Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim
Sự giao thiệp của chính phủ Việt-Nam với nước Pháp

SỰ GIAO THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ
VIỆT-NAM VỚI NƯỚC PHÁP


Việc khó khăn lúc bấy giờ là việc đối phó với nước Pháp, mà tôi cho là cách ngoại giao của chính phủ lại có nhiều chỗ hớ hênh. Lúc đầu mới có lâm thời Chánh Phủ, có người phái viên Mỹ đến bảo ông Bảo Ðại rằng: « Chính phủ Việt Nam có cần tiền để kiến thiết thì người Mỹ sẵn sàng cho vay ». Ông liền đến bảo ông Bộ-Trưởng Tài chánh thì ông ấy chối phắt đi, nói rằng: « Chính phủ Việt Nam không cần tiền người Mỹ ».

Trước khi nước Pháp đem quân vào Bắc Bộ, chính phủ Pháp mở cuộc điều đình với chính phủ Trung Hoa ở Trùng khánh để nước Tàu rút hết quân về và để nước Pháp thu lại chánh quyền. Lúc ấy người ta nói rằng chính phủ Trung Hoa có điện sang cho chính phủ Việt Minh cho đại biểu sang dự thính trong khi đàm phán. Chính Phủ Việt Minh làm thinh không trả lời.

Khi chính phủ Pháp ký hiệp ước với chính phủ Trung hoa rồi, mới trù tính đem quân ra Bắc Bộ. Cao cấp ủy viên nước Pháp lúc ấy là Hải Quân Trung Tướng D'Argenlieu có ra vịnh Hạ Long mời ông Hồ Chí Minh xuống nói chuyện. Ông đi với ông Nguyễn Tường Tam, Bộ Trưởng Ngoại Giao và mấy người khác nữa. Xuống đến tàu, chỉ có mình ông Hồ được mời vào buồng nói chuyện, còn mọi người đứng ở ngoài. Xong việc nói chuyện ở dưới chiếc tàu chiến rồi, cao cấp ủy viên ông Sainteny thay mặt để lên Hà Nội cùng với ông Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh, đại biểu chính phủ Việt Nam ký tờ hòa ước ngày mồng 6 tháng ba năm 1946.

Bản Hiệp ước sơ bộ có ba khoản:

Khoản thứ nhất: « Chính phủ nước pháp nhận nước Việt Nam cộng hòa là một nước tự do có Chính phủ có Quốc hội, có quân đội và có tài chính, dự vào liên bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp. Về việc hợp nhất ba kỳ thì chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận sự quyết định của dân chúng sau cuộc trưng cầu ý kiến ».

Khoản thứ hai: « Chính phủ Việt nam phải lấy tình thân thiện mà đón tiếp quân đội Pháp chiếu theo những thỏa hiệp Quốc tế, vào thay những quân Pháp đã đóng trong nước. Có bản phụ ước đính theo hiệp ước này định rõ cái thể cách về việc luân chuyển quân đội ấy ».

Khoản thứ ba: « Sau khi hai bên đã ký tên rồi, thì phải thi hành ngay những điều đã định trong tờ Hiệp ước này và mỗi bên phải tìm các phương tiện để đình hết thảy sự xung đột ở các nơi, quân đội hai bên ở đâu cứ đóng ở đấy và phải gây ra một không khí hòa hảo để mở cuộc thương thuyết theo tình thân thiện và chân thật. Cuộc thương thuyết ấy sẽ bàn về:

a/ — Việc ngoại giao của nước Việt-Nam với các nước ngoại quốc.

b/ — Quyền Pháp tương lai của Ðông-Dương

c/ — Những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt-Nam.

Về mặt quân sự thì có bản phụ ước sau này, cùng ký một ngày với bản hiệp ước sơ bộ vừa nói trên:

1/ — Quân đội thay thế quân đội Trung Hoa (tức là từ vĩ tuyến 16 trở ra) gồm có:

a/ — 10.000 quân Việt-Nam có sĩ quan Việt Nam chỉ huy, để tùy tư lệnh Pháp sử dụng, nhưng vẫn thuộc quyền Chính phủ Việt-Nam.

b/ 15 000 quân Pháp kể cả quân Pháp hiện đang đóng trong xứ từ phía Bắc vĩ tuyến 16 trở ra. Quân đội ấy quê quán ở nước Pháp, trừ quân sang canh giữ tù binh Nhật bản không kể.

