Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Thời-đàm

   

THỜI-ĐÀM[1]


VIỆC CHIẾN-TRANH

Chiến-tranh! Chiến-tranh mãi! Chiến-tranh không biết đến bao giờ thôi.

Quá nửa thế-giới vẫn còn đương sâu-sé nhau; một góc địa-cầu vẫn còn mờ-ám trong đám khói-đạn, càng ngày càng đặc, càng ngày càng nồng. Phàm người có tấm lòng khối óc, biết tư-tưởng, biết cảm-giác, ai là người chẳng nghĩ-ngợi trong trí, đau-sót trong lòng, băn-khoăn trong dạ, vì cái cuộc chiến-tranh thiên-sầu vạn-thảm này! Vì sự chiến-tranh không phải là chỉ quan-hệ đến một Âu-châu, thực quan-hệ đến cả thế-giới. Dù những nước ở thật xa nơi chiến-địa cũng phải chịu ảnh-hưởng những việc ngoại-giao, việc chiến-dịch sẩy ra ở đất Âu-châu. Trong bài này ta thuật lại qua những việc nhớn trong hai tháng bẩy tháng tám.

Ở nước Pháp. Mấy ngày đầu tháng bẩy, quân Đức ở mặt Pháp phải một trận đại-bại, cũng đau bằng trận thành Verdun năm ngoái.

Nguyên mùa xuân năm nay, quân Pháp Anh hiệp-lực cố đánh, quân Đức phải tháo lui, bỏ mất nhiều trận-địa rất quan-trọng. Có một nơi gọi là cao-nguyên Craonne, ở phía bắc thành Reims, là cái thế hiểm-yếu nhất của quân Đức, từ khi bị mất, xem ra tiếc lắm, vẫn chú-ý đánh cướp lại. Ngày 2 tháng 7, khởi đầu công-kích, phóng-pháo vào hàng trận Pháp rất dữ. Cái chiến-tuyến ở nơi ấy kể cũng không dài mấy mà quân Đức tập-hợp lại đấy đến hai sư-đoàn (division), hơn 4 vạn người, toàn tinh-binh, đem lại chỉ để chủ đánh trận ấy. Về mặt Pháp ở tiền-binh chỉ có 4 đội khinh-bộ-binh (chasseurs), cả thẩy hơn 4 nghìn người. Khi mới giao-chiến quân Pháp phải bỏ mất một phần đất ở nơi gọi là cao-nguyên Californie. Quân Đức lập-tức kéo tràn vào đầy các hầm-hố. Giữa lúc bấy giờ pháo-binh Pháp nấp ở đằng xa được hiệu phóng-pháo vào như mưa, trong giây phút người chết như rạ. Mấy đội quân Pháp bèn quay lại, cắm đoản-kiếm (baïonnettes) vào súng, xông vào áp-chiến, quân Đức còn người nào bị giết, hoặc đuổi chạy, hoặc xin hàng hết. Chiều ngày 3, quân Đức thực thua to, hai sư-đoàn tinh-binh bị phá tan cả. Bên Pháp thì không tổn-hại mất mấy. Thế là trong trận ấy chỉ có 4 nghìn quân Pháp đánh nổi 4 vạn quân Đức, nhờ có pháo-binh đến giúp vừa gập dịp cũng có, nhưng cũng bởi quân-lính can đảm nhiều.

Từ đấy quân Đức cứ công-kích luôn, đánh từng bộ-phận một trong suốt giọc quân, từ Verdun đến bể. Ngày 10 tháng 7 có cướp được một trận-địa của Anh ở gần Nieuport (mặt Tỉ), nhưng các nơi khác đều bị thua cả.

Trong khoảng bấy giờ nội-tình nước Đức đương quẫn lắm. Mưu việc hòa riêng với Nga không xong, lại bị quân Nga Lỗ (Nga với Lỗ-mã-ni) đánh công-thế ở mặt Áo rất dữ. Trong nước thì thủ-tướng Bethman-Hollewg bị đổ. Dư-luận đã thấy sinh biến. Vậy quân Đức ở Pháp cố đánh lấy một trận cho được, dù trận nhỏ nữa mặc lòng, cốt để lấy cớ loa-truyền trong nước cho an-ổn lòng dân. Bởi thế ngày ngày công-kích, thua lại phản-kích, bộ-binh hai bên áp-chiến nhau, lửa đạn như tưới trên đầu, thực không có nhời nào tả được cái cảmh-tượng kinh-hồn. Đánh dữ chẳng kém gì ở Verdun năm ngoái, thây người chất thành đống. Tuy vậy mà quân Đức cũng không tiến được thước nào. Hoàng-thái-tử Đức năm ngoái cầm quân ở Verdun đã bị thua, năm nay chủ-trương cái « đại công-thế » này lại hỏng nốt. Tưởng ghê-gớm lắm, rút cục cũng đến thất-bại mà thôi, mà hại biết bao nhiêu người. Sau này nhà vua Đức đồ-địa thì quốc-dân Đức chửa biết oán Hoàng-thái-tử chừng nào!

Quân Pháp-Anh đã kinh-doanh xong các trận-địa chiếm được mùa xuân mới rồi, sắp-sửa để khởi-hành công-thế nữa. Hiện đã bắt đầu từ ngày 1 tháng 8, mục-đích là đuổi quân Đức ở nơi đồng-bằng nước Tỉ, giữa khoảng sông Escaut cùng bể Bắc-hải, các tầu ngầm Đức vẫn dùng đường men bể ấy làm căn-cứ.

Ngày 1 tháng 8, pháo-binh bắn rọn đường trước, rồi quân Pháp-Anh tiến lên theo một giọc dài 24 cây-lô-mét, cướp được nhiều làng ở giữa khoảng từ thành Ypres ra bể, sang qua được con sông Yser, sông ấy từ tháng 8 năm 1914 vẫn phân cách hai quân. Tuy vùng ấy giời mưa nhiều, mà quân Pháp-Anh vẫn cứ tuần-tự tiến lên, chiếm từng trận-địa từng thôn-lạc một.

Về phía nam một ít thì quân Anh đương vây thành Lens, là nơi trung-tâm một vùng nhiều mỏ than. Hiện nơi phụ-cận thành đã vào tay quân Anh rồi. Ngày 18 tháng 8, quân Pháp-Anh lại được một cái chiến-thắng nữa, là hạ được thành Langemark, bắt được 1200 chiến-tù, cùng nhiều đại-bác.

Tự ngày 20 tháng 8 quân ở miền Verdun cũng khởi-hành công-thế theo một giọc quân dài đến 25 cây-lô-mét, định đánh đâm ngang vào sườn quân Đức đóng ở mặt ấy.

