Học trò đời xưa với quốc sự

Học trò đời xưa với quốc sự  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo các số 685 (21.2.1928); 686 (23.2.1928); 687 (25.2.1928); 689 (1.3.1928).

Không ai có thể lấy ý riêng hoặc quyền riêng mà xui giục học trò nhúng vào quốc sự hay là cấm đoán học trò phải tránh xa quốc sự. Điều đó chỉ nhờ có lịch sử làm chứng. Cứ theo lịch sử thì học trò với quốc sự dường như có quan hệ một cách riêng. Đương khi trong nước thái bình, trăm việc đâu ra đó, thì học trò chỉ biết một sự học; đến khi nước lắm việc, chánh phủ đổ đốn, trong quốc dân lại không có cái cơ quan gì chánh đáng để xét nét chánh phủ, thì bấy giờ đám học trò thường hay giấn thân mà can thiệp vào. Sự can thiệp ấy luôn luôn là hại cho học trò, và cũng là một điều bất hạnh cho nước. Vì trong những cơn như vậy, thế nào học trò cũng bị tù bị giết, và sau đó, chẳng kíp thì chầy nước cũng phải mất hay là chánh phủ cũng phải đổ. Coi như vậy thì sự học trò can thiệp đến việc nước là sự bất đắc dĩ, mà cũng là sự tự nhiên. Đã là bất đắc dĩ và tự nhiên, thì còn ai xui giục hay là ngăn cấm được ư?

Xét sử Tàu, đời nhà Đông Hán vào lúc Hoàn đế, bọn hoạn quan cầm cả quốc quyền, làm rối loạn mọi việc chánh trị, mà vua thì hèn yếu, các quan tại triều phần nhiều thì a dua với hoạn quan để cầu lấy giàu sang. Bấy giờ trường Thái học có đến hơn ba vạn học trò. Quách Thái và Giả Bưu làm lãnh tụ. Họ thấy triều chánh bậy bạ như vậy, đã không phương cứu chữa, mà trong tay mình cũng không sẵn quyền để đánh đổ đi, thì trong nhà trường nổi lên một thứ phong trào mới gọi là "thanh nghị", cốt lấy cái thế lực của dư luận mà đàn hạch việc triều đình. Nhơn trong triều còn có Lý Ưng, Trần Phồn, Vương Sướng là mấy ông quan tốt, họ bèn hiệp đảng với ba người nầy, khen tặng nhau mà chế bác những kẻ làm bậy. Họ chỉ trích hết thảy, dầu kẻ có quyền thế mấy cũng không chừa. Bấy giờ từ hàng công khanh trở xuống ai cũng phải kiêng họ, nhiều kẻ vào đến cửa họ phải bỏ giày. Song le, bọn hoạn quan thì thù ghét đám học trò thanh nghị ấy lắm.

Lúc ấy có Vương Thành, người Hà Nội, giỏi nghề bói, chiêm nghiệm biết rằng sẽ có ân xá, khiến con trai mình đi giết người. Lý Ưng đương làm quan doãn Hà Nam, sai bắt giam đứa giết người ấy. Rồi đó quả có ân xá thật. Lý tức mình, bèn kết án nó và giết đi trước khi xá. Vương Thành nguyên lấy nghề bói giao thông với hoạn quan, nhơn thù Lý Ưng, xúi cho đồ đệ mình là Lao Tú dâng thơ cáo rằng Lý Ưng dung dưỡng sanh viên Thái học, giao kết với học trò các quận, lập thành bè đảng mà báng bổ triều đình, làm hư hại phong tục. Việc nầy xảy ra năm thứ chín hiệu Diên Hy đời vua Hoàn đế (lịch tây 116). Vua bèn xuống chiếu bắt bọn Lý Ưng và hơn hai trăm người học trò mà hạ ngục hết thảy. Giam cầm đã lâu mà tra ra không việc gì đáng tội cả, vả lại nhơn có người dâng sớ can, năm sau, vua bèn tha cho "đảng nhân" ở đâu về đó, song phải ghi tên tại quan, những người ấy cả đời không được đi đâu, không được làm gì, gọi là "cấm cố chung thân".

Bọn đảng nhân ấy về ở mỗi người một nơi, dầu bị cấm cố mà lại được người ta tôn trọng, thành ra cả nước hùa theo, cái thế lực thanh nghị lại càng lừng lẫy hơn xưa.

