Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ IX

HỒI THỨ IX

Ba lượt thỉnh binh, khích-nộ Đốc-phủ,
Hai lần chiêu-hồn, man-quá Mai Anh.

Lý công-chúa từ khi bại binh, trở về điểm xét binh-mã, ba phần mất đến một phần; lại chết mất hai viên đại-tướng, hai viên nữ tướng, hơn 30 viên tì-tướng và các đồ quân-trang khí-giới bỏ mất vô-thiên số. Lý công-chúa nghĩ đau lòng thương tiếc khóc oà lên. Bèn sai người tô tượng Hoàng Phùng-Ngọc để ở bên tượng Đô bối đại-vương; tô tượng Phù Ly. Phùng Lực Mộc để ở hành-lang bên tả, tượng Dương Phiên-Phiên, Hứa Ngọc-Anh để ở hành-lang bên hữu. Công-chúa thân mặc áo trắng để tang, sai dựng một lá cờ trắng, bày đàn hướng tây điện-tế chiêu-hồn, khóc thực thương thảm! Cảm động cả ba quân đều rỏ nước mắt Tế xong, lại sai người bày đàn chay ở trước cửa miếu, mới nhà sư đến hiến-cúng, để siêu độ vong-hồn, một ngày hai buổi sớm tối Công-chúa thân đến trước đàn dâng-hương, lại thân đến những nhà có người tử trận uý-lạo, chẩn-tuất, cực kỳ chu chuân, bởi vậy người nào cũng cảm lòng ân-đức Tuy rằng sau khi táng-bại mà nhân-tâm vẫn phục-tùng vui vẻ không tỏa-chí chút nào Được ít lâu, Công chúa sai mời Phù Hùng, Đặng Bưu hai tướng đến trại trong, thi-lễ mời ngồi. Công-chúa hướng vào Đặng Bưu rỏ nước mắt khóc mà nói rằng:

— Quân giặc Thiên-mã giết chết mất chồng tôi là Hoàng lang, lại làm hại mất mấy viên đại-tướng; tôi cùng với quân giặc ấy thề không đội trời chung xin thúc-phụ và cữu-cha nghĩ đến thể diện Đô-bối đại-vương tôi trước, vì tôi mà bày mưu hoạch-kế báo-thù tiết-hận cho tôi.

Công-chúa nói rồi, cúi đầu khóc nức nở. Đặng Bưu nói:

— Việc báo-thù bây giờ chửa nên nói đến vội là vì có ba điều: 1° là quân bị-thương hãy còn chưa khỏi hết nơi táng-bại hãy còn chửa bổ xong đó là một điều không nên. 2° là phủ khố không-hư, quân-trang tàn-khuyết, đó là hai điều không nên. 3° là tôi vẫn nói muốn đánh La-bàng phi ba mươi vạn quân đánh không nổi. Nay Ngô Đốc phủ đã phả điều-khiển đến Bá-châu để đánh Dương Ứng-Long, bây giờ thụ chức Đốc-phủ là Súc-Nục chính là người đối-địch với ta xưa nay, xin quân giúp tất hắn không cho nào, đó là ba điều không nên. Nay Công-chúa hãy nên bắt chước như chúa Việt Câu-Tiễn nằm gai nếm mật. lo đường sinh tụ độ mười năm, giáo-huấn độ mười năm. đợi cho đến khi binh-mã tinh-cường, lương thảo sung-túc, lại gặp được quan Đốc phủ hiền-minh đáo-nhậm. bấy giờ sẽ thỉnh binh trợ-chiến, quân ta đi trước, quan binh tiếp theo sau, chia binh ra giữ các nơi yếu-hại, để chẹn đường quân giặc trốn chạy, như thế thời bình-định giặc Thiên-mã cũng chẳng khó gì, mà báo-thù cho Hoàng-lang cũng dễ. Chớ như ngày nay thời tiểu-tướng không biết bày mưu-kế gì được nữa.

Công-chúa nói:

— Tôi hễ nghĩ đến quân giặc lúc nào, thời đau lòng như cắt! Nếu như lời thúc-phụ nói thời lâu lai biết đến bao giờ, tôi đến đời chết cũng không hay rửa được hờn này hay sao?

Công-chúa nói rồi, giẫm chân xuống đất, đấm ngực khóc lóc thương thảm. Phù Hùng nói:

— Công-chúa nếu đã thương đau mà nóng nẩy như thế, thời phải sai người đem vàng lụa đến hối-lộ thỉnh-thác Súc Nục xem thế nào, hắn là đứa tham-bỉ, hoặc giả tham vàng lụa của ta chịu xuất-binh ra giúp đỡ cũng chửa biết chừng.

Công-chúa nói:

— Tôi có một vòng ngọc-đới, đáng giá đến nghìn vàng, cũng xin hiến cho Súc Nục, nhờ cữu phụ giúp cháu viết thư sai người đi cho, nếu được y thuận giúp binh, thời cháu chết mới nhắm mắt được.