Về mặt Ý, thì quân Ý mấy độ này phải giữ thế thủ để kinh-doanh các trận-địa đã chiếm được, nay cũng mới đồng-thời bắt đầu tiến lên hướng thành Trieste.

Đó là những việc chiến-dịch nhớn trong hai tháng mới rồi. Quân Đồng-minh vẫn được thắng-lợi luôn, quân Đức-Áo thì tuy cố hết sức mà chỉ thấy lùi không thấy tiến. Như thế thì dù chưa có trận nào quyết-chiến, nhưng cái đại-thế vẫn là rất tốt cho bên Đồng-minh.

Xét đó thì đủ biết cái thế của Đồng-minh thực là vững vàng. Bởi thế cho nên mấy lần đảng Đức-Áo dùng cách gián-tiếp để mời Đồng-minh bàn việc giảng-hòa, các chính-phủ Pháp, Anh, Ý, nhất quyết không làm tai nghe những nhời giả dối ấy. Tuy bên nước Nga có điều bối-dối, mà Đồng-minh không hề ngã lòng chút nào.

Thượng-tuần tháng 7, Hạ Nghị-viện Pháp mấy hôm bàn luôn về đại-thế việc chính-trị, đến ngày 7 thì quyết-nghị biểu lòng tin với tòa Nội-các của quan thủ-tướng Ribot, xin cứ giữ một chính-sách như cũ mà theo đuổi việc chiến-tranh cho đến ngày toàn-thắng. Như thế thì cả quốc-dân cũng là đồng lòng với chính-phủ mà chủ một mục-đích chung, lo gì chẳng có ngày tới được.

Cũng trong khoảng thượng-tuần tháng 7, quân-đội của nước Mĩ gửi sang giúp Đồng-minh mới sang tới Pháp. Đái-lĩnh quân-đội ấy là đại-tướng Pershing. Thống-tướng Joffre sung phái-bộ sang Mĩ mấy tháng trước cũng về Pháp cùng một hồi ấy. Dân Pháp hoan-nghênh quân Mĩ rất là nhiệt-thành vui-vẻ, cái cảnh-tượng không nhời nào kể xiết được.

Người Mĩ vốn có tài kinh-doanh không ai bằng, hiện đã tổ-chức được quân-đội rất mạnh, võ-trang khí-giới đủ cả, lại đương gây-dựng một hạm-đội tầu bay, nhiều đến 2 vạn chiếc. Các xưởng tầu thủy cũng cục-lực chế-tạo, để cho tróng được thật nhiều tầu mà bổ vào số thương-thuyền của Anh bị tầu ngầm Đức đánh đắm.

Trong tháng 7 mới rồi số tầu bị hại đã kém hơn các tháng trước nhiều, xem như thế thì biết cái kế đánh bằng tầu ngầm của Đức cũng là không thành hiệu được mấy tí, mà cái mưu muốn dùng tầu ngầm để vây nước Anh cũng đến thất-bại mà thôi.

Việc nội-biến ở nước Nga. Đầu tháng 7 thì cái tình-thế ở nước Nga đã thấy ràng-rạng được đôi chút.

Nhờ có thủ-tướng Kerensky thực là một bực đại anh-hùng trong nước Nga bây giờ, đương lúc bối-dối nhất-thân ra cáng-đáng cả trách-nhiệm chính-phủ, nên từ ngày 1 đến 3 tháng 7, quân Nga đánh một trận công-thế rất dữ, bắt được 1 vạn 4 nghìn chiến-tù Áo-Đức, 40 khẩu đại-bác. Mấy hôm sau nữa lại tiến lên, được một trận đại-thắng ở phía tây Stanislau, bắt được 8 nghìn chiến-tù, nhiều súng đại-bác cùng súng cơ-quan (mitrailleuses). Ngày 10 tháng 7 lại được một trận nữa, chiếm-cứ thành Haliez, đuổi quân địch chạy tán-loạn.

Giữa lúc bấy giờ thì bên Đức đương bối-dối. Thủ-tướng Bethman xin từ-chức.

Được mấy tin ấy, Đồng-minh lấy làm mừng lắm, tưởng cái giờ kết-cục đã sắp đến nơi, bọn Đức-Áo bị cặp giữa hai đầu kìm, tất không sao cựa được nữa.

Thủ-tướng Anh Lloyd Georges điện mừng thủ-tướng Nga Kerensky có câu rằng: « Xem quân Nga đánh công-thế mới rồi đắc-thắng như thế thì đủ biết nước Nga nay đã thoát khỏi áp-chế, được hưởng tự-do, tất hiểu rõ rằng hiện nay chưa thể giảng-cầu sự hòa-bình được, nước Tắc nước Tỉ còn phải chịu lầm than, công-tội các chính-phủ còn chưa biện phân-minh được, thì còn chưa thể giảng-hòa được. »

Hốt-nhiên tự ngày 18 tháng 7 thấy tin bên Nga về nguy quá: Quân Nga ở Galicie đương thua chạy, không yếm-tế được cho hữu-dực quân Lỗ; tình-thế rất là cấp.

Cùng một ngày ấy ở Nga-kinh khởi loạn, lâm-thời-chính-phủ đương bị nguy.

Không biết đầu-đuôi ra làm sao, sự-tình thế nào.

Muốn giải duyên-do việc nội-biến ấy thì phải thuật lại ngành-ngọn sự Cách-mệnh ở nước Nga, kỳ báo trước chưa kịp nói đến vì khi ấy việc còn mập-mờ lắm, nay đã rõ đầu đuôi như sau này.

Khởi lên việc Cách-mệnh là bởi Nghị-viện (Douma) cùng bọn thợ ở thành Petrograd (Nga-kinh) kết-liên với bọn quân-lính.

Ở Nghị-viện, đảng có thế-lực nhất gọi là « đảng thiếu-niên » (parti « cadet »), người đầu đảng ấy là Milioukof. Milioukof khởi lên công-cáo những tội của chính-phủ cũ. Vì ngày nay mới rõ rằng mọi sự bại-hoại trong nước Nga từ xưa đến giờ là bởi nhà vua Nga cả; vợ Nga-hoàng Nicolas II vốn là người Đức, tính quyền-mưu hiểm-độc, nhân vì chồng nhu-nhược can-thiệp vào chính-sự trong nước, tư-thông với người Đức để hại nước Nga. Dùng tiền Đức hối-lộ những bọn quyền cao chức trọng trong nước để vị Đức mà phản-quốc. Thậm-chí đến trong quân-đội, các bực tướng-tá cũng có người vị lợi phản nước như thế. Hồi năm 1916, vì viên binh-bộ-tổng-trưởng Sturmer mưu-phản nên quân Lỗ-mã-ni mới đến nỗi thua to như thế. Nay phát-giác những việc ấy ra, nhân-dân rất là tức-giận, phá-đổ nhà vua, đặt lâm-thời-chính-phủ, họp thành hội-nghị Lập-hiến (Assemblée Constituante), định lập nước Nga làm nước cộng-hòa-dân-chủ, đặt hiến-pháp mới.

