5. — Tang phục.

Ở nước ta, đồ tang phục dùng sắc trắng.

Khi cha mẹ mất, thì con trai, con gái, con dâu bận đồ sô gai. Lúc quan-tài còn để trong nhà, lúc đưa ma và lúc tế-lễ thì con trai đầu đội mũ chuối (mũ rơm), con gái đội mũ gai, lưng thắt dây chuối. Con trai chống gậy, cha thì gậy tre, mẹ thì gậy vông. Người trong họ thì đều chít[1] khăn trắng và mặc áo trắng cả.

Hạn để tang ở nước ta chia làm năm bậc, gọi là ngũ phục:

1∘ Tang ba năm gọi là đại-tang, như tang con để cho cha mẹ, nàng-dâu để cho cha mẹ chồng, vợ để cho chồng, cháu đích-tôn thừa-trọng để cho ông bà, chắt thừa-trọng để cho cụ ông cụ bà, con để cho đích-mẫu, kế-mẫu, cha mẹ nuôi, con vợ cả để cho từ-mẫu, con vợ lẽ để cho mẹ đẻ....

2∘ Tang một năm gọi là cơ-niên như tang cháu trai cháu gái (chưa đi lấy chồng) để cho ông bà nội, cháu để cho chú bác ruột, cho cô ruột (chưa đi lấy chồng), anh em chị em (chưa đi lấy chồng, hoặc đã lấy chồng mà lại trở về) để cho nhau, chồng để cho vợ (phải chống gậy; nếu cha mẹ hãy còn thì không chống gậy), cháu dâu để cho ông bà chồng, rể để cho cha mẹ vợ, cha mẹ để cho con, cho con dâu trưởng và con gái (chưa đi lấy chồng), em để cho chị dâu trưởng, con để cho dượng-ghẻ (đã có công nuôi từ lúc nhỏ)....

3∘ Tang chín tháng gọi là đại-công như cháu để cho cô (đã đi lấy chồng), anh em con chú con bác ruột, chị em con chú con bác ruột (chưa đi lấy chồng) để cho chau, chị em ruột (đã đi lấy chồng) để cho nhau, cha mẹ để cho nàng-dâu thứ, và cho con gái (đã đi lấy chồng)...

4∘ Tang năm tháng gọi là tiểu-công như chắt để cho cụ ông cụ bà nội, cháu để cho ông chú bà bác, bà thím bà bác, bà cô (chưa đi lấy chồng), con để cho dì-ghẻ, cháu để cho chú, bác, thím họ và cô họ (chưa đi lấy chồng), cháu để cho ông bà (mệ) ngoại, cậu hay dì ruột. Chị em con chú con bác ruột (đã đi lấy chồng), anh em chị em cùng mẹ khác cha....

5∘ Tang ba tháng gọi là ti-ma như chút để cho kỵ ông kỵ bà nội, chắt để cho cụ chú cụ bác, cháu để cho cụ cô (chưa đi lấy chồng), cháu để cho bà cô (đã đi lấy chồng), cháu để cho ông chú ông bác họ và bà cô họ (chưa đi lấy chồng), con để cho vợ lẽ cha, cha mẹ để cho con rể, con cô con cậu, đôi con dì để cho nhau....

Toát yếu. — Tục để tang ở nước ta thì khi quan-tài còn để trong nhà, con-cái phải mặc đồ sô gai. Lúc đưa đám hay lúc tế lễ thì con trai phải chống gậy.

Lễ tang ở nước ta có năm bậc, gọi là ngũ-phục: đại-tang = ba năm; cơ-niên = một năm; đại-công = chín tháng; tiểu-công = năm tháng; ti-ma = ba tháng.

Giải nghĩa.Mũ chuối = mũ kết bằng bẹ chuối khô. — Tang ba năm = nói năm thứ nhất đến năm thứ nhì, năm thứ nhì đến năm thứ ba. Tuy là nói ba năm, nhưng theo thói thường thì người ta để đại-tang có 27 tháng. — Thừa-trọng = cháu hay là chắt đích-tôn thay cha hay ông khi cha và ông đã mất rồi. — Đích-mẫu = con vợ lẽ gọi người chính-thất của cha. — Kế-mẫu = người của cha mình lấy vào thay mẹ mình là chính-thất mà đã mất rồi. — Từ-mẫu = vợ lẻ của cha mà cha giao quyền cho nuôi mình khi mẹ mình đã mất đi.

Câu hỏi. — Đồ để tang của con trai, con gái thế nào? — Hạn để tang nước ta chia ra làm mấy bậc? — Là những bậc nào?

  1. bít