3.— Đinh Tiên-hoàng

Tiên-hoàng họ Đinh tên là Hoàn, người ở đỗng Hoa-lư, phủ Đại-hoàng (bây giờ là phủ An-khánh, tỉnh Ninh-bình), nguyên là con quan nha-tướng của Dương-đình-Nghệ tên là Đinh-công-Trứ.

Tục truyền ở đỗng Hoa-lư xưa có con rái-cá cực to, vợ ông Công-trứ một hôm tắm ở dưới suối, bị con rái-cá hiếp, về mới có mang. Khi con rái-cá bị người ta bắt được ăn thịt, quẳng xương ra đường cái, thì bà ấy nhặt về mà gác lên gác bếp.

Về sau, ông Công-Trứ mất rồi, bà ấy mới sinh ra Đinh Tiên-hoàng, Tiên-hoàng nhớn lên, thông minh nhanh nhẹn, mà tài nghề lội nước. Nhà nghèo, phải nương nhờ ở với chú. Bấy giờ có một thầy địa-lý Tàu sang nước ta xem đất, đi từ Hưng, Tuyên theo long-mạch đến mãi phủ Đại-hoàng, trông xuống dòng sông thấy nước sâu thăm thẳm mà xoáy mạnh lắm, đồ là ở đấy tất có huyệt đế vương. Mới gọi trẻ thuê tiền cho thử lặn xuống chỗ ấy xem làm sao. Tiên-hoàng vốn tài lặn, mới nhận nhời lặn xuống thì sờ thấy có con ngựa bằng đá đứng ở dưới đáy sông, mới lên bờ bảo với người khách, người khách đưa cho nắm cỏ, bảo thử xuống dử vào mồm ngựa xem ra làm sao, ngài cầm nắm cỏ xuống dử thì con ngựa há miệng ra đớp ngay.

Ngài lại lên nói chuyện với người khách, người khách lấy tiền thưởng cho ngài rồi đi. Ngài vốn thông minh, biết ngay chỗ ấy hẳn là đại-huyệt, về nói truyện vời mẹ. Xem mả cha ở đâu, để đem táng vào huyệt ấy. Bà mẹ trỏ lên gác bếp, rồi lấy nắm xương đưa cho ngài, ngài đem ra, lại lặn xuống chỗ vực sâu ấy, cũng lấy cỏ bọc nắm xương dử vào mồm ngựa thì con ngựa cũng đớp mà nuốt đi.

Từ đấy ngài sinh ra bạo tợn, các trẻ chăn trâu bò đều sợ, bầu ngài lên làm tướng, bẻ hoa lau làm cờ, chặt tre làm khí-giới, đi đánh nhau với trẻ làng khác. Đi đến đâu, các trẻ phải sợ hãi kinh phục. Một bữa, hội hết trẻ các làng ở ngoài đồng, nhân có con bò của chú cho đi chăn, mổ ngay ra làm cỗ để khao các chúng. Chú ở nhà nghe tin, vác gậy ra đồng xem làm sao, thì thấy chúng đã ăn tiệc xong rồi. Chú tức giận lắm, vác gậy đuổi đánh, ngài sợ hãi, chạy đã bí đường, phải nhảy choàng xuống sông, bỗng dưng có con rồng vàng ở dưới sông hiện ra đội ngài lên, người chú thấy vậy kinh hoảng, vội vàng bỏ gậy mà lạy phục xuống đất.

Từ bấy giờ danh tiếng ngài lừng lẫy, các hào-kiệt trong nước để lòng trông mong về ngài. Nhân bấy giờ cuối đời Nam-Tấn, nước Nam có 12 ông Sứ-quân nổi lên, mỗi người chiếm giữ một phương, như là:

1· — Ngô-xương-Xí giữ ở Bình-kiều.

2· — Kiểu-công-Hãn giữ ở Phong-châu, (nay là Bạch-hạc, Vĩnh-yên), tự xưng là Tam-chế.

3· — Nguyễn-Khoan giữ phủ Tam-đái, (nay là phủ Vĩnh-tường, Vĩnh-yên) tự xưng là Thái-bình-công.

4· — Ngô-nhật-Khánh giữ châu Đường-lâm (nay là làng Cam-lâm, huyện Phú-thọ, Sơn-tây) tự xưng là Anh-hiền-công.

5· — Đỗ-cảnh-Thạc giữ ở Tương-giang (tức là Đỗ-động-Giang nay thuộc Thanh-oai, Hà-đông).

6· — Lý-Khuê giữ ở Siêu-loại (Thuận-thành, Bắc-ninh).

7· — Nguyễn-thủ-Tiệp giữ ở Tiên-du, (thuộc Bắc-ninh) tự xưng là Nguyễn lịnh-công.

8· — Lã-Đường giữ ở Tế-giang, (nay là Văn-giang, Bắc-ninh) tự xưng là Tá-công.

9· — Nguyễn-Siêu giữ Tây-phù-Liệt (thuộc Thanh-trì, Hà-đông) tự xưng là Nguyễn-thạch-công.

10· — Kiểu-Thuận giữ ở Hồi-hồ (nay thuộc huyện Cẩm-khê, Phú-thọ) tự xưng là Kiểu-linh-công.

11· — Phạm-bạch-Hổ giữ Đằng-châu (nay là Khoái châu, Hưng-yên), tự xưng là Phạm-phòng-át.

12· — Trần-Lẫm giữ ở cửa Bố-chính, (nay là Kỳ-bố thuộc phủ Kiến-xương), tự xưng là Trần-minh-công.

Tiên-hoàng nhân dịp ấy, theo về nương nhờ với Trần-minh-công. Trần-minh-công thấy ngài là dòng dõi tướng võ, và có tài cán, mới dùng cho cai quản binh lính. Không bao lâu, Trần-minh-công mất, ngài thay lĩnh hết cả quân quyền, tự xưng là Đinh Bộ-lĩnh, dần dần đem quân đi dẹp các nơi, thì đi đến đâu dẹp tan đến đấy, tự xưng là Vạn-thắng-vương. Rồi lại nhất thống được hết mọi nơi, mới lên ngôi Thiên-tử đóng đô ở Hoa-lư, sửa sang thành quách, cung điện, đặt quốc-hiệu là Đại-cồ-việt.

Khi trước thầy địa-lý Tàu về lại giở sang, toan mang mả tổ táng vào thủy-mã huyệt, sang đến nơi thì đã thấy ngài nổi lên hùng-dũng, biết là ngài được đất ấy rồi. Người khách không sao được, muốn lập mưu để phản lại, mới vào hầu mà nói rằng:

— Ngài được ngôi đại địa ấy, cũng bởi lúc phúc nhà ngài mà giời cho đấy; nhưng có ngựa phải có kiếm thì mới tung hoành ra bốn bể, vậy ngài nên để thêm thanh kiếm lên cổ ngựa thì mới hay.

Tiên-hoàng tưởng nó nói thật, mới lấy thanh gươm gác lên trên cổ ngựa, không ngờ kiếm có sát khí,[1] có kiếm thì tuy làm được lừng lẫy, nhưng không được lâu dài. Vì thế ngài ở ngôi được 11 năm thì bị Đỗ-Thích giết mất, mà đến đời con là Vệ-vương, thì cơ nghiệp lại về tay triều khác.

   




Chú thích

  1. Có bản cho người khách xui đeo thanh kiếm vào tai ngựa, rồi nước ở chỗ ấy soáy mạnh lắm, lâu ngày thanh kiếm cưa đứt cổ ngựa, cho nên mới hại.