Mất nước há chẳng mong có ngày lấy lại?

Mất nước há chẳng mong có ngày lấy lại?  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 86 (24 Décembre 1935), trang 1, 3.

ĐÁP BẠN ĐỒNG NGHIỆP CÔNG DÂN

Vừa rồi trong bài xã thuyết Người Việt Nam đối với việc Nhật Bản xâm lược Trung Hoa của bản báo có những câu này mà bạn đồng nghiệp Công dân[1] ở Hà Nội đã trích ra: “Ngày nay người Việt Nam chúng tôi lại đâm ra một điều lo: Không biết ở dưới quyền bảo hộ của nước Pháp, chúng tôi có khỏi bị một cường quốc khác đến xâm chiếm lần nữa không? … Đối với việc người Nhật xâm lấn Trung Hoa, … người An-nam chúng tôi ai nấy đều đem lòng lo sợ. Họ vẫn tin ở nước Pháp, nhưng không khỏi run rẩy ở trước cái oai thanh của giống Phù Tang”.

Bạn đồng nghiệp của chúng tôi trích ra những câu ấy rồi phê bình là “không đúng”.

Không đúng, vì theo ý bạn đồng nghiệp, ở dưới cái tình thế Á Đông gần nay, người An-nam vẫn có nghĩ đến sự nước Nhật hoặc sẽ chiếm lấy nước Nam sau khi đã chiếm lấy nước Tàu, nhưng có “nghĩ” như thế, chứ không “lo” gì cả.

Bạn đồng nghiệp cho rằng chỉ có một số ít người An-nam nhờ cuộc chinh phục của nước Pháp ở đây mà có địa vị cao sang thì mới lo sự ấy mà thôi. Họ lo cho nước Nhật đến thì họ sẽ mất cái địa vị cao sang ấy. Còn ngoài ra, cũng theo lời bạn đồng nghiệp, có vô số người bất đắc chí lại mong cho người Nhật đến, họ sẽ đứng lên hoan nghinh trước đặng phỗng lấy cái địa vị cao sang cũng như trước kia bao nhiêu kẻ đã hoan nghinh sớm người Pháp và đã phỗng lấy cái địa vị cao sang.

Cầm vững những câu lý thuyết ấy trong tay, bạn đồng nghiệp Công dân quả quyết cho rằng lời bàn của chúng tôi không đúng sự thực.

Phải, bạn đồng nghiệp nói phải, chúng tôi không phản đối. Nhưng mỗi đằng đều có một lý thuyết, bạn đồng nghiệp cũng không nên phản đối chúng tôi.

Cái hạng người “lo” và hạng người “mong”, như bạn đồng nghiệp nói đó, ở xứ nầy vẫn có. Nhưng đó đều là cái tâm lý hèn hạ của cá nhân, chúng tôi vẫn biết mà chẳng nói đến làm chi. Chúng tôi đã nói những câu trong bài trước mà bạn đồng nghiệp trích ra như trên kia, là nói về cái “lo” chánh đáng, cái “lo” của những người Việt Nam thật có lòng yêu nước Việt Nam. Duy có cái lo của hạng người này mới có giá trị, đáng đem bày tỏ cùng người Pháp. Vì cớ ấy chúng tôi chỉ nói đến họ mà không nói đến những kẻ chỉ biết lo riêng cho mình như bạn đồng nghiệp đã kể ra mấy hạng.

Sao gọi là cái lo chánh đáng?

Xin bạn đồng nghiệp chớ quên trong bài trước của chúng tôi còn có câu này nữa: “Người ngoại quốc chớ tưởng rằng chúng tôi đã mất nước thì mất cho nước nào cũng được. Không, khi gặp hai cái hại thì chọn lấy đằng nhẹ, nên chúng tôi thà mất cho nước Pháp hơn là cho nước Nhật”.

Thật vậy, đã mất nước thì mất cho ai cũng đồng là sự hại cả, nhưng theo người An Nam nào biết yêu nước, hay suy nghĩ, thì mất cho nước Pháp cái hại nhẹ hơn, và nếu mất cho nước Nhật cái hại sẽ nặng hơn.

