14. — Phạm-đình-Trọng

Phạm-đình-Trọng người làng Khinh-đao, huyện Giáp-sơn, tỉnh Hải-dương.

Tục truyền ngài là thần Ngũ-hồ giáng sinh.[1] Năm 26 tuổi, đỗ Tiến-sĩ, quan trường là Nguyễn-trọng-Quát xem văn của ngài, đã mừng cho triều-đình được người kinh-luân giỏi.

Năm Cảnh-hưng thứ nhất (1740), được cử làm Giám-xát ngự-sử, một khi ở kinh về, ngủ chọ làng Hoàng-xá, huyện Kim-thành, trông thấy một người nằm núp trong đống củi, bắt ra tra hỏi, thì là tướng giặc tên là quận Gió, ngài bắt đem nộp, được thưởng 300 quan tiền.

Năm Tân-sửu, ngài làm Hiệp-đồng, kiêm chức Phòng-ngữ-sứ, phải đi dẹp giặc, bắt được hai tướng giặc là ngụy Cừ và ngụy Tuyển ở núi Ngọa-vân, đóng cũi đem về kinh-đô, được thăng làm Công-bộ Hữu-thị-lang.

Bấy giờ trong nước lắm giặc, mà kiệt hiệt nhất là quận He tên chữ là Nguyễn-hữu-Cầu, quận He là người làng Lôi-đỗng, huyện Thanh-hà có sức khẻo như thần, mỗi khi lâm trận, chỉ cắp hai thanh siêu-đao phi ngựa xông vào, quan quân tan giãn, không ai địch nổi, đã có tiếng gọi là Hạng-võ nước Nam. Tục truyền là thần cá bể sinh ra, cho nên lại tài nghề lặn nước.

Quận He quấy nhũng vùng đông-nam, quan quân đánh mãi không trừ được. Ngài phụng mệnh đốc quân thủy; đóng ở bờ sông cạnh núi Đồ sơn, huyện Đông-triều. Một hôm, ngài đang ngồi trong thuyền, không ngờ Quận He lặn ngầm dưới nước, nhẩy vót lên thuyền, giết chết một tên lính. Ngài vội vàng đóng cửa thuyền hô to lên rằng:

— Tao đã chém được quận He rồi đây!

Chúng tưởng thực xô cả lại, quận He phải nhẩy xuống sông, núp dưới bánh lái. Ngài sai quân cầm giáo đâm xỉa xuống, quận He chạy mất.

Lại một hôm, ngài chỉ có một chiếc thuyền đóng ở bến Triều, bất-thình-lình giặc kéo 3 chiếc thuyền đến vây lại đánh, ngài suất thủ-hạ đánh hăng sức quá, giặc phải bỏ mà chạy, vua khen là mưu dũng hơn người, phong làm Giao-lĩnh hầu.

Năm Nhâm-tuất, vua triệu ngài về sai làm chủ khảo thi hội. Thi xong, lại sai cùng với Tuân quận-công tiến quân đi đánh giặc. Vua hỏi những cơ mưu đánh giặc, ngài tâu tường tận lắm, vua mừng mà thưởng cho 3 cấp và 300 quan tiền.

Năm Giáp-tí, quận He chiếm giữ núi Đồ-sơn ở phủ Kinh-môn, tán tía, tàn vàng, lừng lẫy một vùng bãi bể, tự hiệu là nhà Triều, thủ-hạ có 18 quận-công, và bốn năm vạn quân, thanh thế rất là hách dịch.

Ngài phụng mệnh làm Thống-lĩnh bình-khấu đại-tướng-quân, được quyền sai phái binh mã thủy bộ các xứ Hải-dương, Kinh-bắc, Sơn-mam, An-quảng. Ngài nhận chức, coi việc đánh giặc là trách-nhiệm của mình. Khi cất quân ra khỏi cửa phủ, đóng cờ ở đình Quảng-văn, rồi vào hầu Hoàng-thượng ở trong đền chính. Hoàng-thượng an ủy một hồi, rồi ngự viết một đạo sắc Ban cho.

Sắc rằng:

« Trăm họ đâu cũng là binh, kho tàng đâu cũng là của, cho người tùy tiện mà làm việc, nhất thiết giao phó cho ngươi cả đó ».

