ĐI CHIÊU NAM ĐẢO
(Singapour)


Vào khoảng cuối năm Canh Thìn (1940) sau khi quân Nhật đã vào đóng ở Ðông Dương rồi, có những người Nhật nói là giáo sư ở những trường Cao Đẳng bên Ðông Kinh sang khảo cứu về văn hóa thường đến tìm tôi hỏi về lịch sử và tôn giáo v...v... Tuy những người ấy không nói gì đến việc chính trị, nhưng ai cũng biết là họ đi dò xét tình ý những nhân sĩ trong nước. Vậy nên tôi cũng chỉ nói về mặt văn hóa mà thôi. Sau đó có những người Nhật khác cũng hay đến nói chuyện, một đôi khi có nói đến việc chính trị, tôi chối ngay rằng tôi không làm chính trị.

Sự đi lại của những người Nhật làm cho người Pháp để ý đến tôi. Có khi thấy có người rất ám muội đến bàn làm những việc bất chánh để giử tôi vào chòng pháp-luật và thường lại thấy các thám tử đứng rình luôn luôn ở trước cửa.

Trong những người Việt-Nam thỉnh thoảng đi lại nhà tôi, có ông Nguyễn-Trác ở Thanh Hóa, vì ông có người con rể là ông Ðặng-phúc Thông ở bên cạnh nhà tôi và lại là người vẫn quen tôi. Bởi vậy mà ông Trác quen tôi và đi lại nhà tôi, một đôi khi cũng nói đến hành động của người Nhật ở Ðông-Dương. Tôi thấy ông Trác có nhiệt tâm yêu nước thì cũng vui lòng trò chuyện và dặn ông phải cẩn thận, đừng có hấp tấp mà mắc mưu gian. Song ông tin người Nhật có thể giúp được mình. Việc nhì-nhằng như thế một độ rồi ông đi Saigon và ở trong ấy độ chừng hai tháng mới ra.

Ðã từ mấy tháng trước, có nhiều người bị bắt vì sự giao thông với người Nhật, như Trương Kế An khai với người Pháp rằng y ra Hà-Nội có gặp tôi và ngủ ở nhà tôi một đêm. Ðó thật là một việc bịa đặt, vì tôi không quen biết người ấy bao giờ và cũng không bao giờ gặp y.

Ở Hà-Nội thường cũng có sự bắt bớ như thế, nhất là vào khoảng tháng mười năm 1943 có mấy người đi làm với phái bộ Nhật Bản bị bắt, người trong thành thị nôn nao cả lên. Lúc ấy người con gái ông Trác là bạn con tôi ra Hà-Nội để chữa mắt, có đến ở nhà tôi. Chợt đến ngày 25 tháng mười, ông Nguyễn-Trác ở Sàigòn ra, có đến thăm con và gặp tôi trong một chốc lát, nói chuyện qua loa vài câu, rồi ông nói vài hôm ông sẽ về Thanh Hóa.

Ðộ ấy, cứ chiều chiều tôi đi đến phố Hàng-Bông vào nhà in Bắc Thành của ông Lê Thăng, chữa những sách in lại. Chữa xong những bản đập, ngồi nói chuyện phiếm đến 7 giờ, thì tôi lại đi bộ từ phố Hàng-Bông về đến Nhà Rượu với vài người bạn cùng đi một đường.

Chiều ngày 27 tháng mười, cũng như mọi ngày, tôi về đến đầu phố Nhà-Rượu thì thấy người nhà chạy tất tả đến nói rằng « không biết có việc gì mà có mấy người Nhật bảo đi tìm ông ». Tôi nghĩ bụng: lại mấy người mọi khi đến quấy rối chứ còn việc gì nữa. Tôi về đến nhà thì thấy mấy người hiến binh Nhật với một người Nhật quen từ trước ngồi chờ. Họ thấy tôi liền hỏi ngay rằng:

— Ông có biết ông Nguyễn-Trác và ông Trần-Văn-Lai đã bị bắt từ lúc 4 giờ rưỡi rồi không?

— Tôi không biết.

— Người Pháp sắp bắt ông đấy.

— Bắt thì bắt, làm thế nào được.

— Ông nên vào hiến binh Nhật mà lánh đi mấy ngày.

— Tôi có làm gì với người Nhật mà chạy vào hiến-binh Nhật?

— Ông không thấy lính mật thám rình chung quanh nhà ông hay sao?

