Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XX
HỒI THỨ XX
Tới Long-xuyên, đương đêm gặp cướp,
Qua Sái-đầu bị ép làm chồng.
Hai ông con Quí-Nhi đã từ-biệt Miếu-chúc đi khỏi Lam-quan rồi sang đến Lão-lung, thuê thuyền tiến đi, vừa đến Long-xuyên. Chợt thấy người lái đò kêu lên rằng: «Thuyền dò mất rồi.» Vội vàng gạt thuyền vào bên bờ, đút nút lỗ thủng, mãi đến quá nửa ngày mới chỉnh-đốn lại xong. Khi ấy mặt trời đã chiều tối, bèn nghỉ lại Long-xuyên. Đêm hôm ấy Quí-Nhi đem những câu của tiên-cô mách bảo trằn-trọc nghĩ-ngợi mà rằng: «Cái câu: «Phân mạch kiến phu, phân lê kiến tử,» đó là cái câu nói về việc cũ; nhưng câu đáp ấy không phải là cái ý hỏi của mình». Lại nghĩ đến mấy câu quẻ sau mà rằng: «Ba câu trên bảo ta vật-kinh vật-ưu, là ý khuyên ta chớ sợ đó thôi; còn như câu: «Cát hướng hung cầu» không biết nghĩa là làm sao?» Đương lúc Quí-Nhi nghĩ ngợi, chợt nghe thấy thuyền đàng trước có tiếng ồn-ào. Quí-Nhi vội vàng đứng dậy mặc áo, đẩy cửa sổ bên mái thuyền ra nhìn, thời thấy thuyền đàng trước có tiếng reo rầm trời, biết rằng có quân giặc đến cướp thuyền vội-vàng chạy ra khoang ngoài gọi to lên rằng:
— Bàn tướng-quân, có giặc nó đến ăn cướp đấy!
Bàn Vi-Liên đương lúc mơ-màng nghe tiếng gọi, nhẩy choàng dậy chạy ra đầu thuyền xem, liền kêu lên rằng:
— Nguy mất rồi! Lái đò đâu mau đẩy thuyền giáp vào bờ kia, để lên bờ tránh giặc mới được!
Tên lái-đò cứ làm thinh giả câm giả điếc, gọi thế nào cũng không thưa. Bàn Vi-Liên chạy xông vào chỗ khoang thuyền bếp. đánh thức tên lái đò trở dậy. Tên lái đò nói:
— Ông khách này người mới thô-lỗ chứ!
Bàn Vi-Liên nói:
— Giặc nó đến kia kìa! mau mau cùng với tôi đẩy thuyền vào bờ đi!
Lái-đò nói:
— Trò đi sóng nước gặp giặc nó cướp đò là thường, không thấy người khách nào lại quê mùa làm kinh-quái như vậy!
Bàn Vi-Liên cả giận, rút gươm cầm ở tay mà rằng:
— À, thế ra lũ mày, cũng là giặc cả đây!
Lái-đò nói:
— Thôi xin ông đừng nổi giận lên nữa, để tôi sẽ gạt thuyền vào.
Lái đò nói rồi đủng đỉnh đánh thức những người thủy-thủ dậy, sắp sửa đẩy thuyền vào, thì quân giặc đã đổ xô đến nhẩy vào thuyền. Vi-Liên cả kinh, vội vàng gọi hai tên lính lại, cùng rút gươm ra liều chết mà đánh đuổi quân giặc: ba người cùng đứng giữ ở đầu thuyền. Quân giặc biết trong thuyền có người phòng-bị, bèn rúc một hồi còi gọi quân đem hết cả câu-liêm giáo-dài lại, xông vào vừa móc vừa đâm xuống. Hai tên kiện-tốt liền phải câu liêm móc ngã lăn xuống nước. Bàn Vi-Liên một mình hết sức cự-chiến, đỡ bên tả, chống bên hữu, kháng-cự được một hồi lâu, không ngờ phải một mũi tên bắn tin ngay vào giữa mặt. Vi-Liên vừa nghiêng mặt một cái lại liền phải một mũi giáo đâm vào giữa cổ họng đánh ặc một cái, ngã lăn xuống nước. Thôi từ đấy ông con Quí-Nhi không còn ai ngăn đỡ cho nữa, quân giặc liền nhẩy vào thuyền. trói cả mọi người lại đem qua sang chiếc thuyền nhỏ: rồi vơ-vét hết cả đồ hành-lý, giương buồm trông về Sái-đầu mà kéo đi.
