Biên dịch:Hiến pháp Nhật Bản

(Đổi hướng từ Hiến pháp Nhật Bản)
Hiến pháp Nhật Bản  (1947) 
Chính phủ Nhật Bản và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, do Wikisource dịch từ tiếng Nhật
Hiến pháp Nhật Bản (Nihon-Koku Kenpō, 日本国憲法, Nhật Bản Quốc Hiến pháp) là một văn bản trên luật được thông qua và chính thức có hiệu lực năm 1947, được soạn ra nhằm dọn đường cho một chính quyền đại nghị cũng như cho phép bảo đảm các quyền cơ bản nhất của con người. Theo đó Thiên hoàng là "Biểu tượng của quốc gia, và cho sự hòa hợp của dân tộc", và chỉ có vai trò trong các buổi lễ quan trọng nơi mà ông phục vụ các nghi thức như một người đứng đầu quốc gia nhưng không giữ bất kì quyền lực chính trị nào. Được biết đến với tên "Bản Hiến pháp hòa bình" của Nhật Bản và là một trong các bản Hiến pháp nổi tiếng bằng tuyên bố từ bỏ quyền phát động chiến tranh như được qui định trong Điều 9, và trong chừng mực nào đó, cho phép Nhật Bản theo đuổi một chính quyền pháp trị trong khi duy trì một nền quân chủ (lập hiến).
Trích dẫn từ Hiến pháp Nhật Bản của Wikipedia, bách khoa toàn thư mở.
Hiến pháp nước Nhật Bản
Thông qua: Chiêu Hòa thứ 21 (ngày 3 tháng 11 năm 1946)
Có hiệu lực: Chiêu Hòa thứ 22 (ngày 3 tháng 5 năm 1947)

Sắc lệnh

sửa

Trẫm[1] bày tỏ niềm hân hoan sâu sắc khi nền tảng kiến thiết một nước Nhật Bản mới đã được định ra đúng như ý nguyện của toàn thể quốc dân, nay Trẫm công bố bản tu chính tuân thủ Điều 73 của Hiến pháp Đế quốc[2], đã có hiệu lực sau khi tham vấn Xu mật viện và được thông qua bởi nghị quyết của Nghị viện Hoàng gia.

Ngự danh — Ngự tỉ
Ngày thứ ba của tháng thứ mười một trong năm Chiêu Hòa thứ hai mươi mốt
Thủ tướng Nội các[3] kiêm
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
   Yoshida Shigeru
Bộ trưởng Quốc vụ khanh Nam tước Shidehara Kijūrō
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Kimura Tokutarō
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ōmura Seiichi
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Tanaka Kōtarō
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Wada Hirō
Bộ trưởng Quốc vụ khanh Saitō Takao
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Hitotsumatsu Sadayoshi
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Hoshijima Nirō
Bộ trưởng Bộ Phúc lợi Kawai Yoshinari
Bộ trưởng Quốc vụ khanh Uehara Etsujirō
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hiratsuka Tsunejirō
Bộ trưởng Bộ Tài chính Ishibashi Tanzan
Bộ trưởng Quốc vụ khanh Kanamori Tokujirō
Bộ trưởng Quốc vụ khanh Zen Keinosuke


Hiến pháp nước Nhật Bản

sửa

(Lời nói đầu)

sửa

Chúng ta, những người dân Nhật Bản, nhân danh bởi các nghị sĩ được tuyển cử hợp pháp trong Quốc hội, xác định quyết tâm bảo vệ thành quả hợp tác hòa bình giữa các quốc gia, tôn trọng tự do toàn lãnh thổ cho chính chúng ta và cho cả những thế hệ sau này, kiên quyết không để xảy ra thảm họa chiến tranh như các Chính phủ trước đã tiến hành, khẳng định chủ quyền thuộc về nhân dân, những người soạn thảo bản Hiến pháp này. Chính phủ là nơi nhân dân đặt niềm tin thiêng liêng, được nhân dân trao quyền lực, thay mặt cho nhân dân và hoạt động vì lợi ích của nhân dân. Đó là nguyên tắc phổ quát của nhân loại, là nền tảng của bản Hiến pháp này. Chúng ta sẽ loại bỏ tất cả những bản Hiến pháp, điều luật, mệnh lệnh trái với bản Hiến pháp này.

Nhân dân Nhật Bản mong muốn hòa bình vĩnh viễn, nhận thức sâu sắc về những lý tưởng cao cả chiếm ưu thế tuyệt đối trong mối quan hệ giữa người với người, quyết tâm bảo vệ an ninh và sự sinh tồn của đất nước, tin tưởng vào công lý cũng như tín nghĩa của những dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chúng ta mong muốn có một vị trí vinh dự trên trường quốc tế đang đấu tranh cho hòa bình, tuyệt đối chống lại sự chuyên chế, nô dịch, áp bức cùng sự không khoan dung ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta công nhận quyền được sống trong tự do, không phải chịu đựng sự sợ hãi, thiếu thốn của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Chúng ta hiểu rằng bất kỳ quốc gia nào cũng không được phép chỉ chịu trách nhiệm trước riêng dân tộc mình mà coi thường những luân thường đạo lý mang tính căn bản, vốn đều phải được các quốc gia tôn trọng nếu họ muốn bảo vệ chủ quyền của mình và xây dựng quan hệ bình đẳng với các nước khác là nghĩa vụ của mỗi quốc gia.

