Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ BA. Dạy trẻ

CHƯƠNG THỨ BA
Dạy trẻ

Muông xanh mây trắng, biến đổi không thường; gió mát trăng thanh, lữa lần được mấy; người xưa bảo hai chữ « Nhân-duyên » của nhà Phật đủ bù thêm cho chỗ thiếu ở trong kinh thánh truyện hiền. Người đời gặp gỡ đâu chẳng là duyên, duyên chưa đến chưa dễ tìm nên, duyên đã đến đừng hòng tránh khỏi. Mộng-Hà nhà ở Hổ-phụ, bỗng sang Dung-hồ, trường kia đã nhận lấy ngôi thầy, nhà nọ lại tới làm khách trọ, đó chẳng phải là duyên hay sao. Song Mộng-Hà cho thế là duyên, mà duyên của Mộng-Hà chưa đến. Lữa lần nửa tháng, nếm chán mùi sầu; hưu quạnh một thân, chất đầy nỗi hận, bất-đắc-dĩ mà gửi tình ở hoa, gửi tình ở hồn hoa, mà nhặt hoa, chôn hoa, khóc hoa, biết bao cái kỳ-tình dắt-díu cho một mối kỳ-duyên. Một nấm mồ hoang, năm canh chợt đến; nửa vầng trăng tỏ, đôi lòng cùng soi; chiêm bao vừa mấy khắc bàng-hoàng, mối hận để trăm năm giằng-giặc! Than ôi! Mộng-Hà từ đó đã bắt đầu sa đắm xuống làn bể khổ mông-mênh!

Trăng tàn nhòm cửa, gió lạnh lọt rèm, trong cánh song sa, thấp-thoáng có một bóng người ngồi, thỉnh-thoảng lại nghe tiếng than dài thở ngắn. Chao ôi! người ấy là ai? Cớ gì ngồi nhẵn canh dài thở than? Người con gái ấy đối ngọn đèn tàn, lấy tay chống má, chau mày tựa như có điều gì nghĩ ngợi, mầu hoa lê đã đầm-đìa giọt mưa. « Chỉ thấy mắt đầm lệ, nào hay lòng giận ai » Lòng nàng ai người hay, mà lệ nàng những ai trông thấy? Một lát, chợt nghe trong màn có tiếng trẻ khóc, nàng bèn gạt lệ vào màn giỗ con, rồi cũng cởi áo nằm ngủ, bấy giờ tiếng gà đã lao-xao gáy dồn.

Than ôi! Người con gái trong cánh song sa, chẳng phải là người con gái trước mồ hoa lê đó sao! Người con gái trong tiếng trẻ khóc, chẳng phải là người con gái trong mắt Mộng-Hà đó sao? Người con gái dưới bút ký-giả, chẳng phải là người « mợ Lê » trong miệng Thôi-ông đó sao? Mợ Lê là ai? là con gái lớn nhà họ Bạch mà là cô dâu góa nhà họ Thôi đó. Tám năm xum hợp, một sớm lìa tan, ma bắt người có nể-nang ai, gái ở góa càng đau đớn cảnh. Giận con vẹt trước lầu bẻo-lẻo, giọng cũ quen kêu; căm đôi uyên trên gối nhởn-nhơ, chiêm bao chẳng thấy. Tuổi hoa mơn-mởn, đương độ đầu xanh, bể ái mông-mênh một cơn sóng bạc. Thương tâm thay, cây trên mả đã to tầy cột, phấn trong phòng đã biến thành tro. Mệnh Lê-nương nào có ra gì, sầu Lê-nương dễ mà đọ được! Đành đã đài trang ẩn náu hoàng hộc thơ ngâm, hay đâu hang tối vắng tanh, bạch câu tiếng động. Mỹ-nhân bạc mệnh danh-sĩ đa tình, trước mấy trăm năm nợ-nần vương-víu. Mộng-Hà không đến, khối sầu của Lê-nương đã nặng, Mộng-Hà mà đến, mối hận của Lê-nương càng dài.

