Khối tình con/Quyển thứ hai/VI.3
2. — Hịch đuổi kẻ ăn mày.
Văn dẫn. — ông Mạnh-tử nói rằng: « Lòng thương xót, người ta ai cũng có. » Một lòng thương xót, thật con người ta ai cũng có, nhưng sự đáng thương xót mà thương xót, thời thương xót là có nhân; sự không đáng thương xót mà thương xót, thời thương xót đó là vô học[1]. Nay như một sự ăn mày, những kẻ bị mù, lòa, què, quặt, không thể nuôi nổi miệng, đến phải đi ăn xin, thời đồng kẽm, bát cơm, ở con người tử-tế, không lấy gì làm tiếc. Đến như kẻ không mù, không lòa, không què, không quặt, cũng tham lười biếng, mong những cách ăn không; Nhất như những đứa trẻ còn đứng chực dưới xe điện và tụ họp ngoài cửa ô, thật có người nói truyện với tôi rằng: nhiều người ở làng cạnh muốn nuôi chúng nó chăn trâu bò mà chúng nó không đi, cứ làm nghề xin su, để dễ sự no ấm. Đó là những cảnh tượng chung quanh chốn thị thành. Còn như các chợ búa, các nhà quê, chẳng chỗ nào không có. Nếu cứ thế mà được mãi, thời những bọn hèn mạt vô sỉ, hễ đói cơm rách áo, kéo cả vào một nghiệp ăn không, thực là một sự rất xấu trong phong hóa. Cho nên, không đáng thương mà đáng ghét, không nên cho mà nên đuổi. Người đời xưa có ống vung gươm xua nhặng xanh, thiên hạ không lấy thế làm quá. Nay cũng làm một bài văn hịch, để mắng đuổi lũ ăn-mày.
Hịch rằng;
Tuồng chi một lũ,
Đứa trẻ đứa già,
Con bồng con dắt,
Lôi-thôi lếch-thếch,
Kể lể kêu ca.
Nghề kiếm-ăn Chiến-quốc[2] tự ngày xưa, ai truyền dạy mà đâu dai-dẳng mãi?
Bọn con cháu Lạc-hồng chung giống cả, không què đui sao khéo rủ-rê nhau?
Hôm hôm mai mai.
Bị bị bát bát
Quỉ đưa đường, ma dắt lối, quen ngõ thời vào,
Nay được thịt, mai đòi xôi, thấy mùi đánh mãi.
Cửa ô, xe điện, rêu-rao quạ vỡ chiều hôm,
Đám hội, nhà chay, quẩn quít gà què gậm cối.
Làm xấu hổ cho cả nước,
Khéo bêu nhuốc cho loài người.
Bảo mãi mỏi mồm,
Trông càng nhớp mắt.
Nào là
Người nhà, con vú,
Thằng ở, quân hầu.
Truyền lũ bay đóng chặt cổng vào, thây cha chúng nó!
Học một lối ăn không người mãi, có con c. ông!