Chương I: Thiên hoàng

sửa
Điều 1
Thiên hoàng là biểu tượng của quốc gia Nhật Bản và cho sự hòa hợp dân tộc, địa vị này xuất phát từ ý chí nguyện vọng của người dân Nhật Bản, những người nắm trong tay chủ quyền đất nước.
Điều 2
Ngôi vị Thiên hoàng được kế tục và sự kế vị đó phải phù hợp với Luật Hoàng gia do Quốc hội thông qua.
Điều 3
Mọi hoạt động liên quan đến quốc gia của Thiên hoàng đều cần được tham vấn và phải được Nội các thông qua, và việc này thuộc trách nhiệm của Nội các.
Điều 4
  1. Thiên hoàng chỉ được tiến hành các hoạt động liên quan đến quốc gia theo qui định trong Hiến pháp, Thiên hoàng không có quyền lực trong chính phủ.
  2. Thiên hoàng có thể, căn cứ theo qui định của pháp luật, ủy nhiệm các hoạt động liên quan đến quốc gia cho người khác.
Điều 5
Khi chế độ nhiếp chính được thiết lập theo quy định của Luật Hoàng gia, người nhiếp chính sẽ thực thi trách nhiệm đại diện quốc gia nhân danh Thiên hoàng. Trong trường hợp này, Khoản 1 của Điều trước sẽ có hiệu lực.
Điều 6
  1. Thiên hoàng bổ nhiệm Thủ tướng Nội các theo chỉ định của Quốc hội.
  2. Thiên hoàng bổ nhiệm Chánh Thẩm phán Tòa án Tối cao theo chỉ định của Nội các.
Điều 7
Thiên hoàng, đã được tham vấn và được sự thừa nhận của Nội các, sẽ thay mặt nhân dân thực hiện các hoạt động liên quan đến quốc gia sau đây:
  1. Ban hành các tu chính án Hiến pháp, điều luật, chính lệnh của Nội các và hiệp ước;
  2. Triệu tập Quốc hội;
  3. Giải tán Chúng Nghị viện;
  4. Tuyên bố tiến hành tổng tuyển cử bầu nghị sĩ Quốc hội;
  5. Chứng nhận việc bổ nhiệm hay bãi miễn các Bộ trưởng và viên chức khác, các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và Đại sứ ủy nhiệm căn cứ theo qui định của pháp luật;
  6. Chứng nhận việc đại xá, đặc xá, giảm án, miễn thi hành án và khôi phục quyền công dân;
  7. Ban thưởng;
  8. Chứng nhận việc chuẩn y các hiệp định quốc tế và các văn kiện ngoại giao khác căn cứ theo qui định của pháp luật;
  9. Tiếp đón các Đại sứ và các Bộ trưởng nước ngoài;
  10. Cử hành nghi lễ.
Điều 8
Nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản của Quốc hội, việc sang nhượng tài sản trong Hoàng gia hay việc Hoàng gia tiếp nhận tài sản, tặng phẩm đều không được phép.

Chương II: Giải trừ chiến tranh

sửa
Điều 9
  1. Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực.
  2. Để thực hiện các mục tiêu của Khoản trước, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.

