ĐOẠN THỨ IV

Bỉ người tục đọc thơ nói lỡm,
Nghe đồn xằng mang tiếng chửa hoang.

Xuân-Hương từ khi nổi tiếng, thù tiếp khách khứa cũng nhiều, nào khi truyện trò ý tứ, xướng họa văn thơ, cũng muốn thử xem có ai là bậc tài-hoa đích đáng, nhưng bấy lâu chửa gặp ai là khách tri-âm. Hôm ấy cả ngày những tiếp khách, chiều tối lại có hai ông cử mới đến chơi. Xuân-Hương mừng vội vàng ra tiếp, lại thấy có ông cử võ người đường trong đến, ba ông cùng ngồi chơi. Hai ông cử nói truyện với nhau thỉnh thoảng lại pha câu chữ.

Ông Giáp nói:

Đại-huynh lâu nay có giai cú gì không?

Ông Ất nói:

— Tôi có tạp vịnh mấy bài, nhưng cũng vị định thảo, xin đại-huynh phủ chính cho.

Ông Giáp nói:

— Không dám, tôi đâu dám lạm bút làm vậy.

Ông cử võ ta thấy hai ông kia ngồi nói truyện chữ nghĩa văn thơ với nhau, mà mình cứ ngồi nín thít, trong bụng tức lắm, mới nói lên rằng:

— Các quang bàng thơ chử của mình mần chi, tui nghe chị Xuân-Hương nầy cũng tài thơ, xin các quang ra mộc bài, cho chị ta mầng nôm thử chơi.

Hai ông kia nói:

— Phải, xin đại-nhân mệnh đề cho.

Ông cử võ ngồi nghĩ ngẩn ngơ mãi, không biết ra bài thơ gì. Xuân-Hương ngồi hầu nước lâu không thấy ông ấy bảo đầu bài, mới tủm tỉm cười, thưa rằng:

— Bẩm quan lớn, dạy vịnh thơ gì, xin ngài phán bảo?

Ông cử võ nói:

— Ừ, hảy thong thả, để ta nghỉ xem vịnh cái mô thú.

Ông ấy lại ngồi nghĩ ngẩn một hồi, Xuân-Hương lại thúc, ông ấy lúng túng không biết bảo sao, không nhẽ mình lại ra nôm, mới cáu lên bảo rằng:

— Dương-vậc thơ!

Xuân-Hương thấy ông ấy có ý tức mình, tưởng rằng ông ấy phát bẳn mà nói làm vậy, không dám nói gì cả, cứ ngồi lặng im.

Ông cử võ lại nói rằng:

— Đầu bài thơ ra rồi đó, phải đọc ứng khẩu liềng thì mới giỏi.

Xuân-Hương nói:

— Bẩm quan lớn, xin ngài hạn vần cho.

Ông cử võ ngồi trông ngơ trông ngẩn, sực trông thấy ở trước án có cái đèn, liền bảo rằng:

— Dương-vật thơ, mà lấy vầng Đèng!

Xuân-Hương theo nhời liền đọc lên rằng:

Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn,
Tối tuy không mắt sáng hơn đèn.
Đầu đội nón da loe chóp đỏ,
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen.

Ông cử võ mới nghe đọc được bốn câu liền bảo rằng:

— Thui... Thui... chị lại nọi xược cã tui hay sao?

Xuân-Hương mỉn cười không dám đọc nữa. Ông cử võ ngồi thẹn đỏ mặt rồi đứng ra về. Hai ông cử kia thấy Xuân-Hương xuất khẩu thành thi, xem chừng không đối đáp nổi, cũng chán truyện giở về nốt.

Khi bấy giờ ở hàng tổng có người đàn bà chửa hoang, phải làng nước ngả vạ, chị em nghe thấy đồn, lắm người lại ngỡ là Xuân-Hương, chê cười mỉa mai eo óc. Xuân-Hương nghĩ cũng thẹn thay cho bạn má-hồng, mới làm bài thơ giải trào, để binh lấy bạn chị em mình, cho khỏi tiếng khôn ba năm dại một giờ, miệng đời mai mỉa.

