Người Việt Nam với óc khoa học (về sự phân loại)

Người Việt Nam với óc khoa học (về sự phân loại)  (1939) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tao đàn, Hà Nội, số 3 (1er Avril 1939), trang 193-202.

Chừng mười năm nay, trong đám trí thức chúng ta đã có nhiều kẻ tự nhận mà tuyên bố lên rằng người Việt Nam thiếu óc phê bình, không có óc khoa học. Rồi coi bộ ai cũng thim thíp chịu cả, ai cũng làm thinh không cãi lại. Phải, chịu chứ còn cãi sao được: óc phê bình, óc khoa học, đến cái danh nó trong tiếng ta còn chưa có, phải dịch ở tiếng Tây ra, mà bảo cái thực nó, ta có làm sao?

Tuy vậy, chưa hề ai nói rõ ra thế nào là thiếu óc phê bình, thế nào là không có óc khoa học. Khống cáo ai, mà không chỉ ra chứng cứ, người ta chẳng tin; mình tự khống cáo lấy mình, mà không chỉ ra chứng cứ, lắm lúc mình cũng chẳng buồn tin nữa. Vả, cái điều mình tự khống cáo mà nếu mình còn chẳng tin thì cái chỗ mình tự nhận biết cũng chẳng lấy chi làm chắc chắn.

Đã thế thì không ai được nói vung ra một câu nào rồi bỏ đó. Chúng ta có quyền hỏi vặn họ: Thế nào là không có óc khoa học? Thế nào là thiếu óc phê bình?

Hơn nữa, đã đụng đến hai chữ khoa học thì không khi nào được mần ngơ với chứng cứ. Cái khẩu hiệu thứ nhất của nhà khoa học là: chứng cứ ở đâu, tương ra!

Đoạn mở vào bài này luôn thể mà nói đến óc phê bình, chứ bản ý của tôi khi cầm bút là muốn mang ra ít nhiều chứng cứ để tỏ rằng người Việt Nam chúng ta vốn không có óc khoa học, ấy vậy, đây giở xuống, tôi sẽ chuyên nói về óc khoa học mà thôi.

*

* *

Tôi thấy như có cần phải giải thích cái danh từ “óc khoa học” là gì.

Nó sinh ra bởi cái danh từ “khoa học”.

Khoa học, chữ ấy dùng chỉ cái tri thức nào rất đúng và rất chắc, cũng dùng chỉ các môn học đã thành lập riêng từng môn (nên nhớ rằng ngày xưa các môn học đều nhập làm một với triết học), có điều tự, có hệ thống, kẻ học có thể cứ theo đó mà suy nghiệm hay thực hành ra đều đúng không sai, như môn số học và môn thiên văn học.

Nhờ đâu người ta lập nên khoa học? Nhờ ở sự tìm tòi, ở sự kinh nghiệm làm thành ra những trình thức, họp lại là các phương pháp mà người ta kêu rằng “khoa học phương pháp”.

Óc khoa học tức là chỉ về phần tinh thần của cái phương pháp ấy.

Óc khoa học, nói nôm và đại khái, là cái óc tỷ mỷ và có ngăn nắp, rạch ròi mà có sâu suốt, không u òa, không hẩu lốn, đối với sự vật gì cũng muốn theo từng bước một của phương pháp để tìm thấy lẽ thật của nó.

Tiếc tôi không phải nhà khoa học nên khi cắt nghĩa về cái óc khoa học chỉ có thể nói được đến thế thôi. Nhưng nếu mấy lời tôi nói đây không sai lắm thì cũng có thể lấy đó làm căn cứ để xét biết người Việt Nam ta có óc khoa học hay không vậy.

*

* *

Trong những trình thức của khoa học phương pháp có một cái gọi là phân loại.

Phân loại nghĩa là chia ra các vật trong thế gian mà mình muốn chia, cho những vật tuy khác nhau mà có cùng một tánh thì ở về một loại với nhau, và loại nào riêng ra loại ấy. Nó sinh ra bởi khi người ta không chịu được sự lộn xộn mà cần có khu biệt và trật tự giữa mọi vật.