Hai tướng nghe lời cáo từ lui ra, rồi viết thư sai Triệu Tín cầm đến cửa quân dâng nộp. Súc Nục mở thư ra xem, thư rằng:

« Gia-quế sơn Kim-hoa công-chúa Lý mỗ khấu bẩm Đại-nhân, trướng-hạ: Vì việc khất xin đại-binh đi tiễu trừ quân giặc La-bàng để cho địa-phương được yên tĩnh. Nguyên chúa giặc La-bàng là Mai Anh chiếm-cứ sơn-lâm, tàn phá châu huyện, đi cướp bóc của người ta lột da hút máu, hơn 20 năm trời, nhân-dân sợ hãi nằm ngủ không được yên chiếu. Tháng năm năm nay. bắt chồng tôi là Hoàng Phùng-Ngọc, hiếp phải ép duyên với con gái giặc chồng tôi thề chết không chịu nhục, thời bị roi vọt nó đánh cho cực thảm, rồi giam vào nhà tù tường đất, tuyệt không cho ăn mà chịu chết Quân giặc nó hung-ngược như vậy, nếu không chu giệt sớm đi, thời nó tất tràn khắp ra tai-hại không vừa, cúi xin Đại-nhân phát binh tiễu-trừ, tôi xin đem quân bản-bộ đi tiền-khu, nếu quét sạch được khí yêu-phân, thời dân La bàng may lắm! mà chúng tôi cũng may lắm v. v. »

Súc Nục xem thư xong, nổi giận đùng đùng xé tờ thư nát như ra như cám ném quăng xuống đất mà rằng:

— Nó chỉ cốt báo thù cho chồng nó mà lại mượn tiếng là vị dân. xin binh để giúp đỡ, quan binh triều đình lại đem đi báo thù hộ cho nó hay sao?

Nói rồi bèn truyền tả hữu đuổi người cầm thư đi Triệu Tín phải bị đuổi ra khí tức uất lên, đừ mặt cứng mồm, dại cả người đi, phải thu xếp lấy lễ-vật lại đem về Gia quế để bẩm mệnh. Công-chúa nói:

— Súc Nục không chịu phát binh đã đành, còn như tất cả các quan tỉnh không có một người nào sẵn lòng nhân-nghĩa cứu-dân trung-tâm vị nước hay sao? Tướng-quân nên lại đem lễ đến các nha-môn mà cố khẩn-cầu nhờ nói với Súc Nục hộ cho họa may có được chăng.

Triệu Tín không nỡ trái ý Công-chúa, cũng phải sắm sửa mười bao lễ-vật cực hậu, lại đem đến các nha môn Tam-ty Tuần-phủ, thỉnh-thác khẩn-cầu. Các quan đều nhận lấy lễ hối-lộ, hẹn cùng đến phủ Đô-đốc sẽ liệu lời xin binh hộ cho Lý công-chúa. Súc Nục nhất-định không nghe mà rằng:

— Các ông đã có nhận lấy lễ hối-lộ của con Lý tặc-tỳ thời cứ chiêu-binh mại-mã mà đi đánh báo-thù hộ cho hắn. Chớ như bản-bộ-đường đây thụ-mệnh triều-đình, quyết không dám đem binh-mã triều-đình đi giúp hộ việc cho người để đổi lấy lễ-vật!

Súc Nục nói rồi giơ tay vái một cái dài rồi lui vào nhà trong, các quan phải Súc Nục nói mát cho mấy câu, đều thẹn đỏ mặt, lui ra về bản nha không dám nhận lễ vật của Lý công-chúa nữa, phải nguyên phong giao trả. Triệu Tín lại nhận lấy đem về phục-mệnh. Công-chúa thấy Súc Nục nhất định không giúp binh ngày đêm lo phiền khóc lóc quên cả ăn cả ngủ thành ra bệnh đau không dậy được. Phù Hùng thấy quang-cảnh như thế, tự nghĩ bụng rằng: « Trước kia Bao-Tư người Sở sang nước Tần thỉnh-binh, vua Tần không nghe. Bao-Tư phục ở trước sân khóc lóc, tiếng khóc nghe thấu đến trên đền rồng ba ngày không thôi, khóc hết nước mắt rồi rỏ ra máu, bởi thế hay cảm-động được người nhà Tần phát binh để khôi phục lại được nước Sở Nay Công-chúa thương lo như thế này lũ ta sao nên tiếc mình, mà không giải lo hộ cho Công-chúa. Ta phải nên bắt chước Bao-Tư thân đến cửa quân khóc lóc khẩn-cầu, may ra cảm-động được lòng Súc Nục cũng chửa biết chừng. » Bụng nghĩ như vậy bèn thưa với Công-chúa rằng:

— Xin Công-chúa khoan-tâm tiểu-tướng xin thân đến cửa quân khóc lóc khẩn-cầu, may ra Súc Nục thương đến chút lòng trung-thành của tiểu-tướng chịu phát-binh ra tương-trợ, họa có thể giải được lo cho Công-chúa chăng.

Công-chúa nghe nói cả mừng mà rằng:

— Xin cữu-phụ liệu lời kêu cầu cho khéo, cháu chỉ đành lòng ngóng đợi tin lành.

