Hoa Kỳ–Việt Nam: Hướng tới tương lai

Hoa Kỳ–Việt Nam: Hướng tới tương lai  (2015) 
của John Kerry, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry phát biểu ngày 7-8-2015 tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015.

Vâng, xin chào tất cả quý vị (vỗ tay). Đây thực sự là thời khắc lịch sử khi chúng ta kỷ niệm 20 năm bình thường hóa hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là cả một chặng đường dài. Và tôi xin chúc mừng tất cả các bạn đã nỗ lực góp phần tạo nên thành quả này.

Tôi thực sự vui mừng vì Ngài Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến dự. Rất cảm ơn ông vì mối quan hệ đối tác và những nỗ lực của ông. Chúng tôi thực sự trân trọng những gì mà ông đã làm. (vỗ tay)

Và tôi rất vui mừng được đến đây – Ngài Chủ tịch nước nói với tôi về Ngài Đại sứ Ted Osius rằng: “Ông ấy là người Việt; không phải người Mỹ”. (cười). Và tôi nói: “Các ông đã làm thay đổi ông ấy”. Nhưng sự thực là Đại sứ Ted Osius là một trong những nhà ngoại giao tốt nhất của chúng tôi. Cảm ơn Đại sứ vì những gì ông đã làm. (vỗ tay).

Tôi phải nói với các bạn rằng khi nhìn Đại sứ Ted, tôi lại nhớ về kỷ niệm - có lẽ là hơi đau khổ một chút - khi lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Khoảng 17 năm trước, lúc đó tôi là một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Và tôi đến đây để tham gia chương trình đạp xe với các cựu binh Mỹ, đặc biệt là một số người đã bị thương trong cuộc chiến. Hơi nóng và độ ẩm khi ấy rõ ràng đã làm hành trình đạp xe trở nên rất thách thức. Nhưng tệ hơn, mỗi lần tôi chùng bàn đạp và nhìn lên thì Ted Osius vẫn thong thả đạp như đang đi chơi trong chiều Chủ nhật. Sau đó tôi phát hiện ra vì sao Osius lại trông như thế, người như Ted ở Hoa Kỳ chúng tôi thường gọi là ringer – nghĩa là trông như là lần đầu tiên đạp xe nhưng thực ra ông ta là một tay rất cừ. Và tôi biết rằng ông ấy đã từng đạp 1.200 dặm giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - và không như một số người mà tôi biết, ông ấy đã đi được quãng đường rất dài mà không bị ngã. (cười).

Thực sự tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh đám đông người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh đứng đón chào chúng tôi tại vạch đích vào ngày hôm đó. Họ đã biểu diễn nhào lộn, múa lân, và đi trên dây. Và khi chúng tôi rời đi, Đại sứ Ted đã đứng lên và với Tiếng Việt trôi chảy, ông cảm ơn mọi người đã góp phần hàn gắn mối quan hệ giữa hai đất nước một cách tự nhiên và chân thành như vậy.

Như tất cả chúng ta đều biết, việc hàn gắn cần có thời gian và không dễ dàng cho cả hai phía. Đó là một quá trình gian khó, đòi hỏi rất nhiều sự bền bỉ, lòng dũng cảm, và sự thỏa hiệp. Và chúng ta đều biết rằng sẽ không có sự tiến bộ nào nếu không giải quyết được các câu hỏi lớn chưa có lời đáp về khả năng còn sống của những người Mỹ mất tích tại khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi cũng biết rằng khi bắt đầu xây dựng một mối quan hệ mới sẽ dẫn đến những cảm xúc đối lập của nhiều người ở cả hai nước.

Với việc làm đó, Thượng nghị sĩ John McCain và tôi đã bị chỉ trích. Một số người nghi ngờ chúng tôi, nhưng chúng tôi đã cùng nhau có được tiếng nói chung. Và cá nhân tôi sẽ không bao giờ quên khi cùng với Thượng nghị sĩ John McCain đứng trong chính phòng giam nhà tù nằm trong “Khách sạn Hilton Hà Nội”, nơi ông ấy đã bị giam trong vài năm, chỉ có hai chúng tôi, một mình trong phòng giam đó và tôi đã nghe ông kể về trải nghiệm của mình. Tôi sẽ luôn biết ơn về những đóng góp của ông trong việc thiết lập quan hệ hợp tác, xây dựng nền hòa bình thực sự với Việt Nam.