Không đợi nhà khoa học mới có cần đến sự phân loại, người thường cũng có cần đến luôn luôn hay là đã thực hành sự ấy luôn luôn mà không tự biết. Chỉ khác nhau ở chỗ: nhà khoa học theo phương pháp phân loại thì được đúng, còn người thường theo thường thức mà phân loại thì hay sai lầm.

Ví dụ: người thường thấy trên trời, mặt trời sáng về ban ngày, mặt trăng sáng về ban đêm, bèn chia ra hai sự sáng làm hai loại đối nhau; lại thấy khí trời có lúc nóng, có lúc lạnh, bèn chia ra hai khí nóng và lạnh làm hại loại đối nhau: thế là sai lầm. Nhà khoa học thì không thế, vì biết ánh sáng mặt trăng vốn chịu ánh sáng của mặt trời, cái nọ tức cái kia, không chia làm hai được; cũng như biết chỉ khí nóng mới thực có, khi khí nóng bị rút bớt thì thấy lạnh, chứ chẳng hề có khí lạnh là gì, cũng không chia làm hai được.

Theo thường thức mà phân loại khỏi sai lầm thì duy có khi nào gặp cái vật mà mình muốn phân, có sự khu biệt tự nhiên dễ thấy lắm, như người thì có nam có nữ, thú thì có đực có cái, thực vật thì có cỏ và cây… Nhưng nếu bất kỳ việc nào cũng cứ giản đơn như vậy thì ai làm chẳng được, lọ phải nhà khoa học, cần gì đến phương pháp? Người ta đã đặt ra khoa học phương pháp là để hòng cai trị những sự vật phiền phức khó phân hơn.

*

* *

Hình như người Việt Nam ta từ xưa chưa hề có cái quan niệm về phân loại. Bởi sách vở của nho giáo mà ta học ở đây chưa hề có dạy ta về cái quan niệm ấy.

Bình sinh tôi rất lấy làm lạ về điều này: Trong các sách nho có một sách tên là Nhĩ nhã, nói là của Chu Công làm ra trước đây ba ngàn năm. Trong đó, về thiên Thích thú, chia các động vật ra hơi rành rẽ, có phần tương tự với tây học. Tức như bò, dê cho về loại tiết ( 絏 = nhai lại); chim về loại tố (嗉 = mổ); khỉ vượn và chuột về loại liêm (廉 gặm). Thế mà đến gần đây, khi người Tàu dịch sách Tây, về chỗ động vật phân loại, gặp các danh từ đặc biệt ấy họ lại không biết mấy chữ sẵn có trên đó mà dùng, trở đi đặt ra chữ mới rất ngây ngô mà vụng dại, là như không nói tiết mà nói phản sô! Phản sô  反 芻 đến hai chữ mà chỉ có nghĩa là “trở cỏ lại”, thiếu mất nghĩa “nhai” đi, sao bằng một chữ tiết? Thì ra đến chính người Tàu cũng còn không biết tới cái tổ truyền phân loại của mình thay, chứ đừng nói An Nam!

Đến các sách nho ta thường học mở ra thấy đầy những chữ như là tam tài, tam quang, ngũ luân, ngũ hành… còn nhiều nữa, không kể hết, mới nghe như là rành về phân loại lắm, mà kỳ thực nào có phải. Những chữ số mục tên một danh từ ấy chẳng qua bởi người ta thấy cái gì được đến đâu thì kể đến đó, chứ chẳng phải có chú ý làm một sự phân tích cho hợp với lẽ đương nhiên.

Như tam quang: Bởi người ta thấy trên trời có ba vật sáng là mặt trời, mặt trăng và sao thì kể là ba, chứ không nghĩ đến rằng đó là có vật phát quang, có vật thụ quang, đem mà sắp hàng ngang nhau là không hợp lý. Đến ngũ hành cũng thế. Thấy nói kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tưởng như cử ra năm vật ấy chỉ bởi thấy ba vật là cần dùng cho sự sống của loài người. Bởi vậy, đến khi người ta thấy thêm một vật nữa là cốc (các giống hạt, như thóc, đậu) cũng cần dùng không kém thì đã không ngần ngại gì mà thêm một vào đó nữa, rồi gọi là lục phủ! Nếu thực là phân loại, đâu có dễ dàng như vậy!