Quí-Nhi lúc mới bị giặc bắt sợ khiếp người đi. Sau Quí-Nhi nghĩ ra rằng mình vì đi tìm cha mẹ, thời dẫu chết cũng đành lòng, chớ không nên để đà-lụy đến cha mẹ chồng, nên nghĩ kế-sách gì để cứu-hộ mới phải; nghĩ đi nghĩ lại mãi không được kế gì hay cả, chợt lại nghĩ đến lời tiên-cô dạy bảo rằng dẫu gặp kinh cũng chớ kinh gặp lo cũng chớ lo, thì ta cũng chẳng sợ gì, nhưng còn cha mẹ chồng mà không gỡ được ra thì làm thế nào, thôi đành ta cũng liều chết mà làm như thế.... may ra nói chuyển-động được quân giặc, để cứu-hộ cho cha mẹ chồng ta tạm ở đó, rồi liệu xem có cơ-hội nào sẽ liệu kế mà trốn đi; tuy rằng kế ấy nguy-hiểm, nhưng chính là hợp với câu: «Cát-hướng hung-cầu» đó. Quí-Nhi đã nghĩ định chủ-ý rồi, bèn sẽ thưa với hai ông bà Tư-trai mà nói yên-ủi rằng:
— Thưa ông bà, xin chớ kinh-hoảng, con đã nghĩ được diệu-kế xin bảo-toàn ông với bà không việc gì cả.
Khi ấy sắc trời gần sáng, vừa đi đến trại quân giặc, trông thấy gươm đao xan-xát, kiếm-kích dàn bày; bỗng đâu một tiếng súng nổ, thì cửa-trại mở toang ra. Quân giặc điệu những người bị bắt đưa vào trong trại. Quí-Nhi liếc mắt trông qua thấy tên đầu đảng giặc là Lam Năng ngồi ở cái giao-ỷ đệm da hổ, tả hữu bày hàng vô-số những người to-lớn dữ-tợn đeo gươm đứng hầu, mọi người trông thấy đều phủ-phục quì xuống đất run cằm-cập. Quí-Nhi cả gan cứ tiến bước vào trại, đứng sững ra không chịu quì. Tả hữu hét lên một tiếng bảo quì xuống. Quí-Nhi thần-sắc cứ nghiễm-nhiên không chớp mắt tí nào. Lam Năng nói:
— Thằng bé con kia, sao trông thấy ta đây lại không quì?
Quí-Nhi thung-dung đáp lại rằng:
— Học-sinh này nếu gặp quan Tuần-ti Điển-sử mà họ bắt học-sinh này phải quị, thì học-sinh này mới quị. Nhưng nay gặp đại-vương thì gối này không thể kinh-dị quì ngay được.
Lam Năng nói:
— Ngươi khinh ta không bằng quan Tuần-ti Điển-sử hay sao?
Quí-Nhi nói:
— Chỉ vì tôi không dám khinh đại-vương, nên không dám lấy cái cách đãi Tuần-ti Điển-sử mà đãi đại-vương đó thôi.
Lam Năng nói:
— Ngươi nói ra ý làm sao?
