Nghị quyết số 142 NQ/TVQH

Nghị quyết số 142 NQ/TVQH về việc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân năm 1965 do Chính phủ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (1965) 
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 10 tháng 8 năm 1965.

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội ngày 10 tháng 4 năm 1965 giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số quyền hạn trong tình hình mới,

Sau khi nghe báo cáo của đại diện Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân năm 1965,

Sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội và ý kiến phát biểu của các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

1. Thông qua bản kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân năm 1965 do Chính phủ trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời giao cho Chính phủ, trong quá trình thực hiện kế hoạch, tiếp tục nghiên cứu và khi cần thiết thì kịp thời điều chỉnh những chỉ tiêu của kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.

2. Hiện nay, đế quốc Mỹ đang tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam và đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cả nước ta đang ở trong tình trạng có chiến tranh, toàn dân ta có nhiệm vụ ra sức chống Mỹ, cứu nước. Căn cứ vào nội dung và phương châm chủ yếu về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ trước mắt đã được Quốc hội khóa III thông qua trong kỳ họp thứ 2 (tháng 4 năm 1965), nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1965 là:

- Ra sức xây dựng kinh tế và phát triển sản xuất, làm tốt công tác lưu thông - phân phối, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng;

- Tích cực thực hiện các công tác bảo vệ và dự phòng; nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; đánh bại chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, và tăng cường ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam;

- Tiếp nhận và sử dụng tốt sự giúp đỡ của các nước anh em;

- Tích cực chuẩn bị cho năm 1966 và những năm sau.

3. Trong 6 tháng đầu năm, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, toàn quân và toàn dân ta đã nêu cao nhiệt tình cách mạng, ra sức khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và đẩy mạnh sản xuất, cho nên đã lập được những thành tích to lớn trong chiến đấu cũng như trong thực hiện kế hoạch Nhà nước, đặc biệt là trong vụ sản xuất đông - xuân.

Trong 6 tháng cuối năm 1965, phải ra sức đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu để giành thêm nhiều thắng lợi mới. Trước mắt, phải làm tốt công tác giao thông vận tải, đẩy mạnh việc làm mùa, chăm bón lúa thu, tích cực phòng và chống bão, lụt, chuẩn bị tốt vụ đông - xuân 1965 - 1966 và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo phương hướng mới, nhất là công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp. Trên cơ sở sản xuất phát triển, phải làm tốt công tác lưu thông - phân phối, tăng cường quản lý thị trường và giá cả, cố gắng bảo đảm những nhu cầu thiết yếu của nhân dân, đồng thời tích cực tăng thu cho ngân sách nhà nước và triệt để tiết kiệm về mọi mặt (tiết kiệm lao động, vật tư, tài chính và tiết kiệm trong tiêu dùng).

4. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1965, các cấp, các ngành phải chuyển mạnh hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện, tập trung vào những vấn đề chính; nghiên cứu và giải quyết các vấn đề về chính sách, chế độ, tổ chức, nhất là vấn đề phân cấp quản lý kinh tế tài chính, cho phù hợp với tình hình mới; tăng cường kiểm tra và ra sức đào tạo cán bộ; chuyển hướng mạnh mẽ về tư tưởng và tác phong, về lề lối làm việc theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.

Phải phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc ta, nêu cao lòng tin tưởng tuyệt đối ở đường lối của Đảng Lao động Việt Nam, động viên mọi tầng lớp nhân dân ra sức thi đua "mỗi người làm việc bằng hai", nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất lao động, bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1965, quyết tâm giành nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới thực hiện thống nhất nước nhà.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".