Chương III: Quyền và nghĩa vụ của công dân

sửa
Điều 10
Điều kiện để trở thành công dân Nhật Bản được qui định bởi pháp luật.
Điều 11
Công dân không bị ngăn cản khi thụ hưởng các quyền cơ bản của con người. Những quyền lợi đó là vĩnh viễn, bất khả xâm phạm dành cho công dân ở thế hệ hiện tại và cả thế hệ tương lai, và được bảo đảm bởi Hiến pháp này.
Điều 12
Quyền tự do và những quyền lợi được ghi trong Hiến pháp được bảo đảm cho công dân này phải được tất cả công dân bảo vệ. Công dân không được lạm dụng những điều này vì mục đích riêng và phải có trách nhiệm sử dụng chúng vì lợi ích chung của cộng đồng ở mọi thời điểm.
Điều 13
Tất cả công dân đều được tôn trọng với tư cách cá nhân. Quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của công dân, miễn là không đi ngược lại với lợi ích chung của cộng đồng, phải được tôn trọng tối đa trong hoạt động lập pháp cũng như trong hoạt động khác của Chính phủ.
Điều 14
  1. Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hay lai lịch bản thân trong tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế.
  2. Giai cấp quý tộc hay chức tước quý tộc khác không được công nhận.
  3. Việc ban tặng phần thưởng danh dự, huân chương không tuân theo bất kì đặc quyền nào. Sự ban thưởng đối với một người chỉ có hiệu lực vào thế hệ hiện tại của người đó hoặc người đó sẽ được nhận trong tương lai.
Điều 15
  1. Việc lựa chọn hay bãi miễn các công chức, viên chức là quyền cố hữu của công dân.
  2. Các công chức, viên chức phục vụ cả cộng đồng chứ không phải phục vụ riêng cho một bộ phận nào trong cộng đồng.
  3. Việc bầu cử công chức, viên chức được bảo đảm bằng phổ thông đầu phiếu dành cho người đến tuổi thành niên.
  4. Nguyên tắc bỏ phiếu kín trong mọi cuộc bầu cử không được phép xâm phạm. Cử tri không cần chịu trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm công sau sự lựa chọn của mình.
Điều 16
Tất cả công dân đều có quyền khiếu nại để đòi bồi thường thiệt hại, bãi miễn các công chức, viên chức, kiến nghị áp dụng, hủy bỏ, sửa chữa mệnh lệnh, qui tắc hành chính hay khiếu nại trong các lĩnh vực khác, không ai bị phân biệt đối xử vì đã đưa ra các kiến nghị này.
Điều 17
Khi bị thiệt hại vì bất kỳ hành vi bất hợp pháp của công chức, viên chức, bất cứ ai cũng đều có quyền khiếu nại để được Nhà nước hoặc tổ chức công cộng bồi thường theo qui định của pháp luật.
Điều 18
Không ai bị đối xử theo kiểu nô lệ dưới bất cứ hình thức nào. Sự khổ sai trái với ý muốn của họ, trừ trường hợp là hình phạt của trọng tội, bị ngăn cấm.
Điều 19
Quyền tự do tư tưởng và tự do lương tâm là bất khả xâm phạm.
Điều 20
  1. Quyền tự do tín ngưỡng được bảo đảm cho tất cả mọi người. Không đoàn thể tôn giáo nào có thể tiếp nhận đặc ân của Nhà nước hay được trao quyền lực chính trị.
  2. Không ai bị ép buộc tham gia các hoạt động tôn giáo, lễ hội, nghi lễ hoặc tu tập.
  3. Chính phủ và các cơ quan Nhà nước không được phép tiến hành nền giáo dục mang tính tôn giáo và các hoạt động tôn giáo khác.
Điều 21
  1. Quyền tự do tụ họp, tự do ngôn luận, báo chí và mọi hình thức tự do biểu đạt khác đều được bảo đảm.
  2. Không được phép kiểm duyệt. Sự bảo mật trong truyền đạt thông tin được bảo đảm.
Điều 22
  1. Miễn là không đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng, tất cả công dân đều có quyền tự do cư trú, đi lại và lựa chọn nghề nghiệp.
  2. Không được phép ngăn cản bất cứ ai xuất ngoại hoặc từ bỏ quốc tịch.
Điều 23
Quyền tự do học thuật được bảo đảm.
Điều 24
  1. Hôn nhân được dựa trên sự đồng ý của cả hai giới và phải được duy trì dựa trên sự hợp tác qua lại mang tính bình đẳng về quyền lợi của vợ và chồng.
  2. Pháp luật liên quan đến sự lựa chọn vợ chồng, quyền tư hữu, thừa kế, lựa chọn nơi cư trú, li hôn và mọi vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình phải được xây dựng dựa trên sự bình đẳng giữa hai giới và tôn trọng phẩm giá cá nhân.
