Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI. Khóc đêm

CHƯƠNG THỨ HAI
Khóc đêm

Viện sách vắng người, mặt trời đứng bóng, khói nhà bếp bốc lên ngùn-ngụt, ấy là lúc đã thổi chín cơm trưa. Mộng-Hà dậy từ sáng sớm liền ra gốc cây, nhặt hoa, chôn hoa, viếng hoa, khóc hoa, hỳ-hụi mất nửa ngày trời; người đã mệt nhoài, bấy giờ vào nhà, vừa đặt mình nằm, toan chợp ngủ đi, thì chợt thằng nhỏ đã bưng mâm cơm đến. Chàng dậy ăn xong, uống vài chén nước chè cho hồn thơ tỉnh lại, đi quanh trong nhà mấy lượt, rồi lại thẩn-thơ đứng tựa bên song. Bấy giờ hoa tân-di đương đua nở trên cành, sắc gấm mầu thêu, lọt vào con mắt chàng. Chàng trông hoa thở dài mà rằng: « Cây hoa kia sao mà tốt đẹp làm vậy? Ỷ thế chúa xuân chiều chuộng, mặc lòng chuốt lục tô hồng, trăm sáu thiều quang, chiếm cả chứ còn nhường ai nữa! Thế nhưng, hoa tươi nào được mấy, cảnh đẹp chẳng bao lâu, dì gió kia đối với trăm hoa, thường lúc thì ra ân, mà lúc lại ra uy, trước thì dục đã cho hoa nở, sau lại vùi giập cho hoa tàn; hoa tân-di này số-phận rồi đây tất cũng lại đến như hoa lê trong mả mà thôi, ngày nay đỏ ối đầy cành, ta trông chẳng khác đều những giọt lệ sầu nhuốm máu! » Chàng nghĩ thế mà lòng càng buồn-bã, mạch sầu lai-láng, khó tát cho vơi; nhân đến bên án sách, lấy bức tiên hoa, thảo hai bài thơ rằng:

Hoa Lê

U tình một tấm vẽ không ra,
Tan-tác buồn cho hoa hỡi hoa!
Mệnh bạc dẩy-dun nên nỗi thế,
Hồn hương phảng-phất ở đâu mà?
Vắn dài lệ khách trong phòng quạnh,
Lạnh-lẽo mồ ai dưới bóng tà?
Đối cảnh hoàng hôn ngơ ngẩn nỗi,
Tri-âm nghìn dặm tuyệt mù xa.

Hoa Tân-di

Rực-rỡ vườn xuân chiếm một vùng,
Bút nào vẽ được hết xuân-dung;
Lá cành nhuần-nhã cơn sương sớm,
Tin tức ngăn rào ngọn gió đông;
Chữ gấm khuyên đầy nghìn nét máu,
Mầu mây che kín một lần mùng;
Đề thơ không phải tay tài-tử,
Riêng đối cùng hoa những thẹn-thùng.

Chàng thảo xong, ngâm-nga một lượt, gác bút ngẫm nghĩ, ý hứng buồn tênh. Chợt chàng lại nghĩ đến hoa lê, xương hoa đã vùi, song còn chưa có dấu tích gì để làm ghi nhớ. Chàng vốn khéo tay đục chạm, bèn lấy một hòn đá vuông, đẽo vạt cho phẳng, rồi cắm-cúi ngồi khắc mất hai giờ đồng-hồ mới thành được hai dòng chữ rằng:

Mồ hoa Lê
« Tháng 3 năm Kỷ-dậu. Thanh-lăng hận-nhân đề »