Theo học thuật của người nước ta trước kia lung thống hàm hồ như vậy cho nên dù không có quan niệm về phân loại cũng không đáng trách. Chúng ta nên để ý mà xem xét từ khi Âu hóa truyền sang vài mươi năm nay, người mình đã chịu ảnh hưởng khoa học nhiều ít, thử cái đầu óc lung thống hàm hồ ấy có đổi đi được chút nào chăng.

Xem các sách của người Việt Nam viết ra gần đây thấy đã có ít nhiều tác giả biết dùng cách phân loại. Nhưng tôi xin nói vội ra ở đây rằng phần nhiều họ không dùng theo phương pháp, cho nên sự phân loại của họ vẫn còn hỗn tạp.

*

* *

Theo khoa học phương pháp, về phân loại có hai điều đáng coi như nguyên tắc: Một là đã phân loại thì không được để có một vật gì lọt ra ngoài các loại mình đã phân; hai là đã phân loại thì mọi vật phải riêng hẳn ra, không được để có một vật gì đã vào loại này mà cũng có thể vào loại khác.

Theo nguyên tắc đó, các nhà khoa học vẫn nhìn nhận rằng từ xưa đến nay chưa có cái phân loại nào cho hoàn toàn được cả, vì tri thức của loài người về tự nhiên hãy còn thiếu thốn quá. Tuy vậy, sự phân loại cũng không vì cớ ấy mà bị bỏ; người ta cứ cố gắng, nếu có thể hoàn toàn được đâu hay đến đó, còn hơn là chịu để mọi sự vật xô bồ với nhau trong không gian hay thời gian hỗn độn.

Hãy xem, có tiếng nhất là cái phân loại về động vật của ông Georges Cuvier[1] đã lập nên, giáp trăm năm nay sách giáo khoa các nước đều theo đó dạy về động vật, đến nỗi thiên hạ công nhận rằng cả loài người đều mang ơn ông về việc ấy, thế mà cũng vẫn còn có chỗ chỉ trích được, lâu lâu lại có người tu chánh một vài điều.

Lại xem, vật chất trong thế gian, từ trước người ta chia ra làm ba: chất đặc, chất lỏng, chất hơi; sự phân loại đó kể cũng đã chu đáo lắm, còn có vật chất nào lọt ra ngoài ba ấy được? Thế mà về sau, người ta còn phát kiến ra một chất nữa dẻo (état colloidal), nếu có thành lập được, rồi đây trong các sách giáo khoa dạy về phổ thông tri thức sẽ bảo chúng ta rằng vật chất trong thế gian có bốn chứ không phải có ba.

Nói vậy cho biết sự phân loại có quan hệ với đường học vấn ra sao, nó khó khăn đến đâu, và mỗi khi chúng ta đem thực hành phải thận trọng dường nào mới được. Rồi xét đến cái công việc ấy của người mình gần đây, thấy lộn xộn lắm, biết rằng họ vẫn còn chưa chịu để ý.

*

* *

Ông giám mục Hồ Ngọc Cẩn[2] có xuất bản sách “Văn chương thi phú An Nam” in lần thứ hai năm 1923 tại một nhà in Hương Cảng. Sách chia làm hai quyển: quyển thứ nhất dạy về văn chương, quyển thứ nhì dạy về thi phú. Ở quyển thứ nhất, chỗ chữ “văn chương” lần đầu thấy, ông có chua là “littérature”.

Chỉ chừng nấy đã thấy sự quai mậu[3] không thể nhịn bẻ bác được rồi. Vả “văn chương” đã là littérature thì thi phú phải có trong phạm vi nó, làm sao đứng ra ngoài được? Nếu thi phú đứng riêng một địa phận khác thì ra nó không phải văn chương hay sao? Và nếu văn chương đã sụt xuống đứng ngang hàng với thi phú, không bao gồm được thi phú, thì nó không còn là văn chương nữa, không còn là littérature. Chưa nói đến trong đó ông dạy những gì và ra sao, chỉ một chỗ gốc đã thấy hỏng rồi. Ở quyển thứ nhất, chỗ dạy viết thư từ, tác giả chia thư từ làm sáu loại: 1. thư thăm viếng, 2. thư mừng, 3. thư xin, 4. thư cám ơn, 5. thư trả lời, 6. thư giải buồn. Tôi đọc tới thấy ngay có loại thừa, loại thiếu.

