Long đại nham - 龍岱岩
của Nguyễn Trãi
Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

去年虎穴我曾窺
龍岱今觀石窟奇
鰲負出山山有洞
鯨遊塞海海為池
壼中日月天難志
世上英雄此一時
黎范風流嗟漸遠
青苔半蝕璧間詩

Khứ niên hổ huyệt[1] ngã tằng khuy ;
Long đại[2] kim quan thạch huyệt kỳ.
Ngao[3] phụ xuất sơn sơn hữu động ;
Kình[4] du tắc[5] hải hải vi trì.
Hồ[6] trung nhật nguyệt thiên nan lão ;
Thế thượng anh hùng[7] thử nhất thì.
Lê Phạm[8] phong lưu ta tiệm viễn,
Thanh đài bán thực bích gian thi.

Năm trước hang cọp ta đã từng xem,
Nay lại xem hang đá kỳ Long-đại (động rồng).
Con ngao đội núi lên, núi có động ;
Cá kình bơi lấp biển, biển thành ao.
Nhật nguyệt trong bầu, cảnh trời khó già,
Anh hùng trên đời, đấy là một thuở.
Phong lưu của họ Lê họ Phạm, than ôi đã xa dần ;
Rêu xanh đã gặm hết nửa thơ trên vách đá.

   




Chú thích

  1. Hổ huyệt: chỉ sào huyệt của giặc Minh ở Đông Đô
  2. Long đại: nay gọi là núi Hàm Rồng, ở làng Đông Sơn huyện Đông Sơn, gần thị trấn Thanh Hóa
  3. Ngao: có truyền thuyết rằng phía đông biển Đột hải có ba quả núi Thần chân không dính vào đâu, là chỗ ở của các thánh, thượng đế sai 15 con ngao (rùa lớn ở biển) đội núi để giữ lấy, gọi là tam đảo, tam hồ. Người ta cho núi Long đại cũng là núi tiên do ngao đội
  4. Kình: cá kình là loài cá lớn. Có tích núi này ở giữa biển, nhưng có cá kình bơi mà lấp biển nên biển biến thành ao
  5. Bản in chữ Hán chép du 遊 là bơi thành chữ quá 過 là qua và chữ tắc 塞 là lấp thành chữ hàn 寒 là lạnh. Nay theo các bản khác mà sửa lại
  6. Sách đạo giáo nói rằng xưa có người tên là Trương Thân, nhà thường treo một cái bầu lớn, hóa làm trời đất, trong có mặt trời mặt trăng, đêm chui vào đấy mà ngủ, tự gọi là « Hồ thiên », tức là trời trong bầu hay bầu trời
  7. Anh hùng: anh hùng bấy giờ, chắc Nguyễn Trãi nhớ Hồ Quý Ly, vì năm 1283 Hồ Quý Ly đóng đồn ở núi này để chống quân Chế Bồng Nga
  8. Lê Phạm: tức Lê Quát, người huyện Đông Sơn và Phạm Sư Mạnh, người huyện Đông Triều, hai người có để thơ ở hang núi Hàm Rồng. Hai người có tiếng văn học ở đương thời, người ta thường gọi chung là Lê Phạm