24. — Giáp-Hải

Giáp-Hải thi đỗ Trạng-nguyên khoa Mậu-tuất năm Đại-chính nhà Mạc (1538). Mẹ Giáp-Hải là người làng Công-luận, huyện Văn-giang. Bà cụ ấy khi còn trẻ nghèo lắm, chỉ có vài gian nhà gianh ở cạnh đường bán hàng nước. Bấy giờ có một người Tàu đi qua đường vào hàng nghỉ, lúc đi bỏ quên một túi bạc. Cách nửa tháng nữa mới hốt hoảng lại hỏi, thì bà ấy đem cả túi ra trả, vẫn nguyên như lúc trước.

Người khách xin biếu lại một nửa, bà ấy không lấy, nói rằng:

— Tôi chỉ vì không ưa của bất nghĩa, cho nên mới nghèo thế này, sao bây giờ tôi có chịu lấy của ông.

Người khách cảm tạ bụng ấy, mới hỏi rằng:

— Mồ mả đấng tiên-nhân nhà bà ở đâu, để tội tìm giúp cho bà một ngôi đất hay.

Bà kia nói:

— Tôi là đàn bà, chỉ có trọi một mình, không có anh em nào cả. Nay đã ngoài 40 tuổi, dù được đất hay, thì bao giờ cho phát đạt? Mà phát đạt thì có làm gì nữa?

Người khách nói:

— Nếu được chỗ đất hay, thì dẫu đàn bà cũng phát phúc.

Bà ấy mới đưa người khách đến chỗ ngôi mộ cha bà ấy. Người khách lập tức tìm đất cất cho, rồi dặn rằng:

— Về sau thấy ai có nạn đến đây, phải sẵn lòng mà cứù người ta, thì sẽ có cát báo.

Bà ấy ở đấy được nửa năm, xảy có người làng Bát-tràng, nhà nghèo đi làm mướn kiếm ăn; khi ấy giời đã tối, gặp phải mưa gió, quần áo ướt lướt thướt, rét run cầm cập, qua hàng bà ấy xin vào chọ một tối. Bà ấy hỏi đầu đuôi cặn kẽ, cho vào ngủ, rồi đốt lửa cho sưởi và dọn cơm cho ăn, đêm hôm ấy rét lắm, mà nhà thì chỉ có độc một chiếc chiếu. Người kia thì rét không có chiếu không chịu được, mà bà ấy thì cũng không thể nào mà nhường được chiếu cho. Mà để cho khổ thì chẳng đành lòng, mới cho nằm chung một giường mà ngủ

Chàng kia đã được no ấm, lại nằm chung với liền bà, lạ gì lửa gần rơm, té ra thành tư thông với nhau. Không ngờ chàng kia bị chứng hàn thấp chỉ một lúc thì tắt hơi. Bà ấy kinh hoảng vô cùng, sợ người ta phát giác ra, đang đêm phải lôi ra đám tha-ma vùi xuống; mà bà ta cũng có mang từ đấy.

Được vài tháng nữa, người Tàu lại đến, hỏi rằng:

— Tự khi táng mả đến giờ, đã cứu được việc gì cho người nào chưa?

Bà ấy không giấu giếm gì, kể cả sự trước cho người khách nghe.

Người khách hỏi:

— Chôn chỗ nào, thử chỉ cho tôi xem.

Bà ấy đưa ra chỗ mả chàng kia. Người khách ngắm nghía một hồi rồi nói rằng:

— Chỗ này là huyệt thiên táng đấy, nếu có thai thì tất sinh ra Trạng-nguyên tể-tướng.

Bà ấy đầy năm, quả nhiên sinh được con giai, cốt cách lạ thường. Khi lên 4 tuổi, ra chơi ngoài bờ sông, xảy có người lái buôn ở làng Sính-kế, huyện Phượng-nhỡn, bơi thuyền qua bến, trông thấy thằng bé nhẵn nhụi, ăn cắp đem xuống thuyền đi mất.

Bà kia tìm con đâu cũng không thấy, tưởng là chết đuối dưới sông rồi, sầu thảm không biết ngần nào.

Người lái tự khi đem đứa bé về, yêu mến lắm, khi mới nhớn lên tìm thầy cho đi học. Giáp-Hải học rất thông minh, nổi tiếng thần-đồng. Mỗi ngày học hành một tấn tới, văn chương hay nhất trong đời. Đến năm 32 tuổi, thi đỗ Trạng-nguyên.

Hôm vinh-qui về làng, người trong làng phải phục dịch khó nhọc, có người biết nguyên ủy ông ấy, bảo riêng với nhau rằng:

— Không biết người ở xứ nào, đến đây mà làm khổ dân ta thế này!

Giáp-Hải nghe lỏm được câu ấy, không biết vì cớ làm sao, Một hôm, xét xem các mồ mả tổ-tiên, thì khộng có ngôi nào đáng phát Trạng-nguyên, trong bụng hồ nghi lắm. Nhân mới hỏi những người quen thuộc, có người biết truyện nói với ông ấy. Giáp-Hải mới đến tận làng Công-luận dò xem, thì thấy có bà cụ già ngoài 70 tuổi, bán hàng bên cạnh đường, trông ra tình cảnh khốn đốn lắm.

Giáp-Hải sai người vào hỏi rằng:

— Bà cụ kia có chồng con gì không, sao mà khốn khó đến thế?

Bà cụ nói:

— Tôi là người ở làng này, khi xưa có đẻ được một mụn con giai, đã 4, 5 tuổi, chơi với trẻ con ở bờ sông, rồi không biết nó lạc đi đâu mất. Bấy giờ chỉ có một thân, không biết nương cậy vào đâu, tình cảnh sầu thảm, nói ra không xiết.

