Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Tiểu-thuyết/Truyện cái dấu đỏ

   

Bộ tiểu-thuyết Cái vinh cái nhục của nhà quân có ba truyện, đề là : 1◦ Truyện cái dấu đỏ (Le cachet rouge) ; 2◦ Một đêm ở trại Vincennes (La veillée de Vincennes) ; 3◦ Truyện cái gậy song (La canne de jonc) ; không kể một thiên tổng-luận ở trên đầu. Bắt đầu dịch Truyện cái dấu đỏ sau này.

[1]

TRUYỆN CÁI DẤU ĐỎ

(Thảm-tình tiểu-thuyết)


CHƯƠNG THỨ NHẤT


Một ngày tình-cờ gặp-gỡ trên đường nhớn...

Con đường nhớn đi qua đất Á-nhĩ-đóa cùng đất Phật-lan-đức-lôi, dặm thẳm mà cảnh buồn. Đường chạy thẳng một mạch, không có cây-cối, không có hào-rãnh, bốn bề đồng-điền bát-ngát, mùa nào cũng đầy một thứ bùn vàng. Hồi tháng ba năm 1815, tôi có đi qua con đường ấy, tình-cờ được một sự gặp-gỡ, từ bấy đến nay vẫn không quên.

Tôi đi một mình, cỡi ngựa, áo khoác ngoài trắng, áo mặc trong đỏ, mũ đội đen, cắp súng ngắn, đeo gươm dài ; đi đã bốn ngày bốn đêm mà giời vẫn mưa như chút. Tôi còn nhớ bấy giờ tuổi đương thanh-niên, vừa đi vừa hát, lấy làm khoái-chí lắm.

Những anh em bạn tôi thì đi trước theo vua Lộ-dịch thập-bát, họ cũng đi một con đường ấy ; trông tịt-mịt về phía Bắc còn thấy phất-phơ áo trắng áo đỏ ; lại tịt-mịt về phía Nam thì chốc-chốc thấy nhấp-nhô ngọn cờ ba sắc trên đầu kích của bọn khinh-kỵ-binh Nã-phá-luân cho đi đàn-áp chúng tôi từng bước một. Con ngựa tôi mất một cái móng sắt, cho nên phải đi chậm về sau. Nhưng nó trai-trẻ mạnh-khỏe, tôi bèn cho nó đi kịp đội tôi, phóng chạy nước đại. Tôi để tay vào thắt lưng thấy nạm những vàng ; vỏ gươm chạm vào chân đăng, tiếng kêu loảng-xoảng. Trong mình lấy làm tự-cao lắm,, thập-phần hoan-hỉ.

Giời thì vẫn mưa mà tôi thì cứ hát, song chỉ có mình nghe mình, ngoài tiếng mình chỉ có tiếng mưa cùng tiếng chân ngựa lõm-bõm dưới bùn, nghĩ cũng chán, không hát nữa. Bỗng trên đường có lát nữa, đi thũng chân xuống, phải đi bước một. Đôi ủng to của tôi bề ngoài chát dầy bùn vàng như đất sét, bên trong thì đựng đầy những nước mưa. Tôi nhìn lại cái ngù vàng mới mẻ của toii, khác nào như cái hạnh-phúc, cái khoái-lạc của tôi vậy ; nước mưa vào nó đứng dựng cả lên, trông thấy mà buồn.

Con ngựa tôi vừa đi vừa cúi đầu xuống ; tôi cũng cúi đầu xuống ngẫm-nghĩ, bấy giờ mới tự hỏi mình là một rằng mình đi thế này là đi đâu. Té ra chẳng biết đi đâu cả ; nhưng mà cũng chẳng bận lòng nghĩ-ngợi lâu-dài làm gì ; chắc rằng cái đội ta ở đâu là nghĩa-vụ ta ở đấy vậy. Bấy giờ thấy trong bụng cực là bình-tĩnh khoan-khoái, bèn cảm-tạ cái nghĩa cao-thâm gọi tên là cái nghĩa-vụ ấy, mà muốn giải xem nó thế nào. Bình-sinh mình đã từng được trông gần mà thấy nào con trẻ tóc-xanh, nào người già đầu-bạc, đều vui-vẻ mà gánh-vác những sự khó-nhọc phi-thường, đã từng thấy bao nhiêu người ăn sung ở sướng mà biết nhẹ lòng coi thường cái đời sung-sướng ấy, lại thấy về phần mình cũng được dự vào cái lạc-thú kỳ-diệu của người đã biết tin sâu trong bụng rằng phàm cái nợ Danh-dự là không cái nào trốn được ; thấy thế tôi mới hiểu rằng cái lòng Vong-kỷ chẳng qua cũng là một sự dễ-dàng thường-có mà thôi.

