Luân lý giáo khoa thư - Lớp Đồng ấu/39
39. — Không có ý tứ.
Không có ý tứ thường làm hỏng[1] (sai) việc, và có khi nguy đến thân. Vậy làm việc gì ta phải có ý tứ và cẩn-thận.
Tiểu dẫn. — Một đứa bé lơ-đễnh[2].
Giáp có tính hay nghịch và làm cái gì cũng không có ý tứ. Ở bên láng-diềng, người ta mua cát về đổ thành đống để sắp làm nhà. Giáp đi qua hay nhảy vào giữa đống cát chơi. Một hôm, thợ nề đem vôi trộn với cát. Giáp không biết, cứ quen như mọi ngày, chạy từ xa nhảy vào giữa đống vôi, ngập quá đầu gối. Giáp không sao lôi chân lên được, kêu la rầm-rĩ. Người láng-diềng nghe tiếng, ra kéo nó lên, quần áo lấm bết những vôi. Về nhà, cha mẹ trông[3] thấy, mắng đánh, Giáp kêu van xin chừa, từ nay không dám lơ-đễnh[2] như thế nữa.
Câu hỏi. — Giáp có tính xấu gì? — Tại sao nó nhảy vào đống vôi? — Nó nhảy vào đống vôi rồi thế nào? — Cha mẹ nó thấy thế thì làm gì?
Cách-ngôn. — Làm việc gì cũng phải có ý tứ.