Khắc xong, sai thằng nhỏ đem dựng ở trước mồ hoa, mà Mộng-Hà bấy giờ người đã mệt thừ, liền nằm vật xuống giường thiêm-thiếp ngủ đi không còn biết trời tối lúc nào nữa. Quạ vàng lẩn bóng, thỏ bạc nhô đầu, gió mát thanh thanh, trăng soi vằng-vặc, đến lúc Mộng-Hà tỉnh giấc thì vầng trăng đã lên khỏi cành cây mà đứng trước bao-lơn, đồng-hồ trên vách đã chuông đánh mười giờ. Bóng trăng do cửa sổ ròm vào trong màn, hơi lạnh thấu da, Mộng-Hà kéo chăn đắp kín, toan lại vào giấc. Chợt nghe văng-vẳng thấy có tiếng khóc nức-nở, không biết từ đâu đưa lại. Mộng-Hà lấy làm kinh ngạc, mở bừng mắt ra, ma-ngủ bắt đi đằng nào mất. Sẽ lắng tai nghe để nhận xem tiếng khóc ở về phía nào, thì thấy đưa vào từ bên ngoài cửa sổ; rền-rĩ nỉ-non, như liền như đứt, khiến người nghe không thể cầm lòng. Mộng-Hà thấy thế có ý ghê rợn, nghĩ trước sân này dẫu đến ban ngày cũng tuyệt không có ai qua lại, huống chi đêm khuya thanh vắng, ai lại đến đó mà khóc than! Chao ôi, thôi ta biết rồi, ấy tất là hồn của hoa lê đó! Hoa cảm về tấm tình của ta vì hoa đắp điếm, vậy nên nhân lúc trăng khuya người vắng, hiện hình lên để cùng ta bàn bạc đó chăng! Duyệt-giả các ngài, chắc cũng thừa biết đó là một điều si-tưởng của Mộng-Hà, chứ sự thực làm gì có thế! Mộng-Hà nghĩ thế, nhưng cũng bạo gan vùng dậy để dò xem manh mối làm sao. Chàng từ trên giường bước xuống, sâu chân vào giầy, rón-rén đi đến bên song, thò nửa mặt lên trên mảnh kính pha lê mà dòm ra ngoài. Trông thấy ở dưới gốc cây lê, một người con gái áo trắng quần là, dong-nhan yểu-điệu, dạng-bộ đoan-trang, đầu không phấn điểm son tô, cũng đã tưởng-tượng như một người tiên-nữ. Bấy giờ đương lúc trăng trong như nước, đêm sáng như ngày, cuối mắt đầu mày, trông rõ mồn-một, người đó chăng? hoa hiện hình đó chăng? Mái đầu tơ rối, giọt lệ mưa rào, cơn cớ chi đây, tựa bên cây khóc lóc? Tiếng khóc thánh-thót não-nùng, nỉ-non rầu-rĩ, như lẻ bạn tiếng loan gọi nguyệt, như lạc đàn chiếc nhạn kêu sương, làm cho đàn chim chích ngủ trên cành cây, nghe tiếng phải giật mình tỉnh dậy. Người con gái khóc hồi lâu rồi lấy mùi-xoa lau nước mắt, cúi đầu trông xuống mặt đất hình như có ý lấy làm lạ, lại đưa mắt trông ra chung quanh, tựa hồ đã nhìn thấy miếng đá mộ-chí ở bên cái mồ mới đắp kia. Gót sen rón-rén, bước đến bên mồ, sẽ lấy mấy ngón tay trắng muốt sờ vào mặt đá rồi gật đầu hai ba bận. Kế lại đi quanh mồ một lượt, chau mày nghĩ ngợi, tiếng khóc lại nức-nở cất lên. Lần khóc này so với lần trước lại càng áo-não hơn, thê-thảm hơn, khiến người nghe như buốt đến tim gan, so với Lâm-tần-Khanh khóc ở mồ Mai-Hương khi xưa thật chẳng còn bảo ai hơn kém. Mộng-Hà cùng người con gái đứng cách nhau bất quá mấy thước, dưới bóng trăng sáng, trên thì mái tóc vành tai, dưới thì nếp quần gấu áo, đều như in cả vào trong mắt Mộng-Hà; nhận ra thì là một người tuyệt-thế giai-nhân mới ngoài hai mươi tuổi. Mộng-Hà đã kinh về sắc đẹp, thêm cảm về tình si, lại thương cho tấm thân yếu liễu tơ đào, đem dầu dãi ở dưới chỗ trời sương đêm lạnh; lòng chàng như mệt như mê, như ngây như dại, trong một chốc lát mà bể óc trình ra vô số cái hiện-tượng bâng-khuâng. Chợt đâu nghe thấy một tiếng « thình », thì ra vì chàng đứng quá ngây người đi, đụng đầu vào tấm kính trên song mà có tiếng kêu như thế. Lại trông người con gái thì đã không thấy đâu nữa, chỉ còn thấy gió lạnh hắt-hiu, trăng khuya chênh-chếch, đêm đã chừng đến nửa canh ba. Hữu tình ta lại gặp ta, hương còn thơm nức người đà vắng tanh! Không sao được nữa, chàng bèn lại lên giường nằm ngủ. Đêm hôm ấy có ngủ yên được hay không thì Mộng-Hà không bảo người chép truyện, nhưng cứ lấy ý riêng mà đoán thì ta cũng nên vì chàng mà ngâm 3 chương trong bài thơ Quan-thư.