Phù Hùng bèn cáo từ Công chúa, đi đến cửa quan Đốc-phủ, nhờ lính vào bẩm để vào yết kiến. Súc Nục cự không cho vào. Phù Hùng bèn phục ở ngoài cửa quân khóc ầm lên. Quân chúng thất-kinh bèn thét mà mắng rằng:

— Đây là chỗ nào có biết không? mà mày dám giồ dại, đến chỗ này mà khóc lóc.

Phù Hùng nói:

— Triều-đình mà thiết-lập ra binh-lính, là để hộ-vệ nhân-dân dân không được yên thời thiết-lập ra binh để làm gì? Chủ-trại tôi chỉ muốn trừ hại cho dân, hưng-binh đánh giặc, vì quân giặc nhiều, quân mình ít mà phải giặc đánh thua. Đốc phủ đại-nhân thống cả đại-binh cứ ngồi yên mà không cứu. Nay đã ba lần đến xin binh, mà đại-nhân vẫn không phát-binh ra cứu, chẳng hay ý ra làm sao?

Phù Hùng nói xong rồi, lại khóc oà lên. Quân lính cầm roi vọt ra tay đánh đập. Phù Hùng lại càng khóc lóc thương thảm động đến tai Súc Nục bèn hỏi rằng:

— Ở ngoài ấy cái gì mà om xòm làm vậy?

Quân lính đem lời Phù Hùng nói bẩm lên. Súc Nục cả giận, sai lính lôi vào, chẳng hỏi han gì cả, cầm cái bàn cờ đập lên trên án thét sai nọc ra đánh. Thương thay Phù Hùng phải quân-sĩ giăng nọc ra trên mặt đất, đánh cho 30 côn, rách nát cả da thịt, rồi đuổi ra ngoài viên môn. Quân sĩ theo hầu vội vàng chạy lại cõng Phù Hùng về nơi nhà trọ, tìm thuốc cao thuốc dấu buộc vào chỗ bị-thương, rồi thuê kiệu đưa về sơn trại. Công-chúa đón vào thời thấy đã gần chết ngất, chư-tướng đều cả giận, đồng-thanh mà rằng:

— Xin Công-chúa phát-binh đánh phá tỉnh thành, chém lấy đầu Súc Nục rồi kéo thẳng đến núi Thiên-mã đánh báo thù, chớ lại chịu thế à!

Đặng Bưu can rằng:

— Cái nhục hôm nay, là bởi tại Phù tướng-quân. Khổng-tử có nói rằng: « Người không thể lấy lời bảo được mà lại bảo, thì hoài mất lời » Súc Nục là đứa tiểu-nhân tham-tàn, y vẫn giận Công-chúa làm nhục y ở trận đánh Lệ-pha, nếu Tô, Trương phục-sinh cũng không hay nói được cho y cảm-động. Huống chi đương thời bây giờ, mà muốn bắt chước làm như sự-nghiệp cổ-nhân, đến trước cửa quân kêu gào rầm rĩ, tài nào mà nó chẳng đánh cho nhục. Nếu Công-chúa kíp muốn báo-thù, để tiểu-tướng bày một kế nhỏ này, khiến cho nó tự khắc phải cầu mình mới được.

Công-chúa hỏi:

— Chẳng hay kế ra làm sao?

Đặng Bưu nói:

— Bây giờ nên khiến quân do-thám đi đến tỉnh-thành về đường huyện Đức-khánh, thả lời nói phao, bảo rằng: « Chúa núi Thiên-mã chực lại cướp phá tỉnh-thành, rồi bên đông đánh lấy đất Huệ-hồ, bên tây lấy đất Lệ-khẩu, để lo toan dựng nghiệp như Uý Đà, hiện bây giờ ở trong sơn-trại ngày đêm rèn tập, chẳng bao lâu tất có việc binh-qua. » Nói phao lên thế thời dân sự nghe thấy tất là kinh-hoảng, tin tức ấy truyền vào trong thành. Bọn quan binh kia chẳng ra trò gì đâu, hễ nghe thấy tiếng quân giặc Ngũ hoa thời tất là hồn bay phách lạc, nay mà nghe tiếng quân giặc đến phá thành, thời tất thế nào y cũng phải cần đến ta phát-binh ra trước để chống chế hộ. Song kế ấy không nên vội vàng, cứ thong thả mà làm, thời mới không đến nỗi họ khám-phá được.

Công-chúa bấy giờ không biết nghĩ sao, phải chịu dẹp cơn tức-khí nóng nảy, để nghe cho họ từ-đồ mưu việc.

Thực là:

Tấc lòng đau đớn vì dân,
Tức gan mà phải gượng sầu làm vui.

Nói về Phùng-Ngọc ở núi Thiên-mã ngày ngày hằng nói với Mai tiểu-thư buông tha ra để xuống núi đi tìm Trương, Lý hai nàng, và về nhà thăm cha mẹ, rồi sẽ tái lai cùng ở với Mai tiểu-thư. Mai tiểu thư nói:

— Thưa lang-quân, bây giờ đương buổi tàn-đông, gió bể đòi cơn khẩn-cấp, xin lang-quân ở lui lại ít bữa, cho qua hết mùa đông này rồi ra đi cũng chẳng trễ gì. Nay hoa mai vừa nở thiếp xin cùng với lang-quân hãy tới hiên nam rót chén rượu thưởng-mai đã nào!