Vạt áo lệ xưa, phòng văn tiếng mới. Mộng-Hà từ khi ngụ ở nhà họ Thôi, ngày thì hai buổi đi về, tối lại một mình thức ngủ. Ngày nay may có thằng bé con của Lê-nương tuổi trẻ thơ ngây, tính trời sáng suốt, ê-a lúc học, cười khóc khi đùa, đầu án dưới đèn, cũng đủ giải buồn cho Mộng-Hà đôi chút. Mà Mộng-Hà nghĩ nó là một đứa trẻ mồ-côi bố, lại càng bù trì yêu dấu, dù gặp những lúc trong lòng sầu-não mà thấy nó đến, cũng đổi khóc làm cười, đổi sầu làm tươi, chưa từng lúc nào lấy lời nặng vẻ nghiêm mà làm cho kinh động cái quả mật non nớt của nó. Đó cũng là xuất ở tính trời nhân-ái hiền-hòa như thế, cũng không phải riêng vì đứa trẻ họ Thôi mà thay đổi tâm trường. Đứa trẻ tên là Bằng-lang; Mộng-Hà đặt tên tự cho là Tiêu-Sử, ý mong cho nó sau này được tung hoành muôn dặm, bay liệng chín mây. Bằng-lang mới học mà mỗi buổi đã học được đến vài chục chữ, Mộng-Hà thấy nó sáng dạ khác với mọi đứa trẻ thường, càng yêu dấu lắm, ấp ôm hôn hít, vừa là ông thầy tốt mà lại vừa là bà mẹ hiền. Bằng-lang thì đương độ ngây thơ, thấy Mộng-Hà yêu thì ra chiều quấn-quít với Mộng-Hà, không có ý sợ hãi gì cả. Ngày xưa Vi-Trang có câu thơ: « Dưới liễu ngày vui khom cật ngựa, bên đèn tối bỡn cưỡi lưng thầy » thật đã khéo tả được cái cảnh thầy trò Bằng-lang.

Tuổi xanh sớm góa, được chút con côi, Lê-nương yêu báu Bằng-lang thế nào, ta có thể tưởng-tượng mà biết. Khi Mộng-Hà đến, Thôi-ông bảo với Lê-nương định đem Bằng-lang nhờ Mộng-Hà dạy học, Lê-nương không dám trái ý, nhưng trong lòng rất lấy làm lo. Lo rằng Bằng-lang ham chơi sợ học, quen tính dông dài, Mộng-Hà nếu lại có nết nóng nẩy, tính trẻ không tường, hơi một tý thì dùng đến ngọn vụt đầu roi để cưỡng ép lấy sự học hành, thì há chẳng cũng khổ thân cho con ta lắm! Lê-nương lấy ý riêng mà đoán phỏng Mộng-Hà như thế, hay đâu Mộng-Hà ra ngoài ý đoán của Lê-nương mà lại làm cho Lê-nương được yên úy bội phần. Mỗi buổi tối Bằng-lang ra đàng nhà học, Lê-nương lại ngồi thom-thỏm một mình, trong lòng phấp-phỏng không yên, mật sai con thị-tỳ đến đứng ngoài song nghe ngóng. Sau biết Mộng-Hà dạy bảo ôn-tồn, vả yêu thương Bằng-lang không khác gì con đẻ. Lê-nương mừng lắm, bất giác vì sự yêu con mà từ đấy sinh lòng kính mến Mộng-Hà. Nàng nghĩ chàng là một người tính-tình ôn-nhã dường kia, chắc có cái tài hoa khác chúng, con ta may-mắn gặp được thầy hay. Rồi nàng lại nghĩ: « Chàng là một kẻ giang hồ lận-đận, bèo sóng lênh-đênh, quê người thân thích là ai? quán khách chuyện trò với bóng, cảnh-ngộ như thế, thực đáng nên thương thầm. Ngọn đèn mờ tỏ, mạch hận đầy vơi, ý khí thiếu niên, tiêu mòn đến hết, há chẳng phải là một kẻ thương tâm trong thiên-hạ đó sao! » Ôi, đến bấy giờ mà sợi dây tình ái của hai người trong chỗ vô hình sớm đã ngầm-ngấm bắt nhau rồi vậy.

