Cùng cô Lệ Thiên nói chuyện thơ Học Lạc

Cùng cô Lệ Thiên nói chuyện thơ Học Lạc  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thần chung, Sài Gòn, số 250 (19.11.1929)

Trung lập ngày 17 vừa rồi, nơi mục Văn uyển có bài “Câu chuyện thơ Học Lạc”, cô Lệ Thiên[1] có ý đính chánh lại một đoạn trong mục Nam âm thi thoại của tôi đăng ở Phụ nữ tân văn. Tôi đọc qua, thiệt lấy làm có ích lắm. Nhứt là cái bài “Vành mâm xôi đề thằng Lạc” của ông Học, đã có người đọc cho tôi nghe mà quên hết mấy câu, thì nay nhờ cô làm cho tôi biết được cả bài, về sau tôi sẽ đem vào Thi thoại, tốt lắm, tôi xin cảm ơn.

Song còn một đôi chỗ tôi muốn thương xác lại với cô thì tôi lại muốn nói ngay hôm nay, vậy mới vội vàng viết bài nầy nhờ Thần chung đăng cho. kẻo đợi Phụ nữ tân văn bữa sau trễ quá.

Trước hết xin nói rằng cái bài thơ “Hóa An Nam, lứ Khách trú” của ông Học đó, cô nghe nơi người khác thuật lại cho, mà tôi cũng nghe nơi người khác thuật lại cho, trong chỗ đó, không ai hơn ai được. Nghe người ta thuật thế nào thì mình kể ra thế ấy, tôi không dám bảo cái điều tôi nghe là đúng mà cái điều cô nghe là sai ; còn cô, cũng vậy. Chỗ đó chúng ta nên huề nhau là phải.

Lại còn một lẽ nữa. Nếu cô nghe bài ấy ở một người bạn đồng thời của ông Học hay là ở một người con trai của ổng đã thành nhân trong khi ổng còn sống, còn tôi chỉ nghe ở một người không biết là ai, nói chuyện trên xe điện hay là trong tiệm công yên, thì sự cô nghe chắc là đúng hơn tôi. Song cái nầy, tôi nghe ở người ta, cô cũng nghe ở người ta, cô chẳng có chứng cớ gì chắc hơn tôi hết, thì hai ta lại càng nên huề nhau nữa.

Chỉ có, tôi đã đem bài ấy vào Thi thoại, cô đã đem bài ấy chép vào Văn uyển, ấy đó, cái chỗ đôi ta nên nói chuyện với nhau là ở đó. Tôi nói thế, nghĩa là, sự chúng ta nghe, bây giờ không lấy đâu làm bằng mà đoán là phải quấy được, phải lấy cái quan niệm về thi văn làm chuẩn đích.

Nếu cô cũng đồng sở kiến với tôi như vậy rồi cô chịu khó mà nghe tôi giảng giải ra dưới nầy thì thấy cái điều tôi nghe có lẽ là đúng hơn cô.

Cái bài “Hóa An Nam, lứ Khách trú” đó, ông Học làm ra vì đã bị bắt chung với người Khách cầm cái bong vụ[2] là phải. Cô hãy bỏ cái thành kiến của cô đi rồi đọc đi đọc lại nhiều lần thì khắc hiểu. Vì bị bắt vào một đám nên ông mới nói “trăng trói lằng xằng nhau một lũ”. Huống chi “ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc Nam, trong tay cắc cớ xuôi đoàn tụ”, thì rõ là bị bắt cùng một việc và một lần với nhau. Chớ nếu nói như cô, “vừa khi đó cũng có anh Khách trú bị đóng trăng vì tội cầm cái bong vụ” thì việc gì ông phải nói đến những lời như thế ? Hai câu chót, nghĩa lại càng rõ nữa. “Phạt tạ xong rồi, trở lại nhà : Hóa thì hốt thuốc, lứ bong vụ”. Ngẫm nghĩ cho kỹ thì thấy rằng trong khi đó ông Học với người Khách trú chung nhau sắm lễ tạ làng rồi ai về nhà nấy v.v... Vì bị bắt chung một việc nên cùng bị phạt và cùng tạ một lần ; nếu không thì ông nói sự phạt tạ vào trong bài thơ ông làm chi ? Về rồi, ai làm nghề nấy, ông Học cứ việc hốt thuốc, chú Khách cứ việc bong vụ, thế là tỏ ra rằng trước kia ông không bong vụ mà cũng bị bắt làm một với chú Khách, mới là oan uổng. Cả bài thơ của ông, cái hay chỉ tại chỗ đó, tôi đã nói rõ trong Thi thoại[3] rồi. Nếu theo như lời cô thì bài thơ ông Học chẳng có gì là hay, mà không những thế, cả bài của ổng, nhứt là câu kết của ổng lại trở nên lạt lẽo nữa.

Trên đó là tôi chỉ theo cái quan niệm về thi văn mà giải bày ra như thế ! Đến như tìm cho ra những cái chứng cớ về tích cực để vững cái thuyết của tôi thì tôi chưa tìm được và cũng không biết vào đâu.

