Nói chuyện cùng ông Lệ Thiên

Nói chuyện cùng ông Lệ Thiên  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thần chung, Sài Gòn, số 253 (22.11.1929)

Cải chánh đi, cải chánh lại, ai lầm nấy biết

Sau khi bài Nói chuyện thơ Học Lạc của tôi đăng báo Thần chung rồi, bên Trung lập lại ra một bài nữa, nói rằng để “cải chánh vài chỗ lầm” của tôi.

Tôi mà lại có lầm hay sao ? – Ấy, chớ nên nói thế ! Người ta muốn cho không lầm, chỉ có đức thánh Pha-pha mới không lầm mà thôi !

Nói như đức Khổng Tử thì ai nghe cũng dễ chịu : “Khâu nầy thiệt là may, nếu có lỗi lầm, ắt có người biết cho !”.

Nay tôi muốn nói như đức Khổng đó cũng chẳng khó. Ngặt vì trong việc nầy tôi không có lầm thì biểu tôi chịu làm sao được ?

Ông Lệ Thiên bảo là lầm thì cứ việc cải chánh đi ; còn tôi đây, tôi bảo là tôi không lầm thì tôi lại cải chánh lời của ông. Rốt lại, ai lầm nấy biết.

Có một điều nên nói trước đi cho dứt mạch, là hôm nay, ông Lệ Thiên đã thả bài thơ Học Lạc ra rồi mà níu lấy chuyện khác; ổng cải chánh cái lầm của tôi là cái lầm khác.

Lệ Thiên hôm trước tôi kêu bằng “cô” mà hôm nay tôi kêu bằng “ông”, sự đó quả là lầm thiệt, mà cũng duy có tôi mới lầm như vâỵ. Sự tôi lầm đây cũng như ông Lệ Thiên đã lộn chữ “trăng” ra chữ “trăn”, theo ông nói, “lộn một cách quả quyết lắm”. Lộn mà lộn một cách quả quyết, nghĩa là có cái gì đó làm cho có thể lộn được vậy.

Tôi lộn Vương Lệ Thiên ra đàn bà là vì trong óc tôi sẵn có Vương Chiêu Quân là đàn bà. Xin hãy nhớ rằng tên của ông viết bằng quốc ngữ mà không chua chữ nho. Trong khi tôi thấy cái tên Vương Lệ Thiên là quý danh, thì tôi phải liên tưởng đến Vương Chiêu Quân mà yên trí rằng người nầy có lẽ là bà con dòng họ gì với người kia. Bởi cái họ đã trùng mà cái tên cũng giống nhau như hệt. Bên kia, chữ Chiêu nghĩa là sáng, chữ Quân nghĩa là vua, thì bên nầy chữ Lệ nghĩa là đẹp (tôi có ngờ chữ Lệ kia đâu), chữ Thiên nghĩa là trời đối lại. Trong óc tôi đã chứa sẵn cái liên tưởng ấy mà tôi không quả quyết cái người có tên ấy là đàn bà, thì họa có tôi đã điên rồi chăng. Vì người ta không phải điên thì sự liên tưởng là sự tác dụng của tâm lý phải còn có hiệu lực.

Không đợi ông nhắc, trong khi đó, ở đầu tôi cũng đã có phác họa sơ một mẫu tam đoạn luận để xử đoán sự ấy, ấy là :

Vương Chiêu Quân là đàn bà ;

Cái tên Vương Lệ Thiên giống hệt như Vương Chiêu Quân ; thì Vương Lệ Thiên cũng là đàn bà.

Tôi đã cẩn thận như vậy, thế mà bây giờ sai với sự thiệt, đó là tại cái tiểu tiền đề nó phỉnh tôi, làm cho tôi lầm, và tôi cũng nên có cái lầm ấy.

Coi đó thì sự tôi kêu ông bằng đàn bà là vì tôi chưa được biết ông, và bởi ba chữ tên ông làm cho tôi lầm, chớ không phải tôi đã định tâm giả ngộ để kiêu ngạo ông như lời ông nói. Vả chăng, tôi bình nhựt hay binh vực và nói tốt cho hàng phụ nữ, trong làng báo đã có người cho tôi là “nịnh đầm”, vậy thì trong khi tôi định tâm kêu ai là đàn bà, có lẽ là tôi tôn trọng người ấy, nếu nói tôi kiêu ngạo thì thật là trái với tâm lý của tôi. Nhưng phải nói thiệt, với ông đây, tôi không định tâm kiêu như vậy đâu.

Cắt nghĩa trôi chỗ ấy rồi, bây giờ tôi xin trở lại cái bài trước của ông, coi có phải là ông có ý đính chánh một đoạn trong mục Thi thoại của tôi không.

Trong bài ấy của ông, ông vẫn có rào trước đón sau rồi, song không làm thế nào che khuất được cái ý muốn cải chánh của ông, vì ông nói rằng ông đem những chỗ bất đồng ấy công bố ra hoặc giả cũng giúp được năm hàng trong quyển Thi thoại bằng tiếng An Nam mà sau nầy có ngày tôi xuất bản.

Đã biết rằng ông có dùng chữ “hoặc giả” là lời vị định, song trong khi viết bài ấy, ông vẫn luôn luôn nhớ đến sự “giúp được năm ba hàng”. Ông nói thế nghĩa là tôi đã nói sai mà ông chữa lại đúng hơn, vậy mới kêu là “giúp” chứ. Cứ văn nghĩa của nội một câu ấy, thì chẳng phải ông có ý đính chánh là gì ? Vậy mà ông nói rằng cái ý của ông không lòi ra !

Quan tòa xử đoán thì không nên lấy ý mà bắt tội người ta, song chúng ta xem văn mà không hiểu đến ý thì còn xem gì nữa ? Vậy trong chỗ nầy, tôi có cái gì là lầm đâu mà ông Lệ Thiên đòi đính chánh ?

Còn cái câu hỏi “trên bàn giấy có tự vị không” thì lại do một cái liên tưởng khác mà phát ra. Bởi tôi nghĩ Lệ Thiên là đàn bà nên mới có câu hỏi ấy. Tôi thường hay nói : Trong hết thảy những cái rổ may của đàn bà An Nam không mấy cái có bao tay, cũng như trên hết thảy những cái bàn giấy đàn ông An Nam không mấy cái có cuốn tự vị. Đó rồi trong khi nói đến tự vị trên bàn giấy của người đàn bà thì tôi liên tưởng đến cái câu tôi hay nói hồi bình nhựt mà phải phát ra lời hỏi ấy. “Trên bàn giấy cô có cuốn tự vị không ?” Ấy là tôi viết tắt đi như thế, chớ nguyên hồi đó trong óc tôi định hỏi rằng : “Có phải là trên bàn giấy cô không có cuốn tự vị cũng như trong rổ may cô không có bao tay phải chăng ?” Nhưng hôm nay đã biết cái người tôi nói đây là đàn ông, vậy thì tôi tình nguyện thủ tiêu câu hỏi ấy. Ấy là bởi tình thiệt chớ không có “mắc mỏ” chi cả.

Tôi lấy làm tiếc rằng hôm nay chúng ta nói đây thành ra câu chuyện chi chi mà không phải câu chuyện thơ Học Lạc nữa. Thế mà ở cuối bài ông Lệ Thiên còn chua hai chữ “còn nữa” thì tôi không biết ông sẽ nói gì, để coi !... Hay là ông dọa chơi đó thôi.

C.D.