Tiểu-thư nói rất lời liền dắt tay Phùng-Ngọc đưa vào mái nam hiên ở đàng sau trại cùng ngồi chơi. Khi ấy khí trời vừa tiết tiểu xuân, hoa mai đã thấy lơ thơ nở đôi ba bông trắng xóa, Phùng-Ngọc trông hoa mai lại càng thêm bụng nhớ nhà, buồn rầu trăm mối ngổn ngang bên lòng! Hoa sao hoa khéo não nùng, cành xuân như giục tấm lòng thần-hôn!

Mai tiểu-thư sai tả hữu bày ra tiệc yến cùng mời Phùng-Ngọc uống độ vài chén, liếc mắt trông Phùng-Ngọc thấy ra ý buồn rầu, vì thế Mai tiểu-thư trong bụng cũng không vui, cúi đầu xuống mân-mê đầu giải yếm không buồn nói câu chuyện gì cả Trong đám thị-tì có một tên gọi là Ngọc-Tiêu tính rất thông-tuệ, tài lựa biết ý chủ, thấy hai người uống rượu ra dáng buồn bã, bèn chạy lại thưa rằng:

— Con thật chẳng có điều hiếu-kính chi đủ làm vui lòng cho chủ, nay con xin hát một câu để Chúa-công và tiểu-thư nghe có được chăng?

Mai tiểu-thư gật đầu. Ngọc-Tiêu bèn cầm cái phách ngà gõ lên tiếng đổ hồi như oanh ca yến hót, bèn hát lên một câu rằng:

Chị em ơi, nỗi tương-tư!
Phong lưu biết đợi bao trừ gặp nhau?
Gió bay hoa rụng dãi dầu,
Hoa kia đứng mãi trên đầu cành được chăng?

Mai tiểu-thư nghe câu hát có lý-thú, bèn mỉm miệng cười mà rằng:

— À câu hát thú vị sao! tự mày làm ra đấy chớ?

Ngọc-Tiêu nói:

— Thưa phải chẳng bõ nghe bẩn tai.

Mai tiểu-thư sai thưởng cho một chén rượu, Ngọc-Tiêu cầm lấy chén rượu, cười khanh khách, đưa đến trước mặt Phùng Ngọc mà rằng:

— Chúa-công chưa uống, tiểu-tỳ sao dám hỗn-hào.

Phùng-Ngọc nói:

— Tỳ-nhi, mời Tiểu-thư cùng uống một chén, mày rót rượu hầu đi.

Ngọc-Tiêu liền cầm cái hồ đến trước mặt tiểu-thư rót nâng một chén, rồi lại tự rót lấy một chén cung-kính lễ-phép cầm đứng trước mặt hai người uống hết.

Tiểu-thư nói:

Tỳ-nhi mày lại hát được một câu nào nữa rõ thật hay thời ta với chúa-công lại thưởng cho mày chén rượu nữa.

Ngọc-Tiêu nghe lời lại cầm phách ngà gõ dịp, hớn hở du dương, lại lên giọng hát một câu rằng:

Tre kia một gốc ba ngành.
Tốt sao mà lại nẩy cành không hoa.
Lúa kia xanh tốt rườm rà.
Đợi chờ chi đó ai là người vin bông?

Phùng-Ngọc trông thấy Ngọc-Tiêu là người xinh xắn chắng chẻo mềm mại, tóc bỏ chấm vai, đã động lòng yêu mến, lại nghe tiếng hát lanh lảnh, lẳng lơ hữu-tình, câu hát nào cũng có nói đả-động đến mình, tự-nhiên bựt ra nhoẻn cười. Mai tiểu-thư trông thấy cả mừng, liền rút cái kim thoa gài trên đầu đưa thưởng cho Ngọc-Tiêu mà rằng:

— Chúa-công từ ngày đến sơn-trại đến giờ, không thấy một tiếng cười, nay mày ca một câu mà làm cho chúa-công phải mỉm cười, chẳng nên trọng-thưởng hay sao?

Ngọc-Tiêu không nhận thưởng vội, chỉ cười khanh-khách mà rằng:

— Lời ca quê kệch chẳng bõ rườm tai, đâu dám nhận lấy trọng thưởng Chỉ xin mời chúa công với tiểu thư cạn hết chén rượu này, tôi còn có câu ca này xin hiến-tiến một thể?

Phùng-Ngọc thích ý uống hết chén rượu. Ngọc-Tiêu lại gõ dịp hát bắt đi bắt lại mà rằng:

Rừng kia cây mọc xanh rì,
Chàng ơi! lòng thiếp chàng thì có hay?
Thấu chăng lòng khổ thiếp này?
Lòng này biết tỏ bấy chầy cùng ai?