Thừa là hai loại “thư mừng” và “thư giải buồn”. Cả hai đều không đứng riêng làm loại được mà phải bị bao gồm vào trong “thư thăm viếng? Vì khi kẻ khác có việc mà mình gửi thơ mừng hay khuyên giải là tùy việc vui hay buồn, chứ tổng chi cũng là thăm viếng cả. Theo phương pháp phân loại, gặp trường hợp đó, muốn được kinh tế hơn, thì phải chia một lần nữa, do loại “thăm viếng” sinh ra mấy thứ như là “mừng” và “giải buồn”, v.v…, tùy mình. Nhưng đó lại là vấn đề khác, ở đây tôi chỉ cốt biện cho rõ điều này: ngoài “thư thăm viếng” không có gì là “thư mừng”, và “giải buồn” hết. Thế thì ba loại đó chỉ một loại “thư thăm viếng” là đứng được và đủ rồi.

Nói đến thiếu. Giá phỏng tôi có một người bạn lành nghề viết báo, lại có một người bạn khác mới mở tờ báo và đang đi kiếm một viên chủ bút lành nghề, tôi bèn viết thư tiến cử người bạn thứ nhất cho người bạn thứ nhì, thì, theo sáu loại trên đó, thư của tôi sẽ vào loại nào? Có lẽ phải ghép ép uổng vào loại thứ ba: “thư xin”. Nhưng, vốn tính tôi không xin, tôi tiến cử người lành nghề này là cốt vì tờ báo chứ không vì người ấy. Thế thành ra thư ấy của tôi không nhét vào loại nào được cả, mặc dầu ông Hồ chia thư từ ra cho đến sáu loại!

Vậy muốn sự phân loại đó có thể hoàn toàn, phải chăng là nên bớt đi hai, thêm vào một, thành ra có năm loại: 1. thư thăm viếng, 2. thư xin, 3. thư gửi gắm, 4. thư cám ơn, 5. thư trả lời? Gởi gắm là thư giới thiệu người này hay phó thác việc gì cho ai, tức trong lối xích độc của người Pháp gọi là “lettre de recommandation”[4] vậy.

*

* *

Một sự phân loại còn lôi thôi hơn, còn vô lý hơn, là trong sách Nam hải dị nhân liệt truyện của ông cử Phan Kế Bính. Từng có người nói: Phân loại mà không rành mạch, không đâu ra đó, thì thà cứ để nguyên đừng phân chi hết còn hơn! Đối với việc ông cử Phan đã làm, tôi cũng muốn phê bình một câu giống như thế.

Cả sách chia làm tám chương, mỗi chương một loại: 1. Các bậc đại anh kiệt, 2. Các bậc danh thần, 3. Các bậc danh hiền, 4. Các bậc văn tài, 5. Các bậc mãnh tướng, 6. Các vị thần linh ứng, 7. Các vị tiên thích, 8. Các người có danh tiếng.

Ông Phan cũng quen theo lối các nhà văn ta xưa, mỗi khi dùng một danh từ có vẻ đặc biệt không hề cấp cho nó một cái định nghĩa. Thành thử các danh từ dùng mà phân loại trên đây, như cái thứ nhất, đại anh kiệt, thì không biết thế nào là đại anh kiệt!

Về loại ấy có bảy người, đầu là Trưng Vương, cuối là Gia Long đế.

Theo tánh cách họ thì Hưng Đạo Đại Vương có thể dự vào lắm, song không có. À, mà bảy người đều là đế vương cả, có lẽ vì vậy nên không sắp Trần Quốc Tuấn vào. Nhưng lại cũng không có Lê Thánh Tôn. Thì ra trước mặt ông Phan Kế Bính, Lê Thánh Tôn không đáng là đại anh kiệt của nước Nam?