— Tôi vẫn biết, nhưng tôi không làm điều gì đáng lo sợ.

— Ông nên nghĩ đến tương lai nước ông mà tạm lánh đi mấy ngày.

— Tôi chẳng đi đâu cả!

Mấy người Nhật thấy tôi nói thế, tỏ vẻ tức giận, đứng dậy ra về. Còn người Nhật quen ở lại, nói rằng:

— Ông không vào Hiến-binh thì thôi, nhưng tôi sợ đêm nay người Pháp sẽ đến bắt ông. Chi bằng ông hãy sang ở tạm bên nhà tôi gần đây. Nếu mai không có việc gì, thì ông lại về.

Lúc ấy tôi nhìn ra cửa thấy hai người giống như mật-thám đứng ở ngoài dòm vào. Tôi nghĩ bụng: « ta hãy lánh đi một đêm cũng không sao ». Tôi nhận lời sang ngủ bên nhà người Nhật quen.

Sang nhà người Nhật ấy, tôi dặn đừng cho Hiến-binh Nhật biết. Người Nhật ấy hứa sẽ giữ lời. Ðêm nằm không ngủ được, nghĩ xa nghĩ gần: « mình đã không muốn làm gì cả, mà lại bị người ta ngờ vực, rồi đây ra sao? Rõ thật đất bằng nổi trận phong ba ».

Sáng hôm sau, tôi đang ở trong buồng thấy mấy người Hiến binh Nhật đem xe hơi đến bảo có lệnh đón tôi về ở khách sạn của nhà binh Nhật! Nghe hai tiếng có lệnh, biết là mình không sao từ chối được nữa. Tôi trách người Nhật quen rằng sao ông đã hứa với tôi không cho Hiến-binh biết, mà lại còn đi báo để Hiến-binh đến? Người ấy nói:

— Tôi là người thường, nhỡ người Pháp biết mà đến bắt ông, thì tôi làm thế nào bênh vực được ông. Vì vậy tôi phải cho Hiến-binh biết.

Thôi, đành theo số phận, tôi lên xe đi đến khách sạn của Nhật. Ðến 5 giờ chiều hôm ấy, thấy Hiến binh Nhật đem ông Dương-Bá Trạc cũng vào đấy.

Ông Dương-Bá-Trạc là một nhà văn học, đỗ Cử-Nhân từ thủa mới 16 tuổi, vì tình nước mà bỏ không ra làm quan, theo ông Phan-Bội-Châu đi làm cách mệnh đã từng phải đày ra Côn-Lôn và phải cưỡng bách lưu trú mấy năm ở Nam-kỳ. Ông cùng với tôi là bạn làm bộ Việt-Nam tự điển ở ban Văn-Học hội Khai trí Tiến đức. Tôi trông thấy ông Dương, cười bảo: « Sao bác lại vào đây? ». Ông Dương nói: « Mình đi ra ngoài đường định lui về quê, bị bọn Hiến binh Nhật mời lên xe đưa vào đây. Nghe đâu ở ngoài phố họ bắt lung tung cả, chưa biết rõ những ai ».

Sau một lúc chuyện trò về tình cảnh của nhau, ông Dương nói: « Bây giờ chúng ta lâm vào cảnh nầy thật là khó quá. Dù rồi ra chúng ta có về nhà nữa, người Pháp cũng chẳng để yên. Chi bằng ta nói với Hiến-binh Nhật cho chúng ta ra ngoài để gặp ông Cường-Ðể, ta sẽ bàn cách làm việc gì có ích lợi cho tương lai nước nhà ».

— Ông Cường-Ðể thì chỉ bác quen mà thôi, và nghe nói ông ấy đã ủy quyền cho ông Ngô-Ðình-DiệmHuỳnh-Thúc-Kháng tổ chức mọi việc, tôi chạy theo ông ấy thì có ích gì?

— Ông Cường-Ðể là người Chính Phủ Nhật Bản đã giúp đỡ, ta ra cùng làm việc với ông ấy, rồi xin cùng người Nhật cho cả ông Huỳnh-Thúc-Kháng và ông Ngô-Ðình-Diệm ra nữa, ta sẽ lập thành một cơ quan ở hải-ngoại, thu thập hết thảy những nhà cách-mệnh đã ở ngoài về một chỗ thì sự hành động của ta sẽ có ý nghĩa lắm. Chẳng hơn là cứ lẩn nấp ở trong nước, để cho người Pháp chực bắt bớ.