Giáp-Hải đồ là mẹ mình, mới sai người bảo rằng:

— Bà cụ già cả mà không có ai trông nom, thì theo về với tôi để tôi nuôi cho, có bằng lòng không?

Bà kia nói:

— Nếu quan lớn có bụng thương tôi như thế, thì phúc cho tôi lắm!

Giáp-Hải mới đem về nuôi nấng, nhưng cũng chưa dám chắc hẳn là mẹ Chân Giáp-Hải vốn có cái nốt ruồi đỏ, thường khi ngồi nhàn để lộ ra. Bà cụ ấy một hôm trông thấy, cứ nhìn tròng trọc không chớp mắt.

Người nhà quở rằng:

— Quí thể quan lớn, bà cụ kia sao dám nhìn mãi thế?

Bà kìa nói:

— Tôi khi xưa sinh được một đứa con giai, cũng có cái nốt ruồi như thế, nay tôi trông thấy, tôi lại nhớ đến con tôi, cho nên tôi nhìn ngắm một chút, xin quan lớn thứ lỗi cho tôi.

Giáp-Hải lập tức gọi bà ấy hỏi cặn kẽ từng tí, bà cụ ấy kể rạch ròi thủy chung, Giáp-Hải buồn rầu mà than rằng:

— Ta bậy bạ uổng mất một đời, có mẹ mà không biết, nay nhờ giời mà lại được gặp đây, mới biết đến mẹ.

Tự bấy giờ mẹ con nhìn nhận nhau, hết đạo phung thờ sớm tối.

Về sau, Giáp-Hải làm Đề-điệu trường thi-hượng ở tỉnh Sơn-nam. Hôm vào trường, Giáp-Hải ra đầu bài hiểm hóc, học-trò nhao nhao, toan sự phá trường mà ra, Giáp-Hải phải điều đình ra đầu bài khác, học-trò mới yên. Sai người dò xét, bắt được người thủ-xướng phá trường, sai điệu ra ngoài cửa trường kết án trảm-quyết. Người học-trò ấy kêu nhà độc đinh, xin nộp nghìn quan tiền chuộc tội, nhưng Giáp-Hải không nghe, nhất định chính pháp.

Được ít lâu, con Giáp-Hải là Giáp-Phong, cũng đã đỗ Tiến sĩ, làm quan trong tòa Hàn-lâm, đã ngoại 30 tuổi, bỗng một hôm vô bệnh mà mất. Rồi bốn con giai, hai con gái cũng mất luôn cả một giạo. Giáp-Hải thương xót vô cùng, mời thầy phù-thủy đánh đồng thiếp.

Thầy phù thủy bảo Giáp-Hải ngồi tĩnh nhắm mắt lại, rồi thư phù niệm trú một lúc, bỗng nhiên Giáp-Hải ngã gục xuống. Trong khi ấy, thấy có một người sứ-giả, đưa đến một nơi cung phủ, trong có ba bộ ngai ngồi, bên cạnh có một tấm phản, và có một cái gông sơn đỏ để đấy.

Giáp-Hải hỏi những người canh cửa rằng dinh tòa nào, thì họ nói rằng

— Đây là tòa Diêm-vương hỏi kiện đây, cái gông sơn đỏ để chờ quan Trạng-nguyên ở làng Sinh kế đấy.

Giáp-Hải nghe nói lập tức ra ngay. Sứ-giả lại đưa đến một chỗ đền đài mát mẻ, phong cảnh lạ lùng. Giáp-Hải trông thấy con là Giáp Phong đang ngồi đánh cờ với một ông quan khác. Phong trông thấy cũng ngảnh mặt nhìn ra, nhưng không nói một câu gì.

Ông quan kia hỏi rằng

— Ông cũng quen người ấy đấy ư, sao mà nhìn mãi người ta thế?

Phong nói rằng:

— Tôi trước kia ở trên trần, có chọ nhà ông ta hơn 30 năm, vì ông ta giết oan mất một người, cho nên tôi không ở nữa; nay thấy ông ta đến đây, chẳng lẽ không nhìn một chút.

Ông ấy thấy nói vậy, không hỏi gì nữa đi ra. Sứ-giả đưa về thì tỉnh. Biết là cái nợ oan-gia, mà lẽ báo ứng của nhà Phật cũng có. Vì thế sai gọi nhà người học-trò bị giết khi trước, cho tiền về làm chay cho anh ta. Từ bấy giờ nhà ông ấy cũng yên ổn không việc gì.

Về sau, làm đến Lại-bộ Thượng-thư, Thái-bảo Sách quốc-công, về nhà trí sĩ.

Giáp-Hải nhận tổ-mộ ở làng Bát-tràng, cho nên văn-chỉ huyện Gia-lâm phải thờ ông ấy. Đến sau có ông Tiến-sĩ Nguyễn-mậu-Thịnh, cho Giáp-Hải là người làng Sinh-kế, và lại làm quan nhà Mạc, muốn tước tên ông ấy ở trong sổ tiên-hiền huyện Gia-lâm. Đêm nằm mơ thấy Giáp-Hải đòi lại mắng rằng: « Tao tội gì mà dám tước tên tao, mày là bọn hậu sinh, sào dám khinh nhờn tiền bối, sẽ có báo ứng cho mày xem. » Ông kia vì thế sợ hãi, không dám sóa tên đi nữa. Nay huyện Gia-lâm vẫn có thờ, mà làng Bát-tràng cũng phải cúng tế.