Lạ thay! Người con gái đến đây làm gì? Người con gái vì sao mà khóc? Khóc sao lại thảm thương đến thế? Khóc hoa chăng? Khóc mồ chăng? Hay còn khóc về nỗi riêng gì chăng? Ta chắc nàng cũng cùng một phường bạc mệnh như hoa lê, cũng chung một thói si tình như Mộng-Hà, khóc đó là mượn cớ khóc hoa, kỳ thực là để khóc mình đấy. Than ôi, Mộng-Hà may lắm! mênh mang vũ trụ, còn có người chung lòng và góp lệ đó dư? Ví không duyên nợ ba sinh, làm chi đem sóng khuynh thành chêu ai? Cuộc gặp gỡ đêm nay, chính là bắt đầu bước vào một giấc mộng-tình của Mộng-Hà đó.

Duyệt-giả có biết người con gái ấy là ai không? Người con gái ấy không phải là hồn của hoa lê mà là ảnh của hoa lê đấy. Người con gái bạc-mệnh này với chàng Mộng-Hà đa-tình kia đều là chủ-nhân trong truyện này; muốn biết lai-lịch của người con gái thế nào, trước hãy nên biết tung-tích của Mộng-Hà đã.

Mộng-Hà họ Hà tên Bằng, biệt hiệu là Thanh-lăng hận-nhân, quê ở Thái-hồ tỉnh Giang-tô. Khi sinh ra, người mẹ nhân chiêm bao thấy một đám mây ngũ sắc từ trên trời sa xuống, vì vậy lấy tên tự là Mộng-Hà. Chàng vốn con nhà gia-thế, người cha trước là một nhà nho hay chữ ở trong vùng, sinh được một gái và hai trai, con trai lớn là Kiếm-Thanh, thứ tức là Mộng-Hà đó. Mộng-Hà vì khi sinh có mộng lạ, cha mẹ càng yêu dấu lắm. Mấy người con như hoa tựa ngọc, ai cũng đều háo-hức ngợi khen. Mộng-Hà lúc nhỏ, mặt mày đẹp-đẽ, tư chất thông-minh, cắp sách theo anh, lui tới cửa thầy, bé đã nổi tiếng là thần-đồng, lớn lại nức danh là tài-tử. Người cha thường trông Mộng-Hà mừng mà nói rằng: « Tuổi già được đứa con hay, sự vui thú ở nhân-gian còn gì hơn là thế nữa! » Người cha vốn không thích về đường giầu sang, vả nghĩ Mộng-Hà là kẻ có thiên tài, không muốn cho học đòi lối văn cử nghiệp để lạc-lõng vào vòng danh lợi. Mông-Hà nhân thế càng được chuyên tâm học tập về thơ văn sử sách, lại xem rộng cả đến các truyện giã-sử truyền-kỳ, cõi lòng ngày càng rộng mở.