Tôi nghe ông Dương nói cũng bùi tai, liền bàn nhau viết thư xin người Nhật giúp chúng tôi ra ngoài. Cách mấy hôm, viên Thiếu-Tá Hiến binh Nhật ở Hà Nội đến thăm chúng tôi và nói: « Việc các ông xin ra ngoài là rất phải, để tôi vào Saigon hỏi ý kiến Tư-Lệnh bộ trong ấy, lệnh trên định thế nào, tôi sẽ nói cho các ông biết ».

Chúng tôi đợi ở khách sạn đến gần ba tuần lễ, viên Thiếu-Tá mới trở về và đến nói cho chúng tôi biết: « Tư-Lệnh bộ cho hay các ông đi đâu bây giờ cũng không tiện, chỉ có ra Chiêu Nam Ðảo là yên ổn hơn cả. Các ông ra đấy rồi ông Cường Ðể cũng sắp về đấy cùng các người khác nữa sẽ họp nhau làm việc, rất là thuận tiện ».

Chúng tôi nghĩ miễn là mình ra thoát khỏi cái cảnh eo hẹp này là được, vậy có ra Chiêu-Nam-Ðảo cũng chả sao. Chúng tôi nhận đi.

Từ đó người Nhật tổ chức đưa chúng tôi vào Sàigòn rồi đưa ra Chiêu-Nam Ðảo. Lúc chúng tôi ở Hà-Nội đi, có người giúp cho được 5.000 đồng giao cho ông Dương giữ cả.

Chúng tôi đi xe lửa với một toán lính Nhật vào Sàigòn. Trước hết đến nhà Hiến binh Nhật mất 12 ngày, rồi sau ở nhà của hiệu Ðại-Nam công ty 19 ngày. Ðến ngày mùng một tháng giêng năm 1944 mới xuống tàu thủy sang Chiêu-Nam Ðảo.

Sau khi chúng tôi vào tới Sàigòn được tám chín ngày, xem báo biết là cái nhà khách-sạn Nhật Bản chúng tôi ở trước, bị tàu bay Mỹ ném bom ngày mồng 9 tháng 12 năm 1943, đúng vào giữa cái phòng chúng tôi ở. Ấy là trong khi nguy nan vẫn có trời tựa, chứ nếu chậm lại độ mươi ngày thì cũng đi đời rồi.

Kể chi những nỗi lo sợ ở dọc đường từ Hà-Nội sang đến Chiêu-Nam-Ðảo. Lúc ấy chúng tôi chỉ mong chóng đến nơi để tổ chức công việc làm của mình. Người ta thường có cái tính lạ, là đang giữa lúc chiến tranh như thế, mà vẫn tưởng tượng Chiêu-Nam-Ðảo như Singapour ngày trước, rồi dự định sẽ mời hết thảy những chính-khách lưu vong ở ngoài về đấy để cùng nhau mà trù tính mọi việc. Ngờ đâu khi đến Chiêu-Nam-Ðảo rồi, mới biết cái đảo khi xưa thịnh vượng bao nhiêu, thì bây giờ tiều tụy bấy nhiêu. Ở ngoài cảng chỉ có lơ thơ vài chiếc tàu vận tải của Nhật, ở trong thành thị, những nhà cửa phố xá không hư hỏng mấy nhưng sự buôn bán đình trệ, sự sinh hoạt mỗi ngày một nghèo ngặt, lúa gạo mỗi ngày một khan, các thực phẩm đắt đỏ không thể tưởng tượng được. Sự đi lại với các xứ ngoài, người Nhật kiểm soát nghiêm-mật, thành ra không giao thông được với đâu cả.

Lúc chúng tôi ở Sàigòn, đã biết có hai chính khách Việt-Nam ở Nam bộ đã sang bên ấy, cho nên khi tàu ghé vào bến chúng tôi cứ rướn cổ để trông xem có ai là người Việt-Nam ra đón mình không. Trông chẳng thấy ai đã buồn bực bao nhiêu lại thấy mấy người Nhật đưa chúng tôi đi giữa cái thái độ bí-mật, hỏi họ đưa chúng tôi đến chỗ nào, họ không nói năng gì. Họ đưa mình đi đâu cũng chẳng biết trong bụng chỉ lo họ đem chúng tôi vào nhà Hiến-binh như ở Sàigòn, thì cực quá. Thôi thì đã liều thì liều cho đến cùng.

