Kinh Dịch/Phương vị tám quái của Phục Hy

Kinh Dịch của không rõ, do Ngô Tất Tố dịch
Phương vị tám quái của Phục Hy

   

Phương vị tám quái của Phục Hy

Truyện Thuyết Quái nói: “Trời đất định ngôi, núi chầm thông khí, sấm gió xát nhau, nước lửa không bắn nhau, tám quái mài nhau. Kể cái đi rồi là thuận, biết cái sắp tới là nghịch”. Thiệu tử nói rằng: Kiền nam, Khôn bắc, Ly đông, Khảm tây, Chấn đông bắc, Đoái đông nam, Tốn tây nam, Cấn tây bắc; từ Chấn đến Kiền là thuận, từ Tốn đến Khôn là nghịch. Phương vị của sáu tư quẻ sau đây cũng theo lẽ đó.

Lời bàn của Tiên Nho

Thiệu Tử nói rằng: Kiền Khôn dọc mà sáu con[1] ngang, đó là gốc của Kinh Dịch. Lại nói: Chấn mới giao Âm mà Dương sinh, Tốn mới tiêu Dương mà Âm sinh[2]. Đoái là trưởng của Dương, Cấn là trưởng của Âm; Cấn, Đoái là Âm ở trời; Tốn, Cấn là Dương ở đất, cho nên Chấn, Đoái trên Âm mà dưới Dương, Tốn Cấn trên Dương mà dưới Âm. “Trời” là nói về sự bắt đầu sinh ra, cho nên Âm ở trên mà Dương ở dưới, ấy là cái nghĩa giao thái. “Đất” là nói về sự đã thành, cho nên Dương ở trên mà Âm ở dưới, ấy là cái ngôi tôn ty[3], Kiền Khôn định ngôi trên dưới, Khảm Ly hay cửa tả hữu. Đó là cái chỗ trời đất khép ngõ, nhật nguyệt ra vào, mùa Xuân mùa Hạ, mùa Thu mùa Đông, tuần hối[4], tuần sóc[5], tuần huyền[6], tuần vọng[7], ngày đêm dài ngắn, đường đi dôi rụt[8], gì gì cũng bởi ở đó[9]. Lại nói: Tiết này nói rõ tám quái của Phục Hy. “Tám quái mài nhau” nghĩa là tám quái mài lẫn với nhau mà thành ra sáu tư quẻ. “Kể sự đi rồi là thuận” ví như đi theo với trời, tức là xoay về phía tả, đều là những quẻ đã sinh, cho nên gọi là “kể cái đi rồi”. “Biết cái sắp tới là nghịch”, ví như đi ngược với trời, tức là đi về phía hữu, đều là những quẻ chưa sinh, cho nên gọi là “biết cái sắp tới”. Ôi, số của Dịch do cách xoay ngược mà ra, cho nên tiết này giải thẳng ý của hình vẽ.




Chú thích

  1. Tức là sáu quẻ Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoái.
  2. Chu Hy chua rằng: Điều này nói về hình vẽ tròn. Chấn tiếp với Khôn, ấy là Chấn mới giao Âm mà một "Dương" sinh. Tốn tiếp với Kiền, ấy là Tốn mới tiêu Dương mà một "Âm" sinh.
  3. Từ Tiến Trai nói rằng: Một khi chạy vòng, từ quẻ Phục đến quẻ Kiền là Dương, tức là cuộc đầu của sự sinh ra các vật cho nên Chấn, Đoái, Âm ở trên mà Dương ở dưới. Đó là cái nghĩa giao thái. Ấy là nói về sự động, công dụng của Thái cực do đó mà vận hành. Từ quẻ Cấn đến quẻ Khôn là Âm, tức là cuộc trót của sự làm thành các vật, cho nên Tốn, Cấn, Dương ở trên mà Âm ở dưới. Đó là cái nghĩa tôn ty. Ấy là nói về sự tĩnh, thể chất của Thái cực do đó mà đứng vững.
  4. Ngày ba mươi của mỗi tháng.
  5. Ngày mồng một của mỗi tháng.
  6. Tuần thượng huyền và tuần huyền của mỗi tháng.
  7. Tuần rằm của mỗi tháng.
  8. Dôi ra và rụt đi.
  9. Ông Tư Trai nói rằng: Mão là cửa của mặt trời, Thái Dương ở đó mà ra. Dậu là cửa của mặt trăng, Thái Âm ở đó mà ra. Chẳng những mặt trời mặt trăng ra vào nơi đó, lớn ra, thì đến công việc trời đất mở ra các vật tuy đầu ở Dần mà tới Mão cửa càng mở rộng; công việc trời đất đóng khép các vật tuy đầu ở Tuất mà tới Dậu thì cửa đã khép chặt. Một năm thì Xuân, Hạ, Thu, Đông, một tháng thì hối, sóc, huyền, vọng, một ngày thì ngày và đêm, độ đi đều phải do ở cửa đó. Ấy là tả cho cùng cực cái công dụng của Khảm và Ly lớn lao đến vậy.
    Chu Hy nói rằng: Theo hình vẽ ngang (tức là hình vẽ thứ tự tám quẻ của Phục Hy) mà xem thì: có Kiền một mới có Đoái hai, có Đoái hai mới có Ly ba, có Ly ba mới có Chấn bốn, mà rồi Tốn năm Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám cũng theo thứ tự đó mà sinh ra. Đó là Kinh Dịch sở dĩ thành ra. Mà hình vẽ tròn (tức là hình vẽ phương vị tám quẻ của Phục Hy), thì phương tả từ đầu Chấn là Đông chí, đến giữa Ly, Khảm là Xuân phân, đến cuối Kiền là Hạ chí, đều là tiến lên mà được những quẻ đã sinh, cũng như từ ngày nay mà kể lại các ngày trước vậy, cho nên nói rằng: “Kể cái đi rồi là thuận”. Phương hữu của nó thì từ đầu Tốn là Hạ chí, đến giữa Khảm Cấn là Thu phân, cho đến cuối Khôn thì giao với Đông chí, đều là tiến lên mà được những quẻ chưa sinh, cũng như từ ngày nay mà kể ngược đến ngày chưa tới, cho nên nói rằng: “Biết cái sắp tới là nghịch”. Nhưng nếu nói theo tận gốc cái chỗ Kinh Dịch sở dĩ dựng nên, thì trước sau, đầu, chót của nó như hình vẽ ngang và những chữ về phía hữu của hình tròn mà thôi, cho nên nói rằng: “Dịch là kể ngược”.