Nay nói đến cái cớ ông Học bị đóng trăng, theo như lời của cô, là vì ổng làm bài thơ “mâm xôi”, thì tôi có đủ chứng cớ về tiêu cực mà đoán quyết lời cô nghe đó là sai lầm.

Ông Học Lạc tự xưng rằng “Danh phận không ra cái cóc rác”, thế không phải ổng không có danh phận đâu, song chỉ nhỏ nhen đó thôi. Người ta kêu ổng bằng “Học”, tức là Học sanh ngày xưa. Học sanh ngày xưa tuy không sánh hàng với những người có khoa mục, chớ cũng khá, không phải như anh dân trắng đâu mà làng muốn đóng trăng khi nào cũng được. Vậy thì, nói rằng ổng vì làm bài thơ mâm xôi mà bị đóng trăng thì thật là vô lý. Cô thử nghĩ, bây giờ đây, có ông làng nào dám đóng trăng một người dân hay là học trò trong việc sơ sơ như vậy không, nữa là một ông học sanh ngày xưa ?

Theo lệ ta ngày xưa, những người có chức sắc danh phận, pháp luật phải vị nể. Chỉ có người nào phạm về việc gian dâm, đạo thiết hay là đổ bác thì người ta bắt được, trói được, đóng gông đóng trăng được, ông gì cũng kệ. Cũng vì lẽ ấy mà, theo người ta nói cùng tôi, bọn việc làng tức ông Học Lạc về bài thơ mâm xôi đó nên sau mới vu cho ổng đánh bong vụ và bắt mà đóng trăng. Nếu lời nầy là đúng, thì thành ra cô đã kể lộn việc trước ra sau, việc sau ra trước.

Ấy là mấy điều đại khái tôi muốn nói chuyện cùng cô; còn dưới nầy là mấy điều vặt vãnh.

Trong câu “trong tay cắc cớ xuôi đoàn tụ” thì tôi tưởng chữ “tay” là phải, nghĩa là chỉ đoàn tụ trong tay của hai người mà thôi, vì hai người đóng trăng chung làm một, để tỏ rằng ngoài đó ra, hai người vốn chưa rõ đoàn tụ chỗ nào, làm thêm mạnh ý của câu “ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc Nam” nữa. Chớ trong “tai”, thì nghĩa nó nghe sống sượng và khí cầu kỳ quá. Tôi nói, còn có người rành nghề thơ nghe nữa.

Đến như chữ “trăng” mà cô chữa lại là “trăn” thì cái đó tôi cảm ơn cô lắm, vì cô có ý viết quốc ngữ đúng, hiệp với cái thuyết tôi đã xướng lên trong “Phụ nữ tân văn” vừa rồi. Song đúng hay không tôi đã nói, phải cứ theo tự vị. Vậy thì “trăng” hay là “trăn”, chữ đó ta cũng nên theo tự vị. Sẵn có cuốn tự vị An Nam Langsa của Jean Bonet trên bàn đây, tôi giở ra tra :

Cuốn thứ nhì, tờ thứ 340, chữ trăng giải nghĩa chung như vầy :

trăng cùm = le ceps, le fers;

đóng trăng = metire quel’qun au fers;

trăng trói = liens, chaines;

mang trăng = avoir les reves; être aux fers.

Vậy thì cô lầm, không phải nhà in “Phụ nữ” lầm và cũng không phải tôi lầm.

Tôi xin nhắc lại cho cô nhớ rằng mỗi khi gặp chữ gì nghi, hãy giở tự vị ra tra, rồi hãy nói...

Trên bàn giấy cô có tự vị không ?

CHƯƠNG DÂN

   




Chú thích

  1. Thật ra Vương Lệ Thiên là nam, ở đây Phan Khôi lầm ; ở một bài sau tự ông sẽ đính chính
  2. Bong vụ: đánh (búng) ; con vụ (con quay) xoay tròn ; cuộc bong vụ có người cầm cái là một dạng đánh bạc ; người chơi đánh cuộc con vụ (trường hợp này là con xúc xắc 6 mặt) ngã mặt nào, do đó bị mất tiền hay được tiền (theo H.T.P. Của và Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  3. Xem : Phan Khôi : Chương Dân thi thoại, mục XXXIII ; bản in lần đầu, Huế, 1936, tr. 74-76 ; bản tái bản, Đà Nẵng, 1998, tr.98-99. Theo Lại Nguyên Ân, nhan đề bài thơ phải ghi là Quá An Nam, lứ Khách trú mới chuẩn xác. Lứ (âm đọc tiếng Triều Châu) là anh, chị, mày... (đại từ ngôi thứ 2) ; quá (cũng âm đọc tiếng Triều Châu) là tôi, tao... (đại từ ngôi thứ 1). “Hóa” trong câu trên chỉ là mô phỏng âm “quá” Triều Châu. Nghĩa câu “quá An Nam, lứ Khách trú” là “Tao (là dân) An Nam, mày (là) Khách trú