Đảng « thiếu-niên » khởi ra sự Cách-mệnh ấy là đảng trung-lưu-xã-hội, gồm những người có học-thức trong nước, nhưng không có liên-tiếp, không được lòng với bọn dân-đảng. Những tay lĩnh-tụ trong đảng « thiếu-niên », như Milioukof, Goutchkof, Chingaref, vương-tước Lvof, đều là người công-bằng chính-trực, tuy mở đường cho sự cách-mệnh, nhưng không muốn dùng những kế bạo-động. Sơ-tâm chỉ là muốn bãi chính chuyên-chế cũ để đặt chính lập-hiến theo lối nước Anh mà thôi.

Thực-hành sự cách-mệnh là tự đảng dân. Người dân xưa nay đã bị áp-chế nhiều, bị đói, bị khổ trăm chiều, được dịp cách-mệnh, muốn cách-mệnh cho đến cùng. Lại đảng quân kết-liên vào, vì quân cũng là ở dân mà ra, sai giết anh em mình không chịu.

Ngay tự ngày mới khởi cách-mệnh đảng thợ với đảng binh đã đồng-tâm-hiệp-lực với nhau. Ở Nga-kinh những đại-biểu của hai đảng ấy lập thành một hội-nghị. Các tỉnh khác cũng bắt chiếc đặt hội-nghị như thế.

Đại-biểu hai đảng « công-binh » thì toàn là những người giữ cái « xã-hội-chủ-nghĩa » (socialisme), có người giữ cái « quốc-tế-chủ-nghĩa » (internationalisme) nữa. Nhân thế họp-tập cả những bọn cách-mệnh, bọn « vô-chính-phủ » (anarchistes) ở tứ phương lại. Trong bọn ấy có nhiều những kẻ bại-liệt ô-hạnh, ăn tiền của Đức để mưu phản nước mình. Thứ nhất là tên Lenine khi trước phải tội trốn sang Thụy-sĩ, nghe tin cách-mệnh được giấy thông-hành của Đức cho đi qua nước Đức về Nga, công-nhiên vận-động để phản-bội nước mình. Nhờ được những phường vô-liêm-sỉ ấy, quân Đức lại tìm đường quấy dối chính-phủ mới nước Nga, cũng như xưa đã ngăn-trở chính-phủ cũ bởi tay bọn đầy-tớ vợ Nga-hoàng.

Bởi thế mà trong nước Nga sinh ra hai phe tranh-quyền nhau: một bên là Nghị-viện thuộc về đảng trung-lưu, chủ sự ôn-hòa, một bên là hội-nghị của hai đảng « công-binh », giữ cái xã-hội-chủ-nghĩa. Sự tranh-quyền ấy thực là hại cho nước Nga đương buổi bối-dối này. Nhờ có ông Kerensky làm hình-bộ-tổng-trưởng, người rất có thế-lực, được lòng tin của hai bên, nên trong ba tháng giời vẫn điều-đình được, không đến nỗi sung-đột lắm. Nhưng mà sự cạnh-tranh tất có ngày vỡ-lở ra.

Mối sung-đột thứ nhất là thuộc về việc ngoại-chính Hội-nghị của đảng « công binh » thì phản-đối với cái chính sâm-lược của nhà vua cũ; lâm-thời-chính-phủ thì muốn giữ cái chính-sách đã theo từ khi khai-chiến. Trong chính-phủ có Milioukof cố giữ cái ý-kiến rằng nước Nga tất phải đánh lấy được thành Constantinople (là kinh-đô nước Thổ) thì vận nước sau này mới có thể phát-đạt được.

Đảng xã-hội (tức là đảng công-binh) ngày 5 tháng 5 bèn vận-động để phản đối Milioukof, kịch-liệt đến nỗi lưu-huyết trong thành Petrograd. Sau Milioukof phải từ chức.

Hai bên điều-đình nhau mãi đến ngày 18 tháng 5 mới lập thành một tòa nội-các gọi là « đoàn-kết nội-các » (cabinet de coalition), trong tòa có sáu viên là người của đảng công-binh.

Từ đấy nước Nga mới có một chính phủ nhất-chí, hợp với tình-thế quốc-dân.

Bấy giờ nhân nước Mĩ mới can-thiệp vào cuộc chiến-tranh, xướng lên cái nghị rằng xin các chiến-quốc sát-hạch lại cái mục-đích sự chiến-tranh của mỗi nước thế nào.

Ngày 18 tháng 5, chính-phủ mới nước Nga bèn công-cáo cho liệt-cường biết rằng nước Nga chỉ mong cho tróng được hòa-bình, không định cướp đất nào, không định lấy lợi gì, chỉ cốt bảo-tồn cho các dân-tộc được quyền tự-chủ mà thôi.

Từ đấy tuy quân Đức hết sức vận-động để khiến nước Nga hòa riêng, mà chính-phủ Nga nhất-định không nghe, thực là một lòng trung-thành với Đồng-minh.

Bọn đương-đồ bên Đức thấy đảng cách-mệnh Nga đã tỉnh-ngộ, không chịu nghe mình khuyên-dỗ nữa, lấy làm căm-tức lắm, bèn lại gấp sức lên, đem người đem tiền sang mà vận-động để thu lấy cái thế-lực cũ. Lenine đứng đầu đảng « quá-kích-cách-mệnh » (révolutionnaires maximalistes) đã tư thông với Đức, dùng cách bạo-động để xướng lên sự hòa riêng với Đức. Quân-lính ở trận-tiền cũng nghe nhời đảng ấy, tự nghĩ rằng như thế thì sự chiến-tranh không có mục-đích nữa, chẳng nên liều thân làm gì. Có nơi quân lùi về không đánh nữa. Quân Đức nhờ được thế, rút quân mặt Nga về đánh mặt Pháp, ngăn-trơ công-thế của quân Pháp-Anh.