Trong các thứ truyện thì chàng ham xem nhất là truyện « Hồng-lâu-mộng », đầu giường bên án, không lúc nào dời. Kiếp xưa nặng nợ làm sao, mầm tình sớm dấm, tuổi trẻ hay sầu quá đỗi, cỗi phúc mong chi! Xưa nay con người ta, tài lắm ắt tình sâu, tình nhiều thì sầu nặng. Quyển Hồng-lâu-mộng kia, là ngòi bút khoe tài, vở truyện tả tình, và tập văn gây sầu gợi cảm. Mộng-Hà vốn là người có tài, người có tình, cũng là người nhiều sầu lắm cảm, vì vậy mỗi khi mở đến quyển truyện ấy lại vì người xưa mà lo tính, vì khách tình mà thở-than. Oanh xuân cuốc hạ, gió sớm trăng chiều, vì một mối duyên hờn phận tủi của Lâm-tần-Khanh mà chàng phao-phí đã không biết bao nhiêu hàng lệ. Nhất là xem đến đoạn Tần-Khanh chôn hoa để gửi giận, đốt thơ để dứt tình, chàng lại càng nặng lòng xót thương là một người có tài có tình mà vì sao số phận mỏng-manh đến thế! Có lúc chàng nghĩ vơ nghĩ vẩn, lại ước ao cho đời mình cũng được gặp gỡ một người như Tần-Khanh. Án sách ngồi nhàn, chàng lại lấy những người trong truyện, trên từ Sử-thái-Quân, dưới đến Lã-đại-Thư, tóm-tắt sự tích của từng người mà vịnh cho mỗi người một bài thơ, đều những lời nhả gấm phun châu, ai xem cũng lấy làm thích. Có một người bạn đã nói rằng: « Tu mấy kiếp mới làm được Giả-bảo-Ngọc chứ! Thế nhưng anh đã ao ước thì khéo chẳng lại lạc vào vườn Đại-Quan mà chịu đủ mọi điều khổ não cho mà coi. » Mộng-Hà biết là câu nói diễu mình, chỉ cười không nói gì. Than ôi! câu nói bỡn của người bạn kia, ai hay sau đó vài năm mà quả đã thành ra sự thực. Một tờ nhuốm lệ, đã đưa ai vào chốn tình-trường.

Mười năm đèn sách, một hội gió mây, Mộng-Hà tuy không thiết về đường công-danh, nhưng cũng từng hai lần đi thi sơ-học mà đều không đỗ. Trong lòng bấm-bức, chỉ những bắt chước Giả-trường-Sa mà thở ngắn than dài. Gặp khi cõi học đổi mới, bọn học-sinh thanh-niên phần nhiều bỏ học cũ mà ganh-gổ nhau theo đuổi về đường học mới. Mộng-Hà cũng xin phép cha mẹ, đến tòng học tại trường Sư-phạm Lưỡng-giang. Tới khi ở trường này thi ra thì chàng được đậu vào ưu-đẳng, bấy giờ chàng đã vào trạc hai mươi tuổi. Khi ấy người chị đã gả chồng về nhà họ Dương ở Hoằng-nông, Kiếm-Thanh cũng đã lấy vợ sắp có con rồi, cha mẹ muốn vì chàng lo-lắng cho xong việc hôn-nhân, nhưng chàng cứ một mực chối từ; hỏi cớ làm sao thì không nói, cố gạn thì chỉ dàn-dụa nước mắt mà thôi. Cha mẹ ngờ chàng đã có chốn yêu riêng, dò hỏi những bạn đồng-song thì cũng không ai biết gì cả, bụng nghĩ rất lấy làm lạ. Không biết rằng tâm-sự của Mộng-Hà có chỗ không thể nói ra với ai được. Nhìn bóng băn-khoăn, tri-âm chửa gặp, chiêm-bao lẩn-quẩn, giai-nhân là ai? Một mảnh lòng si, muốn được một người con gái đa-tình thứ nhất trong thiên-hạ mà thờ, há dám đâu khinh thường hỏi bến thăm dòng, vì nghĩ việc ấy có quan-hệ đến hạnh-phúc cả một đời người, có thể nào cẩu-thả cho được.

