Kinh Dịch/Phép bói bằng cỏ thi

Phép bói bằng cỏ thi

Chọn chỗ đất sạch làm nhà chứa cỏ thi, cửa ngoảnh về Nam. Giữa nhà kê một chiếc giường.

(Chiếc giường chiều dài chừng năm thước, chiều rộng chừng ba thước. Đừng để gần bức vách quá).

Cỏ thi năm chục cây, bọc bằng lụa màu đỏ nhạt, đựng trong chiếc túi màu đen, cho vào hộp, đặt ở phía bắc chiếc giường.

(Hộp bằng ống tre, hoặc bằng gỗ rắn, hay vải sơn, hình tròn, đường kính độ ba tấc, chiều dài bằng chiều dài cỏ thi, một nửa làm đáy, một nửa làm nắp, dưới hộp có hòm làm giá, cho khỏi lăn nghiêng).

Đặt chiếc khay gỗ ở phía nam cái hộp, dé về phía bắc cái giường hai phân.

(Khay bằng ván gỗ, bề cao một thước, bề dài vừa suốt cái giường, trong khay chia làm hai ô lớn, ô nọ cách ô kia một thước, phía tây ô lớn làm ba ô nhỏ, mỗi ô cách nhau năm tấc, dưới khay có chân ngang, đặt nghiêng trên một chiếc án).

Đặt một lò hương ở phía nam chiếc khay, một hộp hương ở phía nam cái lò, hàng ngày thắp hương cung kính, sắp bói thì phải quét rửa lau chùi: để một chiếc nghiên rửa sạch, có rót nước, một cây bút, một thoi mực, một miếng ván sơn vàng ở phía đông lò hương. Trên phía Đông, người bói trai khiết, đội mũ mặc áo, ngảnh mặt về Bắc, rửa tay đốt hương cúng lễ.

(Nếu sai người khác bói hộ, thì chủ nhân đốt hương xong rồi lui xuống một chút, đứng ngảnh về Bắc, kẻ bói tiến lên trước giường đứng hơi dé về Tây, ngảnh mặt về Nam, nhận lấy việc bói. Chủ nhân thuật thẳng việc mình định xem, kề bói vâng lời. Chủ nhân quanh về phía hữu, đứng ngảnh về Tây, kẻ bói cũng quay về phía hữu, đứng ngảnh về Bắc).

Hai tay bưng lấy nắp hộp, đặt xuống phía Nam cái khay, phía bắc lò hương. Lấy cỏ thi ở trong hộp ra, tháo túi, cởi bọc, đặt ở phía đông chiếc hộp. Tất cả năm chục cây, cầm bằng hai tay, hơ trên lò hương, khấn rằng: 假爾泰筮有常, 假爾泰筮有常!某 (官姓名) 今以某事未知可否, 爰質所疑于神于靈, 吉凶得失, 悔吝憂虞, 惟爾有神, 尚明告之. Giả nhĩ Thái phệ hữu thường, giả nhĩ Thái phệ hữu thường! Mỗ (quan tính danh) kim dĩ mỗ sự vị tri khả phủ, viên chất sở nghi vu thần vu linh, cát hung đắc thất, hối lận ưu ngu, duy nhĩ hữu thần, thượng minh cáo chi. (Mượn mày đồ bói lớn tính không thay đổi. Mượn mày đồ bói lớn tính không thay đổi. Mỗ (quan tước -hoặc chức nghiệp - họ và tên) vì việc (chi đó) chưa biết nên chăng, phải đem điều nghi ngờ ấy hỏi đấng thần linh. Lành hay dữ, được hay mất, hối tiếc hay lo sợ, người có thiêng liêng hãy bảo cho rõ).

Rồi dùng tay phải nhặt lấy một thẻ (tức một sợi cỏ thi) trả lại trong hộp.

Rồi lấy cả hai tay chia đôi bốn mươi chín thẻ, để vào hai chiếc ô lớn tả hữu cái khay.