Điều 25
  1. Tất cả công dân đều có quyền hưởng mức sống tối thiểu lành mạnh và có giáo dục.
  2. Nhà nước, trong tất cả các phương diện của cuộc sống, phải nỗ lực nâng cao và xúc tiến hệ thống phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và y tế công cộng.
Điều 26
  1. Căn cứ theo qui định của pháp luật, tất cả công dân đều có quyền hưởng một nền giáo dục bình đẳng và phù hợp với khả năng.
  2. Căn cứ theo qui định của pháp luật, tất cả công dân có nghĩa vụ bảo đảm cho tất cả con trai, tất cả con gái dưới sự bảo hộ của họ được tiếp nhận giáo dục phổ thông. Nghĩa vụ giáo dục đó được miễn phí.
Điều 27
  1. Tất cả công dân đều có quyền và nghĩa vụ lao động.
  2. Các tiêu chuẩn về lương bổng, giờ làm, thời gian nghỉ ngơi và các điều kiện lao động khác được qui định bởi pháp luật.
  3. Bóc lột trẻ em là phạm pháp.
Điều 28
Quyền đoàn kết và thương thuyết tập thể cùng các hoạt động tập thể khác của người lao động được bảo đảm.
Điều 29
  1. Quyền tư hữu là bất khả xâm phạm.
  2. Quyền tư hữu phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng căn cứ theo qui định của pháp luật.
  3. Tài sản cá nhân chỉ được trưng dụng vì mục đích công cộng khi được bồi thường chính đáng.
Điều 30
Căn cứ theo qui định của pháp luật, tất cả công dân đều có nghĩa vụ đóng thuế.
Điều 31
Không ai bị tước bỏ quyền sống, quyền tự do hay phải chịu các hình phạt hình sự trừ khi bị xét xử theo thủ tục tố tụng được qui định bởi pháp luật.
Điều 32
Không ai bị tước quyền tiếp cận tòa án.
Điều 33
Trừ trường hợp bị bắt quả tang, không ai bị bắt giữ khi không có lệnh của viên chức tư pháp có thẩm quyền trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội.
Điều 34
Không ai bị bắt nếu không được thông báo ngay lập tức lý do và không có ủy nhiệm luật sư. Không ai bị giam nếu không có chứng cớ xác đáng, và nếu có yêu cầu của người đó, những lý do này phải được đưa ra công khai tại phiên tòa với sự tham gia của luật sư và bản thân người đó ngay lập tức.
Điều 35
  1. Quyền không tiếp nhận sự điều tra, thu giữ đối với nhà cửa, tài liệu và của cải của tất cả các công dân được bảo đảm, nếu như không dựa trên lý do chính đáng và có lệnh của tòa án trình bày rõ lý do, các vật cần thu hồi cùng nơi cần điều tra thì không được xâm hại quyền lợi này trừ trường hợp quy định tại Điều 33.
  2. Mọi lệnh khám xét, tịch thu được thực thi theo từng lệnh riêng lẽ do viên chức tư pháp có thẩm quyền ban hành.
Điều 36
Sự nhục hình dã man hay tra tấn đến từ các công chức, viên chức bị tuyệt đối nghiêm cấm.
Điều 37
  1. Trong các trường hợp gây án hình sự, bị cáo được tiếp cận cách xét xử nhanh chóng và công khai bởi một phiên tòa công minh.
  2. Bị cáo hình sự được cung cấp đầy đủ cơ hội đối chất với các nhân chứng, có quyền yêu cầu mang tính cưỡng chế nhân chứng ra trước tòa để bênh vực mình, mọi chi phí và sự đi lại hầu tòa của nhân chứng do quốc gia đài thọ.
  3. Bị cáo hình sự trong mọi trường hợp đều được quyền ủy nhiệm luật sư bào chữa. Nếu bị cáo không thể tự mình ủy nhiệm luật sư thì Nhà nước sẽ thực hiện việc này.
Điều 38
  1. Không ai bị bắt buộc đưa ra lời khai chống lại chính bản thân.
  2. Những lời khai do bị cưỡng ép, tra tấn, đe dọa hay do việc bắt giữ, giam cầm trong thời gian dài không thể xem là bằng chứng.
  3. Không ai bị kết án hay chịu hình phạt hình sự trong trường hợp chứng cứ buộc tội bị cáo chỉ dựa trên lời khai của bản thân bị cáo.
Điều 39
Không ai phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi được coi là hợp pháp hoặc đã được xử trắng án vào thời điểm thực hiện. Cùng một tội trạng không bị xem xét trách nhiệm hình sự nhiều lần.
Điều 40
Bất cứ ai sau khi bị bắt giữ, giam cầm mà được xét xử là vô tội đều có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường theo qui định của pháp luật.