Không bao lâu, người cha tạ thế, cảnh nhà kém xưa, Kiếm-Thanh phải đi làm xa tại vùng Sở-mâu, Mộng-Hà ở nhà buồn tanh, cũng muốn đi tìm một kế sinh-nhai bằng nghiên bút. Chợt có người bạn đồng học mách ở trường học Dung-hồ đương muốn đón mời một thầy giáo, khuyên Mộng-Hà đi. Mộng-Hà vốn không thích cái nghề gõ đầu trẻ con, nhưng vì bà mẹ nghĩ ở Dung-hồ có người bà con xa họ Thôi, đã sáu bảy năm nay không thông tin-tức; cố khuyên Mộng-Hà cứ nhận giáo-chức ở trường ấy, để tiện đường qua thăm cận trạng nhà họ Thôi thế nào? Mộng-Hà không nỡ trái ý mẹ già, bèn chọn ngày sắm-sửa hành-trang, lưng hòm sách nát, một chiếc va-ly, từ đó Mộng-Hà bỏ cái hạnh-phúc gia-đình, mà nếm cái phong-vị cầu sương điếm nguyệt.

Thuyền xuân một lá, trỏ bến Dung-hồ. Lên bến hỏi thăm đến trường thì trường này cách tuyệt thị-thành mà ở về một chốn thôn-quê vắng-vẻ. Mộng-Hà cũng không hiềm tịch-mịch, lại mừng là được xa lánh chốn trần hiêu. Duy có nhà trường chật-chội, chỗ thầy giáo ở phòng tối mò-mò, có hại cho sự vệ-sinh lắm. Hỏi thăm nhà họ Thôi thì ra cách trường chỉ độ nửa dặm; tối hôm ấy Mộng-Hà bèn sai một tên bồi nhà trường dẫn đường đến chơi. Đi đến nửa đường, sực nghĩ không biết khi đi mẹ dặn nhà họ Thôi có họ-hàng thế nào, nay quên bẵng đi thì đến chơi biết xưng-hô thế nào cho phải? Nhưng đã đến đây chả lẽ còn trở về hỏi lại, huống chi họ cũng đã xa thì cứ liệu đó mà gọi cũng được, người già cả thì ta gọi bằng chú bằng bác, còn người ngang tuổi thì ta gọi bằng anh bằng em, dù có sai lầm, cũng chẳng ai chê cười mà sợ. Mộng-Hà nghĩ thế nhưng cũng vẫn thẹn-thùng, chẳng khác như cô dâu xấu-xí, sắp phải ra chào bố mẹ chồng.