May bấy giờ chính-phủ có được ông Kerensky lĩnh-chức lục-quân tổng-trưởng. Ông bèn thân-chinh ra nơi hàng trận diễn-dụ cho quân lính nghe. Đến cuối tháng 6 thì tình-thế đã bớt nguy. Nhưng chính-phủ không ngờ rằng còn đảng « cực-đoan cách-mệnh » (extrémistes), chịu mệnh-lệnh tự Berlin (Bá-lâm) mà vẫn đương vận-đọng để phản nước. Mục-đích Đức là muốn dùng đảng ấy để phá-đổ chính-phủ Nga đã làm hỏng mưu mình.

Kịp đến khoảng tự 15 đến 20 tháng 7, là cái thời-kỳ rất nguy cho nước Nga. Cái mưu nước Đức tuy bị hỏng lần trước, mà lần này thực là khéo bày.

Ngày 16 tháng 7. một bọn quân-lính nghe nhời đảng cách-mệnh, khởi loạn lên ở Petrograd, định bắt các viên chính-phủ, cướp nhà kho-bạc cùng các nhà ngân-hàng. Cái cớ sự khởi-loạn ấy là chính-phủ mới gửi mấy quân-đội ra trận-tiền. Bọn lính thủy đóng ở cửa Cronstadt cũng theo mà khởi loạn như thế.

Trong lúc bấy giờ quân Nga ở hàng trận Galicie không chịu theo tướng-lệnh, nhất-định lùi về không đánh. Quân Đức cứ việc tràn vào, tiến đến thành Tarnopol.

Đương buổi quá nguy ấy, Kerensky cùng các viên chính-phủ lại hết sức hùng-cường mà chống-đối lại. Ngày 20 tháng 7 trấn-đoạt được sự khởi-loạn, sai quân hậu-vệ ở Galicie cố ngăn quân Đức không tiến lên được nữa, phàm tên quân nào lùi một bước là bắn ngay tức thì, không tha.

Nước Nga trong khoảng mấy ngày ấy thực đã qua nhiều buổi cực thảm. May sao mà lại thoát nạn được. Tự ngày 20 tháng 7, trong thành Petrograd lại được yên-ổn như thường. Kerensky từ nay thành bực anh anh-hùng cứu nước, lên làm thủ-tướng, thu hết quyền chính-trị trong tay. Bao nhiêu bọn cách-mênh về đảng với Đức bị bắt hết, phát-giác nhiều giấy má chứng rằng bọn ấy đã bán nước cho Đức, giấy đem công-bố cho quốc-dân biết.

Song về đường quân-sự cái tình-thế vẫn còn chưa được tốt lắm. Quân Nga ở Galicie cùng Bukovine phải lùi về saư đường sông Dniester, cái kết-quả của sự thắng-lợi mấy tháng trước mất cả.

Trong tháng 8 này thì nhờ tay quả-đoán của ông Kerensky được đảng « công-bình » cùng đảng dân nhà quê giúp cho, toàn-quốc đã được yên-ổn cả. Định đến 30 tháng 10 này thì họp quốc-họi để đặt hiến-pháp. Mong rằng từ nay đến bấy giờ không sẩy ra sự biến gì, để cho nhẹ bớt cái gánh nặng trên vai mấy nhà nghĩa-sĩ Nga đương khổ tâm lao-lực vì nước.

Đương khi quân Nga ở Galicie núng thì quân Lỗ-mã-ni nhờ có một tư-lệnh-bộ Pháp đái-lĩnh, đã chực khởi-hành công-thế. Tự ngày 25 tháng 7 tiến lên đường quân Áo ở núi Carpathes, dài được 24 cây-lô-mét. Tiến luôn cho đến ngày 10 tháng 8, nhưng từ đấy vì quân Nga ở Bukovine lùi về, nên cũng bị ngăn trở. Quân Đức hết sức vây quân Lỗ. Từ ngày 10 quân Nga cùng quân Lỗ phải giữ thế-thủ, chắc còn lâu mới lại dở thế công được, phải đợi cho tình-thế quân Nga được bình thường đã.

Ở bán-đảo Balkans, nước Hi-lạp (Grèce) cùng các hàng trận khác. Ở hàng-trận quân đồng-minh ở Salonique thì không có việc chiến-dịch gì to.

Ở Hi-lạp từ khi vua Constantin thoái-vị, con lên nối ngôi, giữ thái-độ tốt với Đồng-minh. Venizelos làm thủ-tướng đã về Athènes (kinh-đô Hi-lạp) nhận chức từ ngày 23 tháng 6. Ngày 29 tuyên-bố tuyệt-giao với Đức Áo. Từ đấy quân Hi-lạp vẫn giúp quân Đồng-minh ở Salonique. Venizelos cùng với viên tổng-giám-đốc của Đồng-minh là Jonnart (người Pháp) thiết kế để tầm-nã khu-trục những đảng đồng mưu với Đức.

Các hàng trận khác ở Tiểu Á-tế-á (Asie Mineure), Mésopotamie, tình-thế không thay đổi. Cứ tin-tức sau cùng thì quân Đức định khởi công-thế đánh Ai-cập (Egypte) cùng hàng trận Nga ở Arménie.

Việc nội-biến ở nước Đức trong tháng 7. — Trong tháng 7 nội-tình nước Đức bối-dối lắm. Dư-luận đã có ý phản-đối với chính-phủ. Đảng quốc-dân, đảng tự-do, yêu-cầu những sự cải-cách hiến-pháp. Thủ-tướng là Bethman Hollweg muốn khuynh-hướng về đường ấy cho bằng lòng dân.

Lại nước Na-uy (Norvège) nhân vì việc như sau mà đã suýt khai-chiến với Đức. Ngày 24 tháng 6 cảnh-sát thành Christiania (kinh-đô Na-uy) khám thấy trong nhiều nhà riêng cùng nhà ga không biết bao nhiêu là trái-phá và thuốc-đạn của người Đức. Bắt thì một người Đức tên là Nam-tước Rautenfell nói rằng những thứ ấy là định đem sang Finlande để phá tầu, phá xưởng thợ của Nga. Sau chính-phủ Đức phải xin lỗi, Na-uy mới nghe.

Đầu tháng 7, Nghị-viện Đức (Reichs-tag) thảo-luận về việc chiến-tranh, nói rằng cả quốc-dân Đức chỉ ước được tróng hòa-bình, không mong đánh lấy đất nào cả. Nhân việc ấy, thủ-tướng Bethman Hollweg bị đảng xã-hội công-kích, trách rằng đã gây ra sự chiến-tranh, ngày 14 tháng 7 phải từ-chức cùng với lục-quân tổng-trưởng Stein.