Thơ rằng:

Cả nể cho nên sự dở dang,
Nỗi niềm, chàng có biết chăng chàng?
Duyên Thiên (天) chưa thấy nhô đầu dọc (夫),
Phận Liễn (了) sao đà nẩy nách ngang (子)?
Cái nghĩa trăm năm, chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối, thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế nhời chênh lệch!
Những kẻ không mà có mấy ngoan!

Xuân-Hương từ khi mang tiếng như vậy, phàm những người khách đến chơi nhảm nhí, nàng ấy cũng không ra thù-tiếp chi nữa.

Một ngày kia, sực có ông quan vào chơi. Xuân-Hương ở nhà trong ngần ngừ, không nhẽ mình lại không ra thù-tiếp quan lớn, mới nghé trông thấy ông ấy hình dung thấp bé, nhỏn nhoẻn như đàn bà, Xuân-Hương nghĩ thầm rằng không biết ông này đỗ đạt gì hay vì cớ gì, mà hình dáng thế mà làm được nên quan, vậy thì ta thử ra tiếp xem ông ấy nhậm chức gì, mới đủng đỉnh bước ra chào mời, thung dung hỏi rằng:

— Thưa bẩm quan lớn, ngài trọng nhậm đâu ta? Nay tôi mới được hầu ngài, chưa rõ.

Ông ấy nói:

— Ta đây là chức Nội-giám, thường phải ra vào coi sóc nơi cung cấm, vậy ít khi ra chơi được.

Xuân-Hương nghe nói, biết rõ ông ấy là quan Thị, mới hỏi bỡn rằng:

— Ngày xưa ông Bái-công thấy mỹ-nữ cung nhà Tần, muốn lưu ở chơi mà không được; nay ngài cũng là ông Bái-công, mà lại được gần gạn các chị cung-tần, thì sướng mắt biết là chừng nào!

Quan Thị nói:

— Ta còn xuân tình chi nữa, mà mong gần các chị; ta chỉ thích nghe giọng thơ nôm của chị mới lại đây.

Xuân-Hương nói:

— Vậy tôi xin tặng quan lớn bài thơ này, xin quan lớn đừng giận, nhé.

Quan Thị gật đầu, Xuân-Hương liền đọc rằng:

Mười hai bà mụ ghét chi nhau,
Đem cái xuân tình vất bỏ đâu?
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve bét mẹ cái ong bầu.
Đố ai đó, biết vông hay chóc?
Còn kẻ nào, hay cuống với đầu?
Thôi thế thời thôi, thôi cũng được.
Nghìn năm càng khỏi tiếng nương dâu.[1]

Quan Thị bật cười và nói rằng:

— Giá mà chị được như ta, thì chị can gì đến nỗi đeo tiếng làm vậy!

Xuân-Hương đáp:

— Quan lớn dạy thế thì tôi cũng đi tu cho rảnh nợ đời.

Khi bấy giờ Xuân-Hương tuổi đã đứng bóng, nghĩ đã chán cả sự đời, muốn tìm nơi am thanh cảnh vắng, để bạn cùng sư vãi cho trọn kiếp tu hành, vậy mới nay đi chùa nọ để nghe câu kinh kệ; mai vãn cảnh kia để đề vịnh văn thơ; một hôm qua chơi chùa Quán-sứ ở thôn An-tập, huyện Thọ-xương, (bây giờ là phố Thợ-nhuộm) thấy phong cảnh vắng teo, mới đề một bài rằng:

Quán sứ sao mà cảnh vắng teo?
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chầy kềnh tiểu để suông không đấm,
Chàng hạt vãi lần đếm lại đeo.
Sáng banh không kẻ khua tang mít,
Trưa trật nào ai móc kẽ rêu.
Cha kiếp đường tu sao lắt léo?
Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo!

Xuân-Hương đề xong, lại đi lên chơi chùa Thầy.


  1. Nương dâu là nơi giai gái hẹn nhau; là nơi dâm bôn nước Trịnh.