Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/II/34
4. — Lễ tang (các lễ).
Cứ theo cái lý « sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn », nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thì lễ tang là một lễ rất trọng.
Khi nhà nào có ông già bà cả mất, thì người ta lấy chiếc đũa để ngáng hàm, bỏ gạo, tiền vào, gọi là phạn-hàm, rồi để xuống đất một lát, gọi là hoàn-thổ. Đoạn, người ta chiêu hồn thắt hồn-bạch, rồi mới khâm liệm và nhập quan.
Bàn thờ bày xong rồi, con cháu bận đồ tang phục, xõa tóc ra, rồi vừa lễ vừa khóc, gọi là lễ thành-phục và phát-khốc.
Hôm đưa đám, thì nghi-trượng có minh-tinh, nhà-táng, võng-chủ, thể-kỳ, câu-đối, hương-án, bàn-độc và nhiều thứ khác nữa, tùy nhà giàu-sang hay nghèo-hèn.
Khi hạ huyệt an táng rồi, con cái về nhà làm lễ luôn ba hôm, gọi là sơ ngu, tái ngu, tam ngu. Tự đó, hôm nào cũng cúng cơm hai buổi cho hết trăm ngày mới thôi.
Được bốn-mươi-chín ngày, người ta làm lễ chung-thất tại chùa. Được một trăm ngày, làm lễ tốt-khốc, là thôi khóc. Được một năm, giỗ đầu, gọi là tiểu-tường. Hai năm, giỗ hết, gọi là đại-tường. Sau đại-tường hai tháng, chọn ngày làm lễ trừ-phục, gọi là đàm-tất.
Toát yếu. — Sự tang lễ ở nước ta rất trọng. Khi trong nhà
Đám ma. có một người mất, người ta khâm liệm nhập quan, rồi thì làm
các lễ. Đại-để có những lễ: thành-phục, phát-khốc, tống-táng, tế
ngu, chung-thất, tốt-khốc, tiểu-tường, đại-tường, cho đến lễ đàm-tất mới hết.
Giải nghĩa. — Thành-phục = mặc đồ tang. — Phát-khốc = bắt đầu khóc. — Chung-thất = hết bảy tuần bảy ngày. — Trừ-phục = bỏ đồ tang.
Câu hỏi. — Câu « sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn », nghĩa là gì? — Khi trong nhà có người mất, thì người ta làm những lễ gì?