Sau khi qua chỗ nọ chỗ kia rồi, người Nhật mới đem chúng tôi về khách sạn « Quốc Tế Phú-Sĩ binh trạm » ở con đường Grame Road. Ðến đấy được một sự vui mừng trước tiên là sự gặp bạn đồng chí Ðặng-Văn-Ký và Trần-Văn-Ân đã nghe nói từ trước. Ði ra chỗ xa lạ, tiếng tăm không biết mà gặp được người cùng xứ sở chuyện trò vui vẻ kể sao xiết.

Lúc đầu còn có hứng thú đi xem đây xem đó, và gặp mấy người V.N. sang làm việc, hoặc buôn bán hay làm thuyền thợ, rồi vì sự chiến-tranh mà mắc nghẽn ở bên ấy. Ai nấy đều vui mừng đón mời. Gặp nhau như thế, làm cho chúng tôi khuây khỏa ít nhiều, song cũng không làm cho chúng tôi quên được sự nhớ nhà nhớ nước.

Chiêu-Nam-Ðảo là Nhật đặt ra để gọi tên đảo Singapour (Làng Sư tử) sau khi quân Nhật đã chiếm được cả bán đảo Mã-Lai. Ðảo ấy có cái Hải-Cảng rất hiểm yếu ở giữa đường Hải-Đạo từ Tây phương sang các xứ bên Thái bình dương. Dân cư ở đảo ấy có đến 75% là người Trung Hoa còn lại là người Mã-Lai người Ấn độ và người Nhật.

Việc điều khiển, phòng bị và cai trị trước đã ở tay người Anh, sau ở cả người nhật. Việc buôn bán và những công nghệ phần nhiều ở tay người Trung Hoa còn người bản xứ thì chỉ làm những nghề nhỏ mọn như chài lưới và trồng trọt rau khoai phía ngoài thành thị. Phố xá trong thành thị chia làm hai khu: một khu là nơi bình thời buôn bán phồn thịnh có nhà cửa rộng lớn, người đông đúc chỉ ở gần bến tàu và ven bờ biển; một khu ở phía trong có đường xá sạch sẽ, hai bên có những biệt thự của những phú thương người Anh hay người Tàu. Những biệt thự ấy thường làm ở sườn đồi có cây cối sầm uất và vườn tược đẹp đẽ. Ngoài một vài nơi có phong cảnh khả quan, còn là những nơi buôn bán và ăn chơi chứ không có di tích gì đáng xem.

Từ khi chúng tôi vào ở khách sạnh Nhật bản ở Hà-Nội cho đến khi sang tới Chiêu-Nam-Ðảo, trong óc chúng tôi tính toán dự định bao nhiêu công việc phải làm, nào báo chí, nào ủy ban này ủy ban nọ. Hễ lúc nào trong óc nẩy ra một ý tưởng gì, thì tưởng như thấy sự thực đã hiện ra trước mặt rồi. Ðến khi trông rõ sự thực, thì bao nhiêu mộng tưởng của mình vẫn ngấm ngầm vuốt ve, lại biến đi đâu mất cả.

Ở Chiêu-Nam-Ðảo hơn một tháng chẳng thấy gì khác, sáng như chiều, bốn người lủi thủi với nhau. Những người mà Nhật đã hứa hẹn sẽ đưa ra, cũng chẳng thấy ai, nỗi chán nản ngày một tăng thêm, nghĩ mình mắc vào cái cạm không sao gỡ ra được.

Về đường vật chất, thì trước bốn chúng tôi ở hai buồng lớn trong căn nhà hai tầng lên xuống dễ dàng. Từ tháng tư dương lịch trở đi, chủ khách sạn bảo chúng tôi dọn sang nhà lớn ở từng thứ năm, thang máy chỉ chạy có giờ mà thường lại hư hỏng, thành ra phần thì nóng nực phần thì trèo thang nhọc mệt phần thấy công việc chẳng có gì làm, sự ăn uống lúc đầu ngày ba bữa còn được sung túc, sau dần thiếu gạo, thiếu đồ ăn, có khi trong ba bữa phải hai bữa ăn mì bột sắn nấu với nưới sôi.