Chức thủ-tướng giao cho một người tên là Michaelis, xưa nay không thấy nói đến mấy khi.

Xem ra thủ-tướng cũ phải từ-chức cũng là bởi Hoàng-thái-tử Đức cùng bọn quân-đảng. Xét cái giấy cám-ơn của Đức-hoàng viết cho Bethman Hollweg, nhời thành-thực, thì biết Đức-hoàng để cho viên ấy phải từ-chức là bị con ép, cũng như ngày tháng 8 năm 1914 bị con ép mà gây ra sự chiến-tranh này.

Ngày 19 tháng 7, thủ-tướng mới tuyên-cáo với Nghị-viện rằng chính-phủ Đức sẵn lòng nghị-hòa, không cầu chiếm đất của ai, chỉ vụ cho lĩnh-thổ nước Đức được hoàn-toàn như cũ mà thôi. Thủ-tướng xem ra cũng thuộc về bọn quân-đảng, mà sao khởi ra những nhời ôn-hòa như thế? Xem việc vận-động về sự nghị-hòa sau này thì hiểu cái mưu của nước Đức.

Nước Đức vận-động về việc nghị-hòa. Nước Đức thấy thế mình yếu mà thế Đồng-minh mỗi ngày một mạnh, tự một năm nay dùng hết kế trực-tiếp gián-tiếp để mời Đồng-minh giảng-hòa. Lần nào cũng hỏng cả. Năm nay nghĩ ra kế dùng những đảng xã-hội trong các nước để gây lên cái phong-trào hòa-bình.

Cách-mệnh Nga vừa mới khởi thì đảng xã-hội Nga chịu mệnh-lệnh tự Berlin, xướng lên mời đảng xã-hội các nước chiến-quốc đến hội-nghị tại kinh-đô nước Thụy-điển (Suède) là thành Stockolm để cùng bàn về việc giảng-hòa. Mấy người đầu đảng xã-hội nước Thụy-điển cùng nước Đan-mạch (Danemark) nhận chủ-trương việc ấy. Đảng xã-hội Đức đồng lòng với chính-phủ tựu hội trước nhất. Các nước Đồng-minh biết mưu Đức định lừa mình, cấm không cho đảng xã-hội nước mình vào hội ấy. Bọn Đức đợi đầu tháng 7 ở Stockolm không thấy ai đến cả, mới biết rằng mưu mình thô-bỉ quá không đủ đánh lừa được ai.

Nhưng nước Đức dùng đảng xã-hội không xong, lại quay về lợi-dụng cái thế-lực của ông Giáo-hoàng. Một tháng sau việc hội-nghị Stockolm, nước Áo vốn vẫn có tình thân-mật với giáo-hoàng, bèn thông-đồng với nước Đức sai giáo-hoàng can-thiệp vào để xin điều-đình việc giảng-hòa cho các chiến-quốc. Tức khắc các nước Đức, Áo, Bảo, Thổ vội vàng xin nhận nhời ngay. Bên Đồng-minh xét nhời bàn của Giáo-hoàng chẳng khác gì nhời tuyên-cáo của thủ-tướng Đức ngày 19 tháng 7, biết rằng nước Đức lại muốn đánh lừa mình, nhất-định không nhận. Thế là đến cái mưu cùng ấy cũng lại hỏng nốt.

Nói tóm lại thì đến ngày 20 tháng 8, cái tình-thế vẫn như đầu năm nay, phe Đồng-minh vẫn có thế-lực hơn đảng Đức Áo, dù có việc Cách-mệnh Nga bối-dối cũng không kém bớt chút nào.

Cứ bình-tình mà xét thì cái thế nước Đức chỉ có một ngày một nguy đi mà thôi, nhẽ tất-nhiên như thế. Xem việc Á-đông sau này thì đủ chứng thêm điều ấy.


VIỆC Á-ĐÔNG

Nước Xiêm. Ngày 23 tháng 7, nước Xiêm khai-chiến với Đức-Áo. Bao nhiêu người dân hai nước ấy ngụ ở Xiêm bị bắt và giam cả. Chiến-thuyền thương-thuyền của địch-quốc đỗ trong các cửa bể Xiêm bị tịch-ký.

Ngày nay phe Đồng-minh thêm được một nước nào để đối với đảng Đức-Áo, phải nên mừng như một sự chiến-thắng.

Nước Xiêm vào cuộc với Đồng-minh là một sự rất hay. Nước ấy tuy là dân-quốc nhỏ ở phương nam châu Á, song đã biết chịu khó chăm-chỉ cố chiếm lấy một địa-vị trong các nước văn-minh ngày nay, cái thế-lực về đường tinh-thần không phải là nhỏ.

Nước Đức vốn có cái giã-tâm muốn áp-chế cả thế-giới, nên đối với nước Xiêm vẫn chỉ lâm-le chiếm-đoạt quyền-lợi của nước ấy về đường kinh-tế. Nay cái mưu ấy đến ngày đồ-địa vậy.

Nước Tầu. Trong bài Thời-đàm kỳ trước (Xem Nam-Phong số 1), bản-báo đã phải chua rằng việc Tầu ngày nay mỗi ngày một biến-đổi, hết loạn nọ đến loạn kia, không thể đoán trước được những việc sẩy ra thế nào.

Quả như vậy. Kỳ trước mới thuật được những việc từ đầu năm đến cuối tháng sáu. Ngày 1 tháng 7 thì có tin ở Bắc-kinh mới khởi-phục lại quân-chủ-chính-thể, ai nghe thấy cũng lấy làm lạ.

Có người được mục-kích việc ấy đã từng nói một câu rằng: Việc gây loạn của Trương Huân 張 勳 này thực là một sự làm liều, không phải là một sự đại-biến về chính-trị. — Nhời nói sác-đáng vậy.

Tự ngày 1 tháng 6 cho đến mấy hôm sau, chỉ-dụ ra như mưa, hứa trừ cho dân những thuế chưa nộp, giảm bỏ nhiều thuế khác nữa, sửa đổi lại việc hình-pháp việc chính-trị cho dân được nhờ, đặt tòa nội-các có trách-nhiệm, cùng sắp-sửa họp Nghị-viện.

Nhưng mà cướp được cái ấn nhà vua để dùng liều cũng chưa đủ, chiếm được nơi kinh-đô để tranh quyền chúa-tể cũng chưa đủ. Cử-quốc đều nổi loạn thì vua chúa mà làm gì? Trương Huân thực là người ít trí-khôn mới mong mỏi những sự cuồng như thế.