(Đây là dinh thứ nhất. Nghi lễ bảo là chia ra làm hai, để hình dung hai Nghi).

Rồi tay trái cầm lấy những thẻ ở chiếc ô lớn phía tả, tay phải nhặt lấy một thẻ ở chiếc ô lớn phía hữu cài vào khe ngón tay út tay trái.

(Đây là dinh thứ hai, Nghi lễ bảo là: treo một thẻ để hình dung tam tài).

Rồi dùng tay phải đếm “bốn chiếc một” những thẻ cầm ở tay trái.

(Đây là dinh thứ ba, Nghi lễ gọi là đếm bằng số bốn để hình dung tứ thời).

Rồi trả lại những thẻ còn thừa, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, và kẹp nó vào khe ngón vô danh tay trái[1].

(Đây là nửa dinh thứ tư. Nghi lễ bảo là ra số lẻ về chỗ kẹp để hình dung tháng nhuận).

Rồi dùng tay phải trả lại những thẻ đã đếm vào chiếc ô lớn phía tả cái khay, cầm lấy những thẻ ở chiếc ô lớn phía hữu cái khay và dùng tay trái đếm “bốn chiếc một”.

(Đây là nửa dinh thứ ba).

Rồi lại trả lại những thẻ còn thừa như trước và giắt vào khe ngón giữa tay trái.

(Đây là nửa dinh thứ tư. Nghi lễ bảo là giắt lần thứ hai để hình dung hai lần nhuận. Những thẻ còn thừa trong lần biến đổi thứ nhất, tay tả một thì tay hữu phải ba, tay tả hai tay hữu cũng hai, tay tả ba, tay hữu phải một, tay tả bốn, tay hữu cũng bốn. Kể suốt cả một lần “cài” không năm thẻ thì chín thẻ. Nắm thế được một lần bốn là số lẻ, chín thẻ được hai lần bốn là số chẵn. Lẻ thì ba mà chẵn thì một).

Rồi dùng tay phải trả lại những thẻ đã đếm vào chiếc ô lớn phía hữu, và nhập những thẻ trong một lần “cài” hai lần kẹp ở bàn tay trái làm một, đặt lên ô nhỏ thứ nhất trong cái khay.

(Thứ tự ô nhỏ kể từ chiếc ô phía Đông trở đi).

Đó là một lần biến. Lại dùng hai tay nhập những cỏ thi ở hai ô lớn tả hữu làm một.

(Bây giờ còn 44 thẻ hoặc 40 thẻ).

Lại làm bốn dinh như nghi thức lần biến thứ nhất, và đặt những thẻ cài kẹp vào ô nhỏ thứ hai trong cái khay. Đấy là hai lần biến.

(Những thẻ còn thừa trong lần biến thứ hai: tay tả một tay hữu phải ba; tay tả hai, tay hữu phải một; tay tả ba, tay hữu phải bốn, tay tả bốn, tay hữu phải ba. Kể suốt số thẻ trong một lần cài, không bốn thì tám. Bốn được một lần bốn là số lẻ, tám được hai lần bốn là số chẵn. Lẻ chẵn đều được số hai trong số bốn).

Rồi lại lấy những cỏ thi ở hai ô lớn tả hữu nhập lại làm một.

(Bây giờ còn 40 thẻ hoặc 36 thẻ hay 32 thẻ).

Lại làm bốn dinh như nghi thức lần biến thứ hai, và để những thẻ cài kẹp vào chiếc ô nhỏ thứ ba trong chiếc khay. Đó là lần biến thứ ba.

(Số thẻ còn thừa của lần biến thứ ba cũng như lần biến thứ hai).

Xong ba lần biến, mới coi số thẻ cài kẹp và số thẻ đếm qua của mỗi lần mà vạch từng hào vào mảnh ván.