Năm thứ hai hiệu Kiến Ninh đời vua Linh đế (169), có kẻ chiều theo ý hoạn quan, dâng thơ vu cáo, nói bọn đó tính làm nguy đến xã tắc. Rồi đảng Lý Ưng bị bắt lại, vì giam cùm khảo kẹp khốc hại quá, hơn một trăm người chết mòn trong ngục. Bấy giờ dân gian ai có thù oán gì nhau thì vu hãm nhau dễ lắm, và lại các quan châu quận theo ý triều đình, làm khí già tay, nên tội lây vạ tràn nhiều lắm, kể hết thảy bị giết, bị đày, bị cấm, đến sáu bảy trăm người. Sau đó lại còn cấm cố đến môn sanh, cố lại, gia thuộc, thân thích của đảng nhân nữa.

Năm thứ nhứt hiệu Diên Bình đời vua Linh đế (127) bà Đận Thái hậu thăng hà, có người nào không biết, viết trên châu khuyết rằng:

"Nay thiên hạ cả loạn, Tào Tiết, Vương Phủ (hoạn quan) thì giết Thái hậu, Hầu Lãm (hoạn quan) thì giết nhiều đảng nhân, thế mà các quan ăn lương vua lộc nước, đều câm cả, chẳng nói được một lời".

Vua bèn xuống chiếu cho quan Tư lệ hiệu húy là Lưu Mãnh nã bắt kẻ viết ấy. Lưu Mãnh nghĩ cho kẻ viết ấy nói thế là ngay thẳng, bèn không chịu nã vội, để hơn một tháng mà tìm chưa được chánh phạm. Lưu Mãnh liền bị giáng chức, Đoàn Cảnh được thế cho Lưu Mãnh, ra nã bắt khắp mọi nơi, bắt hơn ngàn sanh viên Thái học mà cầm vào ngục. Việc nầy lại là khác, không đồng một án với án đảng nhân nói trên kia.

Cái án đảng nhân đó rây rắc và dây dưa mãi đến hơn hai mươi năm, những người danh sĩ bị lâm lụy mà chết nhiều lắm, dân gian cũng rất là đồ khổ, nhà làm sử quen gọi là "đảng cố chi họa".

Cho đến năm thứ nhứt hiệu Trung Bình đời vua Linh đế (184), giặc Hoàng Cân nổi lên, triều đình mới đại xá cho đảng nhân; và sau đó ba mươi bảy năm thì nhà Hán mất nước.

(Nhẫn lên xem sách Hậu Hán thư quyển 97, tờ 1-2-3; và quyển 108, tờ 7)

*

* *

Vận động về quốc sự một cách kịch liệt nhứt, là học trò ở đời nhà Tống.

Năm thứ bảy hiệu Tuyên Hòa đời vua Huy tôn (1125), bấy giờ thế nhà Tống đã nguy lắm. Rợ Kim ở phía bắc lấn vào gần tới kinh đô, còn trong triều, Thái Kinh ở ngôi thủ tướng bấy lâu làm nhiều việc hại dân hại nước, mà chẳng hề có ai dám nói. Sanh viên Thái học là Trần Đông bèn xuất hết thảy bọn đồng học trong trường dâng thơ cho vua, kể tội sáu tên gian thần, tức là Thái Kinh và năm người nữa, mà xin chém đi, loan thủ cấp đi khắp trong nước để tạ lòng thiên hạ.

Thái Kinh tuy không vì cớ khống cáo đó mà bị tội, song đã bị bãi chức và Lý Cương lên thay. Lý Cương là người chủ chiến, nghịch cùng bọn Lý Bang Ngạn là phái chủ hòa, lên làm tướng thì cố việc trị binh đánh với Kim, làm cho người Kim nghi kỵ, sai sứ sang trách vấn triều đình Tống. Tống sợ, phải bãi chức Lý Cương để được lòng người Kim. Bấy giờ là năm thứ nhứt hiệu Tịnh Khương đời vua Cao tôn (1126).