Sự ăn uống thiếu thốn, hoàn cảnh đìu hiu, tâm tình sầu muộn, lại ngày lên thang xuống thang nhọc mệt, chẳng bao lâu tôi mắc bệnh máu bốc lên đầu. Thuốc thang lại không có, chỉ có mấy ngày lấy bớt máu ra một lần. Thầy thuốc nhà binh Nhật chữa mãi không khỏi, tôi phải chữa thầy thuốc ngoài. Có câu chuyện tự nhiên mà thành ra buồn cười: tôi đến nhà y sĩ người Trung-Hoa. Ông xem xong rồi bảo tôi về ăn ít cơm và rau. Ông nói thế, thật là đúng phép, nhưng cơm đã không có đủ ăn, còn rau thì tìm đâu ra. Thôi thì việc sống thác phó mặc trời xanh ta cứ « cư dị dĩ sĩ mệnh ». Ấy là trong bụng tôi nghĩ như vậy, rồi ngày ngày tôi lấy Ðường thi dịch ra Việt-thi để làm việc tiêu khiển.

Bệnh tôi chưa khỏi, thì đến lượt ông Dương Bá Trạc bắt đầu đau. Trước thì mỗi khi tôi có cơn chóng mặt, ông trông nom thuốc thang, sau dần ông thấy trong người mỏi mệt, và một đôi khi có ho năm ba tiếng. Tôi hỏi ông nói không việc gì. Tôi tin ở lời ông biết thuốc, và thường ai đau yếu ông vẫn bốc thuốc cho người ta. Ông vẫn gượng đi chơi, hoặc ngồi dịch Ðường thi với tôi, cho nên ai cũng tưởng là bệnh xoàng.

Chúng tôi thấy từ năm 1944 trở đi, quân Nhật đánh ở các nơi thường cứ bại trận, ở Chiêu Nam đảo lại là nơi chiến địa, lương thực cạn khô, mà ở bên Xiêm thì gạo thóc nhiều và nhiều người Việt-Nam ở bên ấy, ông Dương bàn với tôi rằng: « Ở đây có nhiều điều nguy hiểm, chi bằng ta xin người Nhật cho chúng ta về Băng-Cốc, để dầu có xẩy ra việc bất ngờ gì, ta còn có chỗ lui ». Chúng tôi liền làm cái thư quân xin đội Nhật cho về Băng-Cốc.

Thư gửi đi được mấy ngày, bấy giờ vào khoảng tháng chín dương lịch, chủ khách sạn không hiểu tại duyên cớ gì lại bảo chúng tôi dọn về ở hai cái buồng cũ rộng rãi và mát mẻ hơn. Một hôm ông Dương đang ngồi dịch thơ với tôi, tự nhiên thấy ông lên cơn nấc. Nấc mãi không thôi uống thuốc gì cũng không khỏi. Chúng tôi khuyên ông nên đi đến thầy thuốc nhà binh Nhật xem rõ bệnh tình ra sao. Ông cho là bệnh thường, không chịu đi. Sau cơn nấc cứ luôn luôn mãi cả ngày và đêm, nhọc mệt vô cùng, ông mới chịu đi đến bệnh viện cho thầy thuốc xem.

Thầy thuốc ở bệnh viện đem chiếu điện xem phổi, thì ra ông mắc bệnh phế nham, là bệnh ung ở trong phổi. Người Nhật bảo ông phải vào nằm Bệnh viện, ông không muốn vào nói rằng: sống chết có mệnh, nay vào bệnh viện ngôn ngữ không biết, có nhiều sự bất tiện. Ông Trần-Văn-Ân nói: « cụ cứ vào, tôi vào bệnh viện ở với cụ ». Trong bốn người chúng tôi, có ông Ân biết ít nhiều tiếng Anh và tiếng Nhật. Chúng tôi nói mãi, ông Dương mới chịu vào bệnh viện.