Đòi phen gió gác trăng sân, khuynh-thành bóng khuất mấy lần rèm châu. Mộng-Hà tuy là họ xa với nhà họ Thôi, nhưng người trong nhà có những ai thì chưa được rõ. Tuy nhiên, Bằng-lang không cha, Mộng-Hà đã biết, Bằng-lang có mẹ, Mộng-Hà tất biết, huống chi lại chính miệng Thôi-ông đã từng nói đến tiếng « Mợ Lê »! Thế nhưng Mộng-Hà tuy biết có Lê-nương mà tuổi của Lê-nương, sắc của Lê-nương, tài của Lê-nương, Mộng-Hà đã được biết rõ đâu. Chẳng qua thỉnh-thoảng nghe lóng được ở bọn thằng nhỏ con hầu vô ý nói đến Lê-nương, thì biết rằng nàng hằng ngày thường giảng sách cho Bằng-lang nghe, cầm tay cho Bằng-lang viết; thêu-thùa dảnh việc lại lấy sách vở làm bầu bạn, hoặc lúc làm thơ làm phú, tập giấy giáp đã trồng lên đẫy thước ở trên đầu bàn; trong phòng thì sửa sang sạch-sẽ, xếp đặt gọn-gàng, khác hẳn với các chốn buồng hương gác gấm. Vì vậy chàng biết nàng là một người tài-nữ: khuyên trẻ học hành, đức-hạnh sánh cùng Âu-mẫu, chuốt câu cẩm-tú, tài hoa tranh với Tạ-cơ. Tiếc thay, phận gái đa tài, con tạo vẫn hay ghen ghét, cái điều bạc-mệnh, rằng hồng-nhan tự thủơ xưa. Tuổi xuân không huệ héo lan tàn, dữa đường cũng loan chia phượng rẽ, trăng già phải-gió, chua lầm trong sổ nhân-duyên, tạo trẻ đành-hanh, khéo mở ra trời sầu hận. Bông hoa tan-tác, chiếc lá tơi-bời. Như đời Lê-nương chính là một tấm gương đau đớn soi chung cho các chị em bạc-mệnh trong thiên-hạ đó. Mộng-Hà đối với nàng đã mến về tài, lại thương về mệnh, vì thương mến sinh ra quyến-luyến, vì quyến-luyến thành ra say mê. Chợt đâu ngoài song tiếng khóc, trong nguyệt bóng người, Tiên-nữ xuống trần, Hằng-nga lạc bước, bóng hồng thấp-thoáng, cánh én tịt mù, Mộng-Hà đoán chắc là Lê-nương không còn ai nữa. Nhân-quả ba sinh, đêm nay gặp gỡ, lạnh lùng một nấm, kiếp khác mơ-hồ. Gạt lệ trong sương, mối hận đa mang bởi đó, thề lòng dưới nguyệt, dây tình vướng vít từ đây. Mộng-Hà từ nay đã không có thì giờ thương đến hoa Lê, mà còn thương mợ Lê kia vậy.

Bóng người cao thấp, tiếng học nhỏ to. Mộng-Hà mỗi tối dạy Bằng-lang hai tiếng đồng-hồ; cứ chuông đánh chín giờ thì sai thằng nhỏ ẵm về phòng, không muốn để đứa trẻ phải ngồi lâu mỏi-mệt. Bằng-lang mỗi khi về, Lệ-nương lại âu-yếm hỏi: Hôm nay con học được mấy chữ? Thầy có yêu con không? Thầy làm gì? xem sách hay là viết? đợi con trả lời xong rồi mới khoan-thai cởi áo tháo giầy cho, nhắc đặt lên giường, buông màn ru ngủ. Chao ôi, con côi mẹ góa, trăng lạnh phòng thu, hồ dễ đã đi nằm ngay được, nàng lại ngồi dưới đèn chỉ kim khâu vá, để cho khuây-khỏa khắc canh dài. Bằng-lang thì đặt mình xuống là thin-thít ngủ ngay, có lúc lại lảm-nhảm nói mê, gọi mẹ sao không đi ngủ. Nàng nghe con gọi nhiều khi trạnh lòng thương cảm, khôn ngăn được dòng lệ tuôn rào.