Chương IV: Quốc hội

sửa
Điều 41
Quốc hội[4] là cơ quan có quyền lực cao nhất của Nhà nước, cũng là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của đất nước.
Điều 42
Quốc hội có hai Nghị viện là Chúng Nghị viện[5] và Tham Nghị viện.[6]
Điều 43
  1. Cả hai Nghị viện đều được tổ chức bởi các nghị sĩ lập pháp được bầu đại diện cho toàn thể nhân dân của đất nước.
  2. Số nghị sĩ cố định của hai Nghị viện được qui định bởi pháp luật.
Điều 44
Tư cách ứng cử nghị sĩ hai Nghị viện và cử tri được qui định bởi pháp luật. Tuy nhiên, không được phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội, lý lịch gia đình, giáo dục, tài sản và thu nhập.
Điều 45
Nhiệm kỳ của nghị sĩ Chúng Nghị viện là bốn năm. Tuy nhiên, trong trường hợp Chúng Nghị viện bị giải tán, nhiệm kỳ sẽ kết thúc trước thời hạn đó.
Điều 46
Nhiệm kỳ của nghị sĩ Tham Nghị viện là sáu năm, cứ ba năm một lần sẽ bầu lại một nửa số nghị sĩ.
Điều 47
Khu vực bỏ phiếu, thủ tục bỏ phiếu và các nội dung khác liên quan đến bầu cử nghị sĩ của hai Nghị viện được qui định bởi pháp luật.
Điều 48
Không ai được kiêm nhiệm chức vụ nghị sĩ ở cả hai Nghị viện.
Điều 49
Nghị sĩ của hai Nghị viện được hưởng lương bổng tương xứng từ ngân sách Nhà nước căn cứ theo qui định của pháp luật.
Điều 50
Trừ trường hợp được qui định bởi pháp luật, nghị sĩ của hai Nghị viện không bị bắt giữ trong kỳ họp của Quốc hội, những nghị sĩ nào bị bắt giữ trước khi khai mạc kỳ họp sẽ được phóng thích trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp nếu được Nghị viện yêu cầu.
Điều 51
Nghị sĩ của hai Nghị viện không phải chịu trách nhiệm khi ra ngoài vì những diễn thuyết, thảo luận hay biểu quyết bên trong Nghị viện.
Điều 52
Phiên họp thường kỳ của Quốc hội được triệu tập mỗi năm một lần.
Điều 53
Nội các có quyền quyết định triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội. Khi có yêu cầu từ trên một phần tư tổng số nghị sĩ của hai Nghị viện, Nội các phải đưa ra quyết định triệu tập của mình.
Điều 54
  1. Khi Chúng Nghị viện bị giải tán, trong vòng bốn mươi ngày tính từ ngày giải tán phải tổ chức tổng tuyển cử bầu nghị sĩ Chúng Nghị viện, và trong vòng ba mươi ngày tính từ ngày tuyển cử, Quốc hội phải được triệu tập.
  2. Khi Chúng Nghị viện bị giải tán, Tham Nghị viện cũng phải giải tán cùng lúc. Tuy nhiên, trong trường hợp đất nước có nhu cầu cấp thiết, Nội các có quyền yêu cầu triệu tập khẩn cấp Tham Nghị viện.
  3. Biện pháp áp dụng triệu tập khẩn cấp ở Khoản trước chỉ có tính tạm thời, sẽ trở nên vô hiệu nếu không có sự đồng ý của Chúng Nghị viện trong vòng mười ngày tính từ ngày khai mạc Quốc hội khóa mới.
Điều 55
Hai Nghị viện đều có thẩm quyền tài phán trong những vụ tố cáo liên quan đến tư cách nghị sĩ của mỗi Nghị viện. Tuy nhiên, quyết định loại bỏ tư cách nghị sĩ phải thông qua một nghị quyết lấy đa số với sự nhất trí của trên hai phần ba số nghị sĩ có mặt.
Điều 56
  1. Mỗi Nghị viện nếu không có trên một phần ba tổng số nghị sĩ có mặt thì không thể tiến hành nghị sự và đưa ra nghị quyết.
  2. Nghị sự của hai Nghị viện, trừ trường hợp đặc biệt được qui định trong Hiến pháp này, được thông qua dựa trên sự đồng ý của quá nửa số nghị sĩ tham dự, trong trường hợp số nghị sĩ của hai bên đối lập bằng nhau, Nghị trưởng sẽ là người đưa ra quyết định.
Điều 57
  1. Các cuộc họp của hai Nghị viện phải được tiến hành công khai. Tuy nhiên, nếu đã thông qua một nghị quyết lấy đa số với sự nhất trí của hai phần ba số nghị sĩ, cuộc họp kín có thể tiến hành.
  2. Hai Nghị viện phải ghi lại biên bản các cuộc họp, trừ trường hợp biên bản của cuộc họp kín đã được yêu cầu là cần phải bí mật, còn lại phải công bố và phân phát rộng rãi.
  3. Nếu có sự yêu cầu từ trên một phần năm số nghị sĩ tham dự, biên bản họp phải ghi lại chi tiết biểu quyết của từng nghị sĩ.
Điều 58
  1. Hai Nghị viện tự lựa chọn Nghị trưởng và các viên chức khác cho riêng mình.
  2. Hai Nghị viện tự thiết lập nên các qui tắc đối với các cuộc họp, các thủ tục và luật định nội bộ cho riêng mình, ngoài ra, những nghị sĩ có hành vi gây mất trật tự trong Nghị viện sẽ bị kỷ luật. Tuy nhiên, để đưa một nghị sĩ ra ngoài, cần phải thông qua một nghị quyết lấy đa số với sự nhất trí của trên hai phần ba số nghị sĩ có mặt.
Điều 59
  1. Dự luật sẽ trở thành pháp luật khi đã được cả hai Nghị viện thông qua, trừ trường hợp đặc biệt được qui định trong Hiến pháp này.
  2. Dự luật đã được Chúng Nghị viện thông qua, nhưng Tham Nghị viện lại đưa ra nghị quyết khác, sẽ trở thành pháp luật nếu được Chúng Nghị viện tái thông qua với sự tán thành đa số của trên hai phần ba số nghị sĩ có mặt.
  3. Qui định ở Khoản trước là căn cứ theo qui định của pháp luật, Chúng Nghị viện không bị cản trở trong việc xúc tiến cuộc họp giữa hai Nghị viện.
  4. Tham Nghị viện sau khi tiếp nhận dự luật đã được Chúng Nghị viện thông qua mà không đưa ra nghị quyết trong vòng sáu mươi ngày trừ khoảng thời gian Quốc hội đang trong kỳ nghỉ, thì Chúng Nghị viên sẽ xem như Tham Nghị viện đã phủ quyết dự luật đó.
Điều 60
  1. Dự toán ngân sách phải được trình lên Chúng Nghị viện trước tiên.
  2. Đối với dự toán ngân sách, trong trường hợp Tham Nghị viện đưa ra nghị quyết khác với Chúng Nghị viện, căn cứ theo qui định của pháp luật, nếu hai Nghị viện sau khi họp vẫn không thống nhất ý kiến, hoặc Tham Nghị viện sau khi tiếp nhận dự toán ngân sách đã được Chúng Nghị viện thông qua mà không đưa ra nghị quyết trong vòng ba mươi ngày trừ khoảng thời gian Quốc hội đang trong kỳ nghỉ, thì nghị quyết của Chúng Nghị viện trở thành nghị quyết của Quốc hội.
Điều 61
Qui định ở đoạn 2 của Điều trước cũng được áp dụng khi cần thiết một sự thừa nhận của Quốc hội trong việc kí kết hiệp ước.
Điều 62
Hai Nghị viện có thể tiến hành các cuộc điều tra độc lập liên quan đến Chính phủ, và có thể yêu cầu sự có mặt của các nhân chứng, lấy lời khai của họ cũng như kiểm tra các hồ sơ khác.
Điều 63
Thủ tướng Nội các và các Bộ trưởng, cho dù có là nghị sĩ ở một trong hai Nghị viện hay không, bất kỳ lúc nào cũng có thể tham dự Nghị viện để phát biểu về dự luật. Ngoài ra, khi được yêu cầu tham dự để trả lời chất vấn hay giải trình, họ phải có mặt.
Điều 64
  1. Quốc hội lựa chọn những nghị sĩ của hai Nghị viện để thiết lập một tòa án luận tội, trong đó xét xử các Thẩm phán bị truy tố bãi miễn.
  2. Các nội dung liên quan đến tòa án luận tội này được qui định bởi pháp luật.

