Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Văn-uyển/Ngọn-gió Hồ-Gươm

VĂN-UYỂN


NGỌN GIÓ HỒ-GƯƠM

Ngọn gió Hồ-Gươm có mát chăng, mà chiều nào cũng thấy những khách thừa-lương, lại lại qua qua trên cầu Thê-húc ? Kìa trên mảnh trăng thanh, dưới hồ nước đứng, ở giữa cái phiền-hoa-đô-thị, ngăn hẳn ra một miếng đất thanh-nhàn, khiến cho người sau khi đổ mồ-hôi xót mắt, có chỗ mà dạo chơi hóng mát, nghe tiếng chuông bát-nhã, câu kệ từ-bi, thế thì gió Hồ-gươm mát thật !

Mát về cái gì ? Mát vì lúc hạ-thiên nóng nực ; mát vì đám rừng người xôn-xao. Vừa mới đó : ở giữa vầng thái-dương hun-đốt, cảnh trần-hiêu, khách xe-ngựa, đua chen nhau trong trường cạnh-tranh-kịch-liệt, cũng đủ làm cho say người. Huống chi là ngoài đường réo giắt những tiếng thết khách, giọng chào người, chị buôn thập cẩm, chú bán hàng dong, cãi lấy nhau điều nọ tiếng kia, khiến cho người ta phải long tai mà nhức óc.

May đâu có ngọn gió này, mượn cái không-khí tự-nhiên của hóa-công, mà tắm gội cho những người trần-tục, vừa thanh-tao, vừa êm ái, vừa điều-hòa mà mát mẻ. Khen cho thợ trời cũng lạ thiệt ! tô-điểm đủ cả ngũ-quan thập-sắc, mà rút lại thì phải lấy không-khí mà nuôi người.

Ai chẳng biết : trên ngọn non xanh, giữa dòng nước biếc, tiếng reo không-cốc, lá cuốn trường-giang, nếu ở trong cái cảnh-tượng ấy mà ngửa nghiêng trời đất, ngắm nghía non sông, thì mới tỏ được cái cảnh-trí thanh-cao, cái thần-tình khoáng-đãng. Nhưng mà non xanh nước biếc, tạo-vật mấy dễ cho người. Thà sẵn đây, trong thành-thị mà hồ-sơn, bốn bể các tía lầu xanh, đèn dăng như sao, xe bay như chớp, mà lại có một cụm nhàn-hoa cổ-thụ, còn in nét mực cựu thời. Gió đâu thấp thoáng bên mình, tựa phong-cảnh mới ngắm đình-đài xưa ! Thế mới biết lòng hóa-công không hẹp, cái cảnh-thú thanh-phong-minh-nguyệt của kho vô-tận đãi khắp mọi người, không nơi nào là chẳng có, ngăn từng đón gió, ấy là tại người đời.

Người hóng mát trên đình Văn-Xương này biết bao nhiêu là người, người biết bao nhiêu thửa, trước ta, ta không thấy, sau ta, ta không thể đợi, ta cũng chưa biết được ngọn gió thái-cổ và ngọn gió tương-lai ra thế nào, ta chỉ biết rằng trăng thanh nước lặng, ta hãy chơi trăng dạo nước, mà chào mừng cái ngọn gió hiện-thời.

Trong trời đất cũng nhiều hạng gió : ngọn gió cuồng thì cây rung lá cuốn, ngọn gió bấc thì cỏ lạnh hoa tàn. Êm đềm thay ! ngọt ngào thay ! cái ngọn gió này, trong khi chim hót, thuyền ngâm, sen day, sóng dợn, cũng đủ khiến cho người nóng nẩy thì mát mẻ tấm lòng, người ngơ ngẩn thì tỉnh tươi giấc mộng. Có kẻ bảo rằng : gió Hồ-Gươm mát là mát vì ngọn gió « Nam-phong » !

Nguyễn-bá-Trác