Loại thứ nhì là danh thần, loại thứ ba là danh hiền, chẳng biết tác giả cứ vào đâu để phân biệt hai loại ấy? Danh thần là kẻ bầy tôi có tiếng; danh hiền là kẻ hiền có tiếng; nhưng đã là kẻ bầy tôi có tiếng không phải không gọi được là kẻ hiền; và những người ở vào loại kẻ hiền có tiếng đó không phải là chưa hề làm bầy tôi, thì sao chia ra được như thế? Bởi sự lẩn thẩn đó mà từ Lý Thường Kiệt giờ xuống chín người vào loại danh thần, nếu ai nghịch chơi, đem đổi đặt vào loại danh hiền, cũng chẳng thấy điều gì trở ngại; và từ Mạc Đĩnh Chi giở xuống bốn người vào loại danh hiền, nếu đánh tráo qua loại danh thần cũng chẳng hề chi!

Loại văn tài, từ Nguyễn Hiền đến Lê Quý Đôn tám người, không có Nguyễn Trãi hay Mạc Đĩnh Chi. Chẳng có lẽ gì khác hơn là Nguyễn Trãi mắc ở vào loại danh thần, Mạc Đĩnh Chi mắc ở loại danh hiền mất rồi! Nhưng còn sao Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn lại không ở vào loại danh thần hay danh hiền mà phải ở vào loại văn tài mới được?

Lê Phụng Hiểu và Lý Thường Kiệt, hai người có tư cách tài phẩm giống nhau, chẳng biết vì lẽ gì Lý phải ở loại danh thần, Lê phải ở loại mãnh tướng? Lý Thường Kiệt ở loại danh thần được, thì sao Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt lại phải ở loại mãnh tướng mà không ở loại danh thần?

Buồn cười nhất là loại cuối cùng: các người có danh tiếng sao lại đứng riêng làm một loại được? Hết thảy những người ở trong bảy loại, trước loại ấy, lại không phải những người có danh tiếng cả sao? Loại này chỉ có bốn người: hai đàn ông là Ngô Soạn, Tả Ao, hai đàn bà là Từ Nhị Khanh, Nguyễn Thị Điểm. Thì ra số người có danh tiếng ở nước Nam từ xưa đến nay chỉ có bốn người ấy! Và, kêu bằng “các bậc văn tài”, ở nước Nam cũng chỉ có đàn ông được dự mà thôi, còn Thị Điểm, dù là tay viết nổi bộ “Tục Truyền kỳ mạn lục” mặc lòng, là đàn bà thì không được dự! Thế thì chẳng biết Thị Điểm lấy cái gì làm nên danh tiếng?

Tóm lại, cả sự phân loại của sách “Nam hải dị nhân liệt truyện” thật hỏng bét, chẳng có một chữ nào đứng được. Tôi chẳng biết phân loại như thế thì phân làm gì!

*

* *

Sau hết vui miệng tôi nói luôn đến “Khối tình con” của ông Nguyễn Khắc Hiếu. Ông này là tay thi sĩ trời sinh, tôi không dám đem sự chia tách tỉ mỉ nhét vào óc lãng mạn của ông, tôi nói đây chỉ vì thấy là điều đáng nói.

Mục thứ nhất của tập ấy, ông đề là “thơ, vịnh”, và chia ra bốn mục con: “thơ tình, thơ cảnh, vịnh sử, vịnh Kiều”.

Sao lại đặt vịnh ngang với thơ? Có lẽ nào thơ khác vịnh khác? Khi tôi vừa thấy thì tôi hỏi ngay câu ấy trong đầu tôi. Kịp đọc đến những bài “vịnh” của ông thì thấy cũng đường luật, cũng cổ phong, cũng lục bát như thơ của ông vậy. Tôi cho rằng bởi ông có ý lập dị trong một giờ mà làm ra như thế. Nhưng làm như thế kết quả đến phá hoại cả văn thể!

Trong văn thể, thơ là một loại lớn, rồi dưới nó muốn chia ra mấy thứ tùy mình. Nay ông Tản Đà đem vịnh lên đặt ngang với thơ, thế chẳng khác thêm vào một loại nữa; nhưng sự thêm ấy nào có đáng, chỉ làm loạn trí kẻ đọc ông đó thôi.