Ðịnh đến 3 giờ chiều ngày mồng 5 tháng một dương lịch, thì Tư Lệnh Bộ Nhật bản cho xe đến đưa ông Dương vào bệnh viện nhà binh. Bữa trưa hôm ấy ông Dương với tôi đi ăn cơm, bữa ăn chỉ có mỗi người một bát mì làm bằng bột sắn. Tôi nuốt không trôi, phần thì thương bạn, phần thì ngậm-ngùi về số phận. Lúc mới đi tuy có nhiều điều cực khổ, nhưng lòng còn chứa nhiều hy vọng về công việc làm, thành ra vẫn hăng hái. Nay bao nhiêu hy vọng ấy đã thành ra ngọn khói bay tan, lại nhớ những lúc đi đường, đói no, lo sợ có nhau, giúp đỡ lẫn nhau, bây giờ chẳng may tôi đau yếu chưa khỏi mà bạn lại mắc phải cái bệnh nguy hiểm tính mệnh chưa biết ra sao. Hai người ngồi đối diện không nói năng gì mà tôi chắc rằng cũng đồng một ý nghĩ như nhau thành ra trước hai bát mì bột sắn, chỉ có bốn dòng lệ tuôn mưa. Tôi nói: « Bệnh bác tuy nặng, nhưng chưa đến nỗi thất vọng, bác chịu khó vào bệnh viện cho người ta chữa, trời nào phụ lòng bác. Thỉnh thoảng tôi lại vào thăm bác ». Ông Dương nói: « Còn một ít tiền đây, bác giữ lấy phòng khi có việc gì mà tiêu ». Từ khi ở Hà-nội đi ra đến bây giờ, tiền nong có bao nhiêu ông Dương vẫn giữ tôi không biết. Anh em dặn dò nhau xong, thì xe hơi đến, ông Trần-văn-Ân đưa ông Dương vào bệnh viện.

Lúc ấy tôi vẫn nằm một mình trong phòng khách sạn, tình cảnh mới thê thảm làm sao; lại nhớ bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Vi Trang đời Ðường tôi vừa dịch xong:

Than thân xa lạ quê người
Lại cùng người cũ bên trời chia tay.

Trăng tàn quán khách sớm mai,
Tỉnh say ai cũng lệ rơi ướt đầm.[1]

Khi ấy có một người Việt-Nam khá giả ở Chiêu Nam đảo đã lâu, thường đem xe hơi đến đưa tôi đi chơi cho đỡ buồn. Một hôm ăn cơm tối rồi người ấy đến đưa tôi ra bờ biển ngồi xem trăng lên, tôi thấy cảnh động lòng thơ, mới vịnh một bài ngũ ngôn rằng:

Chiêu-nam ngụ đất khách
Hà bắc nhớ quê hương
Mặt biển lô nhô sóng
Góc trời chênh chếch gương
Thân già đau đã nản
Bạn cũ bệnh càng thương
Tạo hóa chơi khăm quá
Trung trinh cũng đoạn trường!

Tôi ít làm thơ, khi cao hứng làm một vài bài, nghe nó vẫn thật thà như thế, nên không hay làm. Dù sao nó cũng biểu lộ được chút tâm tình sầu muộn lúc bấy giờ.

Khi mới vào bệnh viện, người Nhật để ông Dương ở nhà bệnh viện chung, nằm buồng riêng của các tướng hiệu, và đối đãi rất tử tế. Ông nằm ở đó được mấy ngày thì phải đem sang nằm ở nhà bệnh truyền nhiễm. Bệnh nấc tuy có đỡ, nhưng bệnh phổi thì mỗi ngày một nặng thêm. Ngày 13 tháng một, tôi cùng mấy người bạn khác vào thăm ông Dương vừa đúng ngày ông phải dọn sang ở phòng riêng rộng rãi mát mẻ. Chúng tôi thấy ông phải sang phòng rộng như thế ai nấy đều lo, nhưng không dám nói ra. Dọn sang phòng mới rồi, chúng tôi ngồi chơi một lúc, tôi hỏi ông Dương rằng: « tôi nghe nói bác có người con làm y sĩ ở Saigon tên là gì và địa chỉ ở đâu? » Ông nói: « nó làm ở nhà thương Chợ Quán gần Sài gòn nhưng không nên cho nó biết làm gì ».

Tôi biên tên và địa chỉ người con ông Dương để phòng khi có xẩy ra sự gì chẳng may tôi có thể báo tin cho biết.

Khi đang bối rối lo buồn như thế, vào khoảng đầu tháng chạp Dương lịch, Tư Lệnh bộ Nhật cho viên trung úy đến nói rằng có lệnh bên Ðông Dương sang cho ông Dương và tôi đi Băng-Cốc. Tôi nói ông Dương đang đau nặng nằm ở bệnh viện, đi làm sao được. Ðể hỏi trong bệnh viện xem ông Dương có đi được không, thì cùng đi cả hai người. Nếu ông Dương đi không được, thì hãy đình việc ấy lại. Thế là chuyện đi Băng-Cốc ao ước mãi nay lại không thành.