Và tôi sẽ luôn biết ơn đặc biệt là đối với người dân Việt Nam. Họ đã giúp chúng tôi tìm kiếm hàng nghìn binh lính của chúng tôi đã ngã xuống, trong khi số người mất tích của phía họ thậm chí còn lớn hơn, lớn hơn rất nhiều. Họ tự nguyện đào ruộng của mình lên. Họ cho chúng tôi vào nhà của họ, vào những ngôi nhà lịch sử, thậm chí vào các nhà tù để tìm kiếm. Và hơn một lần, họ giúp chúng tôi băng qua những bãi mìn theo đúng nghĩa đen. Ở nơi có rất nhiều lý do để cay cú lại không có sự cay cú nào. Và tôi biết ơn các nhà lãnh đạo đã có tầm nhìn trong việc ra quyết định giúp hai nước tiến lên phía trước.

Cá nhân tôi đã thực hiện khoảng 16, 17 cuộc hành trình đến các nơi, nghiên cứu từng chi tiết của các câu chuyện đằng sau những binh lính mất tích, hồi tưởng lại những ký ức của mình khi tham chiến tại đây, và cuối cùng là, một trong những điều chúng tôi tự hào nhất khi tham gia hành trình này đó là công việc này đã trở thành một phần của - thực ra là tạo ra - ‎cuộc tìm kiếm toàn diện và đầy đủ nhất những người mất tích và chết trong lịch sử chiến tranh của loài người. Quá trình tìm kiếm đã giúp đem lại câu trả lời cho hàng trăm gia đình người Mỹ đang ngóng chờ và chúng tôi cũng giúp người Việt tìm tung tích người thân của mình, con số này lớn hơn rất nhiều số lính mất tích của Hoa Kỳ. Điều quan trọng nhất là công việc này vẫn đang tiếp diễn.

Rất nhiều người của cả hai phía đã dành nhiều năm đối với công tác tìm kiếm này. Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến tất cả những người đã tham gia vào công tác tìm kiếm và ngành ngoại giao: Các cố vấn thân cận của tôi Francis Zwenig, và Nancy Stetson, và Virginia "Ginny" Foote; Mark Salter - cố vấn của Thượng nghị sĩ John McCain; cố vấn trưởng Bill Codinha; Tommy Vallely - người bạn suốt đời của tôi đang ở đây; và những cộng sự kiên định với nỗ lực đó - Tôi biết Chris Gregory, một cựu chiến binh cũng đang ở đây; và các cộng sự tại Thượng viện - Chuck Robb, Bob Kerrey, Chuck Hagel, tất cả đều là các cựu binh trong cuộc chiến; Dân biểu Pete Peterson, một cựu tù nhân chiến tranh; Tướng John Vessey; và Đô đốc Chuck Larson. Về phía Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt; các bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Nguyễn Cơ Thạch, cha đẻ của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh; Đại sứ Lê Văn Bàng; Đại sứ Phan đang ở đây, ông là cán bộ thông dịch phi thường; Tổng Bí thư Đỗ Mười; và Đại tướng Lê Đức Anh - tất cả họ đều có tầm ảnh hưởng lớn và cam kết đối với nỗ lực tìm kiếm này và đã đưa ra các quyết định khó khăn.

Ngày hôm nay đứng ở đây, tôi nhớ đến các cuộc trao đổi gần đây với những người nói chuyện cứ như không về triển vọng của cuộc chiến tranh với quốc gia này hay quốc gia khác. Và tôi đã nói: Các anh không biết mình đang nói những gì.

Chắc chắn là có những lúc người ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiến hành chiến tranh, nhưng không bao giờ được vội vàng làm hoặc chấp nhận làm việc đó mà phải tìm hiểu các lựa chọn khác. Cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cách đây nửa thế kỷ xảy ra do sự thất bại lớn về hiểu biết ngoại giao và tầm nhìn chính trị của hai bên. Khi nhìn lại, Việt Nam và Hoa Kỳ đều dành sự kính trọng cho những người đã chiến đấu ở cả hai bên và không bao giờ ngừng tưởng nhớ những người đã mất hoặc bị thương.