Lần nầy Trần Đông lại đứng đầu các sanh viên Thái học, rủ nhau hơn một ngàn người vào tại cửa Tuyên Đức mà dâng thơ cho vua, kể tội bọn Lý Bang Ngạn và xin lưu Lý Cương lại làm tướng. Trong lúc dâng thơ tại nơi cửa đó, quân dân không hẹn nhau mà nhóm lại đến vài vạn người. Khi đó vừa ưa Lý Bang Ngạn vào chầu, chúng sỉ mắng cho một hồi, còn muốn đánh nữa, nhờ Lý ruổi mau mới thoát được. Có lịnh truyền phải lùi ra, song chúng không chịu đi, đánh lủng trống đăng văn và kêu la vang lên. Quan điện súy là Vương Tôn Sở thấy vậy, sợ sanh biến, khuyên vua làm theo như lời xin. Vua bèn sai ra truyền cho chúng rằng đã có chỉ vời Lý Cương lại rồi. Quan nội thị là Châu Cung Chi vâng mạng đi vời Lý Cương mà đi trễ, chúng xúm nhau đánh chết, lại còn đánh chết vài mươi nội thị khác nữa. Vua phải cho Thượng thơ Hộ bộ là Nhiếp Xương ra truyền dụ chỉ, chúng mới chịu tan.

Lý Cương quả lại được làm tướng như cũ. Song le, ngày hôm sau, vua xuống chiếu bắt làm tội những kẻ nào vi thủ trong việc đánh chết các nội thị, và cấm không ai được đến cửa khuyết dâng thơ. Có người xin hạ ngục hết thảy sanh viên Thái học, nhưng rồi không, muốn cho êm việc, vua chỉ dùng Dương Thời là nhà đại nho lên làm chức Tế tửu (ông đốc trường Thái học) để trấn tịnh đám học trò mà thôi. Có người lại tâu xin cho Trần Đông làm quan để bưng mồm va lại, song Đông nhứt định từ chối không chịu.

Việc nầy chẳng khác gì một cuộc "mê-tin[1]" đời nay, mà là một cuộc mê-tin ghê gớm, có đến đổ máu nữa.

Qua năm thứ nhứt hiệu Kiến Viêm đời vua Cao tôn (1127), nhà Tống vì sợ giặc Kim, đã dời kinh đô qua phía nam Dương Tử giang rồi. Bấy giờ tại triều lại có Hoàng Tiềm Thiện và Uông Bá Ngạn, cũng là phái chủ hòa nghịch với Lý Cương, mà vua lại tin dùng hai người nầy và bãi chức Lý Cương lần nữa. Trần Đông bèn dâng thơ xin cầm Lý Cương lại và bãi Uông, Hoàng đi. Lại xin trị tội các tướng không tiến binh, xin vua đừng ngự đi Kim Lăng để cho khỏi day động lòng người. Hoàng Tiềm Thiện kiếm lời khêu chọc vua, nói rằng phải giết Trần Đông đi, nếu không thì nó lại cổ động sĩ dân làm như năm trước. Vua cho phép. Quan phủ doãn là Mạnh Dũ cho đòi Trần Đông, Đông xin ăn xong sẽ đi. Ăn xong lại đi đằng sau, kẻ sai nha có ý ngại, Đông nói rằng: "Ta là Trần Đông đây, sợ chết thôi thì đã chẳng dám nói; mà đã nói, đâu thèm tránh cái chết?" Rồi Đông trở vào, đội mũ mặc áo, đi chào bạn đồng học, và bị dẫn ra chém giữa chợ. Đông vốn không quen với Lý Cương, chỉ vì việc nước xin lưu Lý lại mà phải chết, ai nấy nghe thấy đều sa nước mắt.

Đến đời vua Lý Tôn, năm thứ tư hiệu Thuần Hựu (1244), lại có việc bọn Hoàng Khởi Bá kiện Sử Tung Chi. Sử là một tay gian thần, bấy giờ đương làm tướng, gặp tang cha, theo lệ phải về đình gián, song được vua cầm ở lại. Hoàng Khởi Bá đứng đầu một trăm bốn mươi sanh viên Thái học, dâng thơ nói Tung Chi gian nịnh, liên kết với hết thảy triều thần và đám hoạn quan đặng bám chặt lấy ngôi thừa tướng, vậy xin vua phải đuổi ngay về. Lại có các sanh viên trường Võ học là Ông Nhựt Thiện, trường Kinh học là Lưu Thời Cử, trường Tôn học là Triệu Dữ Hoàn rủ hết thảy học trò ba trường ấy đứng ra làm thanh viện cho trường Thái học mà dâng thơ can vua về sự cầm Sử Tung Chi. Song vua không nghe. Lưu Nại, sanh viên trường Võ, biết ý vua muốn dùng Tung Chi, bèn phản lại bốn trường, dâng thơ nói học trò xách tên một vị đại thần ra mà mắng nhiếc như thế là vô lễ, không còn gì là thể thống triều đình. Tuy vậy, bên học trò lại càng hăng, họ nhứt định rủ nhau "bãi khóa" để đối phó lại việc ấy. Bấy giờ tại nơi nhà cầu trường Thái học có giấy dán rằng:

