Lịch sử có ảnh hưởng đến chúng ta thế nào? Học sinh với quốc sự
Nhắc lại Lao công đại sứ Jusstin Godart trước khi xuống tàu trở về Pháp, cuối năm 1936, tại Sài Gòn, giữa một tiệc trà tiễn biệt, có phát biểu cảm tưởng và ý kiến đối với những sự xảy ra ở Đông Pháp mà chính mình ông đã nghe thấy trong thời gian đi điều tra hai tháng. Đại khái ông biểu đồng tình với những cuộc đình công của thợ thuyền chuyên có một mục đích về kinh tế, nhưng rất không bằng lòng về những cuộc bãi khóa của học sinh các trường, ở trong có xen ý nghĩa quốc sự hay chính trị. Theo ý ông Godart, các học sinh được phụ huynh và chính phủ săn sóc cho về việc ăn học chu đáo như thế, đã có hạnh phúc lắm rồi, lẽ đáng yên phận mà lo việc học, không nên dự vào quốc sự làm chi.
Câu chuyện cách nay đã gần hai năm.
Vừa rồi, một tờ báo chữ Pháp miền Nam, nhân gần đến ngày bắt đầu học niên 1938-1939, viết một bài nhắc nhở khuyên lơn anh chị em học sinh trước khi nhập học, trong đó có dẫn lời ông Justin Godart như lược thuật trên đây, và tỏ ra mình hoàn toàn đồng ý với những lời ấy.
Chúng tôi không có ý phản đối bài báo ấy và cũng không phản đối ông Godart. Chỉ nhân đó chúng tôi bàn rộng để thấy điều hơn lẽ thiệt và cũng để thấy lịch sử có ảnh hưởng đến chúng ta thế nào.
Chẳng những không phản đối ông Godart mà chúng tôi còn nhận cho ông nói rất phải. Chỉ e một điều, vấn đề này phiền phức lắm, mấy lời đơn giản của ông e không đủ làm sáng chân lý suốt từ phương diện này đến phương diện kia.
Về sự học sinh can thiệp vào quốc sự, không phải từ ngày xứ này hấp thụ văn hóa phương Tây rồi mới có. Nghĩa là không phải một phong triều từ phương Tây đưa lại – như phong triều bình dân hay cộng sản – nhưng là một thói tục tổ truyền sẵn có ở phương Đông chúng ta.
Theo lịch sử Tàu và ta, hàng ngàn năm nay hễ khi nào nước nhà có lắm việc mà chính phủ xử trí không ổn thỏa, hoặc các nhà đương đạo dùng quyền thế đàn áp dân chúng quá đỗi thì ắt có học sinh đứng ra can thiệp vào.[1]
Như hồi đời Đông Hán, bọn hoạn quan cầm chính quyền hãm hại sĩ phu trong nước, liền có ba vạn học sinh trường Thái học nổi lên công kích họ để giải cứu cho những người chính trực bị vu hãm. Tuy nhiên đó về sau gây nên cái họa “đảng cá”, nhiều sinh viên bị hạ ngục, mà từ đó bọn hoạn quan cũng giảm kém oai quyền đi cho đến thất thế và tiêu diệt.
Đến đời Nam Tống, khi có nhiều gian thần nối nhau cầm quyền bính, chốn triều đình thi hành nhiều việc trái phép, cũng có các học sinh nhà Thái học nổi lên phản đối. Chuyến này họ làm kịch liệt lắm. Có lần họ rủ nhau xông vào tận sân chầu, động trống đăng văn, làm một cuộc biểu tình rất huyên náo, cốt chỉ có xin nhà vua dùng lại ông Lý Cương, người đã được quốc dân tín nhiệm lên làm tướng mà thôi. Cố nhiên là có nhiều sinh viên bị hạ ngục và sau lại bị đi đày, nhưng họ chẳng hề vì đó mà thụt lùi: cái đảng họa đời Nam Tống lại còn khốc hại và lâu lai hơn đảng họa đời Đông Hán nữa.
Cuối đời Minh, sử cũng có chép nhiều cuộc vận động của học sinh, nhất là các tay danh sĩ ở trong hai cái học hội: một gọi là Đông lâm, một gọi là Phục xã… Họ thay đổi nhau chỉ trích việc triều chính, phản đối bọn hoạn quan (lại hoạn quan), vì đó cũng có gây ra cái họa băng đảng, bị tù bị chết thảm hại lắm, chẳng kém đời trước.