c/ — Hết thảy những quân đội ấy thuộc dưới quyền chỉ huy của Pháp, có đại biểu Việt Nam tham dự, sự hành, sự đóng trại và cách dùng những quân đội ấy sẽ định sau, khi quân Pháp đã đổ bộ, ở hội đồng của Tham mưu bộ Pháp và Việt

Các ủy ban Pháp và Việt sẽ đặt trong các giai cấp để giữ cái tinh thần về sự hợp tác thân thiện trong sự liên lạc giữa quân Pháp và Việt

2/ — Những toán quân đội của Pháp đi lại luân chuyển chia làm ba hạng:

a/ — Những toán quân canh giữ tù binh Nhật bản. Những toán quân ấy hạn không quá sáu tháng sẽ rút về, khi tù binh đã đem đi hết.

b/ — Những toán quân có phận sự phải hợp tác với quân Việt-Nam để giữ trật tự và an ninh trong lãnh thổ Việt Nam. Hạng quân này cứ mỗi năm triệt hồi 1% (một phần trăm) và thay bằng quân Việt Nam, hạn trong năm năm không còn quân Pháp thuộc hạng này đóng tại Việt-Nam nữa.

c/ — Những toán quân phải giữ những nơi căn cứ ở Việt-Nam thì đóng ở đấy, chỗ đồn trại phải định giới hạn rõ ràng.

3/ — Chính phủ Pháp cam đoan không dùng lính Nhật bản về việc binh bị.

Ký tên: Sainteny-Salan Võ Nguyên Giáp.

Ðó là những hiệp ước ký ngày mồng 6 tháng ba năm 1946 của chính phủ Việt Minh do ông Hồ chí Minh làm chủ-tịch đã thỏa thuận với Pháp. Lúc bấy giờ người Pháp gọi nước Việt-Nam là kể từ Trung Bộ trở ra mà thôi còn đất Nam Bộ thì phải đợi khi nào trưng cầu dân ý rồi mới định được.

Xem những bản hiệp ước, thì chẳng thấy đâu là thống nhất và đâu là hoàn toàn độc lập như Việt Minh đã tuyên truyền rầm rĩ từ lúc đầu.

Tại sao chính phủ Việt Minh lại chịu ký những tờ hiệp ước ấy? Ðó là câu hỏi ở đầu lưỡi của mọi người. Việt Minh tự biết chưa có đủ thế lực chống với Pháp, và quân Tầu đến đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra, ở trong lại có Quốc dân đảng nhờ quân Tầu binh vực, hoạt động rất mạnh. Họ nghĩ hãy ký với nước Pháp để tạm yên, rồi chờ quân Tầu rút xong, sẽ trừ hết Quốc dân đảng, thống nhất hết thảy các lực lượng, lúc ấy sẽ soay với quân Pháp. Vả lại lúc ấy Việt Minh còn cái hy vọng là đảng Cộng Sản Pháp sẽ thắng lợi trong cuộc tuyển cử bên Pháp. Hễ bên Pháp mà đảng Cộng sản lên cầm quyền thì công việc bên Việt Nam sẽ giải quyết dễ dàng và mau chóng hơn.

Sau những hiệp ước sơ bộ ngày mồng 6 tháng ba, khi quân Pháp đã vào Bắc Bộ và Trung Bộ rồi, còn có Hội đồng Bộ Tham mưu ngày mùng 3 tháng tư năm 1946, định các chi tiết về những điều đã nói ở bản phụ ước.

Bên người Pháp thì cái kế hoạch là muốn từ từ, trước hết là cắt đứt Nam Bộ ra ngoài nước Việt Nam. Vậy nên vừa ký bản hiệp ước sơ bộ ngày mồng 6 tháng 3 thì đến ngày 26 tháng ba đã họp tư vấn hội nghị có độ mười người gồm cả Pháp và Việt để lập ra Nam Kỳ Cộng Hòa quốc và cử Đại Tá Nguyễn văn Xuân làm Phó chủ tịch.

Bác sĩ Nguyễn văn Thinh làm được mấy tháng, thấy người Pháp không cho mình được quyền tự chủ và lại bị người trong nước thóa mạ, mới thất vọng tự tử. Người Pháp lại đem y sĩ Lê Văn Hoạch lên thay. Đại Tá Nguyễn Văn Xuân bỏ sang Pháp, rồi được thăng chức Lục Quân Thiếu Tướng.