Tôi muốn nói rõ: Quá trình tiến lên phía trước, hàn gắn và khôi phục quan hệ ngoại giao của chúng ta không phải là sự lãng quên. Nếu chúng ta lãng quên, chúng ta không học hỏi được. Và bi kịch của những gì đã xảy ra ở đây là một lời nhắc nhở liên tục về sự kinh hoàng và sự khổ đau mà chiến tranh gây ra.

Nhưng chúng ta ở đây không phải để chìm đắm trong quá khứ. Trong nhiều năm, tôi đã mong đợi đến lúc khi người Mỹ nghe từ "Việt Nam" thì nghĩ nhiều hơn về một đất nước chứ không phải một cuộc xung đột. Một lần nữa tôi tin có thể nói - với sự tri ân những sự hy sinh và phụng sự trong quá khứ - là giờ đây chúng ta đã làm được điều đó.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng trước, hai nhà lãnh đạo quan tâm sâu sắc về một loạt các vấn đề kinh tế và an ninh. Công dân hai nước chúng ta đang hiểu nhau hơn thông qua trao đổi sinh viên, các giao dịch kinh doanh, du lịch, và quan hệ gia đình. Ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt đang tạo dựng mối quan hệ mới với quê hương nơi họ hoặc ông cha họ đã ra đi - đây là một phần quan trọng nữa trong quá trình hàn gắn của chúng ta. Là một Thượng nghị sĩ, tôi đã từng chỉ ra rằng thế hệ lúc đó, khi tôi làm việc với mọi người để bình thường hóa quan hệ - vào thời điểm đó, thế hệ tại thời điểm đó được sinh ra sau chiến tranh. Vâng, hôm nay, những người trẻ của Hoa Kỳ và Việt Nam được sinh ra sau khi quan hệ hai nước đã được bình thường hóa, nói gì đến cuộc chiến. Những gì là đặc biệt, phi thường đối với thế hệ chúng tôi giờ chỉ là những điều bình thường, tự nhiên đối với thế hệ này.

Vì vậy, đây là lúc để cùng nhìn về phía trước, và để hiểu rằng nghị trình giữa Hoa Kỳ-Việt Nam không còn được định hình chủ yếu bởi những gì đã có trước đây. Chúng ta không còn trong quá trình hòa giải. Tin quan trọng là hiện nay mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được hòa giải.

Nhưng các bạn không cần phải tin những gì tôi nói. Chỉ cần nhìn vào những biến chuyển đã diễn ra. Hai mươi năm trước đây, có chưa đến 60.000 du khách Mỹ đến thăm Việt Nam hàng năm. Ngày nay, con số này là gần nửa triệu. Hai mươi năm trước đây, có chưa đến 800 sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ. Ngày nay, con số này là 17.000. Hai mươi năm trước đây, thương mại hàng hóa song phương giữa hai nước chúng ta chỉ đạt 451 triệu đô la Mỹ. Ngày nay, con số này là hơn 36 tỷ đô la Mỹ. Đây không chỉ là số liệu thống kê mà là thước đo về một trong những biến chuyển đáng chú ý nhất trong lịch sử.

Năm 2013, Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai chính phủ, có tác động sâu rộng hơn đến nhân dân hai nước chúng ta. Hiện nay, hai nước chúng ta đang tăng cường các mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, môi trường, khoa học, công nghệ, công nghệ cao, Internet, và thậm chí cả hợp tác quân sự. Chúng ta cũng có cơ hội vô giá trong việc tạo đột phá về thương mại.

Các cuộc đàm phán về Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu từ hơn 5 năm trước, có sự tham gia của hơn chục quốc gia ven Thái Bình Dương. Hiệp định này sẽ nâng cao thương mại giữa các quốc gia đại diện cho gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Khi hoàn tất thỏa thuận này, chúng ta sẽ xây dựng được một diễn đàn khu vực chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ đổi mới và tạo việc làm, cải thiện môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, và tăng cường quan hệ thương mại từ Hà Nội và Tokyo đến Santiago và Washington. Không có gì ngạc nhiên khi các cuộc khảo sát cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận mang tính bước ngoặt này giữa hai nước chúng ta. Thương mại với các tiêu chuẩn cao hơn - bao gồm cả quyền thành lập công đoàn độc lập - là dấu mốc quan trọng trên đường tới một tương lai chung và bền vững.