Én đón người xa, vẹt chào khách lạ, Mộng-Hà đến cổng đưa danh-thiếp, chủ-nhân biết là người họ xa ở Cô-tô đến chơi, vội-vàng ra đón rước vào. Mộng-Hà trông xem thì là một ông cụ đầu đã hoa râm, tuổi chừng ngoài sáu chục. Sau khi vào trong nhà, chủ khách thi-lễ ngồi xuống ghế xong, chủ-nhân liền tỏ cái sắc mặt rất hòa-vui, dùng cái lời nói rất thân-ái, bảo Mộng-Hà rằng: « Tình trong thân-thích, dặm cách quan san, tin-tức vắng-tanh, sáu năm thấm-thoắt. Ngày nay tình cờ ngọn gió nào lại thổi đưa cháu đến, thật là sự lão-phu không ngờ. Thảo nào sáng ngày chim khách nó cứ đậu nóc nhà kêu mãi. » Kế lại hỏi thầy mẹ cháu vẫn bình yên chứ? Mộng-Hà ứa nước mắt mà rằng: « Đa tạ lão-bá. Thầy cháu chẳng may đã từ-trần được hơn một năm nay, nghiệp nhà sa-sút, cảnh nhà quạnh-hiu, mẹ góa con côi, ai người thăm viếng, nói đến đấy bèn kể chuyện mình nhận chức dạy học ở trường làng ấy, và khi đi mẹ già có dặn đến đây thăm hỏi bình-yên. Thôi-ông nghe nói, ngậm-ngùi thở dài một lúc lại nói rằng: « Cháu gặp vận nhà suy-bĩ, cơ-khổ linh-đinh, bác nghe không thể không quặn lòng thương cảm. Song xem cháu mặt mũi khôi-ngô, học-vấn bao-quát, đầu xanh tuổi trẻ, lo gì không tiến-đạt có ngày. Có con làm rạng vẻ môn đình, kẻ chết sẽ cũng được ngậm cười chín suối. Đến như cái cảnh của bác đây mới thật là khổ. Muộn-màng được một đứa con trai, năm ngoái bỗng lăn đùng ra chết. Trời xanh độc-địa, cướp sống con ta, không ngờ bác đến lúc về già, lại gặp phải cái nghịch cảnh như thế. Người xưa như bậc hiền-giả ở Tây-hà, kẻ đạt-nhân ở Đông-giã, lâm vào cảnh ấy còn lấy làm đau đớn, huống chi như bác mà có thể làm bậc Thái-thượng vong-tình được sao! Những khi trông thấy dâu hiền phận-bạc, năn-nỉ khóc chồng, cháu dại đầu xanh, ngẩn-ngơ gọi bố, lòng bác thật đứt ra từng khúc. Tuổi tàn được mấy, man-mác đường sau, trông vào đâu và cạy vào ai? Nay may có cháu sang dạy học ở trường làng này, mong cháu nên nghĩ đến chút tình họ hàng và thương lấy đứa trẻ côi cút, phiền cháu nay mai sẽ dạy bảo cho nó được biết năm ba chữ, để gọi là nối lấy nghiệp nhà. Như vậy thì bác cảm ơn cháu không biết chừng nào, dù chết cũng không quên được. » Mộng-Hà đứng dậy mà đáp ràng: « Bác có lòng yêu, cháu đâu lại dám không vâng mệnh; chỉn e tài hèn sức mọn, mà để phụ lòng ủy thác của bác thôi. Chẳng hay năm nay thằng cháu bao nhiêu tuổi? » Thôi-ông nói: « Nó mới lên tám, còn quen nũng-nịu, chưa dời được lòng mẹ ra. Nếu cháu có lòng yêu mà nhận lời, thì nên dọn quách đến ở đằng này, vừa tiện cho thằng cháu học-hành, và bác cũng được có người trò-chuyện sớm khuya, được như thế thật là hay lắm ». Mộng-Hà nghĩ bụng: trong trường đã không có chỗ ở được tiện, thì bỏ đấy đến đây cũng là rất nên, bèn vui lòng nhận lời. Thôi-ông mừng mà rằng: « Cháu thật là người tốt quá! Nhà có cái phòng sách ở phía đông tĩnh lắm, khi thằng-cả còn nó vẫn học-hành ở đấy, từ khi nó mất, lão không muốn bước chân đến đấy, vậy nên vẫn khóa cửa đã lâu. Cái phòng ấy phía trước có núi, đằng sau có ao, phong-cảnh rất đẹp; trước sân lại có giồng một ít hoa, có thể làm chỗ cho cháu uống rượu ngâm thơ, chơi dong nghỉ mát được. Nếu cháu không hiềm đường-đột thì ngay đêm nay đem quách hành-lý đến đây có được không? » Mộng-Hà nói: « Được ạ. » Thôi-ông liền gọi người nhà bảo hỏi « mợ Lê » lấy thìa-khóa mở cửa buồng sách mà thu xếp quét dọn cho sạch sẽ, Mộng-Hà cũng bảo thằng bồi nhà trường về trường lấy đồ hành-lý đến. Thế là bắt đầu từ đêm ấy, Mộng-Hà đã là một người khách trọ ở nhà họ Thôi.