Hiệp ước mồng 6 tháng ba chỉ là một hiệp ước sơ bộ mà thôi, tất phải có một hội nghị chính thức giữa nước Pháp và Việt để định rõ cái địa vị của hai nước liên lạc với nhau. Nhưng trước khi đi đến hội nghị chính thức ấy người Pháp mở một hội nghị dự bị ở Ðà Lạt để đại biểu hai bên gặp nhau và biết quan điểm của nhau. Vậy khởi đầu từ ngày 17 tháng tư đến ngày 12 tháng năm năm 1946, đại biểu hai bên họp ở Ðà Lạt. Song vì quan điểm mỗi bên một khác thành ra hội nghị đó không có kết quả gì cả.

Tuy hội nghị Ðà Lạt không có kết quả nhưng cũng làm cho người ta biết rõ thái độ và quan điểm của hai bên. Hai bên định tháng bảy năm ấy sẽ họp hội nghị chính thức ở Fontaineblou bên Pháp để giải quyết cho xong vấn đề Pháp Việt. Ðó là cái tình thế gay go giữa nước Pháp và Việt-Nam sau sáu tháng chính phủ Việt Minh lên cầm quyền.

Dân tình trong nước đối với chính phủ Việt Minh sau khi ký bản Hiệp ước ngày mồng 6 tháng ba và sự thất bại ở Ðà Lạt, ai nấy đều chán nản và lại thấy việc chính trị rối beng, không có trật tự gì cả, thành ra người ta lại càng tức giận thêm.

Lúc ấy cái nếp cai trị cũ đã bỏ hết, ở các nơi đều có Nhân dân Ủy ban làm việc. Những Ủy viên trong những ủy ban ấy phần nhiều là những người vô học thường là thợ thuyền hay phu phen, được khi có quyền trong tay làm lắm điều tàn ngược, bắt người lấy của, giết hại những người không theo đảng họ, hay vì tư thù oán mà chém giết một cách tàn nhẫn. Ai có dị nghị điều gì, thì cho là phản động, là Việt gian, bị bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn, đâu đâu cũng náo động cả lên. Ai cũng tự hỏi rằng: nếu như thế này mãi, thì nhân dân sống làm sao? Vậy nên mọi người đều mong có sự thay đổi để những người đứng đắn ra làm việc cho dân đỡ khổ. Song trong cái hoàn cảnh ấy người đứng đắn ra làm việc sao được. Ông Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ Trưởng Bộ Nội vụ cũng phải khoanh tay ngồi nhìn, ông Bùi Bằng Ðoàn làm thanh tra chính trị, sang Gia Lâm khám xét việc gì bị ủy ban nhân dân bắt, chính phủ phải phái binh lính sang mới được tha về. Thành thử lúc ấy ngoài những người Cộng sản ra, không ai làm gì được.

Một đàng dân ta oán Việt Minh, một đàng sau hiệp ước sơ bộ ký với chính phủ Việt Minh, quân Pháp vào đóng ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam định v...v... cái thái độ của quân Pháp lúc ấy, nhất là ở Hà Nội và Hải Phòng tung hoành bạo ngược, rõ rệt là có ý khiêu khích, làm cho ai cũng uất ức tức giận.

Ý người Pháp là muốn dần dần dùng võ lực đàn áp Việt Minh để lập lại chủ nghĩa thuộc địa như trước. Việt Minh cũng biết rõ như thế, nhưng chỉ có hai con đường: một là chịu lép một bề, để cho người Pháp điều khiển, như thế lại trái với chủ nghĩa của họ mà dân chúng sẽ không ai theo nữa, tất là rồi cũng đến chỗ tiêu diệt. Hai là tìm cách phòng bị để chống với Pháp, trước là hợp với cái lòng ái quốc của dân chúng, dù cái mục đích cốt yếu của họ không phải là vì quốc gia, nhưng họ phải lợi dụng hai chữ quốc gia để chống với quân địch mà đứng vào cái địa vị tranh đấu cho nền độc lập nước nhà. Lẽ tất nhiên là họ phải đi vào con đường thứ hai. Bởi vậy, việc điều đình cứ điều đình, việc chiến đấu cứ tiến hành dự bị.