Quí-Nhi nói:
— Người anh-hùng đời xưa, muốn nổi danh tiếng với thiên-hạ, thời phải khiêm-cung tôn kẻ sĩ, kính-lễ đãi học trò, thời người hiền-sĩ trong thiên-hạ, mới vui lòng bám vẩy rồng vin cánh phụng, cùng vui vẻ giúp đỡ, để lập-thành cái nghiệp bá-vương Nay đại-vương hùng cứ nghìn dặm, binh-giáp và mươi muôn, thế chẳng phải là người anh-hùng ư? Học-sinh này vốn vẫn khâm-ngưỡng hùng-phong, nên không dám bắt-chước như những kẻ xu-nịnh quyền-thế, khúm-núm lạy lục để làm nhục đến đại-vương; chỉ mong đại-vương là một ông vua biết chiều đón kẻ sĩ, để hiển-danh với thiên-hạ.
Lam Năng thấy những người bị bắt kia đều quị rạp xuống đất, như đàn chó sợ cụp tai, không dám ngửa mặt trông lên; thế mà một mình Quí-Nhi tuổi trẻ người bé nhỏ, dám ngang-nhiên đàm-luận, tiếng nói lanh-lảng, thần-khí ung-dung, trong bụng lấy làm kinh-dị, bèn hỏi rằng:
— Chẳng hay ngươi có tài gì mà dám tự-nhận là hiền-sĩ?
Quí-Nhi nói:
— Tài đức như Cao, Quì, Tắc, Tiết, thì tiểu-sinh này không dám đương. Nhưng đến như học-vấn văn-chương, thì tôi cũng có thể tự-tin được. Nếu đại-vương hay bắt chước được Tề Hoàn-công tha tù cho Quản Trọng, Hoài-âm-hầu kính vái Lý Tả-Xa; để cho học-sinh này được thi-thố cái tài ra, thời xoay con tính trong màn, có thể quyết thắng được ngoài nghìn dặm; hạ ngòi bút trên giấy, có thể kìm ngựa đợi đó xong ngay; dẫu Hàn Liễu phục-sinh, Tôn Ngô phục-khởi, tiểu-sinh này cũng chẳng chịu kém gì!
Lam Năng cười mà rằng:
— Ta đây chỉ thừa ngọn gió phóng-hỏa, nấp bóng trăng giết người, chỉ cần dùng đến gươm sắc giáo dài mà thôi. Còn như những bác nhai văn nhá chữ kia chỉ học thuộc lòng được mấy câu trong sách tứ-thư, làm được mấy bài thời-văn mô-phỏng giọng thánh-hiền, hão-huyền chi đó; ta đây không thể dụng được. Nay ngươi nhỏ bé bằng một chách gà, bê cái áo không nổi, chỉ có thể ăn được thôi, dùng làm trò gì được.
Quí-Nhi nghe nói, ngửa mặt cả cười mà rằng:
— Xưa kia lấy trạng-mạo xét người, đã lầm không biết Tử-Vũ là người giỏi: sao nay đại vương thấy học-sinh này; người nhỏ bé mà đã dám khinh-thường. Tôi nghe ngày xưa Lạn Tương-Như sức không trói nổi được con gà thế mà khi được vua Triệu dùng; dám sang sứ nước Tần là nước hổ-lang, chỉ dùng lời nói mà chiết được oai vua Tần; lại lấy được ngọc bích đem về nước Triệu; Trương Tử-Phòng thời trạng-mạo như đàn bà, thế mà một dùi đánh hỏng ở Bác-lãng, hay làm cho thất-đảm vua Tần kinh sợ mà chết ở Sa-khưu; xem đó thì đại-vương sao dám lấy bé nhỏ mà khinh học-sinh này được. Vả lại Quan, Trương, Hoàng, Triệu, không phải là không võ-dũng hơn cả ba quân, nhưng chửa được một người nhai văn nhá chữ như Khổng-minh, thời nay được Từ-châu