Ngài lạy từ đi ra, tiến binh đến thẳng núi Đồ-sơn, chiếm chỗ núi cao hạ trại, rồi dùng mẹo đánh phá, sai quân thủy chặn đường tải lương của giặc ở các cửa bể; mà ngài mang một đạo binh, đi ngầm đàng mé sau núi, chặt cây cối mở lối đi, rồi xe súng nhớn lên trên đỉnh núi, bắn vào trong trại giặc, giặc phải trốn đi nơi khác, lại chiếm giữ mạn sông Thương ở tỉnh Kinh-bắc; đắp thành Thọ-xương, dần dần lại chiếm được hết tự bờ sông giở sang bắc.

Bấy giờ Hoàng-ngũ-Phúc (quận Việp) đang làm Thống-lĩnh tỉnh Bắc, đem quân đánh nhau với giặc, đánh ba trận thì thua cả ba, vì thế giặc lây láng ra mọi nơi.

Năm Ất-sửu, ngài lại phụng mệnh đốc chiến. Một hôm, ngài đang ngồi ở mé nam bờ sông Thương, cùng với một người khách uống rượu, bàn việc binh. Giặc ở bên kia bờ sông, bắn sang một phát, chết mất một tên lính hầu. Người khách xin ngài hãy tạm lánh đi. Ngài nói rằng:

— Ba quân hay dở, quan hệ về một ông tướng, nếu mà ta lui đi, thì giặc tất kéo sang sông ngay.

Bấy giờ giặc giàn chiến-thuyền ở mé bắc; mà cắm cờ ở cửa sông để phòng quan quân tràn vào, ngài sai đắp lũy ở trên bờ sông, làm kế vững bền; một mặt thì sai kéo tự trên thượng-lưu, đi chuyển đường bộ kéo xuống, đến làng Đa-mai, huyện An-dũng, thủy bộ giáp hai mặt lại đánh. Giặc núng thế, muốn phá cừ để chạy ra ngoài, nhưng không ngờ cừ đã bị quân của ngài đóng kĩ lại từ bao giờ không sao phá mà ra được, giặc phải bỏ cả thuyền chạy lên bộ, quan quân đuổi đánh, bắt được rất nhiều.

Vua được tin mừng lắm, thưởng cho 10 lạng vàng và vài trăm thẻ bạc, để tùy ý thưởng cho tướng-sĩ. Vua lại viết bốn chữ « Văn võ toàn tài » ban cho.

Khi ấy lại có đám nghịch Ngũ chiếm giữ làng Ngọc-bội, đã được vài năm, thế cũng hùng dũng. Phan-phái hầu là Nguyễn-Phan đem quân đi đánh, bị giặc vây ở làng Hương-canh. Vua sai ông Quốc-cữu cầm 18 cơ binh lên đánh giải vây, đánh hơn một tháng giời không được. Vua thấy mặt đông-bắc đã hơi yên, mới triệu ngài về sai lên dẹp mặt Sơn-tây.

Khi ngài về vào chầu, vua ban cho một thanh gươm bảo rằng:

— Từ phó-tướng trở xuống, hễ ai không tuân nhời, cho phép cứ chém; còn cái áo gấm ban cho tướng trước sai đi, làm không nổi việc, cho người lên mà đòi lấy, hẹn cho 10 hôm thì phải xong việc.

Ngài từ vua mang quân đi. Khi đến gần chỗ đất giặc, ngài cưỡi voi trèo lên trái núi trông xem, thì thấy khu giặc ở có 15 ngọn đồn, liên-tiếp với nhau; mà chung quanh ngoài lũy thì toàn đồng lầy cả. Ngài mới truyền cho quân mỗi người phải mang một bó củi và một bó đuốc, nửa đêm kéo quân vào, sai ném củi xuống đồng lầy làm đường đi, rồi phá trộm lũy vào chính trại to của giặc, phóng hỏa đốt trại, rồi thì trong ngoài đánh ập vào, đốt luôn cả các đồn khác. Giặc đánh không nổi phải tan chạy, mới giải được vây cho Phan-phái hầu.

Người ngồi trên đầu voi, thảo biểu dâng về tâu công, và sai người lại đòi áo gấm của tướng trước, rồi đem quân về chầu, bấy giờ mới có 6 ngày.

Vua mừng lắm, cho ngồi ăn yến cùng một chiếu với Việp quận-công.