Số thẻ cài kẹp, năm và bốn là lẻ, chín và tám là chẵn. Cài kẹp là ba số lẻ, hết 13 thẻ, thì số đếm qua còn 26 thẻ, là hào Lão Dương, đánh dấu bằng vẫn gọi là “trùng”. Cài kẹp hai lẻ một chẵn, cộng 17 thẻ, thì số đếm qua còn 32 thẻ, là hào Thiếu Âm, đánh dấu bằng vẫn gọi là “triết”. Cài kẹp hai chẵn một lẻ, cộng 21 thẻ thì số đếm qua còn 28 thẻ là hào Thiếu Dương, đánh dấu bằng vẫn gọi là “đạo”. Cài kẹp là ba số chẵn, cộng 25 thẻ, thì số đếm qua còn 24 thẻ, là hào Lão Âm, đánh dấu bằng X, vẫn gọi là “giao”.

Như thế, cứ ba lần biến thì thành một hào.

(Thứ nhất, thứ tư, thứ bảy, thứ mười, thứ mười ba, thứ mười sáu, sáu lần biến đó giống nhau, có điều từ lần thứ ba trở đi thì không khấn nữa, chỉ dùng 49 sợi cỏ thi mà thôi. Các lần thứ năm, thứ tám, thứ mười một, thứ mười bốn và thứ mười bảy đều giống như lần thứ hai, các lần thứ sáu, thứ chín, thứ mười hai, thứ mười lăm, thứ mười tám, thì giống như lần thứ ba).

Tất cả mười tám lần biến thì thành một quẻ. Xét sự biến đổi trong quẻ, để xem việc dữ hay lành.

Bói xong, lại bọc cỏ thi, đựng vào túi, cho vào hộp, đậy nắp lại, thu xếp bút, nghiên, mực, ván, rồi lại thắp hương cúng lễ lần nữa.

Nếu nhờ người bói hộ, thì chủ nhân thắp hương, vái kẻ bói giúp rồi lui[2].

   




Chú thích

  1. Thí dụ: số thẻ cầm tay là 19 chiếc, đếm bốn chiếc một, được bốn lần, hết 16 chiếc, còn thừa ba chiếc. Hay là số thẻ cầm tay là 24 chiếc, đếm bốn chiếc một, được năm lần - vì bao giờ cũng phải để ra một số linh dư - hết 20 chiếc, còn thừa bốn chiếc. Số khác theo đó mà suy.
  2. Hồ Song Hồ nói rằng: Chu Tử từng bảo Kinh Dịch chỉ là môn sách bói toán, vốn không phải dùng để dạy đời. Nhưng nay hễ đọc một quẻ một hào, liền thấy cũng như bói được. Coi Tượng ngẫm lời, coi sự biến đổi ngẫm lời chiêm đoán mà lại dò tìm cái lẽ tại sao mà thế mới là khéo đọc. Vì vậy cho nên ở các quẻ Kiền, Khôn nên biết cái phận vua tôi, cha con; ở các quẻ Hàm, Hằng, nên biết sự phân biệt giữa vợ và chồng; ở các quẻ Chấn, Khảm, Cấn, Tốn, Ly, Đoái nên biết thứ tự người lớn người nhỏ; ở câu "Lệ trạch Đoái" nên biết sự giảng tập của bè bạn; cho đến những việc cẩn thận sự nói năng, dè dặt sự ăn uống, phải có được ở quẻ Di; ngăn điều tức giận, chừa điều ham muốn, theo điều thiện, đổi điều lỗi, phải có được ở quẻ Tốn, Ích; không nịnh hót, không khinh nhờn, cẩn thận sự giao tế của bậc trên bậc dưới, để làm cái đạo toàn thân, phải có được ở Đại chuyện. Cứ thế mà suy, đọc đâu thì thu dụng đấy. Đó là ý tinh vi về sự theo trung theo hiếu của đấng quân tử. Tuy rằng cầm thẻ mà bói, nhưng cái rễ gốc cũng không có gì hơn thế.