Kinh Dịch/Phương vị tám quẻ của Văn vương

Kinh Dịch của không rõ, do Ngô Tất Tố dịch
Phương vị tám quẻ của Văn vương

   

Hình vẽ trên đây thấy ở Thuyết quái. Thiệu Tử nói rằng: Đây là tám quẻ của Văn Vương, tức là cái ngôi đi vào chỗ dùng và là cái học hậu thiên.

Lời bàn của Tiên Nho

Thiệu tử nói rằng: Cùng tột thay, việc làm Kinh Dịch của Văn Vương! Nó được sự dùng của trời đất chăng? Cho nên Kiền, Khôn giao nhau mà thành quẻ Thái, Khảm, Ly giao nhau mà thành quẻ Ký tế, Kiền sinh ở Tý, Khôn sinh ở Ngọ, Khảm trót ở Dần, Ly trót ở Thân, để ứng với thì giờ của trời; đặt Kiền ở Tây Bắc, lui Khôn về Tây Nam, trai lớn làm việc mà gái lớn thay mẹ, Khảm Ly được ngôi mà Đoái Cấn sánh đôi, để ứng với phương hướng của đất, phép của vương giả đủ hết ở đó[1].

Lại nói: Dịch tức là ý một Âm một Dương. Chấn Đoái là cuộc bắt đầu giao nhau, cho nên nó nhằm vào ngôi sớm tối. Khảm Ly là cuộc giao nhau đã trót cho nên nó nhằm vào ngôi Tý Ngọ. Tốn Cấn không giao nhau, mà Âm Dương hãy còn lẫn lộn, cho nên ở nơi hơi lệch trong chỗ “dùng”; Kiền Khôn thì là thuần Âm thuần Dương, cho nên nó nhằm vào ngôi “bất dụng”.

Lại nói: Đoái, Ly, Tốn được phần Dương nhiều, Cấn, Khảm, Chấn được phần Âm nhiều, cho nên mới là chỗ “dùng” của trời đất. Kiền là cực Dương, Khôn là cực Âm, cho nên không có chỗ dùng.

Lại nói: Chấn Đoái ngang mà sáu quẻ nữa thì dọc, đó là chỗ dùng của Dịch[2].