Một buổi tối, Bằng-lang đi học về hớn-hở nói với mẹ rằng: « Mợ ơi, thầy yêu con lắm! Thầy để con lên gối, bế con vào lòng, cầm tay con, hôn má con, cười hỏi con rằng: Bằng-lang! con có thể dời lòng mẹ mà đến ngủ đây với thầy cho vui không? Thầy nằm một mình buồn lắm, không sao ngủ được. » Lê-nương nghe Bằng-lang nói, bể óc cùng bể hận đều sôi, tro lòng với tro tình cùng nóng, thở dài không đáp, nước mắt rưng-rưng. Nghĩ thầm đời nay, lòng người khỏng-khảnh, thói đời bạc đen, mẹ góa con côi, ai người thương đoái. Thế mà người này lại chăm-chút yêu thương con ta đến thế, thật là một tấm can-trường hiếm có ở đời nay. Từ đó Lê-nương lòng riêng không những là kính mộ Mộng-Hà lại còn cảm-kích muôn phần, có lúc phải ứa dòng nước mắt.

Hoa tô mặt gấm, tuyết phủ trên băng, ấm lạnh thói đời, đâu mà chẳng thế. Người ta không may phải xa cách quê hương, bơ-vơ đất khách, đường cùng trời tối, quán vắng đèn mờ, chiếc bóng lơ-trơ, không ai thân-thiết, cảnh ấy còn buồn nào hơn nữa! Cành tầm-gửi trên cây trơ-chỏng, không ai tưới-tắm, không đến nỗi héo rễ khô dây mà chết chỉ là sự hú-họa mà thôi. Than ôi! Bốn phương non nước quê người, tấm thân trôi giạt ấy đời không may! Ba xuân giọt lệ vơi đầy, đèn mờ quán vắng canh chầy một ai. Lấy ai kẻ đoái người hoài, đói no ấm lạnh ai người hỏi-han. Ấy phàm những người bước chân ra ngoài ai là không phải nếm trải cái huống-vị ấy! Duy Mộng-Hà ký-ngụ tại Dung-Hồ thì được hưởng sự may-mắn đặc-biệt, chủ-nhân trọng-đãi, không còn thấy khó chịu điều gì, hầu quên đấy không phải là nơi đất khách. Ngày thì có Thôi-ông ra vào trò-chuyện, tối lại có Bằng-lang lui tới bạn-bầu, áo bẩn giặt-rũ có vú già, nhà rác quét quáy có thằng nhỏ. Đến như sự ăn uống được sạch-sẽ, hầu hạ được tươm-tất thì ngay khi ở nhà cũng khó được bằng. Sự đối đãi Mộng-Hà mà được trọng-hậu tử-tế như thế, đều là do ở Lê-nương. Mộng-Hà biết thế, Mộng-Hà được thế, lại càng cố đem hết tâm lực dạy bảo Bằng-lang; gián-hoặc có lúc chàng lại đem cái ý cảm-tạ tấm lòng Lê-nương mà nói tỏ cho Bằng-lang biết. Bằng-lang là trẻ con, tính hay bẻo-lẻo, mỗi buổi học nghe được thầy nói câu gì, xuống nhà cũng đều kể lại cho mẹ nghe. Vì thế mà kẻ trong gác gấm, người chốn phòng văn, tuy chưa từng đôi mặt một lời, mà sớm đã tâm đầu ý hợp.

