Một đoạn đối thoại với cố đạo M. ở Phước Kiều
Tiểu dẫn: Sau khi ở Nhật Bản về (1906), Phân Châu Trinh muốn nói chuyện với công sứ tỉnh và nhờ cố đạo M. ở Trà Kiệu làm trung gian liên lạc. Vị cố đạo này hẹn ngày giờ tới nhà thờ làng Phước Kiều nói chuyện trước. Sau đây là nội dung cuộc đối thoại đó.
... Ông Cố hỏi tiên sinh việc đi Nhật Bản có không ?
Tiên sinh nói:
- Việc ấy khó nói. Nói có thì người ta cũng không tin, nói không thì người ta lại nghi rằng có, chỉ tôi biết lấy tôi mà thôi, không phải nói nữa.
- Đi Nhật Bản thì đi đằng nào ?
- Thế giới giao thông này, đằng nào lại không đi được. Vả, tôi nghĩ giáo sĩ như các ngài đều là người nước văn minh bên Tây, nay sang bên này, ôm một lòng bình đẳng bác ái, lo dìu dắt nhân loại, dò xét thời cuộc, nghĩ việc tương lai, nên tôi muốn hầu chuyện, đặng tỏ tấm lòng uất ức một đôi chút, không ai ngờ ngài lại hỏi những câu không khác chi giọng quan trường An Nam như thế !
Ông Cố biết tiên sinh có ý khích mình, trả lời một cách lạt lẽo rằng:
- Nhà tôn giáo chỉ quản bên phần hồn mà thôi.
- Tôi vẫn biết rồi, song xác đã không còn, hồn dựa vào đâu ? Tôi xem dân nước Nam theo đạo Da Tô có ba phần trong mười, nhà thờ khắp nơi, dân giáo thành chợ, lại có mấy đức giáo sĩ văn minh làm cha làm thầy, chuông sớm trống chiều, không ngày nào không giảng dạy, thế mà xét nghĩ trong dân đó, thì phong tục hủ bại, thực nghiệp sơ sài, sinh kế khốn đốn, không khác gì dân ngoài, thỉnh thoảng cũng có trường học, chẳng qua về phần ít, mà những kẻ ở trường ra, thì cũng làm công việc phiên dịch thường thường, chưa thấy có người nào mở mang nền học thức, làm ra công lợi cho công chúng, để làm tiêu biểu cho dân giáo, làm gương tốt cho người An Nam. Có lẽ dân An Nam không phải con chung của Chúa Trời, nên dẫu có theo giáo, chỉ sớm chiều đọc mấy câu kinh, đến ngày lễ tới nhà thờ quỳ nghe giảng mà thôi hay sao ?
Ông Cố biết tiên sinh có hoài bão khác người bèn nói rằng:
- Ông đã có lòng như thế, đã làm bức thư gửi cho Toàn quyền, Khâm sứ rồi, song có một điều này nên tôi không muốn tới: quan Tây sang bên này, hàng ngày tiếp kiến chỉ có đám quan trường mà thôi, mà trong đám ấy thì nhiều kẻ ô mỵ không có nhân cách, vì thế nên người Tây có ý khinh người An Nam, cho sĩ dân cũng là một bọn như thế, ấy là một điều lầm, nên tôi không muốn tới, và tôi muốn nói là việc quan hệ đến lợi hại cả hai nước Pháp cùng Nam, chớ không phải việc riêng chi của tôi. Quan sứ có chịu đãi tôi một cách khác đãi quan trường thì tôi mới tới.
Ông Cố nói:
- Để tôi làm giới thiệu cho.
Ông Cố mới viết thư cho Công sứ tỏ ý tiên sinh yêu cầu như thế. Công sứ bằng lòng, định ngày tới nói chuyện hơn mấy giờ đồng hồ.