Theo phép văn học phân loại, có thể lập cho một phần mục lục sách Khối tình con một cái biển như thế này:

Khối tình con của Nguyễn Khắc Hiếu I. THƠ Ngôn tình
Tả cảnh
Vịnh sử
Vịnh Kiều

Nhưng theo ông Tản Đà thì cái biển lại thành ra thế này:

Khối tình con của Nguyễn Khắc Hiếu I. A. THƠ Thơ tình
Thơ cảnh
B. VỊNH Vịnh sử
Vịnh Kiều

Đó, vẽ ra như thế, càng thấy cái biển trên hợp lý chừng nào thì cái biển dưới bất hợp lý chừng ấy, không đợi cắt nghĩa thêm. Có theo cái biển trên thì mới khỏi trái với phép phân loại về văn học chung của thế giới.

*

* *

Trên đó là những chứng cứ cử ra, về sự phân loại bất hợp lý để tỏ rằng người Việt Nam không có óc khoa học. Trong khi viết đây, tôi đương làm thầy giáo quốc văn ở một trường tư, trên bàn sẵn có ba cuốn sách nói trên, tiện cho tôi dùng làm tài liệu thì tôi dùng, chứ vốn không có ý gì chỉ trích riêng ba tác giả nó.

Khoa học phương pháp cũng không phải chỉ có một việc phân loại. Nhưng nếu chỉ lấy làm chứng cứ cho biết chắc rằng không có óc khoa học thì cử ra một việc phân loại hỏng cũng đủ lắm rồi. Tuy vậy, ngoài cái mục đích làm chứng cứ, tôi không có mục đích khác. Tôi muốn đặt vào đây một sự hy vọng.

Trong lúc nền học thuật nước ta bắt đầu độc lập, tôi thấy như ai nấy có khuynh hướng về văn học hơn khoa học, ấy là một cái hiện tượng đáng cho chúng ta không lấy làm mãn ý. Có người đã ví văn học và khoa học như hai cánh của chim, chích một không bay nổi. Chuyên chuộng văn học thì lâu ngày nó sẽ thành ra vô thực dụng, cái gương Hán học hồi trước vẫn còn treo mãi cho chúng ta. Vậy thì bổn phận của kẻ học nước ta ngày nay là phải làm sao cho khoa học tiến ngang với văn học mới được.

Vậy mà trong đám thanh niên hiện thời, những người có thể gọi là hiếu học, tôi thấy như họ đều lăm le ngồi trong tháp ngà hơn là vào buồng thí nghiệm. Có ai đem cái danh từ “phân loại” hay “classification” ra nói với họ, họ chẳng buồn nghe hay rất đỗi chẳng buồn hiểu là gì. Cái thái độ lãnh đạm đối với khoa học ấy, bao giờ cho người ta đổi đi: đó là chỗ hy vọng của tôi.

Sự phân loại ở giữa học giới phương tây là một công trình gian lao, vĩ đại mà hiển hách lắm, đến nỗi có người cả đời chỉ chuyên môn về nó mà cũng trứ danh chẳng kèm các nhà chuyên môn khác. Bởi vậy trong tiếng Pháp, để chỉ những người ấy, mới có chữ “classificateur”. Thế thì hỏi tại làm sao cái danh từ “phân loại gia” hay “nhà phân loại” lại không sản xuất và thông hành trong tiếng Việt Nam?

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Georges Cuvier (1769-1832) nhà tự nhiên học Pháp, được coi là người đặt cơ sở cho ngành giải phẫu so sánh và ngành cổ sinh học.
  2. Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) Giám mục Công giáo, nhà hoạt động văn hóa.
  3. quai mậu: chưa rõ nghĩa; “quai”, chữ Hán, 乖 /guài/ có một nghĩa là trái ngược, không hòa với nhau; “mậu”, chữ Hán, 謬 /miù/ nghĩa là nói sai; “quai mậu” phải chăng chỉ sự nói sai?
  4. xích độc: chưa rõ nghĩa, có lẽ là phiên âm từ 尺牘 (xích độc) nghĩa là thư tín; lettre de recommandation (chữ Pháp) : thư giới thiệu, thư tiến cử, thư gửi gắm.