Chương V: Nội các

sửa
Điều 65
Nội các là cơ quan nắm giữ quyền hành pháp.
Điều 66
  1. Nội các, căn cứ theo qui định của pháp luật, bao gồm Thủ tướng Nội các là người đứng đầu và các Bộ trưởng.
  2. Thủ tướng Nội các và các Bộ trưởng phải là công chức dân sự.
  3. Nội các có trách nhiệm phối hợp với Quốc hội trong việc thực thi quyền hành pháp.
Điều 67
  1. Thủ tướng Nội các được Quốc hội chỉ định trong số những nghị sĩ Quốc hội sau khi thông qua một nghị quyết. Sự chỉ định này được tiến hành trước nhất so với mọi công việc còn lại.
  2. Trong trường hợp Tham Nghị viện đưa ra nghị quyết khác với Chúng Nghị viện, căn cứ theo qui định của pháp luật, nếu hai Nghị viện sau khi họp vẫn không thống nhất ý kiến, hoặc Tham Nghị viện sau khi tiếp nhận dự toán ngân sách đã được Chúng Nghị viện thông qua mà không đưa ra nghị quyết trong vòng mười ngày trừ khoảng thời gian Quốc hội đang trong kỳ nghỉ, thì nghị quyết của Chúng Nghị viện trở thành nghị quyết của Quốc hội.
Điều 68
  1. Thủ tướng Nội các bổ nhiệm các Bộ trưởng. Tuy nhiên, trên một nửa số Bộ trưởng phải được tuyển chọn trong những nghị sĩ Quốc hội.
  2. Thủ tướng Nội các có quyền bãi miễn các Bộ trưởng.
Điều 69
Toàn thể Nội các phải từ chức khi bị Chúng Nghị viện thông qua nghị quyết bất tín nhiệm hoặc phủ quyết nghị quyết tín nhiệm mà trong vòng mười ngày Chúng Nghị viện không giải tán.
Điều 70
Toàn thể Nội các phải từ chức khi bị thiếu Thủ tướng Nội các hay khi Quốc hội được triệu tập lần đầu sau cuộc tổng tuyển cử bầu nghị sĩ Chúng Nghị viện.
Điều 71
Trong trường hợp được đề cập ở hai Điều trước thì Nội các tiếp tục đảm nhận chức năng của mình cho đến khi Thủ tướng Nội các mới được bổ nhiệm.
Điều 72
Thủ tướng Nội các thay mặt Nội các trình lên dự luật trước Quốc hội, thông báo trước Quốc hội các công việc đối nội thông thường và tình hình đối ngoại của quốc gia, đồng thời chỉ huy giám sát từng cơ quan hành pháp.
Điều 73
Nội các, ngoài hoạt động hành pháp thông thường, còn thực hiện các hoạt động sau đây:
  1. Thực thi pháp luật một cách công bằng, điều hành các công việc của quốc gia;
  2. Xử lí quan hệ ngoại giao;
  3. Kí kết các hiệp ước. Tuy nhiên, cần thiết một sự thừa nhận của Quốc hội trước khi kí hoặc sau khi kí tùy vào hoàn cảnh;
  4. Thực thi các công việc dân sự căn cứ theo tiêu chuẩn được qui định bởi pháp luật;
  5. Xây dựng dự toán ngân sách để trình lên Quốc hội;
  6. Chế định những chính lệnh nhằm thực thi Hiến pháp này và qui định của pháp luật. Tuy nhiên trong những chính lệnh này, trừ trường hợp được sự ủy nhiệm đặc biệt của pháp luật, không được phép đặt ra các điều phạt;
  7. Quyết định đại xá, đặc xá, giảm án, miễn thi hành án và khôi phục quyền công dân.
Điều 74
Tất cả điều luật và chính lệnh phải do Bộ trưởng kí, đồng thời cần phải được sự phê chuẩn của Thủ tướng Nội các.
Điều 75
Các Bộ trưởng đang trong nhiệm kỳ sẽ không bị truy tố nếu không có sự đồng ý của Thủ tướng Nội các. Tuy nhiên, việc này không khiến cho quyền truy tố bị xâm hại.

Chương VI: Tư pháp

sửa
Điều 76
  1. Tất cả quyền tư pháp thuộc về Tòa án Tối cao và các Tòa án cấp dưới được thiết lập theo qui định của pháp luật.
  2. Không được phép thành lập tòa án đặc biệt. Không cơ quan hành pháp nào được phép tiến hành các hoạt động xét xử như một cơ quan tư pháp cuối cùng.
  3. Tất cả Thẩm phán tiến hành các hoạt động một cách độc lập theo lương tâm, chỉ tuân thủ Hiến pháp này và luật pháp.
Điều 77
  1. Tòa án tối cao có quyền qui định về các nội dung liên quan tới thủ tục tố tụng, luật sư, các qui tắc nội bộ của tòa án hay xử lý công việc hành chính tư pháp.
  2. Công tố viên phải tuân thủ các qui định của Tòa án Tối cao.
  3. Tòa án Tối cao có thể ủy nhiệm cho các Tòa án cấp dưới quyền hạn xác lập các qui tắc liên quan đến Tòa án cấp dưới.
Điều 78
Thẩm phán không bị bãi miễn, trừ trường hợp bị tố cáo công khai hoặc được xác định bị tổn hại về thể xác và tinh thần không thể tiến hành công việc. Không cơ quan hành pháp nào được phép kỷ luật Thẩm phán.
Điều 79
  1. Tòa án Tối cao được cấu thành bởi một Chánh Thẩm phán và các Thẩm phán khác với số lượng theo qui định của pháp luật, và trừ Chánh Thẩm phán, các Thẩm phán khác do Nội các bổ nhiệm.
  2. Việc bổ nhiệm các Thẩm phán của Tòa án Tối cao phải được nhân dân Nhật Bản thẩm tra tại cuộc tổng tuyển cử bầu nghị sĩ Chúng Nghị viện đầu tiên sau khi bổ nhiệm, và việc này được thẩm tra một lần nữa vào cuộc tổng tuyển cử bầu nghị sĩ Chúng Nghị viện đầu tiên sau đó mười năm, và về sau cũng được tiến hành tương tự.
  3. Trong trường hợp của Khoản trước, khi đa số cử tri nhất trí bãi miễn một Thẩm phán thì Thẩm phán đó sẽ bị bãi miễn.
  4. Nội dung thẩm tra được qui định bởi pháp luật.
  5. Các Thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ nghỉ hưu khi đến hạn tuổi được qui định bởi pháp luật.
  6. Các Thẩm phán Tòa án Tối cao được hưởng mức thù lao tương xứng theo định kỳ. Không được phép cắt giảm số thù lao này trong suốt nhiệm kỳ của Thẩm phán.
Điều 80
  1. Các Thẩm phán của các Tòa án cấp dưới do Nội các bổ nhiệm theo danh sách chỉ định của Tòa án Tối cao. Các Thẩm phán có nhiệm kỳ mười năm và có thể tái bổ nhiệm. Tuy nhiên, khi đến hạn tuổi được qui định bởi pháp luật thì phải nghỉ hưu.
  2. Các Thẩm phán của các Tòa án cấp dưới được hưởng mức thù lao tương xứng theo định kỳ. Không được phép cắt giảm số thù lao này trong suốt nhiệm kỳ của Thẩm phán.
Điều 81
Tòa án Tối cao là tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng xác định các điều luật, mệnh lệnh, qui tắc, quyền hạn phân xử có phù hợp với Hiến pháp hay không.
Điều 82
  1. Việc xét xử và đưa ra phán quyết của tòa án phải thực thi ở phiên tòa công khai.
  2. Khi tất cả Thẩm phán nhất trí rằng việc công khai phiên tòa sẽ gây hại cho trật tự công cộng và ảnh hưởng đạo đức thì có thể tiến hành xét xử kín. Tuy nhiên, việc xét xử các vụ án về tội phạm chính trị, tội phạm xuất bản hay liên quan đến quyền lợi của công dân được bảo đảm ở Chương III của Hiến pháp này phải luôn luôn thực thi ở phiên tòa công khai.