Hồi hội-nghị các đốc-quân ở Từ-châu-phủ, thì 14 viên đốc-quân có hứa sẽ giúp Trương Huân. Trương Huân thực là nhẹ dạ, quá tin tưởng là thực, nên mới dám làm liều như thế.

Há lại không biết rằng Đoàn Kỳ-Thụy 段 棋 瑞 không phải là người tầm-thường, mà Đoàn Kỳ-Thụy vốn không bao giờ ưng sự khôi-phục đế-chế?

Tảng sáng ngày 1 tháng 7, Vương Sĩ-Chân 王 士 珍 cùng Giang Triều-Tôn 江 朝 宗 hai tướng-quân vào yết tổng-thống Lê Nguyên-Hồng 黎 元 洪, để báo trước cho tổng-thống biết việc sắp sẩy ra cùng cố ép tổng-thống phải thuận. Nhưng ông nhất-định không ưng, Trương Huân đành phải chịu vậy.

Các tỉnh được tin chính-biến ấy nhất-luật khởi lên kháng-cự. Lê Nguyên-Hồng khi ở Bắc-kinh chạy trốn có sai người đem ấn tổng-thống trao cho Đoàn Kỳ-Thụy ở Thiên-tân. Đoàn bèn lập đại-doanh ở Thiên-tân truyền hịch gọi quân để lên đánh Trương Huân.

Ở Bắc-kinh thì trong chính-giới dối-loạn cả. Thủ-tướng Lí Kinh-Hi 李 經 羲 là cháu Lí Hùng-Chương 李 鴻 章 ngày xưa thì mấy hôm trước đã khờ vì gọi Trương Huân đem quân lên Bắc-kinh, nay thấy sự tình nguy-cấp bỏ Bắc-kinh chạy trốn về Thiên-tân.

Chính tổng-thống Lê-nguyên-Hồng cũng cùng với mấy người tả-hữu chạy trốn vào nhà sứ Nhật-bản, biết rằng đảng đế-chính không thể bảo-toàn được cho mình. Trước khi vào nhà sứ Nhật-bản, ông có đến nhà thương Pháp, nhưng bọn đạo-nữ (tức là « bà sờ ») trong nhà thương không nhận được mặt ông, chưa biết là ai, không dám cho vào.

phu-nhân cùng gia-quyến ngày 3 tháng 7 cũng bỏ cung tổng-thống đi, chạy trốn vào nhà sứ Pháp.

Nhưng trước khi tổng-thống chạy trốn đã có sai người trao cho Đoàn-kì-Thụy ấn tổng-thống, cùng một phong-thư nhờ truyển cho phó tổng-thống Phùng Quốc-Chương 馮 國 璋 Trong thư đại-khái nói như thế này:

« Hiện tôi không thể làm được hết chức Tổng-thống, xin chiếu theo điều thứ 42 trong hiến-pháp mà trao lại chức ấy cho quan phó tổng-thống Phùng Quốc-Chương, xin nhận cho, cùng cử Đoàn Kỳ-Thụy làm thủ-tướng, thủ-tướng cũ Lí Kinh-Hi đã bị cách rồi. »

Các tướng hội-nghị ở Thiên-tân bầu Đoàn làm thống-tướng quân « cộng-hòa »[2], ngày 4 tháng 7 bắt đầu lên đánh Bắc-kinh.

Ngày 6, quân « cộng-hòa » được trận ở Lang-phòng 廊 房; quân Trương Huân toàn là quân để bím, phải rút về Bắc-kinh; bao nhiêu tướng cùng quân khác sang với quân « cộng-hòa » cả. Trương Huân chỉ còn 5, 6 nghìn người để chống đối lại với cả nước Tầu.

Ngày 7 thì bọn quân nhỏ ấy cũng lại bị thua nốt ở nơi trường đấu ngựa, ngay ngoài tường thành Bắc-kinh.

Trương Huân bấy giờ mới biết cái tình-thế nguy. Ngày 7 có một chiếc tầu bay của quân cộng-hòa đến ném trái phá vào cung, vua nhà Thanh sợ phải xin thoái-vị. Ngày 8, có dụ xuống nhận cho Trương Huân từ chức cùng tuyên-cáo sự thoái-vị.

Quân cộng-hòa vây Bắc-kinh đã có đến hơn 8 vạn người.

Bấy giờ hai bên mới ngỏ nhời nhờ ngoại-giao-đoàn[3] điều-đình. Ngoại-giao-đoàn họp thành hội-nghị ngày 9 định nhời quyết-nghị như thế này: « Ngoại-giao-đoàn xin khuyên đừng giết Trương Huân, chỉ bắt phải ra hàng cùng thải các quân lính về; có thế thì trong kinh-đô mới được yên-ổn, dân gian mới khỏi lầm than ».

Trương Huân tiếp được nhời ấy giận dữ lắm, nói rằng: « Ta cố chết mà đánh không chịu hàng. »

Chiều ngày 10, Trương Huân gửi điện cho Đoàn Kỳ-Thụy, xin hai bên giảng hòa. Nhưng Đoàn không chịu nghe.

Ngày 10 là ngày quân cộng-hòa định tiến lên đánh Bắc-kinh. Dân-gian hốt-hoảng lo-sợ lắm. Người có của thì tìm đường chạy trốn, xe hòm kéo đến tòa phố-sứ các ngoại-quốc nhiều lắm. Đến ngày thứ năm là ngày 13, ước 4 giờ rưỡi sáng, nghe tiếng súng bắn về mặt quân Trương Huân đóng. Cách mấy giờ thì thấy quân Trương Huân kéo cờ trắng, tức là hiệu xin hàng. Thế là tái-lập quân-chủ đầu đuôi được có 13 ngày.

Đến 11 giờ thì một chiếc xe hơi cắm cờ hồng-thập-tự, tự trong cung vua đi ra. Ngồi trong xe ấy tức là Trương Huân cùng với hai người Đức. Cái người mấy hôm trước vừa mới thề cố chết mà đánh, nay cũng phải chạy trốn vào phố các tòa sứ, vào ở nhờ ngay dinh công-sứ Hà-lan, từ khi Tầu tuyệt-giao với Đức vẫn giữ quyền-lợi cho Đức.