Điều chắc chắn bây giờ đó là thước đo quan hệ đối tác của chúng ta không chỉ là nền kinh tế của chúng ta có phát triển không mà còn là phát triển như thế nào. Chúng ta biết rằng mực nước biển dâng cao, các cơn bão ngày càng thường xuyên và dữ dội, đập quy hoạch kém, và hạn hán cũng như xâm nhập mặn gây ra một mối đe dọa khủng khiếp đối với Đồng bằng sông Cửu Long nơi có dân cư đông đúc, và nằm ở khu vực trũng thấp.

Nhiều người trong số các bạn biết rằng tôi đã được đưa đến Hạ vùng Mekong và vùng đồng bằng sông Cửu Long những năm trước đây trong những hoàn cảnh khác nhau, và đối với tôi nó có một ý nghĩa đặc biệt. Mấy thập kỷ trước tôi đã ở vùng đồng bằng đó trong một thời gian, khi tôi ở trong Hải quân Hoa Kỳ, và tôi hiểu rõ các kênh rạch và sông suối - một bức tranh toàn cảnh cực đẹp về trẻ em, đồng lúa, con trâu, tôm cá, vẻ đẹp thiên nhiên ở khắp mọi nơi mà bạn nhìn. Song vẻ đẹp thiên nhiên chỉ là một phần của câu chuyện về sông Mekong. Lưu vực sông cũng là huyết mạch kinh tế của toàn vùng, giúp duy trì cuộc sống, trang trải cuộc sống, và mang lại sự no ấm cho hơn 70 triệu người.

Ai có thể nghĩ nổi khi tôi còn tuần tra trên một chiếc thuyền trên sông Mekong hồi năm 1968 và 1969 là gần nửa thế kỷ sau tôi giờ đây đã có cơ hội tạo ra sáng kiến giúp cứu con sông đó? Nhưng đó là cách mà chúng tôi đang làm với các đối tác của chúng tôi - Campuchia, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Myanmar, và một nhóm các nhà tài trợ. Thông qua Sáng kiến Hạ vùng sông Mekong, chúng tôi đang thực hiện để cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Và Hoa Kỳ đang tập trung hỗ trợ về năng lượng sạch và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và quản lý tài nguyên hệ sinh thái. Chúng tôi đã thấy những lời cảnh báo và chúng tôi cam kết biến các mối quan tâm chung thành hành động.

Chúng ta đã đúc rút ra bài học qua những sai lầm trong nhiều năm tháng, đó là môi trường lành mạnh và nền kinh tế lành mạnh song hành với nhau. Và hệ thống giáo dục hiệu quả cao cũng như thế. Việt Nam là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới - 23 triệu người - một phần tư dân số cả nước ở độ tuổi dưới 15. Điều tốt đó là Việt Nam có cam kết mạnh mẽ cho giáo dục, với tỷ lệ biết chữ chiếm trên 90% và hơn 160 trường cao đẳng và đại học. Nhưng ở Việt Nam, cũng như nhiều nước khác - kể cả Hoa Kỳ - thường có một khoảng cách giữa lý thuyết dạy trên lớp và các kỹ năng cần thiết tại nơi làm việc.

Muốn thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, sinh viên tốt nghiệp phải biết nhiều hơn ngoài việc phải nghĩ gì. Họ cũng phải biết nghĩ như thế nào và họ phải có động lực để đổi mới và theo đuổi những ý tưởng mới. Một cách để đảm bảo đó là xây dựng quan hệ đối tác giữa các cơ sở đào tạo hàng đầu. Viện Giáo dục Quốc tế đã tài trợ một loạt các quan hệ đối tác giữa các trường đại học Mỹ và Việt Nam. Trường Đại học Hawaii cung cấp chương trình Executive MBA được công nhận ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Và nhờ có sự làm việc tích cực và tầm nhìn của những người như Tommy Vallely - và sự đồng ý của chính quyền ở đây - chúng ta đang xúc tiến việc thành lập trường Đại học Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế, tháng vừa rồi, Việt Nam đã cấp giấy phép xây dựng trường, có liên kết với Đại học Harvard và sẽ nhấn mạnh tự do học thuật và nhận thức về các nhu cầu thị trường toàn cầu là gì.

