26 — Lê-như-Hổ

Lê-như-Hổ người làng Tiên-châu, huyện Tiên-lữ (bây giờ thuộc về tỉnh Hưng-yên). Như-Hổ to lớn đẫy đà, cao 5 thước 5 tấc, lưng rộng 1 thước rưỡi, nhà nghèo mà hay học; ăn thì cực khỏe, mỗi bữa ăn một nồi bảy cơm mà chưa no. Học được nửa năm, vì nhà nghèo không đủ ăn, mới ở gửi rể một nhà giàu ở lang Thiên-phiến. Nhà vợ mỗi bữa cho ăn một nồi năm cơm, thì Như-hổ thường lơ lửng nhác học,

Bố vợ hỏi bố đẻ Như-Hổ rằng:

— Trước tôi nghe thấy nói con ông chăm học lắm, sao từ khi hắn đến ở nhà tôi, thì lười biếng không chịu học, là cớ làm sao?

Ông này hỏi:

— Từ khi cháu ở nhà ông, ông cho ăn uống thế nào?

Ông kia nói:

— Mỗi bữa nồi năm cơm rồi đấy!

— Nhà tôi nghèo như thế, mỗi bữa còn phải cho nó ăn nồi bảy cơm. Ông cho nó ăn ít làm vây, trách nào mà nó chẳng biếng học?

Ông kia nghe nhời, mới cho ăn hơn khi trước, từ bấy giờ Như-Hổ học thêm được một vài tiếng lại thôi.

Mẹ vợ bảo với chồng rằng:

— Ông khéo kén được rể quí hóa nhỉ! chỉ được bộ ăn khỏe thì không ai bằng. Dù có gượng mà học nữa, cũng không làm trò gì được tuồng hay ăn ấy.

Bố vợ biết điều, bảo rằng:

— Nó ăn hơn người, sức nó tất cũng hơn người, can gì mà lo?

Mẹ vợ nói:

— Có phải sức nó hơn người, tôi có vài mẫu ruộng bỏ cỏ rậm kia kìa, ông thử bảo nó dọn cỏ đi cho tôi, xem nó có làm được không.

Như-Hổ nghe thấy nói như vậy, sang sớm mai, lập tức vác dao phát bờ đem ra ruộng. Đến chỗ gốc cây đa to, thấy chỗ ấy mát mẻ, mới nằm ngủ ở dưới gốc cây.

Mẹ vợ thấy rể vác dao ra đồng, cũng đi chợ mua đồ ăn để về làm cơm cho rể ăn. Khi về qua ruộng, thấy rể nằm ngủ khì ở dưới gốc cây, bà ấy điên tiết, chạy tất tả về bảo với chồng rằng:

— Ông còn bảo thổi cơm nhiều cho nó ăn nữa thôi? Gớm mặt nó! Nó nói ra đồng dọn cỏ, thế mà từ sáng sớm đến giờ, vẫn còn nằm chương thây chương xác ra ngoài ấy, rể ông quí thật!

Hai ông bà mới dắt nhau ra đồng xem. Không ngờ từ lúc bà kia đi về, thì Như-Hổ lập tức đứng dậy phát cỏ. Chỉ một lúc, dọn sạch quang cả vài mẫu ruộng. Cá dưới ruộng chạy không kịp, chết nổi lều bều cả lên mặt nước. Khi hai ông bà đến nơi, thì thấy ruộng đã sạch rồi, bấy giờ mới biết tài sức của Như-Hổ.

Khi lúa chín, mẹ vợ thổi sẵn nồi 20 cơm, sai Như-Hổ ra gọi thợ gặt, Như-Hổ ra ngoài một lát, trở về nói dối rằng:

— Tôi đã gọi nhưng không ai chịu làm, vậy để tôi ăn xong sẽ gặt giúp cho mẹ.

Nói rồi dọn cơm ra ăn, một mình đánh hết nồi 20 cơm,

Mẹ vợ lấy làm quái lạ, nói rằng:

— Cối xay nào mà chứa được thế, có vỡ bụng ra mất không?

Như-Hổ nói:

— Mẹ đừng ngại, việc gặt hôm nay, tôi xin nhận làm một mình.