Ngọc-Tiêu hễ hát lên một câu lại cố ngâm mãi ra giọng chua xót thê-thảm, như oán, như thương, như rên, như khóc. làm cho Mai tiểu-thư phải thổn thức lên lăn vào lòng Phùng-Ngọc khóc nức-nở mãi, Phùng-Ngọc lấy khăn tay lau nước mắt cho tiểu-thư mà rằng:

— Tiểu thư ơi! Tiểu thư có lòng yêu tôi lắm, tôi lại chẳng biết hay sao? Song chỉ có một điều là bảo tôi bỏ người cũ mà thương yêu người mới, thời tôi tự vấn-tâm tôi sao đang?

Ngọc-Tiêu lại cười khanh khách mà hát lên rằng:

Nọc ong kia nho nhỏ mà đau,
Hương dầu kia man mát, mà thơm lâu ai cũng dùng.
Chàng ơi! Đẹp như nàng, chàng chẳng yêu cùng,
Gan chàng họa sắt, mới không yêu đến nàng, nàng ơi!

Ngọc Tiêu vừa hát rất lời, làm cho Phùng-Ngọc và Tiểu-thư cười ầm cả lên, ba người đương vui cười thích ý, chợt có tên nữ-binh vào quỳ gối mà bẩm rằng:

— Thưa tiểu-thư đại-vương đã trở về sơn-trại.

Mai tiểu-thư đứng dậy bảo Ngọc-Tiêu rằng:

— Ngươi ở đó bồi-tiếp chúa-công, hãy ngồi thong thả uống rượu để ta ra nghênh-tiếp đại-vương.

Lại ngảnh về Phùng-Ngọc mà rằng:

— Mời lang-quân hãy uống thêm vài chén, tôi chạy ra một lát, lại trở vào ngay.

Phùng-Ngọc nói:

— Tiểu-thư cứ tự tiện lượng rượu tôi ít lắm đã thấy hơi say rồi.

Mai tiểu-thư cáo-từ Phùng-Ngọc trở ra đàng trước trại thời thấy Mai Anh và Gia-Cát Đồng đã đánh tan được binh trại Gia-quế thu quân trở về đến trong trại, thấy tiểu-thư ra đón, hai người đều nghênh-tiếp mời ngồi. Gia-Cát Đồng chắp tay mà rằng

— Cung-hỉ tiểu-thư, Lý công-chúa đã xong đời rồi!.

Gia-Cát Đồng lại tán rằng:

— Lý công-chúa dụng binh thực là giỏi! vào mãi chốn hiểm-trở như là mắc vào trong bẫy, thế mà còn giết được hơn năm vạn quân ta và hai viên đại tướng. Nếu tài hèn này không lâm-cơ ứng-biến, xuất kỳ cho nhanh, thời xuýt nữa cũng hỏng!

Mai tiểu-thư đứng dậy cảm tạ mà rằng:

— Thực không ai bằng quân-sư, song bây giờ nói với Hoàng-lang làm sao vậy?

Gia-Cát Đồng nói:

— Việc đó tôi đã nghĩ tới rồi, Tiểu-thư với Đại vương nói ra không tiện, ngày mai ta cứ làm như thế... Nếu y có nói điều gì cứ đổ chút tội cả cho tôi Đại vương với Tiểu-thư thời đứng ngoài cứ liệu chiều mà chuyển-bát.

Mai tiểu-thư nói:

— Quân-sư mưu-kế cực diệu! thực là lựa hết được cả nhân-tình.

Tiểu thư nói rồi từ-biệt trở vào

Ngày hôm sau, Gia-Cát Đồng sai người mời Mai Anh với Phùng-Ngọc đến trại dự yến tiệc.

Mai Anh hỏi:

— Chẳng hay thừa-ý tốt của quân-sư mời đến có việc chi?

Gia-Cát Đồng thưa:

— Từ khi Hoàng tướng-công đến sơn-trại này, bất-tài này chửa được hầu tiếp; hôm nay vô-sự, nên mời Đại-vương với Hoàng tướng công tới đây, để chúng tôi được hầu tiếp chén rượu. Tôi có một câu này thưa với Hoàng tướng-công, xin tướng-công thứ cho nhé.

Phùng-Ngọc cầm lấy chén rượu mà rằng:

— Xin quân-sư cứ nói cho nghe.

Gia-Cát Đồng nói:

— Thưa tướng công, tướng công cùng với Mai tiểu-thư tôi hết duyên, không biết đứa nào thóc mách, nói cho Lý công-chúa ở trại Gia-quế biết. Lý công-chúa cả giận, đem binh sấn đến đây. thanh-ngôn bảo là đến chém lấy đầu tướng-công. Tôi tức y nói lời bất-tốn mới thi tiểu-kế, đánh cho binh-mã y ôm đầu mà chạy tán-loạn Lý công-chúa không may bị ngựa giầy chết ở núi Nha-cốc cửa bể La-bàng, vậy xin bẩm để ngài biết.

Phùng-Ngọc nghe nói xong, chén rượu cầm trên tay không biết là rơi xuống lúc nào, ngất đi một hồi lâu rồi bảo rằng:

— Việc đó có thực hay không?

Gia-Cát Đồng thưa rằng:

— Sao lại không thực.