Hai thập kỷ trước, khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, chúng ta đã chia sẻ tầm nhìn đó là hai nước sẽ có ngày hợp tác về giáo dục, môi trường, kinh tế. Nhưng có một điều gì không ai dự đoán trước được - thực sự là khó tưởng tượng - bây giờ đã trở thành một điều bình thường mới - vì ngày nay chúng ta cũng đang hợp tác về các vấn đề an ninh.

Ví dụ, Việt Nam là một đối tác trong Sáng kiến hoạt động gìn giữ hoà bình toàn cầu của Hoa Kỳ. Năm ngoái, Việt Nam đã bắt đầu đóng góp vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc trong phạm vi nhỏ, tuy nhiên Việt Nam có kế hoạch gửi các đơn vị công binh, quân y, và các đơn vị chuyên biệt khác trong tương lai gần. Cùng với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ - đất nước chúng tôi đang giúp đỡ để nhân sự của Việt Nam có khả năng chuẩn bị triển khai các hoạt động chuyên biệt đó.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi cũng đã ký một biên bản ghi nhớ như là một phần của Chương trình nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu nhằm giúp xây dựng năng lực phòng ngừa và ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh. Và như chúng ta đã được nhắc nhở trong thời gian gần đây, mối đe dọa sức khỏe cộng đồng ở bất cứ nơi nào cũng là mối nguy hiểm cho khắp mọi nơi, và như vậy các nước cần phải phối hợp cùng nhau nếu muốn bảo vệ phúc lợi của nhân dân chúng ta. Cần có sự hợp tác – dịch bệnh không phân biệt biên giới, dịch bệnh có thể lây lan trên khắp thế giới, chúng đe dọa mọi người và tất cả chúng ta cần phải xây dựng năng lực để có thể ứng phó với dịch bệnh.

Chính phủ hai nước cùng quan tâm đến tự do hàng hải và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình. Hoa Kỳ đã thể hiện rõ rằng chúng tôi không ủng hộ lời tuyên bố chủ quyền của một nước so với nước khác - mà rất ủng hộ quá trình giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế coi tất cả các nước bình đẳng, không thừa nhận những ảnh hưởng hoặc quyền của nước lớn áp đặt quan điểm của nước đó lên các nước nhỏ hơn chỉ vì họ có thể làm thế. Luật pháp quốc tế cũng nói rõ, giải quyết xung đột phải dựa vào việc ai có lập luận tốt hơn, ai được luật pháp đứng về phía mình, chứ không phải ai có quân đội tốt hơn. Đó là một nguyên lý cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực này như đã làm tại các khu vực khác trong những năm qua. Dù lớn hay nhỏ, tất cả các nước cần cố gắng không có những hành động mang tính khiêu khích, gây căng thẳng, dẫn đến quân sự hóa trên biển.

Cuối cùng, như tôi đã nói, quan hệ hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là toàn diện. Ngay cả khi chúng ta tập trung vào tương lai, chúng ta vẫn tiếp tục các hoạt động tìm kiếm chung để giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến số phận của những người Mỹ hoặc người Việt vẫn còn mất tích, và đây là điều mà chúng tôi tiếp tục thực hiện tại các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á. Có lẽ điều đáng chú ý đó là trong yêu cầu tìm kiếm của chúng tôi để giải quyết các vấn đề về tù nhân chiến tranh, binh lính mất tích, cùng với Campuchia và Lào, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những nỗ lực phi thường, toàn diện nhất và đầy đủ để giải trình về những người bị mất và mất tích, và tôi tin rằng đó là tuyên bố cơ bản và quan trọng về những giá trị của hai nước chúng ta. Cuộc tìm kiếm đó sẽ tiếp tục chừng nào còn có manh mối.