lại mất Từ-châu, mai được Nhữ-nam lại mất Nhữ-nam, thế thời giáo dài gươm sắc đã đủ cậy chưa? Nay đại-vương có cái sức bạt-sơn như Sở bá-vương, lại có dũng-tướng như Hàn, Bành, tinh-binh như hùng-hổ, thế mà khởi-sự đã vài mươi năm nay, không hay vượt qua Sái-đầu một bước, để lo toan dựng nghiệp cho con cháu muôn đời, đó không phải là tại không được người văn-học để phò-tá đấy ư? Kìa cái thời-kỳ nó đã đi rồi thì không trở lại nữa, người chí-sĩ lẽ nào lại cứ ngồi đấy mà để mất thời-cơ? Nay đương lúc triều-đình hỗn-tạp, hối-lộ công-hành, dùng những tướng-súy đều là kẻ hèn hạ. Thế mà đại-vương không kịp thời này chiêu-hiền nạp-sĩ, phát-phẫn xưng-hùng, để dựng cái cơ-nghiệp như Triệu Đà, Lưu Trương, vạn-nhất mà triều-đình đổi lập vua hiền khác, biết tuyển lấy người tài-trí cho làm Đốc-phủ, đem quân đi vấn-tội, một chi kéo đến Nga-phụ, thời những huyện Hải-phong, Lục-phong, đại-vương không ra cướp được nữa; một chi kéo đến Tần-lĩnh, thời những huyện Hưng-ninh, Trường-lạc, Trình-hương, đại-vương không ra cướp được nữa; lại đem một toán đại-binh đóng ở Lãm khê chia ra chiếm cứ các nơi cửa ải: Cổ-danh. Cầm-giang, Khoan-đắc, thời những huyện Long-xuyên, Hà-nguyên, Qui-thiện đại-vương cũng không ra cướp được nữa; trong không có lương thực ăn, ngoài không có viện-binh giúp, khi ấy mà quan Đốc-phủ hạ-lịnh rằng: « Bắt giết kẻ cừ-khôi, tha cho kẻ hiếp-tùng » thế thì đại-vương đã chắc đâu là quân-tâm nó không sinh biến!
Lam Năng nghe nói đến đấy sợ dựng cả tóc gáy lên, vội vàng đứng dậy gọi tả-hữu bảo cổi trói ngay cho cậu học-sinh. Tả-hữu liền cổi trói cho Quí-Nhi. Lam Năng mời vào ngồi ở dưới trướng. Quí-Nhi nói:
— Tiểu-sinh dẫu nhờ ơn được tha, song cha mẹ tiểu-sinh còn phải trói chịu tội ở dưới trướng, thời tiểu-sinh sao dám ngồi.
Lam Năng hỏi rằng:
— Chẳng hay cậu học-sinh quí-tính đại-danh là gì?
Quí-Nhi nói:
— Tiểu-sinh họ Hoàng, tên Quí-Nhi, người ở Trình-hương.
Lam Năng liền bảo tả-hữu ra mời Hoàng thái-công vào tương-kiến. Vợ chồng Tư-trai và Tiểu-Thanh đều vái tạ đứng dậy.
Quí-Nhi lại thưa rằng:
— Nay cả nhà học-sinh đã được nhờ ơn tha rồi. song còn bọn bách-tính cùng bị bắt lại đó, xin đại-vương tha cả cho về, để tỏ cái độ-lượng của đại-vương như trời che đất chở.
Lam Năng cười mà rằng:
— Nay trong trại ta thiếu hết tiền lương, ta chỉ trông vào bọn bách-tính này, nếu bảo tha ra thì ta không dám tùng-mệnh.
Quí-Nhi nói:
— Tôi nghe: Dùng được kẻ sĩ thì giầu, bỏ mất kẻ sĩ thì nghèo, nay đại-vương đã dụng học-sinh này, thời học-sinh này xin vì đại-vương hoạch cái chước túc-thực túc-binh thiên-hạ không ai địch được; chớ như trông vào bọn bách-tính ấy thì được là bao nhiêu.