Ông Trần Văn Ân, từ ngày ông Dương sang ở nhà bệnh truyền nhiễm thì không ở trong bệnh viện nữa, chỉ ngày ngày vào thăm mà thôi. Mỗi lúc ông ở bệnh viện về cho chúng tôi biết bệnh tình nguy lắm. Qua đến ngày mồng mười tháng chạp hồi mười bốn giờ rưỡi, một người lính ở Tư Lệnh bộ Nhật đến tìm ông Ân, bảo ông phải vào ngay bệnh viện, ông Dương nguy lắm.

Nghe nói chúng tôi biết là tin dữ. Ông Trần Văn Ân và ông Ðặng Văn Ký đi vào bệnh viện, tôi thì lên cơn chóng mặt, nằm quay ra giường. Hai người vào đến nơi thì biết ông Dương đã mất từ lúc 12 giờ rưỡi, giờ Nhật Bản tức là hồi 10 giờ rưỡi thường. Thế là xong một đời người chí sĩ Việt-Nam, đã lăn lộn trong cuộc cách mệnh mưu sự độc lập cho nước nhà.

Ðộ hơn một tháng trước, một hôm ngồi nói chuyện, ông Dương nói: « Tôi thường không tin sự bói toán, nhưng tôi nghiệm thấy bói Kiều lắm lúc hay lắm. Khi xưa tôi có đi thi Hương, bói một quẻ, biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt. Sau phải đầy ra Côn Lôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về, cách mấy ngày quả được về thiệt ». Chúng tôi nói: « Bây giờ ông thử bói một quẻ xem ». Ông nói:

— Ðể sáng mai.

Sáng ngày hôm sau, ông vui mừng bảo chúng tôi:

— Về, chúng ta sắp được về.

— Sao ông biết?

— Tôi vừa bói một quẻ Kiều được hai câu nầy:

Việc nhà đã tạm thong dong,
Tinh kỳ dục dã đã mong độ về.

Theo cái nghĩa cái câu ấy là chúng ta sắp được về.

Thấy ông nói thế, ai nấy đều vui vẻ mừng rỡ lắm. Kể ra đối với ông Dương thì không đúng, mà đối với cả bọn chúng tôi, thì chỉ cách có mấy tháng là được về cả. Việc tin hay không tin ở quẻ bói là chuyện khác, đây tôi cốt lấy một chuyện cỏn con đó mà chứng thực cái lòng mong mỏi của chúng tôi lúc ấy là ai cũng muốn chóng được về.

Trước ba ngày khi ông sắp mất, ông có viết một bức thư rất dài bằng chữ nho đưa cho Tư lệnh bộ Nhật, nói ông chết thì xin người Nhật cho hải táng, nghĩa là đem ném thây xuống biển. Ðến khi mất rồi, Tư Lệnh bộ Nhật cho người đến bảo tôi rằng: Lễ hải táng phải có tàu bè mà nay đang lúc chiến tranh, tàu bè bận việc khác, rất không tiện. Vậy xin theo lễ nhà binh Nhật làm lễ hỏa táng ông Dương như một người chiến sĩ tử trận. Tôi nói rằng: « Ông Dương một đời vì nước tranh đấu, tuy không tử trận, cũng như tử trận. Nay nhà binh Nhật đãi ông Dương như thế, chúng tôi rất cảm tạ ».

Sáng ngày 12 tháng chạp, làm lễ hỏa táng ông Dương-Bá-Trạc ở Chiêu-Nam Ðảo, đến chiều đem di hài đựng vào cái hộp, ngoài đề danh hiệu, rồi đưa thờ tại chùa Bản-Nguyên-Tự của Nhật bản. Ðịnh đến ngày 16 tháng chạp tức là ngày mùng hai tháng một năm Giáp Thân làm lễ cầu kính ở tại chùa, có gần hết thảy người dân Việt-Nam ở tại Chiêu Nam đảo đến dự lễ.

Riêng về phần tôi, thì thật là sầu thảm. Lúc đi thì hai người với nhau, nay một mình tôi, lại đau yếu chưa biết sau này ra sao.

Kể sao xiết nỗi thảm sầu.
Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay.

   




Chú thích

  1. Xem sách Đường thi dịch ra Việt thi, thơ thất ngôn tuyệt cú, số 65.