"Hễ thừa tướng vào buổi mai thì sanh viên ra buổi chiều, thừa tướng vào buổi chiều, thì sanh viên ra buổi mai".

Kế đó, quan phủ doãn là Triệu Dữ Trù định hạ lịnh đuổi học trò. Các sanh viên nghe thế, bèn làm một bài văn, gọi là Quyện đường văn mà đưa cho nhau như kiểu "truyền đơn" đời nay, một đoạn cuối bài ấy nói rằng:

"Họ đã vị lợi riêng mình mà đuổi học trò, thì học trò không mặt mũi nào còn ở nữa.

Nếu tham sự no ấm mà ở lại thì rồi sẽ bị chôn như học trò đời nhà Tần.

Hễ bài văn nầy ra, nội trong ngày mai phải đi lập tức".

ấy là họ thực hành được cái kế hoạch bãi khóa. Mà cuộc bãi khóa nầy được thắng lợi, vì Sử Tung Chi thấy công luận không dung mình, cũng sợ, bèn xin về chung chế[2].

Qua năm sau (1245), hai ông quan tại triều đình là Từ Nguyên Kiệt và Lưu Hán Bật bị bọn gian thần đầu độc mà chết, sanh viên Thái học là Thái Đức Nhuận với một trăm bảy mươi ba người nữa dâng thơ kiện oan. Vua bèn xuống chiếu cấp ruộng và tiền cho hai vị đại thần chết oan ấy.

"Phải chi triều đình bấy giờ lấy sự phải trái của họ làm phải trái, thì những kẻ gian tà đạo tặc đã khiếp sợ dưới cái uy chánh khí, rồi vua cũng an mà nước cũng có thể giữ được. ấy vậy mà luận giả lại cứ cho những việc ấy là "việc đời loạn". Luận giả không đổ[3] cái tội làm mất nước cho những người bắt giết học trò, hủy phá học hiệu, trở lại trách móc học trò, là nghĩa gì?

Theo lời Hoàng Lê Châu đó, thì sự học trò can thiệp việc nước không những là sự bất đắc dĩ và sự tự nhiên, mà lại là lẽ đương nhiên. Ông chẳng thèm nói xa nói gần gì hết, cứ nói thiệt tình rằng nhà nước phải lấy học hiệu làm cơ quan chánh trị, nói mồn một rằng các việc mà người ta cho là "việc đời loạn" đó, là gần với phong tục Tam đại!

Về việc học trò đời xưa với quốc sự, lịch sử chép như vậy, các người hiền triết chủ trương như vậy, thế mà người Tàu ngày nay chừng như không có mấy người xét đến và hiểu đến.

Năm mười năm nay, bên Tàu có xảy ra luôn luôn những sự học sanh vận động về chánh trị, nổi tiếng hơn hết là cuộc "Ngũ tứ vận động" và "Lục tam vận động". Bấy giờ có nhiều vị chủ bút nhà báo, nhứt là mấy vị lão thành, hay phàn nàn về sự đó. Cái chỗ họ căn cứ mà lập luận là: học trò đương buổi thanh niên phải lo học cho thành tài để ngày sau giúp nước, chứ không nên giấn thân vào quốc sự trong khi còn ở nhà trường, vì sợ thiệt đến mình tức là hại cho nước chăng. Lại có vị hình như chẳng đọc chữ sử nào hết, đến nỗi nói rằng các cuộc học sanh vận động đó là nhiễm lấy cái thói học sanh bên Âu Mỹ, rồi lại than thở cho cái văn minh Âu Mỹ đời nay đến mà phá đổ phong tục tốt của người Tàu đời xưa! Trong khi tôi đọc qua những bài luận ấy biểu tôi đừng hé răng mà cười sao được! biểu tôi đừng bĩu môi mà trề sao được!