Tôi tự hỏi trong bụng rằng cái lòng Vong-kỷ ấy nó có phải là cùng sinh với ta không ; tự hỏi rằng người ta thường có cái tính cần phải vâng-theo ở ngoài, cần phải đem cái lòng tự-chủ của mình mà đặt vào tay người khác coi như một vật nặng vật phiền, là làm sao ; tự hỏi rằng bởi đâu hễ chút được cái gánh nặng ấy thì trong bụng thấy có cái sướng thầm ; mà làm sao cái lòng tự-cao tự-đại của người ta không từng thấy phản-đối lại bao giờ. Tôi thường thấy ở đâu cái lòng vong-kỷ ấy nó cũng như một cái thần-lực buộc các quốc-dân lại thành từng đoàn-thể cường-mạnh ; nhưng tôi chưa từng trông thấy đâu có cái lòng quên-bỏ những việc riêng, nhời riêng, tình riêng, ý riêng, hoàn-toàn kịch-liệt bằng trong bọn quân-gia vậy. Đâu đâu tôi cũng thấy người ta tìm cách để cưỡng-mệnh, mà đem thực-hành cái cách ấy, vì phàm ở đâu cũng thấy người dân có cái tính phục-tòng « sáng-suốt mà khôn-ngoan », biết suy-xét, biết lượng đến đâu là có thể thôi được. Thậm chí đến người đàn-bà là kẻ nhu-thuận mà có khi bắt làm điều sằng cũng không chịu vâng theo, pháp-luật cũng bênh-vực cho. Duy có cái tính phục-tòng của bọn nhà quân, vừa « thụ-động » , vừa « chủ-động », nhận được mệnh-lệnh, thi-hành mệnh-lệnh, cứ nhắm mắt mà đập như thần Vận-mệnh đời cổ-xưa, thì chưa dễ đã thường thấy có ! Tôi ngẫm-nghĩ cái lòng vong-kỷ của người quân-nhân ấy, xét hết mọi sự kết-quả xa gần, mới biết rằng cái lòng vong-kỷ ấy thật là vô-hồi vô-hạn, có khi khiến nên những công việc ghê-thảm.

Tôi vừa để cho ngựa đi vừa nghĩ riêng như thế, mắt nhìn giờ vào đồng-hồ, lại trông con đường cứ chạy thẳng băng mãi, không có một cái cây, không có một cái nhà nào, cắt đôi cánh-đồng cho đến tịt-mịt chân giời, tựa hồ như một cái vạch vàng nhớn trên một tấm vải thâm. Có khi cái vạch nước hòa với đất bùn chung quanh, mặt giời thường thảm-đạm nhưng hễ hơi có ánh sáng lên một tí thì trông thấy cái cảnh-tượng tiêu-điều ấy lấp-loáng lên, tưởng như mình đứng giữa một cái bể bùn, theo một dòng chẩy những đất lầy bùn lội.

Xét kỹ trên con đường vạch vàng ấy thì nhận thấy csach ước chừng chia tư một phần dặm có một cái nét chấm đen đương đi. Thấy thế lấy làm vui, vì chắc rằng có người nào đi đấy. Nhìn không dời mắt nữa, bèn trông ra cái chấm đen ấy cũng đi như tôi về phía thành Li-lặc, mà xem đi chệch chạc không ngay-ngắn thì biết rằng đi đã mệt. Tôi bước rảo lên, tiến dần đến cái vật ấy, thấy nó đã hơi dài-dài ra một tí, mắt nhìn đã to-to. Đất chỗ ấy rắn hơn, tôi lại cho ngựa tế lên, thì nhận ra hình một cái xe nhỏ đen-đen. Bấy giờ trong bụng đói, mong được một cái xe nhà hàng để mua ăn, bèn dùng con ngựa như một chiếc thuyền, hết sức bơi chèo cho đến cái đảo hạnh-phúc kia, mà « thuyền-ngựa » thì đi giữa một cái bể có lúc ngập đến bụng.