Chúng ta cũng đã đạt được dấu mốc quan trọng về khả năng khôi phục những vùng đất bị nhiễm chất dioxin ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng lân cận Căn cứ Không quân Đà Nẵng, cũng như tìm kiếm và loại bỏ các vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến. Điều đáng ghi nhớ là đó là chính nỗ lực chung của chúng ta trong việc tạo dựng sự thông hiểu về những vấn đề này - những vấn đề xuất phát trực tiếp từ cuộc xung đột đau thương - ban đầu đã phá đi những rào cản của sự ngờ vực vốn chia tách hai đất nước.

Những rào cản của sự ngờ vực và sự hiểu lầm đang dần được gỡ bỏ, và tôi hy vọng các vấn đề khác mà chính phủ hai nước tranh luận trong những năm qua sẽ tiếp tục có những tiến bộ. Chẳng hạn, tôi vui mừng vì chúng ta đã thiết lập cuộc đối thoại trung thực, thực chất và ngày càng hiệu quả về nhân quyền và các quyền tự do dân chủ.

Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do tiếp thu kiến thức và thông tin, và tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của ai đó - đây là những điều thiết yếu. Mỗi quốc gia và mỗi nền văn hóa mang bản sắc riêng, và chúng tôi tôn trọng sự khác biệt về cơ cấu quản trị cơ bản. Nhưng ý tưởng về tự do này được thừa nhận rộng rãi, bắt nguồn từ nhu cầu cơ bản của con người đó là có phẩm giá và được đối xử với sự tôn trọng.

Ở Việt Nam, hiến pháp mới của các bạn nói về dân chủ và cam kết bảo vệ quyền con người. Và trong cuộc nói chuyện của tôi ngày hôm nay với Chủ tịch Sang, ngài Chủ tịch nói rất rõ ràng về tầm quan trọng của điều đó đối với các nhà lãnh đạo của Việt Nam trong việc tôn trọng các quyền của người dân. Họ có và muốn làm vậy. Chính phủ Việt Nam đã cam kết làm luật phù hợp với hiến pháp mới và những chuẩn mực về nhân quyền quốc tế. Các cuộc điều tra độc lập đều cho rằng người Việt có sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với các định chế và các giá trị dân chủ - một đặc điểm chung mà họ chắc chắn có giống như các công dân Hoa Kỳ. Và ngay cả khi chúng ta tôn trọng hệ thống chính trị khác nhau, chúng ta cũng có cơ sở để thảo luận về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ hiến pháp, về các tù nhân chính trị, vai trò của nhà báo, cải cách tư pháp, và tuân thủ các cam kết của chúng ta.

Hoa Kỳ thừa nhận rằng chỉ có người Việt mới có thể quyết định hệ thống chính trị của họ. Và chúng tôi nói với sự khiêm nhường về những vấn đề này, bởi vì như bạn có thể đọc và biết đấy, bản thân chúng tôi cũng đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống của chúng tôi. Nhưng có những nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi sẽ luôn luôn bảo vệ: Không ai có thể bị trừng phạt vì phát ngôn về suy nghĩ của mình miễn là họ ôn hòa; và nếu hàng hoá thương mại lưu thông tự do giữa chúng ta thì thông tin và các ý tưởng cũng phải được như vậy. Và chúng tôi tin rằng sự tiến bộ trong việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người sẽ hoàn toàn phục vụ lợi ích của Việt Nam trên nhiều phương diện.

Trước hết, các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế bảo vệ Việt Nam; Việt Nam thật đúng đắn viện dẫn các điều đó khi lợi ích của mình bị đe dọa. Do đó, như chính phủ Việt Nam đã công nhận, tôn trọng các chuẩn mực và tiêu chuẩn đó là điều quan trọng không có ngoại lệ.

Thứ hai, trao cho người dân những kênh ôn hoà để bày tỏ sự bất bình - cho dù đó là một blogger lật tẩy tham nhũng hoặc một người nông dân than phiền về thu hồi đất - làm giảm nguy cơ người ta tìm đến việc dùng bạo lực và truyền đi thông điệp của họ. Nó sẽ giúp chính phủ bắt kịp với những thay đổi đang xảy ra trên thế giới. Suy cho cùng, hàng triệu người dân Việt Nam đã tự do thể hiện mình trên Facebook rồi; hàng ngàn công nhân Việt Nam đã tự do liên kết để bảo vệ lợi ích của họ rồi - mặc dù đôi khi nguy hiểm. Việc công nhận đầy đủ các quyền này trong luật sẽ làm tăng niềm tin giữa công dân và nhà nước, và giữa người lao động và người sử dụng lao động, tăng cường sự gắn kết và ổn định xã hội.