Chương VII: Tài chính

sửa
Điều 83
Quyền hạn xử lí tài chính quốc gia phải được thực thi dựa trên nghị quyết của Quốc hội.
Điều 84
Khi thu thuế mới, hay sửa thuế hiện hành, phải tuân thủ điều kiện được qui định bởi pháp luật.
Điều 85
Khi chi ngân sách quốc gia, hay khi Nhà nước đảm nhận việc chi trả, cần phải dựa trên nghị quyết của Quốc hội.
Điều 86
Nội các phải xây dựng dự toán ngân sách hàng năm để trình lên trước Quốc hội, tiếp nhận sự kiểm tra và nghị quyết của Quốc hội.
Điều 87
  1. Để bù đắp sự thiếu hụt về ngân sách khó định trước, Nội các lập ra một khoản phí dự bị dựa trên nghị quyết của Quốc hội, và có trách nhiệm trong việc chi khoản phí này.
  2. Việc chi khoản phí dự bị này của Nội các phải được Quốc hội chấp thuận sau khi chi.
Điều 88
Tất cả tài sản của Hoàng gia thuộc về đất nước. Mọi chi phí dành cho Hoàng gia được tính toán dựa trên dự toán ngân sách và phải được Quốc hội đưa ra nghị quyết.
Điều 89
Không khoản tiền công hay tài sản công nào được phép chi trả cho việc sử dụng, làm lợi hay duy trì các đoàn thể, tổ chức tôn giáo hoặc bất cứ công việc từ thiện, giáo dục nào không thuộc thẩm quyền công.
Điều 90
  1. Quyết toán thu chi hàng năm của quốc gia được Ủy ban Kiểm toán kiểm tra, Nội các vào năm tiếp theo sẽ công bố bản báo cáo về sự kiểm tra này, đồng thời trình nó lên trước Quốc hội.
  2. Việc tổ chức và quyền hạn của Ủy ban Kiểm toán này được qui định bởi pháp luật.
Điều 91
Nội các theo định kỳ ít nhất mỗi năm một lần phải báo cáo tình hình tài chính quốc gia trước Quốc hội và toàn thể nhân dân.

Chương VIII: Quyền tự trị địa phương

sửa
Điều 92
Việc tổ chức các cộng đồng tự trị địa phương và các nội dung liên quan đến điều hành, dựa trên nguyên tắc tự trị của cộng đồng địa phương, được qui định bởi pháp luật.
Điều 93
  1. Các cộng đồng tự trị địa phương, căn cứ theo qui định của pháp luật, thiết lập nên Nghị hội với tư cách là cơ quan nghị sự.
  2. Người đứng đầu cộng đồng tự trị địa phương, nghị viên của Nghị hội[7] và các viên chức khác, căn cứ theo qui định của pháp luật, được người dân ở cộng đồng tự trị địa phương đó bầu cử trực tiếp.
Điều 94
Cộng đồng tự trị địa phương có thẩm quyền quản lí tài sản, xử lí công việc, thực thi hành pháp và chế định các điều lệ của mình trong phạm vi pháp luật.
Điều 95
Điều luật đặc biệt chỉ áp dụng cho riêng một cộng đồng tự trị địa phương, căn cứ theo qui định của pháp luật, nếu như không nhận được được quá nửa số phiếu tán thành của người dân sống tại cộng đồng tự trị địa phương đó, thì Quốc hội không thể chế định.

Chương IX: Tu chính án

sửa
Điều 96
  1. Tu chính án Hiến pháp[8] này phải được trên hai phần ba số nghị sĩ của từng Nghị viện tán thành, Quốc hội đưa ra nghị quyết trình trước toàn thể nhân dân và phải được nhân dân thừa nhận. Sự thừa nhận này cần hơn một nửa số phiếu tán thành của nhân dân trong cuộc trưng cầu dân ý đặc biệt hoặc trong cuộc bỏ phiếu tuyển cử đặc biệt do Quốc hội ấn định.
  2. Khi Tu chính án Hiến pháp đã được nhân dân thừa nhận căn cứ theo qui định ở Khoản trước, Thiên hoàng, thay mặt nhân dân, sẽ công bố ngay lập tức như một bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiến pháp này.

Chương X: Pháp qui tối cao

sửa
Điều 97
Những quyền lợi cơ bản của con người được bảo đảm cho toàn thể nhân dân Nhật Bản bởi Hiến pháp này, là thành quả nỗ lực giành lấy tự do trải qua nhiều thời đại của nhân loại, vì vậy những quyền lợi này vốn đã tồn tại bền lâu qua nhiều thử thách, được trao vĩnh viễn, bất khả xâm phạm dành cho công dân ở thế hệ hiện tại và cả thế hệ tương lai.
Điều 98
  1. Hiến pháp này là pháp qui tối cao của quốc gia, vì vậy tất cả điều luật, mệnh lệnh, sắc chỉ hay một phần hoặc toàn bộ các hành vi trái với Hiến pháp đều không có hiệu lực.
  2. Các điều luật mà Chính phủ Nhật Bản kí hay các pháp qui quốc tế được xác lập phải tuân thủ trung thực Hiến pháp này.
Điều 99
Thiên hoàng, người nhiếp chính và các Bộ trưởng quốc gia, các nghị sĩ Quốc hội, các Thẩm phán cùng các công chức khác có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp này.