Trong một bài báo, chúng tôi không có thể kể tường hơn: nội mấy cái sử liệu sơ lược trên đây đã đủ chôn vào óc người An Nam trong thời gian hơn một ngàn năm học chữ Hán, rồi nó di truyền làm một điều cần yếu trong tính chất quốc dân: hễ lúc nước nhà có việc là học sinh can dự vào.
Hồi nhà Lê mất nước, việc vận động khôi phục cũng do ở các trường học lớn mà ra. Nhất là trường ông Phạm Quý Thích, nhiều môn đệ đã ẩn tính mai danh đi theo việc vận động ấy mà thông hành.
Triều Tự Đức ta, nước có ngoại hoạn, thì trong nhiều kỳ thi hạch, học trò đã rủ nhau “phá trường” để tỏ lòng phẫn khích. Ở Nghệ An và Quảng Nam, người ta còn nhắc lại những chuyện như thế.
Học sinh dự vào quốc sự nhiều nhất là sau lúc kinh thành thất thủ. Bấy giờ có những đảng Cần vương hay Nghĩa hội nổi lên, đều do ở các tư thục lớn chủ trương cả. Vì mỗi tư thục có sẵn một hội “đồng môn” bình thời đã liên lạc thanh khí với nhau, nên đến cơn hữu sự, để mà hô hào vận động. Tức như Nghĩa hội ở tỉnh Quảng Nam thì về phần nửa tỉnh phía trong, chủ trương do đồng môn ông Tế tửu Nguyễn Đình Tựu, về phần nửa tỉnh phía ngoài, do đồng môn Cử nhân Lê Tấn Toán ở làng Hà Lộc, là việc người viết bài này biết rõ.
Đại khái trong nước Việt Nam từ xưa đã có một tập tục di truyền như vậy, cho nên mỗi người học trò đối với việc nước phải coi như việc bổn phận mình mà không thể mần ngơ. Huống chi gần đây có những phong triều bãi khóa của các ngoại quốc đưa vào thì lại càng làm cho họ khích thích hơn nữa. Ở dưới những điều kiện ấy, bảo học sinh Việt Nam đừng dự vào quốc sự là sự tôi tưởng như không thể được.
Nhưng chúng tôi vẫn cứ biểu đồng tình với câu nói của ông Godart khi ông nói về trung hay tiểu học sinh, hạng học trò còn nhỏ tuổi kia.
Lâu nay thấy có học sinh ở Cao đẳng tiểu học thậm chí ở tiểu học mà cũng đứng ra hô hào vận động nọ kia thì chúng tôi thật lấy làm đáng phàn nàn. Những người này tuổi còn trẻ, sự học của mình còn chưa đến đâu cả, thì nên ngồi yên trên ghế nhà trường, chứ không nên nhảy nhót.
Vậy hãy nhớ rằng, theo lẽ, nhất là theo tập quán di truyền của chúng ta, học sinh được dự vào quốc sự, nhưng phải là học sinh lớn tuổi. Trong sử chép chuyện học sinh đời Đông Hán, đời Nam Tống, đời Minh mà có lược dẫn trên kia, đều là học sinh ở trường Thái học cả, tức là hạng étudiant[2] của đại học ngày nay vậy. Và, ở các nước văn minh hiện thời, mỗi khi có cuộc học sinh vận động thì cũng duy có đại học sinh, là hạng étudiant ấy. Chứ còn dưới hạng ấy, từ Cao đẳng tiểu học giở xuống thật không đáng nhúng tay vào chính trị vì các lẽ nói trên.
Một người chưa đầy 20 tuổi mà đã nhảy lên diễn đàn nói huyên thiên trong một cuộc tụ hội của công chúng, chúng ta nếu cho là ngộ nghĩnh mà để coi chơi thì được, chứ không khi nào chịu nghe người ấy. Vậy thì người ấy dừng lên diễn đàn là phải.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Đề tài học trò can dự việc chính sự ở Trung Hoa từ cổ đến cận đại đã được Phan Khôi nêu khá kỹ trong bài khảo luận Học trò đời xưa với quốc sự trên Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn năm 1928.
- ▲ étudiant (chữ Pháp): sinh viên đại học.