Đến cách một trăm bước thì mới phân-biệt được rõ-ràng là một cái xe nhỏ bằng gỗ trắng, có ba cái khoanh tròn làm khung với một miếng vải sơn đen che trên, tựa hồ như một cái chóng nhỏ cho trẻ con nằm mà đặt trên hai bánh xe. Bánh xe thì bết bùn đến tận giữa trục bánh ; có một con la con kéo xe, một người đi đất cầm cương giắt, xem ra nặng-nhọc lắm. Tôi đi gần vào người ấy, nhìn kỹ xem.

Người chạc năm mươi tuổi, râu-bạc, mạnh-khỏe cao-nhớn, lưng gù-gù như thể những viên tướng bộ-binh già, thủa trước đã từng đeo bao. Xem quân-phục thì là một người tướng bộ-binh thật, ngoài mặc một cái áo tơi mùi lam ngắn và cũ, nhác trông ở trong thấy đeo cái ngù một viên trung-tá. Mặt nghiêm-khắc mà nhân-từ, trong bọn nhà quân thường có lắm người như thế. Viên ấy liếc mắt nhìn tôi, lông mày to và đen, rồi rút phắt trong xe ra một cái súng, nạp đạn vào, chạy sang bên kia con lừa, hình như lấy con lừa làm cái tường ngăn. Tôi trông thấy cái hiệu mũ trắng của hắn thì tôi lại chìa cái tay áo đỏ của tôi ra. Bấy giờ hắn mới cất súng vào trong xe mà nói rằng :

« À ! Thế thì không phải, tôi lại tưởng ông là cái bọn chó sói nó đuổi theo bọn ta sau này. Uống với tôi cốc rượu ? »

Tôi đi gần lại mà đáp : — Xin vâng. Đã 24 giờ nay tôi chưa được uống. »

Hắn ta đeo trên cổ một cái sọ dừa, trạm đẹp lắm, sửa như hình cái nậm rượu, có cái vòi bằng bạc, xem ra có ý trân-trọng mà hơi tự-cao. Hắn đưa cái nậm sọ dừa ấy cho tôi, trong ấy có một thứ rượu vang trắng xấu, tôi uống một ít thì lấy làm thú lắm, rồi đưa lại giả hắn.

Hắn vừa uống vừa nói : « Xin chúc-thọ cho vua ta ! Vua đã thưởng cho tôi đệ tứ-đẳng-Bắc-đẩu bội-tinh, tôi nên tiễn vua ra đến địa-giới là phải [2]. Còn về sau, tôi chỉ trông cậy vào cái ngụ này mà kiếm ăn, thì tôi lại về đội-quân của tôi, cái nghĩa-vụ phải thế. »

Hắn ta nói thế hình như nói riêng một mình rồi lại giắt con la con đi, nói rằng không nên đứng lâu cho mất thì giờ. Tôi cũng nghĩ như hắn, cho nên cũng lại bắt đầu đi, cách hắn ta vài bước. Tôi vẫn cứ nhìn mà không hỏi gì, vì tôi vốn không có cái thói thóc-mách hay nói, là cái thói thường trong bọn nhà quân.

Hai người cứ đi thế đến ước chia tư một phần dặm, không nói gì cả. Bấy giờ hắn ta đứng dừng lại để cho con la con nghỉ, con la ấy trông thảm lắm ; tôi cũng đứng dừng lại, cố vắt nước ở hai chiếc ủng ra, khác nào như hai cái thùng nước rầm chân vào trong.

Hắn ta nói : Hai ủng ông đã muốn dính vào chân rồi đấy.

Tôi nói : — Đã bốn đêm nay tôi không bỏ ra.

Hắn lại nói, giọng hơi khàn-khàn : — Thôi, tám ngày nữa thì không còn nhớ đến những nông-nỗi này nữa. Thời buổi này mà đi một mình cũng là hay. Ông có biết tôi mang cái gì trong xe này không ?

Tôi nói : — Không.

Hắn ta nói : — Tôi có một người đàn-bà trong xe này.

Tôi nói một câu : « Thế à ! » không ra bộ ngạc-nhiên lắm, rồi cứ đi thủng-thẳng bước một. Hắn ta đi sau tôi.

Hắn ta lại nói : — Cái xe tồi này tôi mua không mất mấy tí, cả con la này cũng thế. Đường đi giài thật, mà tôi chỉ có thế cũng đủ.