Mộng-Hà sớm đến nhà trường, tối về phòng trọ, hằng ngày như thế, bảy ngày mới lại có một ngày chủ-nhật nghỉ ngơi. Hôm chàng chôn hoa chính là ngày chủ-nhật, nên chàng mới được xuốt ngày đủng-đỉnh mà làm một việc không đâu, tình-cờ đêm ấy được gặp mặt Lê-nương, thật là cơ trời run-rủi. Trong khi Lê-nương lén bước đến gốc cây lê, chính là lúc người vắng trăng khuya, bốn bề im-lặng, nàng yên chí là Mộng-Hà tất đã ngủ rồi. Hoa rơi muốn nhặt, gốc sạch như lau. Lù-lù một nấm mai-hương, chưa khô vầng đất, sừng-sực mảnh bia trụy-lệ, mới khắc lời văn. Bấy giờ Lê-nương, muốn vì hoa viếng chăng? Nhưng nghĩ thân mình bạc-mệnh lại quá như hoa, tự viếng không rồi, còn viếng gì ai nữa! Hoa kia gặp được Mộng-Hà là người đa tình, lúc nở được có người trông nom, khi rụng được có người đắp-điếm, lấy Lê-nương mà so với hoa ấy, thì hoa kia còn may-mắn hơn nhiều. Giở-giang duyên lứa, trâm gẫy bình tan, giằng-giặc tháng ngày, sầu vùi thảm lấp. Chị Nguyệt sáng soi đêm vắng, kết bạn làm khuây; nàng Oa sống lại ngày nay, vá trời hết phép. Hận theo năm đến, sầu dục người già; thân góa bụa mong gì được sống lâu ở vòng nhân thế! Lê-nương suy trước nghĩ sau, lòng nàng đã đứt ra từng khúc, nước mắt chan-chứa, bất-giác cất tiếng khóc òa lên. Không ngờ Mộng-Hà đương trong giấc điệp mơ-màng, nghe tiếng khóc giật mình tỉnh ra, tình-cờ lại trông thấy chân-ảnh của lê hoa ở dưới trận mưa sầu tầm-tã. Mộng-Hà trông thấy Lê-nương, Lê-nương chưa từng được trông thấy Mộng-Hà, nhưng tấm tình của Mộng-Hà thì Lê-nương đã rõ và vẫn đem lòng cảm. Đôi tình đã cùng nhau vương vít, mà một tiếng khóc đêm hôm ấy lại là khởi điểm cho cái cuộc đôi ngả tương tư.

Từ đó về sau, tai Mộng-Hà thành ra cái máy lưu-thanh, mỗi lúc lắng tai nghe, lại văng-vẳng thấy tiếng Lê-nương khóc ở bên tai hu-hy nức-nở; mắt Mộng-Hà thành ra cái đồ chụp ảnh, mỗi khi nhắm mắt nghĩ, lại tưởng-tượng thấy hình Lê-nương đứng ở trước mắt yểu-điệu thướt-tha. Hôm trước nhân tình cờ được trông thấy nàng, hôm sau chàng bèn cố ý nói hở với Bằng-lang; lại nói rằng: « Người đẹp như ngọc, mệnh mỏng như hoa, đã đa sầu, lại đa tình », bốn câu ấy để tặng cho mợ con thật là đúng lắm. Bằng-lang về phòng lại đem lời thầy nói với mẹ, đúng y như thế không sai chữ nào. Lê-nương bấy giờ đương ngồi đối mảnh gương loan, nghe thấy lời tặng của Mộng-Hà mà sợ mà thương mà than mà khóc, mà chau mặt, mà gật đầu, một tấm lòng son, không vò mà rối. Còn Mộng-Hà thì sau khi Bằng-lang xuống rồi, trong lòng thắc-thỏm, chỉ sợ Bằng-lang đem lời ấy nói với Lê-nương. Lê-nương hoặc lại giận mình chăng. Chàng rất lấy làm hối là mình nông nổi lỡ lời, xuốt đêm lo nghĩ không sao ngủ được. Than ôi! Nỗi buồn của Lê-nương đêm ấy thế nào thì Mộng-Hà nào có khác gì đâu.