Liền bảo tả-hữu đem cái áo bào cắt lấy được của Công-chúa ra, vừa nói vừa giơ lên cho Phùng-Ngọc xem, Phùng-Ngọc xem thấy cái áo hồng-cẩm-bào máu rây đầy cả đích thị là của Lý công chúa. liền khóc oà lên một tiếng, ngất đi ngã lăn xuống đất, tả hữu vội vàng đỡ dậy, một lát mới hơi tinh tỉnh, lại khóc oà lên trông thấy trên vách có treo một thanh kiếm, đứng dậy ấy xuống cầm ở trong tay mà rằng:

— Công chúa ơi! Công-chúa vì tôi mà chết, tôi còn sống làm gì nữa!

Nói xong, cầm thanh kiếm giơ lên toan đâm vào cổ. Tả hữu vội vàng giữ lại. Gia-Cát Đồng liền lẩn cút mất. Mai Anh quì trước mặt Phùng-Ngọc mà rằng:

— Đó đều là tại quân-sư làm bậy, xin tướng-công nể mặt chị em tôi, nguôi bớt cơn giận lôi-đình đi cho.

Phùng-Ngọc khi nào lại nghe, vẫn cứ làm rầm lên. Chợt đâu Mai tiểu-thư khóc lóc đi vào, rủa mắng cho Gia-Cát Đồng một hồi, rồi cùng với Mai Anh đều cầm lấy tay Phùng-Ngọc mà khuyên giải, Mai Anh nói uý giải một hồi lâu, rồi từ ra về. Phùng-Ngọc biết rõ rằng bọn họ âm-mưu lập-cục làm hại mất Công-chúa của mình, thương thay Công-chúa là người tình-thâm nghĩa-trọng nay chỉ vì mình mà bỏ thây nơi khoáng-dã thương kẻ thác oan, đòi cơn gió tát mưa sa, khóc rồi lại khóc, thương đà lại thương; nghĩ đến tình kia nỗi nọ lại lắm lúc thiết tha tư tưởng, bèn giẫm chân vỗ ngực, đập đầu xuống đất mà khóc,

Thực là:

Tằm kia đến chết tơ còn vướng
Sáp nọ gần tàn lệ chửa khô.

Một hôm đầu trống canh năm, Phùng-Ngọc trở dậy viết hai phong thư mât phong kỹ-lưỡng đợi đến sáng rõ, cho người gọi Hoàng Hán đến. sẽ dặn bảo rằng:

— Hai phong thư này: một phong đưa về cho Trương tiểu-thư, một phong đưa về cho cha mẹ ta, mày phải giữ cho kín, hễ sau khi ta chết rồi, nó lưu giữ mày cũng vô-ích, thời mày đi về hộ tao đem lời về từ-tạ Trương thái-công và Trương tiểu-thư, xin nàng trân-trọng lấy mình, kiếp này dầu phụ ước kiếp sau xin làm thân trâu ngựa đền nghì Trúc Mai.

Hoàng Hán nghe nói, thất-kinh, khóc mà rằng:

— Tướng-công sao nói gở làm vậy?

Phùng-Ngọc nói:

— Quân giặc này tàn ngược sinh-dân, không bao lâu triều-đình tất đem binh lại tiễu-trừ, ta nếu ở mãi trong đám giặc này không chết sớm đi, thời tất di-lụy đến cha mẹ, đó là một điều. Chốn sơn-trại này trùng-sơn điệp-chướng, đường núi quanh co, mà đồn giặc lại như tinh-la cơ-bố. nếu không chết đi, mà mình lại lẩn trốn, tất là nó bắt được, bấy giờ phải bị nhục thời xấu quá, đó là hai điều. Lý công-chúa là người trung-trinh tiết-nghĩa chỉ vị ta mà thác, nay ta lại cùng với gái giặc cùng chung chăn, gối, ăn của nó mặc của nó, đành chịu nhẫn-nhục tham-sinh, như thế thời là Phùng Ngọc này giết chết Công-chúa chớ không phải là giặc giết Lý công-chúa, ta nghĩ điều ấy thời nên chết lắm, đó là ba. Ấy có bấy nhiêu lời mày có bụng trung-thành yêu chủ, thời nên làm trọn nghĩa cho chủ để toàn-danh cho chủ, chớ có để lỡ-làng.

Hoàng Hán nghe nói, lạy cúi đầu khóc lóc, giả cách vâng lời rồi lui ra, vẫn giấu bặt chuyện không nói, song chỉ đem cái ý Hoàng-lang nghĩ thương tình Lý công-chúa chực muốn tự-vẫn, mật sai người báo tin cho Mai tiểu-thư biết. Tiểu-thư nghe nói cả kinh mà rằng:

— Thế ra mình muốn yêu lang quân mà lại hóa ra làm hại lang-quân

Liền hỏi tả-hữu: Chúa-công ở đâu? Tả-hữu thưa rằng:

— Chúng con thấy chúa công khóc lóc đi về đàng sau núi.