Lam Năng nghe nói cả mừng, liền truyền-lịnh tả hữu tha cho cả bọn bách tính. Quí-Nhi mới khấu đầu vái tạ. Lam Năng sai đặt tiệc yến khoản-đãi. Lại sai tướng-sĩ kiểm xem đồ hành-lý của Quí-Nhi, sai đem vào tả-trại, và mời Quí-Nhi ở đó, cực-kỳ trọng-đãi.
Đêm hôm ấy, Lam Năng lui vào hậu-trại, ngẫm nghĩ mãi lời nói của Quí Nhi cho là rất có lý; muốn lưu để dùng y, lại sợ y là người mới bắt được, chửa chắc y đã chân tâm để cho mình dùng; muốn thôi không dùng y, nhưng lại nghĩ mình làm giặc và mươi năm nay, bắt giết được có đến và mươi vạn người. chửa thấy ai giống được như y tuổi nhỏ chừng ấy, mà đã có can đảm kiến-thức như vậy; giá những người lão-thành chửa chắc người nào đã có cơ-mưu như Khương Tử-Nha, tài-trí như Gia-Cát Lượng được như vậy. Nghĩ đi nghĩ lại mãi đến quá nửa đêm, chợt nghĩ ra một kế mà rằng: « Phải rồi, ta có đứa con gái tài-mạo niên-kỷ cũng vừa xứng đôi, gì bằng ta gả cho y, để kết-thân làm con rể, thì tự-khắc là ủy dùng y làm cật ruột được. Nhưng con gái ta tính-cách nó thiên-chấp lắm, phải để cho xem mặt, có bằng lòng nó mới được. Sáng sớm hôm sau, Lam Năng trở dậy, sai người đến vườn hoa đàng sau núi, gọi Kim-Liên ra bảo rằng:
— Hôm trước ta bắt được người học trò tên là Hoàng Quí-Nhi, tuổi chừng mười sáu mười bảy, dung-nhan tuyệt-thế; nghị-luận kinh-nhân thực là một người dị-nhân; cha hôm nay muốn mời y đãi tiệc, con ở trong rèm thử dòm xem, nếu con bằng lòng, thì để cha kén người ấy làm rể.
Kim-Liên vâng lời. Lam Năng bèn truyền quân-sĩ giết trâu mổ lợn. đại-hội cả chư-tướng và mời Quí-Nhi đến dự tiệc. Quí-Nhi bước vào cùng chư-tướng tương-kiến xong; Lam Năng lấy khách-lễ trọng-đãi mời Quí-Nhi ngồi đầu hàng chiếu bên tả. Ngồi yên đâu đấy, cử-nhạc khua trống một hồi, rồi mới vào tiệc rượu, uống chừng vài tuần, Lam Năng bèn đem binh-cơ tướng-lược ra bàn tính hỏi-han. Quí-Nhi đàm-luận cao-kỳ, viện-kim chứng-cổ đâu ra đấy, làm cho Lam Năng sướng cả người lên, cười mà rằng:
— Tiếc thay cho cậu tuổi hãy còn nhỏ, chỉ sợ đến lúc sự-thế đáo-đầu, thời can đảm không được vững mà thôi.
Quí-Nhi nói:
— Trước kia Vương Đắc-Dụng tuổi mới mười bảy, mà đánh phá được Lý Kế-Tiên ở Thiết-môn-quan, tiếng lừng cả trung-quốc; lại còn như Đặng Trọng-Hoa, Vương Trấn-Ác, hoặc người cầm quyền tiết-việt, hoặc người trọng-trấn địa-phương. đều là người không đầy mười bảy tuổi, mà huân-nghiệp đã hiển-hách như vậy. Còn như Mục Độc-tử bảy mươi tuổi, không phải là không già, thế mà suốt đời không lấy được một người vợ; Tôn Khí-Chi một trăm tuổi, không phải là không già, thế mà chỉ là anh thợ đóng giầy; người mà không có tài, thì dẫu già bạc phờ đầu ra, có ích gì đâu!