Vua bảo rằng:

— Nghịch Ngũ tuy nhiên dông dỡ, nhưng chẳng qua chỉ là giặc giữ nhà mà thôi. Còn như nghịch He, nó còn ra vào bất trắc lắm, ngươi phải lưu tâm mà đề phòng, vậy ngươi nên về ngay dưới mặt đông-nam mới được.

Ngài lạy tạ, lập tức lên đường, về đến trại cũ ở làng Bối-thị huyện Vĩnh-lại, khao thưởng quân sĩ, nói phao lên rằng: cho quân ăn uống vui chơi năm ngày.

Bỗng dâng đến nửa đêm hôm thứ ba, nghe tiếng trống om sòm, thì ra ngài đã mang quân thủy đuổi đánh quận He ở ngã ba sông Tranh. Các tướng cũng kéo quân bộ ra đánh, quận He phải chạy trốn mất. Các tướng ai nấy mừng rỡ, nhưng không biết vì cớ gì mà ngài biết trước giặc đến mà đánh ngay được như thế.

Các tướng hỏi thì ngài bảo rằng:

— Ta mới tự kinh-đô lại đây, giặc tất có người do thám. Hôm thứ nhất, nó xem ta động tĩnh thế nào. Nó thấy ta nói phao lên cho quân ăn uống năm ngày, tất nó đồ rằng quân ta trễ nhác. Sang ngày thứ hai, nó tất đem ngầm quân đến đánh quân ta, ngày thứ ba thì nó đến nơi, cho nên ta đón đường trước mà đánh. Đó là phép binh dử cho người đến mà đánh đấy.

Các tướng ai cũng chịu là mẹo cao. Ngài lại sai quân chia giữ các nơi sung yếu; và sức cho dân phải giữ giúp cho nhau, hễ có giặc phải báo quan ngay, để đem binh đến tiễu. Từ đấy thế giặc mỗi ngày một kém, dần dần quân thưa lương cạn.

Một hôm, quận He sai người cầm giấy lại trình ngài, trong giấy viết ra một câu đối rằng:

Ngọc tàng nhất điểm; xuất vi chúa, nhập vi vương.[2]「玉 藏 一 點 出 爲 主 入 爲 王。」

Ngài lập tức viết lại đối rằng:

Thổ tiệt bán hoành; thuận giả thượng, nghịch giả hạ.[3]「土 截 半 橫 順 者 上 逆 者 下。

Quận He trông thấy, vừa sợ vừa thẹn, không dám đánh nhau nữa. Mới sai người đem vàng bạc hối lộ cho người quyền-thần phủ chúa Trịnh tên là Đỗ-thế-Giai, giả tiếng xin ra hàng, mà kì thực muốn dùng chước hoãn binh. Đỗ-thế-Giai nhận lễ, nói với chúa Trịnh. Chúa Trịnh tin nhời cho hàng, và phong cho quận He làm Ninh-đông hầu, truyền đem thủ-hạ lại chầu.

Phạm-đình-Trọng khăng khăng một mực xin đánh, thề không chịu cùng với giặc sống ở đời. Có quan Thự-phủ nhân có hiềm riêng với ngài, gièm pha với chúa Trịnh, để chúa Trịnh triệu ngài về kinh. Ngài thì biết cơ quận He trá hàng, mới đóng quân lại ở đồn Bôi-thị, và chiêu mộ thêm quân cường tráng các huyện Thanh-hà, Tứ-kỳ, Thượng-hồng, Vĩnh-lai, chia làm hai cơ nghĩa-binh, đặt tên gọi là cơ Thanh-kì và cơ Hồng-vĩnh, sai hai tướng thủ-hạ thống lĩnh hai cơ ấy.

Quan Thự-phủ gièm với chúa Trịnh rằng:

— Phạm-đình-Trọng chẳng khác gì Huyền-Đức, mà Thanh-kì thì là Quan-Võ, Hồng-vĩnh thì như Trương-Phi. Nay ông ta cầm đại binh ở ngoài, hoặc sinh bụng bất trắc thì làm thế nào?

Chúa Trịnh vốn tin ngài, không nói gì đến, lại đưa cho một bài thơ để ngài yên tâm.

Về sau quận He quả nhiên không ra hàng, cướp bóc vùng đông-nam lại càng nhũng lắm. Triều-đình sai quận Côn lĩnh binh đi đánh. Khi sang qua sông Nhị-hà, đến trạm Điêu-dao, bị giặc đánh lừa, bắt sống được quận Côn, chư quân tan vỡ mất cả. Giặc bắt triều-đình phải chuộc quận Côn 300 lạng bạc. Kinh-thành nhao nhác cả lên.