Nước Pháp đi một tháng đường thủy mới đến xứ ta mà nước Nhật chỉ đi mất tuần lễ. Sự xa và gần ấy là một điều quan hệ cho ta lớn lắm. Dân số nước Pháp lâu nay vẫn có gia tăng mà gia tăng một cách hững hờ, chớ không như dân số Nhật mới 30 triệu đó mà nay đã 70 triệu. Nếu người Nhật chiếm đất này họ sẽ dời hàng triệu dân sang đây trong mấy tuần lễ, chứ không như nước Pháp hơn nửa thế kỷ nay mà số thực dân chỉ có mấy vạn người. Một chút đó đủ thấy sự mất nước cho người Pháp cũng còn kể được là sự lợi cho người An-nam.

Sau nữa đến cách cai trị thuộc địa, người Nhật bao giờ cũng chặt chịa và gắt gao hơn người Pháp. Một mai vào tay họ, nước Nam cũng sẽ như Lưu Cầu, Cao Ly, mà chớ mong có ngày thoát khỏi vòng nô lệ.

Nhưng ở dưới quyền bảo hộ nước Pháp thì vì ba điều mới vừa nói: đường xa, dân số ít, cai trị cách giản lược mà chúng ta còn mong có ngày tự trị hay độc lập như Ai-cập và Phi-luật-tân.

Cái ngày ấy còn lâu lắm. Không biết mấy mươi năm nữa hay là mấy trăm năm nữa. Nhưng ở với nước Pháp, chúng ta còn mong được sẽ có ngày ấy.

Mất nước mong có ngày lấy lại, ấy là một cái ý nghĩ rất chánh đáng của một dân tộc. Thế thì, lo rằng vì cái cớ gì đó mà không lấy nước lại được, há chẳng phải là cái lo chánh đáng hay sao?

Chúng tôi há chẳng biết trong nước có những hạng người lo riêng việc mình, như bạn đồng nghiệp nói, nhưng chúng tôi không nhắc đến họ vì cho là một việc bỉ ổi, không đáng đem ra nói với người Pháp.

Chúng tôi đã đem mối lo chánh đáng của những người thật yêu nước ra nói cho người Pháp nghe, để người Pháp nhận thấy một cái khuynh hướng chánh đáng và phổ biến của người An Nam chúng ta. Rồi người Pháp sẽ hết lòng lo giữ cõi đất này cho nước Pháp mà tức là cho chúng ta mai sau vậy.

Cái khuynh hướng chánh đáng ấy, phàm người An Nam chánh đáng thì đều có cả, tức như bạn đồng nghiệp Công dân cũng có đồng một khuynh hướng ấy chẳng khác chúng tôi. Cho nên dù bạn phản đối chúng tôi mặc lòng mà bất giác cái chơn tình tự nhiên lưu lộ trong câu sau rốt.

Sau rốt bài phản đối, bạn đồng nghiệp viết rằng:

“Muôn một mà ngoại giao thất bại, khi ấy người Pháp chắc không thể tự mình giữ vững thuộc địa này, thế nào cũng phải dùng đến người Nam. Nhưng với cái nhân tâm linh tinh rời rạc của người Nam thì thật khó mà trông cậy. Bây giờ đây, sửa lại cái nhân tâm rời rạc ấy cũng là quyền ở nước Pháp”.

Thử hỏi bạn đồng nghiệp: nhờ nước Pháp sửa lại cái nhân tâm rời rạc này để làm gì? Có phải để hợp với người Pháp mà chống lại nước Nhật cho nước Nam khỏi mất lần nữa không? Nếu quả ý bạn đồng nghiệp là thế thì thôi, đừng phản đối chúng tôi nữa, vì bạn đồng nghiệp cũng lo như chúng tôi…

TRÀNG AN

   




Chú thích

  1. Công dân – tuần báo, ra số 1 ngày 25/9/1935; số cuối cùng: số 16, ra ngày 1/7/1936, tòa soạn tại 11 Hàng Da, Hà Nội (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Văn hóa thông tin, 2001, tr. 102).