Chú thích

  1. Chu Hy chua rằng: Đây nói về ý Văn Vương thay đổi hình vẽ các quẻ của Phục Hy. Bởi vì từ Kiền Nam Khôn Bắc giao lại với nhau thì hóa Kiền Bắc Khôn Nam mà thành quẻ Thái; từ Ly Đông Khảm Tây giao lại với nhau thì hóa Ly Tây Khảm Đông mà thành ra quẻ Ký tế. Kiền Khôn giao nhau từ chỗ "thành ra" trở lại chỗ "sinh ra", cho nên biến đổi lần nữa, thì Kiền lui về Tây Bắc, Khôn lui về Tây nam; Khảm Ly biến đổi thì phương Đông tiến lên mà sang phương Tây, phương Tây tự lui xuống mà sang phương Đông, cho nên, Kiền khôn đã lui thấy được ngôi Kiền mà Khảm được ngôi khôn. "Chấn làm việc" là nó phát sinh ở phương Đông. "Tốn thay mẹ" là nó trưởng dưỡng ở Đông Nam.
    Hồ Ngọc Trai nói rằng; Kiền Nam, Khôn Bắc, Ly Đông, Khảm Tây, đó là ngôi quẻ tiên thiên. Kiền Khôn do chiều Nam Bắc giao nhau: Khôn Nam, Kiền Bắc thấy khôn ở trên, Kiền ở dưới, cho nên hai đàng giao nhau thành ra quẻ Thái, Ly Khảm do chiều Đông Tây giao nhau: Ly Đông, Khảm Tây, thì Khảm ở trên, Ly ở dưới, cho nên hai đàng giao nhau mà thành ra quẻ Ký tế. Trong quẻ Tiên thiên, Kiền ở ngôi Ngọ mà đây lại nói Kiền sinh ở Tý, là vì Kiền là Dương, bắt đầu sinh ở quẻ Phục, quẻ phục chính là ở giữa Tý; Khôn ở ngôi Tý mà đây lại là Khôn sinh ở Ngọ là vì Khôn là Âm, bắt đầu sinh ở quẻ Cấn, quẻ Cấn là giữa Ngọ, Ngọ là chỗ mà Kiền đã thành, nay lại lui xuống mà giao với Khôn ở Tý, đó là "trở lại chỗ đã sinh", cho nên đến khi đổi một lần mà thành ra quẻ hậu thiên thì Kiền lui về Tây Bắc, Khôn lui về Tây Nam. Trong quẻ Tiên thiên Ly nhằm ngôi Dần, mà đây lại nói Ly trót ở Thân, là vì Thân là ngôi của Khảm. Ly giao với Khảm mà trót ở thân. Khảm nhằm ngôi thân mà đây lại là nói Khảm trót ở Dần, là vì Dần là ngôi của Ly, Khảm giao với Ly mà trót ở Dần. Đông là bản vị của ly, nó biến đổi đi, thì giao với Khảm mà ngoảnh sang Tây, ấy là "Đông tự tiến lên mà sang Tây". Tây là bản vị của Khảm, nó biến đổi đi, thì giao với Ly mà ngoảnh sang Đông, ấy là "Tây tự lui xuống mà sang Đông", cho nên biến đổi lần nữa thành quẻ hậu thiên, thấy tiến lên mà được ngôi của Kiền, Khảm lui xuống mà được ngôi của Khôn. Chấn thay cha, bắt đầu làm việc mà phát sinh ở phương Đông; Tốn thay mẹ kế tiếp làm việc mà trưởng dưỡng ở Đông Nam. Tiên thiên chủ về sự giao nhau của Kiền Khôn Khảm Ly. Khi giao nhau thì nó biến đổi, không có định vị, đó là thì giờ của trời vô cùng, cho nên nói là "ứng với trời". Hậu thiên chủ về sự giao nhau của Khảm, Ly, Chấn, Đoái, khi giao nhau nó không biến đổi mà có định vị, đó là phương hướng của đất có thường độ, cho nên nói là "ứng với đất"...
  2. Chu Hy nói rằng: Từng xét về hình vẽ này mà giải thêm rằng: Chấn Đông, Đoái Tây, tức là Dương chủ tiến lên, cho nên phải lấy con lớn (Chấn) làm trước mà để ở tả; Âm chủ lui xuống, cho nên phải lấy con nhỏ (Đoái) làm quí mà để ở hữu; Khảm ở Bắc tức là khoảng giữa của sự lui, con trai ở Bắc mà con gái ở Nam, ấy là "ở lẫn nhà nhau". Bốn quẻ ấy đều ở ngôi chính của bốn phương mà là quẻ dùng vào việc, nhưng Chấn, Đoái trước mà Khảm Ly sau là Chấn Đoái khinh mà Khảm Ly trọng. Kiền ở Tây Bắc, Khôn ở Tây Nam là cha mẹ đã già mà lui về chỗ bất dụng, nhưng mẹ thì thân mà cha thì tôn, cho nên Khôn còn có việc làm mà Kiền thì hoàn toàn bất dụng; Cấn ở Đông Bắc, Tốn ở Đông Nam là con trai nhỏ (Cấn) ở sau cuộc tiến mà con gái lớn (Tốn) ở trước cuộc lui cho nên cũng đều bất dụng; nhưng con trai chưa đến thầy học, con gái sắp đi lấy chồng, cho nên Tốn đã hơi quay về chỗ làm việc, Cấn thì hoàn toàn chưa dùng gì cả. Bốn quẻ này đều ở bốn góc, nhưng ở Đông (Tốn Cấn) thì chưa làm việc, mà ở Tây (Kiền Khôn) thì không làm việc nữa, cho nên chương dưới (của thiên Thuyết quái) nói khắp lượt sáu con mà không kể đến Kiền Khôn. Đến như cuộc gặp nhau của nước (Khảm), lửa (Ly), sấm (Chấn), gió (Tốn), núi (Cấn), chằm (Đoài) thì dùng quẻ của Phục Hy. Đông Long Sơn nói rằng: Ly là mặt trời; mặt trời mọc ở Đông, cho nên trong quẻ tiên thiên, Ly ở về Đông: mặt trời soi thẳng ở Ngọ, là quãng giữa ngày, cho nên trong quẻ hậu thiên, Ly ở về Nam, Khảm là mặt trăng; mặt trăng mọc ở Tây, cho nên trong quẻ Tiên thiên, Khảm ở về Tây, mặt trăng soi thẳng ở Tý, là quãng nửa đêm, cho nên trong quẻ Hậu thiên, Khảm ở về Bắc. Trong vòng tiên thiên các quẻ ấy ở - về "chỗ sinh", trong vòng hậu thiên, các quẻ ấy ở vào chỗ "vượng". Chẳng những ngôi quẻ hậu thiên của Khảm và Ly đều theo thứ tự sinh vượng mà Chấn Thủy vượng ở Mão, Đoái Kim vượng ở Dần, Thổ thì vượng ở trung ương, cho nên Khôn vượng giữa quãng Kim Hỏa, Cấn đóng giữa quãng Thủy Mộc, Đoái là Âm Kim, Kiền là Dương Kim, cho nên Kiền tiếp với Đoái ở về Tây Bắc, Chấn là Dương Mộc, Tốn là Âm Mộc, cho nên Tốn tiếp với Chấn ở về Đông Nam, đều theo thứ tự sinh vượng của năm hành. Đó là chỗ dùng của Kinh Dịch.