Người Việt Nam đối với việc Nhật Bản xâm lược Trung Hoa

Người Việt Nam đối với việc Nhật Bản xâm lược Trung Hoa  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 82 (10 Décembre 1935), trang 1.

Trong báo Tribune Indochinoise[1] mới đây, ông Ng.V. Kiên có viết một bài, đại khái nói: nhơn một hôm thấy các học trò Hoa kiều diễu đi trên các đường phố Chợ Lớn cách hùng dũng mà sanh lòng cảm phục và ao ước, rồi có ý phàn nàn cho số phận người Việt Nam không được như số phận người Tàu.

Theo chúng tôi, chúng tôi cũng không ưa cái lối phàn nàn như thế. Sự tiến hóa của một dân tộc nhờ ở vui vẻ mà lam làm chứ không ở buồn rầu mà than thở. Những bài thơ đầy giọng thương thời ưu quốc tuy cũng có làm cho người ta phấn chấn nhưng đồng thời cũng lại làm cho người ta đồi đường,[2] còn kể về ích lợi cho thực sự thì thật, nó dứt không có ích lợi.

Trong Pháp-Việt tạp chí[3] số ra ngày 1er Décembre vừa rồi, ông Babut trích bàn câu chuyện trên đó, gọi ngay ông Ng.V. Kiên là “một người bi quan”. Thật phải. Nhưng Pháp-Việt tạp chí có viết một đoạn này:   “Những người An Nam có nên ao ước cái số phận người Tàu không? Người Tàu bây giờ đã không được làm chủ nước mình; mọi việc đều ở trong tay người Nhật… Ông Kiên không biết những việc ấy ru? Người Nhật đã đến Bắc Bình và Thiên Tân, chỉ nay mai họ sẽ kéo đến Nam Kinh. Ông Kiên không biết những tin ấy à? Rồi người Nhật sẽ chiếm cả nước Tàu …”.

Trong đoạn đó, đại ý ông Babut bảo ông Ng.V. Kiên – hay là bảo cả người An Nam chúng ta nữa – chớ dại mà ao ước được như người Tàu. Không nói rõ ra, nhưng ông có ý nói rằng hễ một dân tộc chưa đủ sức độc lập mà độc lập thì thế nào cũng bị một cường quốc đến xâm chiếm, cho nên người An-nam đừng ao ước độc lập như người Tàu làm chi, hãy coi người Nhật gõ đầu người Tàu kia kìa!

Rồi cũng không cần nói rõ ra nữa, ông Babut chỉ nói mấy câu trên đó cũng đủ tỏ ra rằng nước Việt Nam chúng ta may nhờ có nước Pháp bảo hộ, không thì cũng bị một cường quốc, không nước Nhật thì nước khác đến xâm chiếm như nước Tàu.

Chúng tôi chịu ông Babut nói phải dù trong đó có điều vị tất nhiên[4] là rồi đây nước Nhật có quả chiếm lấy được cả nước Tàu chăng. Nhưng vì một việc dĩ nhiên: không đợi ngày nay, 50 năm về trước, thật nước chúng tôi không đủ sức độc lập nên đã bị một cường quốc là nước Pháp đến xâm chiếm; sự kinh nghiệm ấy rõ ràng lắm, nên chúng tôi phải chịu ông Babut nói phải!

Ngày nay người Việt Nam chúng tôi lại đâm ra một điều lo, thật lo hơn ông Babut nữa: không biết ở dưới quyền bảo hộ của nước Pháp, chúng tôi có khỏi bị một cường quốc khác đến xâm chiếm lần nữa không? Mà cường quốc ấy, không ai lạ, chính là nước ông Babut thường nói đến: Nhật Bản.

Người ngoại quốc chớ tưởng rằng chúng tôi đã mất nước thì mất cho nước nào cũng được. Không, khi gặp hai cái hại thì chọn lấy đằng nhẹ, nên chúng tôi thà mất cho nước Pháp hơn là cho nước Nhật.

Đến bây giờ mà có nhiều người Pháp còn chưa hiểu tâm lý người Nam, vẫn cho rằng người Nam có ý trông cậy nước Nhật, như có một dạo ở hồi 30 năm về trước. Chính ông Babut cũng đã có lần nói trong báo ông như thế. Thực ra thì người Nam ngày nay lại sợ cho người Nhật, nhất là khi nếu họ chiếm được cả nước Tàu như ông Babut nói rồi e họ sẽ chiếm luôn cả nước Nam.