Tôi viết bài khảo cứu nầy cũng khá gọi là kỹ, song có một điều còn chưa được mãn nguyện -- chưa mãn nguyện cho tôi và cũng cho độc giả -- là tôi không nhắc đến được ít nhiều tài liệu cùng một thứ trong lịch sử nước ta. Theo tôi nhớ, sử nước ta không thấy có chuyện nào giống như vậy. Cái đó có lẽ là tại các nhà làm sử bỏ sót. Cứ như tôi biết, trong một tỉnh Quảng Nam chúng tôi, sáu bảy mươi năm trở lại đây, cũng có vài việc gọi được là một cuộc vận động nho nhỏ về quốc sự của đám học trò, thì lẽ nào cả nước ta, chốc ngàn năm nay, ít ra lại không có năm bảy việc như vậy ư? Tôi kể mấy việc ấy ra đây để thúc kết bài khảo cứu nầy.

Về đời Tự Đức, không biết năm nào, ông Đặng Kham, người Bắc Ninh làm án sát Quảng Nam. Ông nầy tham ô có tiếng. Có một lần, tại tỉnh hạch học trò, đêm trước ngày hạch, hàng mấy ngàn học trò ở ngoài thành ồn lắm, đâu đâu cũng xấm xi xấm xải, thì quan tuần sức cho sở tuần thành phải coi chừng cẩn thận. Sáng ra, họ vẫn vào hạch như thường, song ở bốn cửa thành có nhiều tờ giấy chữ của ai dán không biết, lính gỡ đem vào trình quan tuần, thì ra những giấy ấy chép rập một bài văn tứ lục kể tội quan án, như vầy:

Mèo đen cấu khí
Rùa mốc xì thơm
Họ là Đặng mà người coi chẳng đặng
Tên là Kham mà dân chịu không kham
Đốc học Thưởng làm nanh làm vút,
Tri phủ Đôn làm cánh làm vây.
Bạc Cẩm Sa (làng) mười lạng rành rành, không ăn vì sợ nghè Tường...

Người thuật lại chỉ nhớ bài ấy được có bấy nhiêu.

[...] quan tuần phải niêm những tờ giấy ấy và thảo sớ mà đệ về bộ nhờ bộ dâng lên. Bấy giờ vua Dực Tôn sai Khâm phái về tra, quả nhiên giấy ấy nói thật cả, quan án Đặng Kham liền bị cách chức và lạc hồi dân tịch.

Tháng chạp năm Kiến Phước nguyên niên (1884), ở phủ Điện Bàn hạch học trò (hạch nầy để kén học trò lên hạch tại tỉnh lần nữa rồi ai có dự hạng mới được đi thi, vì năm sau đến khoa thi). Trong đêm mà sáng ra đến ngày hạch, học trò tựu tại phủ có đến mấy ngàn. Bỗng dưng có người cổ động lên, dán giấy rải tờ, đại ý nói nước nhà sắp đến ngày nguy vong tới, sĩ phu phải lo liệu làm sao, không còn nên thi cử làm chi nữa, cũng không nên hạch nữa. Mà quả thế, sáng ra, khi xướng tên vào trường, không có một trò nào chịu dạ cả, rồi học trò lần lần tan về, cuộc hạch ấy phải bãi đi. Dầu mấy hôm sau có tục hạch, và học trò phủ Điện khoa năm ấy cũng đi thi, song giữa những ngày sắp thi, nghĩa là vào hạ tuần tháng năm năm ất dậu, Hàm Nghi nguyên niên (1885), học trò các tỉnh đã tụ tại Huế, thì kinh thành bị thất thủ.

Sự học trò bãi khóa dường như ở xứ ta ngày xưa cũng đã có. Điều đó lấy chứng cớ trong một câu hát mà đàn bà trẻ con thường hát. Ngẫm nghĩ câu hát đây thì ra như đám học trò nào đó bị ngược đãi, không chịu được sỉ nhục mà phải rủ nhau bỏ trường không học nữa, cho nên nói rằng:

"Thôi thôi cắp sách ra về,
Học hành chi nữa chúng chê bạn cười !"

C.D.

   




Chú thích

  1. mê-tin: có lẽ tác giả phiên âm từ meeting
  2. Về chung chế: về chịu tang cho đến mãn tang
  3. Bản gốc là không đo, người sưu tầm (Lại Nguyên Ân) sửa lại là không đổ