 𠍾, tên tự là Du 游, chỉ chuyên học Lễ, làm việc cẩn-thận, không hay hư-hỏng, làm quan tể ở Võ-thành.
Bốc-Thương 卜 商, tên tự là Hạ 夏, học Thi, hay bàn luận những điều tinh-vi. Giao với người trên, tiếp người dưới rất là phân-biệt minh-bạch, tính đốc-tín, cẩn-thủ, nhưng qui-mô hẹp-hòi.
Chuyên-tôn Sư 顓 孫 師, tên tự là Trương 張, người đẹp, tài cao, ý rộng, hay làm việc khó-khăn mà cẩu-thả, có công tốt không khoe, ở ngôi sang không mừng, không khinh người hèn, không ngạo với người khổ. Tính ung-dung không hay câu-nệ, cho nên không tương-đắc với những người đồng-môn hay thủ lễ.
Thương-Cồ 商 瞿, tên tự là Mộc 木, chuyên học Dịch, được truyền cái học ấy của Khổng-tử.
Tất-điêu Khai 漆 雕 開, tên tự là Nhược 若, học Thư, không thích ra làm quan.
Nguyên Hiến 原 憲, tên tự là Tư 思, thanh-tĩnh thủ-tiết, nhà nghèo mà vẫn vui về đạo. Khi Khổng-tử mất rồi, ông đi ẩn ở nước Vệ.
Trong những người ấy có người tài cao đức-hậu, nhưng vẫn không ai được hoàn-toàn như Khổng-tử. Xem câu chuyện sau này thì biết rõ cái đức-độ của Ngài hơn người là thế nào.
Một hôm Tử-Hạ hỏi Khổng-tử rằng: «Nhan Hồi là người thế nào?— Khổng-tử nói rằng: Cái tin của Hồi hơn ta — Tử-Cống là người thế nào?— Cái nhanh của Tứ hơn ta. — Tử-Lộ là người thế nào? Cái dũng của Do hơn ta.— Tử-Trương là người thế nào? — Cái nét trang-nghiêm của Sư hơn ta.— Tử-Hạ đứng dậy mà hỏi rằng: Thế thì sao bốn gã ấy lại phải đến học thầy?—Khổng-tử nói rằng: Ở đây ta bảo: Ôi! Hồi biết tin mà không biết nghĩ lại, Tứ biết nhanh mà không biết có lúc đáng chậm, Do có dũng mà không biết có lúc nên nhát, Sư có nét trang-nghiêm mà không biết ung-dung để hòa đồng với mọi người. Gồm tất cả những cái nết hay của bốn gã ấy có, mà đổi lấy cái của ta không bằng bốn gã, ta không thuận. Vì thế bốn gã phải thờ ta làm thầy, mà không có hai lòng vậy.» (Khổng-tử gia-ngữ: Lục-bản, XV).
Khổng-tử bao giờ cũng có cái thái-độ « vô khả vô bất khả » rất hòa-nhã mà vẫn tôn-nghiêm, rất khoan-hoằng mà vẫn cương-nghị. Ngài làm việc gì cũng ung-dung và trúng-tiết, nghị luận điều gì cũng công-chính và đắc kỳ trung, cho nên không ai theo kịp. Đức-độ của Ngài như thế, nên chi ai đã biết Ngài là cũng phải kính-phục.
Đạo của Ngài thì có phần rất giản-dị bình-thường, mà vẫn có phần rất quảng-đại cao-viễn, không mấy người lĩnh-hội hết được. Dẫu môn-đệ Ngài có ai muốn nối cái đạo của Ngài, cũng chỉ hiểu được một phần mà thôi.
Bởi thế cho nên sau khi Ngài mất rồi, đạo của Ngài chia ra làm mấy phái, Mỗi phái theo một cái chủ-nghĩa hơi khác nhau. Đó là những điều sẽ xét ở quyển sau vậy.