Chúng tôi nói như thế, thành ra như không nể mách lòng nước Pháp. Vì theo người ta tưởng, có nước Pháp ở đây, người Nhật không làm gì nổi. Nhưng nước Tàu to bằng hai chục xứ Đông Pháp, người đông của nhiều như thế, mà ông Babut còn nói rồi đây sẽ bị mất cả nước vào tay người Nhật. Thế thì chúng tôi sợ cho xứ Đông Pháp là xứ mà cái chủ quyền che chở ở bên kia trời cách hằng vạn cây số, sẽ bị mất vào tay người Nhật, cũng chẳng phải là quá đâu.

Bởi vậy, đối với việc người Nhật xâm lược Trung Hoa, những tin tức mà ông Babut đã kể cho ông Ng. V. Kiên nghe đó, người An Nam chúng tôi ai nấy đều ôm lòng lo sợ. Họ vẫn tin ở nước Pháp, nhưng không khỏi run rẩy ở trước cái oai thanh của giống Phù Tang.

Người An Nam biết lo sợ như thế, nhưng cơ khổ, nói đến chuyện giữ nước thì người An Nam lại không có quyền! Cái quyền sắm đồ binh bị để lo việc quốc phòng, cái quyền ấy, 50 năm nay chúng tôi không có nữa. Đã không có quyền thì cũng không có trách nhiệm. Ngày nay nếu mất nước lần nữa thì cái trách nhiệm ấy ở người Pháp chứ không ở chúng tôi. Dù vậy, đất nước của chúng tôi, chúng tôi không khi nào khỏi canh cánh bên lòng.

Chúng tôi cậy ở nước Pháp, nhưng xem binh lực của nước Pháp ở đây thì hình như không đủ cậy. Nhưng người An Nam vẫn tin cậy ở nước Pháp là vì thấy 50 năm nay rồi mà vẫn không có nước nào dòm ngó, chủ quyền nước Pháp vẫn đóng vững ở đây.

Cho được giữ cõi Đông Pháp, người ta bảo rằng nước Pháp chỉ dùng chước ngoại giao chớ không dùng binh lực. Ngoại giao nước Pháp có tiếng là khéo xưa nay.

Nhưng tình thế giữa quốc tế thường thay đổi luôn luôn. Có ai tin được rằng ngoại giao bao giờ cũng thắng lợi mà không thất bại. Một mai ngoại giao thất bại, cõi Đông Pháp nhờ vào đâu mà được bảo toàn? Đến lúc đó sự chúng tôi lo sợ mới bắt đầu thực hiện! …

Thế mà coi ý người Pháp như ông Babut lại không lo sợ như chúng tôi. Trong khi ông làm như dạy ông Ng. V. Kiên, tợ hồ có ý lấy làm hả lòng mà thấy người Tàu bị nước Nhật xâm lăng, tợ hồ ông muốn mắng họ những câu này: Các anh làm phách, cũng độc lập, cũng cọng hòa, bây giờ thấy chưa? đáng kiếp!

Không nên như thế; nếu cả nước Tàu bị nước Nhật chiếm thì cõi Đông Pháp cũng chẳng ở yên được đâu.

Chúng tôi đã không có quyền, cũng không có trách nhiệm, lẽ đáng không nên nói vào việc này là việc lớn. Nhưng chúng tôi trót nói là cốt cho người Pháp biết bụng dạ người An Nam mà thôi.

TRÀNG AN

   




Chú thích

  1. Tribune Indochinoise. – nhật báo chữ Pháp, cơ quan của đảng Lập hiến Nam Kỳ, xuất bản mỗi tuần 3 kỳ, tại Sài Gòn; số 1 ra ngày 6/8/1926, ra số cuối cùng vào tháng 10/1942; chủ nhiệm kiêm chủ bút: Bùi Quang Chiêu (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin, 2001, tr. 654)
  2. đồi đường: đổ nát suy bại (Đào Duy Anh: sđd.)
  3. Pháp-Việt tạp chí, cũng có tên chữ Pháp La Revue Franco-Annamite – tạp chí chữ Pháp và chữ Việt, tòa soạn tại Hà Nội; chủ bút Ernest Babut (1878-1962); chưa rõ thời điểm ra số đầu; ra số cuối vào năm 1954.
  4. vị tất nhiên: chưa chắc đã là tất nhiên.