Mai tiểu-thư vội vàng bỏ cả đồ trang-sức đi chân không chạy đến đàng sau núi thấy Phùng-Ngọc lấy một tờ giấy trắng làm cái phướn chiêu-hồn viết rằng: « Cố thê Kim hoa Lý công-chúa chi hồn» Cắm về đàng phía đông rồi lấy một khối đất làm đàn thắp hương tế lễ khóc lóc chiêu hồn, lễ xong lấy cái phướn trắng đốt đi, rồi vén áo muốn nhẩy lên trên hốc đá cao. Mai tiểu-thư chợt đâu chạy lại ôm lấy khóc to lên mà rằng:

— Lang-quân ơi thiếp đã biết tội rồi, lang-quân nên thứ tội cho thiếp dại dột, thời thiếp xin tô-tượng Công-chúa; chung-thân phụng-thờ để chuộc lại cái tội trước, nếu lang-quân nhất định không thứ cho thiếp thời lang-quân bất tất phải liều thân, xin cứ chém đầu thiếp để báo-thù cho ông-chúa.

Tiểu-thư nói rồi khóc thảm-thiết, Phùng-Ngọc thấy tình-trạng như thế bèn dựng đôi lông mày nghĩ ngay một kế mà rằng:

— Nàng ơi! nàng bảo tôi tha cho nàng tội gì mà? nếu vậy, thì nàng phải cùng với tôi đến núi Nha-cốc, thu lấy hài cốt Công-chúa, khâm-liệm lại đem chôn rồi mời nhà sư làm chay siêu-độ cho nàng mới được. Nếu không thế thời tôi phải xuống suối vàng tìm cho thấy Công-chúa mới nghe không lẽ nào lại cùng với nàng là đứa đố phụ cùng ở một ngày nào nữa!

Mai tiểu-thư thưa rằng:

— Chàng dạy sao thiếp cũng xin tùng-mệnh.

Phùng-Ngọc nói:

— Trước kia ở núi Thổ sơn có giao ước ba việc, thế mà chớp mắt đã sai hết, người mán-mèo đa-trá, ta không thể tin được.

Mai tiểu-thư nghe nói, liền quì về hướng đông trỏ mặt trời mà rằng:

— Thiếp nếu nói ra, lại ăn lời, thời đã có mặt trời kia!

Phùng-Ngọc thấy tiểu-thư thề-nguyền quả quyết, bấy giờ mới nghe lời bèn cùng nhau xuống núi trở về trại. Tả-hữu đem dâng cháo nhân-sâm, tiểu-thư đỡ lấy, thân cầm thìa ngọc điều-hòa đưa đến trước mặt Phùng-Ngọc mà rằng:

— Chàng ơi! chàng đã ba ngày hôm nay không ăn tí gì, xin chàng cố gượng thìa này.

Phùng-Ngọc lấy tay hắt ra mà rằng:

— Cổ tôi còn nghẹn tắc lên đây, không thể nào nuốt được.

Tiểu-thư đứng tựa bên mình mà rằng:

— Xin khuyên chàng cố gượng một thìa này

Phùng-Ngọc cứ dựa ghế không nói gì cả. Mai tiểu thư đặt chén cháo trên bàn dựa ghế ngồi chỉ gục đầu xuống. Phùng-Ngọc chợt xoay đầu trông thấy nàng rầu rĩ thương tình, không cầm lòng đậu, bèn bảo rắng:

— Nàng ơi! đứng dậy mà chải đầu đi chứ.

Mai tiểu-thư nói:

— Chàng ơi! Chàng còn chẳng tiếc gì thân nữa là thiếp còn cần gì vuốt ve trang sức

Tiểu-thư nói rồi khóc nức nở. Phùng-Ngọc phải cố gượng bước tới trước án cầm lấy chén cháo húp vài thìa. Mai tiểu thư khi ấy mới sai tả hữu đem cái đôn-hoa đến để ngồi gần bên đùi Phùng Ngọc, sai Ngọc-Tiêu gỡ tóc trang chải vuốt ve. Lại truyền cho: « Tì-tướng kén lấy 500 quân-sĩ sáng sớm mai phải kéo đến núi Nha-cốc, dựng lấy ba gian nhà gianh, và cho gọi lễ-sinh, phường-nhạc, cùng đồ lễ-nghi, quan-quách khâm-liệm đều phải dự-bị cho đủ, ngày mai ta sẽ cùng với Chúa-công ra đó để làm lễ liệm-táng Công-chúa, không được lầm lỡ, nếu sai thời phải trọng phạt đó. » Tên tì-tướng vâng lệnh ra đi. Sớm ngày mai, Mai Anh đến dinh chơi. yết-kiến Phùng-Ngọc xong, trông vào Mai tiểu-thư mà hỏi rằng:

— Tôi nghe hai anh chị sắp sửa đến núi Nha-cốc để làm lễ liệm-táng Công-chúa, xin cho em cùng đi để ra trợ-lễ được chút nào chăng.