Cuối cùng là, tiến bộ về nhân quyền và nền pháp trị sẽ tạo nền tảng cho một chiến lược và quan hệ đối tác chiến lược sâu hơn và bền vững hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chỉ các bạn mới có thể quyết định nhịp độ và phương hướng của quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác này. Nhưng tôi chắc chắn các bạn đã nhận thấy rằng các mối quan hệ đối tác gần gũi nhất của Hoa Kỳ trên thế giới là quan hệ với các nước có chung cam kết đối với các giá trị nhất định. Càng có nhiều điểm chung, chúng ta càng dễ thuyết phục người dân để làm sâu sắc thêm các mối quan hệ và hy sinh vì nhau.

Việt Nam và cuộc hành trình chung của chúng ta từ xung đột đến quan hệ hữu nghị thường xuất hiện trong tâm trí tôi khi tôi vật lộn xử lý những thách thức phức tạp mà chúng ta đang phải đối mặt trong thế giới ngày nay - từ xung đột ở Trung Đông đến sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan bạo lực với Daesh, Boko Haram, al-Shabaab, và hàng chục thể loại cực đoan bạo lực khác, và kể cả những nguy hiểm của công nghệ với sự xâm nhập mạng và tiềm ẩn chiến tranh mạng.

Hôm nay việc chúng ta đứng ở đây kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ là bằng chứng cho thấy chúng ta sẽ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Chúng ta có khả năng vượt qua những đau thương, và dùng niềm tin để thay thế cho nghi ngờ và thay thù hận bằng sự tôn trọng lẫn nhau. Hoa Kỳ và Việt Nam một lần nữa đã chứng minh rằng những cựu thù thực sự có thể trở thành đối tác, ngay cả trong thế giới phức tạp mà chúng ta đang đối mặt ngày nay. Và đây cũng là một bài học sâu sắc và kịp thời cho phần còn lại của thế giới.

Khi Tổng thống Clinton công bố quyết định của Hoa Kỳ vào năm 1995, ông đã thực hiện với một sứ mệnh rõ ràng. Nhắc lại lời trong Kinh thánh, ông nói: “Hãy để giây phút này... là lúc để hàn gắn và là lúc để xây dựng mối quan hệ”.

Chúng ta đã mất 20 năm để bình thường hóa quan hệ, thêm 20 năm nữa đề hàn gắn những vết thương và xây dựng quan hệ. Hãy nghĩ đến những gì chúng ta có thể đạt được trong 20 năm tới.

Ngay lúc đầu tôi đã nói với các bạn về những cuộc phiêu lưu bằng xe đạp của Ngài đại sứ của chúng tôi. Vâng, mùa xuân năm nay, ông đã cùng Trợ lý Ngoại trưởng Tom Malinowski và các quan chức của Bộ Ngoại giao Việt Nam tham gia chinh phục đỉnh Fansipan – đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Ông cho tôi biết đó là một chặng đường gian nan với những thách thức như mưa gió, trời u ám và khi leo xuống thì trời đã tối, và cả đoàn suýt bị lạc đường. Nhưng rốt cuộc, tất cả cùng nhau đã chinh phục được đỉnh Fansipan.

Có những sườn dốc nhưng vẫn phải vượt qua, và phải đưa ra những quyết định khó khăn để khai thác hết tiềm năng mối quan hệ đối tác của hai nước. Nhưng chúng ta biết rằng chỉ có bầu trời mới là có giới hạn; với những gì chúng ta đã đạt được, và với nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, bất cứ điều gì - và tất cả mọi thứ - đều có thể thực hiện được.

Đó là minh chứng cho lòng can đảm và sự quyết tâm của cả người Mỹ và người Việt Nam, và là chỉ dấu mạnh mẽ thể hiện rằng – dù không bao giờ quên đi quá khứ, nhưng chúng ta sẽ toàn tâm toàn ý vì một tương lai thịnh vượng, hòa bình, và tự do cho cả hai nước.

Xin cảm ơn các bạn. (vỗ tay)

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: