Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XXI

HỒI THỨ XXI

Tạ Kim-Liên khóc tỏ trung-tình,
Trương Quí-Nhi cảm bày tâm-sự.

Lam Năng nghe Quí-Nhi nói ra hai chữ « Lục-lâm» cho là có ý bỉ mình là bọn cướp ở xó rừng, chợt cái nổi giận đùng đùng, hầm hầm cầm gươm chực lại đâm chết Quí-Nhi. Kim-Liên ở trong rèm nghe thấy cả kinh, vội vàng sai thị-nữ chạy ra ngăn lại mà rằng:

— Xin đại-vương khoan giận, tiểu-thư tôi sẽ thưa cùng đại-vương hay.

Lam Năng trỏ Quí-Nhi mà mắng rằng:

— Ta giết mày cũng như giết con chó mà thôi chứ gì.

Nói rồi hằn-học mà trở vào. Kim-Liên liền đón tiếp mà thưa rằng:

— Xin cha khoan giận, người ấy dẫu sơ-ý lỡ lời, nhưng cũng thương y tuổi trẻ có chút tài học giết đi thì cũng khá tiếc.

Lam Năng nói:

— Chỉ bởi có chút tài-học nên mới dám cậy tài khinh người, không giết đi thời nó không coi ai ra gì nữa.

Kim-Liên nói:

— Xưa kia Tào Tháo còn hay dung thứ cho Nễ Hành; Cha nay lại không hay dung thứ cho Hoàng Quí-Nhi được hay sao?

Lam Năng nói:

— Nó đã không chịu theo ta thì còn để nó làm gì nữa.

Kim-Liên nói:

— Ý cha dùng người khác với ý con lắm; cha dùng người thì chỉ ưa người ton-hót nịnh-nọt, dua-ý thuận theo; chớ như con thì chỉ ưa những người liêm-khiết chính-trực, lỗi-lạc không có cẩu-hợp, vì rằng những người dua ý thuận theo, thì không có khí-cốt gì cả, chỉ theo gió xoay chèo có thể cùng ở với nhau lúc an-lạc thì được, chớ lâm đến lúc hoạn-nạn thì không được Còn những người lỗi-lạc không cẩu-hợp, thì thuần là nhân. nghĩa, chí-khí không dời, ở cùng lúc an-lạc và lúc hoạn-nạn cũng được cả. Nay Hoàng Quí-Nhi chính là người lỗi lạc đó, con rất ưa những người như thế, giá dùng được hạng người ấy có thể cậy giúp về sau này được.

Lam Năng nói:

— Lời con nói tuy cũng có lẽ, nhưng ta đã trở mặt với nó, lẽ nào ta lại còn nói cầu nó nữa.

Kim-Liên nói:

— Bất tất cha phải nói cầu chi hắn, chỉ đem hắn đưa vào trong vườn hoa, giả cách là đem giam-cấm, rồi con sẽ có phép, không những là bắt y phải thuận theo hôn-sự mà có thể bắt y phải tử-tâm ở chết đây, để phò-tá cha thành được nghiệp vương-bá mới nghe.

Lam Năng xưa nay vẫn là rất yêu con gái và rất là tin-cậy, nay thấy Kim-Liên nói như vậy, liền gọi một tên lính hầu dặn bảo đem Quí-Nhi giải vào trong vườn hoa, rồi khóa trái cửa lại không cho ra.

Quí-Nhi bị giải vào trong vườn, thấy trong vườn ấy nguyên là dựa vách đá bên sườn núi mà mở ra một cái vườn hoa, dưới vách đá có dựng một cái đình có gác nhỏ xinh-xinh, ngoài gác trồng vô-số cây hoa. bên tả mọc một cái măng thạch duẩn thiên-nhiên, bóng nhuận như ngọc; dưới cái măng đá ấy khoi nước suối thành ao, nước trong veo như gương soi; tự cái thạch-duẩn ấy lại vòng quanh một con đường nhỏ, đôi bên trồng trúc đào, theo con đường nhỏ đi lên vài bước thời có một cái cửa ngăn ở bên góc, cánh cửa đóng chặt, nghé vào khe cánh cửa mà trông sang, thời hình như có một khu đình-viên nữa bóng cây thấp-thoáng, trông không hiểu rõ. Quí-Nhi xem rồi, lại vòng đến dưới gác ngồi khoanh gối mà ngẫm nghĩ rằng: « Mình vừa rồi nói câu ấy nào có xung-chàng gì đến nó đâu, thế mà Lam Năng nó nổi xung lên muốn đâm chết mình ngay, xem thế thì biết gan ruột quân giặc không biết đâu mà lường được. Song không biết ai sai người ra cứu mình lúc bấy giờ, tất là con gái nó hẳn. Quí-Nhi nghĩ rồi bèn thở dài mà rằng: « Tiểu thư, nàng vẫn tưởng ta là con trai hay đâu ta cũng như nàng đó thôi, rõ thực là uổng phí cái tấm lòng nhiệt-thành ái-tài của nàng! Đương lúc tư-tưởng vụt cái nghĩ đến bố mẹ chồng bây giờ thế nào, liền rỏ hai hàng nước mắt mà rằng; « Ta tưởng rằng đem lời nói có thể chuyển-động được quân giặc này, rồi sẽ thiết-kế gỡ cho cha mẹ chồng xuống núi, ngờ đâu lại sinh sự ra lôi thôi thế này. Nay thằng Lam-tặc này đã trở mặt, ta không biết liệu kế gì bây giờ đây? » Nghĩ đến chỗ ấy vỗ ngực mà than rằng: « Trời ơi, Quí-Nhi này dám đâu tiếc cái chết, mà để bố mẹ chồng đến nỗi chịu khổ như thế này! » Vừa khóc vừa nghĩ, vừa nghĩ lại vừa khóc, khóc đến suốt một ngày, vừa đến lúc vàng mặt trời, mới đứng trở dậy chạy lại đàng sau gác xem, thời thấy có một cái buồng nho-nhỏ cửa sổ mật-mờ, bên tả đặt một cái giường chểnh-chện, sẽ mở cái màn the ra xem, thì thấy chăn gối đệm thêu bày sẵn-sàng cả; có một cái án đặt giữa, để một cái lô-hương cổ. hương khói nghi-ngút, trong bụng Quí-Nhi lấy làm nghi ngờ, không dám bước vào ngủ, lại chạy ra đàng trước gác, sẽ kéo cái ghế ỷ Trương túy-ông ra ngồi trông ngay ra cái măng thạch duẩn, ngồi đến gần trống canh hai, chợt nghe bên cách tường hình như có tiếng người đi lại, vụt chốc lại nghe tiếng sáo véo-von, thảm-hương thê-thiết, trời không vắng-vẻ đìu-hiu. Một lát lại nghe có tiếng người hòa tiếng sáo mà bi-ca, ai-thanh thê-thiết hình như tiên bay sa xuống, sẽ nhận ra thì thấy hát rằng:

Viện hoa lê gió xuân lặng-lẽ,
Chốn trung-đình trăng xế lờ mờ.
Đứng ngồi giọt lệ tuôn mưa,
Nỗi riêng khôn nhắp bao giờ cho khuây!
Đầu non ngất tuôn mây mờ mịt,
Chốn quê-hương còn biết đâu tìm.
Đau lòng cái quốc kêu đêm,
Máu sa giọt lệ hóa làm ma chơi.

Quí-Nhi nghe thấy tiếng ca thê-thảm bỗng dưng thở dài, nước mắt như tuôn. Khi rứt tiếng ca, dư-âm hãy còn văng-vẳng, tiếng người lặng-ngắt như tờ. Quí-Nhi kinh-nghi mà rằng:

— Ờ hay! Người hay là ma chi đây?

Quí-Nhi trong bụng bấy giờ nghi-ngờ, sợ sởn tóc gáy. Đành phải nhẫn-nại ngồi đợi cho đến sáng rõ. Trong bụng thấy đói, trông thấy bên bờ ao có vô-số cây đào có quả, vừa toan giơ tay để hái, thời chợt nghe thấy bên góc cửa có tiếng người dặng hắng Quí-Nhi liền rụt tay lại, tựa gốc đào mà đứng, liếc mắt trông ra thời thấy một người mĩ-nhân tay cầm một cành hoa đủng-đỉnh bước đến, trông thấy Quí-Nhi, vội vàng giơ quạt che mặt rồi xoay nghiêng mình dừng chân đứng lại, sẽ cất tiếng mà hỏi rằng:

— Chẳng hay chàng là Lưu-lang hay Nguyễn-lang đấy nhỉ, chốn này có phải là non Thiên-thai đâu mà chàng lại lạc lối đến đây?

Quí-Nhi vội vàng thi lễ mà rằng:

— Tiểu-sinh vì lỡ lời làm súc-nộ Lam đại vương, nên đại-vương sai đem tống-giam vào chốn này. Không ngờ rằng mĩ-nhân lại tới đến chốn này, tiểu-sinh không biết hồi-tị, xin người thứ tội cho.

Mĩ-nhân nói:

— Thế thời chàng là Hoàng quí-lang đấy ư?

Nói rồi liền giơ cành hoa cầm ở tay lên bảo Quí-Nhi rằng:

— Tôi nghe chàng mới rồi ngồi trên tiệc vịnh thơ, lời thơ như đúc. Nay cái cành hoa này sinh thay, ai cũng phải nên yêu tiếc, may gặp chàng đây xin vịnh cho một bài.

Quí-Nhi nói:

— Tiểu-sinh mới rồi thừa mệnh Lam đại-vương, nên phải miễn-cưỡng làm cho tắc-trách, chớ có thành ra thơ đâu. Nay ở trước mặt mĩ-nhân, tiểu-sinh đâu dám múa bút.

Mĩ-nhân nói:

— Những thơ chàng vịnh, Lam tiểu-thư đã khen ngợi là hay, sao nay chàng lại nói khiêm quá làm vậy.

Quí-Nhi thấy nàng cầu-khẩn nói xin vịnh thơ cho được. bất-đắc-dĩ phải ngâm một bài rằng:

Cành hoa mơn-mởn khóa vườn xuân,
Ủ-dột mày ngài tủi tấm thân!
Mấy kẻ biết lòng ân-hận ấy,
Còn đem bỡn cợt với câu văn.

Mĩ-nhân nghe thơ mỉm cười mà rằng:

— Tôi nghe Lam đại-vương vẫn yêu cái tài-học của chàng, dẫu bây giờ bị giam cấm, chẳng qua là một lúc đó thôi, rồi thế nào cũng được trọng-dụng, việc chi mà phải oán-hận làm vậy. Tôi nghĩ rằng cách làm thơ tuy có giọng bi-ai, nhưng không nên thương quá. Nay chàng xúc-cảnh sinh-tình, lời thơ dẫu là hay thật, nhưng vẫn quá về tình ai-oán. Tôi xin đọc trình một bài thơ giọng hòa nhã. để giải bụng lo phiền cho chàng, nên chăng?

Quí-Nhi vội vàng nói mà thưa rằng:

— Lời kim ngọc của mĩ-nhân đã dạy cho, tiểu-sinh này xin ghi lòng tạc dạ. Dám xin mĩ-nhân chớ tiếc lời vàng, đọc thơ lên cho nghe nào.

Mĩ nhân sẽ dặng tiếng oanh vàng đọc lên rằng:

Anh lan em huệ mối tình liên,
Dắt-díu đôi ta sẵn túc-duyên.
Kết dải đồng-tâm ai ví được?
Kìa hoa tịnh-đế có hoa sen.

Quí-Nhi nghe rồi ngậm-ngùi mà rằng:

— Bài thơ đó tỉ-hứng tuyệt khéo, từ-ý hàm-súc sâu xa, không phải mĩ-nhân thì không ai làm ra được; tiểu-sinh này còn kém xa lắm.

Mĩ-nhân nói:

— Hoa này nguyên tên là hoa hồ-điệp, nở ra rất là đáng yêu, xin chàng lại vịnh cho một bài.

Quí-Nhi ngắm xem cái hoa ấy thì lá nó giống như lá cỏ huyên mà hơi dẹt; sắc hoa thì vàng, ở giữa có một điểm đại-hồng nứt ra một cái nhị, nhị sắc vàng, có ba cái tua vòng quanh, rất giống như con bươm-bướm. Quí-Nhi nói:

— Tiểu-sinh vừa nghe giọng thơ mĩ-nhân như dương-xuân bạch-tuyết, khiến cho tiểu-sinh khô cả giọng đi, thì vịnh thơ thế nào được bây giờ.

Mĩ-nhân nói:

— Danh-hoa này không mấy khi có, bỏ thác-quá đi thì khá tiếc lắm. Xin chàng đừng có trối-từ.

Quí-Nhi bất-đắc-dĩ phải ngâm bài tứ-tuyệt rằng:

Suốt ngày mây tỏa ngất sơn-lâu,
Hồ-điệp hoa sao ủ dột sầu.
Ngán nỗi thợ trời như có ý,
Xui hoa nở nhị thoát ra đầu.

Mĩ-nhân nghe rồi, che mồm sẽ mỉm cười. Quí-Nhi có ý thẹn mà rằng:

— Tiểu sinh vẫn nói là không biết làm thơ, vì mĩ-nhân bắt ép mà phải làm, chẳng hay mĩ-nhân cười gì vậy?

Mĩ-nhân nói:

— Tôi có cười gì thơ của chàng đâu, chỉ cười chàng sao ăn lời chóng mấy?

Quí-Nhi cả kinh mà rằng:

— Tôi có sai lời gì đâu?

Mĩ-nhân nói:

— Vừa rồi tôi khuyên chàng đừng làm những giọng ai-oán quá. Chàng đã hứa rằng xin nhớ lấy lời. Nay bài thơ này lại bi-thương bằng mấy bài thơ trước, chẳng phải là ăn lời chóng lắm đấy ư?

Quí-Nhi cảm tạ mà rằng:

— Đó là vì trong lòng tôi bi-thương không dứt đi được; cho nên súc-cảnh sinh-tình, đọc ra toàn là lời bi-thương, từ nay xin cố chừa đi mới được.

Mĩ-nhân lại nói:

— Bài tho chàng vừa ngâm đó chỉ tả có một chữ hoa, mà bỏ mất ý hồ-điệp; dẫu cố ý nghĩ cũng không rõ là hoa hồ điệp, sao không đem hoa với hồ-điệp mà cùng tả làm một, đối-chiếu như thế có hay không, ai nghe là không kính-phục, thế mới thực là tài thơ xuất chúng.

Quí Nhi nghe lời lấy làm khâm-phục mà rằng:

— Lời mĩ-nhân dạy thực là không sai, xin cho nghe thơ và chỉ-giáo cho.

Mĩ-nhân bèn ngâm rằng:

Hoa bướm lần-khân bướm luyến hoa,
Ai hay hoa bướm đó chăng là.
Khéo kết bướm hoa nên một vẻ,
Song-song bay quá ngọn tường xa.

Mĩ-nhân ngâm xong, Quí-Nhi vừa toan khen ngợi chợt nghe cách tường có tiếng gọi tiểu-thư cần-cấp. Mĩ-nhân vội vàng chạy đi. Quí-Nhi nghe tiếng lấy làm kinh-dị, nghĩ thầm rằng: « chẳng hay người con gái ấy là ai? Mà sao lại gọi là tiểu-thư? » Đương lúc nghi ngờ, chợt trông thấy một con tiểu-tì tay xách cái rỏ đan hoa, rẽ hoa lách liễu mà đi đến, trông thấy Quí-Nhi lấy tay vẫy gọi mà rằng:

— Xin mời cậu học-sinh vào đây, cô tiểu-thư tôi sai tôi đưa quả cơm vào đây.

Tiểu-tì gọi rồi liền bước vào trong gác, để quả thực-vật bày tên trên án. Quí-Nhi bước đến xem thời thấy một bát cơm gạo tám-thơm, một đĩa sào nấm-hương, một bình thủy-tinh nho-nhỏ đựng rượu La-phù, mùi thơm ngát mũi. Quí-Nhi nói:

— Ta nghe: Trai gái chưa nhận lễ hỏi, thời không có thân giao với nhau, tiểu-sinh sao dám nhận lấy thực-vật của quí-thư cho.

Tiểu-tì cười mà rằng:

— Xướng họa thơ với nhau còn được nữa là nhận lấy thức cho của nhau.

Quí-Nhi cũng cười mà rằng:

— Thế thời quí-tính đại-danh của tiểu-thư là gì, nói cho ta biết, thời ta mới nhận những thực-vật này.

Tiểu-tì nói:

— Mời cậu xơi cơm rồi tôi xin nói.

Quí-Nhi khi bấy giờ trong bụng đã đói lắm, phải ngồi xuống cầm lấy cơm canh ăn, xong rồi tiểu-tì chạy vào thu nhặt đĩa bát toan lui trở ra đem về. Quí-Nhi giữ lại hỏi rằng:

— Nàng vừa nói, ta ăn cơm rồi thì nàng nói rõ tên họ tiểu-thư cho nghe, sao lại vội đi thế?

Tiểu-tì cười mà rằng:

— Để tôi đi lấy nước trè lại đã.

Quí-Nhi phải để cho đi. Một lát, cầm bình trè Nghi-hưng lại đến trước gác, rồi đặt bình trè ở ngoài cửa, gọi lên rằng:

— Thưa cậu, nước trè ở đây.

Tiểu-tì nói rứt lời, bỏ chạy như bay. Đến chiều tối, tiểu-tì lại đưa quả cơm lại Quí-Nhi cố nằn-nì cầu y nói rõ tên-họ tiểu-thư. Tiểu-tì nói:

— Sau này cậu tự khắc biết, chớ không nên nóng nẩy làm vậy.

Nói rồi, liền nói thác là có việc vội đi ngay. Quí-Nhi lại phải nhận lấy cơm ăn. Rồi ngẫm nghĩ rằng: Người con gái này xem ra rất là có tình ý với ta, ta nghe nàng ấy nói Lam tiểu-thư có đưa thơ cho nàng ấy xem, tất là nàng ấy có đi lại chơi với Lam tiểu-thư. Gì bằng ta đợi nàng ấy đến, ta nói với nàng ấy nói giúp với Lam tiểu-thư tha ta xuống núi, thì cũng là một dịp hay Quí-Nhi ngồi ngẫm-nghĩ như thế một hồi, thấy người đã mỏi-mệt, bèn nằm tựa cái ghế ỷ, nghe đã điểm hồi trống canh hai mặt trăng nửa vành chênh-chênh gác núi, soi xuống bóng hoa phấp-phới, cành xuân la-đà. Quí-Nhi mơ màng muốn ngủ, chợt nghe đàng cửa gác đánh kẹt một cái, đứng dậy xem thì thấy mĩ-nhân tay cầm một cái lồng đèn, một mình rẽ hoa mà đi lại. Quí-Nhi liền đứng dậy mà hỏi rằng:

— Chẳng hay tiểu-thư đương đêm đến đây, có việc gì vậy?

Mĩ-nhân liền đặt cái lồng đèn xuống, sẽ cất tiếng chào vạn-phúc mà rằng:

— Tôi vì đêm khuya không ngủ được, sầu-tự chứa-chan, nên muốn cùng chàng tả chút u-tình đó thôi.

Quí-Nhi nói:

— Nếu Lam đại-vương biết thì oan-gia, có việc gì để ngày mai ta sẽ nói chuyện cũng được.

Mĩ-nhân nói:

— Chỗ này vắng vẻ, nhàn-nhân không ai dám đến đây, xin chàng đừng có ngại.

Quí-Nhi nói:

— Dám hỏi tiểu-thư quí-tính cao-danh là gì? cùng với Lam tiểu-thư có tình qua-cát gì không?

Mĩ-nhân nói:

— Tôi đây chính là Kim-Liên tiểu-thư con Lam đại-vương đây.

Quí-Nhi thất kinh. lạy phục xuống đất mà rằng:

— Tiểu-sinh sơ-ý không biết, lắm khi đường-đột, tội cam vạn-tử.

Kim-Liên vội đỡ dậy mà rằng:

— Xin chàng chớ kinh hoảng; tôi có việc muốn hỏi thực chàng, chàng chớ có nói giấu.

Kim-Liên nói rồi cầm tay Quí-Nhi đưa vào trong gác cùng ngồi. Kim-Liên nói:

— Chàng đã không muốn theo giặc. sao không nghĩ kế trốn đi cho thoát.

Quí-Nhi nghe nói vẫn tưởng là Lam Năng cho nàng ấy đến thám-thính, thất kinh mà rằng:

— Tiểu-thư sao lại nói câu ấy, tiểu-sinh nhờ ơn đại-vương tha ra ở trong đám tù-lỗ, mà để lên trên vị tân-liêu, đại-vương thực là người tri-kỷ với tiểu-sinh, nếu đại-vương dụng tiểu-sinh ra. dẫu bảo xông-pha nước lửa thế nào cũng không dám từ, sao tiểu-thư lại bảo là tôi bất-nguyện.

Kim-Liên cười mà rằng:

— Chàng bảo rằng chàng muốn báo đáp Lam đại-vương dẫu chết cũng không từ, sao Lam Năng đem con gái gả cho chàng mà chàng không thuận?

Quí-Nhi nói:

— Tiểu-sinh vì mắc phải ám tật, sợ làm lầm lỡ tiểu-thư, nên mới phải trối từ như vậy.

Kim-Liên nói:

— Thôi cái điều ấy không kể chi, nhưng khi Lam Năng toan giết chàng, tôi đây cứu cho chàng, nên mới đem chàng giam lỏng ở chốn này, thủy-chung vẫn là yêu-tiếc chàng lắm. Sao chàng sầu-oán đến ghi xương khắc cốt như vậy, kẻ quốc-sĩ báo-đáp người tri-kỷ lại như thế ư?

Quí-Nhi nói:

— Tiểu-sinh này sao dám oán-hận đại-vương.

Kim-Liên nói:

— Chàng có câu rằng: « Mấy kẻ biết lòng ân-hận ấy » như thế thì oán-hận ai? Lại câu rằng: « Xui hoa nở nhị thoát ra đầu » Thế chẳng phải là muốn trốn thoát ra khỏi chốn này đấy ư?

Quí-Nhi thấy hỏi vặn như thế, thất-kinh run cả chân tay, ngẩn ra một hồi rồi nói rằng:

— Đó chẳng qua là thơ vịnh-vật ngẫu-hứng, chớ có ý gì đâu. Xưa kia Tống thái-hậu có nói rằng: « Vạch thơ ra mà bẻ lỗi, thì là cái tội nhỏ đó mà thôi. » Sao tiểu-thư lại còn khắc-trách đến như thế nữa.

Kim-Liên nói:

— Câu thơ ông Tô vịnh cây Cối rằng « Rễ thấu cửu-tuyền không ngoắt-ngoéo, có chăng rồng đất biết mà thôi » Lại câu: « Tiền lọt qua tay chớp mắt không » những câu thơ ấy không phải là chê-bai phỉ-báng là gì? Bà Thái-hậu chỉ ghét đứa bới móc ra đó không phải là chính-nhân, nên mới nói giải cho ông Tô Đông-Pha, chớ như thơ ông Tô cơ-phùng thật là trúng thời-bệnh lắm, chàng sao được nói man người thức-giả.

Quí-Nhi nghe lời bẻ vặn như thế cả khóc mà rằng:

— Thế thời tiểu-thư muốn lấy những câu thơ ấy mà buộc tội cho tiểu-sinh này chăng?

Kim-Liên nói:

— Không phải, tôi vì có việc muốn cầu đến chàng, nhưng chàng còn có bụng ngờ, nên tôi mới hỏi vặn đấy thôi.

Quí-Nhi nói:

— Một thân tiểu-sinh này còn chẳng cứu-hộ xong, còn có tài năng gì đủ để giúp đỡ tiểu-thư được.

Kim-Liên nói:

— Tôi có một việc thâm-cừu, không có chàng thì không ai báo thù cho được. Nên tôi mới không nệ gì xấu-hổ, đương đêm mà đến đây, mong chàng thổ-lộ chân-tình, thời mới thương-lượng công-việc với nhau được.

Quí-Nhi cả kinh mà rằng;

— Tiểu-thư là ái-nữ của Lam đại-vương, chẳng hay có thâm-cừu với ai, mà cần đến tiểu-sinh đi báo-thù.

Kim-Liên nói:

— Tôi vốn là họ, Tạ Lam Năng chính là người thù với tôi.

Kim-Liên nói rồi cả khóc lạy phục xuống đất mà rằng:

— Tôi hổ phận liễu-bồ, tự biết rằng không đáng sánh đôi với người quân-tử. Nhưng thương thay cả nhà tôi bị hại, chỉ còn có một mình tôi, cái thù này không thể cùng đội trời chung được, phải báo lại mới nghe. Song tôi thẹn là phận con gái, một mình khó nỗi báo-thù được, xin chàng tạm thuận lời cho, để giúp tôi giết giặc; sau khi thành sự rồi, nếu chàng có nghĩ thương đến tôi mà nhận tôi làm thiếp, tôi xin hết sức khuyển mã để báo ơn chàng. Nếu chàng không thương đến tôi, tôi xin cam nâu-sòng đi ở chùa để khẩn-nguyện cho chàng thiên-tuế.

Kim-Liên nói rồi khóc rất thương-thảm, Quí-nhi đỡ dậy mà rằng:

— Dám xin hỏi tiểu thư là người dân xứ nào? Nếu mà có thâm-cừu, tiểu-sinh này chỉ có một thân một mình, thời sao hay giúp tiểu-thư giết giặc được.

Kim-Liên nói:

— Thiếp là người đất Tô-hợp. ông là Tạ Thượng, cha là Tạ-Sơn, một nhà 26 người, mười năm trước phải Lam Năng bắt giết sạch cả, chỉ còn mẹ tôi là họ Đặng có chút nhan-sắc, nên giặc bắt về trại núi hiếp lấy làm vợ. Khi ấy thiếp mới lên sáu tuổi, giặc nó yêu mẹ tôi nó đem cả tôi về nuôi. Mẹ tôi nghĩ rằng còn có tôi, họa may còn có chốn trả thù rửa hận được chăng. Nên mới hàm-tu nhẫn-nhục nấn ná để nuôi thân tôi. Năm trước mẹ tôi thấy tôi tuổi đã lớn, và có học biết sách vở ít nhiều bèn giối lại bảo tôi báo thù giết giặc mẹ tôi thì đành nhịn ăn mà chết. Than ôi! cha mẹ tôi căm hờn đến như thế, xin chàng vì nghĩa mà giúp tôi một tay để giết quân tàn tặc này, không những người sống cảm ơn chàng, người chết cũng đội ơn chàng lắm lắm!

Quí-Nhi nghe nói, cúi đầu nghĩ một lát, rồi hỏi rằng:

— Chẳng hay cái mưu giết giặc, tiểu-thư đã có diệu-kế gì chưa xin bảo cho biết?

Kim-Liên nói:

— Quân giặc này chiếm cứ núi này hơn bảy trăm dặm, núi non trùng điệp, sào-huyệt sâu-xa đường đi ngoắt-nghéo như rắn lội, rậm rạp không biết đâu mà phân-biệt được. Vì thế khi quan-quân kéo-đến, thường thường bị thua. Kế bây giờ chỉ nên trong ngoài kết giao với hắn, phùng-ngênh để đẹp lòng hắn, nói khéo để giữ bền cho nó yêu mình, âm mưu để giữ lấy quyền-chính; khi đã được binh-quyền rồi, thì thu lấy những đứa cường-ngạnh cho ở vào chốn bình-thường, chọn lấy những đứa nhát sợ cho giữ vào các nơi hiểm-yếu, làm cho tâm-phúc nó lìa nhau, cắt cho vũ-dực nó mất đi. Đợi khi nào quan-quân kéo đến ngầm cùng thông-mưu, trước giết Lam-tặc, rồi sau tiễu-trừ các trại. Cho rằng giặc dẫu tinh-quái dẹp yên đi cũng dễ như chơi. Nhưng tính Lam Năng nó đa-nghi, không phải giả kết làm chí-thân, thì không thể giao-kết được, xin chàng lo toan giúp cho.

Kim-Liên nói rồi, lại khóc, toan muốn thụp xuống lạy. Quí-Nhi vội vàng đỡ lại mà rằng:

— Nay hiền-muội đã thổ-lộ hết cả chân-tình, tôi đâu lại dám giấu giếm nữa. Tôi thực là con gái họ Trương người thôn Mai-hoa đây.

Kim-Liên nghe nói, liền lau nước mắt, nhìn kỹ xem thời thấy Quí-Nhi mắt nhánh thu-ba, mày cong lá liễu, cực kỳ giống con gái. Quí-Nhi lại cổi giầy và bít tất ra, thời lộ ra gót chân ngó sen bé nhỏ. Kim-Liên trông thấy kinh ngạc mà rằng:

— Chị sao lại giả trang ra thế này?

Quí-Nhi liền đem các việc trước thuật lại một lượt cho Kim-Liên nghe. Kim-Liên cả kinh mà rằng:

— Những lời chị nói cũng giống như tình cảnh tôi, tuy rằng thế, nhưng chị có kế gì dạy bảo cho tôi chăng?

Kim-Liên nói rồi, liền xùi-xụt mà khóc. Quí-Nhi nói:

— Nếu hiền muội có bụng yêu, thời đôi ta cùng kết làm chị em, để cùng mưu giết giặc. Đợi khi giặc yên rồi, chị em ta cùng về trại Gia-quế, cùng với Lý công-chúa để cùng phụng-sự Hoàng-lang, thời em nghĩ thế nào?

Kim-Liên lau nước mắt mà rằng:

— Như thế thì hay lắm.

Nói rồi, cùng dắt tay nhau đến trước gác, đối trăng sao cùng lạy, đồng-thanh thề mà khấn rằng:

— Nay chúng tôi là Trương Quí-Nhi và Tạ Kim-Liên xin cùng kết làm chị em cùng phụng-sự Hoàng-lang để đồng-tâm mưu giết giặc, xin cầu-nguyện trăng sao chứng-minh cho; nếu có dị-tâm thì quỉ thần chu-luc.

Thề xong, hai người lại cùng vào trong gác đối-tọa. Kim-Liên đến chỗ mé trong đem thức ăn và rượu ra cùng đối-ẩm, cùng ngồi thương-nghị kế báo-thù. Bàn tính với nhau hợp-ý mãi đến trống canh năm mới đi ngủ. Kim-Liên cùng với Quí-Nhi đều ngủ cả trong gác. Khi ấy hai nàng trong bụng khoan-khoái cùng ngủ mãi đến sáng, mặt trời lên cao ba trượng chưa thức dậy. Sực đâu con tiểu-tì chạy vào trong gác, lấy tay lắc gọi Kim-Liên tỉnh dậy mà rằng:

— Tiểu-thư mau mau trở dậy, ra ngay cho đại-vương đòi gọi, chẳng hay việc gì, mà sai người vào gọi cần lắm!

Hai người đương lúc mơ-màng, nghe thấy gọi cần như vậy, cùng trông nhau kinh-ngạc, không biết là cớ gì. Thực là:

Thiếp như con yến lạc đàn,
Phải cung rầy đã sợ làm cây cong.