Kinh Dịch/Thứ tự tám quẻ của Phục Hy

Kinh Dịch của không rõ, do Ngô Tất Tố dịch
Thứ tự tám quẻ của Phục Hy

   

Thứ tự tám quẻ của Phục Hy

Truyện Thuyết quái nói: “Dịch tức là cách tính ngược". Thiệu Tử chua rằng: “Kiền một, Đoái hai, Ly ba, Chấn bốn, Tốn năm, Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám, đều được những quẻ chưa sinh, như kể ngược thứ tự của bốn mùa vậy”.

Sau đây sáu mươi tư quẻ cũng theo lẽ đó. Những dấu đen trắng ở đây, không phải là phép chiêm đoán. Muốn cho dễ hiểu, hãy làm như thế để ngụ ý thôi. Thứ tự sáu mươi tư quẻ sau này cũng vậy.

Lời bàn của Tiên Nho

Chu Hy nói rằng: Thái cực là tên của bầu "Tượng số chưa hình hiện mà lý lẽ đã có đủ", và là mục của đám "hình khí đã đủ, mà lý lẽ không có chút mầm nhú”, ở Hà đồ Lạc thư, nó đều là tượng trống rỗng ở giữa.

Thái cực tách ra, mới sinh một lẻ một chẵn; thành ra hai cái “một vạch” ấy là hai Nghi, số của nó thì Âm một, mà Dương hai, ở Hà đồ Lạc thư, là chẵn với lẻ. Phía trên hai Nghi, mỗi đàng lại sinh thêm ra một chẵn và một lẻ nữa, thành ra bốn cái “hai vạch” ấy là bốn Tượng, ngôi của nó là: Thái Dương một, Thiếu Âm hai, Thiếu Dương ba, Thái Âm bốn; số của nó thì: Thái Dương chín, Thiếu Âm tám, Thiếu Dương bảy, Thái Âm sáu; nói về Hà đồ, thì sáu là số một được số năm, bảy là số hai được số năm, tám là số ba được số năm, chín là số bốn được số năm; nói về Lạc thư thì: chín là số thừa của mười trừ một, tám là số thừa của mười trừ hai, bảy là số thừa của mười trừ ba, sáu là số thừa của mười trừ bốn. Phía trên bốn Tượng, mỗi thứ lại sinh thêm một chẵn và một lẻ nữa, thành ra tám cái “ba vạch”, thế là ba Tài[1] tạm đủ, mà có cái tên tám Quẻ; ngôi của nó là: Kiền một, Đoái hai, Ly ba, Chấn bốn, Tốn năm, Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám; ở Hà đồ thì Kiền, Khôn, Ly, Khảm ở bốn chỗ thực[2]; Đoái, Chấn, Tốn, Cấn ở bốn chỗ[3]; ở Lạc thư thì Kiền, Khôn, Ly, Khảm ở giữa bốn phương; Đoái, Chấn, Tốn, Cấn ở ra bốn góc.

Có người hỏi rằng: “Dịch có Thái cực, sinh ra hai Nghi, hai Nghi sinh ra bốn Tượng, bốn Tượng sinh ra tám Quái”. Thế là thế nào?

Đáp rằng: Chữ Thái cực đó là nói về sự “vạch quẻ”[4]. Trước khi còn chưa vạch quẻ, Thái cực chỉ là cái nghĩa một bầu hỗn độn, ở trong bao hàm các thứ Âm, Dương, mềm, cứng, lẻ chẵn, không gì không có. Tới khi vạch ra một lẻ một chẵn, ấy là sinh ra hai Nghi. Rồi trên vạch lẻ, thêm một vạch lẻ, đó là Dương ở trong Dương; trên vạch lẻ thêm một vạch chẵn, đó là Âm ở trong Dương; trên vạch chẵn thêm một vạch lẻ, đó là Dương ở trong Âm; trên vạch chẵn thêm một vạch chẵn, đó là Âm ở trong Âm, ấy là bốn Tượng. Trên một Tượng có hai Quái; mỗi Tượng lại thêm một lẻ một chẵn, thế là tám Quẻ.

Có người nói: Một vạch là Nghi, hai vạch là Tượng, ba vạch là Quẻ. Bốn Tượng như Xuân, Hạ, Thu, Đông; Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ; Đông, Tây, Nam, Bắc, không gì mà không thể suy ra.




Chú thích

  1. Tức là Trời, Đất và Người.
  2. Chỗ có dấu chấm.
  3. Chỗ trống không.
  4. Tức là vạch ra tám quẻ.