Chúa Trịnh lại sai ngài đi đánh. Ngài lập tức phái binh các đạo và quân nghĩa-binh tiến tiễu, đánh nhau ở Gia-phúc, Quảng-xuyên, An-ninh, Tông-hóa trận nào cũng được, giặc phải trốn đi nơi xa, dân vùng ấy lại được yên ổn.

Khi trước ở bến Hồng-đàm châu Vạn-ninh, là một nơi rất hiểm ở miền bể đông. Có đám giặc Quan-lan, tụ đồ đảng giữ chỗ ấy làm sào huyệt, cướp bóc các thuyền buôn đường bể, việc buôn bán ta với Tàu đọng cả lại. Quan Tổng-đốc Quảng-đông, không sao trừ được, nhiều lần đưa giấy sang cho quan Tuần-phủ Yên-quảng, hợp binh tiễu giặc, đánh luôn mấy năm vẫn chưa xong. Khi ấy ngài đi tuần mặt bể đông, sai thuộc-tướng là Vinh-thọ hầu đem chiến thuyền đóng ở châu Vạn-ninh, nói phao lên rằng đánh giặc, hẹn ngày với quan Tàu để hợp tiễu. Mà ngài thì mật đem đội thuyền từ dưới núi Đề-thi, ra đường Bạch-long-vĩ, đến thẳng bến Hồng-đàm, đánh phá trại giặc, bắt được tướng đầu đảng và 7 người đồ đảng, đóng cũi nộp cho quan Tàu. Ngài thân đến chơi với quan Trấn-thủ Long-môn, người Tàu trông thấy ngài lấy làm lạ lùng, tiếc thay cho ngài là đại tài mà sinh về nước nhỏ, chính-nhân mà thời người quyền-thần.

Quan Tàu tâu việc ấy lên vua Tàu. Vua Tàu khen nước Nam có người giỏi, yên được cõi ngoài ven, sai quan sang ban thưởng cho ngài áo đai, trăm tấm gấm, mười lạng vàng và phong làm Thượng-thư. Chúa Trịnh cũng phong cho ngài làm Binh-bộ Thượng-thư, bởi thế gọi là Thượng-thư hai nước.

Sực lại có tin quận He quấy nhiễu các huyện Thần-khê, Thanh-lan, dân sự tàn hại. Chúa Trịnh lại sai ngài đi đánh. Ngài đi gấp đường đến huyện Ngự-thiên, đang cùng bàn mưu với quận Việp, xảy đâu giặc kéo đến vây kín làng ấy. Quận Việp lo phát phiền, một đêm mà đầu bạc trắng xóa. Ngài sai chư quân giàn trận, cầm giáo trông về phía giặc. Một mặt sai quân đắp lũy. Ngài ngồi ngay trong trận thảo tờ hịch, sai đòi tướng tá lại hội. Đang khi ấy, giặc bắn chết một tên lính cầm nghiên mực, ngài sai tên khác thay vào, mà ngài thì cứ ngồi vững vàng như không, trỏ bảo các quân. Giặc thấy vậy không dám đến gần, phải tháo vây mà chạy. Ngài đem quân các đạo, thừa thế đuổi đánh, phá được giặc ở sông Lộng-khê (về huyện Phụ-dực). Lại đuổi đến làng An-vệ, huyện Quỳnh-côi, vây bọc được giặc hai ba từng. Quận He sai quân bó nhiều đình-liệu, nói phao lên rằng đến đêm thì đốt đình-liệu mà đánh ra. Chiều tối, giặc bỗng nhiên bỏ cả đình-liệu thúc ngựa kéo ra, quân sĩ không ai dám chống lại, chỉ có một mặt của ngài vây mé ngoài thì giặc không dám ra cửa ấy.

Về sau quận He trốn về Nghệ-an, hợp đảng với nghịch Diên, quấy nhiễu trong vùng Thanh, Nghệ, ngài đem quân vào Nghệ, đốt phá được trại giặc ở làng Hưng-lãm, rồi đánh tràn vào đến Bạch-đường, Bào-giang. Ngài suất bộ-tướng là quận Trân làm tiên-phong, sai quận Viên làm hậu-quân, đuổi giặc mãi đến huyện Quỳnh-lưu, qua làng Hoàng-mai, ở đấy có một trái núi rậm, ngài đồ rằng giặc tất núp vào trái núi ấy, mới đổi tiền-quân làm hậu, hậu-quân làm tiền, sai vây bọc chung quanh dưới chân núi. Bấy giờ quận He thế lực đã kiệt lắm rồi, biết thân không còn thể nào chạy thoát, mới đến tiền-quân xin hàng.