Mới lấy một cây tre to làm đòn càn, và đem sẵn liềm hái thừng trạc ra đồng. Vừa được nửa buổi thì gặt xong hai mẫu ruộng lúa, bó làm bốn gánh quảy về. Mẹ vợ từ đấy mới có bụng yêu, mỗi bữa cho ăn thật no để mà học.

Làng bên cạnh có hội đánh vật, năm nào Như-Hổ cũng đến phá giải. Các đô vật ai cũng chịu, không ai dám ganh sức với Như-Hổ, vì thế đặt tên là Như-Hổ.

Đến năm gần 30 tuổi, văn chương hay lẫy lừng có tiếng ở đời, rồi thi đỗ Tiến-sĩ trong thời Quang-hòa nhà Mạc. Bấy giờ có người đỗ đồng khoa với Như-Hổ tên là Nguyễn-Thanh, ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh, có khi nói truyện đến gia-tư nhà mình, Như-Hổ nói bỡn rằng:

— Gia-tư nhà bác, chỉ đủ cho tôi ăn một tháng là cùng.

Nguyễn-Thanh nói:

— Ông khinh tôi quá làm gì thế, tôi tuy chẳng có gì nhưng cũng đủ cung phụng ông được ba tháng.

— Thôi đừng nói ba tháng, ông thử cho tôi ăn một bữa xem làm sao.

Ông kia vâng nhời, hẹn ngày mời Như-Hổ vào chơi. Đến hôm hẹn, Như-Hổ vào nhà Nguyễn-Thanh, không ngờ hôm ấy lại đi vắng.

Như-Hổ bảo với người vợ Nguyễn-Thanh rằng:

— Tôi bạn với quan Nghè đây. nhân có việc quan đi qua đây, có hơn 30 đứa đầy tớ, nhờ phu-nhân một bữa cơm.

Phu-nhân lập tức sai người nhà làm thịt con lợn, dọn 5, 6 mâm cơm mang ra.

Như-Hổ bảo người đầy tớ rằng:

— Mày ra gọi chúng nó vào đây.

Lâu mãi không thấy một người nào, chỉ trọi một mình ông Như-Hổ, ngồi đánh hết cả sáu mâm cơm. Ăn xong, gửi nhời tạ ơn rồi đi.

Chiều tối, Nguyễn-Thanh trở về, vợ nói rằng:

— Hôm nay có một truyện nực cười quá chừng! Có một người nói là quen nhau với ông, nhân việc quan đem nhiều đầy-tớ đi qua, nhờ một bữa cơm, tôi tưởng là thật, làm 5, 6 mâm cỗ. Té ra chỉ một mình người ấy ngồi ăn, tôi ở trong buồng trông ra, cứ mỗi một bát và một miếng, ăn như hùm đơm đó, chỉ một lát hết ba nồi cớm và sáu mâm cỗ, không biết người hay là quỉ đói.

Nguyễn-Thanh phàn nàn nói rằng:

— Đấy là người anh em với tôi, trước có hẹn đến chơi, nhỡ ra quên mất, chắc là ông ta lại trách tôi sai hẹn.

Bữa khác, Nguyễn-Thanh nhân việc, đi qua làng Tiên-châu, vào chơi nhà ông Như-Hổ. Như-Hổ sai người nhà làm thịt hai con lợn béo và thổi bốn mâm sôi, dọn ra hai bàn, mỗi bàn một con lợn, hai mâm sôi. Một bàn thết Nguyễn-Thanh, còn mình ngồi riêng một bàn. Nguyễn-Thanh ăn hết một góc mâm và một phần chia tư con lợn. Như-Hổ thì ăn hết sạch cả bàn mình, lại ăn thêm sang một góc sôi thịt ở bàn ông kia, chỉ còn một nửa để cho người nhà.

Nguyễn-Thanh thất kinh nói rằng:

— Ngày xưa ông Mộ-Trạch đã có tiếng ăn khỏe, mà chỉ hết 18 bát cơm và 12 bát canh là cùng. Nếu ông ấy sinh ra đồng thời với ông, thì cũng phải kém ông ba bậc.

Hai người cùng cười ầm cả lên.

Về sau Như-Hổ làm đến Thượng-thư, được phong làm Thiếu-bảo Lữ quận-công, rồi về trí-sĩ. Thọ 72 tuổi mới mất.