Chư-tướng đều đồng-thanh khen rằng:
— Lời nghị-luận rất hay! rất phải!
Đương lúc chư-tướng ngợi khen như thế, thời trong rèm bước ra một người nữ-tướng ghé vào tai Lam Năng nói nhỏ mấy câu. Lam Năng gật đầu, cười mà nói với Quí-Nhi rằng:
— Tài kinh-tế của cậu, tôi đây nghe nói cũng đã được biết; nhưng còn văn-chương của cậu. cũng muốn xin cậu cho nghe.
Quí-Nhi nói:
— Xin đại-vương mệnh-đề cho.
Vừa nói xong, thời chợt đâu chúa Nam-lĩnh là Giang Vạn-Dung sai người đem tiến một mâm tôm bể. Lam Năng nói:
— Xin vịnh một bài thơ tôm bể.
Quí-Nhi bảo đem bút nghiên lại. Tả hữu đem lại, Quí-Nhi cầm bút ở tay viết ngay lên trên giấy một bài thơ thất-ngôn rằng:
Nam-giang một dải nước liên-thiên,
Tôm bể vui chơi thú tự-nhiên.
Chí rắp rồng bay đành có lúc,
Tài đua cá nhẩy biết bao phen.
Vẫy-vùng nước biếc dòng khơi thẳm,
Vờn-vã trời xanh bóng nguyệt viên.
Bát-ngát phù tang ngoài bể nọ.
Ấy ai dìu-dắt thả con thuyền?
Khi viết xong, đưa đến trước mặt Lam Năng, Lam Năng xem qua mà rằng:
— Lũ chúng tôi thô-lỗ không hiểu ý-vị bài thơ ra thế nào, xin để tả-hữu đem vào cho tiểu-thư xem qua. Tả-hữu được lời cầm lấy đưa vào trong rèm. Kim-Liên xem rồi, vỗ án mà rằng:
— Thơ này thực là tài thơ tiên!
Nói rồi liền đứng dậy, lấy ra hai bức họa, bảo tả-hữu rằng:
— Cầm hai bức họa này ra xin Hoàng-huynh đề cho mỗi bức một bài thơ.
Tả-hữu lĩnh-mệnh đem ra. Quí-Nhi mở ra xem, thời một là bức tranh dưỡng-tâm của Nam Trần-Toàn vẽ; một là bức tranh Viên-An ngọa-tuyết của Triệu Tuyết phỏng theo nét bút Vương Ma-Cật mà vẽ ra một cây chuối phải mưa tuyết đè áp rủ xuống. Quí-Nhi xem xong cầm bút đề ngay hai bài thơ lên hai bức họa, bảo tả-hữu cầm vào trong rèm. Kim-Liên xem bài thơ đề bức tranh ngọa-tuyết rằng:
Hồng-lăng một bức nổi yên-vân,
Bát-ngát lưng trời tuyết mấy phân.
Bên tháp lạnh mê hồn ẩn-sĩ,
Tàu tiêu trắng rủ vẻ giainhân.
Nào nghe trước viện châu rơi tỏa,
Chỉ thấy đầu non ngọc trắng ngần.
Nhắn hỏi bạn hiền đâu đó tá?
Tìm mai trỏ nẻo sớm dời chân.
Lại xem bài thơ đề bức tranh dưỡng tâm rằng:
Tường cao bốn mặt một nhà thưa,
Chăm việc tàm tang mải sớm trưa.
Kiếp trước những mong tròn quả kén,
Duyên nay nên phải vướng lòng tơ.
Nền hoa sẵn để tay tiên dệt,
Vẻ gấm sau này mắt chúa ưa.
Nào gái thâm-khuê ai đó tá?
Canh khuya thức-nhắp luống công chờ.
