Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Lời tiểu dẫn của người dịch
嶺南逸史
Truyện Lý Tiểu Hoàn và Hoàng Phùng-Ngọc
Lời tiểu-dẫn của người dịch
Dật-sử này truyền là một bộ thuyết-văn tối-cổ của nước Nam ta. Nguyên chủ-não trong truyện này là một người họ Hoàng ở Phong-châu thuộc Phú-thọ, mà dấu du-lịch lại qua tới Lưỡng-Quảng; biên-tập ra truyện này là một người họ Ma ở Đà-giang tỉnh Bờ, mà bút ký-sự lại dùng nhiều tiếng thổ mán. Xét thời-đại truyện này khởi-phát ra tự đời Lý Nhân-tôn (1073), ngang với đời Tống Thần-tôn bên Tàu, thực là một truyện thuộc về thời-đại tối-cổ. Đến đời Trần có ông Chiêu-văn-Vương Nhật-Duật 昭 文 王 日 燏 am-hiểu tiếng thổ tiếng mán, nhân khi đi đánh Giốc- Mật ở Đà-giang gặp Ma Văn-Khái là trưởng đỗng Dịch-sơn đem quyển nguyên-văn Dật-sử này là của ông tổ ngũ-đại soạn ra, tặng cho ông Nhật-Duật. Ông xem ra thì thấy chữ viết chi-ly, tiếng nói líu-lo, mà văn rất khúc-chiết, sự rất ly-kỳ, bèn dịch ra Hán-văn, song những tiếng thổ-âm dễ hiểu, ông vẫn để lại làm dấu tồn-cổ. Lại có ông Hoài-văn-hầu Quốc-Toản 懷 文 侯 國 瓚 hiệu-chính, ông Trương Thăng-am Hán-Siêu 張 升 庵 漢 超 phê-bình. Đó thực là truyện đời Lý mà văn đời Trần, người nước Nam mà qua đất Bắc, chính là xứ Lĩnh-nam nguyên thuộc về đất Nam-Việt ta khi xưa, nên mới gọi là « Lĩnh-Nam Dật-Sử », thế thời bảo bộ Dật-sử này là chính bộ thuyết-văn chép những sự di-dật của nước Nam ta cũng phải.
Huống chi trong truyện kết-cấu lại còn lắm người trai trung, gái hiếu, chồng nghĩa, vợ trinh, nữ-tử mà anh-hùng, nam-nhi mà hào-kiệt, không biết bao nhiêu là nghĩa là tình, diễn ra lắm trò hoạt-kịch, bi-kịch, tráng-kịch, văn-chương thực là ly-kỳ biến-hóa, càng biến-hóa lại càng tân-kỳ, không kể sao cho xiết!
Tôi vốn có ý kê-cứu về các truyện thuyết-văn nước Nam nhà, như những truyện đức Trần Hưng-đạo, vua Lê Thái-tổ, vân-vân, nay lại được quyển này nếu quả là một truyện cổ-tích nước Nam, nên vội dịch ra đây để truyền-bá cho được phổ-thông, không những là biết được sự cổ-tích nước Nam nhà, mà lại biết được địa-giới châu Giao châu Quảng xưa kia vốn là một nước.
Còn như truyện Dật-sử này truyền tin hay là truyền nghi, thời trong bài tự của ông Trần Nhật-Duật đề đầu sách này đã nói đủ cả, sẽ dịch như sau này.
Đông-Châu NGUYỄN-HỮU-TIẾN
Cẩn-chí