Huyền Trân công chúa
của Hoàng Cao Khải

Đổi chác khôn ngoan cũng nực cười,
Vốn đà không mất lại thêm lời.
Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm,
Một gái Huyền-Trân của mấy mươi?
Lòng đỏ khen ai lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời?
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngơ-ngẩn trông nhau mấy đứa Hời!

Bài thơ này là nói đổi một bà Huyền-Trân công-chúa mà lấy được hai châu của nước Chiêm-thành, cũng là biết rằng khôn dại khác nhau như thế; đại-ý nói rằng:

Xưa nay gọi là đổi chác thì phải lấy hai vật đổi cho nhau, kẻ được vật kia, người được vật nọ mà có một sự làm cho ta nực cười ấy là đã không mất vốn mà lại được lời, như thế chẳng là khôn ngoan lắm ru!

Xem như châu Ô, châu Lý, là đất của nước Chiêm-thành cũng thiệt là rộng mà tốt, dẫu rằng có bao nhiêu của dễ rằng đổi chác được đâu; mà không ngờ rằng vua Anh-Tôn nhà Trần cho lấy một người con gái là bà Huyền-Trân thì vua Chiêm-thành chịu đem hai châu mà dưng lại. Tuy rằng không phải đổi chác mà cũng như là đổi chác vậy.

Ta khen cho những người lo việc nước ấy có trí khôn ngoan, bởi vì đất là để sinh sản cho người, người mà chết cũng hóa ra đất; thế thì rừng vàng bể (biển) bạc, đất vẫn là quí, dẫu rằng môi son má phấn, người cũng là khinh. Lấy đường hơn lẽ thiệt mà suy thời biết rằng đất vẫn là quí hơn người vậy.

Phương chi từ khi vua Chiêm-thành đã mất rồi, thời vua Trần Anh-Tôn lại sai ngươi Trần-khắc-Chung cướp bà Huyền-Trân mà đem về.

Câu tục-ngữ có nói rằng:

« Của trời trời lại lấy đi,
« Giương hai con mắt làm chi được trời ».

Than ôi! Ta khen cho nước ta là khôn ngoan thì ta lại thương cho nước Chiêm-thành là ngu dại.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.