Kim-Liên đọc rồi khen ngợi mãi, rồi lại cầm lấy hai bài thơ ngâm đi ngâm lại không nỡ rời tay. Tả-hữu chạy ra phúc-bẩm. Lam Năng cả mừng, sai lấy một đôi chén ngọc, một cái nghiên đá hoa, một cái quạt dương-chi ngọc-phiến đem thưởng cho Quí-Nhi. Quí-Nhi vái tạ nhận lấy, rồi lại vào tiệc yến-ẩm một hồi rồi mới tan tiệc. Chính hợp vào câu thơ Đỗ Công-bộ rằng:
Thơ hay những muốn kinh nhân,
Ngâm sao cho được câu thần mới nghe.
Ngày hôm sau, Lam Năng sai viên kiêu-tướng là Diệp-Thiên đến nói cầu-thân, khi đến yết-kiến Tư-trai rồi Diệp-Thiên thưa rằng:
— Lam đại-vương tôi có người ái-nữ là Kim-Liên tiểu thư, năm nay mới 16 tuổi, thực là người nhan-sắc có một, mà nghề nữ-công, tài thơ phú, không nghề gì là không tài giỏi xuất-sắc, nay vì mến cái tài-mạo của lịnh-lang muốn xin thái-công cho kết duyên Tần Tấn, xin thái-công ưng cho một lời, để tiểu-tướng sẽ về phúc-bẩm với đại-vương.
Tư-trai nghe nói cả kinh, liền chắp tay mà đáp lại rằng:
— Xin tướng-quân hãy cứ trở lại, để tôi hỏi thử cháu nó xem đã.
Diệp-Thiên từ ra về. Tư-trai gọi Quí-Nhi ra bàn hỏi mà rằng:
— Nay Lam Năng muốn đem con gái gả cho con, việc ấy nhận sao được: vạn-nhất nó lộ chuyện ra, thì lại sinh chuyện lôi thôi, vậy phải nghĩ cách thế nào để mà từ chối đi mới được.
Quí-Nhi nghe nói cũng ngơ-ngác thất-kinh, nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng:
— Xin để con thân vào yết-kiến Lam Năng nói chối từ. nếu từ chối không xong, có sinh ra chuyện gì, xin ông bà cũng chớ lo.
Tư-trai khóc mà rằng:
— Ta chỉ mong chối từ cho được, con phải nên để ý cẩn-thận mới được.
Quí-Nhi bái-biệt Tư-trai rồi đi thẳng vào trại yết-kiến Lam Năng. Thi-lễ xong. Quí-Nhi thưa rằng:
— Tôi nghe đại-vương có cô ái-nữ muốn cho sánh đôi với tiểu-sinh này, tiểu-sinh này thật lấy làm cảm-khích lắm! Song tiểu-sinh đã có lời thề từ trước, nếu chửa được công-thành danh-toại thì thề không lấy vợ. Vả lại độ trước mới mắc phải cái ám-tật, sợ lại làm lầm-lỡ cho tiểu-thư chăng, vậy dám xin đại-vương miễn cho.
Lam Năng nói:
— Xem như cậu nhan-sắc hồng-nhuận như ngọc, không lẽ nào lại có ám-tật, chẳng qua nói thoái-thác đó thôi. Còn như việc công-danh, nay đã làm rể ta, thời chỉ ở dưới có một người mà ở trên hàng vạn người, lo gì là chẳng công-thành danh-toại.
Quí-Nhi nói:
— Đại-vương dẫu hay làm cho người hiển-quí, nhưng còn ở trong đám lục-lâm này, vậy tôi muốn đợi sau khi đại-vương thành-công rồi sẽ bàn đến việc ấy.
Lam Năng nghe Quí-Nhi nói trỏ mình là bọn lục-lâm, bỗng dưng đùng đùng nổi giận lên mà rằng:
— À! ngươi dám bảo ta là bọn giặc ở xó rừng à!
Nói rồi liền rút gươm ra chực xông lại đâm chết Quí-Nhi.
Thực là:
Vô-tình giở mặt như chơi,
Nỡ lòng quen thói giết người xưa nay.