Khi trước quận Trân cầm tiền-quân, vốn quen nhau với quận He. Không ngờ tiền hậu mới đổi, té ra quận Viên cầm tiền-quân. Quận Viên mới sai đóng cũi giải nghịch He về Kinh-sư.

Từ đấy ngài mới thành công giở về, được gia chức là Thiếu-bảo, phong làm Dương-võ tuyên-lực công-thần, ban cho 12 xã dân và 150 mẫu ruộng để làm ruộng thế-nghiệp.

Năm Cảnh-hưng thứ 12, ngài phụng mệnh trấn thủ tỉnh Nghệ-an và châu Bố-chính. Một khi ngài đang ngồi coi việc trên phủ-đường, bỗng dưng có một con rắn to tự ngoài sân bò vào, quân sĩ toan đánh, ngài không cho đánh, thử để xem ra làm sao, thì thấy con rắn bò quanh chỗ sặp ngài ngồi, rồi leo lên tràng áo ngài. Ngài cứ ngồi nghiễm nhiên không động, một lát nó lại bò xuống, rồi bò vào hồ Bán-nguyệt đi mất.

Ngài có ý buồn rầu, biết là cái điềm nó đến đón mình. Ngài mới đi khắp trong thuộc hạt, khuyên dân làm ăn yên nghiệp.

Một hôm, ngài đang nằm trong màn, đang đêm bỗng dạ to lên một tiếng, cả nhà giật mình. Hỏi cớ làm sao thì ngài nói rằng:

— Thượng-đế sai đòi ta về rồi.

Chúng ngạc nhiên, chưa biết thế nào. Đến ngày mồng một tháng giêng năm sau là năm Giáp-tuất, ngài mặc áo chầu ra giữa phủ-đường, ngảnh mặt về bắc lễ vọng Thiên-tử, rồi lên giường nằm, tự nhiên thiếp dần đi rồi mất.

Vua được tin thương xót vô cùng, sai quân thủy bộ hộ tống linh-cữu về làng ngài an táng, và sai quan Thượng-thư là Trần-Cảnh đến nhà dự tế.

Chúa Trịnh cũng sai Thượng-thư là Nguyễn-công-Thái đến tế, và tặng 16 chữ: « Phủ dân, tiễu khấu, cố bản, an biên, ái quốc, trung quân, hoàn danh, cao tiết. » Lại gia tặng chức Thái-phó, phong làm Hải quận-công thượng-đẳng phúc-thần, sai lập đền thờ ở làng Giáp-sơn.

Chúa Trịnh lại ban cho một câu đối thờ rằng:

Cái thế anh-hùng kim cổ thiểu,
Tại nhân công đức địa thiên tràng.[4]
蓋 世 英 雄 今 古 少
在 人 功 德 地 天 長

   




Chú thích

  1. Lúc ngài còn nhỏ, thường ngâm một câu rằng: « Giời chẳng già, đất chẳng già, năm hồ bảy miếu một mình ta ». Đến sau ngài đi kinh-lược xứ Sơn-nam, có bọn khách Tàu ở phố Hiến vào hầu, trông hình dáng ngài y như tượng thần Ngũ hồ bên Tàu. Nhân hỏi ngài sinh ra ngày tháng nào, thì quả nhiên trúng về ngày tháng Ngũ hồ có sự biến lạ, hiện còn ghi vào bia bảy miếu ở bên ấy, mới biết khi ấy là thần Ngũ-hồ giáng sinh.
  2. Nghĩa của chữ ngọc giấu đi một nét chấm, thò lên thì là chữ chúa, thụt xuống thì là chữ vương. Có ý khoe mình làm nổi vua chúa.
  3. Nghĩa là chữ thổ cắt bỏ nửa nét ngang đi, phải thì là chữ thượng, trái thì là chữ hạ. Có ý chê kẻ kia phản nghịch.
  4. Nghĩa là anh-hùng đời xưa nay hiếm có, công đức cho người ta được nhờ dài bằng với giời đất.