Có người nhận thấy Trương Huân về tòa sứ Hà-lan được ít lâu lại thiên sang trại lính Đức. Xem thế thì thực là rõ cái mưu của quân Đức. Việc khởi phục đế-chế ấy thực là bởi tay người Đức gây nên. Quân Đức muốn đem sang nước Tầu những kế ám-muội đã thi-hành ở nước Nga độ trước để ngăn trở công việc của chính-phủ Tầu. Sợ nước Tầu khai chiến với mình chăng, bèn nghĩ cách gây nên mối nội-loạn để cho người Tầu không kịp nghĩ đến việc ngoài nữa. Việc đó mưu đã lâu lắm. Chủ-trương sự vận-động ấy là Khang Hữu-Vi 康 有 爲 xưa này đã có tiếng là người hâm-mộ vừa Ủy-liêm nước Đức, mà sự hâm-mộ ấy không phải là không vị lợi-lộc riêng. Mấy hôm trước ngày 1 tháng 7, Khang Hũu-Vi mặc giả-hình tự Thượng-hải lên Bắc-kinh, trong túi đã đầy sẵn những chiếu cùng dụ, định xui Trương Huân gây nên cái vạ nhớn ấy. Sau có một nhà báo đến phỏng-vấn thì Khang Hữu-Vi nói rằng Trương Huân đã thi-hành sai mất cái mưu của mình, bản tâm thì vẫn là nhiệt-thành với đế-chính, và trong ba tháng nữa sẽ sẩy ra việc lạ.

Chắc cái tình-hình nước Tàu còn sẩy ra nhiều sự lạ nữa, Khang Hữu-Vi chẳng phải nói ai cũng biết. Hiện nay ông Đệ-nhị Khổng-tử (thiên-hạ thường xưng Khang Hữu-Vi là thế) còn đương trốn ở trong dinh ông Diễn-thánh công 衍 聖 公, là dòng-dõi đức Thánh ngày xưa.

Lại xét cái thái-độ của bọn Tôn Dật-Tiên đối với quân Đức thì biết quân Đức đã bị thua vì đảng bắc lại quay đầu về với đảng nam đế quấy dối cái tình-thế trong nước. Tức cũng lại như ở bên nước Nga, nhà vua đã bị bãi rồi thì quân Đức lại quay về khuyến-dụ các đảng cách-mệnh, cái kế thực là cũng một. Quân Đức cấp tiền bầy mưu cho bọn Tôn Dật-Tiên để phản-đối với chính-phủ bắc. Không hiểu làm sao người Tàu ngày nay đã lắm người có kiến-thực mà còn chịu để cho những bọn quyền-mưu yêu-hành nó đánh lừa đến bực ấy!

Tự ngày 13 tháng 7 khôi-phục lại Cộng-hòa-chính-thể, nhưng hai bên Nam-Bắc vẫn chưa chịu hòa nhau.

Lê Nguyên-Hồng thì đã nói quyết không làm tổng-thống nữa, vào ở trọ nhà thương Pháp để chữa bệnh thấp.

Phó tổng-thống Phùng Quốc-Chương đã nhậm chức quyền tổng-thống. Mới trọng-nhậm thì duyệt nhận tòa Nội-các của Đoàn Kỳ-Thụy mới lập, trong tòa có những viên tai mắt như sau này: Lương Khải-Siêu 梁 啟 超 sung bộ Tài-chính, Thang Hóa-Long 湯 化 龍 bộ Nội-vụ, Lâm Trưởng-Dân 林 長 民 bộ Tư-pháp, Trương Quốc-Kim 張 國 淦 bộ Nông-thương, Tào nhữ-Lâm 曹 汝 霖 bộ Giao-thông, Phạm Nguyên-Liêm 范 源 濓 bộ Giáo-dục.

Thế là Bắc-kinh mọi sự đã được ổn-thỏa cả. Chỉ còn có đảng phương nam là đảng quốc-dân, đầu đảng là Tôn Dật-Tiên còn có ý phản-đối, không chịu nhận Đoàn Kỳ-Thụy làm thủ-tướng.

Tôn ngày 18 tháng 7 đến tỉnh-thành Quảng-đông, đọc một bài diễn-thuyết nhớn, xin đặt một cảng thủy-quân ở Quảng-đông để chống lại với Bắc. Mấy hôm sau thì có tin một phần thủy-quân Tàu về đóng ở Quảng-đông để giúp đảng Nam. Tôn bèn cổ-võ cho các tỉnh phương Nam họp nhau lại để đánh Bắc.

Mới có tin gần đây thì Lục Vinh-Đình 陸 榮 廷 làm « Lưỡng-Quảng tuần-duyệt-sứ », xem ra ý không muốn giúp bọn Tôn Dật-Tiên, mà bọn ấy hiện nay dân Quảng-đông cũng không nhiều người theo nữa, vì người dân chỉ ước-ao được yên-ổn mà làm ăn buôn-bán như thường.

Đốc-quân Vân-nam là Đường Kế-Nghiêu 唐 繼 堯 ngày 4 tháng 8 tuyên-cáo độc-lập, nói sắp đề binh lên đánh Bắc. Nhưng mà xem chừng quân Bắc đã tiến xuống trước, có tin một quân-đoàn Bắc đương chàn vào tỉnh Hồ-nam.

Nói tóm lại thì cái tình-thế đến ngày 20 tháng 8 vẫn chưa thay đổi. Thế-lực Đoàn Kỳ-Thụy thì mỗi ngày một to, vì Đoàn là đại-biểu cái chính-nghĩa của nhà-nước, và những người giúp Đoàn là những bực danh-giá cả. Quân-lực trong nước phần nhiều cũng ở trong tay. Đến như đảng phản-đối là đảng Tôn thì nghe như trong đảng cũng không được hòa-thuận với nhau. Tiền đã không có, người giỏi cũng không. Tôn thì chỉ thấy diễn-thuyết nhiều, phá-hoại được mà dựng-đặt không có tài. Đảng Nam nói muốn biệt-lập một nước Cộng-hòa lấy Sầm Xuân-Huyên 岑 春 煊 là tay cừu-địch cũ của Viên Thế-Khải làm tổng-thống, Đường Kế-Nghiêu làm phó tổng-thống.

Chính-phủ trung-ương thì nay hết sức để giữ lấy quyền chi-phối. Mới rồi khai-chiến với Đức-Áo là gây được một cơ-hội tốt, có thể nhờ đấy mà đạt tới mục-đích được.

Việc Tầu khai-chiến với Đức. Nước Tầu khai-chiến với Đức-Áo ngày 14 tháng 8. Nhời khai-chiến của Tầu cũng như của Xiêm lấy cái cớ rằng nước Đức đã phạm nhiều điều tàn-ác giã-man, cả thế-giới văn-minh không thể dung được. Lại kể đến những việc người Đức sâm-phạm vào quyền trung-lập của nước Tầu, cùng việc âm-mưu khởi-phục đế-chế tháng trước để phá-hoại nền dân-chủ của nước Tầu, người Đức thực có một phần to vào đấy.