Tôi mời hắn hễ có mệt thì lấy ngựa tôi mà đi. Hắn ta xem ra có ý sợ tôi cười cái người trong xe của hắn, song mà nhời tôi nói rất là bình-dị nghiêm-trang, hắn ta lấy làm hởi dạ ngay, đến gần chân-đăng, đập vào đầu gối tôi mà nói rằng :

— Tôi xem ông tuy thuộc vào bọn Áo-đỏ nhưng cũng có bụng tốt vậy.

Bọn Áo-đỏ đây tức là bốn đội quân-quan Áo-đỏ chúng tôi. Tôi nghe hắn ta nói đến tên Áo-đỏ ấy, giọng hơi chua cay, mới biết rằng bọn mình ăn-mặc sa-sỉ, phẩm tước lại cao, khiến cho trong bọn nhà quân người ta thường ghen-ghét.

Hắn ta lại nói thêm rằng : — Tuy vậy tôi cũng không phiền ông làm gì, là vì tôi không biết đi ngựa, mà vốn nghề cũng không phải đi đến ngựa.

Tôi nói : — Tôi tưởng những bực tướng-tá như ngài tất phải đi ngựa, chứ ?

Hắn ta nói : — Phải, độ một năm một lần, khi duyệt-binh mà khi ấy nữa cũng chỉ đi con ngựa thuê mà thôi. Như tôi thì tôi vẫn vốn là chân thủy-quân, sau mới vào bộ-binh. Thế cho nên tôi không biết cỡi ngựa.

Hắn ta đi độ hai mươi bước, chốc-chốc lại trông nghiêng lại tôi, hình như đợi có hỏi gì không ; song tôi không hỏi gì cả thì hắn ta lại nói :

— Ông này ra cũng không hay có tính thóc-mách thật. Tôi nói thế tưởng ông lấy làm lạ thì phải.

Tôi nói : — Tôi cũng không lấy gì làm lạ mấy.

Hắn ta nói : — Phải, tôi thử kể truyện tôi đầu đuôi làm sao mà bỏ nghề đi bể, bấy giờ xem ông có lấy làm lạ không.

Tôi nói : — Phải đấy, ngài kể đi. Ngài nói truyện cho nó ấm người, tôi nghe truyện cũng quên được nước vào lưng, chẩy suốt đến gót chân.

Viên trung-tá ta bấy giờ mới sắp-sửa một cách trịnh-trọng để kể truyện, sắc mặt hứng-hở. Sửa ngay-ngắn lại cái mũ học vải sơn ở trên đầu, đưa vai lên một cái ; cái lối đưa vai ấy ai đã có làm qua trong bộ-binh thì mới có thể hình-dung được, nó là cái lối của người lính bộ-binh nâng cái bao đeo ở trên vai cho nó cao lên và bớt nặng đi, tức cũng là một cái thói quen lúc làm lính, đến khi làm quan nó thành cái tích. Vậy viên trung-tá đưa vai thế xong rồi lại còn uống một ít rượu trong sọ dừa, đá chân vào bụng con la để giục nó đi, rồi mới bắt đầu kể truyện.

Phạm-Quỳnh dịch


(Chương thứ nhì in kỳ sau)




Chú thích

  1. ALFRED DE VIGNY tiên-sinh sinh năm 1797, mất năm 1863, là một nhà đại văn-hào nước Pháp trong thế-kỷ thứ 19. Tiên-sinh làm thơ, làm tiểu-thuyết, làm diễn-kịch. Những sách lưu-truyền nhất là : Poèmes antiques Destinées (Thơ vận-mệnh) ; Chatterton (diễn-kịch). Cinq-Mars (tiểu-thuyết). Trong bấy nhiêu sách tiên-sinh thường than cái cảnh khổ những người có tài mà không được biết, than cái vô-tình của tạo-vật, của người đời, lại khuyên nên lấy cái lòng can-đảm nhẫn-nhục mà đối lại. Tư-tưởng thực là cao-thượng vô-cùng. Tiên-sinh thường có câu thơ : J aime la majesté des souffrances humaines (Tôi ưa cái khí-tượng nhớn-nhao những sự đau-khổ của người ta). Câu thơ ấy thực là biểu-hiện cái tư-tưởng của tiên-sinh vậy.
  2. Vua Lộ-dịch thập-bát bấy giờ bị Nã-phá-luân đuổi chạy trốn sang Tỉ-lợi-thì.