Mai tiểu-thư vâng lời. Mai Anh bèn dắt tay Phùng-Ngọc đưa ra trước trại. xơi cơm xong, rồi cùng lên ngựa, tiền-hô hậu-ủng kéo đến núi Nha-cốc. Khi kéo đến nơi tiến vào nhà rạp. Quân-sĩ đã đem thây Hứa Ngọc-Anh rửa sạch, mặc áo bào đội mũ để yên trong quan. trên mặt phủ một vuông hồng-cẩm, chực đợi Phùng-Ngọc đến nơi xem xét rồi mới đậy áo quan. Khi Phùng-Ngọc đến trông thấy bước dảo lên đến bên thây, mở vuông hồng-cẩm ra thời thấy mặt mày sây sát nát cả ra không còn biết đâu mà nhận được nữa. Phùng-Ngọc bấy giờ cũng không ghê gì bẩn thỉu, phục ở bên thây khóc lóc rầm rĩ, khóc đến nỗi thảm-tình húc cả đầu vào thây mà khóc, Mai Anh vội vàng đỡ ra một bên, tả-hữu liền đậy nắp áo quan lại. Phùng-Ngọc hãy còn kêu trời kêu đất khóc cực thê-thảm. Thế mới biết:

Thánh-nhân khóc vì đạo,
Thời-nhân khóc vì sắc.
Dụng tình dẫu khác nhau.
Thương tâm đều một mực.

Mai Anh khuyên rằng:

— Người chết rồi dẫu khóc cũng không thể nào sống lại được, xin tế-huynh bảo-trọng lấy quí-thể để mà liệu-lý việc Công-chúa cho xong là hơn.

Chợt có tên tì-tướng đến bẩm rằng:

— Cát-huyệt của Công-chúa để về hướng nào? Xin đại vương trỏ bảo cho, để chúng tôi cho thợ hưng-công chúc-tạo.

Phùng Ngọc nói:

— Nay phải tìm một nơi cát-huyệt ngày sau không có làm đường sá, thành-quách gì đến, và không cày bừa chi đến, nước lớn cũng không lo xung-phá chi cả, thời mới là nơi thiện-địa.

Mai Anh bèn dắt tay Phùng-Ngọc mà rằng:

— Tôi với tế-huynh ta cùng đi dạo sơn thủy xem sao?

Phùng-Ngọc bèn đứng dậy cùng Mai Anh lên ngựa, đi về đường Lê-oa gần núi Nha-cốc xem qua, đều bảo rằng không được tốt; lại đi tới xem đàng trước núi Đại-tiến, Phùng-Ngọc trỏ gọn núi Cẩm-thạch, giả cách không biết mà hỏi rằng:

— Kìa núi kia là núi chi?

Mai Anh nói:

— Đó là núi Cẩm-thạch.

Phùng-Ngọc nói:

— Núi ấy cây cỏ đến múa đông mà vẫn tươi tốt, tất là có vượng-khí chung-linh, tôi với đại-vương ta thử ra xem thử.

Mai Anh muốn thuận chiều ý Phùng-Ngọc liền nghe lời xin vâng. Bèn cùng qua đò Nam-giang lên núi Cẩm-thạch, thấy về mặt chính-tây núi, sông nước hồi-hoàn, phong loan triều-củng. Phùng-Ngọc nói:

— Đàng núi này long hồi hổ-phục, thực là nơi cát địa, xin để ở đó là yên.

Mai Anh ngẩng đầu lên xem thời quả là nơi phong-tàng thủy tụ, bèn gật đầu mà rằng:

— Tế-huynh nhãn-lực xem thực đích đáng.

Liền sai quân-sĩ di-doanh đến đóng ở núi ấy. sai hưng-công đào huyệt, không đầy ba ngày khởi đắp nên một ngôi phần mộ lớn, rước áo quan Hứa Ngọc-Anh, chọn ngày giờ tốt an-táng. Phùng-Ngọc lại lấy một tấm vải trắng viết làm một cây tràng-phan, đến núi Nha-cốc chiêu-hồn rồi dẫn về nơi mộ, cử-ai diện-tế, Mai Anh cũng thắp hương vào lạy. Tế xong, ban thịt tế cho quân-sĩ bày ra ở trước mồ uống rượu nào là rượu từng bát thịt từng mâm, hoan-hô túy-lý, uống đến hết canh một mới tan tiệc đi ngủ. Quân-sĩ phải mấy ngày khó nhọc luôn, tối đến lại uống hàng bát rượu, đều ngủ ngáy khò-khò tiếng kêu như sấm, gần đến trống canh ba, Phùng-Ngọc nghĩ ngay ra rằng: Bây giờ không trốn đi còn đợi đến bao giờ. Bèn sè-sẽ trở dậy, rón-rén bước ra ngoài trại, đi lần bước xuống núi, không tưởng chi là gai góc đá sỏi cứ bước chân đi, trong đám cỏ rậm trăng mờ, dò được con đường nhỏ cứ theo men sông mà đi, qua ba bốn quả núi đá, trong bụng hoang-mang, không đề-phòng chi cả; sương xuống rêu trơn tiếng suối róc rách, không ngờ trượt chân một cái sa xuống sông Tường-kha.

Thực là:

Phúc lành đem tới không kỳ hạn
Vạ dữ dồn cho cũng lắm khi.