Từ khi khai-chiến, chính-phủ Tầu đương thương-thuyết với Đồng-minh để vay một món tiền nhớn mà kinh-doanh mọi việc trong nước, cùng tổ-chức lại quân-đội để phòng việc biến loạn về sau này.

Nước Nhật-bản. Bài Thời-đàm này đã dài quá, không thể kể được tường về các việc bên Nhật-bản. Vả bên nước ấy trong thời-ký ta xét này cũng không có sẩy ra việc gì quan-trọng lắm, mà đáng thuật lại kỹ.

Bản-báo sau này sẽ có những bài chuyên-luận về tình-thế việc nội-chính của nước Nhật-bản cùng địa-vị nước ấy trong thế-giới bây giờ.

Việc trong nước.

Tuyên luật mới. Trong nước thì trong tuần tháng bẩy có một việc quan-trọng nhất là việc tuyên-bố luật mới ở Kinh. Khi bấy giờ bài Thời-đàm chữ quốc-ngữ trong số thứ nhất là số tháng 7 đã in rồi, nên chưa kịp thuật đến việc ấy. chỉ có bài Thời-đàm chữ nho in sau mới kịp thêm vào được. Vậy nay muốn cho đủ xin ước-lược đầu-đuôi mấy nhời về việc ấy.

Ngày 14 tháng 7 quan Toàn-quyền tới Kinh. Viện Cơ-mật định ngày 16 (tức là ngày 28 tháng 5 năm Khải-định thứ 2), đúng 7 giờ dưỡi sáng tâu xin đặt đại-triều ở điện Thái-hòa để làm lễ tuyên-bố luật mới cho xứ Bắc-kỳ. Định ngày ấy Hoàng-thượng ra ngự, có đông đủ cả các quan tây nam đứng bài-liệt hai bên. Quí-quan thì có quan Toàn-quyền, quan Khâm-sứ Kinh, quan Thống-sứ Bắc-kỳ, quan Đông-dương tư-pháp tổng-trưởng, quan quản-lý phủ Toàn-quyền, v. v. Trong điện trước Hoàng-thượng ngồi có đặt một cái phượng-giá để một đạo dụ-chỉ. Khi kèn thổi, quan ràn, súng bắn đâu đấy rồi, hai viên Nội-các mở tờ dụ, quan Hình-bộ cầm lên đọc. Đọc đoạn quan Toàn-quyền diễn-thuyết một bài nói về tôn-chỉ việc cải-lương pháp-luật, nhời nghiêm-trang, giọng hùng-hồn, chẳng kém gì những bài đại diễn-thuyết của ngài khi trước. Trong Thời-đàm chữ nho kỳ trước đều có phụng-lục bài Thánh-Dụ cùng dịch nghĩa bài diễn-thuyết.

Lập Đại-học. Kỳ sau bản-báo sẽ có bài bàn về trường Đại-học. Nay hẵng dịch tờ nghị-định quan Toàn-quyền ngày 8 tháng 7 năm 1917, đặt một tòa « Đại-học tổng-cục » (Direction de l’Enseignement Supérieur). Nhời nghị-định rằng:

« Khoản thứ nhất. — Lập ra gần quan Toàn-quyền một tòa Đại-học tổng-cục.

« Khoản thứ nhì. — Nhiệm-vụ của cục ấy là phải nghĩ cách mở ra mấy trường cao-đẳng cho các học-trò người Pháp cùng người bản-xứ ở Đồng-dương vào học, những trường ấy gồm lại gọi tổng-danh là trường « Đại-học Đông-dương » (Université indochinoise), cùng đặt chế-độ chương-trình cho các trường ấy.

« Khoản thứ ba. — Những trường cao-đẳng thuộc vào trường Đại-học mà cục ấy phải kinh-doanh, thì đại-khái có mấy thứ như sau này, hoặc có cái đã lập rồi, hoặc có cái sẽ lập trong các xứ ở cõi Đông-dương:

« Trường Y-học Dược-học (học thuốc, học bào-chế, đã có rồi);

« Trường Thú-y (có rồi);

« Trường Bách-công (gồm các khoa công-trình[4], hóa-học và điện-học dùng cho kỹ-nghệ, khoáng-học, vật-lý học, bác vật-học);

« Trường Nông-học lâm-học;
« Thương-nghiệp;
« Hằng-hải, ngư-nghiệp;
« Pháp-luật chính-trị;
« Sư-phạm.

« Khoản thứ tư. — Đại-học tổng-cục sẽ tuần-tự mà nghĩ cách lập các trường ấy, tùy theo sự cần-dùng cùng cái tình-thế việc lý-tài việc chính-trị trong bản xứ.

« Cục ấy sẽ hỏi ý cùng chiểu nhời bàn của các quan thủ-hiến các xứ, cùng các đoàn-thể có lợi-quyền trong bản-xứ, về cách lập các trường ấy, nơi nên lập, cùng chương-trình nên theo.

« Khoản thứ năm. — Đại-học tổng-cục sẽ liệu kỳ-hạn mà trình thảo-án cho quan Toàn-quyền xem, để có thể khởi đầu mở mấy trường nên mở trước nhất ngay tự tháng 10 năm nay. »

— Chiểu theo nghị-định ấy, quan Y-khoa-tiến-sĩ Cognaco, giám-đốc trường Y-học Hà-nội, được sung-bổ chức tổng-trưởng Đại-học-cục. Nghe đâu ngài đã định xong các chương-trình, cuối tháng này vào Sài-gòn đệ-trình thảo-án để quan Toàn-quyền duyệt. Có nhẽ đến khi ngài trở về Hà-nội thì sẽ lục-tục mở trường Đại-học.




Chú thích

  1. Thời-đàm kỳ này khí dài, vì có mấy việc nhớn trong thế-giới như việc cách-mệnh Nga, việc nội-loạn Tầu, cần phải thuật đầu đuôi một lần cho tường, mới hiểu được những việc về sau. Từ kỳ sau trở đi thì tất ngắn hơn nhiều, chỉ phải thuật việc trong một tháng mà thôi.
  2. Tức là quân đảng dân-chủ. đối với quân TRƯƠNG HUÂN là đảng đế-chính.
  3. Ngoại-giao-đoàn là gồm các sứ-thần, công-sứ, lãnh-sự các ngoại-quốc trụ-trát ở nơi Kinh-đô (corps diplomatique).
  4. Tức là trường Agents techniques, đã có rồi,