Chương XI: Điều khoản bổ sung

sửa
Điều 100
  1. Hiến pháp này có hiệu lực sau sáu tháng tính từ ngày công bố.
  2. Để Hiến pháp này có hiệu lực, việc chế định điều luật, bầu cử nghị sĩ Tham Nghị viện, thủ tục triệu tập Quốc hội và thủ tục chuẩn bị cần thiết cho việc thực thi Hiến pháp này có thể được tiến hành trước thời hạn ấn định ở Khoản trước.
Điều 101
Khi Hiến pháp này có hiệu lực mà Tham Nghị viện chưa thành lập, cho đến khi Tham Nghị viện được thành lập xong, Chúng Nghị viện sẽ có quyền hạn với tư cách là Quốc hội.
Điều 102
Trong số các nghị sĩ của Tham Nghị viện khóa thứ nhất theo Hiến pháp này, một nửa số nghị sĩ sẽ có nhiệm kỳ ba năm. Các nghị sĩ này được xác định căn cứ theo qui định của pháp luật.
Điều 103
Vào thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, các Bộ trưởng quốc gia, các nghị sĩ Chúng Nghị viện, các Thẩm phán cùng các công chức đương nhiệm, ở những vị trí được Hiến pháp này công nhận, sẽ không bị mất vị trí tương ứng vì sự hữu hiệu của Hiến pháp này, trừ trường hợp đặc biệt được qui định bởi pháp luật. Tuy nhiên, theo Hiến pháp này, khi người kế nhiệm được tuyển cử hay được bổ nhiệm, thì họ đương nhiên bị mất vị trí.

   




Chú thích

  1. Trẫm: Thiên hoàng Hirohito (Chiêu Hòa).
  2. Hiến pháp Đế quốc: tức Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản, tiền thân của Hiến pháp hiện tại, được Thiên hoàng Minh Trị ban hành và có hiệu lực từ năm 1889 đến năm 1946. Điều 73 của Hiến pháp này quy định các điều kiện để sửa đổi Hiến pháp, cùng chức năng với Điều 96 của Hiến pháp hiện tại, tức bản dịch trên.
  3. Thủ tướng Nội các: nguyên văn là Nội các Tổng lý Đại thần (內閣總理大臣).
  4. Quốc hội (国会 Kokkai): tên tiếng Anh thường dùng trong các phương tiện truyền thông ngoại giao là "National Diet" (Nghị viện Quốc gia).
  5. Chúng Nghị viện (衆議院 Shūgiin): tức Hạ viện, tên tiếng Anh là "House of Representatives".
  6. Tham Nghị viện (参議院 Sangiin): tức Thượng viện, tên tiếng Anh là "House of Councillors".
  7. Nghị hội (議會): hay còn gọi là Hội đồng.
  8. Tu chính án Hiến pháp: tức Sửa đổi Hiến pháp.

   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng, không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền theo Điều 13 Luật Bản quyền Nhật Bản. Điều 13 qui định sẽ không cấp bản quyền cho một công trình thuộc một trong các thể loại sau:

  1. Hiến pháp, pháp luật và điều lệ khác;
  2. thông báo công khai, hướng dẫn, thông tư và các văn bản tương tự ban hành bởi các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức công cộng địa phương, cơ quan hành chính độc lập hoặc cơ quan hành chính độc lập địa phương;
  3. bản án, quyết định, mệnh lệnh, nghị định của tòa án, cũng như phán quyết và bản án được thực hiện bởi các cơ quan chính phủ trong thủ tục tố tụng có tính chất gần tư pháp;
  4. bản dịch và bản biên soạn được phụ trách bởi các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức công cộng địa phương, cơ quan hành chính độc lập hoặc cơ quan hành chính độc lập địa phương của [bất kỳ] tài liệu được liệt kê trong ba mục trước.
 
 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó là một sắc lệnh của chính phủ, địa phương hoặc nước ngoài. Xem § 313.6(C)(2) của Bản trích yếu III: Thực hành Văn phòng Bản quyền. Các tài liệu này bao gồm "đạo luật lập pháp, phán quyết của tòa án, quyết định hành chính, pháp lệnh công cộng, và các văn bản pháp lý chính thức tương tự" cũng như "bất kỳ bản dịch nào do nhân viên chính phủ thực hiện khi đang làm nhiệm vụ chính thức".

Các tài liệu này không bao gồm các tác phẩm của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ, Liên Hiệp Quốc, hoặc bất kỳ cơ quan chuyên môn nào của Liên Hiệp Quốc. Xem Bản trích yếu III § 313.6(C)(2) và 17 U.S.C. 104(b)(5).


 
Một sắc lệnh của chính phủ không phải Hoa Kỳ có thể vẫn có bản quyền ở bên ngoài Hoa Kỳ. Tương tự như {{PVCC-trong-CP Hoa Kỳ}}, Thực hành Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ ở trên không ngăn cản việc các tiểu bang Hoa Kỳ hoặc các địa phương giữ bản quyền ở nước ngoài, tùy theo luật bản quyền nước ngoài và quy định tư pháp.
 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 
 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


 

Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.